Vai trò của Pháp trong những chuyển biến của giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Tác giả bài viết: ĐẶNG VĂN CHƯƠNG; LÊ THỊ QUÝ ĐỨC
(PGS. TS, Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế;
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế)

     Những thập niên đầu của thế kỷ XX đã chứng kiến những đổi thay lớn trong lòng đất nước Việt Nam trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội. Trong đó lĩnh vực phản ánh sự thay đổi sâu sắc phải kể đến là giáo dục. Đặc biệt là sự ra đời của hệ thống giáo dục Pháp – Việt. Từ đó, nó tạo ra những chuyển biến tiếp theo trong xã hội Việt Nam.

1. Tình hình giáo dục Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

     Đến nửa đầu thế kỷ XIX, giáo dục Việt Nam được chia làm hai bộ phận: giáo dục Nho học và giáo dục Phật giáo1. Trong đó, thời kỳ này, giáo dục Nho học vẫn còn đóng vai trò quan trọng (mặc dù vai trò đó đã giảm sút nhiều so với trước đây). Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài cả thiên kỷ xâm nhập vào nước ta, những nội dung cũng như phương pháp giảng dạy trong nền giáo dục Nho học dường như không có sự đổi mới nào đáng kể (trừ một vài sự thay đổi nhỏ được thực hiện dưới thời vua Tự Đức (1847-1883)2. Nhìn chung, cách học truyền thống vẫn là: thầy đọc nội dung từ sách Nho, giải thích (nhưng có trường hợp, bản thân người dạy cũng chưa hiểu được nội dung một cách thấu đáo) và rồi người học lặp lại nội dung đó.

     Đến cuối thế kỷ XIX, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa – xã hội. Đặc biệt là sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Sự khủng hoảng mà lịch sử cách mạng Việt Nam đã ví von là “tối như đêm 30 không có đường ra”. Hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng làm suy yếu khả năng sáng tạo, cũng như khả năng chủ động tiếp nhận những cái mới của người dân Việt Nam. Do đó, mặc dù đến cuối thế kỷ XIX, Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng của chế độ phong kiến nhưng nó đã bộc lộ rõ những hạn chế so với những tiến bộ của thời đại. Trước sự bế tắc trong con đường giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến (năm 1896, sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã đánh dấu sự kết thúc của phong trào giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến của các sĩ phu yêu nước Việt Nam) đòi hỏi dân tộc ta phải thức thời tiếp nhận những tư tưởng mới của phương Tây – ra đời từ trong cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ (1775-1783) và cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789). Nội dung quan trọng của những tư tưởng đó là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

     Đầu thế kỷ XX, những tư tưởng dân chủ tiến bộ đó đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam không phải từ các nước phương Tây mà từ Trung Quốc và Nhật Bản – hai nước không chỉ gần gũi với Việt Nam về mặt địa lý mà còn có những tương đồng về lịch sử, văn hóa. Có lẽ, chính những yếu tố đó đã tạo nên điều kiện thuận lợi để những người yêu nước Việt Nam nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới mẻ này. Dưới ảnh hưởng của công cuộc Duy Tân Minh Trị (1868) và những “Tân thư”, “Tân văn” trong cuộc vận động cải cách ở Trung Quốc (1898) của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu và sau đó là Tôn Trung Sơn, một số trí thức yêu nước Viêt Nam đã đề xuất các biện pháp canh tân cách học, kêu gọi rời bỏ lối học từ chương của nền giáo dục Nho học, đề cao thực học theo mô hình phương Tây. Tiêu biểu là hoạt động của Phan Bội Châu trong Duy Tân hội và phong trào Đông Du, Phan Chu Trinh trong phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục vào đầu thế kỷ XX.

     Năm 1907, trong tác phẩm “Tân Việt Nam”, Phan Bội Châu, một trí thức Nho học nổi tiếng, đã thể hiện mong muốn hiện đại hóa nền giáo dục Việt Nam. “Cả triều đình và xã hội sẽ đóng góp tất cả khả năng của mình về cả tinh thần và vật chất cho giáo dục, … chúng ta sẽ học tất cả mọi thứ. Từ các cơ sở chăm sóc trẻ em hàng ngày, các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học… sẽ được xây dựng khắp nơi, từ các thành phố đến tận các miền quê. Chúng ta sẽ mời giáo viên từ Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Sau một thời gian, bên cạnh một số giáo viên nước ngoài, chúng ta sẽ bổ sung một đội ngũ giáo viên là người của chúng ta1.

