Vai trò của người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ thế kỉ XVII – XVIII

Vietnam’s role in the reclamation of land southwest
of the XVII-XVIII centuries

Tác giả: NGUYỄN ĐỨC TOÀN
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ)

 

TÓM TẮT

Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) là vùng đất nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc được khai phá trong các thế kỷ XVI, XVII. Với diện tích khoảng hơn 40.000 km² và trên 17 triệu dân (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người), nơi đây được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước và có vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Để có được vùng đồng bằng rộng lớn và trù phú như vậy, trước hết phải kể đến công lao đóng góp của những lưu dân người Việt, chất phác, gan góc, từ mảnh đất miền Trung xa xôi đến đây tìm đất sống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao thế hệ người Việt cùng với các lớp cư dân khác đã hòa nhập với nhau để tạo cho Đồng bằng sông Cửu Long một sức sống mãnh liệt để tồn tại và đi lên cùng đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được bàn góp đôi điều về vai trò của những lưu dân người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất này vào các thế kỉ XVII – XVIII, nhằm trân trọng và tôn vinh những thành quả lao động mà cha ông ta đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu để có được một Tây Nam Bộ phát triển như ngày nay.

Từ khóa: Vai trò người Việt, công cuộc
khai phá, Tây Nam Bộ, thế kỉ XVII – XVII

ABSTRACT

Mekong Delta (South West) is a land located in the southwest of Viet Nam, explored in the XVI and XVII centuries. With an area of 40.000 km² and over 17 million inhabitants, it is considered the largest granary of the country and has a very important position in economic and social development. To get the vast and fertile plain, first mention is the contribution of Vietnamese migrants with frank and gritty characters from faraway central coast to find and live here. Through the ups and downs of history, generations of Vietnamese people has fallen in line with other residents to make the Mekong Delta have a vitality to survive and rise with the country. Within the scope of this article, the author would like to contribute something to discuss the role of Vietnamese migrants in the reclamation of land southwest in the XVII-XVIII centuries, to respect and honor the achievement that ancestors had to sweat bload and tears to get a Southwest development today.

Keywords: Role of Vietnamese, the
reclamation of land, the southwest of Viet Nam, XVII – XVIII centuries.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trong sự nghiệp 300 năm mở mang, khai phá vùng lãnh thổ phía Nam của đất nước, trong đó có Tây Nam Bộ, lớp lớp thế hệ người Việt từ vùng đất sinh tụ lâu đời của mình là vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã và dải đất ven biển miền Trung đã nối tiếp nhau đến lập nghiệp ngày càng đông tại địa bàn Tây Nam Bộ ngày nay. Trong hành trang của mình, ngoài những công cụ sản xuất (cuốc, rựa, giống má,…) và những phương tiện sinh sống tối thiểu, họ còn mang theo một vốn liếng tinh thần và những truyền thống văn hóa dân gian bền chắc của vùng đất cội nguồn.

     Ngược dòng lịch sử trở về với vùng đất Tây Nam Bộ xưa trong các thế kỉ XV – XVI, khi nơi đây còn là một vùng hoang sơ, vắng vẻ, hầu như chưa được khai phá. Thế mà chỉ sau vài thế kỉ, từ thế kỉ XVII – XVIII, Tây Nam Bộ đã trở thành một vùng kinh tế sầm uất của xứ Đàng Trong. Để có được những thành quả đó, trước hết phải kể đến những đóng góp to lớn của những lớp cư dân người Việt, Chăm, Hoa, Khmer. Có thể nói Tây Nam Bộ của ngày hôm nay là sự có mặt của Tây Nam Bộ từ thời Phù Nam, Chân Lạp, từ những mảnh đất chuyển giao từ tay họ Mạc, Nặc Nguyên; từ sự đói nghèo của lưu dân người Việt, người Hoa đi tìm sự sống… Tất cả đã làm nên tất cả hôm nay. Trong bài viết này, tác giả chỉ mong phác họa đôi nét về vai trò của người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ các thế kỉ XVII – XVIII. Nhằm trân trọng và tôn vinh những thành quả lao động mà cha ông ta đã phải đỗ bao mồ hôi, sương máu để có được một Tây Nam Bộ phát triển như ngày nay.

