110 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam – Thành tựu và triển vọng

110TH ANNIVERSARY OF DISCOVERING AND RESEARCHING
SA HUYNH CULTURE IN VIETNAM – ACHIEVEMENTS AND PERSPECTIVES

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ BÙI VĂN LIÊM
(Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

ABSTRACT

      Sa Huynh culture was first known in 1909. This is one of the thriving archaeological cultures in the Metal Age of Vietnam. After 110 years of discovering and researching on this culture, archaeologists have had positive achievements. Many aspects of this culture have been clarified, such as the characteristics of the distribution area, the characteristics of relics and assemblages, the chronology, the owner and its relationship and so on. Based on the new research results, the appearance of the Sa Huynh culture has been expanded more and more. In addition, many questions still need to be answered, such as the distribution area (the northern border of this culture), the origin of the inhabitants of Sa Huynh and in particular the transition from the Sa Huynh culture to the Champa culture?

     In addition, preservation issues are posing many requirements that must be implemented soon to promote the value of Sa Huynh culture.

1. Dẫn luận

     Di tích Sa Huỳnh được biết đến lần đầu từ khá sớm, từ năm 1909, một người Pháp tên là M. Vinet đã có một thông báo ngắn và nhanh nhất về sự có mặt của di tích Sa Huỳnh trong tập san của trường Viễn Đông Bác cổ tập 9, xuất bản tại Hà Nội. Ông miêu tả: “một kho chum gốm có khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh”. Sa Huỳnh là một vùng đất ven biển thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Khánh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1909, tại vùng đất này các học giả phương Tây đã phát hiện ra những di tích mộ chum đầu tiên tại địa điểm Phú Khương, Thạnh Đức và sau này được M. Colani định danh là văn hóa Sa Huỳnh vào năm 1936 trong bài viết “Ghi chú về tiền sơ sử Quảng Bình” (M. Colani 1936) được đăng trên tạp chí Những người bạn Huế xưa (Bùi Văn Liêm và Hoàng Thúy Quỳnh 2019).

     Tiếp sau sự phát hiện này, các nhà khảo cổ học phương Tây như H. Parmentier, M. Colani, O. Janse đã tiến hành khai quật và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh tại các địa điểm Sa Huỳnh, Thạnh Đức, Phú Khương, Động Cườm ở Quảng Ngãi và Bình Định. Thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh” được biết đến lần đầu vào năm 1932 trong bài thông báo của M. Colani tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông. Những đóng góp của các học giả phương Tây trong giai đoạn này là đã phát hiện và xác lập khái niệm một nền văn hóa mới Sa Huỳnh rất quan trọng trong thời đại Kim khí ở miền Trung Việt Nam, từ đó mở ra hàng loạt những phát hiện và nghiên cứu về văn hóa này. Nhưng do những hạn chế về nguồn tư liệu nên họ đã đưa ra những quan điểm chưa thật xác đáng rằng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là cư dân ngoài biển và chỉ ghé vào dải đất miền Trung để lập nghĩa địa.

     Sau đó, đáng chú ý là những nghiên cứu của W. Solheim vào những năm 1959, 1961, ông đã công bố một loạt bài viết về Sa Huỳnh, trong đó ông đã đặt gốm Sa Huỳnh trong bối cảnh Đông Nam Á, đặc biệt vùng hải đảo Philippines, đưa ra khái niệm “truyền thống gốm Sa Huỳnh – Kalanay” nhưng đến cuối những năm 60 ông đổi lại là “phức hệ gốm Sa Huỳnh – Kalanay”. Ông đã nêu ra những đặc điểm giống nhau đặc biệt là về hoa văn trang trí giữa Sa Huỳnh và Kalanay. Đây là một đóng góp rất quan trọng, đồ gốm Sa Huỳnh đã được đặt trong mối tương quan rộng với khu vực Đông Nam Á, tuy có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này song đây cũng là cơ sở cho các nghiên cứu sau này khi tìm hiểu về mối quan hệ của Sa Huỳnh và các văn hóa trong khu vực.

     Từ 1976 đến 1989, sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ Việt Nam có điều kiện để tiến hành nghiên cứu nền văn hóa nổi tiếng này. Không gian nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng với hàng loạt các địa điểm mới được phát hiện và khai quật ở Quảng Nam, Phú Yên (Hòa Quang, Hiệp Hòa Nam), Khánh Hòa (Diên Điền, Diên Khánh, Ninh Thân, Ninh Đông), Ninh Thuận (Hàm Nhơn), Bình Thuận. Đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong khoảng từ năm 1976 đến 1986 các nhà khảo cổ đã phát hiện được các di tích, như: Tam Mỹ, Tiên Hà, Bầu Trám, Tam Giang, Phú Hòa, Bàu Nê, Quế Lộc và nhóm di tích xung quanh Đại Lãnh, như: Gò Đình, Cấm Thị, Đồi Vàng, Gò Thế; và đặc biệt năm 1985 di tích Paxua (Tabhing) đã được phát hiện và khai quật, đây là di tích mộ chum rất lớn thuộc loại hình Sa Huỳnh núi. Những nghiên cứu đầy đủ về diện mạo văn hóa Sa Huỳnh đã được Vũ Công Quý đúc kết và công bố trong cuốn sách chuyên luận Văn hóa Sa Huỳnh.

