Về phương pháp biên soạn từ điển thuật ngữ
TS. NGUYỄN KHÁNH HÀ*
1. Phân biệt từ điển nói chung (từ điển thông thường, từ điển phổ quát) và từ điển thuật ngữ
1.1. Khái niệm từ điển và từ điển thuật ngữ
1.1.1. Khái niệm từ điển
Theo quan điểm truyền thống, từ điển thường được xem là những bản ghi chép đáng tin cậy về những quy tắc mà những người nói cùng một ngôn ngữ nên tuân theo khi sử dụng ngôn ngữ đó. Qua các thông tin trong từ điển, người ta biết cách dùng ngôn ngữ một cách chuẩn tắc. Hiện nay, các nhà làm từ điển có quan điểm rộng hơn về khái niệm từ điển. Chẳng hạn, L. Zgusta (1984) cho rằng, từ điển là bản kiểm kê từ vựng của một ngôn ngữ cụ thể, và là công cụ giao tiếp trong một ngôn ngữ cụ thể hay trong các ngôn ngữ khác nhau. Còn theo Keating (1988), từ điển là một hệ thống được tạo dựng nhằm lưu giữ các từ của một ngôn ngữ cũng như những lí giải về ý nghĩa của các từ này và cách thức sử dụng chúng. Quan điểm mới nhất hiện nay cho rằng từ điển là một bản miêu tả đầy đủ về kho từ ngữ được các thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ sử dụng, và xuất phát điểm của công việc miêu tả đó chính là những “chứng cứ” từ ngữ sống động và đa diện mà các thành viên của cộng đồng ngôn ngữ sử dụng khi họ giao tiếp với nhau.1
Từ điển tập hợp và sắp xếp các từ ngữ trong kho từ vựng của ngôn ngữ theo một khuôn mẫu có tính hệ thống (ví dụ theo trật tự bảng chữ cái). Biên soạn từ điển là quá trình ghi chép, xử lí và biên soạn thông tin ngôn ngữ theo một khuôn mẫu từ điển cụ thể. Kết quả của quá trình biên soạn thường là một danh sách các từ, các trích dẫn, từ điển và ngân hàng dữ liệu điện tử. Thông tin trong từ điển bao gồm: chính tả, phát âm, định nghĩa giải thích (ngữ nghĩa), sự phân chia âm tiết, từ chuyển dịch tương đương, các hình thức phái sinh của từ và các kết hợp từ, các lớp ngữ pháp, cách dùng (cú pháp) của từ, tra cứu ngang tới các mục từ khác, tranh minh hoạ, từ nguyên, nguồn tham khảo, v.v.
Từ điển nói chung bao quát toàn bộ các khía cạnh của một ngôn ngữ nguồn cho trước, như các từ phổ dụng, các từ khả kết, các biến thể phương ngữ, các từ cổ, từ nguyên, các từ thuộc phong cách văn học hoặc khoa học kĩ thuật, tiếng lóng, từ thông tục, các từ theo giới, từ kiêng kị, v.v. Theo Cluver (1989), đặc điểm cơ bản của từ điển phổ quát là kiểu từ điển này định hướng theo từ chứ không theo chủ đề.
1.1.2. Khái niệm từ điển thuật ngữ
Từ điển thuật ngữ là một tập hợp các thuật ngữ thuộc vào một lĩnh vực chủ đề cụ thể, tức là kiểu từ điển này hướng tới các nguồn từ vựng chuyên ngành chứ không phải toàn bộ từ vựng của một ngôn ngữ như từ điển phổ quát. Hệ thống khái niệm đằng sau các thuật ngữ thuộc vào một lĩnh vực chủ đề, các khái niệm này liên hệ với nhau theo kiểu tôn ti hoặc liên hợp chặt chẽ, do đó không thể xử lí chúng như những từ ngữ thông thường trong kho từ vựng chung của ngôn ngữ. Sager (1990) đã chỉ ra, từ điển thuật ngữ là một bản ghi chép các hệ thống biểu tượng và kí hiệu ngôn ngữ được con người áp dụng trong giao tiếp thuộc các khu vực tri thức và hoạt động có tính chuyên môn hoá. Thông qua bản ghi chép này, các thuật ngữ được miêu tả, xử lí và trình bày một cách nhất quán theo hệ thống của mỗi chuyên ngành.
