Về một THIẾT CHẾ VĂN HOÁ cho việc BẢO TỒN và PHÁT HUY các GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC trong quá trình TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY (Phần 2)

NGUYỄN VĂN MẠNH
(PGS, Trường Đại học Khoa học Huế)

5. Môi trường xã hội

     Đây là một phần của thiết chế văn hoá kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa ý thức dân tộc, truyền thống dân tộc với lối sống mới của quá trình đô thị hoá, toàn cầu hoá hiện nay. Môi trường xã hội bao gồm các mối quan hệ xã hội, trong đó môi trường có tác động sâu sắc nhất đến đạo đức lối sống của tầng lớp thanh thiếu niên là hệ thống giáo dục (bao gồm hệ thống giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học). Môi trường này kết hợp với gia đình dòng tộc tạo thành một hệ điều tiết lối sống đạo đức cho mỗi một con người từ lúc chào đời đến lúc trưởng thành, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

     Môi trường xã hội và nhà trường có tầm quan trọng như vậy nhưng hiện nay thiết chế văn hoá này đang tồn tại những vết nhoè làm mờ đi nhân cách đạo đức con người. Trường học bị thương mại, người thầy phải toan tính nhiều trong cuộc sống, “thực tế của thời kinh tế thị trường cho thấy người thầy cũng phải bán chữ, bán danh để kiếm sống1. Môi trường xã hội đầy rẫy những “lỗ thủng văn hoá”, người ta kiếm tiền, làm tiền, moi tiền khắp mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp lương tri, đạo lí, nhân phẩm, thể diện,… Đó là nguyên nhân gây nên mối lo ngại lớn cho gia đình, dòng tộc và toàn xã hội. Những điều đó đã làm cho môi trường xã hội và cả môi trường giáo dục, không còn là nơi yên bình lành mạnh để con người tiếp nhận lối sống đạo đức tốt đẹp của các giá trị truyền thống; đó còn là nơi mà con người phải tiếp nhận cả những mặt trái của nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hoá hiện nay. Rõ ràng các giá trị truyền thống của dân tộc ta đang đứng trước những thách thức lớn mang tính thời đại giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, giao lưu và hội nhập,… và hậu quả là bản sắc văn hoá của dân tộc càng ngày càng bị mai một. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển xã hội không bền vững mà phương Tây đã trả một giá đắt sau năm thế kỉ phát triển, khiến cho “Tại các nước tiên tiến, giá trị, ước mơ và những lời hứa hẹn của thời hiện đại đang bị chất vấn gay gắt2.

___________
1. Nguyễn Văn Mạnh, 2013, tr. 111.

2. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 233.

6. Giải pháp

     Làm thế nào để các thiết chế gia đình, dòng họ, môi trường xã hội và đời sống tâm linh tôn giáo vẫn phát huy được chức năng/ vai trò của nó trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cũng như giáo dục nhân cách đạo đức cho con người? Đây là một câu hỏi lớn không dễ có lời giải, nó đòi hỏi cần có sự chung tay hành động của tất cả mọi người và của toàn xã hội. Chúng tôi, theo đó, thử đề xuất một số giải pháp sau đây:

     – Xác định hệ thống thiết chế văn hoá, bao gồm thiết chế gia đình, dòng tộc, môi trường xã hội (các mối quan hệ xã hội và nhà trường), tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo,…), tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên, đạo mẫu, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, con người,…) và các loại hình lễ hội. Từ đó đánh giá vai trò/ vị trí từng thiết chế đối với việc bảo tồn văn hoá truyền thống, giáo dục đạo đức con người: Gia đình, dòng tộc là vành nôi, bản lề, nơi khởi nguồn và dung dưỡng; môi trường xã hội là nhân tố kích hoạt (đưa truyền thống văn hoá, đạo đức dân tộc vào với cuộc sống), kết tinh (kết hợp truyền thống và hiện đại) và lan toả (ảnh hưởng và tiếp nhận); tâm linh tôn giáo là nhân tố tâm linh kích thích/ thúc đẩy.

