Vấn đề cần ưu tiên nghiên cứu khoa học trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN QUỐC HÙNG
(Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)
Trong thời gian qua Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quan tâm đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu khoa học của Bộ nói chung, ngành di sản văn hóa nói riêng, nhiều đề tài khoa học cấp Bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được triển khai nghiên cứu, nghiệm thu và được áp dụng/xuất bản phục vụ trong thực tiễn công tác của ngành tương đối có hiệu quả.
Qua quan sát và tham gia vào quá trình thẩm định, nghiệm thu một số đề tài khoa học chúng tôi thấy rằng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được triển khai có hiệu quả thời gian qua hầu hết mang tính ứng dụng, phục vụ công tác hoạt động thực tiễn của ngành và phát triển du lịch bền vững tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên của nước ta.
Bên cạnh những thành công của công tác triển khai nghiên cứu khoa học, cũng còn không ít đề tài khoa học được thực hiện chưa thể hiện được tính mới, sáng tạo, còn có những đề tài nghiên cứu theo lối mòn, kinh viện, các vấn đề về lý thuyết, các khái niệm như: quản lý, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng, di sản văn hóa.v.v… chủ yếu vẫn là những sao chép cho đầy báo cáo tổng hợp.
Việc đề xuất các ngân hàng đều còn mang yếu tố ý tưởng, định hướng nghiên cứu, chưa phải là những công trình đã được thai nghén ấp ủ từ lâu nên khi đề tài được thông qua các tác giả mới bắt tay vào triển khai thực hiện, vì vậy đề tài được thực hiện không sâu sắc, đôi khi còn thấy có sự đối phó trong quá trình thực hiện đề tài. Có những trường hợp đưa ra nghiệm thu cấp Bộ cho thấy kiến thức nền của ban chủ nhiệm đề tài về vấn đề mình nghiên cứu còn mỏng, khá lộn xộn.
Việc xét duyệt đề tài cũng có tình trạng thông qua mục tiêu và đề cương nhiệm vụ khá chung chung, khái quát nên khi triển khai thực hiện đề tài không đầy đủ hoặc xin giảm bớt nội dung.
Các thành viên tham gia đề tài thường rất bận rộn, nên nhiều trường hợp được mượn danh để đề tài dễ dàng được thông qua, trên thực tế chỉ một mình chủ nhiệm đề tài thực hiện nên rất ít đề tài hoàn thành đúng thời gian quy định, chất lượng đề tài cũng bị ảnh hưởng không ít.
Việc nghiệm thu đề tài cũng thường là giơ cao đánh khẽ, vì vậy số đề tài khoa học được triển khai thực hiện và nghiệm thu khá nhiều nhưng không áp dụng được trong thực tế. Các giải pháp do một số đề tài khoa học đề xuất thường khá chung chung như: cải thiện cơ chế chính sách; hoàn thiện bộ máy quản lý; tăng cường đào tạo cán bộ; bổ sung phương tiện làm việc; tăng đầu tư ngân sách; có cơ chế phối hợp liên ngành.v.v… có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực vì vậy rất khó thấy được hiệu quả đích thực của đề tài nghiên cứu khoa học khi triển khai trên thực tế công tác của ngành.
Ngày nay đất nước ta đã và đang thực hiện đổi mới mở cửa, hội nhập, ngành di sản văn hóa thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ. Chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa và thiên nhiên. Nhà nước ta đã phê chuẩn một số Công ước quốc tế của UNESCO về di sản văn hóa và thiên nhiên. Chúng ta đã có các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được vinh danh di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Chúng ta cũng đã tham gia vào Ủy ban liên Chính phủ của một số Công ước quốc tế của UNESCO. Tiếng nói của các nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hóa của nước ta trên các diễn đàn quốc tế ngày càng được đồng nghiệp quốc tế và khu vực coi trọng. Một số dự án tu bổ di tích mang tầm quốc tế đã được các giải thưởng của UNESCO.v.v…
Việc nghiên cứu, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đều đặn. Công tác đầu tư nghiên cứu, bảo tồn di tích, xác định giá trị bảo vật quốc gia được triển khai thường xuyên. Một số vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở nước ta đôi khi được giới truyền thông đẩy thành điểm nóng, gây sự chú ý của dư luận, đôi khi tạo nên những sự bất lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước, sự đòi hỏi của hội nhập, phát triển và yêu cầu đi lên của ngành, có thể nói trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện nay có khá nhiều vấn đề khoa học cần được đầu tư nghiên cứu để đáp ứng các yêu cầu nêu trên cả về lý thuyết và ứng dụng thực tiễn. Trong khuôn khổ hội nghị tập huấn này tôi xin tạm chia ra một số lĩnh vực sau:
1. Đối với công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ của ngành – Cần có các đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá đầy đủ về giáo trình, giáo án, chương trình đào tạo về di sản văn hóa hiện nay ở trong nước, khu vực và quốc tế để hiểu rõ hơn thực trạng công tác đào tạo các cấp của chúng ta hiện nay ra sao? đề xuất các giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng công tác đào tạo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn của đất nước và hòa nhập với trình độ chung của khu vực và thế giới.
