Yếu tố phật giáo trong tục ngữ Khmer Nam Bộ
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ KIỀU TIÊN
(Khoa Ngôn ngữ- Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam Bộ
Trường Đại học Trà Vinh)
TÓM TẮT
Phật giáo Nam tông là tôn giáo chính của người Khmer và là nhân tố chính ảnh hưởng đến lối tư duy và cách ứng xử của đồng bào Khmer về mọi mặt. Những ảnh hưởng đó đã được phản ảnh khá rõ nét trong văn học dân gian người Khmer, đặc biệt là trong tục ngữ Khmer. Những quan niệm về sự hiếu hạnh, về triết lí nhân quả, về vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer,… là những nội dung phản ánh mang đậm yếu tố Phật giáo trong tục ngữ Khmer.
Từ khóa: Phật giáo Nam tông, tục ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, văn hóa dân gian Khmer.
ABSTRACT
Theravada Buddhism is the official religion of Khmer people and is the major factor affecting their thinking and behaviors in all aspects. The influence were clearly reflected in Khmer folklore, especially in Khmer proverbs. The contents reflected in Khmer proverbs related to the conception of dutifulness, the causal philosophy, the role of the temples in cultural –life, beliefs of the Khmers, etc. are the evidence for the strong reflection of Buddhism elements in Khmer proverbs.
Key words: Theravada Buddhisin, proverb, culture, beliefs, Khmer folklore.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Người Khmer đến với vùng đất Nam Bộ từ lúc nào vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, vẫn là “những uẩn khúc của lịch sử” [2, 26]. Nhưng có thể khẳng định, dân tộc Khmer cùng các dân tộc khác đã sinh tụ ở Nam Bộ từ lâu và chính họ đã góp phần kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ cho vùng đất này. Và khi đề cập đến đời sống văn hóa của người Khmer thì không thể không đề cập đến Phật giáo Nam tông.
Phật giáo Nam tông có mặt ở Nam Bộ sau Balamôn giáo và ban đầu chỉ phổ biến trong bộ phận dân nghèo. Nhưng từ thế kỉ XIII trở đi, Phật giáo Nam tông với những triết lí gần gũi, phù hợp với bối cảnh lịch sử và nguyện vọng của đồng bào Khmer đã trở thành tôn giáo chính của dân tộc này. Với khoảng thời gian tồn tại và gắn bó đó, giáo lý nhà Phật đã có những ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tình cảm, đạo đức và trở thành lẽ sống của dân tộc Khmer. Cũng như tục ngữ người Việt, trong kho tàng tục ngữ của mình, người Khmer Nam Bộ có một số lượng khá lớn những tục ngữ có chứa các yếu tố Phật giáo. Người Khmer thông qua tục ngữ của mình phản ánh các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội dưới ánh sáng soi rọi của đạo lí Phật giáo.
2. Nội dung
Người Khmer với triết lí Phật giáo luôn lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, lấy những bài học về nhân quả báo ứng, về vô ngã vị tha, về yêu thương muôn loài, về giữ gìn trai giới và báo hiếu,… làm phương châm sống. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn, nhưng con người vẫn đối xử với nhau hết lòng bằng sự chân thành, thuần phác. Và những nét đẹp đó đã được phản ảnh khá rõ nét trong văn học dân gian người Khmer, đặc biệt là trong tục ngữ Khmer.
Tục ngữ Khmer là tài sản vô giá, là tinh hoa của dân tộc Khmer từ ngàn đời truyền lại và luôn được bồi đắp theo dòng chảy của thời gian, của những biến động trong đời sống văn hóa và xã hội. Trong quá trình tổng kết tri thức dân gian, tục ngữ Khmer trở thành đại sứ chuyên chở những thông điệp của quá khứ đến với hiện tại. Đó là pho kinh nghiệm trong lao động, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong quan hệ xã hội, của người Khmer. Qua đó đã giúp dân tộc Khmer nối liền những khoảng cách của thời gian, của nhận thức và quan niệm. Trong đó có những thông điệp mang màu sắc tôn giáo, vừa gần gũi lại vừa huyền bí. Tinh thần Phật giáo trong tục ngữ Khmer như: quan niệm về sự hiếu hạnh, về triết lí nhân quả, về vai trò của ngôi chùa trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng,… là sự kết tinh của trí tuệ – văn hóa – tôn giáo của cả dân tộc Khmer qua nhiều thế hệ.
