Nhà Nguyễn với các dân tộc thiểu số miền Nam
Tác giả bài viết: PHAN HỮU DẬT – LÂM BÁ NAM
Giáo sư Đào Duy Anh, trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, có một nhận định rất hay. Theo GS, nước ta trong quá trình mở rộng về phía Nam, cứ mỗi lần như vậy, thì phần lãnh thổ được thêm vào bao giờ cũng bao gồm 3 vùng: đồng bằng, trung du và miền núi. Sự mở rộng không làm suy yếu mà trái lại tăng cường sức mạnh và sự thống nhất của dân tộc(1).
Xét sự phân bổ của các dân tộc thiểu số nước ta, dễ dàng nhận thấy từ Đèo Ngang trở vào, từ vùng Bắc Trường Sơn và Tây Nguyên là địa bàn cư trú lâu đời của các dân tộc thiểu số. Mặt khác ta cũng thấy rằng có một số dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng, ven biển như người Chăm hoặc ở đồng bằng sông Cửu Long như người Khmer và người Hoa.
Trên vùng đất “Ô Châu ác địa”, trong gần 200 năm từ cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, các chúa Nguyễn đã mở rộng công cuộc khai phá quy mô lớn. Lực lượng tham gia trong công cuộc khai hoang, lập ấp này cố nhiên bao gồm người Việt từ phía Bắc di cư vào, với các thành phần khác nhau: quân nhân, dân tự do, tù tội. Cần phải nhấn mạnh rằng tham gia công cuộc khẩn hoang ấy còn có nhiều dân tộc thiểu số, vốn sinh sống lâu đời tại đây, nổi bật là người Chăm, người Khmer. Người Hoa cũng có đóng góp công sức vào công cuộc khẩn hoang này(2).
Thuộc phạm vi quản lý của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, các dân tộc thiểu số từ Đèo Ngang trở vào, ta có thể kể:
– Ở Bắc Trường Sơn có các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mônkhơme miền núi và nhóm ngôn ngữ Việt – Chứt.
– Ở Bắc, Trung và Nam Tây Nguyên, có nhiều dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mônkhơme miền núi, và toàn bộ các dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam đảo miền núi.
– Ở cực Nam Trung bộ là người Chăm.
– Ở đồng bằng sông cửu Long Nam bộ là người Khmer, người Hoa.
Nói về chính sách dân tộc của chúa Nguyễn và vua Nguyễn, trên đại thể ta thấy rằng dưới thời chúa Nguyễn chính sách dân tộc mới ở trạng thái manh nha, chưa với tay đến được vùng sâu, vùng xa.
Các chúa Nguyễn dùng chính sách vỗ về, thu phục nhân tâm là chính, để quy tụ các dân tộc thiểu số vào vòng ảnh hưởng của mình. Chính sách dân tộc thực sự ra đời với vương triều nhà Nguyễn trong một quốc gia thống nhất đa dân tộc, nổi bật dưới thời vua Minh Mạng(3).
Các dân tộc thiểu số miền Nam nước ta về số lượng chiếm phần lớn các dân tộc thiểu số cả nước, cư trứ trên một địa bàn rộng lớn, rất phức tạp, nhưng có tầm quan trọng lớn lao về chính trị, kinh tế và quốc phòng, trải dọc biên giới với các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Nổi bật là vị trí chiến lược của Tây Nguyên.
Dưới thời Gia Long, vùng dân tộc thiểu số đã được tổ chức thành các tổng nguồn (tươong đương cấp huyện), dưới có các đầu mục (tương đương xã trưởng), dưới đầu mục là các sách trương (tương đương thôn trưởng). Các chức danh này đều do người thiểu số nắm giữ. Tráng niên người thiểu số được ghi vào danh bộ.
Chính sách dân tộc thời vua Nguyễn bao gồm 2 mặt chủ yếu.
