Về các loại hình hiện vật trong di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam

TYPES OF ARTIFACTS IN SA HUYNH CULTURAL RELICS IN QUANG NAM

Tác giả bài viết: LÊ DUY SƠN 
(Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)

TÓM TẮT

     Quảng Nam là một trong những địa bàn quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh với khoảng gần một trăm di tích được phát hiện và nghiên cứu. Ngoài sự phân bố mật tập ở vùng đồng bằng, gò đồi thuộc lưu vực sông Thu Bồn, dấu tích của nền văn hóa này còn được tìm thấy rải rác ở tận miền rừng núi ở phía tây và vùng ven biển – đảo ven bờ ở phía đông. Với không gian sinh tồn rộng lớn đó, cư dân văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo, thể hiện qua những di sản vật chất dồi dào để lại trong lòng đất, gợi nên những hình bóng sinh động của bức tranh dân cư – xã hội một thời cổ xưa trên mảnh đất này.

     Tìm hiểu các loại hình hiện vật trong các di tích khảo cổ là một trong những hướng tiếp cận chính nhằm làm rõ đặc trưng của một nền văn hóa, phục dựng diện mạo đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của một lớp cư dân vốn đã từng là chủ nhân của một vùng đất trong thời quá khứ. Theo đó, việc phân loại, nghiên cứu các loại công cụ, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, trang sức… bằng các chất liệu khác nhau trong những di tích khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam sẽ góp phần giải quyết những vấn đề khoa học và thực tiễn đã và đang đặt ra hết sức thiết thực. 

ABSTRACT

     Quang Nam is one of Sa Huynh important culture areas where about 100 objects have been found and studied. Beside its existence in the plain and hill belonging to the Thu Bon river basin, the remains of this culture are scatteredly found in the western mountains and the coastal marine areas – coastal islands in the east. With such a large living space, the residents of Sa Huynh culture in Quang Nam have created a rich and impressive cultural identity which is reflected from the abundant physical heritages left in the ground, raising an animated silhouette of a population-society picture in this land in the past.

     Learning the types of artifacts in the archaeological relics is one of the approaches to the clarification of the characteristics of a culture from which to rebuild the appearance of a cultural, physical and spiritual life of the residents who used to be the owners of the land in the past. Accordingly, the classification and study of the types of tools, utensils, weapons, jewelry… with different materials in the archaeological heritages of Sa Huynh culture in Quang Nam will contribute to solving scientific and practical issues in the reality.

x
x x

     Sau hơn một trăm năm kể từ khi được phát hiện và nghiên cứu1, nền văn hóa Sa Huỳnh với những hiểu biết sơ khởi ban đầu đã ngày càng được nhận diện một cách đầy đủ và sâu sắc. Việc tìm thấy hàng trăm di tích trên dải đất miền Trung Việt Nam, trong đó Quảng Nam được coi là một trong những địa bàn phân bố tập trung nhất đã giúp cho giới khoa học tích lũy tri thức về nền văn hóa này ngày càng thêm phong phú, toàn diện.

     Năm 2009, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh” diễn ra ở Quảng Ngãi” như là một sự kiện quan trọng trong việc điểm lại những thành tựu đối với quá trình tiếp cận và giải mã nền văn hóa này. Từ góc nhìn của các nhà khoa học, những di sản vật chất thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã trở thành minh chứng sinh động trong việc tái dựng bức tranh đời sống văn hóa – xã hội của cộng đồng cư dân cổ vốn đã từng sinh sống trên dải đất miền Trung Việt Nam. Bài viết này không nhằm đề cập lại những vấn đề các nhà khoa học đã tổng kết mà chủ yếu trao đổi thêm về việc phân loại những di vật khảo cổ vốn từng tồn tại trong lòng các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực Quảng Nam, mong muốn của chúng tôi là góp thêm một phương pháp lý giải cũng như góc nhìn cụ thể hơn về đặc điểm của những di sản văn hóa mà lớp người xưa sinh sống nơi đây từ hàng ngàn năm về trước để lại trong lòng đất.

