Về tư liệu Văn khắc Hán Nôm thời Lý
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM THỊ THÙY VINH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Năm 1998, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã xuất bản tập sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến triều Lý. Đây là tập sách đầu tiên tập hợp, hệ thống toàn bộ 27 bài minh văn được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, mở đầu là văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn niên đại Tùy Đại Nghiệp thứ 14 (618) và cuối cùng là bia Trăn Tân từ tích với niên đại đoán định trong khoảng thời gian cuối đời Lý (1175-1225). Trong 27 bài minh văn này, có 18 minh văn mang niên đại thời Lý. Từ khi sách xuất bản đến nay, đã phát hiện thêm một số văn khắc có niên đại nhà Lý và sớm hơn tại các địa phương như: Bắc Ninh với bia niên đại nhà Tùy, bia Lý được phát hiện thêm tại Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và gần đây nhất là tại Nghệ An do đoàn sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới in dập về. Điểm qua như vậy để thấy rằng, các tư liệu văn khắc Hán Nôm trên chất liệu đá hoặc đồng có niên đại sớm từ thời Lý – Trần ngược trở lên đến thời kỳ Bắc thuộc có thể vẫn còn tồn tại nhưng chưa được phát lộ và chúng sẽ được cập nhật bổ sung trong quá trình khảo cứu, sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như các nhà nghiên cứu tại địa phương. Trở lại với các văn khắc Hán Nôm thời Lý hiện được công bố trong tập sách nói trên cũng như mới phát hiện thời kỳ gần đây, chúng tôi có một số nhận xét sau.
A. Về văn bản văn khắc Hán Nôm thời Lý
Theo sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến triều Lý có 18 văn bản thời Lý. Chúng tôi lấy bộ sách này làm bản chuẩn để khảo cứu về văn khắc Hán Nôm thời Lý vì lần đầu tiên các bài minh văn từ thời Lý được công bố ảnh chụp bia đá, thác bản và chế bản vi tính kèm theo những chú thích rất cẩn thận. Ngoài ra chúng tôi có cập nhật thêm một số thông tin mới phát hiện hoặc công bố sau khi tập sách trên được xuất bản. Dưới đây là tóm lược các văn bản.
1. A Di Đà Phật tụng 阿彌陀佛頌, đây là văn bản khắc trên bệ tượng Phật chùa Hoàng Kim hay còn gọi là chùa Một Mái xã Hoàng Ngô huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây cũ. Văn bản được khắc ngay sau khi tạc pho tượng A Di Đà vào năm Hội Phong thứ 8 (1099).
2. An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký 安穫山報恩寺碑記,văn bản được khắc trên bia chùa Báo Ân núi An Hoạch huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Chu Văn Thường giữ chức Thự hiệu Thư lang quản câu Ngự phủ, Đồng trung thư viện biên tu kiêm chức Thái thú quận Cửu Chân soạn. Văn bản không ghi niên đại nhưng được đoán định khắc sau năm 1110 tức là sau năm dựng chùa không lâu.
3. Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi 保寧崇 福寺碑,văn bản được khắc trên bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã An Nguyên huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Văn bia do Lý Thừa Ân, chức Triều liệt đại phu Đông thượng cáp môn sứ, Thượng thư Viên ngoại lang, tứ Tử Ngư đại soạn. Văn bản không ghi niên đại nhưng cũng được đoán định là được khắc sau khi xây chùa năm 1107.
4. Thiên Phúc tự hồng chung minh văn 天福寺洪鍾銘文,là văn bản khắc trên chuông chùa Thiên Phúc núi Phật Tích xã Thụy Khuê huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây cũ. Minh văn do Sa môn Thích Huệ Hưng soạn vào ngày mồng 9 tháng 8 năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (5/9/1109). Minh văn nay không còn, không có thác bản mà chỉ dựa trên sách Kim văn loại tụ hiện lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5. Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh 崇嚴延聖寺碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tại xã Thọ Hạc tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Đại sư Hải Chiếu tự là Pháp Bảo soạn vào ngày 19 tháng 10 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (3/12/1118).
6. Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp 大越國李 家弟四帝崇善延靈塔碑,văn bản khắc trên bia chùa Long Đọi thôn Đọi Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Văn bia do Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Công Bật soạn, Lý Bảo Cung vâng sắc viết chữ. Bia được dựng vào ngày 6 tháng 7 năm thứ 2 Thiên Phù Duệ Vũ (20 tháng 8 năm 1121).
7. Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh 乾尼香嚴寺碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Hương Nghiêm thôn Diên Hào huyện Lôi Dương nay là xã Thiệu Trung huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa. Văn bia không ghi người soạn nhưng theo khảo cứu của Hoàng Xuân Hãn thì tác giả bài văn bia này có lẽ là nhà sư Hải Chiếu. Bia được dựng ngày mồng 4 tháng 12 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 (ngày 10 tháng 1 năm 1125), nhưng văn bia được khắc lại vào mùa đông năm Bảo Thái thứ 7 (1726).
8. Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh 仰山靈稱寺碑銘, văn bản được khắc trên bia chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng ở xã Ngọ Xá phủ Hà Trung tỉnh Thanh Hóa. Văn bia do Đại sư Hải Chiếu soạn, Thông phán Lý Doãn Từ viết chữ, sư Huệ Thống khắc chữ. Bia được dựng ngày mồng 3 tháng 3 năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (28/3/1205).
9. Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh 古越村延福寺碑銘,văn bản khắc trên bia chùa Diên Phúc thôn Cảnh Lâm xã Tân Việt huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Văn bia do Công Diếm soạn. Bia không ghi năm dựng nhưng được đoán định được dựng sau năm Đại Định thứ 18 (1157) là năm dựng chùa.
10. Cự Việt quốc Thái úy Lý công thạch bi tịnh tự 鉅越國太尉李公石碑 銘序, văn bia được tìm thấy ở thôn An Lạc xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Bia được dựng cho Thái úy Lý công Đỗ Anh Vũ sau khi ông mất. Văn bia không ghi người soạn và năm dựng bia nhưng được đoán định là được soạn sau khi Đỗ Anh Vũ mất (ngày 20 tháng Thái thốc năm Mậu Dần niên hiệu Đại Định tức 9/2/1159). Hiện nay bia và thác bản văn bia đều không còn, bài văn bia dựa trên bản sao chép của Hoàng Xuân Hãn.
11. Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí 皇越太傅劉君墓誌, đây là bia mộ chí của Thái phó Lưu Khánh Đàm tại xã Lưu Xá huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Văn bia không ghi người soạn và niên đại nhưng căn cứ theo nội dung thì niên đại đoán định là được dựng vào năm 1161, tức là năm Thái phó Lưu Khánh Đàm mất. Theo Văn khắc Hán Nôm Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời Lý thì hiện nay văn bia không còn, thác bản cũng không có. Văn bản tuyển chọn trong bộ sách trên được sao chép lại từ văn bản do Lý trưởng Trần Văn Chuyển và hào mục xã Lưu Xá sao chép lại, bản sao chép ấy hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên chỉ sau khi bộ sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam từ Bắc thuộc đến thời Lý được xuất bản vài năm thì văn bia này được phát hiện tại chính quê hương của Lưu Khánh Đàm. Theo Lâm Giang, trên Tạp chí Hán Nôm số 4/2000, bia mộ của Thái phó Lưu Khánh Đàm được phát hiện tại giữa lăng mộ của Lưu Khánh Đàm ở thôn Lưu Xá, xã Canh Tân huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Đây là bia cổ còn được giữ nguyên chưa bị khắc lại (1) .
12. Đại Chu Ma sơn áng Đại Quang Thánh nham bi 大朱摩山盎大光聖岩碑, đây là bia ma nhai ở cửa động Am Tiên xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Văn bia do Đại sư Bồ Đề soạn vào năm Chính Long Bảo Ứng thứ 4 (1166).
