VĂN HỌC QUỐC NGỮ NAM BỘ từ cuối thế kỷ 19 đến 1945: Thành tựu và triển vọng nghiên cứu (Phần 2)
ĐOÀN LÊ GIANG
(Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM))
2.Về bộ Tổng tập văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX đến 1945
Nguồn tư liệu để tìm hiểu vấn đề này có nhiều loại: sách, tác phẩm đăng báo, chúng tồn tại dưới dạng bản in, bản chụp microfilm, microfic, photocopy hiện đang được lưu giữ chủ yếu ở thư viện, các hiệu sách cũ và các tủ sách tư nhân.
Báo chí đăng tải và phản ánh đời sống văn học. Muốn tìm hiểu phê bình văn học và tìm những sáng tác đăng báo trước khi xuất bản thành sách thì phải tìm vào kho lưu trữ báo này. Ngoài một số tư nhân có giữ một số báo quý hiếm, thì báo chí chủ yếu nằm ở thư viện Quốc gia, Thư viện Thông tin KHXH, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Thư viện KHXH TP.HCM, Thư viện của chủng viện… dưới dạng báo giấy và microfilm. Theo
thống kê của chúng tôi, ở Nam Bộ trước 1945 có đến trên dưới 50 tờ báo, trong đó những tờ báo có đăng tải nhiều về văn học quốc ngữ là: Gia Định báo, Thông loại khóa trình, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nam Kỳ địa phận, Công luận báo, Đông Pháp thời báo, Nam Kỳ kinh tế báo, Phụ nữ tân văn, Tân thế kỷ, Kỳ lân báo, Tiểu thuyết Nam Kỳ, Nữ giới chung, Thần chung, Đuốc nhà Nam, Sống, Mai, Nữ lưu, Đồng Nai, Đại Việt tạp chí, An Hà nhựt báo…
Để khai thác các tờ báo này trước hết cần phải lập thư mục những bài viết có liên quan đến văn học. Công việc ấy đã được hàng chục sinh viên, học viên cao học thực hiện liên tục trong suốt mấy năm trời. Hiện nay đã có thể có một tập thư mục về những tờ báo quan trọng. Những tư liệu này cũng sẽ được công bố để làm tư liệu cho những người nghiên cứu sau này.
Về sách, các thư viện có lưu giữ nhiều sách này là: Thư viện Quốc gia (Hà Nội), Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, Thư viện KHXH TP.HCM và rải rác ở một số thư viện khác nữa. Tuy nhiên không có thư viện nào giữ được đầy đủ, vì vậy phải tìm thêm sách ở các tủ sách tư nhân. Các nhà nghiên cứu có công sưu tập nhiều tư liệu về văn học Nam Bộ
là các ông Vương Hồng Sển, Bằng Giang, Nguyễn Văn Y (các tác giả trên đã mất) và những nhà nghiên cứu có công trình về văn học Nam Bộ đã kể ở trên. Qua thực tế sưu tầm, chúng tôi còn thấy có một nguồn sách về văn học Nam Bộ quan trọng nữa đang nằm ở trong tủ sách của dân và những hiệu sách lẻ. Nhiều gia đình đã giữ gìn những cuốn sách của Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Thế Phương, Ngọc Sơn…như của gia bảo, sách được cất trong tủ, được đóng thành gánh treo trên xà nhà (vì sách ông cha để lại, dặn phải giữ gìn). Và tất nhiên cũng có một số đã bị đem bán cho các hiệu sách cũ. Chúng tôi đã tìm đến gia đình hậu duệ của hàng chục nhà văn Nam Bộ, và được cung cấp những tư liệu vô cùng quý giá: gia phả, giấy tờ có liên quan, kỷ vật, và cả một số tác phẩm tưởng đã mất từ lâu.
