VĂN HOÁ DÂN GIAN ỨNG DỤNG

TRẦN HỮU SƠN
(TS, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai)

     Nhiều thập kỉ qua, văn hoá dân gian tập trung nghiên cứu sưu tầm các di sản văn hoá của quá khứ nhằm lưu trữ, bảo tồn các di sản đó. Nhưng hiện nay nghiên cứu văn hoá dân gian gắn với vấn đề phát triển đang là yêu cầu cấp bách của cuộc sống. Càng cấp bách hơn khi trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hoá dân gian như vấn đề văn hoá dân gian trong quá trình đô thị hoá, văn hoá dân gian với công việc xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan hệ giữa văn hoá dân gian với du lịch, văn hoá dân gian với bảo vệ môi trường, văn hoá dân gian với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đẩy mạnh giáo dục,… Vì vậy đã nảy sinh loại hình văn hoá dân gian ứng dụng.

1. Quá trình hình thành và phát triển của văn hoá dân gian ứng dụng

     Văn hoá dân gian được biết đến trong nhiều thế kỉ. Plutarch (40 – 120 sau Công nguyên), tác giả của tác phẩm Roman of Question, đã viết bài luận chính thức đầu tiên về văn hoá dân gian, xem xét nguồn gốc và ý nghĩa của niềm tin và tập quán của người dân với tư cách là nhà văn hoá dân gian (Michael Owen Jones, 1994, tr. 1). Tuy nhiên, văn hoá dân gian ứng dụng (applied folklore) – một phân ngành mới của văn hoá dân gian được đề cập đến chỉ trong vài thập kỉ gần đây.

     Văn hoá dân gian ứng dụng xuất hiện đầu tiên ở Mĩ. Năm 1939, Benjamin A. Botkin 1 phát triển cách tiếp cận này rõ nét nhất từ công việc của ông, cùng với Aunt Molly Jackson, Earl Robinson và Alan Lomax, qua việc sưu tầm và nghiên cứu các câu chuyện kể của những người nô lệ khi ông còn làm việc cho Thư viện Quốc hội (The Library of Congress). Ông đã thấy sự phổ biến của các tài liệu này là có khả năng để cải thiện quan hệ chủng tộc ở Mĩ và để chống lại thành kiến chủng tộc.

     Benjamin A. Botkin đã cùng với nhà hoạt động Rachel Davis DuBois phát triển các chương trình đại chúng để cải thiện mối quan hệ về sắc tộc bằng cách kết hợp những thực hành văn hoá dân gian, tài liệu văn hoá vào công việc tổ chức các sự kiện lễ hội. Benjamin A. Botkin nổi lên như là vị thánh bảo trợ của phong trào văn hoá dân gian đại chúng.

     Trong thập niên 1960, các nhà văn hoá dân gian khác của Mĩ bắt đầu áp dụng kiến thức văn hoá dân gian để giải quyết các vấn đề xã hội, đáng chú ý nhất về lĩnh vực y học dân gian (folk medicine). Các nhà văn hoá dân gian cũng bắt đầu làm việc như là chuyên gia tư vấn trong quy hoạch thành phố (city planning), người cao tuổi (gerontology), phát triển kinh tế (economic development), giáo dục đa văn hoá (multicultural education), vấn đề bảo tồn (conservation) và các lĩnh vực khác.

     Từ cuối thập kỉ 70 của thế kỉ XX đến nay, nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng cũng như nghiên cứu Nhân học ứng dụng ở Mĩ và nhiều nước trên thế giới đã phát triển khá mạnh (Nguyễn Văn Tiệp, 2006, tr 88). Nổi bật là các công trình “đưa văn hoá dân gian vào ứng dụng” của Michanel Owen Jones (1994).

     Ở Việt Nam, văn hoá dân gian ứng dụng tuy còn khá mới mẻ, chưa hình thành một ngành nghiên cứu riêng biệt nhưng những vấn đề nghiên cứu ứng dụng văn hoá dân gian đã được một số nhà khoa học quan tâm và bước đầu gặt hái được những thành quả nhất định. Một số công trình nghiên cứu mang dấu ấn văn hoá dân gian ứng dụng được xuất bản. Tiêu biểu như các công trình của các tác giả Viện Văn hoá dân gian (nay là Viện Văn hoá):

     –   Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (đồng chủ biên) (1994), Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại.

