Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG của các TỪ NGỮ thuộc TRƯỜNG TỪ VỰNG _ NGỮ NGHĨA LÚA và CÁC SẢN PHẨM của LÚA trong KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT (Phần 2)
HÀ QUANG NĂNG 1
NGUYỄN THỊ DINH
(1. PGS TS, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)
4. Cơm, cháo, xôi, bánh,… là những món ăn cơ bản từ cây lúa
Cơm là lương thực chính trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày (cơm – rau – cá) của người Việt. Người Việt thu hoạch lúa về, quạt sạch, phơi khô, đem xay, giã trắng và nấu thành cơm. Vì thế, tiêu chuẩn để đánh giá sự no đủ của người Việt là phải có cơm ăn no. No cơm ấm áo; no cơm ấm cật; cơm no bò cưỡi; no chê cơm nguội, đói đánh cả rau thiu. Người Việt coi hạt cơm là ngọc thực.
… Anh đi làm thợ trên nguồn
No cơm ấm áo, luông tuồng bỏ em…
(KTCDNV, tr. 1.426)
Ở hai câu ca dao trên, no cơm ấm áo đều mang nét nghĩa biểu trưng chỉ sự đầy đủ, no ấm.
Cơm là biểu tượng chỉ phong tục tập quán, in đậm dấu ấn môi trường sông nước.
Anh tới nhà em, anh ăn cơm với cá
Em tới nhà anh, em ăn rau má với cua đồng
Khó em chịu khó, đạo vợ chồng em vẫn thương.
(KTCDNV, tr. 152)
Cơm là biểu tượng cho giá trị: giản dị là gốc của cái đẹp, của hạnh phúc. Ví dụ:
Cơm trắng ăn với chả chim
Chồng đẹp vợ đẹp, những nhìn mà no.
(KTCDNV, tr. 511)
Còn cha cơm trắng cá ngon
Ăn rồi lại giở bàn son con ngà.
(KTCDNV, tr. 472)
Cơm là biểu tượng dùng để đánh giá tính cách con người: Cắn hột cơm không vỡ để chỉ con người có tính keo kiệt so đo…
Cơm đã thành tên gọi của bữa ăn Việt: bữa cơm. Người Việt thường mời nhau đến nhà ăn cơm, xơi cơm.
Cơm còn biểu trưng cho công lao, thành quả lao động khó nhọc của người nông dân ẩn dưới bát cơm.
Em nay đi cấy đồng sâu
Dưới chân đỉa cắn, trên đầu nắng chang
Chàng ơi! Có thấu chăng chàng
Một bát cơm vàng, biết mấy công lênh.
(KTCDNV, tr. 960)
Có một câu dao rất hay nói về tình cảnh người con gái đã lấy chồng nhưng cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình không ra gì thông qua hình ảnh bát cơm đã trót chan canh mất rồi:
Anh nói, em cũng nghe anh
Bát cơm đã trót chan canh mất rồi!
Nuốt vào đắng lắm em ơi
Nhả ra thì để tội trời ai mang.
(KTCDNV, tr. 134)
Cũng có bài ca dao mượn từ cơm để nói lên lời than thở với nhau về một cuộc sống vất vả, khốn khó. Ví dụ:
Một ngày hai bữa cơm đèn,
Lấy gì má phấn răng đen, hỡi chàng?
(KTCDNV, tr. 714)
Đã có nhiều bài văn, thơ với bao công phu tìm ý chọn lời nhằm ca ngợi các triều vua thuở xưa, nhưng rốt cuộc không được mấy bài đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng hình tượng mộc mạc trong câu ca dao sau:
Đời vua Vĩnh Tộ lên ngôi
Cơm nguội đầy nồi trẻ chẳng ăn cho….
(KTCDNV, tr. 1.641)
Cháo là một món ăn chủ yếu dùng gạo và nước khi nấu. Đối với người Việt, cháo là một trong hai món ăn thường ngày nhất: cơm và cháo.
Ngày xưa, cháo dùng để ăn vào những lúc đói kém, thiếu gạo. Cháo chỉ một cuộc sống nghèo, đạm bạc, thiếu thốn.
Giàu như người ta cơm ngày ba bữa
Đói như mình đây cũng đỏ lửa ba lần
Xích lại đây cho xa cũng như gần
Dù cháo rau qua bữa, hai chữ tương thân ta mạ vàng.
