Vai trò của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong đời sống tinh thần đồng bào Nam Bộ

THE ROLE OF BỬU SƠN KỲ HƯƠNG RELIGION
IN THE SPIRITUAL LIFE OF THE SOUTHERNER IN VIETNAM

Tác giả bài viết: NGUYỄN PHƯỚC TÀI (Đại học Đồng Tháp)
NGUYỄN THUẬN QUÝ (Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT

     Sự dung hợp giữa văn hóa dân tộc, lòng yêu nước và sự kế thừa giáo lý của các tôn giáo ngoại nhập, nhất là Phật giáo và Nho giáo, là cơ sở cho sự ra đời một số tôn giáo nội sinh tại Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó có đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Những tôn giáo này ra đời đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần cho một bộ phận không nhỏ cư dân Nam Bộ. Bài viết này lý giải thêm về vai trò của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong đời sống tinh thần đồng bào Nam Bộ.

Từ khóa: đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đoàn Minh Huyên, Nam Bộ, tôn giáo nội sinh.

ABSTRACT

     Basing on amalgamation of national culture, patriotism and inheritance of dogmas of exogenous religions, especially Buddhist and Confucian dogmas, some indigenous religions came into the world in the late 19th and the early 20th centuries, including Bửu Sơn Kỳ Hương religion. Indigenous religions have met spiritual need of a part of the Southern inhabitants in Vietnam. This article explains further the role of Bửu Sơn Kỳ Hương in the spiritual life of the Southerner.

Key words: Bửu Sơn Kỳ Hương religion, Đoàn Minh Huyên, South Vietnam, indigenous religion.

x
x x

1. Sơ lược về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

     Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX tại vùng Thất Sơn (nay thuộc tỉnh An Giang). Người sáng lập ra tôn giáo này là ông Đoàn Minh Huyên, sinh năm 1807, mất năm 1856, quê ở Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Về sau, khi ông đến tu tập tại chùa Tây An (núi Sam, Châu Đốc) được tín đồ tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An, gọi tắt là Đức Phật Thầy.

     Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gồm hai đặc trưng cơ bản là báo đáp Tứ Ân với phương pháp học Phật tu Nhân, tùy duyên hóa độ, thực hiện Thiền – Tịnh song tu; và dùng tấm Trần Điều (vải đỏ) làm biểu tượng thờ cúng.

     Tứ ân trong giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gồm: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Nếu thực hiện tốt Tứ ân, con người sẽ trở nên lương thiện, làm tròn bổn phận đối với gia đình, Tổ quốc, Trời Phật và xã hội.

      Để phù hợp với nhận thức và cuộc sống của người dân Nam Bộ, ông Đoàn Minh Huyên đã chú trọng phương thức tu tập kết hợp Thiền tông với Tịnh Độ tông của Phật giáo Việt Nam truyền thống.

“Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca

Thiền môn hứng chí Di Đà lòng chuyên

Nương thuyền Bát Nhã cho yên

Vào non ngũ uẩn tín thiền song tu

Hiếu trung vẹn giữ một câu

Bãi tiên suối hạc cầm câu đợi chờ”(1).

     Bên cạnh pháp môn Thiền – Tịnh, ông Đoàn Minh Huyên muốn gây dựng đức tin nơi dân chúng trong thời kỳ Hạ Nguyên bằng việc sử dụng giáo pháp huyền diệu của Mật tông. Bởi vì, Mật tông là tông phái Phật giáo lấy phép tu trì bí mật làm yếu chỉ. Giáo pháp của Mật tông sử dụng mật ngữ, phù chú và ấn quyết. Giáo pháp này mang lại cho dân chúng sự an lành, thịnh vượng và làm tiêu tan bệnh tật(2). Do đó, trong lúc trị bệnh cho dân chúng, ông thường khuyên mọi người làm lành lánh dữ, trì niệm danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và dùng nước lã, hoa quả, niệm chú trị bệnh.

     Là người đã từng nghiên cứu kinh sách Phật giáo, lại là một nhà yêu nước, nên ông Đoàn Minh Huyên muốn kế thừa tấm gương sáng của các bậc danh tăng thời Lý – Trần, mong ước mở ra một chân trời mới cho sự tự do và giải phóng dân tộc. Hoài bão ấy được thể hiện qua bài thơ Khoán Thủ do ông sáng tác. Ông đã lấy bốn từ đầu của bài thơ này để đặt tên cho tôn giáo của mình:

Bửu Ngọc quân Minh Thiên việt nguyên,

Sơn Trung sứ mạng Địa Nam Tiền,

Kỳ Niên Trạng Tái Tân phục Quốc,

Hương xuất Trình Sinh tạo Nghiệp Yên”(3).