–   Trần Quốc Vượng – Đỗ Thị Hảo (2000), Làng nghề, phố nghề.

–   Ngô Đức Thịnh, Phan Đăng Nhật (đồng chủ biên) (2000), Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, Kỉ yếu hội thảo khoa học.

     Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng bước đầu chú trọng nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng. Ngày 15/12/2001, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Văn hoá dân gian và sự phát triển đô thị”. Hội thảo đã bước đầu đưa ra khái niệm “Văn hoá dân gian đô thị” cũng như sự biến đổi, vận hành của các loại hình văn hoá dân gian ở đô thị, tác động của văn hoá dân gian với đời sống đô thị đương đại.

     Ngày 11/4/2004, tại vùng đất du lịch Sa Pa, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá – Thông tin Lào Cai tổ chức hội thảo khoa học “Văn hoá dân gian và du lịch – Những vấn đề lí luận và thực tiễn”. Hội thảo đã đề cập đến mối quan hệ giữa văn hoá dân gian với du lịch, xác định văn hoá dân gian thực sự là nguồn lực du lịch. Đồng thời các nhà khoa học cũng đề ra các khuyến nghị về phát triển du lịch bền vững, định hướng phát triển du lịch văn hoá cộng đồng, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn văn hoá dân gian,…

     Trong các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế của Hội Folklore châu Á và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam những năm gần đây xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng. Tiêu biểu như hội thảo“Giá trị và tính đa dạng của Folklore châu Á trong quá trình hội nhập” tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25-26/9/2005. Ở hội thảo này, các tham luận của GS TSKH Tô Ngọc Thanh, GS TS Ngô Đức Thịnh, PGS TS Lê Hồng Lý,… đã gợi mở một số vấn đề nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng, cũng như cơ chế biến đổi của văn hoá dân gian cổ truyền trong cuộc sống đương đại. GS TSKH Tô Ngọc Thanh đã đưa ra các vấn đề biến đổi về cấu trúc, chức năng của các loại hình của văn hoá dân gian trong cuộc sống đương đại, đồng thời đề ra các giải pháp bảo tồn văn hoá phi vật thể trong cộng đồng. Trong các hội thảo “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Quảng Ngãi” (4/7/2007) và hội thảo “n hoá du lịch biển đảo Tây Nam Bộ” (29/11/2007) có một số tác giả tiếp cận hiện tượng văn hoá sông, biển dưới góc độ văn hoá dân gian ứng dụng.

___________
1. Benjamin Albert Botkin (1901 – 1975) là một nhà văn hoá dân gian và học gỉả người Mĩ. Ông giảng dạy tại Đại học Oklahoma trong đầu những năm 1920.

2. Khái niệm và một số lĩnh vực nghiên cứu của Văn hoá dân gian ứng dụng

     Trong những năm 1960, thuật ngữ “văn hoá dân gian ứng dụng” rất ít người biết tới. Trong thư mời gửi các đại biểu tham dự một hội nghị về văn hoá dân gian ứng dụng năm 1971, các thành viên Ban thường trực gồm Richard Bauman, Robert H. Byington, Henry Glassie, Rayna Green và Harry Oster đã định nghĩa: “n hoá dân gian ứng dụng sử dụng các khái niệm lí thuyết, kiến thức thực tế và phương pháp luận của ngành văn hoá dân gian trong các hoạt động hoặc các chương trình, nghĩa là để cải thiện các vấn đề xã hội, kinh tế và công nghệ đương đại” (Michael Owen Jones, 1994, tr 11).

