Âm hưởng VĂN HOÁ _ LỊCH SỬ qua một số ĐỊA DANH XỨ HUẾ (Phần 1)
TẠ QUANG TÙNG
(Hà Nội)
1.
Huế nằm ở dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam và là thành phố tỉnh lị của Thừa Thiên Huế. Đây là cố đô của Việt Nam thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) và hiện cũng là trung tâm của miền Trung về văn hoá, chính trị, giáo dục và du lịch. Với dòng sông Hương, với những di sản để lại của triều đại phong kiến và những nét văn hoá khác được tạo nên từ đời này qua đời khác, Huế (còn gọi là “đất thần kinh” hay “xứ thơ”) là một trong những thành phố được nhắc tới trong nhiều tác phẩm văn nghệ Việt Nam, đồng thời cũng để lại nhiều ấn tượng khó quên cho những ai đã một lần đến Huế.
Bài viết này tìm hiểu các địa danh xứ Huế, chỉ ra một số đặc điểm về tính có lí do của chúng. Số lượng các từ ngữ thu thập được là 302 đơn vị. Qua đó, nhằm giúp thấy được phần nào âm hưởng văn hoá – lịch sử xứ Huế được ghi nhận qua các địa danh này.
2. Ðặc điểm ngữ nghĩa
2.1. Mỗi địa danh thường có một ý nghĩa nhất định. Điều này thể hiện tính có lí do của việc gọi tên, đồng thời giúp cho việc phân biệt địa danh rõ ràng, dễ nhớ. Chúng cho biết một phương diện nào đó của đối tượng: hình dáng, kích thước, chủ thể sở hữu của đối tượng, hoặc là tâm tư, nguyện vọng của người đặt tên, hoặc đó là điều đáng ghi nhớ…
Mỗi địa danh xứ Huế thường có hai thành tố: tên chung và tên riêng. Trong đó, tên chung (đứng trước, không viết hoa) chỉ một lớp chung các đối tượng, nhằm phân biệt lớp đối tượng này với lớp đối tượng khác. Tên riêng (đứng sau, viết hoa) là tên có chức năng phân biệt một đối tượng cụ thể này với một đối tượng cụ thể khác trong một lớp đối tượng. Giữa tên chung và tên riêng có mối quan hệ chính phụ: tên riêng là thành phần giải thích, làm rõ nghĩa cho tên chung. Chẳng hạn trong các địa danh: chùa Thiên Mụ, đèo Hải Vân, hồ Vuông, sông Hương, lăng Tự Đức, bến Ngự,… có tên chung là: chùa, đèo, hồ, sông, lăng, bến,…; tên riêng là: Thiên Mụ, Hải Vân, Vuông, Hương, Tự Đức, Ngự,… Trong địa danh, tên riêng là thành tố có giá trị khu biệt chính (trong nhiều trường hợp tên riêng có thể đại diện cho cả địa danh).
2.2. Đặc điểm ngữ nghĩa của tên chung
Qua khảo sát, địa danh xứ Huế có tất cả 30 tên chung: bảo tàng, bến/bến đò, bia kỉ niệm, cầu, chợ, chùa, cung, cửa, đài tưởng niệm, đài phát thanh, đàn, đèo, đền, điện, đình, đồi, hồ, hội quán, khách sạn, nhà thờ, nhà xuất bản, làng, lầu, lăng, miếu, phủ, sân, sân bay, trường, sông. Trong số này, có 10 tên xuất hiện với tần số cao (bảng 1):
STT | Tên chung | Ví dụ | Tần số | Tỉ lệ |
1 | chùa | chùa Tường Quang, chùa Tường Vân, chùa Từ Phong Lan Nhã, chùa Tuý Vân, chùa Tuế Lâm… | 100 | 33% |
2 | lăng | lăng Trường Cơ, lăng Trường Diễn, lăng Vĩnh Hưng, lăng Nguyễn Tri Phương… | 31 | 10,3% |
