Về Chuyến Viếng Thăm Sài Gòn của Đại Thi Hào Tagore Năm 1929 (Phần 1)
DƯƠNG THANH BÌNH, PhD
(Sydney, tháng 3, năm 2019)
Cuối thập niên 1920 người Sài Gòn đã được một vinh dự lớn là chào đón Rabindranath Tagore, một vĩ nhân nổi tiếng trong ba lĩnh vực văn chương thơ phú, giáo dục và chính trị với đường lối chống chiến tranh một cách ôn hòa. Cuộc viếng thăm này có ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực, trong đó có phong trào đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam vào những thập niên 1930, 1940. Thế nhưng đã có một thời sự kiện này bị lãng quên vì sự thay đổi về chính thể của nước Việt Nam. Gần đây một số trí thức và nhà giáo dục trong nước đã khơi lại cuộc viếng thăm này. Chúng tôi cố tìm những dữ liệu khả tín để hy vọng giữ được phần nào sự thật của lịch sử cho thế hệ mai sau.
Sơ lược về Tagore
Thân thế:
Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861 tại thành phố Calcutta trong một gia đình trí thức, giàu sang và có truyền thống văn học với vị trí cao trong tôn giáo. Cha ông là Debendranath Tagore, một nhà triết học hoạt động xã hội nổi tiếng, một lãnh tụ tôn giáo chủ trương canh tân Ấn Độ Giáo1. Dòng họ Tagore đã sáng lập ra giáo phái Brahmo Samaj, tức Bà La Môn. Debendranath Tagore tranh đấu loại bỏ các hủ tục có tính cách dã man trong tôn giáo và cũng chủ trương canh tân đất nước để có thể giành độc lập cho Ấn Độ thời đó đang là thuộc địa của Anh. Debendranath Tagore là một bậc vĩ nhân và được xem là thánh sống thời bấy giờ.
Tất cả 13 anh chị em của Rabindranath Tagore đều là những người lỗi lạc, nổi tiếng về thơ ca, triết học và cả toán học. Họ là những nhà văn, nhà thơ, triết gia, tiểu thuyết gia… Tâm hồn Rabindranath Tagore được tắm đẫm sự tinh khiết thần kỳ của thiên nhiên và sự cảm thông sâu sắc về giai cấp nông dân. Năm 11 tuổi ông được theo cha đi chu du nhiều nơi ở Ấn Độ như Amritsar in Punjab (British India), Dalhousie trong dãy Himalayas. Rabindranath Tagore cũng được đến thăm vùng Shantiniketan, khu bất động sản của gia tộc ông. Trong thời gian đó ông học các môn thiên văn, khoa học hiện đại và văn học “Sanskrit”2. Tình yêu thiên nhiên đã giúp ông cảm nhận sự tinh khiết của vạn vật và sự thần kỳ của tạo hóa. Chính từ đó mà ông đã ghi lại những nốt nhạc mà ông nghe được từ thiên nhiên thầm lặng:
“Những bước chân tôi nghe trong trò chơi thơ dại
Vẫn vang âm hoài trong nhạc thế gian bay
Những tiếng rì rầm nhốt mình trong dáng đá
Mang chứa nổi u sầu của ý tình lạc mất 3”.

Năm 1878 ông đến Luân Đôn học tại University College London và muốn trở thành luật sư nhưng việc học không thích hợp nên hai năm sau ông quay về Ấn Độ và lấy vợ năm 1883. Tagore đi chu du nhiều nơi, xuyên lãnh địa4 Sheidah rộng lớn của gia đình ông ở Bangal (nay là Banlades). Ông gần gủi với những người nghèo khó nên từ năm 1891 đến 1895 đã viết nhiều về cuộc sống ở Bangal, đặc biệt là về thôn quê. Năm 1901 Tagore rời Sheidah, đến Shantiniketan5, phía Tây Bangal. Tại đây ông xây dựng một chủng viện, một nhà nguyện, một trường học và, thư viện và một khu vườn rất đẹp. Điều đau buồn là cha, vợ và hai người con của ông đã mất trong thời gian này.
