Về Chuyến Viếng Thăm Sài Gòn của Đại Thi Hào Tagore Năm 1929 (Phần 2)
DƯƠNG THANH BÌNH, PhD
(Sydney, tháng 3, năm 2019)
Tagore không đến diễn thuyết ở rạp Thành Xương
• Sơ lược về Đảng Lao Động Đông Dương Đảng được chính thức thành lập ngày 12 tháng 11 năm 1926 do Cao Triều Phát làm đảng trưởng và đảng viên phần nhiều là giới tư sản và địa chủ ở Nam Kỳ. Chủ trương của Đảng là bênh vực quyền lợi của người lao động, đối lập với chính quyền thuộc địa. Tờ L’Ère Nouvelle (Nhật Tân) do ông Cao Hải Đề làm chủ bút, là cơ quan ngôn luận của đảng. Đến tháng 12 năm 1929 đảng bị chính phủ Pháp giải tán và L’Ère Nouvelle bị đình bản vĩnh viễn. Cao Hải Đề bị bắt giam, Cao Triều Phát bị quản thúc tại gia ở Bạc Liêu.
• Tagore không đến nói chuyện với cử tọa ở rạp Thành Xương:
Đảng Lao Động Đông Dương tổ chức một buổi hội đàm ở rạp Thành Xương để mời Tagore đến thuyết giảng. Theo luận án Cao Học “The Rise and the Fall of Rabindranath Tagore in Vietnam” (đã được bảo vệ ở University of California) của Chi P. Pham, chiều Chúa Nhật sau khi dự tiệc rượu Champagne ở dinh Thống Đốc Pierre Pasquie, khi Tagore trở về nhà thì có những đại diện của đảng Lao Động Đông Dương đến tìm gặp để phản đối việc Ông không đến thuyết giảng như đã hứa. Ông Huỳnh Phúc Yên của đảng Lao Động Đông Dương đã lớn tiếng bày tỏ sự giận dữ. Người đại diện cho Tagore, ông Tamby, đã trả lời rằng Tagore đã không muốn đến rạp Thành Xương, mà ngược lại nhà thơ cũng đã nói sẵn sàng thuyết giảng tại nơi Ông đang cư ngụ nếu các cử tọa thuộc đảng này chịu đến nghe.
• Phản ứng của đảng Lao Động Đông Dương: Cũng theo Chi Phạm, ông Lê Thanh Lư của đảng Lao Động Đông Dương còn phẩn nộ phát biểu: “Ông10 nên nhìn vào những người đã tới mảnh đất này để hút máu (dân Việt)11, Ông nên bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Việt đã tổ chức một buổi tiếp đón trọng thể”. Chi P. Pham nói thêm rằng họ đã cảnh báo là sẽ chặn Tagore và Bùi Quang Chiêu ở bến cảng để bêu xấu hai người trước công chúng. Tác giả luận án cho rằng điều may mắn là thông ngôn đã không dịch lại những lời này. Chi P. Pham cũng cho biết những chi tiết kể trên đã được dịch từ nhật báo Đuốc Nhà Nam số ra ngày 2 tháng 7 năm 1929.
Báo Phụ Nữ Tân Văn số 10, ra ngày 4 tháng 7 năm 1929 đăng:
“Hôm, Chúa Nhật 23 Juin, Tagore tiên sanh xuống tàu về Ấn Độ thì ông Để và mấy người trong đảng Lao Động muốn làm cuộc biểu tình để tỏ ý bất bình về chuyện hồi chiều hôm ấy, đảng Thanh Niên Lao Động mời Tagore tiên sanh tới rạp hát Thành Xương để dự một cuộc diễn thuyết mà Tiên Sanh không lại 12”. Tờ báo cũng cho biết nhà chức trách cũng đã đến khám xét tòa báo của ông Để nhưng không có bằng cớ gì.