2.1. Phản ánh quan niệm về chữ hiếu
Trong mọi nếp sống đạo hạnh của con người, hiếu kính được xếp hàng đầu. Theo quan niệm dân gian, người con có hiếu phải biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, phải biết thương yêu, cung kính, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, nhất là khi ốm đau hay tật nguyền và hương khói phụng thờ khi cha mẹ quá vãng. Về quan niệm của nhà Phật, cũng như người thường, người xuất gia luôn coi việc sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ cao như núi thái sơn. Tuy nhiên, sự đền đáp công ơn của cha mẹ với người xuất gia không như người thế tục. Người xuất gia vẫn tận hiếu nhưng không lễ bái vì tuân thủ phép tắc của Tăng bảo, giữ nghiêm giới luật, đồng thời việc lễ lạy sẽ tổn giảm phước đức của chính cha mẹ mình: Thvai boong kum preas pro dach piên xi mong thvai boong kum lôôk soong pro dach piên kôn neak sroc (Lễ Phật coi chừng nhằm Xi măng, Lễ chư tăng coi chừng nhằm con thiên hạ).
Hơn nữa, sự báo hiếu của người xuất gia không chỉ có hình thức lễ lạy bề ngoài mà họ thường đem những lời Phật dạy để nhắc cha mẹ thức tỉnh mà lo tu hành để được an vui giải thoát. Đó mới thật sự là báo ân cho cha mẹ như lời Phật dạy: “Chúng ta báo đáp công ơn cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu trong nhiều kiếp. Độ cha mẹ một đời là báo đáp ân sâu cho cha mẹ trong nhiều đời”. Như vậy, quan niệm của dân gian và quan niệm trong kinh điển nhà Phật đã có một điểm giống nhau: Tất cả đều xem hạnh hiếu là đức tính đứng đầu trong mọi nết tốt của con người. Người Khmer quan niệm: Me âu knông pteas tuk đuôch chia preas rôs (cha mẹ trong nhà, quý như Phật sống).
Trong đời sống cộng đồng người Khmer, thanh niên cần vào chùa tu học (không cố định về thời gian), một phần là để báo hiếu cha mẹ, những người sinh thành dưỡng dục. Đó như là quy định mang tính khế ước xã hội của đồng bào Khmer: Sro lanh srây ôi buas sro lanh phnuas ôi sâc (Yêu con gái cho tu, yêu tu hành cho hòan tục). Làm con phải biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ và bất cứ những biểu hiện nào của sự bất hiếu cũng đi ngược lại với lời dạy của Đức Phật, của đạo lí làm người: Piêk mđai tum nêy kru (Lời mẹ, ý phán của thầy), Pro mat mđai, tum nêy pră (Khinh mẹ lời nguyền (phán) của Phật); Chiêt mnus tôs thôôk tiêp minh chôl phiêp pi me âu piêk mnus veng chiêng phlâu srâu chrơn khuôp khuôch oong ko (Giống người dù thấp hèn đến đâu cũng không bỏ tình mẹ cha, lời nói của con người dài hơn đường đi, lúa để lâu năm hư gạo),… Ngoài ra, đối với người Khmer chữ hiếu cũng thật cụ thể: Đem vô chùa một trăm lần không bằng cho cha mẹ ăn một lần [3, 324]. Mặc dù, việc cúng dường là quan trọng nhưng việc hiếu để với đấng sinh thành là quan trọng hơn tất cả.
Ngoài ra, tục ngữ các dân tộc nói chung và tục ngữ Khmer nói riêng cũng cất tiếng nói phê phán những đứa con bất hiếu. Tục ngữ người Việt có câu: “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng; con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày” thì tục ngữ Khmer cũng phản ánh: Mđai nưk kôn đuôch choong va pro đênh, E kôn nưk mđai đuôch preas be krôi (Mẹ nhớ con như cá lòng tong đuổi nhau, Con nhớ mẹ như Đức Phật quay sau).