13. Phụng Thánh phu nhân Lê thị chi mộ chí 奉聖夫人黎氏之墓誌, bia tìm thấy tại chùa Diên Linh Phúc Thánh gần xã Hương Nộn huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc, do một vị Quốc sử không ghi tên soạn. Bia không ghi năm tạo dựng nhưng căn cứ theo nội dung văn bia thì niên đại đoán định là sau năm Chính Long Bảo Ứng thứ 11 (1174). Tuy nhiên đây không phải là bia gốc mà đã bị khắc lại, có thể vào giai đoạn Lê Trung hưng hoặc Nguyễn.
14. Bảo Chưởng Thái bà mộ chí 寶掌太婆墓誌, đây là bia mộ được tìm thấy ở xã Hòa Chúng huyện Quảng Xương (nay thuộc huyện Tĩnh Gia) tỉnh Thanh Hóa. Bia không ghi tên người soạn và năm soạn nhưng căn cứ vào niên đại ghi năm mất của chủ nhân mộ chí là năm Đinh Mão Trị Bình Long Ứng thứ 3 (1207) có thể đoán định bia được khắc và dựng vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 1207. Bia còn giữ nguyên văn bản gốc.
15. Viên Quang tự bi minh, 圓光寺 碑銘,văn bản được khắc trên bia chùa Viên Quang thôn Hộ Xá xã Xuân Nghĩa huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Văn bia do Dĩnh Đạt soạn, không ghi năm soạn. Nhưng căn cứ theo các sự kiện được phản ánh trong văn bia thì có thể đoán định văn bia được soạn vào thời Lý Cao Tông (1175-1210). Văn bia được đời sau khắc lại.
16. Báo Ân thiền tự bi ký 報恩禪寺 碑記,văn bản được khắc trên bia chùa Báo Ân xã Tháp Miếu tổng Bạch Trữ huyện Yên Lãng nay thuộc huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc cũ. Văn bia do Trấn ty Viên Ngoại lang Ngụy Tự Hiền soạn. Bia dựng vào tháng 12 năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1210). Bia được khắc lại sau này.
17. Chúc Thánh Báo Ân tự bi 祝聖 報恩寺碑, văn bản khắc trên bia chùa Chúc Thánh Báo Ân, hiên nay bia dựng tại sân nhà thờ Đỗ Thế Diên thôn Thanh Xá xã Nghĩa Hiệp huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên. Bia do Triều liệt đại phu triều Lý là Đỗ Thế Diên dựng nhưng không ghi năm tạo dựng. Dựa vào những sự kiện nêu trong văn bia để đoán định niên đại tương đối của văn bản trong khoảng thời gian từ 1185-1214. Văn bia còn giữ nguyên bản gốc.
18. Trăn Tân từ tích 溱津祠跡, bia đặt tại đền Trăn Tân xã Phú Thọ huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Văn bia không ghi tên người soạn và năm soạn. Niên đại tương đối của văn bia được đoán định dựng vào cuối thời Lý (1175- 1225), nhưng bia này được khắc lại trong khoảng thời gian từ 1427-1527. Ngoài 18 đơn vị văn khắc thời Lý vừa nêu trên được đưa vào bộ sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1 (sdd), hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 3 văn bản thời Lý mới được phát hiện. Văn bản thứ nhất là tấm bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí viết về Thái phó Lưu Khánh Đàm mà chúng tôi vừa nêu ở trên. Văn bia này được phát hiện do Lâm Giang, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đi sưu tầm tư liệu tại huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Bia đá vẫn còn nguyên vẹn tại khu mộ của Lưu Khánh Đàm. Thác bản văn bia này đã bổ sung cho bài văn bia được ghi lại trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tập 1. Văn bản thứ hai là bia Minh Tịnh tự bi văn 明凈寺碑文,được phát hiện tại nghè thôn Tế Độ xã Hoằng Phúc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa. Bia dựng ngày 15 tháng 2 năm Canh Ngọ niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090). Văn bia do Sa di Bạch Liên hiệu Thiện Giác soạn, Thiền sư Thích Nghĩa Thường viết chữ, thợ đá Tô Diên Thái tạc bia, Hoàng Bí, Hoàng Thiều dựng bia, Đồng tri trại Thanh Hóa, Nội điện Sùng ban là Hoàng Thừa Nhĩ phụ giúp dựng bia. Bia do Phạm Văn Thắm phát hiện và giới thiệu trên Thông báo Hán Nôm học năm 2000 và Tạp chí Hán Nôm số 5/2003(2) .