Chính sách vỗ về, mềm mỏng, không có sự bóc lột nhân tài vật lực một cách nặng nề, nhằm thu phục nhân tâm, tranh thủ lôi kéo các tù trưởng, già làng, cho các tù trưởng giữ các chức vụ cũ, ban chức tước mới, ban cho quà tặng, áo mũ, tiền bạc. Chính sách đó gọi là chính sách Nhu viễn.
Để thực hiện chính sách này, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), nhà vua ra lệnh cho các bộ, viện lựa chọn những con em dưới 16 tuổi, cho học tập ngôn ngữ, phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, học xong sẽ lựa chọn đế sử dụng làm nhiệm vụ thông sứ, hướng dẫn sứ bộ phiên dịch các văn bản từ tiếng dân tộc thiểu số. Họ được triều đình xếp vào hàng bát phẩm, cửu phẩm.
Đế thu phục nhân tâm, Gia Long đã ra lệnh miễn thuế cho dân thiểu số 1 năm, sau đó giảm xuống từ 1470 quan thời các chúa, xuống 1350 quan/năm.
Chính sách Nhu viễn, trong Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ nói rất rõ về thái độ của nhà Nguyễn đối với các vua Lửa (Hỏa xá), và vua Nước (Thủy xá) ở Tây Nguyên, xem lãnh địa các thổ tù lớn này là các quốc gia, và đối xử như thuộc quốc lấy ân đức để giáo hóa(4).
Tuy nhà Nguyễn chưa đi đến một chính sách phát triển kinh ế- xã hội đồng bộ và lâu dài đối với các dân tộc thiểu số, nhưng cũng đã có sự quan tâm bước đầu.
Thời Gia Long, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khắc Tuân được giao phó thực hiện một số chủ trương đối với miền núi như:
Tổ chức các khu dinh điền và đồn điền, di dân các tỉnh miền xuôi lên khai hoang.
Hướng dẫn đồng bào thiểu số sử dụng trâu bò để cày bừa.
Khuyến khích trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người miền núi.
Các chính sách trên được duy trì đến năm 1863 và trấn Nam được đổi thành Sơn Phòng trấn gồm miền núi Trung Trung bộ.
Trong Phủ man tạp lục, còn ghi một số chủ trương như sau:
– Hiểu rõ phong tục tập quán, ngôn ngữ các dân tộc.
– Cố gắng thực hiện công bằng và giữ lời hứa với dân.
– Cương quyết nhưng thận trọng, khoan dung và thương dân.
Chính sách cương, đàn áp các mầm mống ly khai và các cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số để giữ vững sự thống nhất quốc gia – dân tộc.
Ở Đàng Trong từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, có một số cuộc khởi nghĩa của một số dân tộc thiểu số như cuộc nổi dậy của người thiểu số Quảng Nam (1697), cuộc khởi nghĩa của người Chăm ở Trấn Biên, Gia Định (1746), năm 1770 cuộc khởi nghĩa của người thiểu số ở Quảng Ngãi.
Đại Nam thực lục chính biên(5) ghi năm 1819, tả quân Lê Văn Duyệt được Gia Long phái đến vùng thượng du các tỉnh Trung Trung bộ để dẹp loạn, rồi phụ trách việc xây đắp lũy sơn phòng từ Trà Bồng đến An Lão dài 90km.
Trong chính sách của nhà Nguyễn đối với các dân tộc thiểu số miền Nam, nổi bật ngoài việc đối với các dân tộc Tây Nguyên, còn có thái độ đối với người Chăm, người Khmer và người Hoa nữa.
Cho đến thời Nguyễn, người Chăm đã lùi dần về vùng cực nam Trung bộ, một số khác đã chuyển tới cư trú ở Châu Đốc, gần biên giới Việt Nam – Campuchia.
Thời Gia Long, các dòng họ vua Chăm vẫn được duy trì về mặt hình thức. Thời Minh Mạng vẫn giữ chính sách đó cho đến 1833, còn cho phép dựng miếu thờ vua Chăm ở kinh đô và thành Bình Thuận, mỗi năm cúng tế 2 kỳ…
Ở một số nơi nhà vua tăng cường mật độ cư dân Việt, nhằm đẩy nhanh sự thống nhất quốc gia; dân tộc.
