Ảnh hưởng của kinh tế, dân cư và văn hóa đến hoạt động của báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh
THE INFLUENCE OF ECONOMY, POPULATION AND CULTURE ON
PRESS ACTIVITIES IN HO CHI MINH CITY
Tác giả bài viết: DƯƠNG KIỀU LINH; LÊ THỊ BÍCH NGA
(Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (VNU-HCM))
TÓM TẮT
Báo chí là một bộ phận của thiết chế văn hóa, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, vận động và biến đổi cùng với những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng. Do vậy, nghiên cứu về báo chí Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm 2006-2016 phải được đặt trong tổng thể những biến đổi tình hình kinh tế – xã hội của Thành phố. Sự biến đổi đó đang tác động hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, tạo nên môi trường hoạt động của báo chí Thành phố trong một thập kỉ qua. Bài viết này tập trung phân tích những đặc điểm chủ yếu về tình hình kinh tế – xã hội Thành phố giai đoạn 2006-2016 trên hai bình diện: một là điều kiện kinh tế và đời sống vật chất, hai là kết cấu dân cư và đặc tính văn hóa. Đó là những yếu tố đóng vai trò nền tảng, tạo đà cho sự phát triển của nền báo chí Thành phố thời gian qua.
Từ khóa: báo chí, môi trường, hoạt động.
ABSTRACTS
The press is a part of culture. It belongs to the superstructure of the society, changes along with elements of the infrastructure. Therefore, the study of journalism in Ho Chi Minh City from 2006 to 2016 must be included in the overall socio-economic changes. The change of Ho Chi Minh City is affecting either direct or indirect, in the operating environment of the City press in the past decade. The following research focuses on analyzing the main socio-economic features of the city in the 2006-2016 period on two aspects: first is economic conditions and material life, the second is the population structure and cultural character. These are factors that play a fundamental role, creating a driving force for the development of the city’s press in the past time.
x
x x
1. Giới thiệu
Với cách tiếp cận sử học, nghiên cứu những tác động của điều kiện kinh tế vật chất, tâm lý xã hội, phương tiện , thiết bị di động, kết cấu cư dân và đặc tính văn hóa không chỉ góp phần phục dựng bức tranh lịch sử báo chí mà còn đặt ra những vấn đề mới cho công tác quản lý báo chí. Mặt khác, khi coi báo chí là nguồn sử liệu thì việc tiếp tục nghiên cứu báo chí Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong mối liên hệ chặt chẽ với sự biến đổi mạnh mẽ, liên tục, thay đổi nhanh lại gắn chặt với công nghệ và các thiết bị di động cùng với sự tiến bộ, nhanh nhạy trực tiếp tác động đến quy trình làm báo truyền thống khiến cho cả nền báo chí truyền thống chuyển động mạnh mẽ và thay đổi đến chóng mặt lại càng cần thiết. Sự xuất hiện của các mạng xã hội khiến cho một vài ngộ nhận về nghề báo cũng xuất hiện. Phân tích điều kiện và môi trường còn nên nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý báo chí thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, có chiến lược xây dựng mạng lưới báo chí hiện đại. Các mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, càng tiện ích khiến cho sự cạnh tranh giữa thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội ngày càng quyết liệt. Có thể nói chưa bao giờ nền báo chí có những thách thức trên tất cả các phương diện như tính thông tấn, cấu trúc nghề nghiệp, cạnh tranh thời sự và thương mại, hiệu ứng xã hội. Nên những nghiên cứu sau đây mới dừng lại ở việc khảo sát và đưa ra một số nhận định, chưa thể chuyên sâu và lý giải khoa học đầy đủ, vì chưa đủ độ lùi cần thiết, và có thể nói, các lý thuyết báo chí kinh điển dường như chưa tiến kịp công nghệ truyền thông như vũ bão hiện nay.
2. Tổng quan tài liệu
Với những biến động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, khái niệm truyền thông đa phương tiện và những thay đổi quan trọng của lý thuyết báo chí hiện đại cần cập nhật và đặt vấn đề nghiên cứu cho thỏa đáng. Vậy nhưng cho tới nay, những nghiên cứu mang tính chuyên biệt còn khá ít và chủ yếu của ngành báo chí học, mang tính khảo sát một số tờ báo cụ thể nhiều hơn là những mô tả một thời kỳ báo chí hoặc nền báo chí đương đại. Gần đây đã có một số công bố của một số học giả chuyên về văn học – báo chí đương đại là những gợi ý tốt cho ý tưởng của chúng tôi khi nghiên cứu môi trường hoạt động Báo chí TPHCM thời kỳ hội nhập.