     Nhưng khi mà nền giáo dục Nho học vẫn còn ăn sâu bám rễ trong xã hội Việt Nam và nền giáo dục mới mà các trí thức yêu nước Việt Nam xây dựng trong các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn đang tìm kiếm chỗ đứng cho riêng mình thì sự xuất hiện của hệ thống trường học do Pháp lập ra đã tạo nên những chuyển biến mới cho tình hình giáo dục ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

2. Những chuyển biến trong giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

     Có thể nói, trong chính sách cai trị thuộc địa của Pháp nói riêng và các nước phương Tây nói chung đều rất chú trọng đến chính sách giáo dục nhằm phục vụ cho chính sách cai trị của họ. Do đó, ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã có kế hoạch thành lập một hệ thống giáo dục mới, bắt đầu với những trường dạy tiếng Pháp cho người Việt và tiếng Việt cho người Pháp. Năm 1861, Pháp thành lập các trường học đầu tiên ở Nam Kỳ, và sau đó là Bắc Kỳ và Trung Kỳ (1886 và 1896). Điều đó có nghĩa là các trường học này được mở trước khi cơ quan quản lý của Pháp chính thức thành lập ở Việt Nam (năm 1897)1 .

     Tuy nhiên, trước năm 1906, nền giáo dục mà Pháp lập nên vẫn chưa tồn tại với tư cách là một hệ thống. Sự chuyển biến từ các lớp học Nho giáo sang loại hình trường học mới chỉ thực sự diễn ra sau các cuộc cải cách giáo dục, bắt đầu từ năm 1906.

     Nội dung cải cách đầu tiên là hệ thống trường học: Quá trình cơ cấu lại hệ thống trường học nửa đầu thế kỷ XX của Pháp ở Việt Nam trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên gắn liền với cải cách giáo dục của Toàn quyền Paul Beau năm 1906. Theo đó, hệ thống giáo dục ở Việt Nam được chia thành 3 bộ phận: trường học Pháp, trường học Pháp – Việt và các trường học bản địa (Hán học). Giai đoạn hai (1917-1924) gắn liền với sự ra đời “Bộ Học chính tổng quy” (General Regulation of Education) của Toàn quyền Albert Sarraut. Trong đó, hệ thống giáo dục tập trung vào hai thành phần là các trường học Pháp và các trường học Pháp-Việt. Giai đoạn thứ ba (1924-1945) dưới thời Toàn quyền Merlin và Varenne – nền giáo dục Pháp – Việt được mở rộng bằng cách thành lập các trường tiểu học dạy tiếng Việt ở các làng, xã2.

     Ngày 8 tháng 3 năm 1906 đánh dấu hệ thống giáo dục mới chính thức được hình thành với sự ra đời của “Hội đồng phát triển giáo dục bản xứ Đông Dương” (The Council for the Improvement of Indigenous Education). Toàn quyền Paul Beau cho quy hoạch lại việc giáo dục ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, chia thành ba bậc: ấu học, tiểu học và trung học. Ấu học: giao cho xã thôn; Tiểu học thì do phủ huyện có huấn đạo và giáo thụ đảm trách; Trung học do quan đốc học ở tỉnh lỵ trông coi. Tổng số trường học ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ là khoảng 15.000 với khoảng 20.000 học sinh3. Ở Hà Nội có thêm trường Bảo hộ (được thành lập theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương Klobukowski (1908-1911) ngày 9- 12-1908, là trường trung học lớn nhất dành cho nam sinh người Việt ở Bắc Kỳ, bên cạnh trường Lycee Albert Sarraut dành cho người Pháp và tầng lớp trên) và Huế có trường Hậu bổ (thành lập ngày 5-5-1911) cùng với trường Quốc học để đào tạo thêm tầng lớp quan lại trong bộ máy hành chính Đông Dương. Trường Quốc học được Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau (1895-1897) ký quyết định thành lập năm 1896. Trải qua hơn 125 năm hình thành và phát triển, Quốc học Huế là ngôi trường đào tạo rất nhiều học sinh ưu tú và sau này trở thành những lãnh tụ, nhà khoa học, văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Điềm Phùng Thị, Đặng Văn Ngữ, Xuân Diệu, Tôn Thất Tùng, Đào Duy Anh… Trên cơ sở đó, trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học hiện nay được xem là một trong những trường trung học chất lượng cao của cả nước. Rất nhiều học sinh của trường liên tục đạt được giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế như: Hồ Đình Duẩn, Lê Bá Khánh Trình, Nguyễn Thái Bảo, Hồ Ngọc Hân, Đinh Anh Minh…