2. Giải quyết vấn đề

     2.1 Vài nét về vùng đất Tây Nam bộ trước thời Chúa Nguyễn

     Những khám phá khảo cổ học trên đất Nam Bộ cho biết rằng từ thuở xa xưa, cách ngày nay khoảng từ 4000 năm đến 2.500 năm, con người đã có mặt trên vùng đất này và phạm vi cư trú và hoạt động của cư dân đầu tiên ấy bao quát một địa bàn rộng lớn, với những mật độ cư trú khác nhau.

     Trong khi ở vùng cao – vùng Đông Nam Bộ – dân cư thời ấy có mật độ cư trú khá dày đặc thì vùng Tây Nam Bộ, cho đến nay khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy những di tích cư trú đích thực của cư dân đầu tiên ấy. Chỉ đến những thế kỉ đầu công nguyên mới có những bằng chứng vật chất về vết tích cư trú của con người ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng ngày nay, trước hết là Óc Eo – Ba thê (nằm ở ranh giới hai tỉnh An Giang và Kiên Giang ngày nay). Óc Eo là một hải cảng của đế vương quốc Phù Nam nằm gần đồng núi Bathnom và gần xã Ba Nam ở tỉnh Prêy Veng của Campuchia ngày nay. Vương quốc Phù Nam là một nước nằm trên đường nối Ấn Độ với Trung Quốc và được chép trên một số bia đá phát hiện được. Nước này tồn tại từ thế kỉ I đến đầu thế kỉ VIII (thời kỳ phồn thịnh từ thế kỉ III đến thế kỉ V) đã chiếm cả một vùng đất rộng lớn từ Đồng bằng sông Cửu Long đến Nam Trung Bộ, sang cả vùng trung lưu sông Mekong, qua thung lũng sông Mê Nam và xuống tận bán đảo Mã Lai.

     Nhưng đến cuối thế kỉ VII, văn hóa Óc Eo bắt đầu suy tàn, nước Phù Nam dần dần suy vong. Chân Lạp thay thế vị trí của Phù Nam. Chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo không còn nữa và không để lại một dấu tích về sự tiếp tục có mặt của họ ở vùng đất thấp này. Nguyên nhân vì sao thì cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được sáng rõ. Các công trình văn hóa Óc Eo của họ bị vùi lắp trong lòng đất, trên những vùng phèn mặn mênh mông.

     Từ sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, cho đến thế kỉ XII, vùng đất này cũng chưa được khai phá bao nhiêu. Cư dân lâu đời ở đây là người Khmer thường cư trú thành từng sóc trên các vùng gò cao và đất giồng. Họ sống tập trung ở vùng Sóc Trăng, Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi và Trà Vinh, vùng núi Ba Thê, Tây bắc Hà Tiên và Nhà Bàng. Kinh tế còn thấp kém, người Khmer sinh sống chủ yếu bằng các nguồn lợi, rừng núi, đánh cá và trồng lúa trên đất cao. Họ chưa có thối quen chinh phục các vùng đầm lầy và trồng cấy trên ruộng thấp. Quá trình khẩn hoang của họ diễn ra chậm chạp, tình trạng hoang vu vẫn còn tồn tại khá lâu dài. Từ thế kỉ XIII Định Tường Mỹ Tho giáp sông Tiền thì “đầy cây cao vút lau sậy trắng cả một miền” (trích bởi Chu Đạt Quan, 2007). Từ phía Nam sông Tiền sang bờ sông Hậu là vùng đầm lầy với lùng lác và cỏ mọc um tùm đầy mũi mồng, cá sấu và cọp dữ. Vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau là những mảng rừng đước, kênh rạch quanh co chằng chịt. Cho đến cuối thế kỉ XVI, người Khmer nói chung vẫn sống trong cảnh hoang rậm, họ thường “trụ hình trong nếp sống mộc mạc, kiếm ăn ngày nào hay ngày ấy… khai thác sơ sài vùng phụ cận và ra khỏi sóc chừng vài trăm thước là cây cỏ mọc hoang dầy bịt làm sào huyệt cho cọp voi” (trích bởi Sơn Nam; 2005). “Bên bờ cái lớn, cái bé (hai con sông từ đất thấp phía Tây chảy ra vinh Xiêm) và các phụ lưu, rải rác nhiều giồng, nhiều gò nơi người Miên lập nghiệp… xung quang là rừng che kín chân trời, muỗi mồng, rắn và vô số chim cò nẩy nở…” (trích bởi Sơn Nam; 1994). Và tình trạng hoang dã này vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều thế kỉ tiếp theo, mãi cho đến khi có sự xuất hiện của những lớp cư dân người Việt, vùng đất này mới dần dần được khai phá.