Ở Châu Đốc, theo đề nghị của Trương Minh Giảng, cho chiêu tập người Chăm khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, ở biên giới, bảo vệ biên cương.
Người Khmer là dân tộc đã góp phần quan trọng trong công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long, lại có quan hệ mật thiết với ngươi Khmer ở Campuchia, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ biên giới phía tây nam nước ta.
Đối với dân tộc Khmer, Gia Long đã áp dụng một số chính sách mang tính “tự trị”, cho phép người Khmer cai quản vùng Khmer, phong chức tước cho họ, duy trì các phong tục tập quán của dân tộc. Sang thời Minh Mạng, nhà vua cử các quan lại người Việt đến cai trị ở các địa phương, đặt các họ cho người Khmer để ghi vào sổ sách nhằm quản lý nhân đinh và điền thổ. Ở vùng biên giới phía tây, Minh Mạng cử những quan lại có năng lực như Trương Minh Giảng, Thoại Ngọc Hầu đến cai quản. Nhà vua cũng chủ trương tập họp người Khmer khai khẩn các vùng đất hoang hóa ở tây nam lập nên phum sóc, và chiêu dụ người Khmer bên kia biên giới sang làm ăn. Vua cũng thực hiện chính sách cho các binh lính đồn trú người Khmer thay phiên nhau về nhà làm ruộng một năm 2 tháng.
Khác với chúa Trịnh ở miền Bắc, các chúa Nguyễn ở miền Nam đã thực hiện một chính sách khôn khéo, nhân hậu, khoan dung để thu phục người Hoa. Các chúa Nguyễn đã mạnh dạn giao quyền cai quản từng vùng đất cho các đoàn người Hoa di cư sang của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, tạo nên những vùng đất mới trù phú như ở Đông Phố (Gia Định), Mang Khảm (Hà Tiên), Hội An… Trong bước đầu lập nghiệp của các chúa Nguyễn, người Hoa còn có công trong việc đúc tiền, góp phần phát triển nền tài chính Đàng Trong(6). Chính sách Nhu viễn của Gia Long rất mềm dẻo, linh hoạt, đối với người Hoa, kẻ sĩ thì tôn hiền, nhà nông thì cho chan hòa rộng rãi giữa dân bản địa và dân nhập cư, giới công thì thực hiện chính sách thu hút thợ trăm nghề. Người Hoa khi đã nhập cư, theo từng loại hộ mà quy định mức thuê phải nộp. Chia ra làm 3 loại hộ: thực hộ, khách hộ và hộ biệt nạp.
Theo Đại Nam thực lục, thực hộ cư trú ổn định thì nộp thuế bằng bạc. Khách hộ chưa cư trú ổn định và lưu dân, chưa phải nộp thuế Thuế hộ biệt nạp cho người doanh nghiệp, ngoài nộp bạc, còn thêm thuế hiện vật các sản phẩm khai thác được.
Thuế điền thổ cho các hộ có đất đai, phải nộp thuế bằng thóc lúa hoa màu.
Nhà nước cũng có chính sách cụ thể về thuế khóa, ở Hội An, những hàng hóa do người Hoa nhập khẩu như thuốc Bắc và sách chữ thì được giảm một nửa thuế. Người Hoa đến Việt Nam trong 3 năm đầu chỉ đóng thuế một nửa và người già cả trên 60 tuổi thì được miễn thuế.
