Về một vài địa danh,tên riêng gốc Nam Đảo trong vùng Hà Nội xưa
PGS.TS TRẦN TRÍ DÕI
(Khoa ngôn ngữ ĐHKHXH &NV, ĐHQG Hà Nội)
1. Địa danh, tên riêng là những tài liệu ngôn ngữ xưa nhất ở một khu vực cư trú
Trong hoạt động xã hội của một cộng đồng người ở một địa vực cư trú nhất định, nhu cầu đặt tên để đánh dấu những địa điểm địa lý là một nhu cầu tất yếu. Địa danh hay tên gọi riêng của một vị trí nào đó, một nơi nào đó được nhân hóa trong một vùng lãnh thổ cụ thể là kết quả tất yếu của nhu cầu hoạt động xã hội ấy. Mỗi một địa vực cư trú bao giờ cũng có tính lịch sử riêng mang dấu ấn hoạt động của cư dân là chủ thể vùng miền đó. Do vậy, địa danh trong một vùng lãnh thổ ít nhiều đều phản ánh tính lịch sử của vùng lãnh thổ ấy. Trong quá trình thay đổi của một không gian địa lý, cư dân của nó cũng sẽ thay đổi nên có địa danh mất đi, có địa danh được lưu giữ lại theo nhiều cách khác nhau và cũng sẽ có những địa danh mối xuất hiện. Chính đặc điểm này cho phép chúng ta qua phân tích địa danh có thê hình dung lại bức tranh ngôn ngữ cổ xưa và lịch sử của nó trong một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó.
Người ta có thể dẫn ra một vài ví dụ để thấy rõ đỉềuvừa nói ở trên. Chẳng hạn, địa danh sông Đông, sông Đơ-nhi-ép ở Nga và Đông Âu là những dấu vết cuối cùng của ngôn ngữ Xít (Saythe) cổ đại. Nhờ các địa danh ấy mà chúng ta biết rằng cư dân người Xít và ngôn ngữ Xít đã bị mất đi từ hơn hai nghìn năm lại là cư dân đã từng sinh sống trên lưu vực của con sông Đông và sông Đơ-nhi-ép cổ xưa. Hay như các địa danh mường Vang, mường Thàng, mường Động, mường Bi vốn là những mường quan trọng nhất hiện nay của người mường ở Hòa Bình lại là những địa danh có nguồn gốc Thái. Vì thế rất có thể lớp cư dân ban đầu của những người Mường này là cư dân gốc Tãy, chí ít thì cũng là nơi cư trú cộng cư của người Tãy và người Mol (tức là Mường hiện nay) [4 ; 22]. Cũng vậy, địa danh nậm Rốm ở vùng Điện Biên Phủ tự nó đã cho chúng ta biết rằng tên riêng của con sông ấy khởi thủy là do cư dân nói những ngôn ngữ Nam Á (mà hậu duệ hiện nay là cư dân nói những ngôn ngữ thuộc nhóm Khmú, nhánh Môn – Khmer) đặt ra. Vì rằng yếu tố nậm chắc chắn là gốc Thái, còn yếu tố rum (có nghĩa là “nước”) chỉ có thể là ngôn ngữ của các cư dân nói những ngôn ngữ thuộc họ Nam Á mà thôi. Sẽ có một câu hỏi được đặt ra: vì sao địa danh lại có khả năng tôn tại và phát triển độc lập với lịch sử ngôn ngữ mà nó phát sinh và về sau gia nhập vào ngôn ngữ của một cư dân mới khác? Chúng ta biết rằng ngôn ngữ có chức năng thứ nhất là chức năng giao tiếp. Nhưng khi nó được dùng để đặt tên, chức năng giao tiếp được thay thế bằng chức năng phân biệt, chức năng đánh dấu, chức năng định danh. Lúc này địa danh chỉ còn giá trị đánh dấu dẫn tới tình trạng “ý nghĩa ban đầu” vốn có trong ngôn ngữ của cư dân chủ thể mất đi và đồng thời chức năng ngữ pháp trong ngôn ngữ mà nó phát sinh cũng mất đi. Đến lúc này địa danh mang tính “trung hòa” đối vối ngôn ngữ của những cư dân khác nhau và vì thế nó dễ dàng gia nhập vào hệ thống nào đó tùy từng hoàn cảnh. Phân tích trường hợp nậm Rốm chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Ban đầu rốm / rum của các ngôn ngữ thuộc họ Nam Á chỉ có nghĩa là “nước”. Khi nó trở thành tên riêng, nó chỉ có giá trị đánh dấu các “con nước/ con sông”. Sự đánh dấu này là như nhau đối với cả người nói các ngôn ngữ Nam Á lúc ban đầu và đối với người nói các ngôn ngữ Tãy – Kađai sau này. Do đó người Thái gọi nậm Rốm với nghĩa “ nước Rốm, sông Rốm” cũng chỉ với giá trị đánh dấu mà không phụ thuộc vào ý nghĩa và chức năng ngữ pháp của ngôn ngữ mà mình sử dụng nữa.