     Tác giả Dorson đã đưa ra khái niệm văn hoá dân gian ứng dụng có ba ý nghĩa, một là cải cách xã hội, “nghĩa vụ của văn hoá dân gian để cải thiện rất nhiều trong dân gian”; hai là đưa trí tuệ dân gian và biết làm thế nào để sử dụng; ba là ông chủ trương “ứng dụng các khái niệm và nội dung của văn hoá dân gian để giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực khác”, chẳng hạn như lịch sử, văn học, nghệ thuật,…

     Theo Benjamin A. Botkin, “Văn hoá dân gian ứng dụng chỉ khi nhà văn hoá dân gian áp dụng thực tiễn của văn hoá dân gian vào lịch sử xã hội và văn học, giáo dục, giải trí, hay nghệ thuật”. Michael Owen Jones (1994, tr. 13) cho rằng “Botkin đã đạt được ý tưởng về ứng dụng rộng hơn cho văn hoá dân gian, ông ấy thực sự thực hành chúng trong những nỗ lực của chính ông”.

     Một khái niệm rộng hơn về văn hoá dân gian ứng dụng có thể được đưa ra như sau: “Lĩnh vực của nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng sử dụng các khái niệm, phương pháp, lí thuyết từ phân ngành của nghiên cứu văn hoá dân gian cũng như chuyên môn của nó để cung cấp thông tin, xây dựng các chính sách, hoặc khởi đầu của hành động trực tiếp để tạo nên sự thay đổi hay tính bền vững trong hành vi, văn hoá, hoặc hoàn cảnh của cuộc sống con người, bao gồm cả môi trường và công nghệ” 1 (Michael Owen Jones, 1994, tr. 13).

     Như vậy, Văn hoá dân gian ứng dụng là một phân ngành của văn hoá dân gian, vận dụng các kiến thức và phương pháp nghiên cứu của văn hoá dân gian nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống đương đại.

     Văn hoá dân gian ứng dụng ngày càng có xu hướng mở rộng. Thực tiễn sinh động ở Việt Nam với đặc điểm có nhiều tộc người chung sống, tính đa dạng đặc thù văn hoá nổi trội nên khả năng ứng dụng văn hoá dân gian giải quyết các nhiệm vụ cuộc sống càng phong phú và cấp bách, nhất là các tỉnh miền núi đa dân tộc.

     Trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, đô thị hoá nhiều thành tố văn hoá dân gian không còn tồn tại như một thực thể mà vỡ vụn ra, biến đổi cả cấu trúc và chức năng. Các thành tố văn hoá dân gian đã bị mất đi cơ sở xã hội, không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển. Nhiều thành tố đang phải trải qua một quá trình “giải cấu trúc” (Tô Ngọc Thanh, 2006). Tuy vỡ vụn, nhưng các mảnh vỡ của văn hoá dân gian vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội đương đại. Các thành tố ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống,… tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, cả một hệ thống nhưng lại trở thành một bộ phận “tái cấu trúc” tạo nên bộ mặt văn hoá của xã hội đương đại. Một số chức năng “nguyên thuỷ”, chức năng gắn liền với môi trường sản sinh ra các loại hình văn hoá dân gian bị biến mất. Ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, môi trường sản sinh ra các loại hình văn hoá dân gian vẫn còn tồn tại ở phạm vi nhất định, các loại hình văn hoá dân gian vẫn đóng vai trò quan trọng. Ở vùng đồng bằng hoặc đô thị xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình văn hoá dân gian mô phỏng (Folklorismus). Văn hoá dân gian mô phỏng thực sự là các tư liệu, các mảnh vỡ của văn hoá dân gian, không nằm trong bối cảnh gốc nhưng lại “gây ấn tượng bằng thị giác và thính giác hoặc mang lại niềm vui thích về mặt thẩm mĩ như trang phục, biểu diễn trong lễ hội, âm nhạc hay ẩm thực, những tư liệu thích hợp này đã tách ra khỏi bối cảnh ban đầu của chúng và để sử dụng theo một cách mới cho một nhóm công chúng khác” (Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan, tr 108 – 2005). n hoá dân gian mô phỏng (Folklorismus) còn xuất hiện phổ biến ở khắp miền núi với tên gọi văn nghệ quần chúng. Dù nhiều nhà khoa học phê phán các hình thức nghệ thuật dân gian mô phỏng này nhưng nó lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá ở cơ sở, thu hút được lượng khán giả đông đảo ở các kì hội diễn, các cuộc liên hoan, các “ngày văn hoá”,… Đặc biệt ở các điểm du lịch cộng đồng từ Mai Châu – Hoà Bình đến Mộc Châu – Sơn La hay Mường Thanh – Điện Biên, Mường Lò – Yên Bái,… Các chương trình biểu diễn nghệ thuật (nhất là nghệ thuật múa) chủ yếu thuộc loại hình văn hoá dân gian mô phỏng. Hiện nay với xu hướng khôi phục lễ hội, hoặc tổ chức các lễ hội du lịch đang diễn ra khắp nơi đều dựa vào chất liệu của văn hoá dân gian mô phỏng. Vì vậy văn hoá dân gian mô phỏng là một loại hình đặc biệt đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần hiện nay cần được nghiên cứu dưới góc độ văn hoá dân gian ứng dụng.