1.2. Sự giống nhau giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ
Nhìn chung, giữa ngôn ngữ thông thường và ngôn ngữ chuyên ngành không có sự khác biệt lớn, chủ yếu là sự tiệm tiến các ngữ vực, trong quá trình đó các từ thông thường dần dần biến đổi thành các thuật ngữ, và ý nghĩa của từ do đó cũng dần dần có tính chuyên môn hơn. Việc biên soạn từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ đều theo các nguyên tắc cơ bản giống nhau. Về loại hình sản phẩm, cả hai kiểu biên soạn đều cho ra những sản phẩm có loại hình giống nhau như từ điển đơn ngữ, từ điển song ngữ và từ điển đa ngữ. Về cấu trúc của từ điển, cả hai kiểu từ điển đều tương tự nhau về cấu trúc vĩ mô (chẳng hạn cách sắp xếp truyền thống theo trật tự bảng chữ cái), cấu trúc vi mô (với sự hiện diện của các lớp thông tin được phân cấp) và cấu trúc ngang (hệ thống tra cứu ngang – mediostructure). Về ý nghĩa của các mục từ trong từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ, nhìn chung, các khái niệm của từ hay thuật ngữ đều được xác định bởi các phương pháp tương tự nhau, do đó, theo Cluver (1992), quy trình miêu tả và trình bày khái niệm/ý nghĩa của các từ trong từ điển thông thường và trong từ điển thuật ngữ diễn ra theo một thang độ tiệm tiến, trải dài từ các ý nghĩa phụ thuộc ngữ cảnh của từ (trong từ điển thông thường) đến các ý nghĩa không phụ thuộc ngữ cảnh của từ (trong từ điển thuật ngữ). Tác giả này cho rằng, thay cho việc phân chia ngôn ngữ thành các ngữ vực (register) riêng biệt, các nhà từ điển học có thể trình bày một thang độ tiệm tiến của ngôn ngữ trong từ điển: từ các ngữ vực không chính thống (như từ lóng hay từ thông tục) đến các ngữ vực có tính chính thống cao (các thuật ngữ khoa học – công nghệ), và ở giữa hai cực đó là những vùng giao thoa (vùng mờ). Những vùng giao thoa này hàm chỉ các thang độ chuẩn hoá khác nhau, chẳng hạn có một số ngữ vực trong thuật ngữ rất khó chuẩn hoá, vì có sự giao thoa giữa thuật ngữ và ngôn ngữ toàn dân, hay trường hợp các nghĩa tình thái của từ rất khó điều chỉnh để đưa vào từ điển thông thường.
1.3. Sự khác nhau giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ
Anja Drame2 trình bày sự khác biệt giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ qua bảng sau [xem bảng 1]:
Một quan điểm khác3 liệt kê sự khác nhau giữa từ điển thuật ngữ và từ điển thông thường như sau [xem bảng 2]:
Từ những so sánh trên của các nhà nghiên cứu, có thể rút ra một số điểm khác biệt giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ như sau [xem bảng 3]:
Những điểm khác biệt trên đây giữa hai kiểu từ điển sẽ giúp chúng ta rút ra được những điểm cần chú ý khi biên soạn từ điển thuật ngữ.
2. Một số điểm cần chú ý về công nghệ biên soạn từ điển thuật ngữ
Từ điển | Từ điển thuật ngữ | |
Biến thể ngôn ngữ (Mục đích chung / Mục đích riêng). Chủ đề. Cách thể hiện đối với người dùng. Cách trình bày mục từ. | – Mục đích chung. – Mục đích riêng. – Các lĩnh vực tri thức rộng. – Lĩnh vực tri thức có giới hạn (kiểu này hiếm gặp). – Theo thứ tự bảng chữ cái. – Kiểu từ đồng nghĩa/có tính hệ thống (hiếm gặp). – Các từ đa nghĩa/đồng âm đi cùng với nhau. – Các từ đồng nghĩa tách riêng. – Miêu tả. | – Mục đích riêng. – Lĩnh vực tri thức có giới hạn. – Sử dụng hệ thống phân loại. – Kiểu từ đồng nghĩa/có tính hệ thống (được sắp xếp theo bảng chữ cái). – Các từ đa nghĩa/đồng âm tách riêng. – Các từ đồng nghĩa (cùng phạm vi chủ đề) đi cùng với nhau. – Miêu tả và theo quy tắc (tuỳ thuộc lĩnh vực). |
Bảng 1. Sự khác nhau giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ theo quan điểm của Anja Drame.