     Từ 1991 đến nay, văn hóa Sa Huỳnh được tập trung quan tâm nghiên cứu với nhiều sự hợp tác quốc tế, được triển khai một cách sâu rộng. Ở Huế với di tích Cồn Ràng do Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 3 lần đã phát hiện được một quần thể mộ chum lớn nhất trong văn hóa Sa Huỳnh và bên cạnh đó là di tích Cồn Dài cũng đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) phát hiện và khai quật. Quảng Nam thực sự là địa bàn trọng tâm của văn hóa Sa Huỳnh với số lượng đậm đặc các di tích được phát hiện và khai quật. Tại Hội An, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội (trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ) tiến hành nghiên cứu theo chương trình hợp tác của quỹ Toyota Foundation tài trợ, đã phát hiện cụm di tích xung quanh Hội An, như: Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang, Xuân Lâm, Thanh Chiếm…. Vào cuối những năm 90, những di tích văn hóa Sa Huỳnh đã được Trường phát hiện tại Duy Xuyên, như: di tích Gò Mả Vôi – Gò Miếu Ông, Gò Cấm, Thôn Tư… những di tích này tạo thành một phức hệ văn hóa mộ táng – cư trú rộng lớn. Ở huyện Điện Bàn, di tích mộ táng Lai Nghi đã được phát hiện và khai quật 3 lần, đây là một di tích mộ táng có số lượng đồ trang sức rất lớn và phong phú. Không chỉ những di tích trên địa bàn quen thuộc của văn hóa Sa Huỳnh – các cồn cát ven sông, biển – được nghiên cứu mà địa bàn vùng trung du và miền núi Quảng Nam cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm.

     Những hiểu biết sơ lược về văn hóa Sa Huỳnh vùng núi trong giai đoạn trước đã được bổ sung thêm bằng những phát hiện mới, như: di tích Bình Yên, Thạch Bích, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ, Gò Dừa, B’rang, Cà Đăng…

     Ngoài ra còn một loạt những phát hiện khác do trường Đại học KHXH&NV kết hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Duy Xuyên tiến hành điều tra khảo, như: thôn Phú Đa, thôn Tĩnh Yên, Dinh Ông, vườn nhà ông Mười Linh, xã Duy Thu. Tại xã Duy Trung phát hiện các địa điểm: Gò Tây An, Gò Bờ Rang, Gò Bà Hòm, Gò Ông Nhạn, Núi Vàng (Dương Đức Quý, Nguyễn Chiều 2000). Khảo sát các địa điểm Sa Huỳnh ở huyện Điện Bàn tháng 8/2000 được thực hiện bởi các cán bộ trường Đại học KHXH&NV Hà Nội phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Điện Bàn: địa điểm Bích Bắc (xã Điện Hòa), địa điểm Cấm Xóm (xã Điện Tiến), xã Điện Ngọc (Nguyễn Chiều và nnk 2001). Tại Quảng Ngãi, Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên đảo Lý Sơn nhiều lần ở hai địa điểm Xóm Ốc và Suối Chình – đây cũng là những hướng nghiên cứu mới về văn hóa Sa Huỳnh (phạm vi phân bố của các di tích đã mở rộng ra các hải đảo). Những phát hiện và nghiên cứu này đã chứng tỏ rằng văn hóa Sa Huỳnh có một diện phân bố hết sức đa dạng, rộng lớn và mang những nét địa phương riêng. Bên cạnh đó, địa điểm Gò Quê cũng được biết đến như một địa điểm có số lượng mộ đất lớn nhất trong văn hóa Sa Huỳnh (13 mộ đất) với một bộ đồ đồng mang phong cách Đông Sơn. Ngoài ra còn có các địa điểm khác, như: Gò Kim, Tịnh Thọ, Hát Bàu Lưu, Trảng Quỳnh.

     Trên đất Bình Định, địa điểm Động Cườm (Tăng Long) nổi tiếng từng được M. Colani khai quật năm 1934 đã được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định tiến hành thám sát nhiều lần và khai quật lại nhằm tìm hiểu thêm về khu di tích này. Ở Phú Yên di tích mộ táng Gò Bộng Dầu (còn được gọi là Rừng Long Thủy) đã phát hiện và khai quật năm 2002, và mới đây một số các di tích Sa Huỳnh khác đã được phát hiện như di tích Khe Ông Dậu, di tích Suối Mây. Tại Khánh Hòa, di tích Hòa Diêm (xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa) đã được phát hiện và khai quật 5 lần. Đây là khu cư trú – mộ táng Sa Huỳnh mang nhiều nét địa phương và ảnh hưởng của văn hóa phía Nam cũng như mối liên quan mật thiết cả về táng thức và đồ gốm tùy táng với Đông Nam Á Hải đảo, đặc biệt là Philippines. Liền kề với Hòa Diêm còn có các di tích cư trú mới được phát hiện và khai quật như Gò Duối, Gò Đình.

2. Thành tựu trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh

     Những cuộc khai quật với quy mô lớn đã mang lại nhiều tư liệu mới, bổ sung thêm những hiểu biết về nền văn hóa Sa Huỳnh. Tất cả được thể hiện qua các nghiên cứu trong các cuộc hội thảo khoa học 90 năm văn hóa Sa Huỳnh100 năm văn hóa Sa Huỳnh, Hội thảo Quốc tế Giá trị di sản Công viên địa chất Lý Sơn Sa Huỳnh 2019, nhân dịp 110 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Trong cuốn Khảo cổ học Việt Nam tập II, cũng có 1 chương về văn hóa Sa Huỳnh. Hàng loạt các đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã được thực hiện: “Giao lưu và hội nhập trong văn hóa Sa Huỳnh” (Phạm Thị Ninh 2008); “Chuyển tiếp Sa Huỳnh – Champa ở ven biển miền Trung Việt Nam” (Lâm Thị Mỹ Dung 2008); “Đánh giá giá trị các di tích Đồng thau – Sắt sớm ở miền Trung và Tây Nguyên từ năm 1998 đến 2010” (Bùi Văn Liêm 2014), được tổ chức đã tổng kết những thành tựu nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh cũng như làm sáng tỏ thêm diện mạo, đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh.

