Về một THIẾT CHẾ VĂN HOÁ cho việc BẢO TỒN và PHÁT HUY các GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC trong quá trình TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY (Phần 1)

NGUYỄN VĂN MẠNH
(PGS, Trường Đại học Khoa học Huế)

1.

     Thiết chế văn hoá là tập hợp các khuôn mẫu văn hoá được cộng đồng chấp nhận nhằm thoả mãn các nhu cầu của con người. Trong cuộc sống, khái niệm này thường được sử dụng ở hai trường hợp: thiết chế văn hoá cơ sở và thiết chế văn hoá truyền thống. Thiết chế văn hoá cơ sở là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, trang thiết bị để đảm bảo cho các hoạt động văn hoá có thể diễn ra, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của nhân dân; còn thiết chế văn hoá truyền thống thường đề cập đến các cấu trúc văn hoá có khả năng bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống (bao gồm môi trường xã hội, hệ thống giáo dục, thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, dòng tộc, gia phong,…). Mỗi yếu tố trong thiết chế văn hoá đều có mục đích nhằm thoả mãn nhu cầu xã hội. Chúng có khuynh hướng kết hợp với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, được tổ chức chặt chẽ xung quanh các chuẩn mực, khuôn mẫu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, định hướng cho việc giáo dục con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Vì vậy, nếu một yếu tố nào đó trong thiết chế văn hoá truyền thống bị suy thoái thì các giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, theo đó, cũng bị băng hoại, nhân cách đạo đức của con người cũng bị pha tạp, nhiễu loạn.

     Ở nước ta hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá, các yếu tố trong thiết chế văn hoá truyền thống có xu hướng bị suy giảm trên nhiều vùng miền, kể cả những nơi xa xôi hẻo lánh của đất nước. Tuy nhiên, có nhiều vùng quê còn giữ được các thiết chế văn hoá truyền thống khá sâu đậm, như làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An, một số phường xã ở thành phố Huế,… Bài viết này, tập trung phân tích những ưu điểm và hạn chế, những cái còn được bảo tồn, những mặt bị biến đổi của thiết chế văn hoá truyền thống, nhằm nhận diện các nhân tố tác động đến văn hoá và con người Việt Nam trong đời sống đương đại.

Ta có thể xây dựng sơ đồ các yếu tố trong thiết chế văn hoá truyền thống tác động đến các giá trị văn hoá và con người Việt Nam hiện nay như sau:

2. Dòng tộc

     Dòng họ là một thành tố của thiết chế xã hội truyền thống có vai trò liên kết các cá nhân có cùng mối quan hệ huyết thống; các thành viên trong dòng họ có trách nhiệm giáo dục, giúp đỡ lẫn nhau về mọi phương diện và “chịu sự ràng buộc theo nguyên tắc sở hữu tài sản và ngoại tộc hôn”. Truyền thống dòng họ ở nước ta đã hoà cùng văn hoá, đạo lí dân tộc, nên có thể nói Việt Nam là vùng đất giữ được nề nếp gia phong, dòng tộc, dẫu mặt trái của kinh tế thị trường đang hiện hữu hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống của chúng ta.

     Vì vậy, dòng họ cùng với nhà thờ họ, gia phả, lệ tục, tộc ước, tộc lệ,… đã tạo ra một cấu trúc văn hoá chặt chẽ, góp phần không nhỏ vào việc điều chỉnh các hành vi xã hội của con người theo hướng coi trọng quá khứ, truyền thống và nhân cách làm người. Tuy nhiên, có một số trường hợp đã đề cao quá mức vai trò dòng họ, vì thế vô hình chung đã để cho những mặt trái của nó tác động đến đời sống xã hội hiện đại, như việc xây dựng nhà thờ họ, tổ chức nghi lễ cúng tế dòng họ theo lối khoa trương, rườm rà, tốn kém nhiều công sức, tiền của, thậm chí có nơi còn tổ chức hội dòng họ trong một khu phố, một chính quyền, một cơ quan, một phường xã,… làm cho quan hệ dòng họ vốn trong lành, sâu lắng tâm linh bị vẩn đục bởi những toan tính vụ lợi, những suy tư hẹp hòi, cục bộ, coi trọng thân quen hơn tài năng, coi trọng “giọt máu đào” hơn hiệu quả công việc và không ít trường hợp vì tình thân dòng họ mà công, tư không rõ ràng, làm suy thoái các quan hệ dựa trên chuẩn mực đạo đức của xã hội.