     Văn hoá dân gian ứng dụng còn là một ngành khoa học ứng dụng vào nghiên cứu đô thị trở thành văn hoá dân gian đô thị. Văn hoá dân gian đô thị nghiên cứu các thành tố văn hoá dân gian đã thích ứng và “chung sống” với người dân đô thị. Nó tập trung nghiên cứu về đời sống văn hoá của cư dân nhập cư cũng như dân cư “đô thị gốc”. Các yếu tố của văn hoá dân gian (nhất là tập quán, phong tục) đã chi phối đến đặc điểm cư trú cũng như quá trình “xoá đói giảm nghèo” của một bộ phận người dân nhập cư. Đặc biệt tín ngưỡng dân gian chi phối hầu hết các gia đình cư dân đô thị với nhiều hiện tượng khác nhau như thờ “thần tài”, lễ cúng ngày rằm, mùng một, quan niệm “mở hàng” ở các cửa hàng,… Các phong tục tập quán về đón xuân, mừng nhà mới, “cưới xe”, “cưới chợ” cũng xuất hiện môi trường đô thị. Sự xuất hiện các lễ hội, ngày lễ mới như “ngày lễ tình yêu” (14/2), lễ Noel cũng như các ngày lễ, ngày kỉ niệm,… đã tạo ra môi trường sinh hoạt văn hoá dân gian mới. Như vậy, văn hoá dân gian đô thị tập trung nghiên cứu quá trình hình thành các xu hướng thích nghi văn hoá của các nhóm di dân vào đô thị, nghiên cứu các phố nghề, làng nghề ở các thành phố cũng như nghiên cứu các loại hình kinh tế phi chính thức, nghiên cứu những đặc trưng văn hoá, nếp sống các sinh hoạt văn hoá của người dân cũng như tổ chức tôn giáo tác động đến đời sống cư dân đô thị. Văn hoá dân gian đô thị còn chú trọng nghiên cứu loại hình nghệ thuật ngôn từ như giai thoại, truyện tiếu lâm, ca dao, tục ngữ mới,… Nghiên cứu các phong tục tập quán cũ và mới đang vận hành trong xã hội đô thị…

     Cũng như nhân học đô thị, văn hoá dân gian đô thị ngày càng trở thành một ngành nghiên cứu quan trọng ở các thành phố, thị trấn, thị xã. Văn hoá dân gian đô thị còn mở ra một hướng nghiên cứu mới đối với các nhà Folklore học ở các trung tâm đô thị lớn. Các nhà nghiên cứu Folklore không phải đi điền dã ở nông thôn, miền núi xa xôi mà tập trung nghiên cứu ở ngay tại gia đình mình, tổ dân phố, ngõ xóm nơi cư trú. Kết quả nghiên cứu Văn hoá dân gian đô thị còn giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lí trong công tác quy hoạch, phát triển đời sống kinh tế – văn hoá ở khu dân cư, nắm bắt tâm trạng, nhận thức, thái độ của người dân nhằm điều chỉnh, thực thi chính sách,…