– Việc đào tạo lại, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ từ các chuyên môn khác nhau về công tác ở ngành di sản văn hóa thời gian qua chưa được quan tâm, chưa có một hình thức tập huấn nâng cao nghiệp vụ nào cụ thể. Các cán bộ về công tác trong ngành di sản văn hóa hầu hết đều phải tự mầy mò, học hỏi trong thực tiễn công tác. Vì vậy nên có đề tài khoa học nghiên cứu về thực trạng này và đề xuất các giải pháp để đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành theo một hướng đi chiến lược cụ thể, bền vững.
2. Đối với các vấn đề lý thuyết về bảo quản tu bổ và phục hồi di tích, thời gian qua hầu như không có những công trình nghiên cứu nào đáng kể, việc cập nhật các lý thuyết về vấn đề này ít được chú ý. Đây là một khâu rất yếu của chúng ta, vì vậy ai cũng có thể tham gia, góp ý cho một lĩnh vực mang tính chuyên môn sâu, có hệ thống lý luận thống nhất trong nước và quốc tế. Trên thực tế chúng ta có một đội ngũ các nhà khoa học về lĩnh vực di sản văn hóa khá đông đảo. Nhiều người có học hàm học vị cao, được đào tạo ở các nước có ngành bảo tồn di sản văn hóa phát triển, nhưng rất ít người quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học lý thuyết của ngành. Vì chưa có lý thuyết làm công cụ, kim chỉ nam cho công việc nên chúng ta cũng chưa có thì giờ để đúc rút, phân tích những việc làm thời gian qua, tổng hợp thành những vấn đề lý luận cho công tác bảo tồn di sản văn hóa của đất nước chúng ta với những đặc điểm về văn hóa và loại hình di tích đặc thù, góp phần vào kho tàng lý luận chung của thế giới. Vì vậy chúng ta cần có những đề tài nghiên cứu khoa học sâu hơn, cao hơn rộng hơn, tập hợp lý thuyết của các trường phái tu bổ di tích trên thế giới và những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam để định hướng, dẫn đường cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được hiệu quả, tạo điều kiện cho việc thực thi công việc được thuận lợi, không bị những ý kiến trái chiều làm thay đổi, ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di sản văn hóa và thiên nhiên.
3. Đối với các nghiên cứu ứng dụng bảo quản tu bổ và phục hồi di tích. Hiện nay chúng ta mới có các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính định tính, chưa có các công trình nghiên cứu khoa học mang tính định lượng, chưa có sự hỗ trợ của các ngành khoa học tự nhiên vào lĩnh vực khoa học này. Vì vậy bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư phương tiện cho các phòng thí nghiệm, xưởng bảo quản di tích, di vật cần có các đề tài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về các chất liệu truyền thống, việc xử lý các chất liệu truyền thống bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên như: Lý, Hóa,vật liệu xây dựng .v.v…
4. Đối với công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần có các đề tài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về sự ra đời, tồn tại của các di sản văn hóa trong lịch sử. Kinh nghiệm quản lý các di sản văn hóa của người xưa, nhất là các di sản văn hóa do cộng đồng sáng tạo ra, thuộc sở hữu của dòng họ, cộng đồng, tập thể để có những ứng xử phù hợp, tạo cho di sản được quản lý, chăm sóc như nó đã trải qua hàng ngàn năm qua. Dù trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử: chiến tranh, thiên tai, thay triều đổi đại, di sản văn hóa vẫn được cộng đồng bảo vệ, tồn tại trong lòng dân tộc. Do đó rất cần có những đề tài nghiên cứu khoa học để trả lại cuộc sống vốn có cho di sản văn hóa, giảm bớt sự bao cấp của nhà nước đối với di sản văn hóa như hiện nay.
Bên cạnh những đề tài nghiên cứu về công tác quản lý di sản văn hóa còn cần có những đề tài nghiên cứu sâu về các ngành nghề thủ công truyền thống liên quan đến di sản văn hóa. Nghiên cứu lưu trữ các thao tác kỹ thuật, bộ công cụ truyền thống, các sản phẩm mẫu, điển hình để phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo quản tu bổ di tích một cách bền vững.