3. Gia đình

     Gia đình là môi trường bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, là trường học đầu tiên giáo dục nhân cách đạo đức cho con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Bởi vậy, khi nói đến gia đình người ta thường đề cập đến các chức năng kinh tế, duy trì nòi giống, lưu truyền văn hoá, giáo dục nhân cách đạo đức cho con người. Trong những chức năng đó, chức năng bảo tồn văn hoá và chức năng giáo dục được coi là những chức năng quan trọng nhất tác động đến đời sống văn hoá và con người Việt Nam hiện nay. Vì vậy, nếu như tế bào gia đình bị tan vỡ hoặc chức năng văn hoá và giáo dục bị suy thoái thì tác động của gia đình đến việc bảo tồn văn hoá truyền thống và xây dựng nhân cách con người theo đó bị băng hoại.

     Gia đình truyền thống nước ta được coi là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Chính gia đình là một nét đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, để từ đó dòng chảy văn hoá Việt Nam được thẩm thấu sâu đậm trong đời sống nhân dân và lan truyền ra tất cả cộng đồng xã hội. Đó là lối sống mềm mại trong ứng xử, chan hoà trong giao tiếp với tự nhiên, thương yêu, quan tâm, đùm bọc lẫn nhau, thứ bậc trong gia đình, dòng tộc,…

     Tuy nhiên, những giá trị gia đình Việt Nam, cũng giống như hằng số này ở một vài địa bàn khác của nước ta trong những năm gần đây, đã có những biểu hiện suy thoái. Tế bào gia đình đang bị lung lay bởi lối sống của con người ngày càng bị những toan tính vụ lợi, bị sức mạnh đồng tiền, lòng ghen ghét đố kị, sự lạnh lùng vô cảm của đời sống hiện đại gặm nhấm.

4. Tâm linh tôn giáo

     Văn hoá dân tộc, tính cách lối sống của con người Việt Nam chịu ảnh hưởng rất sâu đậm đời sống tâm linh tôn giáo. Chúng ta đều biết con người Việt Nam trong nền cảnh chung ở Đông Nam Á có lối sống duy tình với sự coi trọng tín ngưỡng tâm linh tôn giáo. Nơi đây các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, ví như Phật giáo trên dưới 2.000 năm với gần 15.000 ngôi chùa, Thiên Chúa giáo trên dưới 400 năm với 6.000 nhà thờ, Nho giáo, Lão giáo trên dưới 2.000 năm và hàng vạn các đền miếu,… Các cơ sở thờ tự tôn giáo, như “chùa có mặt khắp mọi nơi trên đồi cao bao phủ cây xanh, trong cung điện thâm nghiêm hay bình dị bên đường phố, xóm thôn, ở đâu cũng mang từ bi, phổ độ phủ đắp cho tâm hồn con người1, các nhà thờ Thiên Chúa giáo không chỉ góp phần tô điểm cho kiến trúc đô thị nước ta mà tính cách lối sống của các tín đồ đã góp phần xây dựng lối sống trách nhiệm “tốt đời đẹp đạo” trong xã hội. Thêm vào đó, tư tưởng Nho giáo và Lão giáo cũng ít nhiều ảnh hưởng đến văn hoá Việt Nam. Nho giáo được coi là một hệ tư tưởng tôn giáo góp phần giữ gìn gia phong dòng tộc với “Tam cương ngũ thường”, “nhấn mạnh đến rèn luyện cá nhân2, khuyên con người phải tu thân tề gia, trị quốc,… Lão giáo với hệ thống tư tưởng “vô vi nhập thế” trong vòng quay của Đạo đời – cái lẽ của tự nhiên, giúp cho con người có cuộc sống ung dung tự tại, thanh thản với điền viên, hoà đồng với thiên nhiên trong cảnh vật hữu tình thơ mộng. Còn các tín ngưỡng và lễ hội dân gian cũng là một thành tố của thiết chế văn hoá có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cũng như việc giáo dục lối sống đạo đức cho thế hệ thanh thiếu niên. Các tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, tín ngưỡng liên quan đến chu kì đời người và theo đó là các hình thức lễ hội dân gian cũng có một vai trò đặc biệt quan trọng củng cố tình làng nghĩa xóm, hướng con người sống hoà hợp với thiên nhiên cảnh vật, coi trọng những anh hùng dân tộc, những người có công với làng với nước,…

     Đặc biệt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gia tộc – một tín ngưỡng bản địa – luôn thấm sâu vào tâm thức người dân Việt Nam. Dù với tâm lí cởi mở, dễ chấp nhận các tín ngưỡng tôn giáo khác, song con người Việt Nam với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hơn tất cả mọi tín ngưỡng khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vì vậy đã trở thành một thứ đạo hiếu – đạo ông bà, đạo tổ tiên.