     Ngày 16-5-1906, Toàn quyền Paul Beau ký nghị định số 1514a, thành lập Trường Đại học Đông Dương. Trong đó, Điều 1 ghi rõ: “Nay thành lập ở Đông Dương, với tên gọi Trường Đại học (Université) một tập hợp các khóa đào tạo bậc đại học cho các sinh viên xứ thuộc địa và các nước láng giềng1. Sự kiện này đánh dấu về mặt pháp lý sự ra đời của trường đại học Đông Dương – mô hình giáo dục đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Trường Đại học Đông Dương đặt trụ sở tại số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (phố Boulevard Bobillot), với 5 trường cao đẳng: 1. Trường Luật và Pháp chính, 2. Trường Khoa học đào tạo, 3. Trường Y khoa, 4. Trường xây dựng, 5. Trường Văn chương. Tôn chỉ và sứ mệnh của nhà trường đã được xác định rõ: “Trường đại học sẽ là một trung tâm giảng dạy giáo dục bậc đại học, đỉnh cao học vấn ở Đông Dương. Đại học Đông Dương, trong khi đáp ứng các nhu cầu kinh tế và hành chính của thuộc địa trong các ban kỹ thuật, sẽ cố gắng hướng dẫn tinh thần khoa học, phương pháp học tập và nghiên cứu hiện đại cho những người xuất sắc và những người châu Á ở các nước láng giềng. Trường đại học sẽ cố gắng tạo nên ở Đông Dương một trung tâm văn hóa Âu châu...”2. Sau khi Trường Đại học Đông Dương khánh thành năm 1907, năm học đầu tiên được khai giảng có tổng số 193 sinh viên với số tiền mà chính quyền Pháp đầu tư là trên 15.000 đồng bạc Đông Dương để mua sắm trang thiết bị, lập thư viện, trả lương cho bộ máy quản lý và các giáo viên.

     Năm 1908, Nha Học chính Đông Dương (Indochinese Direction Public Education) được thành lập, đứng đầu là Henri Gourdon. Bên dưới có các Sở giáo dục (Services of Education) ở tất cả các xứ của Đông Dương. Đặc biệt ở An Nam, Bộ Học thuộc triều đình Huế, đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục3.

     Song song với việc dạy tiếng Pháp cho người Việt thì việc dạy tiếng Việt cho các viên chức hành chính Pháp cũng được đặt ra. So với chữ Nôm thì chữ Quốc ngữ rất gần chữ Pháp, lại rất tiện lợi, dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ Nôm nên người Pháp đã chọn chữ Quốc ngữ làm phương tiện dạy – học tiếng Việt. Do đó, chữ Quốc ngữ vốn chỉ được sử dụng trong hoạt động truyền đạo của Thiên Chúa giáo, trong giao dịch giữa các giáo dân đã dần dần trở thành phương tiện giáo dục chung. Năm 1910, chính quyền Pháp ra quyết định chữ Quốc ngữ được chính thức sử dụng ở Bắc Kỳ (trước đó, năm 1881, chữ Quốc ngữ đã được chính thức sử dụng tại Nam Kỳ), đánh dấu việc chữ Quốc ngữ được sử dụng chính thức rộng rãi trên phạm vi cả nước. Chữ Quốc ngữ được dạy cho các loại trường học từ một năm đến ba năm của bậc Ấu học, rồi lên bậc Tiều học, Trung học. Điều đó chứng tỏ Pháp đã dành cho việc giảng dạy chữ Quốc ngữ một vị trí nhất định trong nền giáo dục mới.

     Như vậy, với những cải cách trong lĩnh vực giáo dục của Paul Beau, một hệ thống giáo dục đa cấp từ bậc tiểu học tới đại học, đào tạo theo hướng đa ngành đa nghề đã được thiết lập1.

     Đến cuối năm 1917, Toàn quyền Albert Saraut tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai với việc ban hành “Bộ Học chính tổng quy” vào ngày 21-12-1917, nhằm mục đích tạo ra một hệ thống giáo dục tập trung ở Đông Dương. Theo quy định mới thì nền giáo dục ở Việt Nam gồm hai bộ phận: Bộ phận đào tạo cho các học sinh người Pháp ở Việt Nam và bộ phận đào tạo cho học sinh người bản xứ2.

     Tiểu học chia thành ba cấp: Sơ học (ba năm, từ 7-9 tuổi, đỗ bằng Sơ học yếu lược); Tiểu học (ba năm, từ 10-12 tuổi, đỗ bằng Tiểu học); Cao đẳng tiểu học (bốn năm, từ 13-16 tuổi, đỗ bằng Cao đẳng tiểu học).