     Các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam phân bố tập trung ở lưu vực sông Thu Bồn và Vu Gia. Hầu hết, đó là những khu mộ có quan tài bằng chum gốm lớn được chôn trong lòng đất, chứa nhiều hiện vật tùy táng, chủ yếu là công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ minh khí… với các loại hình, chất liệu và chức năng khác nhau.

     “Chum” được coi là loại hình đồ gốm tiêu biểu nhất trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh. Chúng được dùng làm quan tài để chôn cất người chết sau khi đã hỏa thiêu, cũng có trường hợp chôn nguyên xác [5]. Có nhiều tên gọi cho loại đồ gốm đặc biệt này như “quan tài bằng chum gốm”, “chum mộ”, “vò mộ”… Ở Quảng Nam, chum mộ trong văn hóa Sa Huỳnh được phân loại và gọi theo hình dáng của thân như “hình trụ”, “hình trứng”, “hình trái xoan”, “hình trái đào”, hình cầu” [4]. Cách phân loại này dựa vào sự liên tưởng hình dạng của một số vật dụng, quả trái. Tuy nhiên, cách gọi như vậy còn khá trừu tượng vì thiếu những thông tin rõ ràng để xác định định tính.

     Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào về hình dạng và kích thước của các loại quan tài bằng gốm trên đây liên hệ như thế nào đối với thân phận, địa vị của người chết, cũng chưa có giải thích nào làm sáng tỏ vì sao lại có nhiều loại như vậy và mỗi loại mang đặc tính kỹ thuật, cách thức sử dụng hay ý nghĩa tâm linh ra sao. Trong thực tiễn đời sống con người, việc chế tạo ra một vật dụng nào cũng thường chịu ảnh hưởng của các yếu tố quan trọng, đó là tính thực dụng, quan niệm thẫm mỹ và khả năng sáng tạo về mặt kỹ thuật của người thợ.

     Theo các nhà khảo cổ khi phân chia các loại, các hình địa phương trong văn hóa Sa Huỳnh, hệ thống các di tích ở Quảng Nam thuộc loại hình “Sa Huỳnh bắc”2 và Quảng Nam là khu vực trung tâm, tập trung nhiều di tích với những đặc trưng văn hóa hết sức ấn tượng. Chum mộ trong văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam thường có kích thước lớn, chiều cao từ 70 đến trên 100cm; đường kính miệng từ 40-60cm với 04 loại hình khác nhau như đã nói ở trên [4]. Trong khi đó, ở những di tích thuộc “Sa Huỳnh nam”, loại hình chum mộ đơn giản hơn, thường chỉ là dạng hình cầu thân tròn hay gãy khúc dạng nồi, vò kích thước nhỏ, chiều cao và đường kính miệng trong khoảng 30-40cm) [9].

     Chưa có nghiên cứu nào lý giải thuyết phục về sự khác nhau giữa loại hình chum mộ ở hai khu vực Bắc – Nam như vừa đề cập trên đây. Sự phong phú về số lượng, hình dạng và lớn về kích thước của những quan tài bằng chum gốm ở khu vực Quảng Nam có phản ánh địa vị, thân phận chủ nhân ở khu vực này hay không? Hay đó chỉ đơn thuần là một phong cách mộ táng (chưa lý giải được) của lớp dân bản xứ nơi đây thời cổ? Thiết nghĩ đây là điều chúng ta nên tiếp tục quan tâm.

     Gò Dừa (Duy Tân – Duy Xuyên) là một địa điểm khảo cổ khá đặc biệt ở Quảng Nam [4]. Nơi đây, đã phát hiện loại mộ chum dạng kép với hai chum lồng vào nhau mà có người ví là kiểu “trong quan ngoài quách”(!). Trong những chum mộ này cũng đã phát hiện được nhiều vật tùy táng, cả những hiện vật quý có nguồn gốc ngoại lai (Hán) như gương, ấm, bát, nồi bằng đồng… Ở Lai Nghi (Điện Nam – Điện Bàn), trong một số chum mộ cũng đã tìm thấy nhiều hiện vật đặc biệt khác như tiền (Ngũ Thù, Vương Mãng), ấm, bát bằng đồng, đồ trang sức hình con vật bằng mã não, hạt chuỗi – khuyên tai bằng vàng và vô số những hạt trang sức, khuyên tai bằng đá, thủy tinh…[6]. Một số trong những đồ vật này cũng mang dáng vẻ không thuộc nguồn gốc bản địa. Những tư liệu này khiến chúng ta suy đoán được sự phân hóa trong cộng đồng cư dân miền Trung thời cổ đại và cả những vấn đề về địa vị và nguồn gốc chủ nhân các khu mộ địa.