Với những đặc trưng riêng của mình (như mục 1.3. đã chỉ ra trên đây), việc biên soạn từ điển thuật ngữ đòi hỏi người biên soạn phải chú ý tới những điểm sau để có được một công trình từ điển thuật ngữ có giá trị:
Về mục đích biên soạn từ điển
Các từ điển thuật ngữ luôn luôn có định hướng chuyên ngành, do đó quá trình biên soạn cần tập trung vào mục đích chuyên môn hoá và hệ thống hoá.
Về các chủ đề trong từ điển
Người biên soạn cần xác định rõ các lĩnh vực khái niệm được biên soạn trong từ điển thuộc cách chuyên ngành nào và chỉ tập trung tìm kiếm tập hợp các từ cho chuyên ngành đó.
Về ngữ liệu biên soạn
Ngữ liệu biên soạn chỉ gồm các cứ liệu ngôn ngữ liên quan đến chuyên ngành định biên soạn.
Về nội dung biên soạn
Từ điển thuật ngữ tập hợp và hệ thống hoá các thuật ngữ theo từng chuyên ngành hoặc vài chuyên ngành, tuỳ định hướng biên soạn.
Về hướng tiếp cận biên soạn
Cái quan trọng nhất trong từ điển thuật ngữ là các khái niệm, như Sager (1990) đã chỉ ra “Thuật ngữ là sự thể hiện có tính chất ngôn ngữ học về các khái niệm”. Hệ thống khái niệm của các ngành khoa học có tính hệ thống hơn và chính xác hơn so với hệ thống khái niệm chung. Để trình bày khái niệm mà thuật ngữ biểu thị, người biên soạn cần tạo lập các định nghĩa. Các định nghĩa về thuật ngữ được xem là cực kì quan trọng, vì chúng trình bày ý nghĩa của các khái niệm, và có vai trò chuẩn hoá thuật ngữ.
Một điều cần chú ý nữa là tính chất miêu tả trong từ điển thuật ngữ khác với tính chất miêu tả trong từ điển thông thường. Miêu tả trong từ điển thuật ngữ là miêu tả theo kiểu định nghĩa khái niệm và hướng tới sự quy chuẩn hoá. Việc miêu tả đi từ khái niệm của sự vật đến tên gọi sự vật, trong đó khía cạnh quy chuẩn hoá đóng vai trò then chốt. Quy chuẩn hoá hạn chế hiện tượng đồng nghĩa, giảm thiểu hiện tượng đa nghĩa và đồng âm nhằm hướng tới sự chính xác tuyệt đối trong truyền đạt.
Cũng do yêu cầu chuẩn hoá mà từ điển thuật ngữ sẽ không đề cập đến nghĩa tình thái khi định nghĩa thuật ngữ. Một thuật ngữ thường chỉ tương đương với một khái niệm, tức là chỉ có nghĩa biểu vật hoặc nghĩa biểu niệm mà không có nghĩa tình thái.
Từ điển thông thường | Từ điển thuật ngữ |
– Xử lí các từ. – Cung cấp toàn bộ thông tin ngữ pháp. – Miêu tả, hoặc giải thích. – Xử lí các từ như là một tập hợp phổ quát rút ra từ ngôn ngữ chung. – Được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái. | – Xử lí các thuật ngữ và khái niệm. – Chỉ cung cấp thông tin ngữ pháp phù hợp với cách dùng quy chuẩn hoá. – Quy chuẩn hoá. – Xử lí các từ thuộc vào một lĩnh vực chuyên ngành của một ngôn ngữ cụ thể. – Có thể được sắp xếp theo cấu trúc khái niệm hệ thống, với danh sách ngang theo thứ tự bảng chữ cái. |
Bảng 2. Sự khác nhau giữa từ điển thông thường và từ điển thuật ngữ theo quan điểm của NOTIS.
Về hình thức ngôn ngữ trong từ điển
Do chỉ tìm kiếm các khái niệm và hướng tới sự chuẩn hoá, từ điển thuật ngữ chỉ quan tâm đến ngôn ngữ viết, đặc biệt chú trọng tới ngôn ngữ khoa học, chuyên ngành, và hoàn toàn bỏ qua ngôn ngữ nói.
Về cấu trúc vĩ mô của từ điển
Các mục từ trong từ điển được sắp xếp theo hai quy tắc: hệ thống từ đồng nghĩa và trật tự bảng chữ cái.