Một số tài liệu đang phổ biến ở Việt Nam thì cho rằng Đảng Lao Động Đông Dương muốn tổ chức cuộc biểu tình để chống đối chính phủ Pháp vì đã can thiệp làm Tagore không đến được rạp Thành Xương. Điển hình là trên Tạp Chí Sông Hương số đặc biệt T.12-15, ngày 18 tháng giêng năm 2016, bài “Về Sự Kiện Thi Hào Rabindranath Tagore Thăm Sài Gòn, Việt Nam” của Nguyễn Sơn Trung, cho rằng “Thực dân phá cuộc diễn thuyết của Tagore tại Saigon” bài báo này viết “Ông Cao Hải Đệ và nhiều nhân vật tên tuổi của đảng Lao Động định mời thi hào Tagore đến dự một cuộc diễn thuyết tại rạp hát Thành Xương (ở đường Boresse, sát đình cầu Quan, rạp này nay không còn) theo sự sắp xếp của đảng Lao Động (Cao Triều Phát là đảng trưởng). Nhưng bị nhà cầm quyền phá rối. Tức mình, sang hôm sau, lúc tiên sinh Tagore xuống tàu về Ấn Độ thì ông Cao Hải Đệ và một số đông của đảng Lao Động định tổ chức cuộc biểu tình tại bến tàu để phản đối nhà cầm quyền”13. Cần nói thêm rằng tác giả bài báo không đưa ra một nguồn trích dẫn nào cả.
• Phát biểu của Tagore: Trước khi lên tàu về nước Tagore đã nói: “Những người của đảng Lao Động Đông Dương cho rằng tôi chuộng sự sang trọng mà bỏ lơ sự nghèo khổ, và rằng tôi đã ở nhà của một nhà tư bản mà không đến với những người nghèo. Đó là một nhận định không công bằng. Tôi đã đến nhà ông Của, uống champagne. Họ (tức những đại diện của đảng) cũng đến uống. Tại sao họ đến được mà tôi thì không?”
Tagore đến viếng tòa báo Phụ Nữ Tân Văn
Sáng sớm ngày Chủ Nhật 23 tháng 6, Tagore đến viếng tòa báo Phụ Nữ Tân Văn ở đường Catinat (đường Tự Do, bây giờ là Đồng Khởi). Đây cũng là tiệm bán tơ lụa “Soierie Nguyễn Đức Nhuận” của Ông Bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhân và cũng là chủ bút của tờ Phụ Nữ Tân Văn. Số báo ra ngày 4 tháng 7 năm 1929 có đăng bài viết của Bà Nguyễn Đức Nhuận, khuê danh là Cao Thị Khanh, về cuộc viếng thăm này14. Bà Nhuận tả khí thái tiên phong đạo cốt và sang trọng của nhà thơ. Ông là người Ấn da trắng, tầm vóc to cao, ánh mắt sáng rực, tiếng nói như tiếng đàn. Bà Nhuận còn khen cách ăn mặc của nhà thơ rất hòa hợp với các thân hào Anam. Bài báo đăng kèm hình Tagore có chữ ký của ông do nhiếp ảnh gia Khánh Ký chụp. Trước đó Ông cũng đã ngồi làm mẫu cho ký giả Lê Trung Nghĩa vẽ chân dung bằng chì than sau khi phỏng vấn ông. Bức chân dung này có chữ ký của đại thi hào Tagore, hiện do con gái của ký giả, nữ sĩ Ái Lan cất giữ.
Thi Sĩ chuyện trò hỏi thăm việc tòa soạn rồi ký tên vào trang đầu của quyển sổ ghi tên những độc giả thường xuyên và dài hạn của Phụ Nữ Tân Văn. Đây quả là một vinh hạnh, một gia tài tinh thần mà chỉ tờ Phụ Nữ Tân Văn mới có. Tagore cũng hỏi thêm về thương vụ và mua một cái áo gấm bông bạc. Bà Nhuận cũng tặng Ông một cây lãnh do hãng Lê Phát Vĩnh dệt. Đến chiều ông cho người trở lại mua hai cái khăn đóng vì ngày hôm trước Ông đã đặt tiệm may Trần Thái Nguyên ở đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn) may gấp trong ngày một chiếc áo dài Việt Nam.
