Vai trò thủ phủ đối với sự ra đời, phát triển của Đàng Trong trên các lĩnh vực phát triển lãnh thổ, xây dựng chính quyền, phát triển nền kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội
Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHAN THANH HẢI
(Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Sự ra đời và phát triển của các thủ phủ gắn liền với quá trình Nam tiến và phát triển của Đàng Trong
Công cuộc Nam tiến mở rộng lãnh thổ là một trong những đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến XVIII mà kết quả của nó đã làm thay đổi cả diện mạo đất nước. Công cuộc Nam tiến đã gắn bó chặt chẽ với vị trí, vai trò của các thủ phủ ở Đàng Trong. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) cho đến khi chúa Nguyễn cuối cùng phải rời bỏ đất này để chạy vào Nam trước sự tấn công của quân đội Lê Trịnh (1775), họ Nguyễn đã luôn luôn lựa chọn Thuận Hóa làm nơi đóng đô. Sự thay đổi các vị trí đóng thủ phủ tuy xảy ra đến 8 lần nhưng đều gắn liền với 3 hệ thống sông lớn thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, là hệ thống sông Thạch Hãn, hệ thống sông Bồ và hệ thống sông Hương, và đều nằm trong khu vực trung tâm của trấn Thuận Hóa hồi bấy giờ. Quá trình dịch chuyển vị trí của các thủ phủ luôn gắn liền với công cuộc Nam tiến của người Việt trong thời kỳ này và bản thân các vị trí đó tuy cũng có xu hướng dịch chuyển về phía Nam. Nhưng khoảng cách của sự dịch chuyển ấy về cơ bản không phải là lớn, chỉ giới hạn trong khoảng cách chừng 60km (từ ái Tử đến Phú Xuân). Như vậy, cùng với công cuộc Nam tiến để mở rộng lãnh thổ, đảm bảo cho sự tồn tại cùng tương lai của họ Nguyễn, sự Nam tiến “chút ít” của các thủ phủ chỉ là nhằm đảm bảo sự an toàn cho trung tâm chính trị của mình. Còn nhìn trên tổng thể, các thủ phủ của chúa Nguyễn chưa bao giờ rời bỏ đất Thuận Hóa.
Thủ phủ với công cuộc phát triển kinh tế của Thuận Hóa và Đàng Trong
Như đã trình bày, quá trình xây dựng và phát triển của các thủ phủ đều gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển của vùng đất Thuận Hóa và cùng với nó là quá trình hình thành, phát triển của cả Đàng Trong. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi trong mối quan hệ trên, nếu xem các thủ phủ là những hạt nhân, thì Thuận Hóa là cơ sở, là vỏ bọc trực tiếp của các hạt nhân ấy, còn Đàng Trong là môi trường tổng thể để nuôi dưỡng và phát triển các hạt nhân trên. Ngược lại, chính sự hình thành và phát triển của các thủ phủ với vai trò là trung tâm đầu não của cả xứ sở đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của Thuận Hóa và của cả Đàng Trong. Bởi vậy, ngay từ khi thủ phủ đang còn ở quy mô nhỏ, hoặc mang đậm tính chất quân sự thì chúng vẫn có tác động quyết định đến sự phát triển chung của Đàng Trong bằng những mệnh lệnh và chính sách cụ thể phát ra từ đây.
Đối với nền kinh tế, trước hết, các chúa Nguyễn chú trọng phát triển nền nông nghiệp để ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo đầy đủ binh lương để đối phó với các cuộc tấn công của thù trong giặc ngoài1.
Và cùng với việc phát triển nền nông nghiệp, các ngành thủ công nghiệp cũng được quan tâm chú ý phát triển để phục vụ cho các nhu cầu của phủ chúa, cho các yêu cầu chung của xã hội, đặc biệt là để đáp ứng cho việc phát triển thương nghiệp và phục vụ chiến tranh2. Nhưng ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong việc biến đổi toàn diện bộ mặt của Đàng Trong, khiến vùng đất mới này trở nên hùng mạnh và đứng vững trước những cuộc tấn công của quân đội Lê- Trịnh từ Đàng Ngoài lại là thương nghiệp1. Như vậy, chính chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế với vai trò chủ đạo của các thủ phủ đã tạo nên cơ sở sức mạnh vững chắc cho họ Nguyễn, khiến họ tạo lập được một vị thế chính trị hùng mạnh trong cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra hàng thế kỷ.