Một số tác phẩm nói về truyền thống và đặc tính của báo chí Sài Gòn đã phần nào đề cập đến dòng chảy chung của lịch sử báo chí như các cuốn sách của tác giả Phạm Công Luận, Trần Nhật Vy, Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Đức Hiệp viết về báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã phần nào góp cho cách nhìn chung về bề dày báo chí nơi đây. Nhưng, để tìm hiểu toàn diện một nền báo chí như TPHCM, việc phân tích điều kiện môi trường hoạt động tức là những yếu tố kinh tế xã hội văn hóa tác động trực tiếp đến báo chí, thì chúng tôi phải căn cứ vào những nghiên cứu chung về thành phố nên các sách chuyên khảo, đặc biệt là những công bố số liệu của các cơ quan hữu quan như Sở Văn hóa – Du lịch, Thông tin – Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cũng là những tài liệu tham khảo hữu ích. Mặt khác, khi nghiên cứu nền báo chí Việt Nam đương đại, tất yếu phải đặt trong mối quan hệ với vấn đề chính trị, tức vấn đề quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí nên những văn kiện của Đảng bộ TPHCM cũng được nhóm tác giả coi là một nguồn tài liệu quan trọng và đã tiếp cận được. Ngoài các giáo trình được trình bày khá công phu thì các bài tham luận ở các hội thảo khoa học cũng được chúng tôi coi là nguồn tài liệu cần khai thác. Đó là các vấn đề chung về văn hóa và đời sống trong thời kỳ truyền thông đa phương tiện, các ảnh hưởng của yếu tố nước ngoài đến lĩnh vực văn hóa… mà chúng tôi tham khảo được. Hoặc một số công bố, chuyên luận của các tác giả như Nguyễn Hà, Triệu Thanh Lê, Nguyễn Trí Nhiệm, Nguyễn Thị Trường Giang, Vũ Thanh Vân, Lê Thanh Bình, Nguyễn Thành Lợi…
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Điều kiện kinh tế và đời sống vật chất
TPHCM là một thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,3% dân số so với cả nước, nhưng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, Thành phố luôn giữ vai trò là một “thành phố động lực”, là “hạt nhân” của cả nước. Không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước, với những chủ trương, chính sách đúng đắn cùng với những cách làm, hướng đi năng động, sáng tạo, Ban lãnh đạo Thành phố đã làm thay đổi diện mạo của một thành phố sau hơn 40 năm thoát ra khỏi chiến tranh, khủng hoảng. Tính đến năm 2016, Thành phố đóng góp cho sự phát triển kinh tế của khu vực và cả nước với gần 20% tổng sản phẩm GDP, gần 30% giá trị sản phẩm công nghiệp, trên 40% kim ngạch xuất khẩu, trên 30% tổng thu ngân sách quốc gia. Trung bình Thành phố tăng trưởng 1% GDP làm cho cả nước tăng được 0,2% GDP; 0,3% giá trị sản xuất công nghiệp; 0,4% kim ngạch xuất khẩu (Học viện Cán bộ TPHCM, 2017). Thu ngân sách hàng năm đều vượt chỉ tiêu nộp ngân sách do Trung ương giao. Thu ngân sách nhà nước 5 năm 2006-2010 gấp 2,5 lần giai đoạn 2001-2005 (Thành ủy, 2010).
Sự phát triển của Thành phố trong những năm qua gắn liền với sự phát triển, đóng góp của các thành phần kinh tế. Từ thực tiễn 30 năm đổi mới cho thấy, sự tồn tại và phát triển của một cơ cấu kinh tế đa thành phần là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sản xuất hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần và vận hành theo cơ chế thị trường là ba bộ phận không thể tách rời trong quá trình huy động các nguồn lực của đất nước vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những năm 2011-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, tuy gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như sự bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, GDP thành phố vẫn tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, trong đó khu vực nhà nước tăng 4,9%, ngoài nhà nước 10,5% và vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,1%. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, cơ cấu giá trị của các thành phần kinh tế đóng góp vào GDP tiếp tục thay đổi so với những năm 2006-2010, khu vực nhà nước chỉ đóng góp bình quân 17,54%/năm, tư nhân đóng góp bình quân 58,46%/năm và vốn đầu tư nước ngoài đóng góp bình quân 24%/năm (Thành ủy, 2015). Trên thực tế, khu vực kinh tế ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài ở Thành phố đã có những đóng góp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách và tạo sức mạnh tăng trưởng đột phá của thành phố. Sự phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố thời gian qua là phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với sự vận động khách quan của kinh tế thị trường và đang nâng dần vị trí, vai trò của Thành phố trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Nhận thức rõ lợi thế vị trí địa lý của địa phương nên ngay từ năm 2003, Ban lãnh đạo Thành phố đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Với tác động của khoa học và công nghệ, cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển biến tích cực, dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao đã làm nền tảng cho phát triển. Những năm 2011-2015, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,2%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,4%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,8%/năm (Thành ủy, 2015).