2. Địa bàn Hà Nội cổ xưa mà chúng tôi đang nói tới là toàn bộ địa vực nội và ngoại thành Hà Nội hiện nay
Những cứ liệu lịch sử đã cho chúng ta biết vùng lãnh thổ này là cái nôi của ngưòi Việt cổ. Vấn đề đương nhiên là như vậy. Nhưng tính chất Việt cổ nơi đây không đơn nhất mà là sự hòa nhập của nhiều tộc người khác nhau trong một cộng đồng thống nhất. Và như vậy thì thành phần của sự hòa hợp ấy gồm những tộc/ những nét văn hóa rất khác nhau. Theo GS. Trần Quốc Vượng, đó là “những nhân tố cư dân – ngôn ngữ – văn hóa: Môn Khmer cổ, Tày Thái cổ, Mã Lai cổ và thậm chí cả Tạng Miến cổ trong sự hình thành phức hệ cư dân – ngôn ngữ – văn hóa Việt cổ” [12; 346]. Ở khía cạnh ngôn ngữ học lịch sử, mà cụ thể là dấu tích về mặt địa danh, chúng tôi mong muốn góp thêm cứ liệu để xác định rõ thành phần và mối quan hệ giữa các thành phần trong cái gọi là “phức hệ” ấy.
Bước đầu khảo sát phần phía Bắc sông Hồng, chúng tôi nhận thấy phần địa vực này còn lưu giữ một vài vết tích của địa danh thuộc lớp ngôn ngữ Nam Đảo (Austronêsian) tức Mã Lai cổ. Trong một thời gian khá dài có thể là từ trưóc công nguyên tới nay, chúng ta không thấy sử sách ghi chép nơi đây có cư dân Nam Đảo cư trú như là một tộc người bản địa. Vì vậy những địa danh thuộc gốc Nam Đảo này đã bị phủ lên những lớp bên ngoài khác khiến nó rất khó nhận biết.
Trước hết, đó là địa danh sông Cà Lồ, một con sông lớn chảy qua địa phận huyện Đông Anh/ Sóc Sơn đến Ngã Ba Xà hợp lưu vói sông Cầu, sông Đuống. Đối với người dân nơi đây, Cà Lồ còn được gọi là sông Nguyệt Đức và đoạn chảy qua Phủ Lỗ đến Ngã Ba Xà được họ coi chính là dòng sông Như Nguyệt nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Nếu như tên gọi Nguyệt Đức hay Như Nguyệt là tên gọi Hán Việt thì Cà Lồ là tên gọi được coi là thuộc gốc Nam Đảo để chỉ một con sông nhánh đổ ra một con sông khác lớn hơn hay “nơi cửa sông”. Trong ngôn ngữ Nam Đảo người ta gặp danh từ Kưala với nghĩa là “cửa sông” hay sông “cửa sông”. Từ danh từ chung có nghĩa ấy, Kưala dần dần chuyển khi thì thành Cà Lồ (sông), khi thì thành Cửa Lò (cửa sông ở Nghệ An), khi thì thành Kỳ La (sông và cửa sông ở Hà Tĩnh) v.v… Như vậy tên gọi ban đầu ấy có thể là Kula/Kưala vốn là của người Nam Đảo (Austronêsian) hay Mã Lai cổ (Malayô) về sau Việt hóa thành Cà Lồ. Và từ tên gọi Cà Lồ ta lại có thêm một Phủ Lỗ có hình thức Hán Việt nhưng thực ra là bắt nguồn từ gốc ban đầu Nam Đảo. Có thể nói, giữa một miền đầy ắp các huyền thoại Việt như vậy, cái tên gọi Cà Lồ ban đầu ấy được nhận vào lớp tên gọi Việt và người ta quên đi gốc gác nó vốn là một địa danh thuộc lốp cơ tầng Nam Đảo hay Malayo.