Các thủ phủ và việc xây dựng chính quyền chúa Nguyễn
– Chính quyền trung ương tại thủ phủ
Sự ra đời của Đàng Trong dĩ nhiên gắn liền với sự ra đời của chính quyền Đàng Trong và bộ máy chính quyền trung ương đều được thiết lập ngay tại các thủ phủ. Tuy nhiên, thời kỳ dinh chúa Nguyễn Hoàng đóng tại bờ sông Thạch Hãn (ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát), bộ máy trên vẫn mang tính chất một chính quyền địa phương của một viên tướng ngoài chốn biên viễn. Về cơ bản, nó vẫn được sắp đặt theo khuôn mẫu của triều Lê.
Sau khi kế vị cha, ngay từ năm 1614, Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định cải cách bộ máy cai trị của vùng đất mới theo xu hướng một chính quyền riêng, độc lập với Đàng Ngoài. Chính quyền trung ương của họ Nguyễn từ thời Nguyễn Phúc Nguyên đến năm 1744-thời điểm Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu và cải cách lại hệ thống chính quyền-về cơ bản được thiết lập theo cơ cấu như sau: Chúa Nguyễn là người đứng đầu với chức danh “Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự”, nghĩa là nắm quyền tổng chỉ huy quân đội và quyền chỉ huy mọi công việc đối nội đối ngoại. Bên dưới có 4 vị “Tứ trụ đại thần” giúp chúa cai quản các phương diện công việc. Dưới nữa là Tam Ty với 3 cơ quan trực thuộc là ty Xá Sai, ty Tướng Thần Lại và ty Lệnh Sử (tại thủ phủ thì có thêm ty Nội Lệnh Sử và ty Lệnh Sử Đồ Gia) với chức quan đứng đầu là Đô tri, Ký lục, Cai bạ, Nha úy. Có thể nói, cơ cấu chính quyền trung ương của các chúa Nguyễn lúc đầu khá gọn nhẹ và thể hiện tính tập trung quyền lực rất cao. Tuy nhiên, mô hình chính quyền trung ương của các chúa Nguyễn trên thực tế đã được xây dựng và phát triển dần chứ không phải hoàn chỉnh ngay từ thời Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương và tiến hành cải tổ, sắp xếp lại bộ máy chính quyền trung ương thành một vương triều thực sự. Cùng với triều đình chúa Nguyễn, tại thủ phủ luôn luôn tập trung một lực lượng lớn lực lượng quân đội và những người phục vụ, tạo nên vẻ đông đúc, đô hội của thủ phủ, nhất là từ thời Kim Long trở đi. Bộ máy này chính là đầu não của Đàng Trong, chỉ huy mọi hoạt động của vùng đất mới phía Nam, tách biệt hẳn với chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài.
– Chính quyền cấp cơ sở
Cùng với quá trình nam tiến, các đơn vị hành chính mới liên tục được thiết lập. Đến năm 1744, Đàng Trong đã được tổ chức lại thành một vương quốc với 12 dinh và một trấn, kéo dài từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Bên dưới dinh, trấn (tương đương với cấp tỉnh) là các đơn vị phủ – huyện – tổng – xã (miền núi và ven biển thì có đơn vị thuộc) với hệ thống quan chức đặc thù.
Xây dựng các cơ sở để tạo lập bản sắc văn hóa vùng đất mới
Vai trò này thể hiện trên hai khía cạnh chủ yếu:
– Thủ phủ đóng vai trò là trung tâm trong việc kế thừa và phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc.