     Văn hoá dân gian ứng dụng hiện nay đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Hơn hai thập kỉ qua, làn sóng du lịch ồ ạt đổ bộ đến các làng, bản vùng cao. Nhiều điểm du lịch ở Mai Châu (Hoà Bình), Mường Thanh (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai), Bản Đôn (Đắc Lắk),… thu hút khá đông đảo du khách. Chính quyền địa phương đều xác định văn hoá là nguồn lực của du lịch. Nhưng khai thác nguồn lực văn hoá (nhất là văn hoá dân gian) như thế nào là một vấn đề phức tạp. Ở một số tỉnh, thậm chí cả tỉnh miền núi đều học tập mô hình làng văn hoá dân tộc để đầu tư xây dựng thành một điểm du lịch quan trọng. Nhưng không biết rằng du khách (nhất là du khách nước ngoài) không muốn xem một cái làng du lịch có từ cảnh quan, nhà cửa đến sinh hoạt văn hoá đều phải phục chế, làm giả. Hoặc chỉ thăm hàng chục bản văn hoá của 1 tỉnh đều có chương trình văn nghệ đón khách giống nhau. Dù làng đó là làng người Thái, làng người Khơ-mú, làng người Xinh-mun, La Ha hay Hmông, Dao nhưng chương trình văn nghệ đều “cải biên”, “cải tiến” giống nhau. Có làng du lịch, khi chưa nổi tiếng, khi chưa có thương hiệu thì rất đông du khách đến thăm. Nhưng khi đã được các doanh nghiệp đầu tư, thì làng du lịch vắng khách hẳn, thậm chí đi đến suy tàn. Điều này đã xảy ra ở Vân Nam – Trung Quốc và một vài điểm du lịch bản làng của Việt Nam. Như vậy, nhiều lĩnh vực của du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như vấn đề quy hoạch, vấn đề chính sách ở tầm vĩ mô của du lịch đến việc tổ chức các điểm du lịch, văn hoá cũng đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hoá dân gian ứng dụng. Trong lĩnh vực du lịch, văn hoá dân gian ứng dụng được tiến hành nghiên cứu việc đánh giá tài nguyên tiềm năng của du lịch (nhất là tài nguyên du lịch nhân văn). Bất cứ việc quy hoạch hoặc xây dựng sản phẩm du lịch ở đâu cũng cần các nhà văn hoá dân gian ứng dụng tư vấn đánh giá trữ lượng, giá trị tài nguyên du lịch nhân văn, đề xuất phương thức khai thác xây dựng sản phẩm. Trong các chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch có đủ các loại hình của văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu ăn (ẩm thực, trình diễn cách ăn, ứng xử trong ăn uống) hoặc đáp ứng nhu cầu xem (xem nghệ thuật trình diễn trò chơi, sinh hoạt văn hoá,…) đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm, quà tặng (như sản phẩm ngành nghề thủ công, cách sản xuất thủ công), v.v. Mặt khác, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ứng dụng vừa tập trung nghiên cứu bản sắc văn hoá dân tộc tạo thành sản phẩm, thương hiệu của du lịch, nghiên cứu mối quan hệ tác động giữa các yếu tố văn hoá dân gian với du lịch (vừa nghiên cứu những tác động tích cực lại vừa nghiên cứu những tác động tiêu cực) nhằm tư vấn xây dựng các định hướng phát triển bền vững. Đồng thời, văn hoá dân gian ứng dụng không chỉ nghiên cứu để tạo sản phẩm du lịch mang sắc thái địa phương có du khách, đáp ứng được nhu cầu mà còn nghiên cứu mối quan hệ về chủ sở hữu sản phẩm du lịch, quan hệ giữa du khách và người dân, quan hệ giữa doanh nghiệp với cư dân bản địa,… Bài học kinh nghiệm đã chỉ ra ở nhiều điểm du lịch trên thế giới và Việt Nam lụi tàn vì chưa chú trọng đến mối quan hệ giữa “khách thể” và “chủ thể”. Hiện nay vấn đề phát triển du lịch bền vững đang là định hướng chung của toàn ngành du lịch. Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi việc khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lí vì lợi ích của thế hệ tương lai chứ không chỉ vì lợi ích của thế hệ hiện tại. Phát triển du lịch bền vững cũng đòi hỏi phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, hài hoà xã hội bảo vệ lợi ích cộng đồng cư dân bản địa cũng như bảo vệ di sản văn hoá, tôn trọng sự đa dạng văn hoá các tộc người. Trong định hướng phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia tích cực của văn hoá dân gian ứng dụng.