Thành phố cũng đã chủ động hợp tác với các tỉnh, đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, điểm trung chuyển, khu cửa khẩu,… làm cầu nối giữa Thành phố với các địa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, tăng cường thêm vị thế “kết nối” của Thành phố trong tất cả các hoạt động kinh tế – xã hội của cả khu vực Nam bộ. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, Thành phố đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư 19.883 tỷ đồng cho các dự án giao thông (Thành ủy, 2015). Nhờ vậy, diện mạo của Thành phố ngày càng hiện đại hơn, không gian đô thị đã được điều chỉnh, gắn với Vùng đô thị TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cùng với quá trình đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở những ưu thế, tiềm năng hiện có, Ban lãnh đạo Thành phố đã và đang tham gia quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Hiện nay, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố đã có mặt trên thị trường của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đã xuất khẩu vào các thị trường lớn, là đối tác chiến lược của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, EU. Kim ngạch nhập khẩu của Thành phố giai đoạn 2011-2015 ước đạt 145,3 tỷ USD, tăng bình quân 8,86%/năm (Thành ủy, 2015). Cùng với đó, Thành phố còn tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư với nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực. Điều đó chứng tỏ, quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới làm cho hoạt động giao thương giữa Thành phố và các quốc gia trên thế giới ngày một mạnh mẽ, giúp Thành phố tiếp cận với thị trường nước ngoài, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam đến các nước.
Kinh tế – xã hội phát triển, quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng đã có những tác động sâu sắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển của báo chí Thành phố thời gian qua. Với một nền kinh tế phát triển, các cơ quan báo chí ở Thành phố có điều kiện tăng thêm nguồn thu từ các hoạt động quảng cáo, phát hành, dịch vụ… Thực tế cho thấy các hoạt động quảng cáo, dịch vụ đã mang về nguồn thu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho các cơ quan báo chí Thành phố trong những năm qua. Nhờ đó, các cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ làm báo, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiệp vụ, cải thiện và nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên, mở rộng các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong xã hội.
Khi nền kinh tế Thành phố bước vào thời kỳ hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu cũng mang lại những cơ hội cho báo chí được tham gia vào đời sống quốc tế. Các nhà báo Thành phố có được một môi trường thuận lợi để thể hiện và khơi dậy những tiềm năng, sức sáng tạo của mình. Đó chính là cơ hội để mỗi nhà báo học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và tư duy, phương pháp làm báo hiện đại, sử dụng được các phương tiện kỹ thuật tiên tiến cho tác nghiệp. Đồng thời, công chúng báo chí có thêm sự lựa chọn thông tin trong và ngoài nước cho nhu cầu của mình. Báo chí Thành phố cũng có cơ hội mở rộng giao lưu quốc tế, vừa tự mình phát triển, vừa đóng góp chung cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, khi tham gia vào nền kinh tế thị trường, Thành phố phải đối mặt với sự phân hóa về thu nhập và phân tầng xã hội thành các nhóm khác nhau. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu giải quyết hài hoà giữa lợi ích đất nước và quốc tế, bảo vệ tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với các tư tưởng, khuynh hướng mới của thế giới. Tham gia hội nhập quốc tế, báo chí Thành phố phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn không chỉ giữa báo chí trong nước mà còn báo chí nước ngoài. Đó là sự vượt trội về công nghệ, kỹ thuật, tài chính, tính chuyên nghiệp… cạnh tranh về sản phẩm báo chí, cơ quan quản lý, có thể dẫn tới sự phân hóa không đồng đều, thậm chí một bộ phận cơ quan báo chí phá sản, phóng viên thất nghiệp. Cùng với những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo Thành phố đang đứng trước những thách thức chung trong xu thế phát triển của báo chí hiện nay. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho báo chí Thành phố là đội ngũ những người làm báo hiện nay phải nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ và luật pháp quốc tế,… để nắm bắt các xu hướng phát triển của báo chí và cung cấp cho độc giả những thông tin trúng, đúng và cập nhật nhất. Cùng với đó là những thách thức về lập trường, bản lĩnh của nhà báo, giữ vững định hướng phát triển đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường độc lập dân tộc và phát triển bền vững đất nước… Đó là những vấn đề cần được giải quyết hài hoà và tỉnh táo, đòi hỏi mỗi nhà báo phải phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện toàn diện để đáp ứng yêu cầu mới.
