VĂN HOÁ HUYỆN THANH TRÌ – Thành phố Hà Nội trong quá trình ĐÔ THỊ HOÁ

      Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, trải qua bao nhiêu thế kỉ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị truyền thống, thẩm mĩ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình. Văn hoá là thuộc tính bản chất của con người, con người vốn là quả tim đích thực của văn hoá. (1)

     Trong thời đại ngày nay, quá trình đô thị hoá ngày càng diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn ở các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Đây là một quá trình tất yếu của nhân loại, nhưng cũng như bất kì sự vận động, phát triển nào chúng đều có hai mặt, GS Ngô Văn Lệ có nói “Tiến trình toàn cầu hoá và giao lưu mở cửa là một tiến trình hai mặt, vừa làm tăng tính đa dạng quốc tế của phát triển đô thị vừa làm mất đi tính độc đáo của văn hoá bản địa”. Vừa phát triển lại vừa giữ được bản sắc, văn hoá của dân tộc mình, vừa hoà nhập mà không hoà tan vẫn là vấn đề được các quốc gia quan tâm và trăn trở. Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc tiếp xúc văn hoá với các nước khác, nhất là vấn đề bảo tồn, phát triển văn hoá ở các thành phố lớn.

     Thanh Trì là một huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội, một huyện giàu truyền thống văn hoá, lịch sử. Đây là vùng đất chứng kiến những chiến tích hào hùng của dân tộc và còn là một vùng đất giàu đẹp với nhiều làng nghề. Cùng với những truyền thống đó, ở Thanh Trì còn có những lễ hội gắn với nền văn minh lúa nước, đó là nền văn minh của các con sông, cụ thể ở đây chính là văn minh sông Hồng. Đáng chú ý hơn nữa, nơi đây chứa đựng nhiều cảnh đẹp mang dấu ấn của lịch sử như đình chùa, đền miếu, lăng mộ, văn chỉ, từ đường. Hiện nay, những di sản văn hoá trên đang dần bị mai một, bị hư hỏng do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những di tích lịch sử và văn hoá là điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển của huyện Thanh Trì cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

_________
(1) Fvederio Mayor – Tổng Giám đốc UNESCO.

1. Những di sản văn hoá truyền thống

     Là một bộ phận của văn hoá Thăng Long – Hà Nội, qua bao thăng trầm của lịch sử, nhân dân Thanh Trì luôn tự hào về nền văn hiến, truyền thống cách mạng của quê hương. Giá trị văn hoá truyền thống của huyện được thể hiện qua tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước: truyền thuyết dân gian kể lại rằng có ba anh em giỏi đường cung nỏ, đã làm tướng cầm quân phù tá vua Hùng Vương thứ 18 bảo vệ đất nước và được thờ ở đình Vĩnh Trung. Thanh Trì là vùng đất địa linh nhân kiệt xuất hiện nhiều hiền tài như Đô hồ Đại vương Phạm Tu đã giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương lập Nhà nước Vạn Xuân (thế kỉ VI); danh nhân Chu Văn An; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ (ba lần đi sứ phương Bắc). Vùng đất hiếu học đã đóng góp cho dân tộc 4 Trạng nguyên, 3 Bảng nhãn, 1 Thám hoa và 58 Tiến sĩ. Thanh Trì là nơi ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân Thanh Trì đã một lòng theo Đảng, cùng với Thủ đô và cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong kháng chiến chống Mĩ nhân dân Thanh Trì vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

     Hiện nay, người dân Thanh Trì còn duy trì được các hoạt động văn hoá, lễ hội phong phú, đa dạng. Đó là các lễ hội nhằm đề cao tổ nghề, cầu mong thánh, thần, Phật, mẫu đem lại phúc lộc, cầu được mùa, để mừng công, nêu cao tinh thần thượng võ để rèn luyện sức khoẻ và ý chí bảo vệ quê hương. Đây là một trong những niềm tự hào chung về nét thanh lịch hào hoa của người Hà Nội:

Chẳng thơm, cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

    1.1. Về phong tục, tập quán

Thanh Trì còn giữ được các tục lệ cổ truyền như ma chay, cưới xin, thờ cúng gia tiên.