     Tuy nhiên trong những năm gần đây, các tôn giáo tín ngưỡng và lễ hội trên đất nước ta do tác động của quá trình toàn cầu hoá, đang có tình trạng bị mai một, suy thoái và trong nhiều trường hợp, “để lấp khoảng trống tâm linh, con người hiện đại, hướng tới thể thao, ma tuý và các trò chơi điện tử. Có thể nói tình cảm tôn giáo… hướng con người tới cái chân, thiện, mĩ lại bị ức chế, đè nén bởi một sức mạnh của bạo lực, tính toán, đồng tiền,…3. Vì thế các cơ sở tôn giáo và hoạt động tôn giáo có nơi có lúc bị thương mại hoá, người ta biến những nơi thờ tự linh thiêng để các tín đồ tôn giáo hướng về đức tin, cầu nguyện an lành nhằm rũ bỏ những tham lam tội lỗi, thành nơi cầu bổng lộc giàu sang, thăng quan tiến chức. Và theo đó mỗi người hướng đến một đức tin tôn giáo vì mục đích cá nhân, lợi ích cá nhân, cầu thần linh phù hộ cho riêng họ trong cuộc đời đầy rẫy những bất trắc, rủi may. Số người đi vào nhà thờ, nhà chùa ngày càng tăng nhưng có thể không phải họ tôn sùng Chúa trời, đức Phật mà nhiều người trong số họ tìm đến nhà thờ, nhà chùa để cầu mong Chúa trời và đức Phật phù hộ cho họ “ăn nên làm ra” trong một cuộc sống xô bồ vị kỉ với những toan tính cá nhân. Các tín ngưỡng và lễ hội dân gian cũng ít nhiều bị mai một và biến đổi kể cả xu hướng bình thường và không bình thường. Nhiều tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, tín ngưỡng chu kì đời người bị mai một, sức sống của nó ngày nay đã bị biến dạng theo hình thức mê tín. Nhiều người tin vào tín ngưỡng đó không phải chỉ vì một niềm tin linh thiêng mà còn vì một mục đích danh lợi cá nhân như đến chiêm bái đền Trần, Thánh mẫu,… Các hình thức lễ hội dân gian cũng bị biến dạng, nặng về phần hội, nhẹ về phần lễ, cấu trúc cờ phướn, trang phục, món ăn và cả những trò chơi dân gian truyền thống không được tuân thủ, tôn trọng, thay vào đó là những trang phục tân tiến, món ăn hiện đại, những hình thức ca múa nhạc của xã hội hiện đại. Vì thế, tín ngưỡng và lễ hội dân gian trong không ít trường hợp đã không còn giữ gìn được chức năng bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, giá trị đạo đức cho các thế hệ trẻ tương lai. Còn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trong thời gian gần đây, có nhiều trường hợp các nghi lễ thờ cúng phát triển theo hướng phô trương hình thức. Ngày giỗ bày biện mâm cao cỗ đầy, ăn uống linh đình đến mức việc cúng tế chỉ còn là cái cớ. Đó là tâm lí xây dựng gia phong kiểu gia trưởng “cho bằng người ta” để được “tiếng thơm” trong một số gia đình, đã dần nâng việc thờ cúng lên yếu tố gia lễ một cách cứng nhắc. Có khi họ sẵn sàng tìm đủ mọi cách để hạn chế những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống để chỉ nhằm tập trung chuẩn bị lễ nghi cúng tế cho tổ tiên.

___________
1. Lê Thị Toán, 2006, tr.30.

2. Lương Ninh, 2009, tr.48.

3. Minh Chi, Tôn giáo học, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, tr. 195.

Xem thêm: Về một THIẾT CHẾ VĂN HOÁ cho việc BẢO TỒN và PHÁT HUY các GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC trong quá trình TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY (Phần 2)