Ngày 14 tháng 11 năm 1913, Tagore nhận được giải Nobel về văn chương với tập thơ “Song Offering” (Tâm Tình Hiến Dâng) được viết vào năm 1912. Sự kiện này là niềm hãnh diện của người Ấn nói riêng và người Châu Á nói chung. Thế nhưng Ông tiếp nhận vinh dự này một cách bình thản: Ông không đến Stockhom nhận giải mà chỉ gửi thư cám ơn Viện Hàn Lâm Thụy Điển6. Hoàng Gia Anh tặng ông danh hiệu Hiệp Sĩ năm 1915. Đến năm 1919 ông trả lại danh hiệu để phản đối cuộc tàn sát ở Jallianwala Bagh thuộc thành phố Amritsar. Trong cuộc tàn sát này chỉ có 10 phút nổ súng mà lính Anh đã giết hơn 1000 người và làm bị thương hơn 2000 người không có vũ khí7.
Năm 1921 Tagore cùng với ông Leonard K, Elmhirt lập Viện Xây Dựng Nông Thôn tại làng Surul với mục đích dùng giáo dục để giải thoát vùng thôn quê ra khỏi cuộc sống tăm tối.
Đầu thập niên 1930 Tagore quan tâm hơn đến sự kỳ thị giai cấp của người Ấn Độ. Ông đã thuyết giảng, làm nhiều bài thơ và viết kịch để lên án định kiến này. Ông vận động để cho tầng lơp xã hội thấp nhất ở Ấn Độ được vào viếng đền thờ Guruvayur ở Kerala.
Vào thập niên cuối của cuộc đời, từ 1932 đến 1941, Tagore vẫn tiếp tục các phong trào vận động của ông. Ông đã chỉ trích Mahatma Gandhi khi ông này cho rằng trận động đất ngày 15 tháng giêng năm 1934 ở Bihar là do “Trời” (God) muốn trừng phạt con người vì tội không tu luyện các tầng (Casteism) trong đạo giáo Hindu.
Trong thời gian này ông cũng viết bài thơ rất dài về sự nghèo khó ở Calcutta cũng như nhiều thơ về các khía cạnh đa dạng trong đời sống con người. Một bộ gồm các khảo luận văn về Sinh Vật, về Vật Lý và về Thiên Văn cũng được ông viết vào những năm cuối của cuộc đời.
Ở tuổi 76 ông bắt đầu đau yếu và bị hôn mê một thời gian dài. Cuối cùng ông tỉnh lại và làm thơ tả lại cảm giác dần đến cõi chết, và rồi Ông lại bị hôn mê lần thứ hai. Tagore mất ngày 7 tháng 8 năm 1941 thọ 80 tuổi.
Sự nghiệp
Tagore để lại một sự nghiệp đồ sộ về văn học bao gồm dịch thuật, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch, tranh vẻ, chủ yếu là thi ca với hơn 1000 bài thơ gồm 50 tập và hơn 2000 bài hát. Tập thơ Tâm Tình Hiến Dâng, tác phẩm được cả thế giới công nhận là công trình quý giá của văn học Ấn, giúp ông đoạt giải Nobel năm 1913. Ông sáng tác hơn 2000 bài hát, Tagore là người duy nhất trên thế giới có hai nhạc phẩm được chọn làm quốc ca cho hai nước, bài “Jana Gana Mana” cho Ấn Độ và bài “Amar sonar Bangla” cho Bangladesh.
Tagore thực hiện sự đổi mới giáo dục ở Ấn Độ. Một nền giáo dục nhân bản, văn minh và khai phóng đã dần dần được thực hiện trong ngôi trường của Ông. Trong những chuyến đi, ngoài việc thuyết giảng về chủ trương “chủ hòa”, Ông còn vận động cho việc phát triển ngôi trường. Năm 1921 trường đã trở thành Đại Học Vishwa – Bharti.
Tác phẩm của Tagore thiên về vấn đề xã hội, chính trị, giáo dục và đặc biệt chú trọng đến tâm tư con người. Đa số thơ của ông diễn đạt sự rung cảm trước vạn vật, mô tả vẻ đẹp tinh khiết của thiên nhiên bao la. Tình yêu cũng là đề tài phổ biến trong văn chương của ông.