    1.2. Nghề truyền thống

    Thanh Trì là vùng đất chứa đựng nhiều ngành nghề truyền thống như làng lúa gạo, làng làm rau, trồng hoa và một số cây ăn quả hoặc làng làm bánh cuốn, kẹo, cốm, chè lam. Các câu ca dao mà nhân dân đã truyền tụng như: “Rượu hũ làng Ngâu, trâu làng Yên Mỹ”; liên quan đến làng lúa gạo có câu:

Làng em có luỹ tre xanh
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng
Con đường thiên lí thênh thang,
Gần đường lát gạch đàng hoàng người thăm.

     Dân Huỳnh Cung đã có những lời ca đằm thắm:

Muốn ăn chiêm quýt mùa ri
Đem con gái mà gả nhân nhì Huỳnh Cung.

     Ngoài những nghề thô sơ, Thanh Trì còn có làng chế tạo vàng bạc Định Công, làng nghề giáp thiếc ở Giáp Lục. Mỗi sản phẩm thủ công mĩ nghệ là một tác phẩm nghệ thuật là nét tiêu biểu độc đáo mang yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi làng nghề. Các sản phẩm thủ công chính là sự kết tinh của giao lưu và phát triển văn minh lâu đời của dân tộc. Cơ cấu trong làng nghề thủ công ở Thanh Trì cũng là một nền tảng cho truyền thống đạo đức của người Việt Nam và còn là môi trường văn hoá, kinh tế, xã hội, kĩ thuật chế tác truyền thống lâu đời. Là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kĩ thuật từ đời này sang đời khác góp phần đào tạo các thế hệ nghệ nhân giỏi tay nghề. Thông thường, việc đào tạo tay nghề cho thế hệ sau ở huyện Thanh Trì thông qua việc “cha truyền con nối”. Do vậy, mỗi một người trong làng nghề đều có mối ràng buộc với nhau là cha – con, ông – cháu, thầy – trò, bà con khiến cho cách cư xử mối quan hệ có phép tắc, lễ nghĩa,… Trong quá trình đô thị phát triển như hiện nay, hằng năm ở Thanh Trì tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. Vì vậy, vai trò giải quyết việc làm của các làng nghề rất cần thiết. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm là một vấn nạn của cả nước và cũng là một vấn nạn trầm trọng của thế giới. Khả năng tạo được việc làm cho xã hội của làng nghề thủ công truyền thống phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp thiết đó, là một trong những giải pháp cho chương trình tìm kiếm việc làm làng nghề, vô cùng quý giá và đáng trân trọng.

     1.3. Ẩm thực

     Nói đến nét đặc sắc trong văn hoá của Thanh Trì không thể không kể tới văn hoá ẩm thực. Trong không gian đô thị hiện đại, văn hoá ẩm thực của Thanh Trì mang một nét đặc sắc riêng, đây là nơi có những đặc sản ẩm thực nổi tiếng như bánh cuốn “Bánh cuốn Thanh Trì làm bằng bột gạo loại ngon, xay mịn như nước, được tráng từng lá bánh trên khuôn vải căng chụp lên một nồi nước sôi, khi chín là thành bánh cuốn. Lá cuốn mỏng tang như tờ giấy, mỗi lá bánh thoa thêm một chút mỡ phi với hành cho thơm. Khách ăn đến đâu, người bán hàng nhẹ nhàng khẽ bóc từng lá đến đấy như một thứ lụa mỏng mịn màng” (1). Cùng với món bánh cuốn Thanh Trì, còn có các món ăn khác: làng Lủ nổi tiếng về làm kẹo bỏng, kẹo cốm, chè lam, bánh giầy Tranh Khúc; giò Văn Điển, bún Sen Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân. Nhờ tài năng của người dân kết hợp với các nguyên liệu sẵn có mà Thanh Trì vẫn giữ được những đặc sản thể hiện nét độc đáo của mình. Chính những đặc trưng ẩm thực này đã tạo nên nét riêng biệt của Thanh Trì, những giá trị văn hoá ẩm thực trong một không gian đô thị hiện đại là rất cần thiết, thật khó để lưu giữ lại những hương vị đặc sắc khi mà có quá nhiều món ăn từ các nơi khác du nhập vào, cộng với đó là sự hối hả, tất bật của lối sống đô thị làm cho con người ta đôi khi lãng quên đi những món ăn truyền thống của mình. Có lẽ ai trong chúng ta, khi đi xa mỗi khi nhớ về quê hương đều hiện lên trong lòng những hương vị đậm đà của những món ăn dân dã, đậm chất quê nhà. Cho đến bây giờ, cứ ai đi qua hoặc ghé xã Duyên Hà lúc về không quên mua thêm một túi bánh giầy. Bánh giầy Tranh Khúc, giò Văn Điển,… đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong hành trang mang về làm quà cho những người thân trong gia đình.