Như vậy, chữ hiếu trong tục ngữ Khmer đã có sự kết hợp giữa niềm tin dân gian và tin thần chánh pháp cùng với những gốc rễ sâu xa trong luân lí nhân bản truyền thống của dân tộc. Hiếu không chỉ tiêu biểu trong đạo lí làm người mà nó còn là yếu tố cơ bản trong cấu trúc hệ giá trị đạo đức Phật giáo và cũng là một trong những nội dung phản ánh của tục ngữ Khmer.
2.2. Phản ánh sự ảnh hưởng của ngôi chùa
Khi vừa sinh ra, người Khmer quan niệm họ là tín đồ. Họ đến chùa bằng tất cả tấm lòng thành kính, cả cuộc đời họ luôn gắn bó với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Chính sự ngưỡng vọng này đã làm cho Phật giáo càng gần gũi và có mối quan hệ khăng khít với đời sống cộng đồng. Trong quan hệ ấy, ngôi chùa Khmer được coi là điểm hội tụ. Người Khmer quan niệm: Neak minh ban buas, chia tôs knông să sa na (Người không được tu là tội lỗi trong đạo); Um tuuk kum plêch chro va neak canh să sa na kum plêch vot (Chèo xuồng đừng quên cây dầm, người theo đạo đừng quên chùa chiền); Pia nô minh skol prưk sa, neak canh să sa na minh skol a ram (Vượn không quen rừng, người theo đạo không quen chùa), Sat pia nô minh skol prưk sa, đuôch neak canh să sa na minh skol a ram (Con vượn không quen rừng như người theo đạo không quen chùa),…
Chùa là sợi dây vô hình nối kết đồng bào Khmer với Phật giáo và là những nhân tố bổ sung cho nhau trong quá trình tồn tại và phát triển. Trước xu thế tác động của thời hội nhập, thì chùa vẫn là nơi giữ gìn ngôn ngữ, phong tục và lễ hội truyền thống của cộng đồng Khmer. Nhưng trên hết, đối với người Khmer, ngôi chùa của họ là một không gian tâm linh thiêng liêng thánh thiện, họ bảo vệ ngôi chùa như bảo vệ chính cuộc sống của mình.
Với triết lí nhân sinh Phật giáo, người dân Khmer bằng lòng với cuộc sống bình dị trong những nếp nhà đơn sơ, dành tất cả tiền của, công sức cho việc xây dựng chùa sao cho thật khang trang lộng lẫy, như một lời ước hẹn đảm bảo cho cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau: Kiến thức xây dựng bản thân, đoàn kết xây dựng quốc gia, đạo giáo xây dựng chùa.
Đã bao đời nay, đối với người Khmer, mỗi ngôi chùa thông qua các nhà sư được xem như là một sức mạnh tinh thần, một nền tảng đạo đức, một luân lý sống ở thiện làm phước, một thế cân bằng cho mọi kiếp đời về cái chết lý tưởng “mát mẻ dưới bóng bồ đề”. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Phật giáo Nam tông Khmer có khoảng 10 ngàn vị sư [5, 94], chiếm khoảng 25% trong tổng số người tu hành theo Phật giáo ở Việt Nam. Đối với tín đồ là cộng đồng người dân tộc Khmer, sư là hiện thân, hiện tiền của Phật. Trong tâm thức của người dân Khmer, chư tăng luôn được tôn trọng tuyệt đối. Cũng chính vì thế, vai trò của vị sư trong cộng đồng rất cao. Các vị sư luôn là tấm gương đạo đức, trí tuệ đối với người dân Khmer: Tưc hô minh đel hot, preas put minh đel khâng (Nước chảy chưa bao giờ mệt, Phật Tổ chưa bao giờ giận); Preas put minh đel leas boong tho, mđai chach lo-o minh đel leas boong kôn (Đức Phật không bao giờ bỏ kinh pháp, người mẹ tốt không bao giờ bỏ con), Tăng khluôn chia preas minh khvă neak sro lanh (Tu thân như Phật, không thiếu người yêu thương); Chanh ban chia preas, chhneas ban chia mia (Thua thành Phật, thắng thành thù);,…
Chính vì sự ngưỡng vọng này mà tục ngữ Khmer cũng đề cập đến sự giữ gìn giới luật, giữ gìn đạo pháp của nhà Phật qua sự giữ gìn giới luật của các nhà sư: Srây miên rup chia som bat, bô rố miên vich chia chia trop thon, Preas soong miên sâl chia trop ban, ksat ksan miên pol chia phôk kia (Phụ nữ có sắc đẹp là tài sản, Nam nhi có tri thức là gia tài, Tu sĩ có đạo đức là của cải, Vua chúa có quân tướng là cung đình); Krich nâu srây vi nây nâu soong (Gia phong ở phụ nữ, giữ giới ở chư Tăng),…
Qua tục ngữ, người Khmer đã thể hiện niềm tự hào của mình về ngôi chùa, về các vị sư. Đó chính là sự tự hào về tôn giáo, về truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc.