     Đối với những đồ gốm kích thước lớn như chum,vò để làm quan tài, việc chế tạo ra chúng như thế nào vẫn đang là vấn đề ít người để ý. Dấu vết kỹ thuật khẳng định chúng được làm bằng tay và có thể được nung ngoài trời chứ không phải trong lò (xương gốm bở, độ nung thấp). Tuy nhiên, chắc đây là sản phẩm của những người thợ thủ công có kinh nghiệm chứ không phải của bất kỳ ai. Khảo cổ học hầu như chưa tiếp cận được những dấu vết của các lò gốm thời Sa Huỳnh trở về trước, đây cũng đang là điều khá lạ vì cho dù có nung ngoài trời đi chăng nữa thì cũng không thể không để lại những vết tích của tro than và mảnh vỡ từ những sản phẩm hư hỏng.

     – Ngoài chum mộ, có rất nhiều loại hình đồ gốm khác nhau được chôn theo làm vật tùy táng. Lâu nay, các nhà khảo cổ đã rất chi tiết khi phân loại những đồ gốm này, đó là các đồ vật như nồi, vò, niêu, bát, mâm bồng, bình, cốc, chậu, đèn (hay “hiện vật gốm hình lẵng hoa”), dọi xe chỉ, khuyên tai…

     Nhìn một cách tổng thể, đồ gốm tùy táng có hai thứ khác nhau, gồm đồ dùng sinh hoạt hằng ngày (đồ đun nấu, đồ đựng, đồ thờ tự – nghi lễ…) và đồ minh khí (đồ mô phỏng chỉ để chôn theo mộ). Tuy nhiên, trên thực tế thì việc chỉ ra chức năng chính xác của những đồ vật là vấn đề không đơn giản, các nhà khảo cổ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng cách nhìn nhận trong sự liên tưởng với đồ dùng thời hiện đại, vả lại hiện nay chúng ta cũng chưa thực sự thống nhất thuật ngữ khi phân loại đồ gốm.

     “Nồi” gốm là đồ vật dễ nhận diện nhất ở bất kỳ nơi nào bởi hình dáng và chức năng của nó. Trong các khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam cũng như ở nhiều nơi khác, dù có nhiều kích thước khác nhau nhưng chúng đều mang hình dạng miệng hơi loe, cổ thắt và thấp, bụng tròn. Phần nhiều nồi gốm có trang trí văn thừng (mà đúng hơn là dấu vết kỹ thuật chế tạo) ở phần thân – đáy, vai và miệng được miết láng, phía ngoài đáy nồi thường bị ám khói. Gọi là “nồi” để khẳng định đấy là đồ đun nấu, tuy nhiên bộ phận thường đi kèm theo chiếc nồi là nắp đậy – vật để giữ nhiệt khi đun nấu – lại ít được tìm thấy. (Biết đâu ngày xưa người ta ít quan tâm đến việc đậy nắp khi đun nấu?).

     “Niêu” là một thuật ngữ chỉ loại nồi kích thước nhỏ, có khi người ta lẫn lộn với “nồi” khi sử dụng thuật ngữ. Nếu coi “niêu” là loại nồi nhỏ thì cũng chưa có tiêu chí về kích thước cụ thể để phân biệt.