     Trung học (bốn năm) có bốn trường (lycée) đặt ở Hà Nội (Protectorat, 1908), Sài Gòn (Petrus Ky, 1927), Phnôm Pênh (Sisowath, 1935), Huế (Khai Dinh, 1936). Học xong hai năm thì lấy bằng Tú tài bản xứ. Ba năm thì lấy bằng baccalauréat3. Bằng baccalauréat được công nhận tương đương với bên chính quốc kể từ năm 19304. Những người giành được tấm bằng này có thể cạnh tranh với những người có bằng tú tài Pháp và nhiều nước Châu Âu khác trong các trường đại học của Pháp cũng như trên thị trường việc làm. Như vậy, có thể thấy, lúc bấy giờ, giáo dục trung học trong hệ thống giáo dục Pháp ở Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế.

     Đồng thời, trong lần cải cách này, Albert Saraut cũng khẳng định lại cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của Đại học Đong Dương trên một tầm cao mới. Bên cạnh các trường thành viên cũ từng bước được nâng cao chất lượng đào tạo, một loạt các trường thành viên mới được thành lập. Đến trước Chiến tranh thế giới thứ II, Đại học Đông Dương có tất cả 14 trường thành viên, trong đó trường Y khoa và trường Luật tương đương trường đại học bên Pháp và sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng tốt nghiệp Quốc gia, ngang với văn bằng của các trường đại học Pháp.

     Nội dung thứ hai trong cải cách giáo dục là chương trình giảng dạy:

     Chương trình giảng dạy mới cho các trường tiểu học chính thức được ban hành vào năm 1910. Thời gian học ở lớp mỗi tuần là 27.5 giờ. Trong đó, có 12 giờ học tiếng Pháp và lịch sử; Hán tự và Quốc ngữ, dạy 3 giờ một tuần; Đạo đức được dạy từ 1-2 giờ một tuần; Toán học và Khoa học là 6 giờ1.

     Chương trình giảng dạy mỗi bậc học cũng khác nhau:

     Ở bậc Sơ học, học sinh được dạy các môn: Đạo đức, tiếng Việt, tiếng Pháp, Hán tự, lịch sử và địa lý Đông Dương, giáo dục vệ sinh và thể chất, số học, những kỹ năng thủ công cơ bản.

     Ở bậc Tiểu học, giảng dạy các môn: Tiếng Pháp, tiếng Việt, Hán tự, đạo đức, số học, hình học, khoa học cơ bản về tự nhiên và con người, địa lý Đông Dương, lịch sử Việt Nam, giáo dục vệ sinh và thể chất, kỹ năng thủ công.

     Ở bậc Cao đẳng tiểu học, chương trình bao gồm: Tiếng Pháp, tiếng Việt, Hán tự, đạo đức, tâm lý học, lịch sử và địa lý Đông Dương và Pháp, lịch sử tự nhiên, giáo dục vệ sinh và thể chất, toán, công nghệ.

     Ở bậc Trung học: Tiếng Pháp, tiếng Việt, đạo đức, tâm lý học, lịch sử, địa lý của Đông Dương và Pháp, toán, vật lý, hóa học, lịch sử tự nhiên, vẽ, công nghệ2.

     Sau đó, trong Bộ Học Chính Tổng Quy đã thông qua chương trình giảng dạy mới, quy định chi tiết hơn nội dung chương trình học ở bậc Tiểu học và Cao đẳng tiểu học3. Các lớp Sơ học có nhiệm vụ chuẩn bị đủ kiến thức tiếng Pháp cho người học để họ dễ dàng trong việc tiếp nhận chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp ở bậc cao hơn.

     Bên cạnh đó, trường học do Pháp lập ra còn có trách nhiệm đào tạo con người gắn với các ngành nghề khác nhau, bao gồm cả thương mại và công nghiệp. Vào đầu thế kỷ XX, nhiều ngành nghề mới đã xuất hiện nhằm lấp đầy các vị trí trong các cơ quan hành chính, các công ty thương mại, các cơ quan dân sự, nhà máy. Để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu về nhân lực, các trường học đã hướng đến hai mục tiêu đào tạo chính: phát triển tư duy kinh tế và đào tạo cho người học những công việc mới. Giáo dục về vệ sinh, thể chất và toán học là những môn học phương Tây đầu tiên được áp dụng vào các trường học ở Đông Dương. Sinh viên được tìm hiểu về cơ thể con người nhằm phát triển về thể chất. Vốn là môn học xa lạ trong các trường Nho giáo, giờ đây đã trở thành một trong những môn học chính trong các trường do Pháp lập ra. Các sinh viên được chuẩn bị sẵn sàng để bước vào thực tế cuộc sống với những công việc như quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý chi tiêu gia đình.