Từ đầu thế kỷ XIV, sau cuộc hôn nhân chính trị Huyền Trân – Chế Mân cho mãi đến sau này, những lớp di dân Nam tiến người Việt, dù đi tới vùng đất nào vẫn mang theo tâm thức văn hóa truyền thống. Hướng về cội nguồn đất Bắc cũng đồng nghĩa với tình yêu đất nước và quê hương. Tâm thức văn hóa truyền thống Việt cũng chính là cơ sở về mặt tinh thần giúp họ trụ vững trên miền đất mới mà không bị đồng hóa ngược bởi nền văn hóa bản địa, như trường hợp dân tộc Mãn Thanh sau khi vào Trung Nguyên. Nhưng phải từ khi họ Nguyễn vào đất Thuận Hóa trở về sau, những truyền thống văn hóa tinh thần mới được xây dựng một cách có định hướng mạnh mẽ. Cùng với việc thờ cúng tổ tiên tục thờ Thành Hoàng được khuyến khích. Những ngôi đình làng được dựng nên khắp nơi để cố kết nối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng. Các chúa Nguyễn còn hết sức xiển dương và tạo mọi điều kiện cho Phật giáo Đại Thừa, một tôn giáo quen thuộc của người Việt, gây dựng ảnh hưởng trong xứ sở của mình. Chúa Nguyễn “không xóa bỏ các truyền thống Việt Nam khác: đặc biệt họ sùng kính đạo Phật phái Đại thừa, coi đó là những nền tảng cho những nhu cầu về ý thức và tâm linh đối với dòng họ cầm quyền. Đạo Phật là chỗ dựa cho ý thức dân tộc Việt Nam và củng cố vị thế hợp pháp của họ Nguyễn”.
Từ thời kỳ Phước Yên đóng vai trò là thủ phủ của Đàng Trong trở về sau, họ Nguyễn đã dần dần công khai ý đồ thành lập một vương quốc riêng, ly khai với Đàng Ngoài. Các thủ phủ – kinh đô của “vương quốc” mới này đã được xây dựng với phong cách khá đặc trưng nhưng vẫn là một “đô thị giữa hai dòng sông” theo mô thức truyền thống của phần lớn đô thị Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Và mô hình này đã được nhân rộng và áp dụng cho hầu hết các đô thị của Đàng Trong. Thêm nữa, triều đình họ Nguyễn từ Kim Long đến Phú Xuân dù đã cố gắng xây dựng những nghi thức, nghi vệ, cho riêng mình nhưng thực chất vẫn là sự mô phỏng các kiểu thức của triều đình nhà Lê ở miền Bắc. Và bản thân chúa Nguyễn, cho đến năm 1744, khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, công khai lập một nước riêng, thì vẫn coi mình là thần dân nước Việt, sử dụng niên hiệu của vua Lê trong tất cả các văn bản, giấy tờ.
Ơ một lĩnh vực khác là lễ nhạc cung đình, chúa Nguyễn cũng đều dựa trên truyền thống nghi lễ và âm nhạc dân tộc. Trong thời kỳ phủ chúa đóng ở Phước Yên, Nguyễn Phúc Nguyên đã gặp Đào Duy Từ, một nhân tài của đất Bắc nhưng không được họ Trịnh trọng dụng vì xuất thân từ gia đình ca kỹ. Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn không chỉ về binh bị mà còn về việc xây dựng lễ nhạc cung đình.
Như vậy, các thủ phủ vẫn đóng vai trò trung tâm trong sự kế thừa và phát huy các truyền thống của dân tộc trên vùng đất mới. Điều đáng nói là sự kế thừa ấy mang tính linh hoạt và có sự sáng tạo rất cao nên các truyền thống văn hóa Việt ngày càng có thêm sức mạnh và khả năng hòa nhập. Bởi vậy, nền văn hóa xứ Đàng Trong, dù đã được họ Nguyễn cố tình xây dựng theo một mô hình mới, thì vẫn là một nền văn hóa Việt với tâm thức luôn luôn gắn bó và hướng về cội nguồn. Bởi vậy, dù bị các tập đoàn phong kiến chia cắt đến 200 năm, nhưng ngay sau khi biên giới ngăn cách giữa hai miền Đàng Trong, Đàng Ngoài bị xóa bỏ, văn hóa hai miền Nam – Bắc đã nhanh chóng hòa hợp thống nhất.
– Tiếp quản và kế thừa các yếu tố văn hóa bản địa cùng các yếu tố văn hóa mới.