     Cho đến ngày nay, hình ảnh của ông Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy), người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương qua những huyền thoại được truyền miệng vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ phận đông đảo người dân Nam Bộ.

2. Vai trò của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong đời sống tinh thần đồng bào Nam Bộ

     Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương luôn khuyên dạy tín đồ làm lành, lánh dữ, chú trọng sửa mình, trong đó, như đã đề cập, nổi bật nhất là học Phật tu Nhân và báo đáp Tứ ân.

     2.1. Quan niệm về học Phật tu Nhân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

     Mặc dù kế thừa nhiều nội dung từ Phật giáo, nhưng giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lại không diễn giải cao siêu, trừu tượng, mà đơn giản đi rất nhiều để phù hợp với hoàn cảnh và trình độ nhận thức của người dân Nam Bộ.

     Về học Phật: Với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, học Phật được giải thích là học những điều Đức Phật đã dạy và làm những điều Đức Phật đã làm. Để học Phật, các tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phải hành trì theo phép tu của Đức Phật. Mục đích của việc học Phật là giúp tín đồ quay về với cái thiện, lánh xa cái ác, thực hành lối sống giản dị, mong cầu giải thoát.

     Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khuyên tín đồ trong lúc tu hành phải thành tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Bên cạnh đó, nhằm giúp cho tín đồ giữ gìn pháp môn học Phật, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đặt ra ngũ giới cấm, bao gồm: cấm sát sinh, hại người hại vật; cấm tham lam, trộm cắp, hưởng thụ của phi nghĩa, không làm mà hưởng; cấm tà dâm, trụy lạc; cấm rượu chè, hút chích, ma túy, cờ bạc, đàng điếm, mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán; cấm gian dối, vọng ngữ, châm chọc, chia rẽ. Có thể thấy, giới luật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là sự kế thừa từ giới luật Phật giáo, và cũng giống như nhiều phần trong giáo lý của tôn giáo này, được giải thích đơn giản cho phù hợp với con người và xã hội Nam Bộ đương thời.

     Về tu Nhân: Với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, tu Nhân là cơ sở của đạo làm người, là tiền đề giúp con người tự rèn luyện phẩm chất, đức hạnh. Tu Nhân là yêu cầu bắt buộc đối với tín đồ của tôn giáo này. Do đó, ông Đoàn Minh Huyên luôn khuyên tín đồ và dân chúng thực hành Tứ ân để khơi dậy lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; lòng yêu quê hương đất nước; lòng biết ơn Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); lòng yêu thương giữa con người với con người trong xã hội, và mục đích cuối cùng của việc tu hành là sự giải thoát.

     Nếu như phần học Phật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tiếp tu và cải biên từ Phật giáo, thì phần tu Nhân của tôn giáo này tiếp thu và cải biên từ Nho giáo.

     Trong học thuyết của Khổng Tử, “Nhân” được giải thích là đạo làm người ở đời. Con người sống ở đời có nhiều mối quan hệ phức tạp và đa dạng. Khổng Tử đã khái quát sự phức tạp và đa dạng đó thành hai mối quan hệ mang tính chất hỗ tương là: sống với mình và sống với người. Theo đó, con người sống hết lòng hết dạ, phải hiểu chính mình, phải trung thành, đối xử với những người xung quanh như đối với chính bản thân mình.

     Có thể khái quát lại tư tưởng căn bản của Khổng Tử được ông Đoàn Minh Huyên kế thừa đó là khuyên con người sống đúng đạo đức luân lý Nho giáo theo các chuẩn mực Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Trung, Hiếu.

     Tu Nhân là sửa mình theo đạo làm người. Đạo làm người có bốn đức là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Đạo làm người phải theo đạo Trời. Đạo Trời cũng có bốn đức là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nguyên tức là Nhân, đứng đầu các điều thiện; Hanh tức là Lễ, hội hợp các cái đẹp; Lợi tức là Nghĩa, định rõ các phận cho điều hòa; Trinh tức là Trí, giữ vững cái chính để làm gốc mọi sự. Bởi vậy, Khổng Tử nói: “Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố túc dĩ cán sự” (Quân tử lấy nhân làm thể là đủ làm trưởng thành cho người, hợp các cái tốt đẹp là đủ làm cho hợp lễ, lợi cho vạn vật là đủ làm hòa cái nghĩa, biết cái trinh chính mà cố giữ là đủ làm gốc cho mọi sự)(4), hay “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (sửa mình trở lại theo lễ là nhân)(5).