(KTCDNV, tr. 1038)
Cháo còn biểu trưng cho quãng đời hàn vi, nghèo khó trong cuộc đời của một con người:
Thương nhau nên phải đi tìm
Tìm nhau từ buổi nổi chìm cháo rau.
(KTCDNV, tr. 1.922)
Cháo rau là cách nói nghĩa biểu trưng để chỉ thời cơ hàn, khó khăn trong cuộc đời con người.
Xôi biểu trưng cho niềm mơ ước của người dân lao động:
Đừng có chết mất thì thôi
Sống thì có lúc no xôi chán chè.
(KTCDNV, tr. 907)
Xôi ở đây biểu trưng cho sự đầy đủ, thừa thãi đến mức chán ngán.
Vừa đi vừa nói lằm cằm
Bữa ni mười bốn mai rằm chè xôi.
(KTCDNV, tr. 2.294)
Xôi đơm ra đĩa hay mâm, phổ biến từ mâm xôi, luôn gợi cho ta hình ảnh của một sự vun cao lên tròn trịa và sung mãn, biểu thị cho sự phồn thực.
Lẳng lơ chết có bánh giầy
Chính chuyên chết chả được đầy mâm xôi.
(KTCDNV, tr. 1.255)
Cũng có trường hợp, xôi được dùng để chỉ một công việc nội trợ. Ví dụ:
Em đương vuốt nếp đồ xôi,
Được tin anh có vợ, nếp trôi giắng triềng!
(KTCDNV, tr. 2.397)
Ngoài cơm, cháo còn có nhiều thứ quà bánh được chế biến từ gạo tẻ, gạo nếp như bánh đúc, bánh dày, bánh chưng, bánh rán, bánh nếp,… Bánh là một món ăn được nhắc đến khá nhiều lần trong ca dao với nhiều loại bánh khác nhau (53 lần, chiếm 5, 1%). Chúng tôi tập trung khảo sát và tìm hiểu nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ bánh xuất hiện nhiều nhất trong ca dao người Việt là bánh đúc (xuất hiện 15 lần, chiếm 28%).
Bánh đúc là một món ăn ngon, bổ dưỡng của người Việt trước đây, được mọi người ưa thích. Trong ca dao, bánh đúc cũng có khi xuất hiện với ý nghĩa biểu trưng. Ví dụ:
Rõ ràng bánh đúc bày sàng
Rõ ràng anh đấy với nàng chẳng sai
Thế mà nàng lại ngờ ai
Lại đưa những tiếng những lời thị phi.
(KTCDNV, tr. 1.789)
Tổ hợp từ bánh đúc bày sàng trong câu ca dao trên biểu trưng cho sự thật hiển nhiên, lẽ thường tình.
5.
Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, người Việt gắn bó chặt chẽ, thân thiết với cây lúa, với hạt thóc, hạt gạo, với bát cơm, với xôi, cháo, các thứ quà bánh được chế biến từ lúa gạo. Những sự vật được lựa chọn để thể hiện văn hoá đều là những sự vật gắn bó, gần gũi với người lao động nông nghiệp theo nguyên tắc dĩ thực vi tiên, có thực mới vực được đạo,…
5.1. Người Việt yêu thích vẻ đẹp giản dị mà có duyên ngầm, có sức sống bền bỉ, dẻo dai
Về đồng ruộng, cô gái nông thôn Việt Nam đã nhìn thấy và cảm thấy cái đẹp của sự giàu có:
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai.
(KTCDNV, tr. 909)
Những cánh đồng lúa phì nhiêu thẳng cánh cò bay hiện nay là nguồn sống chính của nhân dân. Cô gái tươi giòn, giống như cây lúa xanh tươi nhựa sống đang lên, có cái nhìn lạc quan, là tiêu biểu cho nhân dân lao động Việt Nam, không những trong thời xưa mà trong cả chế độ xã hội chủ nghĩa.
5.2. Người Việt luôn coi trọng nghĩa tình, yêu lao động
Ca dao nói lên được tình cảm chân thành, mộc mạc và trong sáng của người bình dân. Đó là tình yêu đối với thiên nhiên, đất nước; tình yêu đối với lao động và tình yêu đối với con người trong cộng đồng. Có rất nhiều bài ca dao hay nói về sản xuất, kinh nghiệm sản xuất:
Gió đông là chồng lúa chiêm; Gió bắc là duyên lúa mùa.