3 | đền | đền Kì Thạch Phu Nhân, đền Ông Giàng Bà Giàng, đền Bà Chúa Ngọc, đền Thiên Hậu… | 28 | 9,3% |
4 | hồ | hồ Mộc Đức, hồ Sen, hồ Thành Hoàng, hồ Xã Tắc, hồ Khám, hồ Tây Hồ… | 20 | 6,6% |
5 | cầu | cầu Hàm Tế, cầu Hoằng Tế, cầu Khánh Ninh, cầu Ngự Hoà, cầu Bao Vinh… | 13 | 4,3% |
6 | phủ | phủ Thọ Xuân, phủ Tuân Quốc Công, phủ Tùng Thiện Vương, phủ Tuy An Quận Công… | 12 | 4% |
7 | vườn | vườn Chí Khánh, vườn Cơ Hạ, vườn Doanh Châu, vườn Diễm Lục, vườn Mậu Hanh, vườn Phồn Phong… | 12 | 4% |
8 | núi | núi Bân, núi Kim Phụng, núi Linh Thái, núi Ngự Bình, núi Truồi… | 10 | 3,3% |
9 | chợ | chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, chợ Cầu, chợ Cống, chợ Đông Ba… | 8 | 2,6% |
10 | cửa | cửa Hữu, cửa Đông Ba, cửa Chánh Tây, cửa Ngọ Môn… | 8 | 2,6% |
Tổng cộng | 242 | 80% |
BẢNG 1
Qua bảng 1 có thể thấy các tên chung trong địa danh xứ Huế tương đối phong phú. Điều này cho thấy sự đa dạng trong cảnh quan địa hình của Huế được ghi nhận trong địa danh. Trong số các tên chung của địa danh lịch sử – văn hoá xứ Huế, được sử dụng nhiều nhất là chùa, lăng, đền. Đó là những tên chỉ các đối tượng là nơi thờ phụng. Tiếp theo là các tên hồ, cầu, phủ, vườn – các tên chỉ các đối tượng được xây dựng phục vụ cho đời sống hằng ngày, không hoặc ít liên quan đến tôn giáo.
2.3. Đặc điểm ngữ nghĩa của tên riêng
Các phạm trù ngữ nghĩa được ghi nhận qua tên riêng như sau (bảng 2):
STT | Phạm trù ngữ nghĩa | Ví dụ | Số lượng | Tỉ lệ |
1 | trạng thái tâm lí, ý nguyện | Khiêm Lăng, chùa Tịnh Tâm, chùa Báo Quốc, chùa Diệu Ngộ, tháp PhướcDuyên… | 178 | 59% |
2 | người, thần linh hoặc biểu tượng | đài tưởng niệm Các liệt sĩ Vệ quốc đoàn, chợ Kẻ Vạn, đền Long Cung Quảng Vận Tôn Thần, đền Lê Thánh Tông, đền Bà Chúa Lá, lăng Trần Thúc Nhẫn… | 64 | 21% |
3 | đối tượng được bao hàm hay ở gần | nhà thờ Phường Đúc, chùa Ba Đồn, cửa Chánh (Chính) Tây, chợ Đường Ngang, chợ Cửa Hữu, đồi Hà Khê … | 29 | 9,6% |
4 | chức năng | phủ Nội Vụ, đàn Nam Giao, sân Đại Triều Nghi, trường Quốc Học, đồi Vọng Cảnh, cống Chém… | 20 | 6,6% |
5 | hình dáng, kích thước, màu sắc… | hồ Vuông, điện Hòn Chén, chợ Xép, cầu Hàm Tế, cầu Đen… | 6 | 2% |
6 | không rõ nghĩa | núi Bân, làng Sịa, làng Đột Đột, làng Sình, núi Truồi… | 5 | 1,6% |
Tổng cộng | 302 | 100% |
BẢNG 2
Qua bảng 2 có thể thấy trong số các tên riêng, tên chỉ trạng thái tâm lí, ý nguyện chiếm số lượng nhiều nhất. Tiếp đến là những tên riêng chỉ người, thần linh hoặc biểu tượng. Thứ ba là tên riêng chỉ phương hướng, vị trí đối tượng… Điều đó cho thấy các địa danh lịch sử – văn hoá thường được đặt ra trong tâm lí kì vọng tới những điều tốt đẹp hơn trong đời sống và bày tỏ sự ngưỡng mộ với thần linh và các danh nhân. Đặc biệt, các tên riêng đó phần lớn là những yếu tố gốc Hán Việt, các đơn vị từ vựng vốn mang sắc thái trang trọng.