Theo thống kê của chúng tôi, có lẽ chưa thật đầy đủ, số người sáng tác văn học có sách đã được xuất bản ở Nam Bộ từ đầu cho đến 1945 là trên 200 tác giả. Số lượng tác phẩm thì khó có thể có con số chính xác, chúng tôi từng lập ra thư mục khoảng trên 700 cuốn sách – tất nhiên phải hiểu là có nhiều cuốn khổ nhỏ, dày chừng vài trang là những bài vè,
truyện ngắn được in riêng thành quyển như: Bất cượng của Trương Vĩnh Ký- 8 tr, Giấc mộng anh thợ vẽ của Khổng Lồ – 12 tr…, cho đến những tiểu thuyết dày hàng 400, 500 trang trở lên như các bộ tiểu thuyết của Phú Đức: Bà chúa đền vàng dày 438 tr, Lửa lòng – 858 tr…
Hiện nay số lượng tác phẩm của từng tác giả chúng tôi đã thu thập được có thể kể như sau:
– Trương Vĩnh Ký, nhà văn quốc ngữ tiên phong, số lượng tác phẩm của ông theo Bằng Giang là 118 cuốn. Tuy vậy, trong số ấy có rất nhiều sách tiếng Pháp, sách dạy tiếng. Sách bằng tiếng Việt của ông có nhiều loại, trong đó sưu tập, dịch, phiên âm chú giải chiếm số lượng lớn. Tổng cộng số này trên 50 quyển. Chúng tôi đã thu thập được khoảng 30 quyển.
– Huỳnh Tịnh Của, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ, có khoảng 15 quyển, đã sưu tập được hơn 10 quyển.
– Trương Minh Ký, nhà dịch thuật, nhà thơ du ký, có khoảng 30 quyển, đã sưu tập được 17 quyển.
– Nguyễn Trọng Quản, nhà tiểu thuyết đầu tiên, có 1 tác phẩm, đã sưu tập được bản in lần thứ nhất và bản dịch ra tiếng Pháp.
– Trương Duy Toản, nhà văn, nhà hoạt động duy tân, có 4 quyển, đã sưu tập được 3 quyển.
– Lương Khắc Ninh, nhà báo, nhà thơ duy tân, có hàng mấy trăm bài báo và thơ, đã sưu tập được phần lớn.
– Trần Chánh Chiếu, nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng, có 9 quyển, đã sưu tập được 7 quyển.
– Hồ Biểu Chánh, nhà văn hàng đầu Nam Bộ, có trên 60 quyển, đã sưu tập được đầy đủ trong đó có cả hồi ký hết sức quan trọng của ông.
– Lê Hoằng Mưu, nhà văn của những thử nghiệm táo bạo, có 21 quyển, đã sưu tập được 17 quyển.
– Biến Ngũ Nhy, nhà văn viết truyện trinh thám đầu tiên của nước ta, có 12 quyển, đã sưu tập được đủ.
– Nguyễn Chánh Sắt, nhà văn, dịch giả “truyện Tàu” trứ danh, có 21 quyển, đã sưu tập được 17 quyển.
– Tân Dân Tử, nhà tiểu thuyết lịch sử hàng đầu, có 5 quyển, đã sưu tập được đầy đủ.
– Phạm Minh Kiên, nhà tiểu thuyết lịch sử và xã hội, có 18 quyển, đã sưu tập được 16 quyển.
– Bửu Đình, nhà tiểu thuyết xuất thân từ hoàng tộc trở thành người tù Côn Đảo, có 22 quyển, đã sưu tập được 20 quyển.
– Phú Đức, nhà tiểu thuyết trinh thám, võ hiệp cự phách, có 22 quyển, đã sưu tập được 19 quyển.
– Phan Thị Bạch Vân, nhà văn, người tù chính trị vì hoạt động nữ quyền, có 9 quyển, đã sưu tập được 8 quyển.
– Trần Quang Nghiệp, nhà văn của thể loại truyện ngắn, có 26 tác phẩm, đã sưu tập được đầy đủ.