     Hiện nay, do tác động của quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra đối với các tỉnh vùng ven biển và núi cao. Trong 20 năm gần đây, Lào Cai đã xảy ra 43 vụ lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Các hiện tượng cháy rừng, mưa đá, băng giá cũng xảy ra thường xuyên. Tuy biến đổi khí hậu xảy ra ở thời gian gần đây nhưng hiện tượng thiên tai luôn là hiện tượng phổ biến trong đời sống người dân. Người Việt cũng như nhiều dân tộc thiểu số anh em đã sáng tạo cả một kho tàng tri thức dân gian về phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Vì vậy Văn hoá dân gian ứng dụng cần có một phân ngành nghiên cứu về tri thức dân gian phòng chống thiên tai. Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nhật Bản xây dựng thành các dự án khoa học. Năm 2004, Bộ Nội vụ và Cục phòng chống hoả hoạn thiên tai Nhật Bản đã phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian xây dựng dự án “cải thiện cơ sở dữ liệu về truyền thuyết liên quan đến thiên tai”. Giáo sư Sakurai Tatsuhiko ở Đại học Nagoya Nhật Bản đã đề xuất nhiệm vụ quan trọng của Văn hoá dân gian ứng dụng: “Khi thế giới chìm đắm trong khủng hoảng (thiên tai), nhiệm vụ của chúng ta, những nhà Văn hoá dân gian là phải tìm cách đối phó với các vấn đề và là một phần của giải pháp trong các vấn đề đó” 2. Ở Việt Nam vấn đề nghiên cứu văn hoá dân gian còn rất mới mẻ nhưng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đã được đặt ra cấp thiết. Đầu tháng 2 năm 2010 rừng Quốc gia Hoàng Liên bị cháy dữ dội, đám cháy lan rộng hàng trăm ha. Hơn ba nghìn bộ đội, dân quân cùng nhiều phương tiện hiện đại tiến hành chữa cháy. Nhưng rất tiếc đám cháy vẫn lan rộng. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã huy động hơn một trăm dân quân là con em đồng bào các dân tộc Hmông, Dao áp dụng tri thức dân gian dập lửa cứu rừng. Hệ thống tri thức dân gian (từ việc dự báo hướng gió, sức gió đến việc làm đường ranh cản lửa, cách dập lửa ở đỉnh núi cao,…) của người Hmông, người Dao đã được vận dụng đồng bộ. Nhờ vậy, trận cháy rừng lịch sử đã được dập tắt. Kinh nghiệm này được vận dụng và góp phần cứu nhiều đám cháy rừng xảy ra từ năm 2010 đến nay có hiệu quả. Ở các vùng ven biển miền Trung, người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm dự báo và phòng chống bão lũ. Do đó vấn đề nghiên cứu về văn hoá dân gian phòng chống thiên tai cần được coi trọng, cần xây dựng lĩnh vực này trở thành một phân ngành của Văn hoá dân gian ứng dụng. Trước hết, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian phối hợp với ngành khí tượng thuỷ văn và các ngành hữu quan tập trung sưu tầm, nghiên cứu xây dựng các dự án về kinh nghiệm phòng chống thiên tai như dự án sưu tầm các truyền thuyết, truyện cổ, tục ngữ, dân ca về các hiện tượng thiên tai đã xảy ra trong quá khứ, hoặc nghiên cứu các tri thức dân gian phòng chống các hiện tượng thiên tai cụ thể (phòng chống cháy rừng, phòng chống lũ quét, phòng chống bão lũ,…). Dựa vào các nguồn thông tin của thế hệ đi trước truyền lại bằng các câu chuyện kể, tập quán,… các nhà nghiên cứu có thể phân tích các kinh nghiệm này về các lĩnh vực dự báo thiên tai, khắc phục thiên tai, nhưng quan trọng hơn là “chung sống” với thiên tai. Văn hoá dân gian phòng chống thiên tai có nhiều điều kiện để phát triển mạnh trong thời gian tới (cả về mặt nghiên cứu lí thuyết và nghiên cứu ứng dụng).