Văn bản thứ ba được phát hiện tại chùa trong động thôn Phong Phú xã Ninh Giang huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đây là bia ma nhai không có tiêu đề được khắc vào vách hang. Văn bia được khắc vào năm Bính Ngọ niên hiệu Kiến Gia (1211-1224). Tuy nhiên khi đối chiếu với niên biểu Việt Nam thì chúng tôi không thấy có năm Bính Ngọ trong niên hiệu Kiến Gia. Theo tác giả Trần Thị Tiệp trong Thông báo Hán Nôm học năm 2003, thì có lẽ là niên đại bị khắc nhầm từ Nhâm Ngọ thành Bính Ngọ (3) và niên đại của văn bản được suy đoán là năm Kiến Gia Nhâm Ngọ (1222). Văn bia này hiện cũng đã có thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Văn bản thứ tư chúng tôi muốn đề cập ở đây là văn bia Cự Việt An Thái tự bi 鉅越安泰寺碑 không ghi niên đại nhưng ngay dòng đầu tiên của văn bia đã ghi là Anh Tông năm thứ 4 như là cách vào đề của một câu chuyện. Vì bia mới được nhập kho chưa có điều kiện khảo cứu nhưng với tên bia là Cự Việt An Thái tự bi thì chúng tôi nghiêng về đây là niên đại Anh Tông nhà Lý hơn là Anh Tông nhà Trần. Bởi tên Cự Việt đã xuất hiện trên bia thời Lý với phong cách kiểu chữ Triện và điều này cũng lặp lại trên bia mới được sưu tầm về từ chùa Yên Thái xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Văn bia này do nhóm sưu tầm của Vũ Việt Bằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đi in dập. Về kiểu dáng và hình thức trên bia gồm chữ viết, trang trí hoa văn đã cho người đọc cảm nhận rất rõ đây là bia có niên đại sớm. Theo quan sát ban đầu thì bia bị mờ chữ nhiều nhưng nếu cố gắng để khôi phục văn bản thì vẫn có thể đọc được nội dung, đặc biệt chữ trên trán bia, hoa văn trang trí xung quanh mang đậm dấu ấn văn bia thời Lý. Hy vọng khi có điều kiện khảo cứu kỹ sẽ cho biết những thông tin cụ thể được phản ánh trên bia. Với văn bia này, theo chúng tôi, bản đồ phân bố văn khắc Hán Nôm thời Lý đã kéo dài đến Nghệ An một vùng biên viễn phía nam của Đại Việt bấy giờ.
B. Một số đặc điểm của văn khắc Hán Nôm thời Lý
– Hầu hết các bài minh văn thời Lý đều khắc trên đá, chỉ có một văn bản khắc trên chuông đồng. Tuy vậy vẫn cho thấy có thể đã từng có nhiều văn bản khắc trên đồng nhưng do chất liệu đồng quý hơn đá gấp nhiều lần,lại có thể sử dụng đồng trong nhiều lĩnh vực khác nên chuông, khánh đồng dần dần bị mất mát hoặc bị sung để đúc tiền. Chính bài minh văn niên đại Cảnh Thịnh trên chuông chùa Thày ở Quốc Oai, Hà Tây cũ đã cho biết quả chuông đúc năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 (1109) đã tồn tại đến năm 1789 mới bị phá đi để đúc tiền (4) .
– Có 19/21 văn bia hiện vẫn còn trên bia đá dù có những văn bia đã được khắc lại sau này, 13/21 văn bản là bản gốc, số còn lại được khắc lại về sau, riêng văn bản khắc trên chuông và văn bia về Đỗ Anh Vũ chỉ dựa vào tài liệu chép tay.