Một trong những đặc tính đã làm nên sức mạnh của văn hóa Việt là khả năng tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa của nền văn hóa khác để biến thành cái của mình. Khi vào tiếp quản Thuận Hóa và dần dần chiếm lĩnh cả Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã phải đương đầu với một bối cảnh xã hội hoàn toàn mới. Nền văn hóa bản địa vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh ấn Độ của người Chăm, người Khmer và các dân tộc thiểu số có nhiều điểm khác xa với văn hóa Việt, vốn mang nặng ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn đã khéo léo biết kế thừa, tiếp thu những điểm ưu việt hay có lợi trong nền văn hóa bản địa để phục vụ cho sự phát triển của mình.
Ngay từ khi mới vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã rất khôn ngoan tạo ra sự thừa nhận và ủng hộ của các vị thần bản địa đối với ông. ở ái Tử, ông được Thần sông báo mộng và bày cách để đánh bại Lập Bạo; đến Huế, ông lại tự coi mình là chân chúa theo lời truyền của bà tiên “quần xanh áo đỏ” hiện hình trên đồi Hà Khê, để từ đó mà khởi dựng chùa Thiên Mụ, củng cố vùng đất, chuẩn bị cho cơ nghiệp lâu dài cho dòng họ.
Điều đáng chú ý ở đây là Nguyễn Hoàng đã biết đồng hóa hình ảnh vị thần đất vĩ đại Po Nagar của người Chăm với hình ảnh một bà tiên của Đạo giáo (Thiên Mụ hay Thiên Mẫu) thân thuộc của người Việt cùng lời tuyên bố về vai trò đặc biệt của ông đối với tương lai vùng đất. Đây là một việc làm có ý nghĩa chính trị to lớn, một cách tuyệt vời để “bản địa hóa” và chính danh sự nghiệp của mình. Ngay sau khi được xây dựng, chùa Thiên Mụ đã trở thành biểu tượng của sự linh thiêng, biểu tượng của sự hòa hợp các loại hình tôn giáo tín ngưỡng tại địa phương, và cũng là biểu tượng cho sự ủng hộ của thần linh bản địa đối với họ Nguyễn.
Các thủ phủ chúa Nguyễn đều đặt trên những trung tâm cũ của người Chăm nhưng họ vẫn giữ lại những “Thành Lồi”, “Cồn Lồi”, “Miếu Giàng”… Qua một thời gian được Việt hóa, các vị thần linh được thờ ở đó đều trở thành những thần linh bản địa của người Việt, trở thành những thế lực phò giúp chúa Nguyễn về tâm linh. Chính sách khôn ngoan trên của chúa Nguyễn đã được ứng dụng từ các thủ phủ ra toàn bộ Đàng Trong và đã đạt được sự thành công tuyệt vời.
Như vậy, việc sử dụng Phật giáo Đại thừa với tư cách như một quốc giáo của chính quyền họ Nguyễn không chỉ nhằm làm chỗ dựa cho ý thức tư tưởng truyền thống Việt trên vùng đất mới mà còn là phương tiện để dung nạp các hệ tư tưởng và văn hóa mới, trong đó có việc kế thừa có chọn lọc các yếu tố văn hóa bản địa. Đối với công việc này, các thủ phủ thực sự đã nắm vai trò trung tâm trong việc hội tụ và tiếp biến các yếu tố văn hóa mới để hình thành nên sắc thái văn hóa đặc biệt của Đàng Trong.
Trong công trình nghiên cứu về lịch sử, kinh tế và xã hội của Đàng Trong, thế kỷ XVII-XVIII, Li Tana đã dành hẳn một chương để phân tích về nền văn hóa của xứ sở này và lấy tựa đề là: “Cuộc sống ở Đàng Trong: Hội nhập và sáng tạo”. Bà cho rằng khi tiến xuống phía Nam, người Việt ở Đàng Trong đã tiếp xúc chặt chẽ với các dân tộc địa phương thuộc các nền văn hóa khác biệt. Đứng đầu trong số các dân tộc này là người Chăm. Các di dân người Việt đã tiếp nhận và thích nghi một cách thoải mái với nhiều yếu tố của nền văn hóa Chăm trong một quá trình dài vay mượn có chọn lọc cái mới và loại bỏ cái cũ không còn phù hợp nơi vùng đất mới. Tác động qua lại phong phú này cuối cùng đã cho ra đời một ý thức về bản sắc Việt Nam, cắm rễ sâu trong môi trường xã hội, văn hóa và tự nhiên của vùng đất mới ở phía Nam.