__________
(1) Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì, Truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng huyện Thanh Trì, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 38.

     Ngoài những di sản văn hoá tinh thần, các di sản văn hoá vật thể còn lại ở Thanh Trì tới nay rất nhiều như: trường học, đình, đền, miếu chùa, lăng mộ, văn chỉ, từ đường gắn với những vấn đề về giáo dục, kiến trúc, nghệ thuật và những vấn đề tôn giáo. Người dân Thanh Trì đã xây dựng và lưu giữ được 53 di tích, cụm di tích được Nhà nước, thành phố xếp hạng. Trong đó, các di tích nổi tiếng là đình Vĩnh Ninh thờ Bà Tía (nữ tướng của Hai Bà Trưng); đình Tả Thanh Oai thờ vua Lê Đại Hành và bà Chúa Hến; đình Triều Khúc thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi – Đầm Mực trong chiến dịch vua Quang Trung đưa quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long Xuân Kỉ Dậu (1789).

2. Sự biến đổi văn hoá huyện Thanh Trì trong quá trình đô thị hoá

     Ngày nay, văn hoá đang có một vai trò quan trọng chưa từng có trong lịch sử. Có thể nói, sự tiến bộ hay lạc hậu của một cá nhân, sự phát triển hay trì trệ của một dân tộc, thành công hay thất bại của một chiến lược phụ thuộc rất nhiều vào việc nhận thức văn hoá và việc sử dụng văn hoá như thế nào trong việc phát triển kinh tế xã hội. Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã kết luận và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là một kết luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước ta trong giai đoạn mới. Qua những năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2011) tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Thanh Trì đã đạt được một số thành tựu đánh kể. Bên cạnh những thành tựu đó là những khó khăn do sự du nhập của những lối sống văn hoá mới, lối sống công nghiệp dần dần được hình thành, sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây du nhập vào rất nhanh, do đó, việc giữ gìn bản sắc văn hoá cần được quan tâm.

     Trước những biến động khách quan của quá trình đô thị hoá, của nền kinh tế thị trường, của cuộc sống công nghiệp hiện đại đã làm một bộ phận nhân dân trong huyện có lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích kinh tế, lợi ích của chính bản thân mình mà bỏ qua những giá trị tinh thần, những giá trị của cha ông đã để lại. Một số cán bộ, đảng viên và một số cá nhân khác còn chưa chuẩn mực trong giao tiếp và ứng xử nơi công cộng. Ngày nay trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá cũng như sự phát triển nhảy vọt của các phương tiện thông tin giới trẻ có thể tiếp nhận nhanh chóng các trào lưu văn hoá cũng như cách sống, cách ứng xử của giới trẻ các quốc gia trên thế giới. Trong việc tiếp nhận các luồng văn hoá có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực dẫn đến những vấn đề nhức nhối của xã hội.

     Tình hình trong nước và thế giới trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, với vị trí là trấn giữ con đường huyết mạch ra Bắc vào Nam nên hàng năm, vẫn có các vụ án phức tạp, ma tuý, đánh bạc, mại dâm…

     Do bối cảnh lịch sử và điều kiện kinh tế, xã hội trước đây, các di tích lịch sử, văn hoá ở huyện Thanh Trì đã bị xuống cấp rất nhiều. Trong quá trình đô thị hoá, những di tích này còn nhanh chóng xuống cấp hơn do nhiều nguyên nhân như diện tích quá chật hẹp, các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên qua lại gây rung động dẫn đến nền móng bị lún, khung kết cấu bị xô lệch,… Ngoài ra, sự quản lí, trùng tu, tôn tạo một số di tích của huyện, còn lỏng lẻo nên các di tích này ngày càng bị xuống cấp.