– Các văn bản này chủ yếu được tạo dựng và lưu giữ tại các ngôi chùa, có đến 13/21 văn bản thuộc loại này. Tiếp đến là số văn bản được tạo dựng tại lăng mộ, có 5/21 văn bản. Bia ma nhai có 2 văn bản, tại đền có 1 văn bản.
– Niên đại của văn khắc thời Lý có một vài điều đáng lưu ý. Có tới 10/21 văn bản không ghi niên đại và niên đại được đoán định thông qua những sự kiện được nêu trong văn bản. Do vậy đây chỉ là niên đại tương đối. Số văn bản có ghi niên đại chính xác chỉ chiếm ½ trong tổng số văn khắc Hán Nôm thời Lý.
– Về các tác giả soạn các bài minh văn hoặc những người tham gia tạo dựng văn bản văn khắc Hán Nôm thời Lý có mấy điểm lưu ý. Đó là chỉ có 12/20 văn bản ghi người soạn, trong đó các nhà sư soạn 6 văn bản, riêng Đại sư Hải Chiếu đã soạn 3 văn bia ở Thanh Hóa, chứng tỏ các nhà sư bấy giờ có vai trò rất lớn trong xã hội, có một trình độ Hán học uyên thâm nên họ được mời soạn các bài minh văn truyền hậu thế. Bên cạnh đó có một đặc điểm mà văn bia thời sau ít đề cập, đó là ghi tên những người dựng bia bên cạnh tên người soạn, người viết chữ, thợ khắc đá. Bia trên chùa Minh Tĩnh còn ghi cả tên hai người dựng bia và người phụ giúp dựng bia, có thể hiểu đây là những người đã đóng góp đá để tạc bia chăng?
– Trong số 21 đơn vị văn khắc thời Lý được phân bố ở các địa phương sau: Thanh Hóa 6 văn bản, Nghệ An 1 văn bản, Hưng Yên 3 văn bản, Hà Tây cũ 2 văn bản, Ninh Bình 2 văn bản, Hà Nam 1 văn bản, Nam Định 1 văn bản, Bắc Ninh 1 văn bản, Phú Thọ 1 văn bản, Vĩnh Phúc cũ 1 văn bản, Tuyên Quang 1 văn bản. Như vậy văn khắc thời Lý có mặt tại 11 tỉnh. Nếu tính theo địa danh Hà Nội mới thì chỉ còn 10 tỉnh. Thanh Hóa là một trong hai địa danh xa nhất nhưng lại có nhiều văn bản nhất. Có thể nguyên nhân chính để số văn khắc tại Thanh Hóa còn lại do ý thức gìn giữ của nhân dân địa phương, nhưng cũng không loại trừ do chính Thanh Hóa là vùng đất phên dậu ở phương Nam của Đại Việt nên việc dựng bia cũng được chú trọng nhiều hơn chăng? Và khi chiến tranh nổ ra, Thanh Hóa ở xa Thăng Long nên cũng tránh được nhiều sự phá hoại. Kinh thành Thăng Long là chốn định đô của nhà Lý nhưng lại không lưu giữ được bài minh văn nào. Có thể trong các cuộc nội chiến cũng như ngoại xâm, Thăng Long đã phải gánh chịu nhiều hơn cả nên những di văn quý hiếm đã bị tàn phá hoặc cướp bóc mang đi. Vùng tứ trấn của Thăng Long đều có sự hiện diện của văn khắc thời Lý. Đặc biệt riêng huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên có đến 2 văn bản và 2 văn bản ấy hiện vẫn đang được lưu giữ nguyên vẹn trên bia đá. Có thể do chủ nhân của những tấm bia ở đây là những nhân vật có công lao với triều đình nhà Lý, là những người có quyền lực nên văn bia viết về họ được gia tộc và địa phương gìn giữ.