Các tên riêng không rõ nghĩa chủ yếu là gồm 1 tiếng, phần lớn là các từ thuần Việt, thậm chí vốn là các từ ngữ địa phương. Trong số này có một vài địa danh rất đáng chú ý là làng (thôn) Vĩ Dạ, vì gắn liền với tên nhà thơ Hàn Mặc Tử và mối tình da diết buồn bã của ông. Vĩ là gì, Dạ là gì? Có người giải thích Vĩ (hay Vi) nghĩa là “lau lách”, Dạ (hay Dã) là “cánh đồng”. Tuy nhiên, Dạ gợi nhớ đến từ Ea trong tiếng Chăm, có nghĩa là “nước, sông”. Từ “Huế” cũng được giải thích là có gốc là hwe tiếng Chăm, có nghĩa là “song, mây”. Cũng có ý kiến đó là từ gốc Hán huệ có nghĩa là “công ơn”, hoặc là hoá/ hoa, tuy nhiên như ta đã thấy những địa danh một tiếng thường thuộc loại “nôm na bản địa”.
3. Ðặc điểm nguồn gốc
3.1. Các tên chung thuộc ba nhóm chính:
– Nhóm các tên gốc Hán: bảo tàng, bia kỉ niệm, cung, đàn, điện, hồ, hội quán, lăng,… Đây thường là những tên chỉ các lớp đối tượng được xem là tôn nghiêm, trang trọng.
– Nhóm các tên thuần Việt: bến, cầu, chợ, cửa, đèo, đồi, vườn, núi, sông,… Đây thường là những tên 1 tiếng, chỉ các lớp đối tượng thuộc thiên nhiên hoặc những công trình dân sinh.
3.2. Các tên riêng được thống kê như sau (bảng 3):
STT | Nguồn gốc | Ví dụ | Tần số | Tỉ lệ |
1 | Hán Việt | chùa Khánh Sơn, đường Thiên Lí, đồi Long Thọ, đền Âm Hồn, Hiếu Lăng… | 279 | 92,4% |
2 | thuần Việt | hồ Cây Mưng, cống Chém, ngã Giữa, chợ Được, cầu Lòn, ngã ba Bánh Bèo… | 19 | 6,3% |
3 | phương Tây và các nguồn khác | nhà thờ Phanxicô, khách sạn Morin, trường Pellerin, trường Providence, thành phố Huế, thôn Vĩ Dạ… | 4 | 1,3% |
Tổng số | 302 | 100% |
BẢNG 3
1/ Có thể dễ dàng nhận thấy số lượng vượt trội của các tên riêng có nguồn gốc Hán Việt. Rõ ràng, đây là một xu hướng chính trong cách đặt tên cho các di tích lịch sử – văn hoá xứ Huế. Văn hoá Trung Quốc và cách giáo dục Nho học thực sự đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến Huế.
2/ Những tên riêng có nguồn gốc thuần Việt có số lượng đứng thứ hai. Đó thường là những địa danh chỉ các đối tượng phục vụ dân sinh (ít là các đơn vị hành chính) như: cầu, hồ, đền, làng… Điều này phản ánh tâm lí của người đặt tên, đồng thời giả định đây là những địa danh ít bị thay đổi nhất, do “không hoặc ít động chạm đến ai” vì chỉ gắn liền với đời sống bình dân.
3/ Những tên riêng có nguồn gốc phương Tây chiếm số lượng ít nhất. Đó hầu hết là những công trình do người Pháp thiết kế và chủ trì xây dựng. Một số tên đã chuyển sang cách đọc, cách ghi của tiếng Việt, ví dụ: vùng Bò Ghè (nguyên tiếng Pháp: Bogaert). Có thể thấy được ảnh hưởng không đáng kể của phương Tây đối với văn hoá xứ Huế, mặc dù người Pháp đã đô hộ Việt Nam hơn một thế kỉ và sau đó là người Mĩ. Văn hoá phương Tây không lấn át được văn hoá phương Đông đã trở thành máu thịt của xứ sở này. Mặt khác, cũng là do sự đầu tư của người phương Tây chỉ dừng lại ở những công trình như trường học, khách sạn, mà ít chú ý đến những công trình văn hoá truyền thống.
4/ Một số rất ít những tên gọi được giả định gốc Nam Đảo cho thấy một vài dấu vết của văn hoá Chăm còn được lưu giữ nơi đây. Điều đáng chú ý đây là những tên rất khó phai mờ trong loạt các tên gọi ở xứ này, dù rằng nó có chỉ một thành phố (Huế) hay một thôn nhỏ (Vĩ Dạ). Có thể đoán rằng còn nhiều địa danh mang âm hưởng “nôm” như vậy trong dân gian, cần tiếp tục sưu tầm nghiên cứu.
Còn tiếp:
Mời xem: Âm hưởng VĂN HOÁ _ LỊCH SỬ qua một số ĐỊA DANH XỨ HUẾ (Phần 2)