Tagore tranh đấu cho hòa bình thế giới và sự độc lập cho Ấn Độ. Với tư tưởng chủ hòa và cấp tiến ông chủ trương kết hợp văn hóa Hindu, Hồi Giáo và văn minh phương Tây để đưa xã hội Ấn Độ thành nước tiên tiến hầu thoát khỏi sự thống trị của Anh Quốc. Để truyền bá tư tưởng này và cũng để tìm hiểu thêm về xã hội cùng con người ở những quốc gia khác, ông đã thực hiện nhiều chuyến đi đến nhiều quốc gia. Ông đã từng gặp gỡ, đàm đạo với các văn nhân thi sĩ nổi tiếng thời đó như Ezra Pound, Robert Bridges, Ernest Rhys, Thomas Sturge Moore, và từng tranh luận chỉ trích nhà độc tại phát xít Mussolini ở Rome. Ông cũng nhiều lần thuyết giảng ở Nhật, Peru, Mexico, Bali, đảo Java. Kualalumpur, Malacca, Penang, Siam, Irag, Singapore và cả Việt Nam nữa. Những chuyến đi đó giúp ông có điều kiện gặp gở các chính trị gia, khoa học gia và những nhà tư tưởng khả kính như Mahatma Gandhi, Henri Bergson, Albert Einstein, Robert Frost, Thomas Mann, George Bernard Shaw, H.G. Wells, Subhas Bose, Romain Rolland …. Chuyến đi cuối cùng của Ông vào năm 1932, đến Iran theo lời mời của Mohammad Pahlavi Đại Đế.
Tagore Đến Sài Gòn
Danh tiếng của Tagore vang đến Sài Gòn: Theo luận án Cao Học tựa đề “The Rise and The Fall of Rabindranath Tagore in Vietnam” của tác giả Chi P. Pham và nhiều tài liệu khác, đầu thập niên 1920, Tagore được ca ngợi ở Việt Nam như một tấm gương sáng về lý tưởng độc lập dân tộc. Người đầu tiên giới thiệu về Tagore với công chúng Việt Nam là ông Nguyễn An Ninh. Sau hai năm học luật ở Đại Học Sorbone, khi về nước, năm 1923 Nguyễn An Ninh diễn thuyết bài “Lý Tưởng Thanh Niên” ở Hội Khuyến Học Nam Kỳ, Ông đã ca ngợi đường lối của Tagore trong sự tranh đấu cho tự do dân tộc. Sau đó ông viết nhiều bài báo đăng trong tờ La Cloche Fêlée (Chuông Rè) vào những năm 1923, 1924 về những chuyến đi thuyết giảng của Tagore, dịch các bài tham luận “My School” của Tagore về sự ủng hộ của giới trí thức Pháp đối với phong trào độc lập dân tộc của người Ấn Độ. Và từ đó, tư tưởng Tagore đã trở thành một trong những đường hướng để người Việt noi theo. Báo chí đã dịch nhiều thơ và tác phẩm văn xuôi của ông. Tên Rabindranath Tagore được lan truyền không những trong giới trí thức, chính khách mà còn ở các lãnh vực khác như văn chương, giáo dục…
Lòng ngưỡng mộ của người Sài Gòn đối với Tagore
Càng lúc danh tiếng của Tagore càng lan rộng trong xã hội Việt Nam, nhất là danh hiệu người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel, cộng thêm hành động khước từ danh hiệu hiệp sĩ của Hoàng Gia Anh ban tặng, người Việt càng trân trọng tên tuổi của Tagore hơn. Ngoài ra, những bài thơ sâu sắc mà nhẹ nhàng, dạt dào tình cảm, ca ngợi thiên nhiên và tính cách con người của Ông đã thực sự chinh phục lòng người. Vì thế người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn đã rất thất vọng khi không chào đón được bậc vĩ nhân này vào năm 1924. Năm đó, có tin Tagore sẽ đến Nam Kỳ vào tháng 7, người Sài Gòn và cộng đồng người Ấn đã đề ra một chương trình tiếp đón Tagore thật long trọng và chu đáo từ hình thức đến nội dung. Ngân quỹ lớn dành tiếp đón cũng như ban tổ chức và chương trình đã được thành lập và soạn thảo. Thế nhưng chuyến viếng thăm này của Tagore đã bị hủy bỏ vì sức khỏe của Ông sau thời gian thuyết giảng ở Hương Cảng không được tốt.
Tuy không diện kiến được Tagore, nhưng tin tức và hoạt động của Ông vẫn được người chú ý loan truyền. Các báo đăng tải những bài viết về Tagore. Giáo sư Kalidas Nag thuyết trình về thi ca và về lý tưởng giáo dục của Tagore, cổ vũ cho dự tính thành lập một trường đại học quốc tế trên quê hương của Tagore. Buổi thuyết trình diễn ra tại Société Philharmonique, Saigon, đã để lại ảnh hưởng khá lớn trong chính giới.