     Bên cạnh đó là các nghiên cứu chuyên sâu tập trung vào các vấn đề: mối quan hệ Sa Huỳnh – Đông Sơn (Trịnh Sinh); mối quan hệ Sa Huỳnh với Tây Nguyên (Nguyễn Khắc Sử, Bùi Văn Liêm, Võ Quý 1995, Trần Quý Thịnh & Nguyễn Ngọc Quý 2018); các nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh (Chử Văn Tần, Vũ Quốc Hiền 1999, Lâm Thị Mỹ Dung 2004, Phạm Thị Ninh 2008); nghiên cứu về mạng lưới giao lưu thương mại (Lâm Thị Mỹ Dung, Bùi Văn Liêm & Hoàng Thúy Quỳnh 2014, Nguyễn Kim Dung 2016); nghiên cứu về đồ gốm Sa Huỳnh (Phạm Thị Ninh, Hoàng Thúy Quỳnh); nghiên cứu về đồ trang sức (Andreas Reinecke, Nguyễn Thị Bích Hường, Nguyễn Kim Dung); mối quan hệ Sa Huỳnh với các di tích ở miền Đông Nam Bộ (Nguyễn Thị Hậu, Vũ Quốc Hiền, Phạm Thị Ninh, Bùi Chí Hoàng), nghiên cứu về sự phát triển Sa Huỳnh – Champa (Lâm Thị Mỹ Dung 2005, 2008)… (Bùi Văn Liêm, Hoàng Thúy Quỳnh 2019).

     Từ những tư liệu mới của nền văn hóa Sa Huỳnh, cho đến nay, các nhà khảo cổ trong và ngoài nước đã tìm ra được những đặc trưng của nền văn hóa này như sau:

     2.1. Không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh

     Diện phân bố của văn hóa Sa Huỳnh rất rộng và đa dạng trên các địa hình. Các di tích Sa Huỳnh được phát hiện trên khắp miền Trung Việt Nam, từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận. Không chỉ nằm ở địa bàn cốt lõi là những cồn/gò cát ven sông, ven biển, các nhà khảo cổ học đã tìm được vết tích văn hóa Sa Huỳnh ở vùng đồi gò miền núi và vươn ra tận các đảo ven bờ. Theo thống kê, đến nay, số lượng các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện khoảng 100 địa điểm, phân bố rộng và đa dạng trên hầu khắp các dạng địa hình: vùng núi, chân núi, vùng đồng bằng/duyên hải, vùng đảo ven và xa bờ… Trong đó, vùng đồng bằng/duyên hải Trung Bộ là khu vực trung tâm với mật độ tập trung lớn. Nhiều di tích lớn, thường tập trung thành những cụm di tích tại những vùng đồng bằng rộng rãi, điều kiện tự nhiên thuận lợi như các đồng bằng rộng lớn gần các dòng sông lớn, ven biển: đồng bằng cửa biển Hội An, đồng bằng lưu vực sông Thu Bồn, đồng bằng sông Tam Kỳ… tại đây các di tích thường phân bố trên các cồn/gò cát ven sông hoặc ven biển.

     2.2. Loại hình di tích

     Cho đến nay rất ít các di tích cư trú Sa Huỳnh được phát hiện, một số di tích cư trú đã được biết đến nhưng tư liệu cũng khá mờ nhạt. Gồm các di tích Thôn Tư, Gò Cấm (lớp dưới), Tiên Hà (Gò Miếu), Bàu Nê (Quảng Nam), Xóm Ốc, Suối Chỉnh, Gò Quê, Nước Trong (Quảng Ngãi). Ngoài ra, một số di tích cư trú tại Khánh Hòa, như: Ninh Thân, Ninh Đông, Diên Điền đã được phát hiện vào 1988 song không có thông báo cụ thể nên rất khó để tìm hiểu. Như vậy, dấu tích cư trú của người Sa Huỳnh vẫn rất mờ nhạt, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng các địa điểm mộ táng. Nơi cư trú có lẽ thường nằm ở khu vực gần dòng chảy, thấp hơn so với nơi chôn cất, tầng văn hóa không dày, dễ bị bào mòn và làm xáo trộn. Trong khi đó, với đặc tính của các dòng sông miền Trung là ngắn, độ dốc lớn kết hợp với “những cơn lũ miền núi đột ngột và hung dữ, gây những hiện tượng lở bờ, đất đổ và đất trượt” (Lê Bá Thảo 1996: 192) thì khả năng nhiều di tích cư trú bị lở xuống sông, mất hết dấu tích là rất lớn, hiện tượng đó đến nay vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, nơi cư trú của người Sa Huỳnh rất ít khi được phát hiện (Lâm Thị Mỹ Dung 2005).

     Trong các khu mộ táng gồm có chủ yếu là các mộ quan tài gốm, bên cạnh đó có xen kẽ một số mộ đất. Sự phân bố các chum mộ rất đa dạng, không theo quy luật nhất định. Trong từng khu mộ táng, các mộ được chôn riêng lẻ hoặc tạo thành các cụm – mỗi cụm gồm 3, 4 hoặc 5 ngôi mộ, như: ở địa điểm Cồn Ràng (Bùi Văn Liêm và nnk 2005: 237); cụm được chôn thành một hoặc hai hàng thẳng như ở Cồn Ràng (một nhóm gồm 4 mộ chum thẳng hàng nhau), ở Gò Dừa các ngôi mộ chum cũng tạo thành cụm gồm 2 hàng thẳng nhau…). Có trường hợp phân bố thành ô bàn cờ hoặc kẻ ô vuông với khoảng cách đều nhau như ở Đồi Vàng và Gò Đình (Đại Lãnh) “Cứ khoảng 1m2 là người Sa Huỳnh đương thời chôn đến 4 ngôi mộ chum ở 4 góc” (Trần Quốc Vượng 1985). Đa số các ngôi mộ không cắt phá hoặc chôn chồng lên nhau (mặc dù nhiều mộ nằm rất sát nhau) điều này cho thấy các ngôi mộ có thể đã được đánh dấu, tuy vậy vẫn có một số trường hợp các mộ cắt hoặc chôn chồng lên nhau như ở Gò Mả Vôi, An Bang… Đặc biệt có mộ song táng phát hiện ở Bình Yên, gồm một mộ chum hình trụ và một mộ nồi đặt ngay trên một phần của miệng chum (Bùi Chí Hoàng và nnk 2004: 944), mộ song táng ở Cồn Dài gồm một mộ chum hình trụ và một chum hình trứng, mộ Động Cườm – một mộ nồi chôn úp gần như nằm kẹp giữa 2 mộ chum, mộ nồi được đặt ngang tầm với phần vai cổ của 2 mộ chum (Phạm Thị Ninh, Phạm Vũ Sơn 2004).