     “Vò” hầu như là tên gọi được sử dụng cho nhiều loại đồ gốm khác nhau, có thể đấy là đồ đựng, đồ đun nấu hay đồ minh khí, không phân biệt đấy là đồ vật có kích thước lớn hay bé. Vậy nên “vò” cũng có thể được hiểu là chum (mộ vò, vò mộ, vò chum, chum vò), là nồi (nồi vò/vò nồi) là bình (bình vò)…, điều này cũng thể hiện thiếu tính nhất quán.

     “Bình” là loại đồ đựng với nhiều loại hình dạng và kích thước khác nhau, thường có chân đế và không dùng để đun nấu. Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, loại bình (hay “bình vò”) chiếm tỷ lệ rất lớn, thường được trang trí hoa văn khắc vạch khá cầu kỳ với những mô típ đặc trưng như ấn răng sò, văn hình chữ s, khuôn nhạc, chấm dải, tô màu.

     Một loại đồ gốm đặc biệt khác thường có trong văn hóa Sa Huỳnh nói chung và khá phổ biến trong các di tích ở Quảng Nam, đó là “đèn”. Loại đồ đựng này có kích thước không lớn, cao nhất khoảng 20cm, dạng chiếc cốc loe xiên có chân đế, vai rộng nhưng miệng nhỏ được tạo bởi một gờ gập khum vào phía trong. Nhiều người còn gọi đây là “hiện vật gốm hình lẵng hoa” vì chưa rõ chức năng, là “đèn vịt gốm kiểu Sa Huỳnh” với ý niệm coi đó là loại đèn đựng dầu thực vật hay mỡ động vật, có bấc để thắp sáng. Cũng có người cho đó là loại “bát chống kiến” vì phần giáp giữa thân và gờ miệng lõm, có thể đổ nước tạo khoảng cách không cho kiến bò vào bên trong . Đến nay, chúng ta vẫn chưa có lý giải nào thuyết phục về công dụng của loại đồ gốm này dù rằng đó là loại đồ gốm chỉ có trong văn hóa Sa Huỳnh.

     “Mâm bồng” hay “bát bồng”, “bát mâm bồng” là loại đồ đựng hình đĩa có chân đế cao. Người ta đặt những tên trên cho nó bởi liên tưởng đến loại đồ vật mà nay vẫn được sử dụng để đựng ngũ quả trên bàn thờ. Có hai loại mâm bồng với kích thước khác nhau, loại lớn (đường kính khoảng 30 – 40cm trở lên) thường làm nắp đậy các chum mộ và loại nhỏ hơn thường là đồ đựng.

     Ngoài những loại hình đồ gốm trên đây, các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam cũng đã cung cấp cho chúng ta một số loại hình đồ gốm khác như chậu, thố, bát, dọi xe chỉ, khuyên tai… Chúng là những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày nhưng không gây ấn tượng nhiều về số lượng cũng như hình dạng.

     Bên cạnh những đồ gốm với số lượng lớn và nhiều loại hình, những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt và vũ khí bằng kim loại là loại hiện vật thường được quan tâm đặc biệt trong các khu mộ táng văn hóa Sa Huỳnh. Các cuộc khai quật ở những di tích tại Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Giang… trong nhiều năm đã thu thập được khá nhiều đồ kim khí. Đồ sắt là loại hiện vật khá phổ biến, bao gồm các công cụ như rựa hoặc dao quắm, đục, rìu, thuổng, cuốc, dao, công cụ dạng lưỡi cong (?)… vũ khí có các loại như giáo, lao, kiếm, dao găm… Ngoài ra, trong các mộ chum, người ta thường thấy có rất nhiều mảnh sắt vỡ vụn, bị han rĩ nên khó nhận diện được loại hình.

     Sự phong phú về đồ sắt là hiện tượng đặc biệt trong văn hóa Sa Huỳnh mà chưa nền văn hóa thời đại kim khí nào ở Việt Nam có được. Cư dân cổ miền Trung Việt Nam trong đó có Quảng Nam hầu như đã đạt đến trình độ điêu luyện về thuật luyện/rèn sắt với những tri thức kỹ thuật được tích lũy và phổ biến rộng rãi. Lý giải về hiện tượng này, nhiều ý kiến cho rằng có lẽ nguồn nguyên liệu quặng sắt dễ tìm kiếm là điều kiện khiến cho nghề luyện sắt thời cổ đại vùng này phát triển. Tuy nhiên, đấy chưa phải là tất cả lý do để giải thích cho một hiện tượng quan trọng trong văn hóa này.