Một duyên may đến với nhà báo Hoàng Tích Chu8 năm 1927 khiến ông được diện kiến và thực hiện buổi phỏng vấn bậc vĩ nhân này. Trên đường hồi hương từ Pháp, tàu của Hoàng Tích Chu ghé Colombo đón đại thi hào Tagore. Nhân cơ hội đó, Hoàng Tích Chu xin diện gặp Tagore và thực hiện cuộc phỏng vấn trên tàu. Bài được đăng trên tờ Éco Annamite ngày 2 tháng 8 năm 1927 với tựa đề “L’interview de Rabindranath Tagore, à bord de l’Amboise”. Họ đã nói về chủ nghĩa đế quốc, thực dân và tự do của con người. Trong lần chuyện trò này, Tagore đã khẳng định lại ý muốn đến Đông Dương để thăm viếng những di tích lịch sử và tìm hiểu văn hóa của các dân tộc ở đây.
Vài năm sau mong muốn của Tagore cũng như ước vọng của người Việt đã thành hiện thực: Tagore đến Sài Gòn ngày 21 tháng 6 năm 1929.
Tiếp đón và tham quan
Chuyến trở về sau khi dự hội nghị các Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia ở Vancouver, Canada năm 1929, Tagore đã ghé lại Nhật một tháng. Trong thời gian này đại diện của Sứ Quán Pháp đã tiếp cận mời ông ghé thăm Sài Gòn và thực hiện một chuyến du lịch xuyên thuộc địa Đông Dương. Ông nhận lời và ngõ ý muốn đến thăm đền Angkor Wat.
Khi biết tin Tagore sẽ đến trên Tàu Angers từ Nhật sang hầu như tất cả các báo chí cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp ở Việt Nam như Saigon Dimanche, Courrier Saigonnais, Écho Annamite, Tribune Indochinois, Phụ Nữ Tân Văn, La Cloche bofêlée, Saigon Republican, Impartial, Thần Chung, Công giáo đồng thịnh, Đuốc Nhà Nam, Merle mandarin, Ère Nouvelle, La voix libre… đều rầm rộ loan tin. Ban tổ chức đã được thành lập với nhân sự gồm cả Tây, Ta và người Ấn ở Sài Gòn:
• Ủy ban đón tiếp: Phía người Pháp có Thị Trưởng Béziat, các ông Monribot, Barthélemi; phía người Ấn có ông Madet, Xavier, Thiagou, Samou; phía người Việt có ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Văn Của, Dương Văn Giáo, Nguyễn Phan Long, Lê quang Liêm,, bác sĩ Trần văn Đôn, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, Trương văn Bền, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Văn Huê, Trần Văn Kha, Nguyễn Văn Sâm, Diệp văn Giáp, Huỳnh Ngọc Bình, kỹ sư Lưu
Văn Lang…
• Ủy ban tổ chức hội thảo gồm các ông Trần Khắc Nương, Barthélemi, Tamby, Haag, Lê Trung Nghĩa và Huỳnh phúc Yên.
Ban thông dịch gồm: bà Palard, Jean Kerjean, Jaque Lê Văn Đức, Hồ Văn Ngươn… Ngoài ra có rất nhiều cơ quan, hội đoàn cùng tham gia đón tiếp Tagore như
• Hầu hết nghị viên hội đồng thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn
• Đại diện các phòng Thương Mại và phòng Canh Nông.
• Giám đốc hay ký giả hoạc phóng viên đại diện của tất cả các báo.
Một chương trình về nghi thức đón tiếp và tham quan trong ba ngày Tagore ở Sài Gòn cũng đã được soạn thảo rất đầy đủ và chi tiết. Tờ Phụ Nữ Tân Văn cho biết lúc 11 giờ 30 ngày thứ Sáu, 21 tháng 6, Thị Trưởng Béziat cùng chánh văn phòng phủ Thống Đốc và nhiều vị chức sắc cùng lên tàu đón Tagore. Tờ báo này còn cho biết rất nhiều người dân cả Tây lẫn Ta và cả người Ấn đã tề tựu đông đảo để nghênh tiếp nhà thơ. Tờ báo La Tribune Indochinoise còn tổ chức một buổi mít tinh ở bến cảng để chào mừng Tagore. Tờ Hà Thành Ngọ Báo gần như đăng tin về Tagore trong từng ngày.