Cái mà Li Tana gọi là bản sắc văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới chính là những sắc thái văn hóa đặc trưng mà những lớp di dân Việt đã tạo dựng được trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với các giá trị văn hóa mới nhằm thích nghi với những điều kiện mới.
Thay lời kết
Với một quá trình lâu dài đóng vai trò trung tâm chính trị quân sự, văn hóa và cả kinh tế của Đàng Trong, các thủ phủ đã có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của xứ sở này. Đây chính là đầu não của các cuộc chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến với Đàng Ngoài, bảo vệ được cơ đồ của họ Nguyễn ở phương Nam. Cũng từ đây, công cuộc Nam tiến diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả, để lãnh thổ đất nước không ngừng được mở rộng. Đối với công cuộc đô thị hóa tại Thuận Hóa và Đàng Trong, từ các thủ phủ với chính sách ngoại thương rộng mở, với việc xây dựng một mô hình đô + thị tiêu biểu Kim Long – Thanh Hà – Hội An, hay Phú Xuân – Thanh Hà – Hội An… đã thực sự làm cho nền kinh tế hàng hóa trong toàn xứ có bước phát triển nhảy vọt, tạo cho Đàng Trong một diện mạo kinh tế thật phong phú và phồn thịnh. Các thủ phủ còn góp phần quan trọng trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trên cơ sở đó lại có sự tiếp thu rộng rãi và linh hoạt các yếu tố văn hóa bản địa và yếu tố văn hóa ngoại lai để định hình nên những sắc thái văn hóa đặc biệt của Đàng Trong. Và như vậy, từ thế kỷ XVII trở đi, một trung tâm văn minh mới của người Việt đã ra đời ở phía Nam – trung tâm Phú Xuân Huế – như một sự đối sánh với trung tâm Thăng Long – Đông Đô trên đất Bắc. Còn vùng Thuận Quảng giàu có với thế mạnh đặc biệt về thương nghiệp đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn, có thể so sánh với trung tâm kinh tế ở đồng bằng Bắc Bộ. Riêng đối với Huế, các thủ phủ Kim Long – Phú Xuân cũng là những đô thị đầu tiên của người Việt gắn liền với dòng sông Hương. Với gần 140 năm tồn tại và phát triển (1636-1775), thời kỳ Kim Long – Phú Xuân đã đặt cơ sở và bước đầu định hình cho một phong cách Huế – không chỉ về đặc trưng đô thị mà còn bao hàm nhiều mặt của khái niệm văn hóa.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, sự phát triển của các thủ phủ không đảm bảo cho sự bền vững của chính quyền các chúa Nguyễn. Điều này không phải do các thủ phủ, mà do sự vận động chủ quan của tổ chức bộ máy vương quyền. Kể từ thế kỷ XVIII về sau, bộ máy tổ chức vương quyền họ Nguyễn đã bộc lộ nhiều yếu kém: cồng kềnh, bất hợp lý, tham nhũng, hủ bại… Sau cái chết của Nguyễn Phúc Khoát, các mâu thuẫn trong xã hội bị đẩy lên đến mức cao trào. Điều này đã khiến các chúa Nguyễn không đủ sức chống đỡ để tồn tại trước sự tấn công của họ Trịnh, của Tây Sơn, và cuối cùng bị diệt vong.
Vương quyền họ Nguyễn sụp đổ, nhưng thủ phủ – Đô thành Phú Xuân vẫn giữ vị trí trung tâm của vùng đất mới, và của cả nước dưới các triều đại kế tục: triều Tây Sơn, triều Nguyễn. Đặc biệt, từ năm 1802-1945, triều Nguyễn đã kế thừa và phát triển đô thị Phú Xuân-Huế lên một tầm cao mới, trở thành “một mẫu mực về kiến trúc đô thị” mà di sản của nó để lại đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.