     Do vậy, tu Nhân tức là làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình, với đất nước, với xã hội và với nhân loại. Theo Khổng Tử, chỉ có người nhân mới có thể có được cuộc sống an vui lâu dài với lòng nhân của mình và dẫu có ở vào hoàn cảnh nào cũng có thể yên ổn, thanh thản. Khổng Tử cho rằng: “Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tạo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị” (Bậc quân tử không bao giờ lìa bỏ điều nhân, dẫu chỉ trong một bữa ăn. Người quân tử không bao giờ ở sai điều nhân, dẫu trong lúc vội vàng, khi ngả nghiêng cũng vẫn theo điều nhân).(6)

     Như vậy, có thể nói, quan niệm tu Nhân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là sự kế thừa quan niệm Nhân của Khổng Tử. Tu Nhân ngoài sự sửa đổi bản thân, còn phải biết yêu thương con người. Đây là cách thức để con người hoàn thiện mình.

     2.2. Quan niệm Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

     Tứ ân là căn cốt giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Quan niệm Tứ ân được ông Đoàn Minh Huyên kế thừa từ Phật giáo, nhưng đã Việt hóa nội dung và tên gọi để cho người dân hiểu rõ hơn.

     – Ân tổ tiên cha mẹ (kế thừa từ ân phụ mẫu của Phật giáo): Tục ngữ Việt Nam có câu “Cây có cội, nước có nguồn”, hay “Chim có tổ, người có tông” hàm ý nhắc nhở mọi người phải nhớ về tổ tiên, cha mẹ. Vì cha mẹ là người có công lao to lớn trong việc sinh thành và dưỡng dục chúng ta nên người: “Công cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”. Tổ tiên, cha mẹ còn là người dựng nghiệp gia đình giúp cho con cháu đời sau kế thừa. Cho nên, bổn phận của con cháu là phải biết ơn tổ tiên cha mẹ, phải giữ gìn nghiệp gia đình.

     Nhớ ơn tổ tiên là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, không chỉ củng cố mối quan hệ huyết thống trong mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, mà còn khẳng định tính cộng đồng làng xã, góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển cho cả dân tộc. Do ân tổ tiên, con cháu có điều kiện tưởng nhớ đến quá khứ, gửi gắm tình cảm của mình để thực hiện đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ tổ tiên không chỉ là ôn lại quá khứ, mà còn là điều kiện giúp con cháu noi gương cha ông, sống sao cho không phải hổ thẹn với tiền nhân.

     Dựa trên quan điểm truyền thống ấy, ông Đoàn Minh Huyên đã lồng ghép đạo nghĩa đền ơn tổ tiên cha mẹ vào giáo lý của tôn giáo mình để khuyên dạy tín đồ và người dân. Quan điểm này được ghi trong cuốn sấm truyền của ông Đoàn Minh Huyên như sau:

“Sanh tại thiên hiếu song thân,

Một hậu vi nghĩa ân cần sớm mai”(7).

     (Khi ông bà, cha mẹ còn sống thì con cháu phải một lòng chăm lo phụng dưỡng sớm khuya có như thế mới làm tròn đạo hiếu).

     Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn sinh thời có dạy điều hay lẽ phải, chúng ta chăm chỉ lắng nghe, chớ nên xao lãng làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì sai trái, chúng ta phải hết sức khuyên ngăn. Chúng ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi đói rách, bệnh hoạn, anh em phải hòa đồng, đoàn kết, tạo hạnh phúc cho gia đình. Con cháu luôn cầu chúc cho cha mẹ được hưởng điều phúc thọ. Khi cha mẹ qua đời, con cháu hãy tu cầu cho linh hồn họ được siêu thăng nơi miền Phật cảnh, thoát đọa trầm luân. Ngoài ra, để đền đáp công ơn của tổ tiên, cha mẹ, con cháu phải làm cho vinh hiển đời mình để cho dòng dõi được thơm lây và đừng làm điều xấu ảnh hưởng đến tổ tông.

     Rõ ràng, quan điểm ân tổ tiên, cha mẹ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (và sau này là của một số tôn giáo nội sinh khác ở Nam Bộ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo) mang đậm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

     – Ân đất nước (tức ân quốc vương thủy thổ của Phật giáo): Người sinh ra chúng ta là cha mẹ chúng ta. Nhưng chúng ta tồn tại trên thế gian lại phải nhờ đất nước quê hương. Bởi vì, đây là nơi đã cưu mang, đùm bọc, che chở cho thân chúng ta được yên, nhà chúng ta được vững.

     Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời vào lúc xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, đời sống người dân lầm than khổ cực. Trước tình hình đó, ông Đoàn Minh Huyên đã khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất nước, bảo vệ thành quả của cha ông. Theo đó, ân đất nước là việc của mọi người dân, mọi tín đồ tôn giáo trên đất nước Việt Nam. Do vậy, mọi người phải có bổn phận và trách nhiệm đền đáp, cố gắng bảo vệ, thậm chí có thể hy sinh cho quê hương đất nước. Nếu thấy không đủ sức đảm đương việc lớn, hay chưa có cơ hội thuận tiện thực hiện việc lớn, chúng ta cũng không được làm điều gì tổn hại đến quê hương hay tạo cơ hội cho kẻ thù chống lại quê hương.

     Với quan điểm như vậy, khi thực dân Pháp xâm chiếm Miền Nam, đông đảo tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm để “ân đền, nghĩa trả” đối với quê hương. Việc tham gia kháng chiến bảo vệ và xây dựng quê hương ngoài việc giúp cho đất nước cường thịnh, cũng giúp cho gia đình và bản thân mỗi người dân được ấm no. Bởi vì, nếu đất nước giàu có và phát triển thì gia đình mới được hạnh phúc.

     – Ân Tam bảo: Quan điểm ân Tam bảo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng giống như ân Tam bảo của Phật giáo. Để các tín đồ hiểu biết và thực hiện tốt ân Tam bảo, ông Đoàn Minh Huyên chia vấn đề này thành hai phương diện. Về phương diện chất, con người được sinh ra, được nuôi dưỡng là nhờ tổ tiên cha mẹ, tồn tại và phát triển được là nhờ quê hương đất nước. Còn về phương diện tinh thần, để có được sự sáng suốt, thông minh trong cuộc sống, con người phải nhờ ơn Tam bảo, tức là ân Phật bảo, ân Pháp bảo và ân Tăng bảo(8).

     Ông Đoàn Minh Huyên lý giải vấn đề này như sau: Vì mục đích cứu độ chúng sinh, Đức Phật bỏ quốc thành, thê tử, xuất gia tầm đạo giải thoát. Khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh, lưu truyền chính pháp với mong muốn cứu vớt được nhiều sinh linh ra khỏi vòng trầm luân. Nhờ giáo pháp của Đức Phật mà chúng ta biết đường tu hành thoát ly sinh tử; nhận rõ lý về vũ trụ, từ đó phân biệt được tà chính(9).

     Sở dĩ giáo pháp của nhà Phật (Pháp bảo) được bảo tồn và lưu truyền đến ngày nay là nhờ tu sĩ Phật giáo (Tăng bảo) xiển dương, giúp cho Phật pháp một ngày một xương minh. Sau khi Đức Phật viên tịch, nhờ những đại đệ tử của Ngài kết tập giáo pháp, ra công phát triển trùng tu, truyền nhau đời này qua đời khác, đem Phật giáo hóa quần sinh(10).

     Do vậy, để thực hiện tốt ân Tam bảo, theo ông Đoàn Minh Huyên, bổn phận của tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là phải noi theo chí đức của bậc tiền nhân, sống và hành đạo theo tinh thần mà họ khuyên dạy, tiếp tục phát huy tinh thần đó để mở mang trí óc, dẫn lối chỉ đường cho con người thoát khỏi bể khổ.

     Trong cuốn sấm truyền, ông Đoàn Minh Huyên đã khuyên bảo tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và người dân như sau:

“Khá khuyên cải dữ làm lành,

Sùng tu Tam Bảo học hành cho thông”(11).

     (Làm lành lánh dữ, tu hành, kính trọng và học tập theo Phật, Pháp Tăng để có được sự sáng suốt, minh mẫn).

     Nên muốn tu Nhân, tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phải đền đáp công ơn của Phật, Pháp, Tăng bằng cách noi theo gương Đức Phật, làm những điều Đức Phật dạy, phổ biến tư tưởng của Đức Phật đến toàn dân, cùng nhau trừ lòng tham, diệt cái ác, hướng về cái thiện, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, sống yên vui, đoàn kết dưới bóng từ bi của Đức Phật (12).

     – Ân đồng bào nhân loại (kế thừa ân chúng sinh trong Phật giáo): Ông Đoàn Minh Huyên giải thích, con người lúc mới lọt lòng mẹ phải chịu ơn nhiều người xung quanh mình. Khi lớn lên, đi học, đi làm, tham gia các hoạt động xã hội, sự chịu ơn của con người cũng lớn dần theo năm tháng. Ít nhiều trong xã hội, chúng ta đều hưởng thành quả lao động của đồng bào, rộng hơn nữa là nhân loại. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì, chúng ta có cùng màu da, cùng tiếng nói, cùng tồn tại trên quê hương đất nước. Như thế mới gọi là đền đáp ân đồng bào nhân loại.