Cũng ở vùng này chúng ta lại có một địa danh thứ hai nguồn gốc Nam Đảo nhưng đã bị Hán Việt hóa đến mức khó có thể nhận ra nếu không có một giai thoại dân gian thú vị hiện còn lưu truyền cho đến ngày nay. Chúng ta biết được rằng ở xã Nguyên Khê thuộc huyện Đông Anh Hà Nội có một làng mang tên gọi là Cán Khê. Làng Cán Khê này có thêm hai tên gọi khác nhau nữa là Hoãn Khê (không rõ nghĩa của Hoãn là gì) và làng Sáo Dầu. Sở dĩ có tên gọi Sáo Dầu là vì trước đây làng có nghề hàng sáo và nghề truyền thống ép dầu thực vật và tên gọi này được coi như là tên nôm của làng. Đối vói cái tên Cán Khê, theo giải thích của các cụ cao niên hiểu biết nơi đây thì Cán có nghĩa là gốc (cán dao), còn Khê có nghĩa là khe /suối. Bởi vì xa xưa lắm rồi trên mảnh đất này là rừng rậm và đồi hoang nên Cán Khê có nghĩa là “Khe có nhiều gốc cây”. Lại cũng có cụ giải thích cán là gốc với nghĩa đây là “làng chính” vì về sau cư dân nơi đây cũng đã lập nên một làng khác, được tách từ làng gốc là làng Cán Khê. Vì nó là mới nên tên của nó là Nguyên Khê với nghĩa nguyên là mới còn khê vẫn nghĩa cũ là khe và được hiểu là “làng cán khê mới”. Rất có thể tên xã Nguyên Khê hiện nay cũng từ đây mà có. Cũng theo lời các cụ già nơi đây kể lại, hiện còn ghi trong Lịch sử xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) 1992, thì xưa kia vùng này nằm ở phía Nam sông Như Nguyệt và là làng nằm trong một vùng có khe sâu rừng rậm. Một con suối sâu chảy từ cánh rừng Cổ Dương đến cửa làng Khê Nữ, vòng qua làng này về đến Hàm Ghềnh đầu xóm Trại của làng Cán Khê thì đổ vào sông Cà Lồ. Tương truyền có một con cá khổng lồ bơi ngược dòng suối, cá to mà nước sông lại xuống đột ngột nên nó bị mắc cạn. Ba làng ven suối đã xả thịt chia nhau ăn nhưng không hết. Sau đó họ khiêng chiếc xương sườn của con cá về lập miếu thờ. Miếu đó gọi là miếu “thần cá” và tên chữ hiện nay là miếu Trung quân. Làng có đền thờ cá nơi con suối đổ ra sông Cà Lồ này là làng Cán Khê.