     Quan tài gốm gồm có các kiểu loại khác nhau, như: chum hình trụ với nhiều biến thể (là loại phổ biến nhất), chum hình trứng, chum hình cầu, nồi – vò. Chum hình trụ có nắp đậy dạng hình nón cụt, dạng bát/mâm bồng đặt úp hoặc ngửa, có nắp kép (nắp hình nón cụt ở trong và hình chậu ở ngoài); quan tài dạng nồi/vò có nắp đậy là mâm bồng, dạng chóp hoặc nắp hình nón cụt hoặc nồi chôn úp nhau.

     Táng thức chủ đạo của người Sa Huỳnh là mộ chum đơn, song cũng có những mộ chum lồng đôi (dạng trong quan ngoài quách). Đặc biệt có trường hợp lồng ba như ngôi mộ ở B’rang. Chum lồng đôi: dạng quan tài này không phổ biến, đến nay táng thức này được phát hiện trong 4 địa điểm là Hậu Xá I, Tabhing (Vũ Quốc Hiền 1991), Gò Miếu Ông và Gò Dừa. Mộ quan tài gốm dạng chum lồng đôi gồm có 2 chum, chum nhỏ bên trong và chum lớn bên ngoài, đồ tùy táng được đặt trong và trên nắp chum bên trong. Các ngôi mộ chum lồng được phát hiện trong các địa điểm Hậu Xá I, Tabhing, Gò Miếu Ông đều là những trường hợp đơn lẻ được chôn xen kẽ trong các mộ khác. Tuy nhiên tại Gò Dừa, mộ chum lồng đôi được phát hiện là một quần thể 5/6 mộ là chum lồng (Lâm Thị Mỹ Dung và nnk 2001). Mộ chum lồng ba: trường hợp duy nhất đến này được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh tại địa điểm B’rang xã Cà Di (Nam Giang – Quảng Nam) (Quang Văn Cậy và nnk 1999), đã phát hiện một mộ chum lồng 3 – chiếc nhỏ ở trong chiếc lớn ở ngoài.

     Thông thường, các chum mộ được đặt trực tiếp trên các lớp đất hoặc cát. Tuy vậy trong một số địa điểm đã phát hiện được những dấu tích như than tro bên ngoài chum, mộ chum được kê trên nền đá, gốm.

     Mộ được kê trên nền đá: được phát hiện ở Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, An Bang hay mộ kè đá ở Cồn Ràng. Tại Gò Mả Vôi, một ngôi mộ quan tài gốm được kê bằng 2 – 3 lớp đá. Đá kê quan tài là những cục vụn kết thạch anh có kích thước trung bình khoảng 10cm, được xếp cẩn thận, khít vào nhau tạo thành một khối hình trụ cao khoảng 25cm và đường kính khoảng 60cm (Nguyễn Chiều 2002: 181). Ở Gò Miếu Ông, mộ số 3 được đặt trên một lớp đá kè xếp khá ẩu, loại đá cát kết chẻ thành miếng hình dạng không đồng nhất. Lớp đá kè mộ này có dạng hình tròn, kích thước rộng 69 – 73cm, dày 18cm (Lâm Thị Mỹ Dung và nnk 2004). Trong địa điểm An Bang, có lớp đá lót màu vàng – nâu sẫm dày khoảng 20 – 40cm. Mộ chum ở Cồn Ràng có hiện tượng xếp kè đá xung quanh hình chữ nhật (Bùi Văn Liêm và nnk 2005).

     Mộ được kê trên lớp gốm: hiện tượng này ít gặp, tại Gò Miếu Ông, dưới đáy ngôi mộ số 2 có nhiều mảnh gốm của các kiểu nồi, đèn, bát bồng, chân đế… xếp chồng lên nhau tạo thành một lớp có kích thước 45 – 54cm, dày 19cm (Lâm Thị Mỹ Dung và nnk 2004), ở Động Cườm có mộ được đặt trên một lớp gốm gồm những mảnh nhỏ được đập từ một nồi gốm (Phạm Thị Ninh 2003).

     Vết tích than tro: đã được phát hiện ở Cồn Dài, Gò Dừa, An Bang, Lai Nghi và Động Cườm. Tại An Bang, một số chum xung quanh có nhiều tro, than, đặc biệt ở chum AB-H2/C16 có vỉa than tro lớn, dày 20 – 30cm, bó xung quanh miệng chum, sâu xuống 40 – 50cm (than cục to, chứng tỏ được đốt ngay tại đây, từ những đoạn gỗ to) (Nguyễn Đức Minh 2006). Ở địa điểm Lai Nghi, than tro có ở hầu hết các mộ, thường tập trung ở dưới và xung quanh đáy chum, gồm nhiều cục than còn khá lớn. Có chum được kê bằng một lớp than tro dày tới hàng chục centimet (Đoàn khai quật Lai Nghi năm 2003, 2004). Trong khu mộ Động Cườm, có mộ nằm dưới lớp cát có nhiều than đen (Phạm Thị Ninh 2003).