     2.2 Sự có mặt của lớp cư dân Việt trên đất Tây Nam Bộ

     Từ thế kỉ XVII, trên vùng đất Tây Nam Bộ bắt đầu xuất hiện lớp cư dân mới – lưu dân người Việt, trong đó đa số là những người nông dân và thợ thủ công nghèo ở các tỉnh phía Bắc vì không chịu nổi những tai họa do cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn Trịnh – Nguyễn gây ra. Tình trạng sưu cao, thuế nặng, nạn bắt phu, bắt lính, cũng như sự áp bức bóc lột tàn bạo của giai cấp phong kiến, buộc họ phải rời bỏ quê hương di dân vào đây để tìm đường sinh sống: “ra đi là sự đánh liều, nắng mai không biết, mưa chiều không hay”.

     Bên cạnh đó còn phải kể đến một bộ phận lực lượng nhỏ những người bị tù tội phải đi lưu đày. Tài liệu lịch sử còn lại không ghi cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa thì lực lượng tù tội bị lưu đày này cũng chiếm một số lượng khá lớn, bởi theo ông thì lệ bắt buộc tù nhân bị kết án lưu đày phải di cư vào Nam đã có từ thời Lê (Lê Thánh Tông) và các chúa Nguyễn trong thời kỳ đầu xây dựng vương quốc riêng cũng noi theo cách thức này mà đưa tù nhân bị án lưu đày đến những vùng đất mới. Ngoài ra, còn có một bộ phận những người chống đối lại triều đình với những mức khác nhau: hoặc không bằng lòng với chế độ thi cử hoặc vì có tài mà không được trọng dụng, vì tố cáo tham quan ô lại, cường hào ác bá mà bị truy bức, là những người cầm đầu hoặc tham dự các cuộc nổi dậy lớn nhỏ dưới chế độ Lê – Trịnh lúc bấy giờ… Đây được xem là hạng “trí thức” theo nghĩa là những người có hiểu biết rộng, biết đọc, biết viết… Những người này cũng có thể chính là những người “thầy đồ” tiếp tục đóng vai trò là những người giảng dạy cho con em cư dân khẩn hoang trên vùng đất mới.

     Trong thành phần dân di cư vào khẩn hoang vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ buổi đầu, ngoài những thành phần trên có thể còn rất nhiều thành phần khác, là những tay “giang hồ tứ chiếng”, hay binh lính miền biên cảnh… Nói chung, tất cả những thành phần bất mãn hay không vừa lòng với chế độ phong kiến đương thời đều hướng đến vùng đất mới xa xôi ở phía Nam này để mong tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

     Trên đây là những thành phần khẩn hoang có mặt sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long trong buổi đầu khai phá. Về sau, khi chúa Nguyễn bắt đầu tổ chức lập chính quyền ở vùng đất mới này thì còn xuất hiện thêm một lực lượng mới, đó chính là những người dân giàu có, hay như Lê Quý Đôn gọi là “dân có vật lực” từ miền Trung, vì không vừa lòng với vùng đất eo hẹp, khô cằn nơi đây nên đã di cư vào Nam để có điều kiện mở rộng công việc làm ăn và để phát tài hơn nữa. Những người này được sự cho phép của chúa Nguyễn nên đã đứng ra chiêu mộ những người dân nghèo ở các nơi cùng vào vùng đất mới này để khẩn hoang. Có thể nói đây cũng là một thành phần chiếm số lượng khá đông trong thời kỳ khai phá. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng có ghi chép rất rõ về lực lượng này: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm, họ Nguyễn trước đánh nhau với Cao Mên, mà lấy được, mới chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới ở đây, phát chặt mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất nước mầu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau và làm nhà cửa” (trích bởi Lê Quý Đôn, 1977). Lực lượng dân có vật lực mà Lê Quý Đôn nhắc tới ở đây chính là những người dân giàu có ở miền ngoài.

