Về tục thờ Rắn qua huyền thoại ông Cụt – ông Dài ở châu thổ sông Hồng

ON THE WORSHIP OF SNAKE IN THE MYTH OF ÔNG CỤT (MR. CURTAIL) – ÔNG DÀI (MR. LENGTH) IN THE RED RIVER DELTA

This is a snake couple to symbolise water and river, and it appeared very early in god palaces of Viet people. These two gods show two characteristics of water: in some areas, they are good gods but in other areas, they are water monsters. The worship of Ông Cụt and Ông Dài is to reveal that Viet people did “find” the both benefit and suffer from water to human being.

Tác giả bài viết: VÕ HOÀNG LAN
(Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam)

     Có thể thấy, trong thần điện dân gian của người Việt, ông Cộc/Cụt – ông Dài là cặp thần rắn có mặt sớm hơn cả, bởi dấu vết “rắn” vẫn còn hiện hữu rất rõ ràng trong hình dạng cũng như hành trạng của các ngài, chứ chưa được nhân hóa nhiều như những thần rắn khác. Không những thế, hình ảnh ông Cụt của người Việt còn rất gần gũi với hình ảnh Khú con/thằng Cụt trong truyện cổ tích Mường1. Liệu sự “gần gũi” này có bắt nguồn từ việc tộc người Việt và Mường trong lịch sử đã từng chỉ là một chứ chưa phải là hai tộc người khác nhau? Nếu đúng như vậy thì nhận định của chúng tôi về ông Cụt – ông Dài là cặp thần rắn có mặt sớm hơn cả trên thần điện dân gian của người Việt là hoàn toàn có cơ sở.

     Mô típ thường gặp trong những truyền thuyết về ông Cộc/Cụt – ông Dài ở châu thổ sông Hồng, là trứng nở ra rắn chứ không phải nở ra người như những vị thần rắn khác, rồi sau đó do một sơ suất nào đó mà một con rắn bị cụt đuôi nên được gọi là ông Cụt/Cộc, con lành lặn được gọi là ông Dài. Tuy nhiên, có thể chi tiết “bị cụt đuôi” chỉ là một dị bản để dân gian lý giải cho việc do bị tật nên ông Cụt thường hung dữ và hay gây họa cho con người, bởi theo GS. Từ Chi, dị bản thường gặp nhất của truyền thuyết này chỉ là “hai anh em rắn được vợ chồng một lão nông nuôi từ tấm bé, lớn lên, chiếm lĩnh một bến đò hay một khúc sông và trả nghĩa cho bố mẹ nuôi. Cặp thần rắn này được thờ hoặc tại đình, với tư cách là những thần phụ, cạnh Thành hoàng làng, hoặc tại đền riêng”2. Như vậy, có thể nói, mô típ cơ bản nhất trong dạng truyền thuyết về ông Cộc/Cụt – ông Dài và có thể dùng để phân biệt với các vị thần rắn khác, đó chính là trứng nở ra rắn. Và, hình dạng đó được các ngài lưu giữ trong suốt quá trình giáng trần của mình. Tuy nhiên, với trường hợp đức thánh Tam Giang (đôi khi được đồng nhất với Trương Hống – Trương Hát), chúng tôi cho rằng, phải trải qua một thời gian nhất định thì mới xảy ra quá trình “nhân hóa” ông Cụt/Cộc – ông Dài để trở thành “người anh hùng của lịch sử”, tức Trương Hống và Trương Hát, do trung thành với Triệu Việt Vương mà tuẫn tiết ở ngã ba Xà (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), rồi hiển linh thành thánh Tam Giang, được thờ phụng dọc sông Cầu “thượng chí Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu”. Có thể nhìn thấy sự “đứt gẫy” rất rõ trong quá trình “phát triển” từ ông Cộc – ông Dài cho đến đức thánh (Trương) Tam Giang, bởi đến Trương Hống – Trương Hát thì dấu vết “rắn” của các ngài chỉ còn được biết đến thông qua việc người mẹ sinh ra “một bọc”, rồi nở ra 2 hoặc 5 người con. Đây đã là mô típ phổ biến cho những vị thần rắn ra đời muộn hơn trên thần điện của người Việt (trứng – kết quả của cuộc hôn phối giữa người và rắn/rồng – nở ra người chứ không phải ra rắn). Thêm nữa, tư tưởng “trung quân ái quốc” mang nặng tính chất Nho giáo có lẽ chỉ phổ biến trong xã hội Việt từ thời nhà Lê, nên chúng tôi cho rằng, có thể phải đến lúc này, vì những nguyên nhân lịch sử, chính trị cụ thể nào đó mà ông Cộcông Dài mới được “khoác” thêm những “lớp áo” lịch sử, để trở thành đức thánh Tam Giang. Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy một bản thần tích hay truyền thuyết nào về đức thánh Tam Giang cho thấy có mối “liên hệ” giữa ông Cộc – ông Dài và Trương Hống, Trương Hát ở vùng ven sông Cầu, nhưng những lời truyền khẩu trong dân gian [được các GS. Từ Chi, Trần Quốc Vượng… ghi lại trong các nghiên cứu của các ông3] đều cho ông Cộc – ông Dài chính là đức thánh Tam Giang. Do vậy, trong điều kiện tư liệu hiện có, tạm thời chúng tôi chưa đi sâu nghiên cứu trường hợp này.

     Trên cơ sở các thần tích và truyền thuyết về ông Cụt – ông Dài mà chúng tôi đã được tiếp cận, có thể thấy hình ảnh các vị thần linh này hiện lên trong con mắt dân gian tương đối đặc biệt: ở địa phương/khúc sông này thì các ngài là phúc thần, nhưng ở địa phương/khúc sông khác lại là thủy quái. Tức là, ở các vị thần này, tính hai mặt của nước đối với con người (vừa đem lại sự sống lại vừa gieo tai họa) được bộc lộ một cách rõ rệt nhất. Hay nói một cách khác, việc thờ phụng ông Cộc – ông Dài đã cho chúng ta hiểu được rằng, ngay từ rất sớm, người Việt đã “nhìn” thấy được cả những mặt lợi và hại mà nước có thể đem lại cho con người. Và, bất kỳ một sự thái quá (ít quá hoặc nhiều quá) hay không bình thường nào về nguồn nước, đều sẽ tác động tức thì và trực tiếp lên cuộc sống của con người.

     Trong tư cách là phúc thần, ông Cụt – ông Dài là những vị thần có thể đem mưa tới hoặc có khi lại hộ đê chống lụt, điều này phụ thuộc vào điều kiện địa lý tự nhiên của từng vùng đất cụ thể. Ở đền Chóa/Chân Lạc (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), ông Cộc – ông Dài được thờ ở hậu cung/cung cấm trong hình ảnh tượng thần rắn. Theo thần phả còn lưu tại đền và những ghi chép từ những triều đại trước (như Đại Nam nhất thống chí, Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí…), thì đền Chóa thờ 3 vị thủy thần là Thủy tộc Long quân, Hoàng Hà đoan khiết phu nhân và Tam Giang công chúa. Theo đó, bà chúa Thánh Nương (tức Hoàng Hà đoan khiết phu nhân) là con gái một Lạc tướng của vua Hùng, sinh sống ở Chân Lạc và có công truyền nghề trồng dâu nuôi tằm cho nhân dân trong vùng (Chân Lạc vào thời bà chúa gồm cả 12 làng Chóa nói chung). Bà cũng là vợ của Thủy tộc Long quân/Long Vương (ngài là một con trai trong bọc trăm trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, quản lãnh vùng đất dọc sông Cầu) và là mẹ của Tam Giang công chúa4. Nếu căn cứ vào những ghi chép này, có thể cho rằng, vị thần được thờ chính ở đền Chân Lạc là bà chúa Thánh Nương – một vị tổ nghề của vùng Chân Lạc/kẻ Chóa xưa (theo giải thích của dân gian thì sau khi Thánh Nương qua đời, do phải kiêng chữ “Chúa” – từ bà chúa – nên mới đọc chệch thành “Chóa”) – cùng chồng và con gái của ngài. Nhưng chúng tôi cho rằng, lý giải theo thần phả về những vị thần được thờ ở đền Chóa như vậy thì chưa thật thỏa đáng, bởi ngoài tượng của bà chúa trong hậu cung/cung cấm, còn có tượng người rắn (nửa người, nửa rắn/rồng), được thờ một cách trang trọng. Dân gian thì cho rằng, đó là tượng của Long Vương và các con của ngài. Nhưng cũng theo bản thần phả trên thì Thánh Nương có hai lần sinh: lần thứ nhất được “một bọc ba trứng. Người nhà sợ hãi, bỏ vào chậu, đem xuống sông, đổ đi vào ngày 7 tháng Giêng”5và lần thứ hai bà sinh được một người con gái, là Tam Giang công chúa. Sau đó, thần phả cũng không nhắc gì tới “số phận” của bọc ba trứng trước đó, nên nếu cho rằng, bộ tượng rắn đó chính là Long Vương và các con của ngài thì chưa thật chính xác (vì thần phả không cho biết cụ thể bọc ba trứng đó có/sẽ nở ra người hay ra rắn?). Bên cạnh bản thần phả trên, người dân ở đây vẫn lưu truyền “Truyện chúa Chóa”, có những chi tiết khác với thần phả, nhưng chúng tôi cho rằng, nó lại “gần” hơn với sự thờ cúng ở đền. Ở truyền thuyết này, chúa Chóa sau khi lấy vua Thủy Tề đã đẻ ra hai quả trứng, sau đó nở ra hai con rắn, một con chẳng may bị đứt đuôi nên gọi là con Cộc. Sau khi bà chết, dân làng thương tiếc người đàn bà hái dâu nuôi tằm hay lam hay làm, lại cảm động trước tình mẫu tử của mẹ con bà, nên mới lập đền thờ bà làm chúa, vì vậy dân làng mới nói chệch “Chúa” thành “Chóa”6. Dựa vào lời truyền ngôn của dân gian như vậy, có thể thấy rằng, những vị thần được thờ ở đền Chóa là bà chúa và con của bà (thần rắn) là phù hợp, còn nhân vật được thần phả định danh là “Tam Giang công chúa” chúng tôi ngờ rằng, sau này mới được đưa về thờ trong quần thể đền (Tam Giang công chúa được thờ riêng ở miếu, thường được gọi là miếu bà cô). Do vậy, chúng tôi cho rằng, bản thần phả đã được các trí thức Nho học san định lại trên cơ sở những lời kể dân gian – những tên “chữ” như Thánh Nương hay Hoàng Hà đoan khiết phu nhân…, hoặc việc không đi sâu vào những chi tiết mà các nhà Nho thường cho là “hoang đường” như “sinh ra một bọc ba trứng”… đã cho chúng ta rõ điều này – đã làm cho hình ảnh của vị thần rắn bị khuất lấp đi ít nhiều, nhưng nhìn vào ban thờ, chúng ta sẽ hiểu được bản chất của thần linh cũng như sự thờ phụng ngài ở đền (chúng tôi ngờ rằng, nguyên thủy, ngôi đền chỉ thờ thần rắn. Và, “Chóa” là tên của vùng đất này từ thời cổ, nhưng sau những biến thiên của thời gian và lịch sử, do từ “Chóa” có thể là một từ cổ đã không còn thông dụng, người ta không còn hiểu nghĩa nữa nên đã dùng từ “Chúa” để giải thích, từ đó mới có “nhân vật” bà mẹ của thần rắn chính là bà chúa và cũng được thờ tại đền, để “phù hợp” với tên đất, tên đền?). Làng Chân Lạc nay – nơi tọa lạc đền Chóa – là trung tâm của vùng Chóa xưa. Và, đền Chóa đã đóng vai trò “trung tâm tín ngưỡng” cho dân cư của cả vùng. Vậy thì, người Chóa đã muốn “cầu xin” các thần rắn điều gì khi dựng đền thờ ngài và mẹ ngài ở nơi này? Vùng Chóa xưa nằm trên một dải đất cao, ven sông Cầu, từ rất sớm, cư dân ở đây đã phát triển nghề trồng lúa nước và trồng dâu nuôi tằm trên những bãi bồi [các hiện vật khảo cổ học đã chỉ ra rằng, cách ngày nay từ 2800 năm đến 2500 năm, người Việt cổ đã tụ cư đông đúc ở đây7]. Với cư dân trồng lúa nước lại tụ cư ở những dải đất cao ven sông, ước mong lớn nhất của họ sẽ luôn là đủ nước cho cây lúa. Tuy thần phả và những truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian không nhắc trực tiếp tới khả năng làm ra mưa của thần, nhưng bằng vào sự ghi nhận trong các thư tịch cổ8 và Đại Nam nhất thống chí: “hễ gặp năm hạn hán cầu đảo đều được mưa”, chúng ta đã hiểu được vai trò của các ngài trong đời sống tâm linh của cư dân sở tại. Cũng giống như làng Chân Lạc, người dân các làng Đại Từ, Cát Động, Kim Bài (đều thuộc Hà Tây cũ) sống ở ven sông Đáy, với nghề trồng lúa và trồng dâu nuôi tằm đã thờ ông Cộc – ông Dài làm phúc thần cho cộng đồng mình. Ở vùng đất này, ông Cộc – ông Dài, mà tên chữ là Thiên Quan và Ngũ Lôi, đã thể hiện vai trò của mình trong việc “đi gặp vua Thủy Tề, có lời nói giúp, để vua ban nước cho dân làng ta thoát nạn”9. Sau sự ra đi vĩnh viễn của đôi rắn – cũng là để trả nghĩa cho bố mẹ nuôi – mưa như trút nước, cây cối và con người đều hồi sinh, dân làng tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai xưa đã lập miếu thờ đôi rắn. Từ đó trở đi, mỗi khi hạn hán, người ta đều tới đây cầu đảo và luôn được ứng nghiệm10. Có thể thấy rằng, đến đây hình dung của dân gian về “vai trò” của ông Cộc – ông Dài đã tương đối rõ ràng: đó là những linh vật thuộc thế giới thủy tộc, có thể “xin” vua Thủy Tề ban nước/mưa cho trần gian, hoặc cũng chính các ngài đã “hy sinh” thân mình để mang mưa đến (theo lời dặn của bố nuôi, đôi rắn đã từ biệt bố mẹ nuôi để ra đi và không bao giờ “trở về” với bố mẹ nuôi được nữa). Nhưng quyền năng của ông Cộc – ông Dài không chỉ dừng lại ở việc “đem mưa đến” cho con người, mà còn thể hiện ở khả năng “hộ đê chống lụt”, giành lại mạng sống và của cải cho con người từ dòng nước dữ. Xã Văn Xá xưa (nay phần lớn đất đai thuộc về thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nằm ở gần đê sông Hồng, tuy toàn bộ đất canh tác của xã đều nằm khá sâu trong đê, nhưng có lẽ trong lịch sử, những trận vỡ đê cũng đã để lại những hậu quả không nhỏ cho người dân nơi đây. Bởi vậy “nhị vị Thủy Tế Long Vương” – những vị phúc thần của người Văn Xá mang hình dáng của một đôi bạch xà, có tên húy là Câu Mang huynh và Câu Mang đệ, đã dùng thân mình chặn ngang khúc đê vỡ, ngăn dòng nước chảy, nhờ vậy mà dân phu hàn lại được đoạn đê bị vỡ11. Không chỉ được thờ ở Văn Xá, nhị vị Thủy Tế Long Vương còn được thờ ở một số nơi khác trong tỉnh Hà Nam, như xã Văn An (nay là thôn Văn Tống, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân), xã Văn Lâm (nay là thôn Văn Lâm 1 và Văn Lâm 2, xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm)… cũng với ý nghĩa là thần “hộ đê” như ở Văn Xá.

     Hình tượng ông Dài – ông Cộc đại diện cho thủy quái có lẽ tập trung rõ rệt nhất trong sự phụng thờ quan lớn Tuần Tranh, đền gốc tại thôn Tranh Xuyên (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Theo thần tích và những truyền thuyết ở địa phương, “quan lớn Tuần Tranh” là thủy thần, có mặt trên dương thế trong hình hài của một đôi rắn (ông Cộc – ông Dài), lúc mới nở được hai ông bà “đã ngoại tứ tuần mà chưa có con” nuôi dưỡng, nhưng sau đó do sự phá phách của đôi rắn với người dân trong vùng (như ăn trộm gà, quần đảo các ao hồ làm cho làng xóm không được yên…) mà ông già phải thả rắn xuống sông. Khúc sông từ khi có đôi rắn bỗng nổi sóng to, gió lớn, thuyền bè qua lại hay bị đắm, khiến dân làng phải lập miếu thờ gọi là miếu ông Cộc, ông Dài. Sau đó, thủy thần bị vua Thủy Tề đầy ra khúc sông Tranh, nơi đây lại trở thành nỗi khiếp sợ của những thuyền bè mỗi khi có dịp qua lại: nước xoáy, sóng to, gió lớn luôn rình rập, dân làng Tranh lại phải lập đền thờ cúng12. Tương truyền, nguyên thủy ngôi đền được dựng gần bến đò Tranh xưa, sau do sông Tranh đổi dòng, nên đền phải dời vào vị trí như hiện nay (?). Nhìn vào vị trí của ngôi đền, cũng như đặc điểm của khúc sông Tranh khi xưa (là đoạn sông dữ, có vùng nước xoáy, dễ gây nguy hiểm cho thuyền bè qua lại), có thể hiểu được/thấy rằng, ở đây, ông Cộc – ông Dài đã được thờ phụng trong tư cách là thủy quái, đại diện cho những hiểm họa mà sông nước có thể gây ra cho con người. Đứng trước những hiểm họa này, trong điều kiện của mình, người Việt xưa đã tìm được một cách ứng xử về mặt tâm linh, mà họ cho là tối ưu nhất: làm “yên lòng” thủy quái bằng thái độ tôn trọng, kính sợ và dâng lễ vật. Ngôi đền thờ quan lớn Tuần Tranh ở Kỳ Cùng (Lạng Sơn) cũng có vị trí tương tự như ở đền Tranh – Hải Dương (cũng ở cạnh bờ sông có vùng nước dữ), đã cho thấy khá rõ ràng quan niệm của người xưa. Sự thờ phụng này đã thể hiện một thế ứng xử của người Việt đối với nước: muốn hòa hoãn, thu phục chứ không muốn đối đầu. Cũng có tư liệu (cả truyền ngôn dân gian và thư tịch) cho rằng, quan lớn Tuần Tranh chính là Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễn (con trai trưởng của Trần Hưng Đạo). Chúng tôi cho rằng, có thể đây chỉ là hiện tượng hội nhập và lịch sử hóa thần rắn của dân gian sau này, khi mà đền thờ ông Cộc – ông Dài đã “ngự trị” vững chãi ở bến đò Tranh và trong tâm linh cư dân trong vùng.

     Tín ngưỡng thờ ông Cụt – ông Dài thực chất là sự thể hiện lòng kính sợ của con người trước sức mạnh khôn lường của các dòng sông/nước sông, đồng thời cũng chứng tỏ rằng, từ rất sớm, tộc người Việt đã “nhìn” thấy được cả những mặt lợi và hại mà nước có thể đem lại cho con người. Chúng tôi cho rằng, nguyên thủy ông Cộc – ông Dài là sự thiêng hóa những khúc sông, bến đò cụ thể, được hình tượng bằng con rắn – con vật đại diện phổ biến cho thế giới nước. Sau này, do có sự can thiệp của giới Nho sĩ vào đời sống tín ngưỡng dân gian (san định lại các thần tích), mà sự tích về các ngài được gán cho những niên đại tương đối cụ thể (như vào đời vua Lý Thái Tổ hay vua Lê Cảnh Hưng…) – để tăng tính “xác thực” – nhưng thực ra, việc thờ rắn phải ra đời từ trước những niên đại có thực trên các bản thần tích mà hiện nay chúng ta đã biết./.

     Chú thích:

     1- Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn hóa Thông tin – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, Tr. 47.

     2- Nguyễn Từ Chi (1996), Sđd, Tr. 540.

     3- Nguyễn Từ Chi (1996), Sđd, Tr. 540. Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, Tr. 142.

     4- Báo cáo khảo sát di tích lịch phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077. Địa điểm, đình – đền – chùa thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (1989), trong Hồ sơ di tích Dinh Lai – Trại Chùa. Tài liệu đánh máy lưu tại Cục Di sản Văn hóa.

     5- Báo cáo khảo sát… (1989), Tlđd, Tr. 31.

     6- Huyện ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong (2002), Địa chí Yên Phong, Nxb. Thanh niên, H, Tr. 365 – 367.

     7- Báo cáo khảo sát …(1989), Tlđd, Tr. 2.

     8- Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu HánNôm (2009), Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm, Nxb. Khoa học xã hội, H, Tr. 236, 310.

     9- Nguyễn Hữu Thức (2008), Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian Hà Tây, Nxb. Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa, H, Tr. 79.

     10- Nguyễn Hữu Thức (2008), Sđd, Tr. 80 – 81.

     11- Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Thông tin khoa học xã hội – Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, Sở Văn hóa – Thông tin (2004), Thần tích, thần sắc Hà Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H, Tr. 576 – 578.

    12- Vũ Thanh Sơn (2002), Thần linh đất Việt, Nxb. Văn hóa dân tộc, H, Tr. 949 – 951.

Nguồn: Di sản văn hóa, Số 1 (42) – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Về tục thờ Rắn qua huyền thoại ông Cụt – ông Dài ở châu thổ sông Hồng
(Tác giả: Võ Hoàng Lan)