Ông lưu lại Sài Gòn 3 hôm. Nhiều tiệc rượu được tổ chức cùng các diễn văn chào mừng của các vị chức sắc đương đại như Bùi Quàng Chiêu, Béziat, Dương Văn Giáo, Trần Văn Trị…Buổi diễn thuyết chính của Tagore đã được tổ chức ở Nhà Hát Lớn (Theatre Principal, trước 1975 là Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hòa, nay là Nhà Hát Thành Phố), với giá vé 1 đồng và 50 xu (đồng bạc Đông Dương). Nhà hát tuy lớn nhưng không đủ chỗ cho cử tọa nên nhiều người đã phải đứng bên ngoài. Bài nói chuyên bằng tiếng Anh này của Tagore đã được dịch ra cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt và sau đó được đăng trên nhiều báo cả Tây lẫn Ta.
Đầu tiên Tagore ngụ tại khách sạn Continental, đường Catinat. Sau đó ông Diệp Văn Giáp đã dành hẳn ngôi biệt thự ở góc đường Legrand de Liraye (Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ) và Barbet (Lê Quý Đôn) cho Tagore trú ngụ.
Tagore đã được đưa đi thăm Vườn Bách Thảo, Viện Bảo Tàng, trường Tiểu Học Huỳnh Khương Ninh9, Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký, Các trường mỹ thuật và nghệ thuật ở Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Ông cũng đã đến thăm Chùa Bà Thiên Hậu của người Tàu trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi), viếng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt, và dự lễ ở đền Chetty (đền Sri Thendayutthapani), một ngôi chùa Ấn Độ, ở đường Tôn Thất Thiệp. Sau đó nhà thơ được mời chủ tọa lễ khai trương Viện Bảo Tàng Thơ Muruganada Vasagasala. Chỉ ở Sài Gòn có ba ngày nên nhà thơ không thể thăm viếng tất cả các nơi, vì thế ông được mời xem phim ở rạp Eden, giới thiệu về du ngoạn và các thắng cảnh cùng một số tư liệu của Đông Dương. Rất đáng tiếc cuộc du khảo đền Angkor Wat đã bị hủy bỏ vì sức khỏe của Tagore không cho phép.
Chuyến thăm này của Tagore còn có hai sự kiện đáng chú ý khác, đó là việc Ông không đến diễn thuyết ở rạp Thành Xương theo mời của đảng Lao Động Đông Dương (Parti Travailliste Indochinois) và sự kiện nhà thơ đến thăm tòa soạn báo Phụ Nữ Tân Văn.
__________
1Ấn Độ Giáo hay Ấn Giáo còn gọi là đạo Bà La Môn hay Hindu.
2 Một loại cổ ngữ Ấn Độ mà nhiều người Hindo dùng để viết văn và dùng để nói trong các gia đình Ấn Độ chịu ảnh hưởng Anh Quốc.
3 Theo bài Những Ngã Đường Sáng Tạo của Tagore, tác giả Nhật Chiêu
http://www.sachhay.org/cao-thom/ChiTiet/30/nhung-nga-duong-sang-tao-cua-tagore.
4 tác giả tạm dịch từ estate.
5 “Shatiniketan” có nghĩa là “nơi bình yên”.
6 Theo bài Rabindranath Tagore của Trần Công Tử
http://chimviet.free.fr/truyenky/viethai/vhan061.htm.
7 Home Political Deposit, September, 1920, No 23, National Archives of India, New Delhi; Report of Commissioners, Vol I, New Delhi.
8 Hoàng Tích Chu là một nhà báo ở Bắc Kỳ, chủ bút tờ Hà Thành Ngọ Báo và tờ Đông Tây Tuần Báo.
9 Trường do Huỳnh Khương Ninh sáng lập mang tên ông. Về sau trường mở rộng thành trường trung học cùng tên.
Nguồn: Tập San Đồng Nai & Cửu Long, Số 13
Hình minh họa: Ban Tu Thư thanhdiavietnamhoc.com thiết lập tone màu Sepia
Mời xem tiếp:
Về Chuyến Viếng Thăm Sài Gòn của Đại Thi Hào Tagore Năm 1929 (Phần 2)
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)