     Cùng với số cư dân tại chỗ – người Khmer và lớp cư dân mới gồm nhiều thành phần dân tộc Việt, Hoa, Chăm, trong đó thành phần chủ thể là người Việt với kinh nghiệm hàng ngàn năm trồng lúa nước, với truyền thống đoàn kết, tương trợ đã đẩy mạnh công cuộc khai khẩn quy mô vùng đất Tây Nam Bộ. Từ đây cảnh quan vùng này từng bước thay đổi: xóm làng trù mật, đồng ruộng phì nhiêu, nhiều thị tứ trung tâm dân cư được thiết lập.

     2.3 Vai trò của người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ các thế kỉ XVII – XVIII

     Như trên đã đề cập, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, mặc dù đã có rất nhiều lớp cư dân đến cư trú từ khá lâu đời; tuy nhiên, về cơ bản cho đến thế kỷ XV – XVI vẫn còn là vùng đất hoang vu, heo hút, hầu như chưa được khai phá. Thế nhưng, cho đến cuối thế kỷ XVI, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XVII thì diện mạo vùng đất Tây Nam Bộ đã có nhiều sự thay đổi đáng kể, gắn với sự xuất hiện của những lớp cư dân mới và những nền văn hoá mới (người Việt, người Hoa, người Chăm…). Những thành phần cư dân mới này lần lượt có mặt và đóng vai trò rất quan trọng đối với vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long ngày nay. Song, đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định sự thành công của quá trình khai phá phải kể đến vai trò của người Việt.

     Trước hết là trong công cuộc khai phá đất hoang, mở rộng diện tích trồng trọt. Công cuộc khai phá vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long trong các thế kỷ XVII – XVIII, được chia làm hai thời kỳ: ở thời kỳ đầu (cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII) là công cuộc khai phá do nhân dân tự tiến hành và trong giai đoạn sau (nửa cuối thế kỷ XVII – thế kỷ XVIII) là công cuộc khai phá do Nhà nước tổ chức.

     Trong giai đoạn đầu, công cuộc khai phá chủ yếu là do những lưu dân người Việt tiến hành. Họ là nạn nhân của chế độ thống trị họ Nguyễn, khốn cùng vì tai họa chiến tranh, vì bị giai cấp phong kiến bóc lột phải bỏ làng phiêu bạc vào vùng đất này làm ăn sinh sống. Đến vùng đất mới, những lưu dân phải bắt tay vào việc mưu tìm cách sống. Nhưng ngoài sức lao động của đôi bàn tay, họ thiếu thốn mọi thứ: phương tiện, vốn liếng, giống má, trâu bò… Cho nên ban đầu, họ chỉ có khả năng khai phá, trồng trọt trên những diện tích nhỏ bé, hoặc đi khai thác những nguồn lợi thiên nhiên sẵn có, như vào rừng lấy gỗ, săn bắt thú để lấy thịt, sừng, da, đánh bắt tôm cá ở sông rạch… nhằm giải quyết nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Việc khai phá trong buổi đầu này thường diễn ra dưới hình thức tập thể, từng nhóm, từng cụm, có thể gồm những gia đình có họ hàng thân thuộc, hoặc đồng hương đồng xứ, hoặc cùng chung tín ngưỡng, cùng trong họ đạo. Vùng đất mới lúc này còn rất hoang vu, xa lạ, đầy thú dữ, rắn rết, đến nỗi “con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh” như người ta thường nhắc, cho nên chỉ có dựa vào nhau, cố kết lại với nhau thì mới tạo được một sức mạnh để đối phó với những nguy hiểm, những biến cố bất kỳ có thể xảy ra.