Về sau, con trai của ông bà Nguyễn Đức Nhuận, ông Nguyễn Đức Tấn và vợ là bà Nguyễn Việt Tú có dịch thơ của Tagore. Xin được giới thiệu hai bài trích từ quyển “Phụ Nữ Tân Văn, Phấn Son Tô Điểm Sơn Hà” của tác giả Thiện Mộc Lan.
Khi Bình Minh Trở Lại
(trong tập thơ The Fugitive15)
Chiều đã tím ở lưng chừng dãy núi
Chuyến đò khuya kêu gọi khách bước dồn
Kẻ trở về nhà, làng cũ hương thôn
Người nơi đất lạ xa xôi dong ruổi
Qua bóng tối cũng đi liều may rủi
Nhưng tôi còn đứng lại ở bờ sông
Mùa hạ xa dần rồi đến mùa đông
Không mang cho tôi một mùa gặt hái
Tôi mong đợi một mối tình hoang dại
Gieo trong lòng mảnh đất tối tăm này
Sẽ nảy nở ra hoa và ra trái
Ngày mai…khi bình minh trở lại
Paris, xuân 1997
Nguyến Đức Tấn
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
GITANJALI LXXXIV16
Ai khóc hận chia phôi
Lệ tràn đầy trái đất
Muôn hình cụm mây trôi
Ngập bầu trời vô tận
Ôi nổi buồn cách biệt
Âm thầm giữa đêm sao,
Giữa tiếng lá rì rào,
Dưới mưa dầm tháng bảy
Ôi mối sầu dằng dặc
Chứa đựng bao tình yêu
Bao niềm vui nỗi khổ
Nặng trĩu tim con người
Và trong lòng thi nhân
Ngày như đêm da diết
Lai láng những vần thơ
Thấm thía sầu ly biệt
Nguyễn Việt Tú, Paris
Âm hưởng của chuyến viếng thăm Sài Gòn Tagore
Âm hưởng chuyến viếng thăm Sài Gòn của Tagore vẫn vang động trong giới trí thức và chính trị gia ở Việt Nam nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng. Đặc biệt là giới báo chí đã dậy sóng với những bài dịch văn thơ Tagore cũng như phân tích, so sánh các bài giảng, bài thuyết trình về tư tưởng và về giáo dục của nhà thơ. Tờ Écho Annamite số ra ngày 2 tháng 7 năm 1929 đăng bài xã luận “Tribune Libre” so sánh Tagore với Phan Bội Châu và cho rằng Phan Bội Châu cùng lý tưởng với Tagore. Mặc dù lúc đó Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu đã bị tan rã, nhưng khi Tagore đến với Sài Gòn và bày tỏ sự thán phục người Nhật đã dùng khoa học tiến bộ để nhanh chóng canh tân xứ sở, thì phong trào Đông Du được nhắc lại để đánh giá sự đúng đắn của nó cũng như dùng để chỉ trích chính phủ Pháp.
Phụ Nữ Tân Văn số 9 ngày 27 tháng 6 năm 1929 so sánh thơ Tagore với thơ Nguyễn Binh Khiêm, cho rằng câu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ; Người khôn người đến chốn lao xao” đã là lãng mạn lắm rồi, song đọc lên không thấy cái âm hưởng déo dắc làm rung động thần hồn mình như câu thi của ông Tagore” 17. Bài báo còn cho rằng triết lý của Tagore là triết lý của kinh Phệ Đà: “Chỉ có yêu thương là thật, chỉ có hòa bình là thật, chỉ có sự thống nhất là thật”. 18. Tư tưởng của Tagore cũng được dịch từ tiếng Pháp và đăng trong số 10, ngày 4 tháng 7. Sau đó nhiều bài báo viết về Tagore cũng được đăng trên Phụ Nữ Tân Văn. Đặc biệt là trong số ra ngày 30 tháng 19 năm 1930 có một bài báo chỉ trích nền giáo dục của Việt Nam, đồng thời phân tích tính ưu việt trong phương pháp giảng dạy của Tagore.
Những tờ báo khác như Hà Thành Ngọ Báo, Đông Dương Tạp Chí thi nhau dịch và phê bình các tác phẩm của Tagore cũng như viết thêm về chuyến ghé Sài Gòn 3 ngày của thi sĩ. Có thế nói cho tới thời điểm đó, người Việt, theo thói quen, đa phần chỉ dịch thơ Tàu, thơ Tây theo khuôn mẫu xưa cũ. Nay làn gió mới của thơ Tagore đang ru lòng người. Có lẽ vì thế mà Chi P. Pham cho rằng phong trào thơ tự do ở Việt Nam, được khởi xướng vào thập niên 1930, có phần nào chịu ảnh hưởng từ thơ Tagore.
Ba mươi năm sau ngày Tagore đến viếng Sài Gòn Viện Hàn Lâm Ấn Độ đã cử ông K.E. Kripalani, thư ký của Viện, đến Việt Nam ngày 10 tháng 4 năm 1959 để tìm tài liệu về chuyến viếng thăm này. Nhà thơ Đông Hồ được giao nhiệm vụ đón tiếp Kripalani tại Yểm Yểm Thư Trang. Đông Hồ đã trao cho vị khách này hơn 35 bài dịch thơ Tagore, trong đó có bài “Lời Nguyện Cầu” rất nổi tiếng, để làm tài liệu.
Lời Kết
Tình cảm của Tagore dành cho người Việt Nam, dân của một xứ thuộc địa, là một sự đồng cảm sâu sắc đầy nhân ái. Ông thố lộ với Hoàng Tích Chu rằng “Về phương diện quyền tự do, như ở các dân tộc yếu kém, tôi đồng cảm qua tình yêu anh em và nhân bản. Tình yêu này càng sôi nổi hơn với các nước đang bị trị, đau khổ cần giúp đỡ, như là đất nước của anh”19 . Đáp lại, người Sài Gòn cũng đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, ưu ái và tôn vinh đối với Ông qua sự đón tiếp long trọng và nhiệt tình khi Ông đến nơi này. Người Việt cũng đã và đang tiếp nhận tư tưởng và văn chương của Ông một cách say mê và thán phục. Trong những ngày ở Sài Gòn ông đã nói: “Tôi đứng ngoài cửa của các anh và tìm một chỗ đứng trong lòng các anh”. Trong thực tế sau chuyến đi này ông đã có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng người Việt, không chỉ qua cách ông mặc quốc phục trong ngày thứ ba ở Sài Gòn: một chiếc áo thổ cẩm màu sáng, quần lụa trắng, giày Gia Định, nón nhung đen; mà còn ở sự trong sáng của tâm hồn đã thổ lộ qua thi ca và cả chủ thuyết về giáo dục đầy tính nhân bản và khai phóng của ông.
Tagore từng xác nhận mình không phải là một chính trị gia nhưng có những câu thơ mang tính chất chính trị. Ông đã nói “Chính trị không có gì lạ trong thơ của tôi, nhưng tôi mốn nói là hoạt động chính của tôi hiện nay không phải là chính trị”. Và như đã trình bày ở phần trên Tagore là chủ hòa và muốn kết hợp sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật ở Âu Châu với tinh thần tôn giáo và văn học rất có giá trị ở Á Châu. Tagore đã đi nhiều nơi diễn thuyết về khuynh hướng chủ hòa này cũng như tuyên truyền về nền giáo dục nhân bản và khoa học của Ông. Trong bài phát biểu của Bùi Quang Chiêu ở nhà hát lớn khi giới thiệu Tagore, có đoạn: “thi hào Rabindranath Tagore không phải cấy trồng một chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi: ông muốn đoàn kết Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Ki tô giáo trong sự hoà thuận của một sự hợp tác tích cực tiến đến một tình thương vị tha giữa con người và vạn vật, đến thờ phụng cái đẹp, cái tốt và sự thật chân lý. Không chống đối ác cảm với văn minh phương tây, thi hào ở Santinikétan mong với tất cả linh hồn của ông một sự phối hợp của hai nền văn minh Đông và Tây để hiến tặng cho nhân loại giá trị đầy sáng tạo của cái đẹp và tốt lành” 20. Còn trong mục “Gần đây trong nước có những việc gì”, báo Phụ Nữ Tân Văn số 10, phát hành ngày 4 tháng 7 năm 1929 viết: “Trong mấy ngày 21, 22 và 23 Juin mới rồi Tagore tiên sanh dừng bước lại quan sát Sài Gòn, thiên hạ hết sức hoan nghênh. Người mình thì hoan nghênh vì lòng trọng tài, người Pháp thì hoan nghênh vì tiên sanh cổ động cho hòa bình.” Và bài “Ông Rabindranath Tagore”, cũng của Phụ Nữ Tân Văn, đã nói về Tagore như sau “Ông hết sức mong cho Đông Phương và Tây Phương cùng phụ hợp nhau mà sống, chớ chiến đấu nhau nữa. Ông không ưa cái quốc gia chủ nghĩa là cái chủ nghĩa gây ra chiến tranh”. Như vậy việc chính phủ Pháp đã chủ động mời Tagore đến thăm Đông Dương, chúng tôi cho rằng người Pháp đã nhắm vào một người theo đường lối chủ hòa, phi chiến tranh, lại nổi tiếng về thi ca và đã đoạt giải Nobel, như sử dụng một quyền lực mềm để làm dịu phong trào chống Pháp ở Miền Nam vào thập niên 1920.
__________
10 Ám chỉ Tagore (chú thích của tác giả bài viết này).
11 Ám chỉ thực dân Pháp (chú thích của tác giả bài viết này).
12 Trích nguyên văn đoạn tin đăng trên Phụ Nữ Tân Văn số 10.
13 Trích nguyên văn bài báo “Về Sự Kiện Thi Hào Rabindranath Tagore Thăm Sài Gòn, Việt Nam’ của Nguyễn Sơn Trung, tạp chí Sông Hương.
14 Xem thêm bài “Ba Phụ Nữ Trong Sự Nghiệp Làm Báo Tiền Bán Thế Kỷ 20, của Dương Thanh Bình, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cữu Long số 10, xuất bản năm 1916.
15 Sách của Thiện Mộc Lan viết tên tập thơ là The Tugitive, nhưng theo tác giả bài viết này thì tên tập thơ là The Fugitive.
16 Thơ Tagore nguyên bản bằng tiếng Bangali (Ấn Độ) có nhịp có vần Bảng tiếng Anh bằng văn xuôi do Tagore tự dịch và giữ tựa tập thơ là CITANJALI (chú thích của Thiện Mộc Lan).
17 Trích nguyên văn bài báo “Ông Rabindranath Tagore”. Phụ Nử Tân Văn số 9 ngày 27/6/1929
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19290627.2.7&srpos=&dliv=none&e=——192-vi-20–1–img-txIN-+Tagore—–
18 Vì trích nguyên văn nên tác giả giữ nguyên lỗi chính tả của người xưa để tôn trọng lịch sử.
19 Trích lời Tagore nói với Hoàng Tích Chu, đăng trong bài Thi Hào Tagore Viếng Sài Gòn của Nguyễn Đức Hiệp.
20 Thi Hào Rabindranath Tagore viếng Sài Gòn-1929 của Nguyễn Đức Hiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. The Rise and the Fall of Rabindranath Tagore in Việt Nam – Luận án cao học của Chi P Pham. University of California Riverside.
2. https://simple.m.wikipedia.org/wiki/Rabindranath_Tagore
3. Trang mạng Chim Việt Cành Nam
http://chimviet.free.fr/truyenky/viethai/vhan061.htm
4. Thư Viện Quốc Gia Việt Nam.
5. Phụ Nữ Tân Văn – Phấn Son Tô Điểm Sơn Hà; Thiện Mộc Lan; Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn& Công ty sách Thời Đại.
6. https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/rabindranath-tagore-a-saigon.
7. http://nghethuatxua.com/thi-hao-rabindranath-tagore-vieng-saigon-1929/
Nguồn: Tập San Đồng Nai & Cửu Long, Số 13
Hình minh họa: Ban Tu Thư thanhdiavietnamhoc.com thiết lập tone màu Sepia
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Về Chuyến Viếng Thăm Sài Gòn của Đại Thi Hào Tagore Năm 1929 (Phần 1+2) – Tác giả: Dương Thanh Bình, PhD |