– Tất cả số văn bia thời Lý còn lại đến nay đều là những văn bản ghi về những con người có lai lịch, đóng góp cụ thể, chỉ duy nhất một văn bản ghi về thần tích. Không có những văn bia thời Lý phản ánh các sinh hoạt của cộng đồng làng xã như văn bia từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Do vậy có thể nói văn bia thời Lý chỉ ghi lại những sự kiện liên quan đến một cá nhân hoặc rộng hơn là dòng họ nhưng là những cá nhân có những vị trí cao trong xã hội hoặc là dòng họ có quyền thế.
– Nội dung văn khắc thời Lý tập trung chủ yếu vào những sự việc, sự kiện liên quan đến Phật giáo. Trong đó nổi bật lên là ca tụng những người đã đứng ra hưng công xây dựng chùa. Có thể kể đến vai trò của Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng chùa Báo Ân và chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng ở Thanh Hóa, vua Lý Nhân Tông trong quá trình xây dựng chùa Sùng Thiện Diên Linh ở Hà Nam, vua Lý Thánh Tông xây dựng chùa Viên Minh ở Nam Định hoặc ca ngợi Hà Dĩ Khánh là người đã đứng ra xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Tuyên Quang, ca tụng công đức của những người tu bổ chùa Hương Nghiêm núi Càn Ny, ca ngợi những vị Hòa thượng đã xây dựng chùa trong các hang động ở Hoa Lư Ninh Bình như vị Hòa thượng đến mở chùa Phật tại Chu Ma Sơn Áng, Trường Yên, ca ngợi những tín chủ xây dựng chùa Báo Ân ở Vĩnh Phúc… Văn bia còn cho biết chi tiết về sư Trì Bát là nhà sư thuộc hệ thứ 12 dòng thiền Tì ni đa lưu chi trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Hoàng Kim.
Những triết lý tông chỉ từ bi độ thế của Phật giáo được đề cập trong văn bia chùa Chúc Thánh Báo Ân hay ca ngợi sự huyền diệu của đạo Phật trong bia chùa Báo Ân núi An Hoạch cho thấy Phật giáo thời Lý rất hưng thịnh và thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, trong đó nổi rõ vai trò của những người có thế lực đối với Phật giáo. Bài văn bia khắc trên bia chùa Minh Tịnh ở Thanh Hóa cho biết người đứng ra khởi xướng việc xây chùa là vị Quyền Tri trại Thanh Hóa, Sùng Nghi sứ Hoàng Khánh Văn, thế nhưng khi chùa xây xong thì ông lại không còn. Một trợ thủ đắc lực khác đã giúp ông hoàn thành sứ mệnh là Đồng Tri trại Thanh Hóa, Nội điện Sùng ban Hoàng Thừa Nhĩ. Như vậy, cho thấy việc đứng ra khởi dựng chùa là người có quyền thế lúc bấy giờ. Văn bia cũng cho biết khi xây dựng chùa Minh Tịnh trên nền chùa cũ thì “cỏ tốt ngập trời, nền chùa đổ nát, ông (tức Hoàng Khánh Văn) đã cho người phát chặt cỏ cây, thu dọn gai góc, kẻ tìm cây, kẻ đẵn gỗ, gỗ quý được chuyển về. Rồi tập hợp thợ nề, thợ mộc dựng lại chùa, công việc chẳng mấy chốc hoàn thành. Ngôi chùa như tòa long cung nguy nga sừng sững trên mặt đất, các đấu trụ tựa sao trời, vì kèo như vầng trăng treo. Bậc thánh sắc vẻ tôn nghiêm hiện trên đài sen, tượng A Di Đà sơn son rực rỡ, lại đặt thêm đài nghê tòa sư tử…”(5) .