     Trong hệ thống giáo dục của Toàn quyền Paul Beau, đào tạo nghề chiếm một vị trí đáng kể. Ngay từ những năm học đầu tiên, học sinh của các lớp Sơ cấp đã có những bài học giới thiệu một cách sơ bộ về các ngành nghề thủ công như nghề mộc, đúc… cho trẻ em trai, thêu thùa, may vá… cho trẻ em gái. Ở bậc tiểu học từ năm 1917, bên cạnh giáo dục phổ thông còn có giáo dục nghề nghiệp. Học sinh của hai trường dạy nghề ở Hà Nội và Hải Phòng được hưởng nhiều chính sách ưu tiên trong quá trình học như: miễn học phí, được cung cấp các bữa ăn, phương tiện học tập và trợ cấp hang tháng từ 6-8 đồng1. Trong chương trình học 3 năm, các trường dạy nghề cung cấp kỹ năng về nghề mộc, đúc, điện, sửa chữa xe (6-7 giờ/ngày) và giáo dục phổ thông (2 giờ/ ngày). Đặc biệt, các ngành nghề truyền thống được quan tâm (đúc đồng, thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật). Ngoài ra, những trường học nông nghiệp cũng cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng hiện đại trong nông nghiệp2

     Một chuyển biến quan trọng trong giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX còn phải kể đến là sự ra đời của các trường Pháp – Việt dành cho nữ sinh người Việt Nam.

     Năm 1887, ở Bắc Kỳ, trong số 42 trường tiểu học thì có 4 trường tiểu học dành cho nữ (2 trường ở Hà Nội, 1 ở Hải Phòng và 1 ở Nam Định). Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, các trường nữ trên chủ yếu dành cho nữ sinh người Pháp, chỉ có một số ít nữ sinh người việt theo học.

     Năm 1906, trong Bản Quy chế giáo dục (Guidelines for Education) do Hội đồng phát triển giáo dục bản xứ ban hành ngày 25/8 quy định sẽ thành lập các trường học dành cho nữ trong hệ thống giáo dục bản xứ (bao gồm các cấp Ấu học, Tiểu học, Trung học)3.

     Năm 1907, trường tiểu học công lập Pháp – Việt đầu tiên dành cho nữ được thành lập ở Nam Định. Năm 1910, thành lập thêm hai trường nữa ở Hải Phòng và Hà Nội4 . Thời gian đầu, chỉ có vài nữ sinh đến trường, nhưng sau một thời gian ngắn, số lượng nữ sinh đến học đã tăng lên nhanh chóng. Chương trình giảng dạy gồm những môn về nữ công gia chánh (thêu thùa, may vá, hội họa) và học chữ Quốc ngữ5.

     Những thành công bước đầu đó đã tạo động lực để Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ quyết định mở thêm các trường học dành cho nữ ở các tỉnh. Điều này được đề cập trong nội dung bức điện gửi đến các Công sứ ngày 11-4-1910: “Trường học Pháp – Việt dành cho nữ vừa mở ở Hà Nội cũng nhận nữ sinh từ các tỉnh khác. Số lượng nữ sinh nhiều đến nổi trường phải ban hành những quy định đối với người vào học. Sự thành công đó đòi hỏi phải mở thêm nhiều trường hơn nữa cho nữ sinh ở trung tâm các tỉnh. Công sứ các tỉnh có trách nhiệm đi đầu trong việc cung cấp tài chính để xây dựng các trường học dành cho nữa trên địa bàn tỉnh mình1.

     Từ đó, nhiều trường tiểu học dành cho nữ đã được xây dựng ở Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Hưng Yên. Năm 1913, ở Bắc Kỳ có 9 trường tiểu học dành cho nữ với 674 nữ sinh. Đến năm 1940, con số này đã tăng lên 17.082 nữ sinh2, tức là gấp khoảng 26 lần.

     Trong Bộ Học chính tổng quy, Albert Sarraut đã đặt giáo dục cho nữ giới ở một vị trí quan trọng. Điều 80 của Bộ quy tắc trên quy định: “Việc tổ chức các trường tiểu học dành cho nữ, nói chung tuân theo những quy tắc như các trường học dành cho nam. Phải có ít nhất một trường tiểu học dành cho nữ với đầy đủ các bậc học của giáo dục tiểu học ở trung tâm mỗi tỉnh. Lúc này, nếu không thể xây dựng trường học dành cho nữ, thì các nữ sinh bản xứ có thể học chung trường với các nam sinh nhưng trong những lớp riêng3.