     Đồ đồng là loại hiện vật rất đặc biệt trong các di tích mộ chum ở Quảng Nam. Trước đây, khi mới phát hiện được một số ít lưỡi rìu, giáo bằng đồng, nhiều ý kiến cho rằng đấy là những tư liệu khảo cổ phản ánh mối quan hệ giữa hai nền văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh, hay hiểu một cách cụ thể là những hiện vật này có nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, nhiều cuộc khai quật trong thời gian hơn chục năm trở lại đây khiến cho chúng ta cần suy nghĩ lại. Bên cạnh những đồ đồng mang “dáng dấp Đông Sơn” và cũng có thể có nguồn gốc từ trong lòng văn hóa Sa Huỳnh như đã nói ở trên, còn có những đồ đồng chắc chắn mang nguồn gốc Trung Hoa (văn hóa Hán). Tiền đồng (Ngũ Thù, Vương Mãng), gương đồng, ấm đồng, bát đồng, lục lạc đồng… được phát hiện trong lòng các chum gốm tại các địa điểm như Hậu Xá, Gò Dừa, Lai Nghi, Bình Yên…là những ví dụ điển hình. Nói như vậy cũng có nghĩa là kỹ thuật luyện kim đồng thau hầu như không mấy phổ biến trong văn hóa Sa Huỳnh và đây cũng là yếu tố đặc biệt cần giải mã.

     Thừa nhận yếu tố văn hóa Hán và các yếu tố ngoại sinh khác trong lòng văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực Quảng Nam là một trong những nhận thức mới của giới khảo cổ trong thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng, đấy là những bằng chứng về sự giao lưu trao đổi của cư dân văn hóa Sa Huỳnh với bên ngoài, không chỉ với khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo mà cả với Trung Hoa, Ấn Độ xa xôi. Cũng có quan niệm cho rằng, từ sau khi nhà Hán tiêu diệt nước Nam Việt của Triệu Đà và đặt ách cai trị đến tận quận Nhật Nam (mà vùng tận cùng phía nam có thể là Bình Định ngày nay), văn hóa phương bắc càng có cơ hội thâm nhập sâu vào cộng đồng cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, nhất là ở các khu vực trung tâm như lưu vực sông Thu Bồn, sông Vu Gia ở Quảng Nam thông qua con đường thủy đi vào đất liền từ Cửa Đại ở Hội An hiện nay [4, 7].

     Đồ trang sức là nhóm hiện vật có kích thước nhỏ, nhiều loại hình, làm từ những loại nguyên liệu khác nhau với kỹ thuật chế tác hết sức tinh vi, điêu luyện. Sự phong phú và độc đáo của đồ trang sức trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện ở Quảng Nam thực sự gây nhiều chú ý đối với giới nghiên cứu khảo cổ.

     “Khuyên tai hai đầu thú” được coi là đồ trang sức đặc trưng của nền văn hóa này và chủ yếu phát hiện được tại các di tích ở khu vực Quảng Nam (trên 20 tiêu bản) và Thành phố Hồ Chí Minh [8]. Ngoài ra, chúng cũng được tìm thấy ở vài nơi khác ở Việt Nam và Đông Nam Á nhưng số lượng không lớn [1]. Loại đồ trang sức này chủ yếu làm bằng đá, vài cái làm bằng thủy tinh, có dạng hai đầu con thú quay về hai phía, chính giữa có móc đeo nhô cao. Nguồn gốc đầu tiên của loại đồ trang sức này hiện vẫn là điều băn khoăn của các nhà nghiên cứu nhưng chắc chắn có nhiều chiếc đã được chế tác tại khu vực Quảng Nam. Tại khu mộ chum Đại Lãnh thuộc huyện Đại Lộc, người ta đã phát hiện một số khuyên tai đang được chế tác thô, chưa được khắc chạm đầy đủ và cũng chưa được mài trau chuốt [3].