Văn bia thời Lý cũng cung cấp những thông tin chính xác về những nhân vật có vai trò quan trọng trong sự phát triển của vương triều Lý như vua Lý Nhân Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái úy Đỗ Anh Vũ, Thái phó Lưu Khánh Đàm, dòng họ Hà ở châu Vị Long nay là huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Văn bia mộ của Phụng Thánh phu nhân cho biết về đời sống của phụ nữ tầng lớp quý tộc thời Lý. Minh văn trên chuông chùa Thiên Phúc, chùa Thày lại ca ngợi Phật pháp cao siêu và công đức vô lường của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bia Sùng Nghiêm Diên Thánh ca ngợi Thông phán quận Cửu Chân họ Chu là người đã động viên nhân dân xây dựng nên chùa này.
Bia Hoàng Việt Thái phó Lưu quân mộ chí cho biết Thái phó Lưu Khánh Đàm có quê gốc ở quận Cửu Chân, sau mới dời đến xã Lưu Xá phủ Long Hưng. Ông đã theo hầu ba vua là Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông. Ông là người nhận di chiếu phò tá Thần Tông Dương Hoán lên ngôi Hoàng đế. Ông làm quan với các chức: Quang lộc đại phu, Suy thành tá lý công thần, Nhập Nội thị sảnh đô Đô tri Tiết độ sứ, Đồng tam ty bình chương sự, Thượng trụ quốc Khai Quốc công.
Liên quan đến những sự kiện lịch sử về việc nhà Lý có chủ trương gả con gái cho các hào mục ở các miền biên giới xa xôi để thắt chặt các mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và các địa phương, văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi đã phản ánh dòng họ Hà ở châu Vị Long trải 13 đời đều giữ chức Thái thú châu Vị Long. Người thuộc đời thứ 10 của dòng họ này đã được vua Lý Thái Tổ gả công chúa thứ 3 cho, nhân sự kiện này ông được ban chức Hữu Đại liêu ban. Nhân vật chính của văn bia này là Hà Di Khánh đã được cưới công chúa Khâm Thánh lúc mới 9 tuổi. Ông được vua mời về kinh để gả em gái cho và sau đó được lãnh chức Tả Đại liêu ban. Văn bia còn cho biết thêm một sự kiện là thân phụ của Hà Di Khánh đã cầm quân sang đáng Ung Châu kết hợp với Lý Thường Kiệt cùng tiến đánh Ung Châu. Vì chiến công ấy, thân phụ của ông được ban chức Hữu Đại liêu ban, Đoàn luyện sứ. Hoặc văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch Thanh Hóa đã kể lại rõ ràng về sự nghiệp của Lý Thường Kiệt: ông từng đem quân dẹp loạn Chiêm Thành ở phía tây, đánh lui quân Tống ở phía bắc, cai quản trấn Thanh Hóa 19 năm… Ông đứng ra chọn đất dựng chùa Báo Ân núi An Hoạch v.v…
Như vậy, với số lượng văn khắc còn lại quá ít so với sự tồn tại của vương triều Lý, nhưng những giá trị của nó thật sự rất quan trọng trong việc tìm hiểu và đánh giá về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của nhà Lý trong suốt 215 năm trị vì. Đây là những văn bản gốc duy nhất của thời Lý còn lại với chúng ta ngày nay, vì thế nó sẽ cung cấp những thông tin xác thực về thời đại đó mà không có bất cứ loại hình văn bản nào có thể so sánh được.
Chú thích:
(1) Xem Lâm Giang: Tấm bia thời Lý viết về Lưu Khánh Đàm, trong Tạp chí Hán Nôm số 4/2000.
(2) (5) Xem Phạm Văn Thắm Tấm bia thời Lý tại huyện Hoằng Hóa, trong Tạp chí Hán Nôm số 5/2003.
(3) Xem Trần Thị Tiệp: Về tấm bia Kiến Gia thời Lý ở Ninh Bình, trong Thông báo Hán Nôm học 2003.
(4) Xem Thùy Vinh: Về hai quả chuông Tây Sơn tại chùa Thày Hà Sơn Bình, trong Tạp chí Hán Nôm số 2/1987./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6 (121) – 2013
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Về tư liệu Văn khắc Hán Nôm thời Lý (Tác giả: PGS.TS Phạm Thị Thùy Vinh) |