     2.3. Di vật

     2.3.1. Đồ gốm

     Với truyền thống táng thức chủ đạo dùng chum vò gốm làm quan tài mai táng và số lượng lớn đồ tùy táng bằng gốm. Đồ gốm chính là đặc trưng chính và là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh.

     Trước hết, về quan tài gốm, đây là những đồ gốm hầu hết có kích thước lớn, loại hình khá đa dạng, điển hình nhất là kiểu chum hình trụ với nắp đậy hình nón cụt. Kiểu chum này chiếm tỷ lệ lớn, có khá nhiều biến thể khác nhau, có mặt trong hầu hết các địa điểm mộ táng Sa Huỳnh. Chum có miệng loe, thân tương đối thẳng, thường được đập thừng trên thân và đáy. Kích thước lớn, chiếc lớn nhất có kích thước 135cm (chum Gò Dừa), chiếc nhỏ nhất ở An Bang kích thước khoảng 40 – 60cm, đa số cao khoảng từ 70 – 110cm, đường kính miệng 40 – 60cm. Nắp thường được trang trí cầu kỳ các mô típ khắc vạch kết hợp với tô màu tạo nên các môtíp hình học và các đường uốn lượn. Kiểu thứ hai là chum hình trứng, kiểu này cũng có những biến thể khác nhau, xuất hiện trong giai đoạn tiền Sa Huỳnh như Long Thạnh. Chum hình trứng cũng có kích thước lớn, trung bình cao khoảng 60 – 70cm, thân hơi cong, thắt ở phần cổ và đáy, có trong một số địa điểm, như: Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, Hậu Xá, Thạch Bích. Kiểu thứ ba là nồi – vò gốm, so với những kiểu chum trên thì kích thước nhỏ bé hơn hẳn, trung bình cao khoảng 20 – 40cm, hình dáng giống như những chiếc nồi/vò. Dạng quan tài này rất đa dạng về kiểu dáng và kích thước, giữa các địa điểm không giống nhau. Nắp đậy dạng hình nón cụt, hoặc dạng nồi nông lòng… Loại này luôn tồn tại xen kẽ trong các khu mộ quan tài hình trụ hoặc hình trứng, có mặt trong hầu hết các địa điểm. Kiểu thứ tư là quan tài dạng chum hình cầu biến thể (còn được gọi là chum hình trái đào), kiểu này mới chỉ được phát hiện ở Gò Mả Vôi. Nhìn chung, hình dáng quan tài dạng hình trụ và hình trứng có nắp hình nón cụt rất quy chuẩn, kích cỡ và kiểu dáng thống nhất giữa các địa điểm trong một không gian rộng. Kiểu thứ năm là loại chum hình cầu thân cong tròn, trang trí văn thừng/chải chất liệu thô, đỏ và loại chất liệu thô dày, màu xám. Vành miệng của chum hình cầu thường bị ghè vỡ và được mài có chủ ý rất phổ biến trong loại hình này. Kiểu thứ sáu là chum có gờ gãy góc ngang thân, vai xuôi, đáy hình cầu, trên vành miệng của chum được trang trí hoa văn khắc vạch in chấm khá cầu kỳ. Nắp đậy của loại chum này là chiếc bát bồng chân đế cao, trang trí hoa văn in chấm hoặc nắp lớn, cong khum, vành miệng nắp khum gập vào tạo gờ gãy góc được trang trí băng khắc vạch chữ S khá cầu kỳ, trên đỉnh có một núm lớn. Các đồ gốm tùy táng, gồm: nồi, bình, bát, bát/mâm bồng, cốc chân cao, chậu, “đèn gốm”, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hình con đỉa…

     Các đồ gốm Sa Huỳnh được trang trí rất đẹp bằng cách tô màu đen, màu đỏ, khắc vạch, in mép vỏ sò… tạo ra các môtíp hoa văn cầu kỳ dạng các hình học, các đường cong kết hợp với nhau.

     2.3.2. Đồ sắt

     Đồ sắt cũng được phát hiện nhiều trong các mộ chum Sa Huỳnh. Đồ sắt gồm có công cụ sản xuất và vũ khí. Công cụ sản xuất của cư dân Sa Huỳnh rất đa dạng và phong phú với các loại: rìu, cuốc, xẻng, rựa (dao quắm), đục, dao, liềm, xà beng, thuổng, lưỡi câu… Nhóm vũ khí gồm có rìu, giáo, kiếm, dao găm, lao, qua. Trong các địa điểm cư trú, tất cả các hiện vật sắt đều bị han gỉ, nhiều hiện vật bị vỡ nát khó có thể xác định rõ loại hình. Ở các địa điểm mộ táng phần lớn đều có đồ sắt là đồ tùy táng và trong các mộ chum, đồ sắt luôn được đặt trong chum. Nói chung đồ sắt, đặc biệt là công cụ sản xuất của cư dân Sa Huỳnh đều có kích thước lớn. Đa phần là có họng tra cán và cán có chất liệu gỗ, dấu vết gỗ vẫn còn dính trên một số hiện vật (được phát hiện tại các địa điểm Gò Mả Vôi, Lai Nghi). Và các loại như dao, kiếm có lẽ thường có bao đựng bên ngoài bằng tre, mây, cũng tìm được một số dấu vết để lại trên hiện vật.

     Bên cạnh sự phong phú và đa dạng của đồ sắt, nguồn nguyên liệu quặng sắt cũng là một bằng chứng rất quan trọng để chứng minh rằng kỹ thuật chế tạo đồ sắt đã được cư dân Sa Huỳnh biết đến. Tuy nhiên, đến nay, trong rất nhiều địa điểm Sa Huỳnh mới chỉ thấy một số địa điểm đã phát hiện được những cục quặng, như: Hậu Xá I (trong khu vực cư trú) (Ngô Sĩ Hồng, Trần Quý Thịnh 1991), Gò Quê, Động Cườm, Dương Quang. Tại địa điểm mộ táng Gò Quê (Trịnh Sinh 2005) tìm được khá nhiều cục quặng sắt trong mộ chum.