Dưới thời Gia Long, triều đình cho phép người Hoa thành lập những Minh Hương xã, theo chế độ Bang hội. Những người đứng đầu được tuyển lựa qua các kỳ thi và được nhà vua phê chuẩn, sửa đổi luật Gia Long, Minh Mạng quy định người Hoa lấy vợ Việt sinh con ra được phép giữ tên gọi Minh Hương. Người Minh Hương được phép thi cử làm quan, như người Việt. Đối với người Hoa chịu khó làm ăn, tuân theo phép nước thì được đối xử khoan hồng, nhưng trái lại nếu có hành động chống đối thì cương quyết xử lý. Điển hình là trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi dưới thời Minh Mạng có nhiều người Hoa tham gia. Năm 1833, nhà Nguyễn bắt hơn 800 nguời Hoa vùng Gia Định. Minh Mạng xử lý nghiêm khắc, quản thúc hoặc lưu đày để trừ hậu họa.
Chính sách dân tộc của chúa Nguyễn và vua Nguyễn như đã nói ở trên, gồm có 2 mặt: nhu và cương, như hai mặt của một đồng tiền. Mục tiêu của chính sách đó là để mở rộng lãnh thổ, tăng cường sức mạnh quốc gia, bảo vệ vững chắc vùng biên cương, gìn giữ sự thống nhất của quốc gia dân tộc, cương quyết đập tan mọi mầm mống và hành động ly khai làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Chính sách đó tuy chưa chú ý đúng mức việc đề ra và thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc, nhưng chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ. Xét đến cùng nhà nước phong kiến có bóc lột nhân tài vật lực của các dân tộc thiểu số, đây là nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy ở một số dân tộc thiểu số. Tuy nhiên ta phải thấy rằng sự bóc lột đó không phải quá nặng nề.
Khi đánh giá chính sách dân tộc của nhà Nguyễn, ta không thể không nhận thấy sự biểu hiện của tư tưởng sô vanh nước lớn, tư tưởng đại dân tộc, xem mình là văn minh, xem các dân tộc thiểu số, như trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đã ghi rõ là năm 1834, năm Minh Mạng thứ 15, nhà vua xuống dụ: “Trẫm nghĩ nước đó ở một góc xa xôi, thắt nút dây mà cai trị, phong tục còn theo lối thượng cổ. Cho nên thánh nhân đã lấy văn minh mà giáo hóa man rợ, phải lấy nghĩa tình dẫn dắt họ, khiến họ ngày càng theo phong tục văn minh”.
Chính sách đồng hóa của phong kiến nhà Nguyễn đối với các dân tộc thiểu số thể hiện ở chỗ vua Minh Mạng ban các họ cho người Chăm, quy định y phục, sinh hoạt cho họ theo lối sống người Việt. Vua Minh Mạng cũng đặt các họ cho người Khmer để ghi sổ sách nhằm quản lý nhân đinh, điền thổ. Triều đình có chủ trương tăng cường mật độ cư dân người Việt ở các khu vục dân tộc thiểu số, đẩy mạnh sự hòa hợp và thống nhất dân tộc.
Tuy nhiên những chính sách đồng hóa tuy có đề ra nhưng không thực hiện triệt để. Kết quả là các dân tộc thiểu số dưới triều Nguyễn phần lớn vẫn giữ được bản sắc và duy trì các tập tục truyền thống của mình.
Chú thích:
1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Hà Nội, 1964.
2. Xem Trương Hữu Quýnh, “Những nét lớn về kinh tế Đàng Trong thời Đào Duy Từ (từ thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII)”. Trong sách Đào Duy Từ, thân thế và sự nghiệp, Nxb. Thanh Hóa, 1993.
3. Xem Phan An, “Chính sách đối với các dân tộc ít người của Nhà Nguyễn thời Minh Mạng (1820 – 1840)”. Trong sách Những vấn đề văn hóa – xã hội thời Nguyễn, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
4. Đại Nam Hội điển sự lệ, Quốc sử quán triều Nguyễn. Thuận Hóa – Huế, 1993.
5. Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Khoa học Xã hội, Ha Nội, 1971.
6. Châu Hải, “Triều Nguyễn với các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam thế kỷ XIX”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4 -1994.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 457, tháng 3, năm 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nhà Nguyễn với các dân tộc thiểu số miền Nam (Tác giả: Phan Hữu Dật – Lâm Bá Nam) |