     Năm 1917, trường Pháp – Việt đào tạo bậc trên tiểu học đầu tiên được thành lập dành cho nữ mang tên Đồng Khánh (năm 1930, đổi tên là trường Trưng Vương, hiện nay, trường có tên là Trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, đóng trên địa bàn thành phố Huế), với hai bậc học: tiểu học và sau tiểu học. Chương trình giảng dạy có hai nội dung: giáo dục phổ thông (với các môn học đạo đức và cách thức ứng xử, chữ Quốc ngữ, vệ sinh, số học, tính toán, địa lý); giáo dục về nữ công gia chánh (với các môn học về quản lý gia đình, thêu thùa, may vá..)4. Sau khi hoàn thành học ở trường này, nữ sinh có thể tiếp tục theo học ở Trường Bưởi với các nam sinh. Năm 1940 có 10 nữ sinh/192 nam sinh theo học ở trường này.

     Năm 1918, Chương trình giáo dục tiểu học được ban hành. Trong đó, tất cả các môn học là giống nhau cho cả nam và nữ. Sự khác nhau duy nhất là những bài học về các nghề thủ công: đối với nam sinh, sẽ được cung cấp những kiến thức ban đầu về các công việc “cơ bắp” như đánh cá, làm nông, làm mộc…; còn đối với nữ sinh, sẽ được dạy những kiến thức về may vá, thêu thùa, đan lát… 5.

     Một số nữ sinh sau khi hoàn thành chương trình học trong nước có thể tiếp tục theo đuổi việc học ở Pháp. Như trường hợp của Henriette Bùi – con gái của Bùi Quang Chiêu, đã trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo trong nền giáo dục Y khoa phương Tây1. Năm 1920, nhiều sinh viên nữ người Việt đã tốt nghiệp đại học và 11 người trong số đó đã tiếp tục sang học ở Pháp. Năm 1935, tại Pari, bà Hoàng Thị Nga là phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận được bằng tiến sĩ khoa học2 từ một trường đại học của Pháp.

3. Một vài nhận xét

     Đến năm 1945, sau gần 40 năm tồn tại, nền giáo dục Pháp – Việt ở Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, tạo nên những chuyển biến đáng kể trong nền giáo dục ở Việt Nam.

     1. Hệ thống giáo dục đa cấp được hình thành với đầy đủ các cấp học từ tiểu học, trung học và cao nhất là đại học. Năm 1943, riêng ở Bắc Kỳ có 285.130 người tham gia vào các trường Pháp – Việt (trong đó: 244.000 người học bậc sơ học, 35.700 người ở bậc tiểu học, 3880 người ở cao đẳng tiểu học và 1550 người ở bậc trung học3). Đến trước Cách mạng tháng Tám, Đại học Đông Dương đã là một đại học hiện đại đa ngành, đa lĩnh vực có uy tín ở Viễn Đông, có quy mô đào tạo đạt tới hơn 1000 sinh viên/năm. Một số ngành đạt chất lượng quốc tế4 . Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trên cơ sở Trường Đại học Đông Dương, trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập, khai giảng khoá đầu tiên vào 15-11-1945. Đây là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đến cuối thế kỷ XX, khi nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên cách mạng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, năm 1993, Chính phủ đã quyết định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nhằm tạo tiền đề cho những chuyển biến tích cực mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới.

     Trên cơ sở đó, hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay đã có sự kế thừa và phát triển với các cấp học: giáo dục mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo); giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); giáo dục nghề nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề); giáo dục đại học và sau đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ 5.

     2. Về nội dung giảng dạy: Việc thành lập các trường Pháp -Việt với nội dung không chỉ đơn thuần tập trung vào việc giảng dạy tiếng Pháp mà chú trọng kết hợp học tiếng Pháp, tiếng Việt và Hán tự cũng như các môn học như đạo đức, lịch sử, văn học, địa lý là con đường hiệu quả khai sáng đầu óc con người, để các trí thức Việt Nam có điều kiện tiếp cận cũng như tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật, những tư tưởng tiến bộ của Pháp và thế giới. Nhờ đó, cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, gắn liền với cuộc đấu tranh yêu nước cách mạng vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ở Việt Nam có bước phát triển mới 1 . Hiện nay, trong hệ thống giáo dục Việt Nam, trên cơ sở kế thừa chương trình giảng dạy trong những năm nửa đầu thế kỷ XX đã xây dựng một chương trình giảng dạy phù hợp với tình hình Việt Nam và thế giới cũng như trình độ nhận thức của người dân. Ở bậc tiểu học, bên cạnh những môn học cũ như tiếng Việt, toán, lịch sử, địa lý, thể dục… còn có các môn học mới như tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh)… Ở bậc trung học, ngoài các môn như toán, lý, hóa… còn có sinh học, giáo dục công dân, ngoại ngữ (được mở rộng hơn với tiếng Anh, Pháp, Nhật…) …

     Với chương trình giảng dạy mới này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc2.