     Mỏ sắt và quặng sắt ở miền Trung Việt Nam chủ yếu phân bố ở vùng rừng núi Trường Sơn, tuy nhiên, cho tới nay, chúng ta chưa tìm được bất cứ nơi khai thác quặng sắt hay đồng nào có niên đại tương đương với di tích, di vật khảo cổ. Có thể cư dân Sa Huỳnh vừa khai thác nguyên liệu tại chỗ vừa trao đổi nguyên liệu từ nơi khác để chế tác công cụ và vũ khí bằng sắt.

     2.3.3. Đồ đồng

     Đồ đồng cũng được sử dụng làm đồ tùy táng trong văn hóa Sa Huỳnh tuy số lượng không nhiều bằng đồ sắt. Các hiện vật đồng có thể chia thành các nhóm: nhóm vũ khí, nhóm đồ gia dụng, nhóm đồ trang sức. Nhóm vũ khí gồm: rìu, giáo, mũi tên, dao găm, tấm che ngực. Nhóm đồ gia dụng, gồm có: bát, đĩa, ấm, chậu, đồ đựng có ba chân. Nhóm đồ trang sức, gồm có: nhẫn, gương đồng…

     Dấu vết của việc sản xuất đồ đồng trong văn hóa Sa Huỳnh chưa phát hiện được nhiều, song một số di vật, như: xỉ đồng, mảnh muôi nấu đồng, giọt đồng đã được tìm thấy trong di chỉ cư trú Thôn Tư cũng là dấu hiệu cho thấy cư dân Sa Huỳnh có thể đã chế tác một số loại đồ đồng.

     Tuy nhiên, các đồ đồng trong các khu mộ táng Sa Huỳnh được cho rằng mang phong cách của các văn hóa lân cận như Đông Sơn, Hán. Các nhà khoa học cho rằng có thể đó là sản phẩm ngoại nhập.

     2.3.4. Đồ trang sức

     Qua những phát hiện khảo cổ, có thể thấy rằng chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh ưa thích sử dụng đồ trang sức. Đồ trang sức của văn hóa Sa Huỳnh rất phong phú về số lượng và đa dạng từ loại hình đến chất liệu. Có những sản phẩm là do sự giao lưu, trao đổi; bên cạnh đó có những sản phẩm do các cư dân tự sản xuất. Các chất liệu của đồ trang sức là đá, thủy tinh, mã não… tạo thành các hạt cườm, hạt chuỗi hình cầu, hình thoi… các khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú đã trở thành di vật điển hình của văn hóa Sa Huỳnh. Trong hầu hết các di tích đều có sử dụng đồ trang sức làm đồ tùy táng, có khu mộ giàu thì số lượng đồ trang sức được phát hiện rất lớn.

     Đặc biệt, người Sa Huỳnh đã sáng tạo ra các loại khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu nhọn độc đáo và có sức giao lưu, lan tỏa khá rộng khắp các vùng Đông Nam Á. Các đồ trang sức này là biểu trưng cho văn hóa Sa Huỳnh, được làm từ các chất liệu đá quý, thủy tinh và gốm. Các chuỗi hạt mã não, thủy tinh được cho rằng có nguồn gốc từ Nam Ấn Độ. Ngoài ra còn các di vật khác được chế tác từ đá, xương, vỏ nhuyễn thể.

     2.4. Di cốt và thành phần nhân chủng

     Mặc dù với tính chất là các khu mộ táng, song di cốt tìm được trong các chum mộ tại các di tích văn hóa Sa Huỳnh vô cùng ít ỏi. Trong nhóm các di tích Sa Huỳnh phía bắc, dấu tích xương người mới chỉ được phát hiện trong 1 mộ chum Bình Yên, mộ Xóm Ốc, mộ Suối Chình, mộ Động Cườm, mộ Lai Nghi. Nguyễn Lân Cường cho rằng di cốt người ở Xóm Ốc gần với chủng tộc Mongoloid (Nguyễn Lân Cường 1999). Ở phía Nam, di cốt được tìm thấy trong hầu hết các mộ chum tại Hòa Diêm, các nhà nhân chủng cho rằng người cổ Hòa Diêm mang những đặc điểm gần gũi với một vài cư dân hiện đại ở Đông Nam Á Hải đảo (Showa’s Women University Institute of International Culture Bulletin Vol 12, 2012). Tuy nhiên, hiện nay, tài liệu nhân chủng học và khảo cổ học chưa nhiều, hy vọng trong tương lai, vấn đề lịch sử tộc người của văn hóa Sa Huỳnh sẽ có thêm nhiều tư liệu hơn nữa.

3. Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu

     Dựa trên những kết quả nghiên cứu mới, diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn. Song, những phát hiện và nghiên cứu đó cũng đặt ra những câu hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu:

     Địa bàn phân bố, ranh giới phía bắc và phía nam của văn hóa Sa Huỳnh? Vấn đề này có liên quan đến đặc trưng và niên đại của văn hóa Sa Huỳnh với những phát hiện của một số di tích ở vùng cực bắc của địa bàn phân bố – di tích Bãi Cọi, Bãi Lòi và di tích Hòa Diêm ở vùng phía nam.

     Di tích Hòa Diêm (Khánh Hòa) – một di tích lớn với những tư liệu rất tốt, cho đến nay đã được khai quật 5 lần bởi nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau. Đây là một di tích không mang những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh, như đồ gốm giống với gốm Kalanay và gốm Óc Eo (Showa’s Women University Institute of International Culture Bulletin Vol 12, 2012), ngoài ra, trong các mộ chum hình cầu phát hiện được khá nhiều di cốt cải táng của nhiều cá thể trong một mộ. Do đó có những nhà khảo cổ học cho rằng cần phải xem lại có nên xếp Hòa Diêm vào hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh hay không. Có ý kiến lại cho rằng, Hòa Diêm vẫn nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, những khác biệt của Hòa Diêm do tính địa phương và sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài chi phối. Vì vậy, Hòa Diêm vẫn thuộc hệ thống văn hóa Sa Huỳnh, là loại hình Sa Huỳnh nam, và như vậy đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh được mở rộng hơn so với những nghiên cứu trước đây.

     Ranh giới phía bắc của văn hóa Sa Huỳnh được biết đến tỉnh Quảng Bình. Song, với những phát hiện và nghiên cứu tại các di tích Bãi Cọi, Bãi Lòi (Hà Tĩnh) – vùng đất nằm xa hơn về phía bắc – cũng đã đưa lại nhiều ý kiến về phạm vi, và tư liệu mới về văn hóa Sa Huỳnh. Tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được chủ nhân của khu mộ táng sử dụng dạng nồi – bình là quan tài mai táng, và đặc biệt kiểu táng thức chôn quan tài gốm nằm ngang khác hẳn với truyền thống chôn đứng các chum vò gốm. Vùng giáp ranh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là khu đệm, khu vực giao thoa, đan xen giữa hai nền văn hóa lớn trong Thời đại Kim khí Việt Nam (Đông Sơn và Sa Huỳnh), hay là ranh giới phía bắc của văn hóa Sa Huỳnh? cũng cần được đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu. Về vấn đề này, Chu Mạnh Quyền đã viết “Về tính chất văn hóa, xét một cách tổng quan nhất, dựa vào những di tích, di vật trong di tích Bãi Cọi, chúng tôi cho rằng, di tích Bãi Cọi là một di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh và chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn loại hình lưu vực sông Mã và sông Cả. Nhận định này cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước. Tuy cơ tầng của di tích Bãi Cọi là văn hóa Sa Huỳnh, nhưng do nằm sát bên cạnh một nền văn hóa lớn – văn hóa Đông Sơn, loại hình lưu vực sông Cả, vì vậy, trong di tích cũng chứa đựng những yếu tố giao lưu với văn hóa Đông Sơn. Ở Bãi Cọi cũng chưa tìm thấy những di vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, như: đèn, khuyên tai hai đầu thú, gốm tô ánh chì…” (Chu Mạnh Quyền 2018).

     Vấn đề nguồn gốc của văn hóa Sa Huỳnh? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc phát triển từ các văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, mà các di tích như Long Thạnh, Bình Châu và văn hóa Xóm Cồn là các đại diện tiêu biểu cho các nhánh phát triển lên văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, chưa có những chứng minh từ địa tầng chứng tỏ sự phát triển trực tiếp lên Sa Huỳnh. Đồng thời số lượng các di tích Tiền Sa Huỳnh ở duyên hải miền Trung có rất ít so với số lượng các di tích Sa Huỳnh. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng các văn hóa ở Tây Nguyên cũng là một trong những con đường hình thành văn hóa Sa Huỳnh.

4. Vấn đề chuyển tiếp Sa Huỳnh sang Champa

     Vấn đề chuyển tiếp văn hóa từ Sa Huỳnh sang Champa đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đề cập đến như Hà Văn Tấn (Hà Văn Tấn 1983), Trần Quốc Vượng (Trần Quốc Vượng 1985), Diệp Đình Hoa (Diệp Đình Hoa 2003), Nguyễn Kim Dung (Nguyễn Kim Dung 2005), đặc biệt Lâm Thị Mỹ Dung đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về giai đoạn chuyển biến từ Sa Huỳnh muộn sang Chăm sớm dựa trên sự phân tích rất nhiều tư liệu khảo cổ và thư tịch cổ (Lâm Thị Mỹ Dung 2005, 2008). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng giai đoạn phát triển tiếp sau văn hóa Sa Huỳnh là Champa, tuy nhiên đặc trưng của hai văn hóa này có nhiều khác biệt và vẫn còn những khoảng trống chưa lý giải được. Đó là sự khác biệt về tính chất văn hóa mà chúng ta đã biết, nếu như trong văn hóa Sa Huỳnh hầu hết là dấu vết mộ táng trong khi di tích cư trú được phát hiện rất ít, còn trong văn hóa Champa các dấu tích tìm được lại chủ yếu là cư trú, các công trình kiến trúc thành lũy, đền tháp. Chính sự khác biệt về tính chất của các nguồn tư liệu đó nên các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu về sự chuyển biến, so sánh để tìm ra sự kết nối giữa hai giai đoạn này (Bùi Văn Liêm và Hoàng Thúy Quỳnh 2019).

     Mộ chum là loại hình chôn cất phổ biến và đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, quan tài chum có kích thước lớn chiếm tỷ lệ cao cùng song hành với các chum/vò gốm loại nhỏ hơn. Ngoài văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ các văn hóa khác trong thời đại Kim khí Việt Nam như văn hóa Đông Sơn ở Bắc bộ cũng tồn tại hình thức chôn cất quan tài là chum/vò gốm nhưng số lượng ít hơn. Nghiên cứu mối quan hệ giữa 2 văn hóa này bên cạnh các yếu tố khác thì tục táng mộ chum/vò cũng cần được quan tâm lưu ý nhiều hơn.

     Vấn đề chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh, thông qua khảo sát, phát hiện và nghiên cứu các khu cư trú, các cứ liệu khoa học về những đặc điểm nhân chủng và các mối quan hệ… cũng là những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu thêm?

     Mối quan hệ/tác động/ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa trước, cùng và sau văn hóa Sa Huỳnh như thế nào? Với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, với các văn hóa Tiền – Sơ sử lưu vực sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ ở Nam bộ. Với khu vực Đông Nam Á, Nam Trung Quốc và Ấn Độ?

     Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Sa Huỳnh đặc biệt là di tích mộ chum Sa Huỳnh. Đây là vấn đề hiện nay rất được các nhà quản lý quan tâm. Văn hóa Sa Huỳnh đã được chứng minh là một nền văn hóa lớn, đặc sắc nhưng chúng ta chưa bảo tồn và phát huy được giá trị của nó. Trước hết là vấn đề bảo tồn, với đặc điểm các di tích văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu nằm trong các cồn cát ven biển, địa tầng là cát nên rất khó khăn để lưu giữ bảo tồn các địa điểm khai quật làm bảo tàng ngoài trời.

     Văn hóa Sa Huỳnh là một trong những văn hóa khảo cổ phát triển rực rỡ trong Thời đại Kim khí Việt Nam. 110 năm phát hiện và nghiên cứu nền văn hóa này chúng ta đã thu được những thành tựu rất khả quan: Từ đặc điểm phân bố, đặc trưng di tích, niên đại, chủ nhân, các mối quan hệ và di vật đến những thành tựu trong đời sống kinh tế vật chất, văn hóa tinh thần, tổ chức xã hội…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (Khánh Hòa, Việt Nam), Showa’s Women University Institute of International Culture Bulletin Vol 12, 2012.

     2. Quang Văn Cậy, Ngô Thế Phong, Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thượng Hỷ 1999. “Khai quật “chữa cháy” tại B’rang xã Cà Di huyện Giằng (Tỉnh Quảng Nam)”, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1998. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 231 – 234.

     3. Nguyễn Chiều 2002. Di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Mả Vôi (Quảng Nam) qua 3 lần khai quật, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học 5 năm nghiên cứu và đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học (1995 – 2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 179 – 190.

     4. Nguyễn Chiều, Lâm Thị Mỹ Dung, Đinh Thị Hiệp 2001. “Kết quả khảo sát Điện Bàn (Quảng Nam) tháng 8/2000”, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2000, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 264 – 267.

     5. Nguyễn Lân Cường 1999. Nghiên cứu di cốt người ở địa điểm Xóm Ốc (Quảng Ngãi), Khảo cổ học số 2, tr. 3 – 16.

     6. Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Hoàng Anh Tuấn 2001. “Khai quật Gò Dừa năm 1999”, Khảo cổ học (số 1), tr. 68 – 80.

     7. Lâm Thị Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Nguyễn Bích Hường, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Thị Tuyết 2004. “Phát hiện thêm cụm mộ chum tại Gò Miếu Ông”, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2003, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 243 – 247.

     8. Lâm Thị Mỹ Dung 2005. Một số vấn đề khảo cổ học ven biển miền Trung Việt Nam giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Champa. Đề tài cấp Đại học Quốc gia. Tư liệu Bảo tàng Nhân học.

     9. Vũ Quốc Hiền 1999. “Các con đường hình thành văn hóa Sa Huỳnh”. Trong Hội thảo 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Tư liệu Viện Khảo cổ học.

     10. Vũ Quốc Hiền 1991. Bãi mộ chum Pa – Xua (Quảng Nam – Đà Nẵng), trong Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch Việt Nam, tr. 167 – 179.

     11. Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Thị Hoài Hương, Mariko Yamagata 2004). “Địa điểm khảo cổ học Bình Yên và văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam”, trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam (tập 1), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 929 – 962.

     12. Ngô Sỹ Hồng, Trần Quý Thịnh 1991. “Khu mộ chum Hậu Xá, Hội An, Quảng Nam Đà Nẵng và nhận thức mới về văn hóa Sa Huỳnh”, Khảo cổ học, số 3, tr. 68 – 75.

     13. Bùi Văn Liêm và Hoàng Thúy Quỳnh 2019. “110 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam”, Khảo cổ học, số 2, tr. 3- 24.

     14. Bùi Văn Liêm, Nguyễn Đăng Cường, Văn Đình Thanh, Trịnh Nam Hải, Hà Thắng, Nguyễn Văn Trinh 2005. “Khai quật lần thứ ba di tích Cồn Ràng – Thừa Thiên Huế”, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2004, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     15. Phạm Thị Ninh, Phạm Vũ Sơn 2003. Báo cáo điều tra khảo sát di tích Động Cườm (Bình Định) và di tích Bình Châu (Quảng Ngãi), Tư liệu Viện Khảo cổ học.

     16. Dương Đức Quý, Nguyễn Chiều 2000. “Những di tích văn hóa Sa Huỳnh mới được phát hiện ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam”, trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1999, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 161 – 264.

     17. Chu Mạnh Quyền 2018. Địa điểm khảo cổ học Bãi Cọi (Hà Tĩnh). Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

     18. Trịnh Sinh 2005. Vài nhận xét về nghề chế tác sắt của cư dân Gò Quê (Quảng Ngãi), trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2004. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 394-397.

     19. Hà Văn Tấn 1983. “Suy nghĩ về Sa Huỳnh và từ Sa Huỳnh”. Thông báo Khoa học, Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 1.

     20. Hà Văn Tấn (chủ biên) 1999, Khảo cổ học Việt Nam (tập 2). Thời đại Kim khí Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

      21. Lê Bá Thảo 2006. Thiên nhiên Việt Nam. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

     22. Trần Quốc Vượng (chủ biên) 1985. Những di tích thời Tiền sử và Sơ sử ở Quảng Nam Đà Nẵng. Nxb. Quảng Nam – Đà Nẵng.

     23. Vinet. M 1909, “Chronique”, BEFEO, tome IX, Hanoi.

Trích tệp PDF từ http://baotanglichsu.vn/ ; Thông báo khoa học 2019

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
 

Download file (PDF): 110 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam – Thành tựu và triển vọng (Tác giả: PGS.TS Bùi Văn Liêm)