     Trên thực tế thì loại “khuyên tai hai đầu thú” vẫn còn nhiều điều tồn nghi về tên gọi và ý nghĩa của nó [11]. Các nhà nghiên cứu chưa xác định con vật được mô tả trên đồ trang sức này chính xác là con gì, có người cho là dê, trâu và gần đây nhiều người cho là con sao la [1, 8, 10]… hay là một loài vật thiêng nào đó có ý nghĩa tâm linh trong quan niệm của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

     “Khuyên tai ba mấu” là loại trang sức đặc trưng ở Đông Nam Á và cũng đã được phát hiện ở Quảng Nam. Đồ vật này dùng để đeo ở tai và được làm từ đá quý hay thủy tinh, thường có 3 mấu nhọn và một chiếc móc nhỏ. Ở Philippines, người ta gọi chung cho các loại đồ đeo (khuyên tai, vòng tay) có mấu là “lingling-o”. Dạng vật đeo có mấu được coi như một truyền thống trang sức trên khu vực rộng lớn chứ không riêng của một nơi nào.

     Tương tự như trên, loại “khuyên tai hình vành khăn” với dạng là một vòng nhỏ, bản rộng và mảng dẹt, có khe hở trên thân, được làm từ đá hay thủy tinh cũng là loại trang sức phổ biến. Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, có nhiều khuyên tai dạng này đã được phát hiện, tuy nhiên khó mà phân biệt được sự khác nhau về đặc điểm cũng như nguyên liệu so với các hiện vật cùng loại vốn lâu nay rất phổ biến trong các văn hóa thời đại kim khí ở Việt Nam và Đông Nam Á.

     “Hạt chuỗi” là loại đồ trang sức chiếm số lượng lớn nhất và phong phú về kích thước, hình dạng, màu sắc, chất liệu. Thủy tinh được coi là nguyên liệu phổ biến trong kỹ thuật chế tác hạt chuỗi ở Quảng Nam và hầu như chưa có khu vực nào có hiện tượng như vậy. Các cuộc khai quật ở một số di tích quan trọng tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên… đã đem đến cho chúng ta những nhận thức mới về việc làm chủ công nghệ chế tạo hạt chuỗi (và cả vòng tay, khuyên tai) từ thủy tinh của người Sa Huỳnh xưa. Ngoài những hạt chuỗi có kích thước lớn từ 3mm trở lên, vô số những hạt chuỗi nhỏ li ti, khó phát hiện bằng mắt thường vì chỉ có đường kính khoảng 1mm. Loại hạt chuỗi này có lẽ được dùng để trang trí trên vải khi dệt hơn là xâu thành chuỗi đeo cổ hay tay.

     Hạt chuỗi kích thước lớn thường làm bằng đá mã não (agate), crystal, néphrite… cũng là loại trang sức có nhiều trong các khu mộ chum Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Mã não thường có màu đỏ tươi hoặc sẫm, thường có vân trắng – nâu, crystal trong suốt… là những loại đá cứng, quý, đòi hỏi được gia công với trình độ kỹ thuật điêu luyện, nhất là khoan lỗ. Những nguyên liệu để chế tác các loại hạt chuỗi trên được khai thác ở đâu cũng đang là điều bí ẩn, những nghiên cứu gần đây có xu hướng cho rằng khu vực miền đông Đài Loan là một trong những nơi cung cấp nguyên liệu đá quý để chế tác đồ trang sức ở Đông Nam Á thời cổ [11] và có thể rất nhiều hạt chuỗi bằng đá quý trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam được du nhập từ Ấn Độ, Trung Hoa, Thái Lan… qua con đường thương mại vào thời kỳ đầu công nguyên.