Như chúng tôi đã nói ỏ trên, nếu chúng ta không có giai thoại về con cá bơi ngược suối bị mắc cạn thì những cách giải thích về tên gọi làng Cán Khê theo lối suy danh như trên là có lý của nó. Nhưng nhờ có giai thoại đó mà chúng ta biết rằng Cán Khê còn có một nghĩa khác nữa là “làng ở khe (suối/sông) có con cá to bị chết được lập miếu thờ”. Nhờ cái nét nghĩa này chúng ta nhận ngay ra Cán là yếu tố gốc Nam Đảo, có nghĩa là cá và Cán Khê ở đây đơn giản chỉ là khe cá, khe có con cá to v.v… Bởi vì trong các ngôn ngữ Nam Đảo, từ mang nghĩa cá có vỏ ngữ âm là ikan (Chàm: ikan, Malayu: ikan v.v…). Ở Việt Nam ta có rất nhiều làng hay địa danh mang yếu tố này đều có đền thờ cá: làng Phương Cần ở Quỳnh Lưu – Nghệ An là làng có đền Càn thờ cá; núi Đầu Cân là núi có đền thờ cá ở xã Nghi Thiết, Nghi Lộc – Nghệ An v.v… Rõ ràng cái yếu tố can! càn! cán! cân rất Hán Việt đó có gác gác Nam Đảo ban đầu là ikan với nghĩa cá mà thôi. Sự khác biệt ít nhiều về phần vần và thanh điệu chỉ là những biến thể ngữ âm mang tới địa phương khi nó trở thành/ hoặc bị Hán Việt hóa là điều không có gì lạ. Trong môi trường sông nước như vậy, về với vùng Cà Lồ, Cán Khê… hiện nay tuy không còn cảnh nhộn nhip như xưa nhưng người Nguyên Khê vẫn lưu truyền câu ca dao trong dân gian:
Muốn tắm mát em ơi tới ngọn sông Đào.
Muốn tìm nơi buôn bán hãy vào Vạn Khê
Thuyền bè tấp nập đi về
Rừng thông, rừng ổi gần kề rừng Tiên.
Qua câu ca dao ấy chúng ta sẽ hình dung được cuộc sống sôi động nơi đây đã từng diễn ra như thế nào.
Ở phía Nam của vùng đất có sông Cà Lồ, làng Cán Khê mà chúng ta vừa bàn tới cũng còn một địa danh/tên riêng nữa có nguồn gốc Nam Đảo. Đó là vị hiệu của Đức Càn Hải Đại Vương thờ ở đình làng Chử Xá, xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội [8; 84]. Đối vối người Việt Nam, Chử Đồng Tử được coi là một trong bốn vị Thánh bất tử trong quan niệm của dân gian và làng Chử Xá được coi là quê hương của Chử Đồng Tử. Trong đình làng, phần chính tẩm được chia làm hai phần. Bên ngoài phía trái thờ Đức Thánh Chử và Nhị vị phu nhân, phía phải đặt bài vị các thần Đương Niên, Đương Cảnh (Thổ thần); bên trong là hậu cung đặt ngai và bài vị của Đức Càn Hải Đại Vương và Tứ Vị Thánh Nương. Cùng với cách bố trí bài vị như vậy, trong văn tế mở đầu lễ hội Chử Xá, vị thánh Càn Hải được đọc lên trước nhất rồi mới đến Đức Thánh Chử [8; 85]. Điều này cho thấy vị trí của Đức Càn Hải Đại Vương trong huyền thoại Chử Đồng Tử quan trọng như thế nào.
Vậy cái tên riêng Càn Hải là gì? Dưới cái vỏ Hán Việt rất thiêng liêng ấy, thực chất theo nghĩa của cư dân nói các ngôn ngữ Nam Đảo thì Càn là cá, còn Hải mới thực sự là yếu Hán Việt được ghép vào. Sự kết hợp giữa một yếu tố Nam Đảo bị Hán Việt hóa và một yếu tố Hán Việt thực thụ ấy tạo ra một tên riêng có nghĩa là cá biển và Đức Càn Hải Đại Vương là Ngài Đại Vương Cá Biển. Ngài được nhân dân thờ phụng cùng với những vị thần bất tử của mình một cách trang trọng và kính trọng.
Người ta cũng có thể nhận thấy điểu này ở cư dân quanh vùng như miếu Càn (thờ cá) hay miếu Gàn ở phía bờ sông bản này của làng Chử Xá thuộc làng Bằng xã Hoàng Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội.
Có thể nhận thấy, những yếu tố địa danh/tên riêng Nam Đảo mà chúng tôi vừa phân tích ở trên là không nhiều so với hàng ngàn địa danh của vùng Bắc đất Thăng Long – Hà Nội xưa. Hơn nữa, mỗi một địa danh lại bị bao phủ nhiều lớp nghĩa cũng như hình thức rất khác nhau, khiến chúng ta khó nhận biết hạt nhân đích thực của nó. Nhưng cũng nhờ vì vậy mà chúng ta hình dung rằng những địa danh gốc Nam Đảo ấy là những địa danh thuộc lớp trầm tích khá cổ xưa, nếu không nói là cổ xưa nhất.