(KTCDNV, tr. 524)
Để cây lúa trỗ được, nhiệt độ cần phải không quá cao cũng không thấp quá. Vào cuối thu, lúa mùa trỗ, nếu gặp thời tiết nóng quá thì không có lợi, cho nên nếu có gió bắc, trời sẽ mát dịu, lúa mùa đón được gió bắc như gái được phận đẹp duyên ưa. Về lúa chiêm cũng vậy, thời kì lúa trỗ, nếu được thời tiết phải chăng, không nóng quá thì rất thuận lợi, cũng như gái vừa đến tuổi thì có chồng. Dùng từ chồng và duyên để nói về cây lúa, ông cha ta không chỉ thể hiện sự gần gũi, gắn bó với cây lúa, thấy được vẻ đẹp, duyên dáng, khoẻ mạnh của cây lúa, mà còn thể hiện mối cảm tình đặc biệt của nhà nông đối với cây lúa, coi cây lúa như con người. Lối so sánh trong ca dao cũng được nhân dân vận dụng rất tài tình khi nói về sản xuất:
Mạ úa cấy lúa chóng xanh,
Gái dòng chóng đẻ sao anh hững hờ?
(KTCDNV, tr. 1.248)
Câu ca dao đem đến cho người đọc một kinh nghiệm sản xuất, góp phần tô đậm tình yêu lao động của người nông dân, đồng thời cũng đem đến một quan niệm mới về cưới vợ.
6.
Xuất hiện trong môi trường ca dao, tên các loại lúa và sản phẩm làm từ lúa, một mặt, được quần chúng nhân dân sử dụng với tư cách là những đơn vị ngôn ngữ thông thường nhưng mặt khác, tên các loại lúa và sản phẩm làm từ lúa được sử dụng theo phương thức trữ tình hoá của thơ ca. Do đó, các đơn vị từ vựng thuộc trường từ vựng – ngữ nghĩa tên gọi các loại lúa và sản phẩm làm từ lúa xuất hiện trong kho tàng ca dao người Việt được sử dụng không chỉ ở nghĩa đen, nghĩa tả thực cho mỗi loài thực vật cụ thể, mà còn được dùng với nhiều nghĩa biểu trưng khác nhau. Nghĩa biểu trưng cơ bản là chỉ vẻ đẹp của con người, các trạng thái cảm xúc của người bình dân trong tình yêu đôi lứa. Chính trong môi trường ca dao mà các đơn vị từ vựng biểu thị tên gọi các loại lúa và sản phẩm làm từ lúa mới có khả năng biểu đạt hiệu quả, tinh tế những quan niệm sống, những triết lí, nhân sinh quan và thế giới tình cảm đa dạng và phong phú của con người.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Aristotle, Nghệ thuật thơ ca, NXB Văn học, Hà Nội, 1999.
2. Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.
3. Phan Mậu Cảnh, Đặc trưng văn hoá, cội nguồn văn hoá và sự thể hiện chúng trong ca dao người Việt, http://wwv.vanhoahoc.edu.vn, 2008.
4. Nguyễn Phương Châm, Biểu tượng hoa sen trong văn hoá Việt Nam, Văn hoá dân gian, số 4, 2000.
5. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1981.
6. Jean Chevalier Alain Gheerbrant, Từ điển Biểu tượng văn hoá thế giới, NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002.
7. Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia, 2007.
8. Lê Đức Luận, Cơ chế ngôn ngữ của biểu tượng, Ngôn ngữ, số 5, 2011.
9. Trần Thị Minh, Hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng trong tiếng Anh và tiếng Việt (Trường nghĩa: người, thực vật), Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006.
10. Hà Quang Năng, Bản sắc văn hoá của người Việt qua các hình thể ngôn từ ẩn dụ trong ca dao Việt Nam, Ngôn ngữ văn hoá giao tiếp, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.
11. Lê Trường Phát, Thi pháp văn học dân gian, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.
12. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994.
13. Nguyễn Đức Tồn, Đặc trưng văn hoá – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Từ điển Bách khoa, 2010.
14. Đặng Thị Diệu Trang, Thiên nhiên trong ca dao trữ tình đồng bằng Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Văn hoá, Hà Nội, 2006.
15. Phan Thị Huyền Trang, Những liên tưởng ngữ nghĩa của từ Hoa trong Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngôn ngữ, số 11, 2007.
16. Hoàng Tuệ, Tín hiệu và biểu trưng, Báo Văn nghệ, số 11, 1987.
17. Phạm Thu Yến, Những thế giới nghệ thuật ca dao, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.