Những thành tựu đạt được của nền kinh tế TPHCM không chỉ mang đến những cơ hội, thách thức, tạo ra môi trường hoạt động của báo chí; mà còn tất yếu tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách kinh tế – xã hội, đời sống của người dân; đã góp phần ổn định, nâng cao mức sống của cư dân đô thị nói chung, của các tầng lớp công nhân viên chức, người lao động, đặc biệt là những người nghèo và cận nghèo.
Từ những năm 90, Thành phố đã khởi xướng và thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo. Không thể phủ nhận, nạn đói nghèo luôn là cản trở cho sự phát triển kinh tế, là một yếu tố gây bất ổn về chính trị – xã hội cho một quốc gia, cũng như một địa phương. Điều đó trái với mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội là đem lại cho tất cả mọi người sự ấm no, hạnh phúc. Do vậy, Ban lãnh đạo Thành phố đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề lấy sự ổn định và phát triển đời sống vật chất, kinh tế của người dân lao động là tiêu chí quan trọng của phương hướng phát triển Thành phố. Việc tiếp tục thực hiện chương trình Xóa đói giảm nghèo trong thời kỳ hội nhập chính là duy trì thế cân bằng để chúng ta vừa phát triển kinh tế thị trường, nhưng vẫn theo truyền thống của người dân Sài Gòn là lá lành đùm lá rách và hướng đến xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thực hiện chủ trương trên, những năm qua Ban lãnh đạo Thành phố đã xây dựng và bổ sung thành một chương trình kinh tế – văn hóa – xã hội tổng hợp, gắn kết Chương trình xóa đói giảm nghèo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua 23 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo được thực hiện qua 4 giai đoạn, với 7 lần nâng mức thu nhập để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, chỉ số giá sinh hoạt và mức sống của người dân thành phố. Mức thu nhập để xác định hộ nghèo hiện nay là 16 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo là dưới 21 triệu đồng/người/năm; cao hơn chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015 là 2,7 lần; tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế (2USD/người/ngày). Đến năm 2015, Thành phố chỉ còn 17.389 hộ nghèo và 46.971 hộ cận nghèo; hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn 0,89%; hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,39% (Thành ủy, 2015). Thành phố cũng đã huy động các nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ giảm nghèo, Quỹ quốc gia việc làm, Quỹ 156,… để hỗ trợ người nghèo. Giai đoạn 2011-2015 Thành phố đã huy động gần 3.000 tỷ đồng/năm; mỗi năm, quỹ giảm nghèo và nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội đã giải quyết cho 160.000-180.000 lượt hộ nghèo vay vốn. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo cũng được Thành phố quan tâm. Năm 2016, số lao động nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 1.500-2.000 người; giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 12.000-15.000 lao động thuộc hộ nghèo (Thành ủy, 2015).
Những kết quả đạt được của Chương trình giảm nghèo không chỉ tạo ra được thế cân bằng trong phát triển kinh tế thị trường; mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, nghĩa tình sâu đậm, là nét đẹp văn hóa của người dân Thành phố; khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau; phát huy được sức mạnh nội lực hướng thiện của cộng đồng, của các đoàn thể chính trị-xã hội, các cá nhân, doanh nghiệp; tạo sự đồng lòng, chung sức, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp lo cho dân nghèo, phát huy sức dân để làm lợi cho dân. Tất cả những yếu tố đó khiến cho sức sống của Thành phố ngày càng mạnh mẽ, là cơ sở vững chắc cho hạ tầng kinh tế và đời sống người dân ngày càng ổn định, những nhu cầu văn hóa-xã hội của người dân được đáp ứng ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Cùng với những thành tựu đạt được trong phong trào Xóa đói giảm nghèo, nền kinh tế của Thành phố những năm qua cũng không ngừng tăng trưởng. Đến năm 2016, GDP bình quân thu nhập trên đầu người tăng lên 5.122USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước (Dương Hồng Lâm, 2017). Kinh tế tăng trưởng làm cho đời sống vật chất của người dân Thành phố không ngừng được cải thiện, có nhiều điều kiện tiếp cận với các tiến bộ của khoa học công nghệ.