__________
1 Ngay từ khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã đưa theo một lực lượng khá đông đảo bộ tướng và binh lính đi cùng. Hàng ngàn người này đã đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng cư dân bản địa để khai khẩn, mở mang các vùng đất xung quanh lưu vực sông Thạch Hãn, lập nên các thôn xóm mới. Kết quả khảo sát xung quanh khu vực này cho thấy, ông tổ của các thôn Trung Kiên, Tiền Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên, Hậu Kiên đều xuất thân từ binh lính của quân đội chúa Nguyễn. Họ Nguyễn còn áp dụng một chính sách rất hữu hiệu để khai thác các vùng đất mới hay những vùng rừng núi sâu hiểm, nhiều lam sơn chướng khí, đó là sử dụng tù binh bắt được qua các lần giao tranh với kẻ thù. Năm 1572, sau khi đánh bại đội quân nhà Mạc do tướng Lập Bạo chỉ huy, Nguyễn Hoàng đã đưa hàng ngàn tù binh lên khai phá vùng đất đỏ Cồn Tiên, lập thành 36 phường mới của tổng Bái Ân [8: 31]. Về sau này, khi mở rộng đất Quảng Nam, các chúa Nguyễn vẫn tiếp tục sử dụng chính sách trên rất thành công. Năm 1648, Nguyễn Phúc Lan đã đ-a 3 vạn tù binh quân Trịnh đi khai khẩn ở các vùng đất còn hoang sơ ở phía nam bằng cách “chia tan số tù binh, cứ 50 người làm một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm. Lại ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ được tìm thấy những lợi núi đầm mà sinh sống” [8: 59]. Kết quả là “từ Thăng [tức phủ Thăng Bình], Điện [tức phủ Điện Bàn] đến tận Phú Yên, làng mạc liền nhau, về sau sẽ thành hộ khẩu” [8: 59]. Nhờ chính sách khai khẩn tích cực trên mà đất đai canh tác của Đàng Trong không ngừng được mở rộng. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn, đến năm Giáp Ngọ (1774), 9 huyện của Thuận Hóa đã có đến hơn 265.507 mẫu ruộng, dân số cũng trở nên đông đúc: “Xứ Thuận – Hóa sau hai trăm năm sinh tụ, làng mạc liền nhau, theo sổ đinh năm Quý Tỵ [1773], 9 huyện châu, 862 xã thôn phường, số người cộng là 126.857 người, nộp các thứ tiền sai dư đến 153.600 quan 5 tiền” [5: 136]. Làng mạc của Thuận Hóa và Đàng Trong có một số lượng rất lớn đã được thành lập trong thời chúa Nguyễn. Điều này được khẳng định bởi hai căn cứ, thứ nhất, gia phả của rất nhiều dòng họ ở các vùng từ Quảng Trị trở vào Nam đều ghi nhận tổ tiên của họ đã theo chân các chúa Nguyễn vào vùng đất mới lập nghiệp; và thứ hai, theo sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, giữa thế kỷ XVI, toàn bộ 9 huyện, châu của Thuận Hóa mới chỉ có 522 xã thôn [3: 31-40]. Như vậy, chỉ trong khoảng 220 năm (tính từ năm 1555 đến 1773), riêng vùng Thuận Hóa đã lập thêm 340 xã thôn mới. Số lượng này bằng 65% số lượng toàn bộ xã thôn cũ của Thuận Hóa trước đó.