     3. Trên thực tế, giáo dục Pháp – Việt đã tạo ra một thế hệ vàng cho tầng lớp trí thức Việt Nam trong những năm 20, 30, 40 của thế kỷ XX. Đó là những nhà báo tài năng – những người đặt nền tảng cho ngành báo chí Việt Nam; các nhà văn, nhà thơ – những người tạo nên những trào lưu mới cho nền văn học nước nhà; những họa sĩ nổi tiếng – những người đã mang những tuyệt tác nghệ thuật của Việt Nam đến với thế giới. Bên cạnh đó là một đội ngũ khá đông đảo các bác sĩ, giáo viên, kĩ sư, nhà khoa học…

     4. Nếu như trong suốt chiều dài tồn tại của chế độ phong kiến, phụ nữ Việt Nam không được phép đến trường học thì từ đầu thế kỷ XX, điều đó đã thay đổi. Sự phát triển các trường học dành cho nữ thời kỳ này là một động lực to lớn thúc đẩy phụ nữ Việt Nam trên con đường đi đến sự tiến bộ. Trước hết, nền giáo dục Pháp – Việt đã chuyển họ từ nhà đến trường học, rồi giúp họ hòa nhập vào không gian xã hội rộng lớn hơn. Sự chuyển dịch từng bước chương trình học từ chỗ chỉ bó hẹp trong các môn học về nữ công gia chánh đến những môn học phổ thông hơn dần dần đã đưa vị trí của người phụ nữ Việt Nam ngang bằng với nam giới, trước hết là trong môi trường giáo dục. Trên cơ sở đó, họ cảm thấy tự tin để giành lấy những quyền khác ngoài quyền được giáo dục trong xã hội. Sự tiến bộ trong giáo dục dành cho nữ giới đã tạo nên một động lực to lớn đối với những thay đổi lớn hơn trong xã hội Việt Nam.

    5. Về giáo dục hướng nghiệp: Pháp đã dành một sự quan tâm khá đặc biệt đối với giáo dục hướng nghiệp từ khá sớm, ngay ở những năm đầu của bậc sơ cấp, và ngày càng được tăng cường giảng dạy trong các bậc học tiếp theo. Nếu như trong nền giáo dục Nho học, “những môn ta học và nhớ ấy chỉ là sách Tàu; những lời ta chú thích ấy chỉ là những 

lời của cổ nhân; những thứ ta thi ấy chỉ là kinh nghĩa, thơ ngũ ngôn, biền ngầu thứ lục” 1 thì việc bổ sung nội dung hướng nghiệp trong chương trình giảng dạy đã góp phần nâng cao khả năng chủ động của người học, đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội. Hiện nay, hướng nghiệp là một trong nội dung mà giáo dục Việt Nam rất chú trọng nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện. 6. Có thể nói, để xây dựng một nền giáo dục hiện đại, dần thoát ra khỏi những hạn chế của nền giáo dục Nho học thì vấn đề tìm hiểu, học tập, tiếp thu những nội dung của nền giáo dục phương Tây là một sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp. Trong khi đó, mặc dù việc người Pháp áp dụng một hệ thống giáo dục mới vào Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý của Pháp ở Đông Dương, nhưng bản thân Pháp là một trung tâm văn hóa của thế giới, hệ thống giáo dục mà Pháp đưa vào Việt Nam mang đặc trưng của nền giáo dục hiện đại phương Tây. Do đó, vào nửa đầu thế kỷ XX, dù trên phương diện chính trị, chính quyền Pháp ở Đông Dương và nhân dân Việt Nam ở hai phía đối lập nhau, nhưng về giáo dục lại không có sự chống nhau mà thống nhất giữa nhu cầu tiếp thu văn minh phương Tây của người Việt và nội dung tiến bộ, khoa học của hệ thống giáo dục mà Pháp áp dụng ở Đông Dương. Nói cách khác, đó chính là có sự phù hợp giữa cung – người Pháp với hệ thống giáo dục mới và cầu – người Việt Nam với mong muốn tiếp thu những tinh hoa của thời đại. Có thể đó là lý do quan trọng giải thích tại sao trong bối cảnh sự tồn tại lâu đời của nền giáo dục Nho học mà nền giáo dục Việt – Pháp do Pháp lập nên vẫn thu hút được nhiều người Việt Nam vào học cũng như những kết quả khả quan mà hệ thống này đã đạt được sau gần nửa thế kỷ tồn tại. Như vậy, sự thay đổi sâu sắc của hệ thống giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là kết quả của hàng loạt những cải cách giáo dục của các đời Toàn quyền Pháp ở Việt Nam. Trải qua nhiều lần cải cách đó, từ trường lớp, chương trình giảng dạy và các quy định, giáo dục Pháp – Việt nửa đầu thế kỷ XX đã tạo nên những chuyển biến quan trọng, góp phần vào việc vực dậy nền giáo dục Việt Nam sau một thời gian dài gắn liền với nền giáo dục Nho học và tạo nền tảng để Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại trong tương lai. Mà trước hết, nó đã có vai trò quan trọng trong việc hình thành một thế hệ trí thức mới và đưa đến cho phụ nữ Việt Nam một địa vị hoàn toàn mới, mà trong nền giáo dục Nho học, họ chưa bao giờ có được. 