     Đến nay, di tích mộ chum Lai Nghi (Điện Nam – Điện Bàn) là nơi duy nhất đã tìm thấy hai vật nhỏ là tượng của một con chim và tượng một con sư tử bằng mã não với kích thước nhỏ (chỉ dài khoảng 1cm). Những con vật biểu tượng này có lẽ là vật đeo đặc biệt được xâu trong chuỗi hạt bằng đá quý. Kết quả so sánh cho thấy nhiều khả năng những tác phẩm nghệ thuật tí hon trên có thể được du nhập từ bên ngoài, ở vùng phía Đông Nam Trung Hoa cũng đã có nhiều hiện vật tương tự được phát hiện.

     Khuyên tai và hạt chuỗi bằng vàng được tìm thấy nhiều tại các mộ chum ở khu vực Quảng Nam, đặc biệt là các địa điểm Gò Mùn (Đại Lộc), Lai Nghi (Điện Bàn). Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, chưa đâu thấy sự có mặt đáng kể của loại trang sức bằng kim loại quý này và cũng chưa có cơ sở để khẳng định chúng được chế tác tại chỗ. Những phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy phần nhiều những đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy nhiều ở khu vực Nam Trung bộ, Nam bộ Việt Nam và cả ở Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… Bởi vậy, những ý kiến cho rằng loại hình trang sức bằng vàng trong văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam chắc phải có nguồn gốc khá xa xôi không phải là không có cơ sở [11]. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài chất liệu bằng vàng, loại hạt chuỗi bằng bạc cũng đã được tìm thấy ở di tích Gò Đình (Quảng Nam) nhưng số lượng quá ít và vì vậy mà cũng chưa cho chúng ta thêm những hiểu biết rõ ràng về nguồn gốc đồ kim loại này.

     Trong khuôn khổ một bài viết ngắn này, chúng tôi khó có thể trình bày một cách chi tiết về các loại hình hiện vật trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Tuy nhiên, với những gì đã đề cập trên đây, chúng ta có thể tích lũy thêm được một số tri thức khoa học quan trọng cũng như nhận thức thêm một số vấn đề thực tiễn có ý nghĩa khi nghiên cứu vùng đất Quảng Nam – nơi đã từng diễn ra một quá trình tiếp nối lịch sử và phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa Chămpa từ cuối thế kỷ II sau công nguyên trở đi. Những tư liệu và kết quả nghiên cứu khảo cổ trong nhiều năm qua cho thấy rằng:

     1, Từ cách đây hơn hai thiên niên kỷ, Quảng Nam đã là một trong những trung tâm quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh, lưu vực các con sông Thu Bồn, Vu Gia với những thuận lợi của điều kiện địa lý tự nhiên đã thu hút quá trình tụ cư, sinh sống đối với các lớp cư dân cổ. Vị trí đặc biệt của vùng đất Quảng Nam nằm ở trung độ Việt Nam, vừa có biển, đảo, cảng thị, sông ngòi, vừa có đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, lại thêm miền rừng núi rộng lớn ở phía Tây với nguồn tài nguyên phong phú… đã tạo nên những yếu tố tác động tích cực cho quá trình phát triển văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây từ lâu đời.

     2, Cũng như nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải đất miền Trung, các khu mộ táng thuộc văn hóa này ở Quảng Nam chứa đựng số lượng rất lớn những hiện vật với các loại hình phong phú, qua đó đã hiện lên bức tranh sinh động về đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần và các mối quan hệ đa chiều trong không gian cũng như trong tiến trình phát triển xã hội. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh nơi đây đã đạt được những thành tựu quan trọng trong kỹ thuật luyện kim, làm đồ gốm, chế tạo công cụ, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, giao thương nội địa, buôn bán với bên ngoài…, tạo nên bản sắc độc đáo trong văn hóa vật chất, tinh thần và đời sống xã hội.