     Quan điểm đó của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương hoàn toàn phù hợp với truyền thống yêu thương con người của dân tộc Việt Nam từ xa xưa, thể hiện qua các câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người chung một nước phải thương nhau cùng”. Như vậy, việc lồng ghép giá trị văn hóa truyền thống vào giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Đoàn Minh Huyên luôn khuyên tín đồ của mình phải sống chân thành với nhau, mưu cầu hòa bình, hạnh phúc, không nên phân biệt màu da, chủng tộc.

     Các pháp môn học Phật tu Nhân và báo đáp Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã làm thức tỉnh những người nông dân nghèo ở Nam Bộ, giúp họ có động lực tham gia vào các công việc xã hội như khai hoang lập ấp, tham gia vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần giải phóng dân tộc.

     Khi tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thấy rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với đời (gia đình, đất nước, cộng đồng và xã hội), họ có ý thức đền đáp ơn nghĩa đã nhận từ tổ tiên, cha mẹ, đất nước, Tam bảo, đồng bào nhân loại. Đây là cách giúp họ hiểu đạo, qua đó dẫn dắt họ đến chỗ thoát tục, tự tìm thấy con đường giải thoát.

     Có người cho rằng, đời và đạo là hai con đường khác biệt, tồn tại song song và không thể trộn lẫn vào nhau. Bởi vì, một số người theo đạo cố ý bỏ quên việc đời. Họ cho rằng, họ phải chuyên tâm tu tập khổ hạnh, phải xa lánh trần tục. Quan điểm như thế hoàn toàn không phù hợp với tôn chỉ hành đạo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ở tôn giáo này, đạo không thể ở ngoài đời và đời không thể không có đạo. Hai yêu tố này có mối quan hệ khăng khích, tồn tại song trùng, tác động lẫn nhau.

3. Kết luận

Sự ra đời và phát triển của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào giữa thế kỷ XIX tại Nam Bộ là một hiện tượng phù hợp với xu thế khách quan. Lịch sử cho thấy, tín đồ của tôn giáo nội sinh này luôn có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, đóng góp nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

      Xét trong bối cảnh lịch sử xã hội Nam Bộ lúc bấy giờ, sự ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận khá đông đảo người dân. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã làm tròn vai trò tập hợp nhân dân, giảng dạy cho họ những giá trị đạo đức truyền thống, đưa họ trở về với dân tộc. Tôn giáo này, do vậy đã ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ không chỉ trong những giai đoạn thịnh hành trước đây, mà còn đến tận ngày nay. Thiết nghĩ, trong bối cảnh giao lưu văn hóa ngày càng sâu sắc hiện nay, việc tiếp tục tìm hiểu những giá trị tích cực của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nhất là giá trị về mặt tinh thần, cần được quan tâm nhiều hơn nữa./.

     CHÚ THÍCH:

     1. Nguyễn Văn Hậu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự: 81.

     2. Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn: 35 – 38.

     3. Đào Hưng & Vương Kim (1953), Đức Phật Thầy Tây An, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn: 24

     4. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 75.

     5. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, sách đã dẫn: 76.

     6. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, sách đã dẫn: 79.

     7. Nguyễn Văn Hậu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, sách đã dẫn: 88.

     8. Đào Hưng & Vương Kim (1953), Đức Phật Thầy Tây An, sách đã dẫn: 88.

     9. Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hậu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb. Từ Tâm: 88.

     10. Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hậu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, sách đã dẫn: 88 – 89.

     11. Nguyễn Văn Hậu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, sách đã dẫn: 95.

     12. Đồng Tháp (2009), Đất và Người, tập 2, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh: 89.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Nguyễn Văn Hậu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự.

     2. Phạm Bích Hợp (2007), Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo), Nxb. Tôn giáo.

     3. Đào Hưng & Vương Kim (1953), Đức Phật Thầy Tây An, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn.

     4. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

     5. Vương Kim (1966), Bửu Sơn Kỳ Hương, Nxb. Long Hoa, Sài Gòn.

     6. Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hậu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb. Từ Tâm.

     7. Đồng Tháp (2009), Đất và Người, Tập II, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     8. Nguyễn Đăng Thục (1959), Triết lý văn hóa khái luận, Nxb. Văn Hữu Á Châu, Sài Gòn.

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo; Số 12 – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vai trò của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trong đời sống tinh thần đồng bào Nam Bộ (Tác giả: Nguyễn Phước Tài; Nguyễn Thuận Quý)