3. Một vài nhận xét
Đối với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, cái vùng đất có những địa danh Nam Đảo vừa được phân tích thuộc vào “cái nôi – cốt lõi – hạt nhân của người Kinh Việt” [12; 351]. Cái nôi này, theo GS. Trần Quốc Vượng là “hình bình hành với giới hạn: Đôi bờ Cà Lồ ở bắc (lên nữa là thế giới Tày Cổ Việt Bắc), đôi bờ Dâu – Duống ở Nam (xuống nữa là thế giới Mã Lai cổ về mặt ngữ ngôn), đôi bờ Nhị Hà ở Tây (quá về tây nữa là thế giới Môn – Mói (Mường cổ) và đôi bờ Phú Lương – Nguyệt Đức – Cầu – Sau ở đông (quá sang đông ta lại vào không gian Tày nước cổ (hòa trộn với không gian Mã Lai cổ” [12; 351- 352]. Như vậy theo quan niệm như trên vùng mà chúng ta đang nói vốn là một vùng Thuần Kinh Việt từ thuở xa xưa.
Hình như tình hình có vẻ khác đi nếu suy ngẫm kỹ về những trầm tích địa danh mà chúng ta có. Các trầm tích này nói rằng cái không gian văn hóa Việt cổ ấy là một không gian đa tầng, trong đó dường như một trong những tầng ban đầu là lớp cư dân sử dụng ngôn ngữ Nam Đảo (hay Mã Lai) cổ. Bởi lẽ những địa danh mà chúng ta phân tích là những địa danh thuộc tầng lớp tên sông (nước). GS. Hoàng Thị Châu viết rằng “tên sông là loại tên bền vững nhất, lâu đời nhất so với các địa danh khác như tên núi, tên các địa điểm quần cư… Chỉ những nơi có nước mới có người ở” [2; 94]. Trong số” các tên sông của cái nôi ấy, chúng ta thấy bên cạnh chỉ một tên sông Cà Lồ là những cái tên khác như Ngũ Khê Huyện (sông Thiếp), Nguyệt Đức, Thiên Đức, Phú Lương, v.v… là Hán Việt, sông Cầu, sông Dâu v.v… là thuần Việt. Mà Cà Lồ, lại là một trong những đường thủy quan trọng để tổ tiên ta xưa nối Việt Trì (đỉnh tam giác sông Hồng thứ nhất) xuôi ngược với vùng Cổ Loa (đỉnh tam giác thứ hai). Việc còn lưu lại một vài địa danh Nam Đảo trong nhiều tầng không gian khác nhau như vậy đã phần nào thể hiện tính cổ xưa nhất của nó.
Theo một quan sát tên làng (địa danh nơi cư trú) của 10 xã hiện nay ở huyện Đông Anh một phần của vùng đất cổ xưa ấy*. [9], chúng ta thấy chỉ có 47% làng vừa có tên Nôm, vừa có tên Hán Việt đi kèm. Trong khi đó có tới 53% làng chỉ có tên Hán Việt. Hơn nữa trong số làng vừa có tên Nôm vừa có tên Hán Việt, chỉ có khoảng 6% liên hệ với nhau về ngữ âm (như làng Sần có tên Hán Việt là Sằn Giã, làng Nhội có tên Hán Việt là Thụy Lôi, làng Giỗ có tên Hán Việt là Hà Lỗ) còn tói 41% là không có mối liên hệ cả về ngữ âm và ngữ nghĩa (ví dụ như làng Xép có tên Hán Việt là Vạn Lộc, các làng Quậy Cả, Quậy Sau, Quậy Rào lại có tên Hán Việt là Đại Vĩ, Châu Phong, Giáo Tác). Những con số nói trên phần nào cho thấy về mặt địa danh tính chất thuần Kinh Việt ở đây không phải là yếu tố trội. Và ngay tên nôm của nhiều làng, vì không có sự tương ứng vối tên Hán Việt nên rất khó xác định nó là nguồn gốc nào trong phức hệ văn hóa ấy và do đó tính phân tầng không gian của nó cũng chưa thật rõ ràng.