     – Xác định những biến đổi bình thường và không bình thường của thiết chế văn hoá nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của từng thành tố trong quá trình biến đổi hiện nay. Cái bình thường là thay đổi hình thức giá trị để yêu quê hương đất nước gắn liền với CNH-HĐH, với toàn cầu hoá; cái không bình thường là thay đổi nội dung/ bản chất hệ các giá trị, để danh vọng, đồng tiền, vật chất và những toan tính cá nhân chi phối mọi mối quan hệ gia đình, dòng tộc, trường học, các quan hệ ngoài xã hội và cả với niềm tin tôn giáo. Một trong những nhân tố làm kích hoạt thêm quá trình biến đổi không bình thường của thiết chế văn hoá hiện nay là tầng lớp trẻ trong khi chưa tiếp nhận bền vững những giá trị văn hoá truyền thống, lòng tự hào tự tôn dân tộc chưa được bồi đắp một cách dày dặn thì những làn sóng văn hoá bên ngoài tràn vào hằng ngày, hằng giờ đã khiến cho “bộ lọc” tiếp nhận của họ không đủ sức phân loại và trong nhiều trường hợp, họ sẽ bị lạc lõng, bỡ ngỡ trước những thang giá trị mới, từ đó dẫn đến việc tiếp nhận văn hoá hiện đại theo lối lai căng, học đòi. Và hệ quả như Alvin Toffer đã nói: “… nếu đặt một nền văn hoá mới chồng lên văn hoá cũ… một nền văn hoá bị cắt đứt với quá khứ1 thì sẽ tạo ra sự “nhiễu loạn” trong tiếp nhận, mà ông gọi là “cú sốc văn hoá2.

– Sử dụng sức mạnh mềm của thiết chế văn hoá để định hướng cho việc bảo tồn giá trị truyền thống và đạo đức con người Việt Nam hiện nay. Theo đó, thiết chế gia đình dòng họ phải được giữ gìn và thường xuyên bồi đắp truyền thống, đạo lí dân tộc; thiết chế trường học và quan hệ xã hội phải được tinh lọc, phải đẩy lùi những tạp chất, những ngọn gió độc bằng việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức, theo hình thức văn bản dưới luật để mọi người cùng tiếp nhận và thực thi; thiết chế tâm linh tôn giáo phải được tôn trọng với những chuẩn mực nhất định để nó có cơ hội kích thích và thúc đẩy truyền thống văn hoá/tính cách và lối sống con người Việt Nam.

__________
1. Alvin Tofler, 1996, tr. 18

2. Alvin Tofler, 2002, tr. 27

7.

     Tóm lại, thiết chế gia đình, dòng tộc, tâm linh tôn giáo, môi trường xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, góp phần kết tinh và lan toả ý chí dân tộc – sức mạnh mềm của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các thiết chế văn hoá đó trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, ít nhiều đã có sự suy thoái, băng hoại và biến dạng, làm cho nó, trong nhiều trường hợp, không còn là nhân tố thúc đẩy các giá trị tốt đẹp của truyền thống ông cha và không làm tròn chức năng bộ lọc văn hoá trong quá trình tiếp nhận, dẫn đến sự tha hoá về đạo đức và xuống cấp về các giá trị chuẩn mực trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay. Vì vậy đánh giá vai trò/ vị trí của từng thành tố trong thiết chế văn hoá truyền thống, xác định những biến đổi bình thường và không bình thường của nó là nhằm góp phần phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt trái có nguy cơ dẫn đến đứt gãy, lai tạp và nhiễu loạn văn hoá truyền thống của dân tộc. Có như vậy chúng ta mới giữ gìn được các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Minh Chi, Tôn giáo học, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Lưu hành nội bộ).

2. Nguyễn Văn Mạnh, Còn mãi niềm tin, Huế Xưa & Nay, số 3-4, 2013.

3. Lương Ninh, Một con đường sử học, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009.

4. Lê Thị Toán vài nét về nhân sinh quan Phật giáo và tính cách, lối sống Huế, Huế Xưa & Nay, Số 11 – 12, 2006.

5. Alvin Tofler, Đợt sóng thứ 3, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

6. Alvin Tofler, Cú sốc tương lai, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2002.

7. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nhân học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2008.

8. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Văn hoá và tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hoá, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

Xem thêm: Về một THIẾT CHẾ VĂN HOÁ cho việc BẢO TỒN và PHÁT HUY các GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG của DÂN TỘC trong quá trình TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY (Phần 1)