     Phong trào xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở hầu khắp vùng nông thôn từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng người Kinh đến vùng cư trú của dân tộc ít người. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã gặt hái được nhiều thành công, xuất hiện nhiều mô hình trở thành các điểm sáng ở nông thôn. Bộ mặt nông thôn cũng được biến đổi, hệ thống giao thông (nhất là giao thông liên thôn) đã phát triển rộng khắp,… Bên cạnh các kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng nông thôn mới còn một số điểm hạn chế nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cư trú. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà hoạch định chính sách không am hiểu thực tiễn ở miền núi, không nắm vững đặc điểm văn hoá dân gian, đặc trưng văn hoá tộc người,… nên đã xây dựng các tiêu chí không phù hợp. Ở miền núi, vùng cao diện tích đất canh tác rất ít, diện tích mặt bằng để gieo trồng lương thực còn vô cùng hạn chế nhưng các tiêu chí nông thôn mới lại đề ra quy hoạch, xây dựng các trụ sở, các thiết chế văn hoá thể thao quá rộng dẫn đến tình trạng không một xã nào ở vùng cao đáp ứng được tiêu chí “cứng nhắc” như vậy. Các nhà hoạch định chính sách cũng chưa hiểu về đặc điểm sinh hoạt chợ vùng cao, về điều kiện và nhu cầu mở chợ ở vùng cao nên thời kì đầu đã có chủ trương mỗi xã muốn đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới phải xây dựng một chợ của riêng xã đó. Dẫn đến tình trạng nhiều xã đua nhau xây chợ nhưng chợ xây xong lại bỏ hoang, người dân không đến họp chợ hoặc không họp vào điểm chợ đã được quy hoạch. Tương tự như vậy, các tiêu chí về môi trường, về giao thông, về quy hoạch, về thuỷ lợi,… có nhiều điểm không phù hợp với miền núi và không thể thực hiện được. Trong khi đó rất nhiều vấn đề tri thức dân gian trong sản xuất, quản lí xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống… lại ít được vận dụng và phát huy. Tri thức dân gian (cũng như tri thức bản địa, tri thức địa phương,…) đóng vai trò cực kì quan trọng trong vấn đề xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tri thức dân gian gần như là một công cụ để vận dụng và thực thi chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở nông thôn,… Do đó xây dựng nông thôn mới cần đặc biệt chú ý ứng dụng tri thức dân gian. Ở lĩnh vực này vai trò của văn hoá dân gian ứng dụng càng trở lên quan trọng và cấp thiết.

     Nghiên cứu Văn hoá dân gian ứng dụng cũng làm thay đổi vai trò, trách nhiệm của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian. Nhà văn hoá dân gian không còn chui sâu vào “Tháp ngà khoa học”, không chỉ mải mê sưu tầm vốn cổ dân gian mà phải “xung trận” tham gia giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống đương đại.