2 Thủ công nghiệp được chia thành hai loại khá rõ là thủ công nghiệp nhà nước (chủ yếu là các quan xưởng, tượng cục do triều đình họ Nguyễn quản lý) và thủ công nghiệp dân gian (hệ thống làng nghề truyền thống). Thủ công nghiệp nhà nước thời Nguyễn Hoàng đang còn khá sơ sài, nhưng từ thời Nguyễn Phúc Nguyên trở về sau thì được tổ chức ngày càng chặt chẽ. Toàn bộ hệ thống quan xưởng, tượng cục đều hoạt động trong sự quản lý của Nội Lệnh Sử và Lệnh Sử Đồ Gia. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát cải cách chính quyền, đặt ra Lục Bộ [1744] thì các hệ thống này do bộ Binh và bộ Công quản lý. Theo Lê Quý Đôn, giữa thế kỷ XVIII, tại Đô thành Phú Xuân có đến 62 ty thợ, mỗi ty thợ chuyên trách một nghề khác nhau với 565 lính thợ chuyên nghiệp trên tổng số 2.519 lính thợ tạp binh các hạng. Cuối thế kỷ XVII, khi đến Huế, Thích Đại Sán cũng ghi nhận: “Trong nước, trăm thứ thợ đều do quân dân làm”, và cách đào tạo thợ được thực hiện như sau: “vào quân đội rồi, mỗi người bắt chuyên học một nghề, rồi phân phái đi các chiến thuyền luyện tập, có chiến tranh thì đem ra đánh giặc, lúc vô sự thì theo vương phủ làm xâu. Tuổi chưa đến 60 thì chưa được về làng cùng cha mẹ vợ con đoàn tụ” [9:43]. Những người lính thợ này và những người phụ trách ty thợ đều được hưởng chế độ lương bổng cùng các ưu đãi khác. Chính sự tập trung với số lượng lớn các tượng cục/ty thợ tại thủ phủ
đã tạo nên không khí hoạt động sôi nổi cùng vẻ phồn thịnh của Đô thành của chúa Nguyễn.
1 Vai trò to lớn của thương nghiệp đã được các chúa Nguyễn nhận thức rất đầy đủ, và ngay từ thời Nguyễn Hoàng, thương nghiệp đã được đề cao. Do điều kiện đặc biệt của Đàng Trong, nhất là trong thời kỳ đầu, khi nó mới chỉ bao gồm dải đất miền Trung nhỏ hẹp, khí hậu khắc nghiệt, ít đồng bằng, lắm rừng núi, nên thương nghiệp được xem là phương tiện cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết để Đàng Trong vươn lên thật nhanh. Các chúa Nguyễn đã khôn khéo tiếp thu nhiều kinh nghiệm buôn bán phong phú của người Chăm trước đó. Đối với nội thương, việc buôn bán giữa các vùng miền phát triển mạnh, nhất là buôn bán lúa gạo từ miền Nam ra Thuận Hóa để phục vụ triều đình và quân đội. Nội thương cũng tích cực phục vụ cho ngoại thương bằng việc tập trung nguồn hàng để xuất khẩu. Mạng l-ới trao đổi ven sông được phát triển trải rộng khắp từ miền biển đến tận đầu nguồn để triệt để khai thác các thế mạnh của rừng núi, nhất là các loại gỗ quý, trầm hương, kỳ nam, sơn sống, quế…cùng các đặc sản nông nghiệp của các vùng miền, trong đó nổi bật là hồ tiêu, mật mía… Ngoại thương, do điều kiện khách quan là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thương mại quốc tế bằng con đường biển nên lại càng thuận lợi. Trong các thế kỷ XVI-XVIII, hàng loạt thương cảng quốc tế của Đàng Trong từ Thanh Hà đến Hội An, Nước Mặn, Sài Gòn, Hà Tiên… đã hoạt động rất nhộn nhịp, đem lại những nguồn lợi khổng lồ cho họ Nguyễn.
Điều đáng chú ý là hầu hết các thủ phủ đều giữ vai trò điều phối các hoạt động thương nghiệp. Khi thủ phủ còn đóng tại bờ sông Thạch Hãn – Quảng Trị, khu vực Cửa Việt – ái Tử đã nhộn nhịp tàu bè vào ra buôn bán phục vụ dinh chúa. Đến khi thủ phủ gắn liền với hệ sông Hương thì thương nghiệp càng phát triển mạnh mẽ, hoạt động thương nghiệp chủ yếu xoay quanh trục Hội An – Thanh Hà – Kim Long (sau là Phú Xuân).
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vai trò thủ phủ đối với sự ra đời, phát triển của Đàng Trong trên các lĩnh vực phát triển lãnh thổ, xây dựng chính quyền, phát triển nền kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội (Tác giả: ThS. Phan Thanh Hải) |