3. Xây dựng nền văn hoá huyện Thanh Trì trong quá trình đô thị hoá

     Như chúng ta biết, khi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế tách rời khỏi môi trường văn hoá thì kết quả thu được sẽ rất khập khiễng, mất cân đối về cả mặt kinh tế lẫn văn hoá, đồng thời tiềm năng sáng tạo của mỗi dân tộc sẽ bị yếu đi rất nhiều. Để văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, theo tôi những mục tiêu mà huyện Thanh Trì cần phấn đấu trong thời gian tới là:

     Thứ nhất, đánh giá một cách đầy đủ, có hệ thống tầm quan trọng của các di tích, lịch sử văn hoá. Tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá truyền thống.

     Thứ hai, phát huy lòng tự trọng, ý thức dân tộc, trân trọng tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương như tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí coi trọng trí tuệ và đạo đức hơn tiền bạc và danh lợi.

     Thứ ba, đánh giá hiện trạng việc quản lí, bảo tồn phát huy các di tích trên địa bàn huyện; định hướng quy hoạch bảo tồn tôn vinh, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hoá; tăng cường công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích thông qua việc tuyên truyền giáo dục nhân dân, đặc biệt là người dân sinh sống quanh khu vực có di tích về ý nghĩa của các di tích, về quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong việc bảo vệ và tổ chức khai thác giá trị từ các di tích lịch sử văn hoá của thành phố mình “Kinh nghiệm về các thành phố châu Á cho thấy cấu tạo đô thị dàn trải theo truyền thống của xã hội nông nghiệp là phương ngang nay đột ngột chuyển thành phương đứng với sự ra đời hàng loạt cao ốc đã khiến người ta ngán ngẩm những không gian sống trong beton kính, thép,… chọc trời giống nhau như hệt, vô hồn, mất cảnh quan thiên nhiên, mất cả bản sắc văn hoá” (1).

     Thứ tư, cần xây dựng nếp sống văn hoá ngay trong từng gia đình, từng tổ dân phố, từng cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Cần phải thực hiện các quy chế, các quy ước dân chủ cơ sở, quy ước nếp sống trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Từng bước xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đẩy lùi các tệ nạn ma tuý, mại dâm, quản lí kiểm soát, tư vấn các đối tượng nhiễm HIV.

     Thứ năm, xây dựng những nhà truyền thống trưng bày những tư liệu lịch sử qua các thời kì để người dân có thể tưởng nhớ lại những giá trị văn hoá của cha ông để lại.

     Tất cả những vấn đề trên, đang chờ sự nghiên cứu liên ngành của nhiều cơ quan khác nhau, trong đó vai trò nghiên cứu của khảo cổ học đô thị cần tiến hành đi một bước “đột phá” để tạo cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn trùng tu và phát huy tác dụng hệ thống di sản ở Thanh Trì một cách tốt nhất, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá.

__________
(1) Nguyễn Đăng Sơn, Đô thị hoá và văn hoá truyền thống, Văn hoá truyền thống trong phát triển đô thị, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2004.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đăng Duy – Trịnh Minh Đức, Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội xuất bản, 1993.
  2. Dương Phú Hiệp (chủ biên), Những thay đổi về văn hoá, xã hội trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở một số nước châu Á, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
  3. Đặng Thái Hoàng, Lịch sử đô thị, NXB Xây dựng, Hà Nội, 2000.
  4. Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì, Truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng huyện Thanh Trì, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.
  5. Phan Khanh, Bảo tàng di tích lễ hội, NXB Thông tin, Hà Nội, 1992.
  6. Phan Khanh, Nghĩ về không gian văn hoá tưởng niệm Chu Văn An ở Hà Nội, Hội thảo khoa học về “Xây dựng khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An”, ngày 14 tháng 3 năm 2006.
  7. Đàm Trung Phường, Đô thị Việt Nam tập 1, NXB Xây dựng, Hà Nội, 1995.
  8. Nguyễn Đăng Sơn, “Đô thị hoá và văn hoá truyền thống”, Văn hoá truyền thống trong phát triển đô thị, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2004.
  9. Hà Văn Tấn, Thời đại Hùng Vương, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973.
  10. Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội thanh lịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
  11. Tôn Nữ Quỳnh Trân, Những giá trị văn hoá đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010.
  12. Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng, Văn hoá truyền thống trong phát triển đô thị, NXB Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, 2004.

LÊ THỊ MỸ ANH (1)

_________
(1) ThS, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.