     Đất nước đang trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá, các kế hoạch, các chương trình, đề án, dự án,… được thực thi ở khắp mọi miền. Các chính sách liên tiếp được ban hành. Nhưng các chính sách, các kế hoạch, các chương trình này có đến được với người dân hay không, người dân có nhiệt tình tham gia hay không? Các dự án lớn được xây dựng có tác động như thế nào đến với đời sống của nhân dân nhất là những tác động của văn hoá xã hội ra sao? Những vấn đề như vậy đòi hỏi có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian (cũng như các nhà nhân học). Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian với tư cách là người am hiểu nhất về bản sắc văn hoá các dân tộc, am hiểu về nếp sống, về tri thức dân gian, do đó họ có điều kiện trở thành nhà tư vấn cung cấp các thông tin cho những người xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án. Đồng thời các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian cũng trở thành những người thẩm định đánh giá kết quả thực hiện chính sách, dự án đó. Khi xây dựng một nhà máy thuỷ điện, một khu công nghiệp ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, nhà văn hoá dân gian còn tham gia thẩm định tác động của các công trình đó với đời sống người dân như thế nào? Nếp sống của người dân, kho tàng tri thức dân gian của người dân bị ảnh hưởng ra sao khi xây dựng nhà máy thuỷ điện, khu công nghiệp. Ở mỗi địa phương nhất là khu vực miền núi, hải đảo, biên giới, vùng dân tộc thiểu số cư trú,… đều có những tính đặc thù. Tính đặc thù đó chi phối cả quá trình thực hiện chính sách, đòi hỏi chính sách phải được vận dụng phù hợp với từng địa phương. Nhà văn hoá dân gian là người am hiểu về tính đặc thù do đó họ có thể trở thành những người đồng tham gia hoạch định chính sách, xây dựng chính sách cho phù hợp với từng vùng miền cụ thể. Mặt khác khi triển khai chính sách, khi xây dựng các mô hình, dự án (như dự án du lịch cộng đồng, dự án khôi phục làng nghề, hay mô hình xoá đói giảm nghèo ở tộc người A, tộc người B,…) đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà văn hoá dân gian ứng dụng với tư cách là người hướng dẫn, tập huấn (cùng các nhà chuyên môn khác) nhằm thực hiện dự án đó phù hợp với người dân bản địa, phù hợp với nếp sống văn hoá của từng tộc người khác nhau. Như vậy, nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian ứng dụng vừa đóng vai trò cung cấp thông tin lại cũng đóng vai trò xây dựng chính sách, thiết kế dự án và cả vai trò người thực thi, người huấn luyện, truyền dạy một bộ phận của dự án liên quan đến yếu tố văn hoá xã hội.

     Văn hoá dân gian ứng dụng ngày nay càng đóng vai trò quan trọng. Văn hoá dân gian ứng dụng vừa mở ra chân trời mới cho các nhà Folklore vừa đòi hỏi trách nhiệm mới của nhà nghiên cứu. Vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây chỉ là những gợi ý bước đầu nhằm thu hút sự quan tâm, trao đổi của độc giả.

___________
1. Ở một mức độ nào đó, khái niệm này bị ảnh hưởng bởi định nghĩa Nhân học ứng dụng của John van Willigen, Anthropology In Use: A Bibliographic Chronology of the Development Applied Anthropology (Plesantville, Y.: Redgrave, 1980), tr. 3.

2. Hội Folklore châu Á, Giá trị và tính đa dạng của folklore châu Á trong quá trình hội nhập, 2006, tr. 89

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Nguyễn Thị Hiền, Quan niệm mới về Folklore và quá trình văn bản hoá Folklore ở Hoa Kì, Văn hoá dân gian, số 4, 1999.

2. Nguyễn Văn Tiệp, Nhân học/ Dân tộc học ứng dụng và những vấn đề nghiên cứu nhân học/dân tộc học ứng dụng ở Việt Nam, Kỉ yếu hội thảo khoa học “Nghiên cứu Nhân học ứng dụng – từ thực tiễn hiện nay ở Việt Nam”, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11/11/2006.

B. Tiếng nước ngoài

3. David John Hufford, Folklore Studies and Health: An Approach to Applied Folklore, University of Pennsylvania, 1974.

4. David Hufford, Folklore Studies Applies to Health, Journal of Folklore Research, Vol. 35, No. 3, September – December, 1998, pp 295-313, Published by the Indiana University Folklore Isntitute, 1998.

5. Gala True, Introducing the Patient’s Voice: An Applied Folklore Approach to Autonomy in Adolescent Health Care, Journal of Folklore Research, Vol. 35, No. 3, September – December, 1998, pp 223-240, Published by the Indiana University Folklore Isntitute, 1998.

Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập