Vị thế của dinh Quảng Nam đối với xứ Đàng Trong
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN VĂN ĐĂNG* – CN. MAI VĂN ĐƯỢC
(Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế)
Xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn cho dù được ra đời từ ý đồ ly khai, tránh thế lực đang muốn thâu tóm quyền lực của vua Lê là họ Trịnh, nhưng nó thật sự là xứ sở cho những thế lực mới, nguồn sinh khí mới nảy sinh, phát triển. Dân tộc Việt Nam đã từ đó tiếp tục mở đất để có một lãnh thổ rộng dài như hiện nay; nhà cầm quyền – chúa Nguyễn – có nhiều chính sách tích hợp Nho – Phật – Đạo – tín ngưỡng bản địa để an dân, mở mang kinh tế đối ngoại, hội nhập với thế giới bên ngoài, đưa Đàng Trong phát triển về mọi mặt tiến kịp với Đàng Ngoài. Có được những thành quả lịch sử đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi như thế, vùng đất Thuận – Quảng nói chung, Quảng Nam nói riêng, đã trở thành vùng đất trọng yếu, có vị thế quan trọng trong sự phát triển xứ Đàng Trong, thể hiện vai trò là trung tâm lớn của đất nước thời bấy giờ.
Bài viết này thử đề cập đến vị thế của vùng đất dinh Quảng Nam trong lịch sử xứ Đàng Trong trên một số lĩnh vực nổi bật: chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự…
1. Về chính trị, dinh Quảng Nam xưa là trung tâm chính trị lớn sau Đô thành Huế, là kinh đô thứ hai của Đàng Trong
Năm 1600, sau khi vĩnh viễn rời đất Bắc, Nguyễn Hoàng có một loạt hành động để xác lập quyền lực ở Thuận Quảng và chuẩn bị cho sự ra đời xứ Đàng Trong. Ông đã chuyển lỵ sở đầu não từ dinh Trà Bát sang dinh Cát, cho dựng nhiều ngôi chùa trọng yếu, mở đất Phú Yên và đặc biệt là dựng dinh Cần Húc, đưa Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ đất Quảng Nam (1602), cắt vùng đất Nam Hải Vân (thuộc huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa) nhập vào dinh Quảng Nam (1604). Sử cũ chép: Năm 1602, Nguyễn Hoàng đặt làm dinh Quảng Nam (廣南營) với các chức quan cai trị: trấn thủ, cai bộ, ký lục: “… Sai hoàng tử thứ sáu (Nguyễn Phúc Nguyên) làm trấn thủ Quảng Nam… Liền vượt qua núi (Hải Vân) xem xét hình thế, dựng trấn dinh ở xã Cần Húc (nay thuộc huyện Duy Xuyên), xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu trấn giữ. Lại dựng chùa Long Hưng ở phía đông trấn”.1
Ở đây, cần hiểu dinh/doanh được dùng phổ biến thời chúa Nguyễn với 3 nghĩa cơ bản: [1] đơn vị hành chính, một khu vực hành chính cấp tỉnh (dưới trung ương); [2] nơi đóng lỵ sở của chúa ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam; và [3] đơn vị quân đội lớn.2
Ở nghĩa [1], cơ cấu hành chính của dinh Quảng Nam3 dưới viên trấn thủ gồm có hai ty là Xá sai ty và Tướng thần lại ty với biên chế: “Xá sai ty Câu kê 3 người, Cai hợp 7 người, Thủ hợp 10 người, lại viên 40 người, giữ việc từ tụng văn án, do Ký lục cầm đầu; lại có ty Tướng thần lại, số người cũng thế, giữ việc cấp lính các xã, cấp các vi tử làm ngụ lộc, thu phát tiền sai dư và thóc tô ruộng do một viên Cai bạ đứng đầu”.4 Rõ ràng, dinh Quảng Nam là một dinh lớn chỉ sau Chính dinh Phú Xuân. Nơi đây chỉ thiếu Lệnh sử ty mà ở Chính dinh Phú Xuân mới có.
Ở nghĩa [2], từ dinh Cần Húc (1602) đến dinh Thanh Chiêm (1617 – 1832) có thể được xem là “kinh đô thứ hai”, tương đương như là “dinh thự” của chúa Nguyễn, là nơi các vị hoàng tử “tập dượt” cách trị vì đất nước trước khi kế nhiệm ngôi chúa ở Phú Xuân.
Gần như triều đại nào cũng có kinh đô thứ hai, nhưng so với các triều đại trước, thì trung tâm chính trị/kinh đô thứ hai thời chúa có nhiều sự khác biệt về vị trí và chức năng.5 Lỵ sở Quảng Nam là dinh Cần Húc / dinh Thanh Chiêm không phải là nơi quê gốc, là nơi nghỉ ngơi hay khu lăng tẩm của chúa như kinh, phủ của các triều đại trước đó mà là kinh đô thứ hai theo đúng nghĩa của nó.
Lỵ sở Quảng Nam (dinh Cần Húc / dinh Thanh Chiêm) được xây dựng quy mô bề thế tương xứng với một đơn vị hành chính rộng lớn và quan trọng, trở thành trung tâm chính trị lớn thứ hai sau phủ Phú Xuân. Nơi đây, các chúa đã sai các con đến tập dượt làm chính sự để có thể kế nhiệm mình trị vì đất nước. Sử cũ chép: “Năm 1602… Sai hoàng tử thứ sáu (Nguyễn Phúc Nguyên) làm trấn thủ Quảng Nam. Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa”.6 “Tháng 4 [năm Giáp Dần (1614)] thăng hoàng tử cả là Chưởng cơ Kỳ là Hữu phủ Chưởng phủ sự, trấn giữ dinh Quảng Nam. Kỳ tới trấn, chăm làm việc ân huệ, yêu thương quân dân, trong cõi yên vui”.7
Năm 1631, chúa sai hoàng tử thứ ba là Nguyễn Phúc Anh làm trấn thủ Quảng Nam, hoàng tử thứ tám làm tham tướng.8 Tuy nhiên, Nguyễn Phúc Anh đã mưu đồ làm phản, ngầm liên kết với chúa Trịnh, bị Ký lục họ Phạm phát giác.9 Tiếp nối Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Kỳ, Nguyễn Phúc Anh, Nguyễn Phúc Tần… các vị “thái tử”, hoàng tử khác cũng đã từng làm trấn thủ ở đây.
Các chúa Nguyễn ý thức được Quảng Nam là một vùng chiến lược trọng yếu nên ngoài việc đưa các con mình trấn giữ, còn đưa những cận thần tài giỏi vào giúp cai quản; như sau khi dẹp hoàng tử Nguyễn Phúc Anh mưu phản (1635), sai Bùi Hùng Lương làm Chưởng dinh trấn thủ Quảng Nam, Dương Sơn làm Cai cơ, Phạm làm Nội tán.10 Năm 1687 sai Chưởng dinh Nguyễn Đức Bảo (người Quý huyện) làm trấn thủ Quảng Nam.11 Năm 1710 sai Cai án Phạm Hữu Huệ làm Cai bạ dinh Quảng Nam, Thư ký Nguyễn Đăng Đệ làm Ký lục.12 Nguyễn Đăng Thịnh cũng từng làm Ký lục Quảng Nam…
Những điều này nói lên vị thế địa chính trị của Quảng Nam trong thế liên hoàn Thuận – Quảng. Thuận Hóa là trung tâm chính trị, nơi đóng dinh chúa, hoạch định các chính sách lớn, nơi có chiến trường ác liệt với thế lực họ Trịnh ở Đàng Ngoài, còn Quảng Nam là dinh trấn trọng yếu về mọi mặt, hỗ trợ cho Thuận Hóa, tập sự cho các thế tử làm chúa ở Phú Xuân…
2. Quảng Nam trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất, một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa phòng ngự ở mặt bắc với chúa Trịnh và trở thành đất trung chuyển cho dân tộc tiến về phương Nam
Dinh trấn Thanh Chiêm là cơ quan đầu não, cai quản một trung tâm kinh tế lớn nhất xứ Đàng Trong là dinh Quảng Nam với địa bàn rất rộng (từ Nam Hải Vân đến hết đèo Cù Mông) và là một trung tâm lớn nhất trong sản xuất hàng hóa, nơi quy tụ hàng hóa của cả nước để xuất khẩu.
Trước hết, về bức tranh dân cư: Sự cộng cư hình thành làng xã của cộng đồng cư dân Đại Việt – Champa trên đất Quảng Nam diễn ra lâu dài từ thời Trần đến thời chúa Nguyễn. Dân cư Quảng Nam chủ yếu từ vùng Thanh – Nghệ vào khai phá, cộng cư với người tiền trú là các tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Kh’mer và Mã Lai – Đa đảo vốn đã thuộc vương quốc Champa. Những cuộc di dân thời Hồ – Lê sơ có quy mô lớn hơn thời Trần đặt nền móng cho sự hình thành cư dân Quảng Nam. Sách Ô châu cận lục viết năm 1555 ghi nhận huyện Điện Bàn có hơn 66 làng xã được lập.13
Sang thời chúa Nguyễn, các cuộc di dân ồ ạt hơn, nhanh chóng lấp đầy những vùng đất còn hoang hóa và hình thành tương đối hoàn chỉnh làng xã nơi đây. Có thể dẫn dụ các làng Đà Ly – Đà Sơn ở Hòa Vang, Câu Nhi (có họ Thân), Phước Đức (họ Phạm), Xuân Đài (họ Hoàng), Mân Thái (họ Lê), Cẩm Phô (họ Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn), Trà Kiệu (13 tiền hiền thời Lê Thánh Tông, 4 người vào năm 1578 và 13 “hậu hiền” theo Mạc Cảnh Huống năm 1600)…14
Với nguồn nhân lực dồi dào, các chính sách mở mang kinh tế đối ngoại và thúc đẩy kinh tế hàng hóa trong nước phát triển đã làm cho xứ Quảng Nam phát triển phồn thịnh. Tiên chúa Nguyễn Hoàng đã sớm nhận thức được vị thế của vùng đất Quảng Nam. Sử cũ chép: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân thì cũng bằng quá nửa. Chúa thường để ý kinh dinh này. Đến đây, đi chơi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm nằm ngang đến bờ biển. Chúa khen rằng: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”.15
Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã viết về sản vật xứ này: “Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản xuất vàng. Họ Nguyễn đặt hộ đãi vàng ở các phủ, gọi là thuộc Kim hộ, mỗi thuộc hơn 40 thôn, phường… Ở trường vàng có quan Chánh Cai ty Ngân tượng theo đi để nấu, có ty Nội Lệnh sử cắt lượt nhau đi thu”.16 Kho tàng chứa thóc gạo, tiền của chúa: Thuận Hóa có 7 kho, Quảng Nam 12 kho “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy”.17
Từ đất đai màu mỡ rộng rãi, sản vật phong phú dồi dào, các hoạt động sản xuất hàng hóa ở Quảng Nam rất phát triển. Các nghề và làng thủ công lần lượt ra đời. Ở xứ Điện Bàn, Thăng Hoa nổi tiếng nhất là nghề dệt các loại, tiêu biểu là làng Thi Lai, các làng ven sông Thu Bồn, các làng ở Gò Nổi (Điện Bàn). Nghề yến ở Thanh Châu (Hội An), Cù Lao Chàm, nghề chiếu cói Bàn Thạch, làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, làng trống Lâm Yên, làm đá Quán Khái (Non Nước)… Nguồn Ô Da có sáp ong, nguồn Chiên Đàn có mật ong, nguồn Thu Bồn có quế, ở Trà My có mỏ vàng, ở Diên Phước có đường thạch khối, đường mật… “Từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người Khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.18
Mảnh đất Quảng Nam phồn thịnh, ngân sách của chúa nhờ đó mà thu được nhiều sản vật dự trữ qua chính sách tô thuế. Tô thuế năm 1769, Thuận Hóa 63.865 thăng; năm 1767, từ Quảng Nam đến Gia Định là 6.048.526 thăng, 8 hộc thóc… Rõ ràng, thuế thóc gạo của dinh Quảng Nam đóng góp một khối lượng lớn, chiếm đến gần một nửa của cả xứ Đàng Trong với gần 2.918.581 thăng. Trong đó 3 phủ của dinh Quảng Nam như sau: phủ Thăng Hoa có 1.681.293 thăng, phủ Quảng Ngãi có 1.221.882 thăng, phủ Quy Nhơn 15.406 thăng.19
Với sự phát triển của kinh tế và quân sự, Quảng Nam trở thành bàn đạp để các chúa Nguyễn tiến hành Nam tiến một cách mạnh mẽ. Cư dân Quảng Nam cùng cư dân Thuận Hóa trở thành nguồn lực chính để các chúa Nguyễn tổ chức nguồn nhân lực khai phá vùng đất mới mở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Các luồng di cư vào Nam xuất phát từ đây diễn ra thường xuyên liên tục từ thời chúa cho đến sau này để lại khá nhiều địa danh (làng xã, vùng đất) mang dấu ấn Quảng Nam trên vùng đất từ Nam Trung Bộ đến tận miền Tây Nam Bộ, tiêu biểu như dòng họ của Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại…
3. Trong thời đại hội nhập, Hội An của Quảng Nam trở thành thương cảng quốc tế, là cửa ngõ trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại, mở rộng giao thương với bên ngoài của chúa Nguyễn
Mang tầm nhìn thoáng đạt hơn, nắm bắt xu thế của luồng thương mại thuyền buồm ven biển Đông Nam Á, chúa Nguyễn đã ra sức mời gọi, tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại các cảng thị của Việt Nam.
Với vị thế là cảng sông ở vùng kinh tế hàng hóa phát triển Quảng Nam, Hội An có hai cửa vào là cửa Đại Chiêm (thường dành cho tàu thuyền đến từ phía Nam) và cửa Hàn (tàu thuyền đến từ phía Bắc). Nơi đây tập trung các thương nhân từ nhiều nước đến buôn bán. Thương nhân Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc đến theo mùa gió, xây dựng các khu phố định cư, buôn bán, gom hàng chở về nước hoặc làm đại lý buôn bán với thương nhân phương Tây. Các thương nhân phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đã từng mở thương điếm tại Hội An, thông qua người Hoa, người Việt để mua hàng hóa.
Để phục vụ cho thương cảng quốc tế, xung quanh Hội An mật tập một vùng làng nghề cung cấp hàng hóa. Đặc biệt là nghề làm mộc, đóng ghe bầu để vận chuyển hàng hóa giao dịch mua bán. Phạm vi hành nghề của thợ đóng ghe bầu Hội An khá rộng, bao gồm hầu hết các địa phương Đàng Trong và một số nơi ở Đàng Ngoài. Phương thức hành nghề chủ yếu là lập thành các kíp thợ từ 10 – 20 người đi đóng ghe thuê hoặc lập thành trại ghe cố định. Theo tư liệu hồi cố, vào đầu thế kỷ XX, chỉ riêng các vạn ghe bầu Thanh Châu, Cẩm Phô (ở Hội An) và Bàn Thạch, Duy Vinh, An Hòa (ở Duy Xuyên) cũng đã có đến 120 chiếc với tải trọng phổ biến từ 50 – 100 tấn/chiếc…20 Tại Bảo tàng Hội An có mô hình ghe bầu vận tải đường biển, thường có chiều dài cỡ 12 – 15 m, ngang gần 3 m… Trong các thế kỷ XVII – XVIII, ghe bầu là phương tiện chính trong việc chở thóc gạo từ Gia Định ra bán ở Thuận – Quảng và vải vóc, lụa lãnh từ nơi đây vào cung cấp cho vùng đất phương Nam.
Dinh trấn Thanh Chiêm được giao quản lý thương cảng quốc tế Hội An trong chính sách mở mang kinh tế đối ngoại của chúa Nguyễn. Bộ máy chính quyền ở dinh trấn Thanh Chiêm đã phối hợp với Tào vụ ty của triều đình đến thương cảng Hội An nhằm quản lý hải quan, thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu của thương thuyền tại đây.
Nơi đây, nhà nước đặt cơ quan chuyên trách gần như duy nhất trong xứ, về quản lý ngoại thương bằng cơ quan Tào vụ ty: “Lệ Tào vụ của họ Nguyễn, hàng năm cứ tháng Giêng thì các viên Cai bạ, Tri bạ, Lệnh sử, Cai phủ, Ký lục của Tàu ty đều vào phố Hội An… chia sai những người thuộc quân thông hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù lao Chiêm (Cù lao Chàm) và cửa Đà Nẵng, thấy có tàu buôn các nước đến đấy thì phải hỏi xét tất cả, quả là tàu buôn bán chịu thuế thì đem thuyền trưởng và tài phó tàu ấy vào phố Hội An, trình quan Cai bạ, xét thực khải lên và trình quan Cai tàu để truyền cho Tuần ty đem dân phụ lũy đến hộ tống tàu ấy vào cửa, đậu ở sở tuần… Năm Tân Mão, tàu buôn các xứ đến Hội An 16 chiếc tiền thuế là 30.800 quan. Năm Nhâm Thìn 12 chiếc, tiền thuế là 14.300 quan. Năm Quí Tỵ 8 chiệc tiền thuế là 13.200 quan”.21 Hội An của Quảng Nam trở thành cảng thị lớn nhất, sầm uất nhất xứ Đàng Trong, không chỉ tập trung hàng hóa khắp nơi chuyển về để bán ra nước ngoài mà còn là nơi tiếp nhận thương thuyền, mật tập hàng hóa phân phối về các dinh trấn qua các cảng thị khác ở Đàng Trong. Các cảng thị khác trong xứ như Thanh Hà (Huế), Thu Xà (Quảng Ngãi), Nước Mặn (Quy Nhơn), Cửa Hàn (Đà Nẵng)… chỉ là “tiền cảng” (cảng phía trước/cảng vệ tinh) cho thương cảng quốc tế Hội An. Giáo sĩ Cristoforo Borri đến Quảng Nam đầu thế kỷ XVII đã ghi nhận vai trò của Hội An trong bản tường trình: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng nhất là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam”.22 Còn Hòa thượng Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự đã cho thấy sự phồn thịnh của Hội An: “Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại Hội An vậy… Hai bên nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng…”23
4. Từ cửa ngõ lớn nhất xứ Đàng Trong, Quảng Nam sớm có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng cho rằng: “Hội An: đó là sự hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”.24 Với tư cách là cửa ngõ giao thương lớn nhất nước thời bấy giờ, thông qua việc giao thương với bên ngoài, việc tiếp xúc giao lưu, đón nhận những sắc thái văn hóa mới như du nhập đạo Thiên Chúa, sự ra đời của chữ Latinh, tiếp nhận những yếu tố kỹ thuật mới cũng là một yếu tố góp phần nâng vị thế của dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Thông qua cửa Đại Chiêm, cửa Hàn, các nhà truyền giáo tập trung nhiều ở vùng đất của biển, cũng từ đó họ sớm đặt chân đi các nơi khác trong vùng Quảng Nam và cả xứ Đàng Trong. Thông qua đó, Thiên Chúa giáo du nhập vào nước ta với nhiều dòng khác nhau như Dòng Tên, dòng Đa Minh…
Có thể nói trên vùng đất Quảng Nam, các địa điểm cửa Hàn, Faifo (Hội An), Trà Kiệu trở thành những nơi đầu tiên đón nhận sự xuất hiện các giáo sĩ, các cơ sở sinh hoạt Thiên Chúa giáo. Năm 1535 là năm đầu tiên đón nhận giáo sĩ Antonio de Feria đến cửa Hàn. Từ năm 1580 đến 1586, các thừa sai thuộc dòng Đa Minh là Luis de Fonseca và Gregoire de la Motte từ Malacca đến truyền giáo ở Quảng Nam. Họ được ghi nhận là hai vị thừa sai tử đạo đầu tiên trên đất Việt Nam.25 Tiếp bước họ, hai giáo sĩ Dòng Đa Minh khác là Alonze Jimenez và Diego Aduarte đã ghé vào cửa Hàn để tiếp tế lương thực. Năm 1615 ghi nhận giáo sĩ Buzomi – được xem là người sáng lập giáo hội Đàng Trong đến cửa Hàn. Sau đó là các giáo sĩ Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes (khoảng trước 1624), Cristoforo Borri… Họ được xem là những người đầu tiên đến cửa Hàn, Hải Phố (Hội An) để truyền giáo… Ngày 2.4.1722, cha Fellibe de la Concaption được Tỉnh Dòng Manila gửi đến Trà Kiệu, Quảng Nam. Ở đây, ông đã xây cất một ngôi nhà thờ kính thánh Philipphe, ở Hải Phố một ngôi nhà thờ kính các thánh tử đạo Nhật Bản.
Sự tiếp thu Thiên Chúa giáo đã tạo điều kiện cho chữ Quốc ngữ ra đời, mà Quảng Nam là cơ sở đầu tiên. Người có công lớn nhất và đầu tiên là giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585 – 1625). Ông đến Hội An năm 1617, sống và truyền đạo ở vùng dinh Quảng Nam. Ông rất chịu khó học tiếng Việt, giỏi tiếng Việt và trở thành thầy dạy tiếng Việt cho nhiều giáo sĩ khác, như giáo sĩ Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes… Ông là người đi tiên phong trong việc Latinh hóa tiếng Việt. Trong một đoạn thư ông gửi cho Cha bề trên là Feromino Rodriguez đã thể hiện rõ điều này: “Đối với tôi việc nghiên cứu tiếng nói, Ca Chão (Kẻ Chàm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách làtrung tâ m của triều đình: ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến nhà họ là những sĩ tử và bên cạnh họ…”.26 Đoạn thư đó cũng cho thấy vai trò của Quảng Nam như thế nào đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Đi liền với việc giảng đạo, chữ Quốc ngữ ngày càng hoàn thiện, chính thức ra đời qua cuốn Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes. Quốc ngữ ra đời không chỉ là công cụ giao tiếp mới của người Việt mà còn góp phần nhất định trong việc phát triển giao thương khi mà các nhà buôn phương Tây sử dụng nó trong quá trình buôn bán, giao dịch với nước ta.
Thông qua giao thương và tiếp nhận Thiên Chúa giáo (mặc dù tiếp nhận có phần hạn chế và không chủ động), các giáo sĩ và các thương nhân đến nước ta đã để lại những nguồn sử liệu quý giá. Nó không chỉ cho chúng ta biết về tình hình của xứ Đàng Trong nói riêng và đất nước ta nói chung mà nó còn là nguồn tư liệu quý giá để các nhà nghiên cứu sử dụng để làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử đã diễn ra thời bấy giờ. Kiến trúc nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng đã bắt đầu du nhập vào nước ta, có các nhà thờ được xây dựng ở cửa Hàn, ở Nước Mặn…
Các kỹ thuật mới và khoa học kỹ thuật được du nhập vào nước ta. Hai cha con giáo sĩ João da Cruz (người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ, còn có tên là Jean de la Croix) và Clement de la Croix được chúa Nguyễn mời ra Phường Đúc (ở Phú Xuân) giúp các thợ ở đây đúc súng theo kỹ thuật phương Tây. Nghề làm đồng hồ, kính thiên lý cũng có cơ hội được du nhập (mặc dù không trực tiếp ở Quảng Nam). Người Bồ Đào Nha đúc đại bác cho chúa…27
5. Dinh Quảng Nam có tiềm lực quân sự mạnh, sát cánh cùng Chính dinh Phú Xuân bảo vệ bờ cõi và đẩy mạnh Nam tiến
Để bảo vệ lãnh thổ, các chúa đã ra sức phát triển ngành công nghiệp quốc phòng là sản xuất vũ khí, đóng thuyền chiến và thuyền vận tải công cộng. Thông qua giao thương với bên ngoài, chúa đặt mua các mặt “hàng chiến lược”: vũ khí (đại bác và súng trường), lưu huỳnh, đồng, sắt để đúc chế vũ khí; gươm đao theo kiểu Nhật Bản,…
Trong các công xưởng của chúa Nguyễn thì ngành đóng tàu là vô cùng quan trọng phục vụ mục đích quân sự, giao thông. Địa điểm các xưởng đóng tàu thuyền phần lớn đều tập trung ở đôi bờ sông Hương (Phú Xuân). Ngoài sông Hương, dòng sông Thu Bồn là nơi chúa huy động thợ đóng thuyền giỏi của cư dân Quảng Nam tổ chức xưởng đóng thuyền Hà Mật28 với quy mô rất lớn được sử sách ghi lại: “Vào năm 1674, chúa Nguyễn Phúc Tần đã có 133 chiến thuyền do các xưởng trực thuộc phủ chúa đóng”.29 Một nhân chứng người Anh, Thomas Bowyear, khi đến Đàng Trong năm 1695, đã nhận thấy rằng: lực lượng thủy quân của chúa Nguyễn Phúc Chu gồm: “200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 – 44 tay chèo. 100 chiến thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo, 3 chiếc của người Âu. Các thuyền chiến trên đều do xưởng của Phủ chúa đóng. Xưởng đóng tàu Hà Mật có tới 4.000 thợ và đóng được những chiến thuyền trọng tải đến 400 tấn”.30
Dinh trấn Thanh Chiêm là một trong ba căn cứ thủy quân lớn nhất của chúa Nguyễn ở Đàng Trong (Chính dinh, Quảng Nam dinh và Trấn Biên dinh). Trang bị cho dinh được Phủ biên tạp lục chép lại: Dinh Quảng Nam có 5 cơ; Trung cơ, Trung Thủy, Tả thủy, Hữu Thủy, Tả thắng bộ, có đội Hùng thủy, 3 tượng đội…31 Biên chế quân lực cũng khá lớn: “Số binh Thuận Quảng thì xứ Quảng Nam chiếm quá nửa. Xứ Thuận Hóa tô ruộng cũng ít, thừa chở thóc ở Quảng Nam để cấp cho quân, có quan coi việc chuyên chở…”.32
Giữa thế kỷ XVII, việc thế tử Nguyễn Phúc Tần đem quân của mình ở Quảng Nam đánh thắng ba hạm đội hoàng gia Hà Lan đã minh chứng cho sức mạnh quân sự ở đây. Năm 1642, thủy quân Đàng Trong xuất phát từ dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam đã đánh tan hạm đội Hà Lan gồm 5 chiến thuyền, 152 thủy thủ và 70 lính do Liesvelt chỉ huy đã uy hiếp vùng biển Cù Lao Chàm và thương cảng Hội An. Năm 1644, lại có 3 chiếc tàu cũng của Hà Lan do Pieter Baek chỉ huy đến Cù Lao Chàm bắt một số người dân. Thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần, con của chúa Nguyễn Phúc Lan và bà Đoàn Quý phi, trực tiếp chỉ huy 60 chiến thuyền xua đuổi đội tàu này.33
Quảng Nam là vùng phên dậu của nước ta trong một thời gian dài. Trong đoàn quân Nam tiến những năm 1611 vào Phú Yên, 1653 vào sông Phan Rang, 1693 vào Bình Thuận, chắc chắn binh dân Quảng Nam đóng vai trò trọng yếu trong việc mở đất các xứ này. Những lúc xảy ra giặc giã quấy nhiễu thì quân dân Quảng Nam trở thành lực lượng tiền tiêu, như sự kiện năm 1708: “Mùa thu, tháng 7 [năm Mậu Tý (1708)], bọn ác man ở Lũ Bá, Bà Rịa và bọn man Nam Bàn quấy rối cướp bóc dân ở biên thùy. Sai Câu Kê dinh Quảng Nam là Hòa Đức (không rõ họ) đem quân bản dinh (quân dinh Quảng Nam) đi đánh”.34 Việc trang bị vũ khí, phương tiện cho quân đội không chỉ bảo vệ bờ biển, xuất phát cho Nam tiến mà còn góp phần kiểm soát, quản lý thương nhân, giáo sĩ vào cửa cảng Hội An.
Tóm lại, có thể nói trong suốt thời chúa Nguyễn, dinh Quảng Nam có vị thế vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa và quân sự của xứ Đàng Trong. Đó là một dinh trọng yếu cùng với Thuận Hóa nhanh chóng phát triển về mọi mặt. Thuận Quảng nhanh chóng trở thành vùng đất căn bản cho chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp đối chọi với thế lực họ Trịnh và tiếp tục và hoàn chỉnh công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam.
Chú thích:
1, 6, 7, 8, 10, 15, 34 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, (Hà Nội: Giáo dục, 2002), 35-36, 35, 39, 47, 53, 35, 122.
2 Quân số của dinh trên dưới 5.000 người, gồm nhiều cơ do 1 Chưởng dinh chỉ huy.
3 Dinh Quảng Nam là một trong 12 dinh, 1 trấn của Đàng Trong giữa thế kỷ XVIII. Đó là: Bố Chính dinh, Quảng Bình dinh, Lưu Đồn dinh, Cựu dinh, Chính dinh, Quảng Nam dinh, Phú Yên dinh, Bình Khang dinh, Bình Thuận dinh, Trấn Biên dinh, Phiên Trấn dinh, Long Hồ dinh và Hà Tiên trấn.
4, 16, 17, 18, 21, 31, 32 Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1: Phủ biên tạp lục, (Hà Nội: Khoa học xã hội, 1977), 145, 225, 337, 234, 232, 192, 240.
5 Vị trí kinh đô thứ hai của các triều đại trước đây thường có vị trí gần như là quê hương của các triều vua. Thời Lý là khu vực Đình Bảng (Bắc Ninh), thời Trần là phủ Thiên Trường (Nam Định), thời Hồ lúc đầu là thành An Tôn (sau đó trở thành kinh đô chính thức – Tây Đô), thời Lê sơ là Lam Kinh (sau đó chuyển thành khu lăng mộ – Thanh Hóa), thời Mạc là Dương Kinh (Hải Phòng). Hơn nữa, chức năng chính của nó như là nơi an dưỡng, nghỉ ngơi của các vua chúa sau khi làm việc ở kinh thành Thăng Long. Nơi đó có thể được hiểu là ngôi nhà thứ hai (résidence) của các vua chúa.
9 “…Anh đến trấn, ngầm mang chí khác, muốn cướp ngôi thế tử, nuôi riêng dũng sĩ vài trăm người, bí mật ghi họ tên vào sổ “đồng tâm hướng thuận”. Từng viết mật thư đầu hàng họ Trịnh, nhưng công việc không thành. Đến đây nghe tin chúa lên ngôi, Anh tức thì phát binh làm phản, cùng Ký lục Phạm mưu đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống lại quân chúa. Phạm lẻn về đem tình trạng làm phản ấy trình chúa…” [Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, (Hà Nội: Giáo dục, 2002), 52].
11, 12 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Tập 1 và tập 2, (Huế: Thuận Hóa, 2014), 102, 125.
13 Dương Văn An, Ô châu cận lục. Tân dịch hiệu chú, Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, (Huế: Thuận Hóa, 2001), 65-67.
14 Đặng Văn Thu (Chủ biên), “Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, Nghiên cứu lịch sử, 1994, 87-89.
19 Xem thêm: Lê Đình Cai, 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), (Huế: Đăng Trình, 1971), 109.
20 Nguyễn Thanh Lợi, “Ghe bầu xứ Quảng”, Phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, Số 5+6/2010, 52-55.
22 Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, (TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 2014), 91.
23 Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, (Huế: Ủy ban phiên dịch sử liệu, Viện Đại học Huế, 1963), 116.
24 Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, (Hà Nội: Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2015), 447.
25 Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, (Hà Nội: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001), 102.
26 Roland Jacques, L’ocuvre de quelques pionniers portufais dans le domaine de la linguistique Vietnamienne jusqúen 1650, (Paris, 1995): Dẫn theo Nguyễn Phước Tương, “Vai trò dinh trấn Thanh Chiêm trong việc phát triển xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn”, Kỷ yếu Hội thảo Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam, (Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam, 2002), 53.
27 Li Tana, Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, (TPHCM: Trẻ, 1999), 63.
28 Nay là làng Hà Mật thuộc xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
29 Lê Đình Cai, 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), (Huế: Đăng Trình, 1971), 98.
30 Pierre Huard et Maurice Durand, Connaisance du Việt-Nam, (Hà Nội: E.F.E.O., 1954), 229; Cadière, L. et Mir, Mme, “Les Européens qui ont vu le vieux Hué: Thomas Bowyear 1695 – 1696”, B.A.V.H., No. 2/1920, 183-240.
33 Có sử dụng tư liệu của phim tài liệu Biển gọi của QRT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cristoforo Borri (2014). Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: Tổng hợp TPHCM.
2. Lê Đình Cai (1971). 34 năm cầm quyền của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Huế: Đăng Trình.
3. Lê Quý Đôn (1977). Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1: Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Khoa học xã hội.
4. Li Tana (1999). Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch. TPHCM: Trẻ.
5. Nguyễn Thanh Lợi (2010). “Ghe bầu xứ Quảng”. Phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, Số 5+6/2010.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục, Tập 1. Hà Nội: Giáo dục.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2014). Đại Nam liệt truyện. Tập 1-2. Huế: Thuận Hóa.
8. Thích Đại Sán (1963). Hải ngoại kỷ sự. Huế: Ủy ban phiên dịch sử liệu. Viện Đại học Huế.
9. Nguyễn Phước Tương (2002). “Vai trò dinh trấn Thanh Chiêm trong việc phát triển xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn”. Kỷ yếu hội thảo Vai trò lịch sử dinh trấn Quảng Nam. Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam. 43-104.
10. Trần Quốc Vượng (2015). Việt Nam cái nhìn địa văn hóa. Hà Nội: Văn hóa dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “DINH TRẤN THANH CHIÊM VÀ CHỮ QUỐC NGỮ”,
Quảng Nam, ngày 24, tháng 8, năm 2016.
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)