Trở lại hình thức của những địa danh gốc Nam Đảo đang được phân tích, chúng ta thấy chúng bị “phủ” một lớp Hán Việt rất dày mà nếu không nhờ những lưu truyền trong dân gian một cách vô thức, một cách tuyệt đối trung thành thì khó mà nhận biết được gốc gác của nó. Chính hình thức bị phủ lấp này lại nói cho chúng ta biết một mặt khác, mặt cổ xưa nhất của địa danh. Theo suy nghĩ của chúng tôi cũng giống như khảo cổ học, cái tầng văn hóa cổ xưa nhất hình như thường không nằm ngoài/ hay nằm trên tầng văn hóa muộn về sau được. Nó sẽ lại bị “bao bọc” lại bên trong nhờ những lóp có “niên đại mới” hơn.
Như vậy, với những lý do như trên, đối với chúng tôi là đã có được phần nào cơ sở để nghĩ rằng cái phần đất phía Bắc Hà Nội này tuy là cái nôi của người Việt cổ, nhưng là nơi hội tụ sự đa dạng văn hóa, một phức hệ gồm những thành phần Việt cổ khác nhau. Có thể những lý do mà chúng tôi nêu ra làm thất vọng những ai thường nghĩ rằng vùng đất Việt cổ xưa này vốn là địa vực thuần Kinh Việt. Và cái đỉnh tam giác thứ hai của đồng bằng Bắc Bộ (sông Hồng) trên con đường hoàn thiện quá trình dựng nước của người Việt, vì vậy, được thừa hưởng sự “đa dạng” văn hóa mà ít nơi nào có được. Để rồi về sau, khi người Việt lần nữa trở lại với châu thổ sông Hồng,đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội (phần phía Tây Nam của tam giác ấy) thực sự “là chỗ bốn phương tụ hội, là nơi đô thành bậc nhất của vương đế muôn đời”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1 . Nguyễn Tài cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb giáo dục, Hà Nội 1995, 384tr.
2 . Hoàng Thị Châu, Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông, TBKH, tập 3, 1964, tr.94 – 106.
3. Trần Trí Dõi, Vấn đề địa danh biên giới Tây Nam: một vài nhận xét và kiến nghị, Báo cáo KH tại HNKH BGTN. 2 – 1996. tại Hà Nội, 9 tr.
4. Trần Trí Dõi, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội 1999, 301 tr.
5. Nguyễn Văn Huyên, Địa lý hành chính Kinh Bắc, Nxb Văn hóa – EFEO, 1996, 185 tr.
6. Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bách Bộc xuất bản, SG 1971, 893 tr.
7. Lịch sử xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) Hà Nội, 1992.
8. Đỗ Lan Phương, Tục thờ cá đến việc phụng thờ Chử Đồng Tử, Văn hóa nghệ thuật 11/ 1998 (173), tr. 84-85.
9. Trần Thị Thái, Bước đầu khảo sát địa danh một số xã ở huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, KLTN cử nhân ngành Ngôn ngữ, ĐHKHXH & NV, Hà Nội, 2000.
10. Bùi Thiết, Làng xã ngoại thành Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1985.
11. Viện Hàn Lâm KH Liên Xô, Những nguyên lý địa danh học, Nxb Nauka, Maxcơva 1964 (bản dịch).
12. Trần Quốc Vượng, (chủ biên), Văn hóa học đại cương và Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội,1996, 627 tr.
__________
* Đó là các xã Cổ Loa, Liên Hà, Nguyên Khê, Thụy Lâm, Vân Nội Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Uy Lỗ, Xuân Canh và Việt Hùng. Theo địa giới hành chính hiện thời huyện Đông Anh có tất cả 23 xã.
Nguồn: Hà Nội Những vấn đề ngôn ngữ, văn hóa (Hội ngôn ngữ học Hà Nội),
NXB Thời Đại, năm 2001, trang 81-93
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)