– Nguyễn Văn Vinh, nhà văn, nhà giáo yêu nước, có 3 quyển, đã sưu tập được đầy đủ.
– Sơn Vương, nhà văn, tướng cướp, người tù khổ sai, có 29 quyển, đã sưu tập được gần đủ.
– Nguyễn Bửu Mọc, nhà văn xã hội tả chân, có 10 quyển, đã sưu tập được đầy đủ.
– Việt Đông, nhà văn thị trường, có 62 quyển, đã sưu tập được 29 quyển.
– Nguyễn Thới Xuyên, Phan Huấn Chương, mỗi nhà văn đều có 1 tác phẩm được giải thưởng báo Đuốc nhà Nam, đã sưu tập đầy đủ.
– Trần Hữu Độ, Nguyễn An Ninh, hai nhà cách mạng, nhà văn đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tập về ông mới xuất bản gần đây.
– Nguyễn Thế Phương, nhà báo, nhà tiểu thuyết trường thiên liên hoàn, có 25 quyển, đã sưu tập được 9 quyển.
– Nguyễn Ý Bửu, nhà văn thời sự, có 3 quyển, đã sưu tập được 2 quyển.
– Dương Minh Đạt, nhà văn viết về những nhân vật anh hùng, có 9 quyển, đã sưu tập được đầy đủ.
– Dương Quang Nhiều, nhà tiểu thuyết xã hội, có 10 quyển, đã sưu tập được 7 quyển.
– Cẩm Tâm, nhà văn tâm lý xã hội, có 14 quyển (trong đó có tác phẩm được giải thưởng báo Đuốc nhà Nam), đã sưu tập được đầy đủ.
Tổng tập văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối TK.XIX – 1945 sẽ bao gồm các tác giả trên, ngoài ra còn có tuyển tập để đưa vào những tác giả ít nổi tiếng hơn. Để hoàn chỉnh bức tranh văn học quốc ngữ Nam Bộ thì không thể thiếu được những mảng về thơ và phê bình văn học.
– Về thơ, thơ quốc ngữ Nam Bộ bao gồm các truyện thơ cận đại: Thơ Sáu Trọng, Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ Cậu Hai Miêng…, thơ của các tác giả nổi tiếng trước Thơ mới như: Thượng Tân Thị (tác giả mười bài Tục khuê phụ thán), Nguyễn Liêng Phong (tác giả hai tập thơ Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca, Điếu cổ hạ kim tập), Sương Nguyệt Anh… cho đến các nhà Thơ mới Nam Bộ: Nguyễn Thị Manh Manh, Lư Khê, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Hồ Văn Hảo, Huy Hà…Thơ của họ ngoài một số ít thi tập ra, phần nhiều được đăng rải rác trên các báo. Chúng tôi đã sưu tập được trên 200 bài.
– Về phê bình văn học, ngoài Kiều Thanh Quế có thể coi như nhà phê bình văn học chuyên nghiệp duy nhất của văn học Nam Bộ, thì tư liệu về phê bình văn học là các bài tựa, bạt trong một số tiểu thuyết, và quan trọng hơn cả là những bài phê bình giới thiệu tác phẩm và tranh luận văn học trên báo chí. Từ việc lập thư mục các báo, chúng tôi có thể hình dung ra bức tranh phê bình văn học Nam Bộ kháphong phú, đa sắc, trong đó nổi bật lên là các cuộc tranh luận về Truyện Kiều, về tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu
Chánh, và nhất là cuộc tranh luận về Thơ mới.
Sau khi sưu tập đầy đủ tư liệu trong khả năng có thể, thì việc chỉnh lý, chú thích các tác phẩm của từng tác giả là một công việc không kém phần khó khăn. Với mục đích vừa đảm bảo trung thành với nguyên tác, lại vừa có thể giúp cho độc giả rộng rãi dễ dàng thưởng thức, chúng tôi đề ra nguyên tắc là: chính tả thì sửa nhưng phương ngôn giữ nguyên. Ví dụ một đoạn như sau trong Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản:
“Vương Thế Trân liền nép lại nơi cội cây mà coi bọn ấy làm gì cho biết: giây phúc thấy có hai người đi đầu, tuổi tác xấp xỉ nhau, chừng bốn mươi ngoài, theo sau chừng mươi kẽ tùy tùng, thảy đều cỡi ngựa, phăn phăn đầu kia đi lại, đến gần lại nghe người đi trước day lại hỏi một người tùy tùng rằng: “Có phải lối này chăng?” – Người ấy liền thưa rằng: “Phải”- Người kia hỏi lại: “Sao mà chẳng thấy?””.
Như trên, những từ có gạch chân là phương ngôn / cổ ngữ thì giữ nguyên, còn những từ gạch chân và in đậm là sai chính tả, phải sửa lại.
3. Triển vọng nghiên cứu về văn học Nam Bộ:
Việc sưu tập đầy đủ tư liệu về văn học Nam Bộ sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới. Trước hết là văn học sử. Người nghiên cứu phải trả lời nhiều câu hỏi đặt ra:
– Giá trị, phong cách, vị trí của từng nhà văn Nam Bộ đối với văn học vùng và văn học dân tộc như thế nào?
– Đối với văn học Nam Bộ, với tư cách là một vùng văn học, cách chia giai đoạn văn học như thế nào? Có thể dùng cái khung chung mà chúng ta vẫn chia lâu nay: Từ đầu đến 1930/ 1932, từ 1930/ 1932 đến 1945 được không? Lấy gì để làm mốc đánh dấu sự thay đổi đó? Hay không cần phải phân kỳ như vậy?
– Phương pháp sáng tác, các khuynh hướng trong văn học Nam Bộ là gì? Có thể dùng mô hình: khuynh hướng lãng mạn, khuynh hướng hiện thực phê phán và khuynh hướng cách mạng như lâu nay được không?
– Đặc điểm của văn học Nam Bộ là gì, nếu so với văn học toàn quốc?
– Có thể nói tới thi pháp tác giả ở một số nhà văn Nam Bộ, hay thi pháp thể loại (thơ, tiểu thuyết), thi pháp vùng văn học… được chăng?
– Mối quan hệ giữa công chúng và sáng tác như thế nào trong đời sống văn học Nam Bộ. Đặc tính của văn học Nam Bộ có liên quan như thế nào đến thị hiếu của độc giả ở đây?
Không chỉ nghiên cứu về văn học sử, những tư liệu về văn học Nam Bộ còn mời gọi nhiều ngành nghiên cứu khác nữa như: ngôn ngữ học, nghệ thuật học, văn hóa học, xã hội học.
Có thể nói văn học quốc ngữ Nam Bộ “đặt hàng” các nhà ngữ học nhiều công trình trong những lĩnh vực khác nhau. Trước hết là phương ngôn / cổ ngữ. Trong các tác phẩm văn học Nam Bộ có vô số những từ địa phương, cổ ngữ không dễ hiểu chút nào với người đọc hiện nay, ví dụ như trong Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung dưới đây (những từ in đậm gạch chân):
– “Việc ấy cũng còn hưởn dãi”.
– “Tía ở nhà gởi bạc ở hãng Băn nhiều lắm” (tr.21).
– “day lại, phụ nhĩ với Tố Anh rằng” (tr.28)
– “anh cứ khổ hạo củ mà ra dấu cho em” (tr.29)
– “bảo chấp tiên đậu xe ngoài đường”
– “tưởng là trẻ a hườn đi chơi về” (tr.31)
Có thể từ việc giải thích phương ngôn, cổ ngữ mà làm một cuốn từ điển về phương ngôn, cổ ngữ Nam Bộ.
Không chỉ từ vựng mà ngữ pháp (cấu trúc câu, cách dùng hư từ) trong các tác phẩm văn học quốc ngữ Nam Bộ cũng có nhiều điểm khác so với tiếng Việt hiện đại.
Về chính tả, có thể thống kê các kiểu loại sai chính tả thường gặp, tần số các từ hay sai… để làm một cuốn từ điển chính tả dành riêng cho học sinh Nam Bộ.
Trong kho tàng văn học quốc ngữ Nam Bộ còn lưu giữ một số lượng không nhỏ, đến hàng trăm kịch bản tuồng, cải lương mà ít có người nghiên cứu nào để mắt tới. Có thể kể ra đây một số vở trong giai đoạn đầu:
– Tiên Bữu thơ tuồng, Đặng Lễ Nghi, Đinh Thái Sơn, In lần thứ 1, S.Phát Toán xb, 1908.
– Bài ca cải lương, Nguyễn Thường Ký sưu tập, In lần thứ 1, S. Impr. Nguyễn Văn Viết, 1922.
– Tối độc phụ nhơn tâm, tuồng hát cải lương, Triệu Văn Yên, Sài Gòn, Impr J. Nguyễn Văn Viết, 1922.
– Bội phu quả báo, tuồng hát cải lương, Nguyễn Trọng Quyền soạn, S.Impr. du Centre, 1923.
– Bên tình bên nghĩa, tuồng hát cải lương, Trần Quang Hiển, H. : Impr. Mạc Đình Tư, 1924.
– Trinh nữ sự nhị phu (Gái trinh thờ hai chồng), tuồng cải lương, Dương Bá Tường, In lần thứ 1, S. Impr. Nguyễn Văn Viết, 1924.
– Hồng phấn phiêu lưu, tuồng hát cải lương ba hồi, Vương Gia Bật, In lần thứ 1, S.Impr. de l’Union Nguyễn Văn Của, 1924 …
Đấy là những tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu lịch sử sân khấu Việt Nam, cụ
thể là cải lương Nam Bộ.
Triển vọng nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ rất lớn, trong đó công việc có thể hoàn thành ngay trước mắt là bộ Tổng tập về vùng văn học này như đã nói ở trên. Tuy nhiên để thúc đẩy thêm việc nghiên cứu, giới thiệu và lưu giữ những giá trị của mảng văn học này, chúng tôi thấy có một số việc nên làm:
– Xây dựng một trang web về văn học Nam Bộ, vừa là để đưa văn học đến với mọi người, vừa làm diễn đàn giao lưu giữa những người nghiên cứu, để có thể bổ sung tư liệu và trao đổi kết quả nghiên cứu.
– Đã đến lúc TP.Hồ Chí Minh nên nghĩ đến xây dựng Bảo tàng văn học Nam Bộ. Hiện con cháu các nhà văn còn giữ ít nhiều kỷ vật, nếu không có kế hoạch sưu tầm, gìn giữ thì sẽ mất mát thất lạc hết.
– Ở các tỉnh cũng nên xây dựng các nhà lưu niệm về các nhà văn, nhằm gìn giữ di vật, tác phẩm của nhà văn, thể hiện thái độ tri ân, và giáo dục thế hệ trẻ, về phương diện du lịch thì cũng là điểm tham quan cần thiết và thú vị.
Chúng tôi nghĩ văn chương nếu không gìn giữ, không giới thiệu, phê bình, nghiên cứu, giảng dạy thì dù có hay đến mấy cũng sẽ bị rơi vào quên lãng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Nguyễn Văn Trung, Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên: Thấy PhiềnTruyện của Nguyễn Trọng Quản, Bản in roneo, Đại học Sư phạm TP.HCM xb, tr.17, (1987).
[2].Trương Duy Toản: Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân, Sài Gòn, F.H.Schneider Imprimeur-Editeur, tr.2, (1910).
[3].Có thể tham khảo trang web: www.hobieuchanh.com của TS.Trang Quan Sen, Phan Tấn Tài ở nước ngoài.