     Trong giai đoạn sau (cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII), bên cạnh hình thức tự khai phá của lưu dân thì công cuộc khẩn hoang ở đồng bằng Tây Nam Bộ còn gắn với những chính sách, biện pháp khai hoang của các chúa Nguyễn. Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng Trong và lập ra phủ Gia Định, đây cũng là lúc đánh dấu việc tổ chức chính quyền của các chúa Nguyễn trên vùng đất mới này. Nắm trong tay vùng đất mới do lưu dân đi trước khẩn hoang, các chúa Nguyễn tiếp tục đề ra những chính sách thúc đẩy việc khẩn hoang. Những chính sách khẩn hoang của các chúa Nguyễn đều nhằm hướng tới những mục đích chính sau: trước hết là mở mang đất đai để khẳng định chủ quyền trên vùng đất phía Nam; thứ hai là từ việc khẩn hoang sẽ tiến tới mở rộng diện tích canh tác và tạo nên thế mạnh về kinh tế cho chính quyền của mình; thứ ba, và cũng là mục đích quan trọng nhất, đó là nhằm củng cố sức mạnh quốc phòng, đảm bảo việc giữ gìn an ninh và khẳng định chủ quyền trên vùng đất mới.

     Từ thành quả của công cuộc khai phá, mở rộng diện tích, quá trình khai hoang của người Việt ở đồng bằng Tây Nam Bộ cũng chính là quá trình mà người Việt từng bước khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng đất mới này cả trên mọi phương diện, trong đó có vấn đề lãnh thổ.

     Công cuộc khẩn hoang, mở mang bờ cõi của người Việt tại miền đất này là một sự phát triển một cách tự nhiên chứ không hề mang tính chất bành trướng xâm lược. Thực tế đã cho thấy, ngay từ khi những cư dân người Việt vào khai khẩn thì đây chỉ là một xứ toàn rừng, giồng đất, đất phèn, đất mặn,… dân Việt tràn vào mà không có ai ngăn cản, nếu không nói là vùng đất này gần như vô chủ. Bởi vì, tại đây chỉ có thưa thớt một ít người Khmer sinh sống tại đây. Khi người Việt vào đây, lập cửa, lập nhà, thành làng mạc, thôn xóm rồi bằng những biện pháp canh tác của mình đã mở mang ruộng nương làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Trong quá trình sống, lưu dân người Việt đã tỏ rõ tư tưởng đoàn kết khối cộng đồng tộc người, bằng chứng là mặc dù sống chung với người dân bản xứ nhưng những cư dân người Việt không hề có những hành động cướp ruộng của họ hay gây hấn. Không những thế, thông qua việc cộng cư, một bộ phận người Khmer bị “Việt hóa” do ảnh hưởng và tiếp nhận những nét văn hóa cũng như phong tục tập quán của cư dân Việt.

     Cùng với quá trình di dân định cư sinh sống để giữ đất, khẳng định chủ quyền. Người Việt còn góp phần to lớn vào việc giải quyết các cuộc tranh chấp nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Họ luôn ý thức được vai trò của mình trên những vùng đất mới của dân tộc. Họ vừa là những người nhạy cảm nhất đối với nguy cơ xâm lăng từ phía ngoài, cũng là lực lượng quan trọng nhất trong việc giữ vững chủ quyền của dân tộc. Những đóng góp lớn lao của những lưu dân người Việt đã tạo nên sức mạnh cho quân Tây Sơn chiến thắng trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, làm chủ xứ Đàng Trong và tiến ra Đàng Ngoài đánh tan tập đoàn phong kiến họ Trịnh, lập lại thống nhất đất nước và quét sạch quân xâm lược Thanh.

     Trong quá trình khai phá vùng đất mới, nơi rừng thiên nước độc, các cư dân trong vùng buộc phải cố kết lại với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau sản xuất và sinh sống. Chính sự cộng cư ấy là nền tảng, là cơ sở vững chắc cho họ tiến hành công cuộc khai hoang mở rộng diện tích, đồng thời cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nhiều nét văn hóa đặc trưng mang bản sắc miền Tây Nam Bộ mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được.

     Có một điều không khó để nhận ra là vai trò hết sức quan trọng của văn hóa Việt trên vùng đất Tây Nam. Đó là một nét văn hóa vừa mang yếu tố chủ đạo, vừa mang yếu tố gắn kết văn hóa của các tộc người như Chăm, Hoa, Khmer. Khi các khu vực cư trú và sản xuất của cộng đồng người Việt hình thành, ngôn ngữ chính dần được sử dụng là tiếng Việt. Ngôn ngữ này được các tộc người như Chăm, Hoa, Khmer học để giao tiếp và giao lưu, trao đổi buôn bán với nhau. Điều này làm tăng sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa những con người mưu sinh trên vùng đất mới, giữa những tộc người trên cùng một lãnh thổ… Sự giao tiếp về văn hoá giữa các tộc người đã hình thành nên sắc thái văn hoá miền đồng bằng Tây Nam Bộ rất đa dạng và phong phú, nó vừa thể hiện sự tiếp biến văn hoá vừa thể hiện đặc thù văn hoá của một vùng đất mới để thích ứng với môi trường và tâm lí dân tộc. Những nét văn hoá đó trở thành những nét văn hoá tiêu biểu, đặc trưng cho vùng đồng bằng sông nước.

    Nhìn chung, sự nghiệp khai phá vùng đất Tây Nam Bộ trong các thế kỉ XVII – XVIII và sự phồn thịnh của nó là công lao chung của các cộng đồng cư dân, trong đó người Khmer và người Hoa đã góp phần khá quan trọng. Nhưng với bàn tay, khối óc và sự lao động cần mẫn, sáng tạo của những lớp lưu dân người Việt, họ đã tỏ rõ ưu thế hơn hẳn các thành phần cư dân khác. Người Việt đã xác định được vai trò chủ lực trong công cuộc khai phá và thực sự trở thành người chủ chính của vùng đất này. Lao động khai hoang của người Việt tuy mới đạt được những kết quả trong chừng mực nhất định so với vùng đất mênh mông là bước tiến lớn và vững chắc tạo cơ sở để công cuộc khai phá diễn ra trong các thế kỷ sau.

3. Kết luận

     Như vậy, có thể nói kể từ thế kỷ XVII trở đi, bộ mặt vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long bắt đầu biến đổi mạnh mẽ khi có sự xuất hiện một lớp dân cư mới – lưu dân người Việt. Đến và định cư trên vùng đất mới từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song, các thế hệ lưu dân người Việt khi đã quyết định dừng chân trên mảnh đất này đều gắn bó máu thịt với đất đai và với cộng đồng vì một mục tiêu duy nhất là mưu sinh: “đến đây thì ở tại đây, trăm năm bám rễ xanh cây không về”. Với tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó; với kinh nghiệm chinh phục đầm lầy, trồng lúa nước; với quyết tâm bám trụ đất mới để thay đổi cuộc sống, thay đổi số phận, chính bộ phận người Việt đã làm thay đổi diện mạo hoang vu, sình lầy, đầy thú dữ của vùng đồng bằng Tây Nam Bộ, biến đồng bằng này thành những xóm làng trù mật, dân cư đông đúc, sinh hoạt tấp nập, nhộn nhịp không chỉ nội vùng mà còn mở mang rộng ra với khu vực bên ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chu Đạt Quan, 2007. Chân Lạp Phong thổ ký, (Bản dịch của Lê Hương). Nhà xuất bản Văn Nghệ. TP. Hồ Chí Minh.

2. Lê Quý Đôn, 1977. Phủ biên tạp lục (tập 1), (Bản dịch của Viện Sử học). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

3. Sơn Nam, 1994. Lịch sử khẩn hoang miền Nam. Nhà xuất bản Văn nghệ. TP. Hồ Chí Minh.

4. Sơn Nam, 2005. Nói về miền Nam. Nhà xuất bản Trẻ. TP. Hồ Chí Minh.

5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, 1963. Đại Nam thực lục tiền biên (tập 1), (Bản dịch của Viện Sử học). Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Hà Nội.

6. Thanh Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, & Nguyễn Quang Vinh, 2012. Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. Nhà xuất bản Thời Đại. Hà Nội.

7. Trịnh Hoài Đức, 1998. Gia Định thành thông chí, (Bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh). Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,
Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục: 36 (2015): 18-23

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vai trò của người Việt trong công cuộc khai phá vùng đất Tây Nam Bộ thế kỉ XVII – XVIII (Tác giả: Nguyễn Đức Toàn)