___________
1. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 2

2. Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Hà Nội, tr. 254.

1. Trương Bửu Lâm (2000), Colonial Experience – VietNamese writing on Colonialism, 1930-1931, University of Michigan Press, tr.113.

1. Trần Thị Phƣơng Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 3.

2. Trần Thị Phƣơng Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr.10.

3. Pierre Brocheur, Daniel Hemery (2009), Indochina, An Ambiguous Colonization 1858-1954, University of California Press, tr. 217.

1. Vũ Quang Hiển, Trần Viết Nghĩa (2008), Tinh thần dân tộc trong cải cách giáo dục ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11, 12, tr. 85.

2. Vũ Quang Hiển, Trần Viết Nghĩa (2008), tr. 86.

3. Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2002), Thi hương, Tập thượng, Paris, tr. 35.

4. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 18.

1. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 12-13.

2. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 13.

3. Theo Bộ Học chính tổng quy của Albert Sarraut, hệ thống giáo dục ở Việt Nam có 3 cấp: cấp I: tiểu học (bao gồm sơ học và tiểu học); cấp II (có Cao đẳng tiểu học và Trung học); cấp III: đại học.

1. Học báo (18/9/1922), Theo bản báo cáo về khóa học nghề 3 năm ở thành phố Hải Phòng đã thu hút được 50 sinh viên.

2. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 16-17.

3. Trần Thị Phương Hoa (2010), Franco – VietNamese schools for girls in Tonkin at the beginning of the twentieth century, Harvard – Yenching Institute, tr. 3-4.

4. Theo Nghị định số 2436 ngày 12-8-1910 của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập các trường Pháp – Việt dành cho nữ – Ecole Brieux.

5. Đông Dương tạp chí, số 40, 1912, tr.2.

1. The Vietnam National Archives Center No1 (VNACI), RHD-3783, A.s creation d’une ecole des filles indigenes dans la province de Hadong. Dossier 2.

2. Trần Thị Phương Hoa (2010), Franco – VietNamese schools for girls in Tonkin at the beginning of the twentieth century, Harvard – Yenching Institute, tr. 6.

3. Albert Sarraut (21/12/1917), Reglement General de L’Instruction Publique en Indochine, Sài Gòn, tr.38.

3. The Vietnam National Archives Center No1 (VNACI) (10/11/1917), RHD-3814, Arrete No 2229, HN.

5. The Vietnam National Archives Center No1 (VNACI), RHD-3754 (1918), Programme de L’ enseignement francoindegene des ecoles elementaries au Tonkin

1. Micheline Lessard, The Colony writ small: Vietnamese women and political activism in colonial schools during the 1920s, Canada, tr.9.

2. G. Boudarel, Nguyễn Văn Ký (1997), Ha Noi 1936-1966, Du drapeau rouge au billet vert, Paris.

3. Trần Thị Phương Hoa (2009), Franco – VietNamese schools and the transition from Confucian to the new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Harvard – Yenching Institute, tr. 18.

4. Đinh Xuân Lâm (2006), Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội, kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Việt Nam, HN.

5. Điều 4, Luật Giáo dục Việt Nam năm 2005.

1. Ngô Đăng Tri, Đỗ Thanh Loan, Giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1945 – 1954, VNH3.TB14.586, tr. 1.

2. Điều 2, Luật giáo dục Việt Nam năm 2005.

1. Dẫn theo Vũ Quang Hiển, Trần Viết Nghĩa (2008), Tinh thần dân tộc trong cải cách giáo dục ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 11, 12, tr. 87.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Quan hệ Việt – Pháp, quá khứ và hiện tại”, năm 2013
Relations Vietnam – France d’hier et d’aujourd’hui

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Vai trò của Pháp trong những chuyển biến của giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Tác giả: PGS.TS Đặng Văn Chương; Lê Thị Quý Đức)