     3, Từ việc nhận diện và phân tích đặc điểm các loại hình hiện vật trong các di tích khảo cổ học, chúng ta có dịp bổ sung những hiểu biết lâu nay trong việc phân loại, xác định chức năng, tìm hiểu kỹ thuật chế tạo, xác định những đặc trưng văn hóa và tính đặc thù khu vực… đối với những di sản vật chất mà người xưa để lại trong lòng đất. Các di tích văn hóa Sa Huỳnh nơi đây cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho việc nhận diện các loại hình đồ gốm, phân loại và xác định các loại hình công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt, trang sức… theo chức năng và chất liệu. Việc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giới khoa học cần tiếp tục thảo luận nhằm đạt đến sự thống nhất về thuật ngữ, xác định công dụng, tìm hiểu kỹ thuật chế tạo cũng như giá trị văn hóa của một số đồ vật.

     4, Phân loại hiện vật theo giả thiết nguồn gốc là vấn đề khoa học khá lý thú vì nhờ nó mà có thể giải thích được các mối quan hệ giao lưu văn hóa trong khu vực và với bên ngoài. Tài liệu khảo cổ học cho sự so sánh hiện nay ngày càng phong phú và dễ cập nhật, vì vậy việc đối chiếu theo phương pháp loại hình học để truy tìm các mối quan hệ dựa trên hình dáng hay kỹ thuật đối với một số hiện vật đặc biệt có thể đem lại cho cho chúng ta những nhận thức mới… Trong tổ hợp di vật khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, người ta có thể dễ dàng nhận ra những hiện vật đặc biệt mà nguồn gốc của chúng có thể ở bên ngoài địa vực miền Trung Việt Nam, có thể xa xôi hơn, tận Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan… Điều này thể hiện sự lan truyền văn hóa, tác động từ bên ngoài cũng như sự cởi mở, đón nhận, dung hòa các yếu tố ngoại sinh của cư dân văn hóa Sa Huỳnh – chủ nhân của vùng đất miền Trung Việt Nam trong giai đoạn trước – sau công nguyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Andreas Reinecke, Ohrringe mit Tierkopfenden in Südostasien, Beiträge zur Allgemeinen und Vergleichenden Archälogie, Band 16, Mainz, (1996), 5-51.

     2. Andreas Reinecke, Lê Duy Sơn, Ein neu entdecktes Gräberfeld der Sa Huỳnh-Kultur
von Gò Mùn in Mittelvietnam, Beiträge zur Allgemeinen und Vergleichenden Archäologie, Band 20, Mainz, (2000), 5-43.

     3. Trương Hoàng Châu, Di tích khảo cổ học Đại Lãnh (Quảng Nam – Đà Nẵng), Những phát hiện mới về khảo cổ học (NPHM) năm 1979, Nxb KHXH, Hà Nội, (1980),164- 166.

     4. Nguyễn Chiều, Văn hóa Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn và vị trí của nó trong thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh“, Quảng Ngãi (7/2009).

     5. Nguyễn Lân Cường, Di cốt người cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Quảng Ngãi (7/2009).

     6. Đoàn khai quật Lai Nghi, Khai quật khu mộ táng Lai Nghi (Quảng Nam) lần thứ hai,
năm 2003, NPHM năm 2003, Nxb KHXH, Hà Nội, (2004), 241- 243.

     7. Lâm Mỹ Dung, Văn hóa Sa Huỳnh từ những phát hiện và nghiên cứu mới, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Quảng Ngãi (7/2009).

     8. Trần Kì Phương, Hồ Xuân Tịnh, Về vật trang sức hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh, KCH, số 3 (1987), Hà Nội, 54-56.

     9. Hoàng Thúy Quỳnh, Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Quảng Ngãi (7/2009).

     10. Trịnh Sinh, Khuyên tai tượng dê ở Đại Lãnh, NPHM 1980, Hà Nội, (1981), 153-155.

     11. Lê Duy Sơn, Andreas Reinecke, Đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh và những cảm nhận qua quá trình tiếp cận, Hội nghị quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Quảng Ngãi (7/2009).

___________
1. M.Vinet phát hiện di tích mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên năm 1909 tại Quảng Ngãi.

2. Khu vực từ Quãng Bình đến Quảng Ngãi thuộc “Sa Huỳnh bắc”, từ Bình Định đến Bình Thuận thuộc “Sa Huỳnh nam”.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Về các loại hình hiện vật trong di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam
(Tác giả: Lê Duy Sơn)