Văn hóa Thăng Long ngàn năm hội tụ

Tác giả: NGUYỄN VĂN CẦN*

     Địa danh Thăng Long – Hà Nội luôn là niềm tự hào và thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam, niềm tin yêu đối với bạn bè quốc tế. Hà Nội vốn có bề dày lịch sử và văn hóa. Đây là một vùng đất cổ, nơi hội tụ rất sớm của các cộng đồng người từ vùng đồi núi ven sông Đà, Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn phát triển xuống vùng Hà Nội. Trước thế kỷ XI, Hà Nội (khi ấy gọi là Đại La) đã là một thành thị có tầm cỡ. Từ thế kỷ XI trở đi, sau khi được Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long thì thành phố này trở thành đầu não chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Đồng thời, Thăng Long cũng dần dần trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất, nơi Kẻ Chợ lớn nhất. Và thế là Kẻ Chợ trở thành danh từ riêng dùng để gọi Thăng Long. Đầu thế kỷ XV Thăng Long còn được gọi là Đông Đô, sau đó nhà Nguyễn đóng đô ở Huế đã đổi gọi Thăng Long là Hà Nội. Từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhà nước ta vẫn chọn Hà Nội làm thủ đô. Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là một trong những thủ đô cổ của vùng Đông Nam Á, hơn nữa là một thành phố duy nhất hầu như liên tục trong một nghìn năm qua giữ vững vị trí là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước ở vùng này của thế giới. Nếu so sánh với thủ đô một số nước Đông Nam Á thì càng thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, Kualalumpur là thủ đô của Malaysia từ cuối thế kỷ XVIII, Manila là thủ đô của Philippines từ thế kỷ XVI, Jakarta là thủ đô của Indonesia từ thế kỷ XVI, Phnom Penh là thủ đô của Campuchia từ giữa thế kỷ XV, Viên Chăn là thủ đô của Lào từ cuối thế kỷ XIV… Thăng Long và Cổ Loa cùng ở trong một vùng văn hóa có bề dày lịch sử hàng mấy nghìn năm, từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến thời kỳ văn hóa Đại Việt, từ thời kỳ văn hóa Đại Việt cho đến tận ngày nay. Vì vậy, Cổ Loa trước kia được chọn làm thủ đô nước Âu Lạc thời cổ đại và Thăng Long sau này được chọn làm thủ đô nước Đại Việt thời trung đại thì đó không phải là ngẫu nhiên, mà là hệ quả tất yếu của một tiến trình lịch sử lâu dài. Trong “Chiếu dời đô” vua Lý Thái Tổ cũng hiểu được sự thực ấy. Nhà Vua vạch rõ rằng, khi dời đô về nơi mà nhà vua đặt cho cái tên Thăng Long thì đâu phải chỉ theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời, rằng đó chỉ là vì “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân…” để cho “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”, rằng kinh đô mới “ở vào nơi trung tâm trời đất, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đúng vị trí ở giữa Nam, Bắc, Đông Tây, thuận theo chiều hướng núi sông quay vào, ngoảnh ra, đất rộng và bằng, cao và thoáng… Xem khắp đất Việt, chỉ có đây là nơi thắng địa.

     Thật là nơi hội tụ quan trọng của bốn phương, nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

     Nhà vua nhắc đến việc “trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân”. Mệnh trời, theo cách nói của người xưa chẳng qua là để gọi cái lẽ phải làm theo, không thể cưỡng lại. Xét cho kỹ đó là chính quy luật. Vì “dưới theo ý dân” mà nhà vua đã chọn nơi này làm thủ đô. Do tình hình khách quan của sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, mà từ lâu nhân dân vẫn coi nơi này là trung tâm của cả nước. Và nhà vua đã làm theo nguyện vọng của dân.

     Chẳng bao lâu sau, Thăng Long trở thành một đô thị lớn với khu Hoàng thành tráng lệ, với 61 phố phường dân cư đông đúc, chợ búa buôn bán sầm uất. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa như tháp Báo Thiên, chùa Diên Hựu, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng. Kinh thành Thăng Long xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt hưng thịnh.

     Thăng Long – Hà Nội là một vùng văn hóa riêng, nhưng đồng thời lại là một trung tâm văn hóa của cả nước. Do vậy, văn hóa Thăng Long – Hà Nội vừa có tính địa phương lại vừa có tính dân tộc, vừa đặc thù, vừa phổ biến, vừa đa dạng, vừa có tính năng động của một vùng đô hội Kẻ Chợ, lại vừa mang tính bền vững của một kinh đô lâu đời. Tất cả những điều đó đã tạo nên những đặc điểm, những truyền thống riêng có của vùng văn hóa “phồn hoa thứ nhất Long Thành”. Người Thăng Long – Hà Nội luôn tự hào về tính cách thanh lịch của con người thủ đô:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.

     Chính Thăng Long – Hà Nội hội tụ và kết tinh tinh hoa văn hóa mọi miền đất nước rồi mới sinh ra được cái chất thanh lịch ngàn năm văn vật. Văn hóa Thăng Long – Hà Nội hội tụ nhiều chất liệu, nhiều tinh hoa của các vùng trong toàn quốc. Sự giao lưu văn hóa của các vùng khác nhau trong một đất nước là một điều bình thường. Trong giao lưu làm cho văn hóa của từng vùng tiếp thu được những thành tựu của vùng khác và ngày càng phong phú hơn. Sự giao lưu còn làm cho văn hóa từng vùng trong khi vẫn biểu hiện sắc thái đặc thù của nó lại đồng thời có thể hòa đồng với văn hóa của các vùng khác và tham gia như một bộ phận hợp thành hữu cơ trong tổng thể văn hóa Việt Nam.

     Hơn bất cứ vùng văn hóa nào khác, Thăng Long – Hà Nội là đầu mối giao lưu vừa rộng rãi, vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước và thế giới.

     Giao lưu và hội tụ, một đặc điểm của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, khiến cho văn hóa ở đây ở một chừng mực nhất định đại diện được cho văn hóa Việt Nam nói chung. Khi tiếp thu tinh hoa của bốn phương, văn hóa thủ đô làm cho tinh hoa của từng địa phương hòa nhập với tinh hoa của các địa phương khác theo mô thức văn hóa đã hình thành từ lâu đời ở vùng văn hóa cổ này.

     Thăng Long – Hà Nội từ lâu đã là nơi ”bốn phương hội tụ”. Xem xét tình hình cư dân của thủ đô có thể thấy ngay sự hội tụ ấy. Vì là thủ đô, cho nên Thăng Long – Hà Nội thường xuyên tiếp nhận những thành phần cư dân mới từ các nơi khác. Đó là những người vì các nhiệm vụ khác nhau của nhà nước mà đến thủ đô. Không phải tất cả những người gia nhập vào cư dân thủ đô đều là tinh hoa của bốn phương. Nhưng để có thể vững chân ở thủ đô phần lớn đã phải nỗ lực nhiều và không ít người đã làm nên sự nghiệp.

     Môi trường văn hóa Thăng Long – Hà Nội với những điều kiện văn hóa lịch sử đặc biệt như vậy, chẳng những là nơi hội tụ nhân tài mà còn là nơi đào luyện nhân tài đông đảo nhất của cả nước. Phần lớn danh nhân của nước ta, dù là danh nhân lịch sử hay văn hóa đều trở thành người nổi tiếng có tầm cỡ quốc gia, khi đã sống và hoạt động ở Thăng Long. Điều này đối với các danh nhân văn hóa lại càng rõ. Cái công nuôi dưỡng, nhào nặn của chiếc nôi văn hóa Thăng Long đối với các nhân tài văn hóa của dân tộc là đặc điểm nổi bật, đặc sắc mà không một vùng văn hóa, địa phương nào có thể có được.

     Điều đặc sắc là tính chất đa tài, đa nghệ, tính chất tài hoa của các nhân tài Thăng Long. Do sống ở nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của bốn phương, các hình thái văn hóa mà con người tiếp xúc hàng ngày cũng phong phú và hoàn thiện hơn nơi khác. Vì thế nhân tài của Thăng Long bao giờ cũng đượm vẻ tài hoa, tinh tế và thường là những con người “Đa tài đa nghệ” mà hiếm thấy ở danh nhân các địa phương khác.

     Như vậy Thăng Long – Hà Nội là cái lò chung đúc nhân tài, chung đúc giá trị văn hóa từ những con người và những thành tựu văn hóa của bốn phương hội tụ lại. Không thể kể hết những sản phẩm tinh thần và giá trị bất hủ đã được sáng tạo, hoặc được thu thập và hội tụ ở Thăng long suốt cả ngàn năm lịch sử. Gắn liền với những giá trị tinh thần ấy là sự xuất hiện những gương mặt rực rỡ của trí tuệ và tài năng sáng tạo những con người sinh trưởng ở Thăng Long hoặc có nhiều gắn bó với Thăng Long đã góp phần cùng với toàn dân tạo nên những nét độc đáo của văn hiến Thăng Long và từ đó tỏa sáng đi mọi miền đất nước. Không thể kể xiết những con người ấy, dù chỉ muốn dừng lại ở những gương mặt tiêu biểu.

     Từ miền quê Thanh Trì, Thăng Long thời Trần đã sản sinh ra Chu Văn An. Ông đã dành phần lớn cuộc đời mình cho việc mở trường dạy học. Chu Văn An nổi tiếng không chỉ vì có học vấn uyên thâm và đạo đức cao cả của một người thầy, mà ông còn nổi tiếng là một bậc nho sĩ quân tử có tinh thần cương trực, không ham danh lợi, không sợ quyền uy. Ông đã dâng thất trảm sớ xin vua chém 7 tên nịnh thần.

     Thăng Long thế kỷ XV lại chứng kiến sự ra đời một con người kiệt xuất, một con người đã vươn tới đỉnh cao trí tuệ của một thời đại. Đó là Nguyễn Trãi, nhà yêu nước vĩ đại, nhà chiến lược thiên tài kiêm văn võ song toàn, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn. Nguyễn Trãi xuất thân là nhà nho, học rộng biết nhiều, tiếp thu Nho giáo một cách sáng tạo. Ông góp công lớn xây dựng nền văn hiến Việt Nam, lấy nhân nghĩa làm đầu. Bộ óc vĩ đại của ông đã tiếp thu hầu như toàn bộ kiến thức đương thời. Cuộc đời ông dày ưu hoạn. Nhiều vinh quang mà cũng nhiều cay đắng. Cuối cùng, vụ thảm án Lệ Chi Viên đã cắt đứt đời ông, để lại cho đời sau nỗi thương xót không bao giờ nguôi. Đối với đời sau, Nguyễn Trãi là vầng sao Khuê, từ đỉnh cao của thời đại ông, rọi sáng đến chúng ta ngày nay.

     Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn của Thế kỷ XVIII mà người đời cho rằng”vài ba trăm năm mới có một người như thế.” Quê gốc ở làng Diên Hà, huyện Hưng Hà (Thái Bình) nhưng ông đã được sinh ra ở phường Bích Câu trên đất Thăng Long, học hành, làm quan và thực hiện sự nghiệp nghiên cứu sáng tác khoa học của mình chủ yếu cũng tại Thăng Long. Lê Quý Đôn để lại cho đời sống tấm gương sáng về tinh thần miệt mài học tập, say sưa nghiên cứu, về ý chí luôn luôn vươn tới đỉnh cao của kiến thức nhân loại. Ông xứng đáng một nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam, là một người tiêu biểu cho trí tuệ Thăng Long. Với tầm tư tưởng cao và cống hiến lớn, ông để lại cho hậu thế những bài học về phương pháp tư duy khoa học và cả về cách làm việc thấu đáo đến tận cùng sự vật.

     Nguyễn Du quê gốc ở Hà Tĩnh, nhưng ông sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long, học hành cũng ở Thăng Long. Mặc dầu Nguyễn Du có tiếp thu tinh hoa văn hóa ở nhiều vùng quê – quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Kinh Bắc, quê vợ ở Thái Bình, nhưng những sinh hoạt văn hóa phong phú đa dạng ở Thăng Long hoa lệ, với tiếng nói phổ thông tinh tế, uyển chuyển, thanh tao, mĩ lệ của vùng trung tâm đất nước là nhân tố chính có tác dụng quyết định đến việc hình thành tài năng và tác phẩm của ông.

     Thời hiện đại cũng vậy, những Đào Duy Anh, Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng v.v… đều là trí thức gốc quê xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Sơn Nam tụ về Hà Thành, rồi trở thành những nhà khoa học, những giáo sư nổi tiếng.

     Nguyễn Đình Thi là một người Hà Nội tài hoa, đã phác họa đúng tổng thể Hà Nội, trong không gian văn hóa và trong chiều sâu thời gian lịch sử:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông nghìn năm

     Diện mạo Hà Nội hôm nay đang thay đổi hàng ngày theo hướng văn minh, hiện đại. Hướng tới Đại lễ kỷ niệm Hà Nội nghìn năm tuổi, hơn lúc nào hết, chúng ta càng phải ra sức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cao đẹp của thủ đô và đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, 1991.

2. Vũ Khiêu – Nguyễn Vinh Phúc (chủ biên), Văn hiến Thăng Long, 2000.

3 Trần Quốc Vượng (chủ biên), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, 1996.

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Văn hóa Thăng Long ngàn năm hội tụ (Tác giả: Nguyễn Văn Cần)