Về cấu trúc vi mô của từ điển
– Các từ đồng nghĩa luôn luôn đi thành nhóm với nhau, trở thành bộ phận của cùng một mục từ, được coi là sự thể hiện có tính chất thay thế của cùng một khái niệm.
– Các từ đa nghĩa và từ đồng âm của cùng một lĩnh vực chuyên ngành được trình bày thành những mục từ riêng biệt, vì chúng biểu đạt các khái niệm khác nhau với những định nghĩa khác nhau.
– Riêng đối với từ điển thuật ngữ song ngữ, có thể hình dung hình thức quy chuẩn của một mục từ thuật ngữ như sau:
+ Các danh từ luôn luôn ở hình thức số ít, trừ khi một danh từ nào đó luôn luôn ở hình thức số nhiều.
+ Chỉ viết hoa các từ thường được viết hoa (khi chúng xuất hiện trong văn bản).
+ Các động từ luôn luôn được trình bày theo kiểu bất định (đối với các ngôn ngữ mà từ có biến đổi hình thái).
+ Các tính từ luôn luôn được trình bày ở dạng nguyên thể (đối với các ngôn ngữ mà từ có biến đổi hình thái).
+ Dữ liệu căn bản cho một mục từ thuật ngữ song ngữ bao gồm: thuật ngữ nguồn; thuật ngữ đích; số tra cứu; lĩnh vực chủ đề; định nghĩa; ngày tháng; bình luận (nếu có). Ngoài ra có thể thêm dữ liệu thuộc các khía cạnh sau: từ đồng nghĩa; từ viết tắt; ngôn ngữ; cách phát âm; ngữ cảnh; các khái niệm có liên quan; thông tin ngữ pháp; nguồn dẫn; khả năng ứng dụng; người sáng tạo; sự phê chuẩn, v.v.
Phương diện so sánh | Từ điển thông thường | Từ điển thuật ngữ |
(a) Về mục đích biên soạn từ điển | Ghi chép, miêu tả và lưu giữ các từ ngữ trong kho từ vựng cũng như các từ phái sinh trong cách dùng ngôn ngữ chung. | Ghi chép và hệ thống hoá các từ ngữ có tính chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực chuyên biệt. |
(b) Về các chủ đề trong từ điển | Các lĩnh vực tri thức phổ biến, tầm phủ rộng. | Các lĩnh vực tri thức hẹp, chỉ phố biến trong từng giới chuyên môn. |
(c) Về ngữ liệu biên soạn | Ngôn ngữ toàn dân. | Ngôn ngữ chuyên ngành. |
(d) Về nội dung biên soạn | Tất cả các từ của một ngôn ngữ (từ thông dụng, từ khả kết, biệt ngữ, phương ngữ, tiếng lóng, từ thông tục, từ cổ, từ văn học, thuật ngữ). | Các thuật ngữ thuộc các chuyên ngành khác nhau. |
(e) Về hướng tiếp cận biên soạn | ||
– Hướng tiếp cận chung | Miêu tả và lưu giữ các từ của ngôn ngữ. | Miêu tả các khái niệm theo kiểu định nghĩa và hướng tới quy chuẩn hoá. |
– Hướng tiếp cận ngữ nghĩa | Tiếp cận theo kiểu ý nghĩa học – tiếp cận ý nghĩa của từ bắt đầu từ bản thân từ, miêu tả ý nghĩa của bản thân từ. | Tiếp cận theo kiểu định danh (danh pháp), bắt đầu từ khái niệm mà từ biểu thị và tạo ra tên gọi (thuật ngữ) cho khái niệm đó |
– Hướng tiếp cận ngữ pháp | Cung cấp toàn bộ thông tin ngữ pháp gắn với từ. | Chỉ cung cấp thông tin ngữ pháp phù hợp cách dùng quy chuẩn hoá. |
– Hướng tiếp cận ngữ dụng | Có đề cập đến các nghĩa tình thái gắn với từ. | Không đề cập đến nghĩa tình thái gắn với thuật ngữ. Một khái niệm tương đương với một thuật ngữ |
(f) Về hình thức ngôn ngữ trong từ điển | Quan tâm đến cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. | Chỉ quan tâm đến ngôn ngữ viết |
(g) Về cấu trúc vĩ mô của từ điển | Các mục từ trong từ điển được sắp xếp theo trật tự bảng chữ cái. | Các mục từ trong từ điển được sắp xếp theo hai quy tắc: (i) hệ thống từ đồng nghĩa; (ii) trật tự bảng chữ cái. |
(h) Về cấu trúc vi mô của từ điển | – Từ đa nghĩa và từ đồng âm được trình bày cùng với nhau. – Từ đồng nghĩa tách riêng. | – Từ đa nghĩa và từ đồng âm được trình bày tách riêng. – Từ đồng nghĩa (cùng phạm vi chủ đề) được trình bày cùng với nhau. |
Về thuật ngữ mới
Đây là một khó khăn mà những người biên soạn từ điển thuật ngữ (nhất là từ điển song ngữ) thường gặp, bởi các thuật ngữ mới thường chưa được chuẩn hoá. Để khắc phục khó khăn này, người biên soạn có thể tiến hành các bước sau: (i) tìm hiểu khái niệm được biểu thị bởi thuật ngữ mới đó và xác minh xem khái niệm đó có tồn tại trong ngôn ngữ đích hay không; (ii) tìm hiểu xem người lựa chọn thuật ngữ mới có vài lựa chọn khả thi hay không, và tại sao anh ta/chị ta lại lựa chọn thuật ngữ đó; (iii) liên hệ với các chuyên gia thuộc chuyên ngành đó để tìm hiểu xem trong ngôn ngữ đích có những cách dịch nào khác hay không; (iv) nếu thuật ngữ đã được dịch, tìm hiểu xem cách dịch đó có thích hợp với đối tượng độc giả của từ điển đang biên soạn hay không, và cần chú ý tới đặc tính văn hoá, bản sắc khu vực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Alcina, A. (2009) Teaching and learning terminology: New strategy and methods, Terminology, Volume 15, No.1, 2009, p. 1-9.
[2] Atkins, B. T. and Rundell, M. (2008) The Oxford Guide to Practical Lexicography, Oxford University Press.
[3] Cluver, A. D. de V. comp. (1989) A Manual of Terminography. Pretoria: Human Sciences Research Council.
[4] Cluver, A. (1992) Language planning models for a post-apartheid South Africa. Language Problems and Language Planning, 16:p.105-136.
[5] Hà Quang Năng (2010) Đặc điểm của thuật ngữ tiếng Việt, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 1, 1-2010.
[6] Hà Quang Năng (2010) Một số vấn đề cơ bản về phương pháp biên soạn từ điển thuật ngữ, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 6, 11-2010.
[7] Keating, R. (1988) English-Language Dictionaries, 1604-1900: The Catalog of the Warren N. and Suzanne B. Cordell Collection (Bibliographies and Indexes in Library and Information Science), Greenwood Express.
[8] Landau, S. I. (1984) Dictionary – The Art and Craft of Lexicography, Charles Scribner’s Sons, New York.
[9] Lê Thị Lệ Thanh (2010) Vấn đề xác định từ tương đương trong từ điển đối chiếu chuyên ngành xét theo chức năng của từ điển ở CHLB Đức, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 6, 11-2010.
[10] Nguyễn Văn Lợi (2010) Những vấn đề lí luận trong thuật ngữ học ở Liên bang Nga, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, s. 6, 11-2010.
[11] Sager, Juan C. (1990) A Practical Course in Terminology Processing. Amsterdam: J. Benjamins.Sablayrolles, Jean-François ed. (2003) L’innovation lexicales [Colloquium, Limoges 2001] (Lexica. Mots et Dictionnaires). Paris: H. Champion [Editorial introduction, index and 24 papers by 26 authors].
[12] Zgusta, Ladislav, (1984) Translational equivalence in the bilingual dictionary. In Hartmann, Reinhard R.K ed. 1984. LeXeter ’83 Proceedings, Papersfrom the International Conference on Lexicography at Exeter, 9-12 September 1983 (Lexicographica Series Maior 1): 147-54, Tubingen: Max Niemeyer Verlag.
[13] Zgusta, L. (2006) Lexicography Then and Now, Max Niemeyer Verlag, Tübingen.
Nguồn tham khảo từ Internet
[14] http://linux.termnet.org.
[15] http://www.notisnet.or.
SUMMARY
The author analyzes the difference between an ordinary dictionary (philology dictionary) and a glossary, so as to propose methods for compiling glossaries in Vietnam, with attention to themes, linguistic data, contents, structure, inter alia, of glossaries in general.