2.3. Phản ánh tư tưởng nhân – quả
Theo Phật giáo, tất cả chúng sinh đã nhận đời sống hiện tại là do kết quả tự tạo từ các hành động trước đó và ngay ở thì hiện tại. Nói cách khác, mỗi loài là một giai đoạn của dòng biến hành sinh động. Chúng sinh có quá trình hiện hữu mà sự sống và cái chết chỉ là những đợt sóng dâng lên hay chìm xuống (Samsara – Luân hồi) trong đại dương đời sống. Sống, chết không phải là số phận định trước cho một chúng sinh, mà là một hậu thân của hành động (Karma – Nghiệp); ai hành động sớm hay muộn phải nhận lấy hậu quả.
Theo giáo lí của Đức Phật, người Khmer nghĩ nhiều về kiếp hậu lai, làm sao tích được nhiều phước để sau khi chết linh hồn được thảnh thơi nhập cõi niết bàn. Trong Phật giáp, quan niệm Nghiệp báo – Luân hồi gắn kết thành một cặp phạm trù, quan hệ giữa các kiếp Luân hồi chính là quan hệ Nghiệp báo: gieo gì trong kiếp trước thì gặt nấy trong kiếp sau. Do đó, cốt lõi của phạm trù Nghiệp là tư tưởng nhân quả. Và đây cũng là một nội dung được quan tâm phản ánh nhiều trong tục ngữ Khmer: Thvơ lo-o ban lo-o (Ở hiền gặp lành); Thvơ a krok ban a krok (Ác giả ác báo); Cho chơng choong liêp rô meng bach thone tâu (Tham thì thâm) ; Thvơ lo-o ban lo-o thvơ a krook ban a krook (Làm tốt hưởng tốt, làm xấu hưởng xấu);…
Hệ quả là người ta càng phải nỗ lực theo thiện tránh ác vì hành động trong kiếp hiện tại còn tạo tác cả số phận trong kiếp vị lai: To via sna, ôi khom son som bun (Nối dài số phận, phải tích phước); Chach lo-o kro minh du (Người có lòng tốt không nghèo lâu); Son đôs prôs pro nây (Rộng lòng tha thứ);…
Người Khmer đi tu không phải để trở thành Phật mà tu để làm người có nhân cách, có phẩm chất và đạo đức theo quan niệm của họ: Kal pi kmêng ôi sveng chom nes, đol thum ôi ches reak sa som bat, đol chas ôi svă canh sâl sat, hiêp lsap bach ôi khom hach chach phe vă nia (Lúc trẻ phải biết trau dồi tri thức, lớn lên phải biết giữ của, đến khi già phải biết tu thân, lúc sắp lìa trần phải biết niệm Phật)
Theo người Khmer, quan niệm “bố thí, làm phước, cứu giúp đồng loại” là làm việc thiện. Đạo Phật theo đạo đức luận, lấy nhân quả làm phép tắc chủ yếu xuyên suốt trong kinh sách. Trong đời sống để giáo dục con người, lấy nhân nghĩa làm nền tảng đạo đức, lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy cuộc sống giản dị chân chính, lấy tình thương, bình đẳng bác ái, lấy con đường trung dung làm cơ sở hành động, lấy hiện tại làm cơ sở hành động: Thich thê ich om pơ, bơ minh thvơ om pơ lo-o (Tồn tại cũng vô ích, nếu không làm việc thiện); Bơ minh ban thvơ kun, kum thvơ tôs (Nếu không làm phước, đừng làm tội); Ă kô sol miên môôk kua leas chênh (Có ác nghiệp phải cố bỏ); Sâl chia spiên tiên chia sbiêng (Đức là cầu nối, bố thí là hành trang); Ka son som bun rô meng nom môôk nâu sêch kđây sôc (Việc làm phước thiện đưa đến sự an lành),…
Ngoài ra, việc bố thí, cứu giúp người khác cũng là hành động tốt, để tích thêm phước nhưng việc giúp mọi người giác ngộ đạo pháp được cho là quan trọng hơn: Thom mă tiên chhneas os tiên tăng puông (Pháp thí thắng mọi thí).