5. Đối với các hoạt động quốc tế, cần có các đề tài nghiên cứu khoa học về các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hóa. Những bài học kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển. Những nghiên cứu khoa học về các Công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn nội dung các Công ước quốc tế mà còn giúp chúng ta nắm được lý do/quá trình ra đời của các Công ước, sự vận hành và vai trò của các Công ước quốc tế. Những kinh nghiệm thực hiện các Công ước trên thế giới và ở nước ta sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong quá trình tham gia vào các hoạt động quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên. Góp phần nâng cao vị thế của nước ta trong lĩnh vực này trên thế giới. Chúng ta cần tích cực, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên, thay vì chờ đợi thiên hạ tổ chức mình đi dự (không đầy đủ) như hiện nay.
6. Với việc nghiên cứu xây dựng các bộ quy trình, quy chuẩn, tiêu chí về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật bảo tàng, xác định văn hóa phi vật thể .v.v… đòi hỏi cần có những đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, mang tính thực tiễn để từ đó đề xuất các quy trình, quy chuẩn. Hiện nay chúng ta chưa ban hành được các bộ tiêu chí cụ thể cho một số hoạt động của ngành di sản văn hóa như Bảo vật quốc gia bao gồm những tiêu chí cụ thể nào? Quy trình bảo quản hiện vật thực hiện theo từng chất liệu gồm những thao tác gì? Muốn đề xuất những vấn đề cụ thể này, rất cần các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu để nhận diện đầy đủ hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn so với những quy định mang tính pháp lý khái quát của các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật, Nghị định, Thông tư .v.v…
7. Các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực bộ máy và tổ chức quản lý của ngành di sản văn hóa
Đây là một khu vực nghiên cứu hầu như còn đang bỏ ngỏ và là một vấn đề rất đáng quan tâm nếu chúng ta muốn ngành di sản văn hóa bắt kịp với trình độ quốc tế, khu vực và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của đất nước. Có thể nói công tác đào tạo cán bộ trong lĩnh vực này còn chưa có một chiến lược lâu dài, cán bộ đều tự thân vận động, được chăng hay chớ, không có chương trình đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực mình quản lý. Nhiều vị trí cán bộ lãnh đạo trước đây có học hàm học vị cao đảm nhiệm, nay họ về hưu, những người thay thế đều ở dạng tầm tầm. Những nhân sự như vậy rất khó có những đề xuất xứng với tầm vóc của tổ chức, cơ quan, thật khó để nói đến bao giờ ngành di sản văn hóa Việt Nam trở thành một địa chỉ đáng tin cậy về chuyên môn ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Các chuyên gia của Việt Nam bao giờ mới được ngang tầm với các chuyên gia Nhật Bản? Vì vậy cần có những đề tài nghiên cứu khoa học về thực trạng này để nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn, bài bản hơn, có quy hoạch rõ ràng.
8. Nhóm đề tài liên quan đến các hoạt động chuyên môn và đối tượng quản lý của ngành như: các sưu tập hiện vật của bảo tàng, di tích, di vật, cổ vật, các hoạt động văn hóa phi vật thể là những đề tài mang tính ứng dụng, thực tiễn cao, cần khuyến khích các nhà nghiên cứu tâm huyết đã, đang thai nghén các đề tài đăng ký triển khai.
Tuy nhiên để có thể thực hiện các đề tài khoa học nêu trên không phải chúng ta chỉ đưa đề tài ra đặt hàng là có thể có những sản phẩm chất lượng cao. Các đề tài này có được thực hiện tốt hay không còn phụ thuộc vào hiện nay đã có nhà khoa học nào, cơ quan khoa học nào tâm huyết với các vấn đề trên. Thực tế đã đi vào nghiên cứu chưa hay mới chỉ là những ý tưởng ban đầu. Chúng tôi nghĩ rằng trước hết chúng ta hãy khuyến khích các nhà khoa học đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học mà mình đang tâm huyết, tạo điều kiện cho họ thực hiện các đề tài đó, giảm bớt các thủ tục hành chính phiền hà đến mức có thể để họ không ngại đăng ký thực hiện. Những đề tài mang tính định hướng lâu dài cần có sự trao đổi, đặt hàng với các nhà khoa học có tâm huyết lâu năm với các chuyên đề khoa học liên quan. Có như vậy chúng ta mới có những đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành.
Nguồn: Vấn đề cần ưu tiên nghiên cứu khoa học trong bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vấn đề cần ưu tiên nghiên cứu khoa học trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay (Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng) |