Người Khmer dù có vào chùa tu hay không thì họ cũng là tín đồ đạo Phật, cũng phải rèn luyện theo đạo pháp. Vì thế, tư tưởng Nghiệp báo luôn được người dân nhận thức, trở thành động lực tinh thần cho mọi người phấn đấu hướng thiện, xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp theo quan niệm của Đức Phật.
3. Kết luận
Từ tính thực tiễn được thể hiện qua đạo lí luân hồi, nghiệp báo,… của Phật giáo mà đạo Phật dễ dàng bén rễ vào cuộc sống của con người. Mọi người đến với đạo Phật không phải để thỏa mãn tri thức mà là nhằm tìm ra phương hướng giải tỏa những khúc chiết trong đời sống, cân bằng trạng thái tâm lí, tìm đến sự thanh thản, bình yên của tâm hồn và tạo nền tảng phúc lành cho tương lai. Với niềm tin đó, đồng bào Khmer đã đưa tinh thần Phật giáo vào trong tục ngữ của mình như là một tổng hợp những triết lý dân gian và tinh thần Phật pháp có ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thấm đượm tình người. Những triết lí đó đã, đang và sẽ làm phong phú thêm nội dung phản ánh của tục ngữ Khmer.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường. 1990. Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Cường. 2002. Vài nét về người Khmer Nam Bộ. Nhà xuất bản KHXH.
Chu Xuân Diên (cb). 2002. Văn học dân gian Sóc Trăng. Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Chu Xuân Diên (cb). 2005. Văn học dân gian Bạc Liêu. Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. HCM.
Phạm Thị Phương Hạnh (cb). 2012. Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
Sơn Phước Hoan. 1999. Thành Ngữ và tục ngữ Khmer. Nhà xuất bản Giáo dục.
Lê Hương. 1969. Người Việt gốc Miên. Nhà xuất bản Văn Đàn.
Trần Hồng Liên. 2003. Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội.
Trường Lưu. 1993. Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc. Hà Nội.
Nhiều tác giả. 1999. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao và câu đố Khmer. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.
Châu Đạt Quan. 2007. Chân Lạp phong thổ kí (Lê Hương dịch). Nhà xuất bản Văn nghệ. TP.HCM.
Kim Sơn, Lâm Qui, Ngọc Thạch, Trần The. 2010. Thành ngữ tục ngữ và câu đố Khmer-Việt. tập 1. Nhà xuất bản Giáo dục.
Ngô Đức Thịnh (cb). 2012. Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ.
Huỳnh Ngọc Trảng, Văn Xuân Chí, Hoàng Túc, Đặng Vũ Thị Thảo, Phan Thị Yến Tuyết. 1987.
Người Khmer tỉnh Cửu Long. Nhà xuất bản Sở Văn hóa-Thông tin Cửu Long.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh,
Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 9, tháng 6/2013
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Yếu tố phật giáo trong tục ngữ Khmer Nam Bộ (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Kiều Tiên) |