TPHCM được đánh giá là địa phương đứng đầu cả nước có tỷ lệ tăng trưởng Internet di động và tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh cao nhất cả nước. Theo thống kê năm 2013, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn Thành phố đạt 17,2 triệu thuê bao, mật độ điện thoại đạt 181,2 máy/100 dân. Do nhu cầu về tốc độ và chất lượng ngày càng cao nên dịch vụ Internet cáp quang FTTH tăng mạnh, dần thay thế dịch vụ ADSL trước đây. Từ năm 2011-2014, thuê bao Internet băng thông rộng tăng từ 975.559 thuê bao lên 1.372.427 thuê bao (Ủy ban nhân dân TPHCM, 2015). Đặc biệt, vào năm 2013 Thành phố được đánh giá đứng đầu 63 tỉnh thành về phát triển thương mại điện tử, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế (Thành ủy, 2015).
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ và nhu cầu sử dụng ngày một tăng của con người như hiện nay, việc sở hữu một hay nhiều thiết bị di động không còn là điều hiếm gặp trong cuộc sống. Thiết bị di động hiện nay không chỉ là thiết bị liên lạc mà đang trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến với nhiều tính năng vượt trội, đã và đang hình thành một xu hướng truyền thông. Điều này mở ra một xu hướng phát triển mới của báo chí mà những cơ quan báo chí nào muốn bắt nhịp với thời cuộc không thể bỏ qua: xu hướng báo chí di động (Nguyễn Thị Trường Giang, 2018).
Dưới tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên kỹ thuật số, của những thiết bị di động với những tiện ích ngày càng cao, những điều kiện kinh tế vật chất của cư dân Thành phố và đặc tính sử dụng, tiếp cận với công nghệ làm cho nền báo chí đương đại của thành phố lớn nhất nước có sự thay đổi cơ bản về cả diện mạo và tính cách chỉ trong 10 năm (2006-2016). Sự biến đổi mạnh mẽ, liên tục, thay đổi nhanh lại gắn chặt với công nghệ và các thiết bị di động cùng với sự tiến bộ, nhanh nhạy trực tiếp tác động đến quy trình làm báo truyền thống khiến cho cả nền báo chí kinh điển rùng rùng chuyển động và thay đổi đến chóng mặt. Sự xuất hiện của các mạng xã hội khiến cho một vài ngộ nhận về nghề báo cũng xuất hiện. Trong bối cảnh chung, báo chí luôn vận động, phát triển và thay đổi, để thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình đòi hỏi các cơ quan báo chí chủ chốt của Thành phố phải nhanh chóng thay đổi, bổ sung các hình thức hấp dẫn, có chiến lược xây dựng mạng lưới báo chí hiện đại bên cạnh việc củng cố chăm sóc khách hàng truyền thống bỏ tiền ra mua báo in giấy.
Các mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, càng tiện ích khiến cho việc truyền đi thông tin hàng ngày về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, của trong nước và thế giới khiến cho sự giao thoa cũng như cạnh tranh gay gắt giữa thông tin báo chí và thông tin trên mạng xã hội ngày càng quyết liệt. Có thể nói chưa bao giờ nền báo chí Thành phố có sự cạnh tranh quyết liệt, thách thức gay gắt trên tất cả các phương diện như tính thông tấn, cấu trúc nghề nghiệp, cạnh tranh thời sự và thương mại, hiệu ứng xã hội.
Những năm này, trên thế giới đã diễn ra quá trình toàn cầu hóa ngày một mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng và xu hướng báo chí mới mẽ của thế giới tác động và ảnh hưởng vào trong nước; tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, lối sống và đạo đức của con người. Trong đời sống quốc tế bắt đầu nổi lên những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn về con đường phát triển khác nhau của các nước. Các ý kiến, quan điểm, chính kiến, tư tưởng cọ sát diễn ra hàng ngày. Đây là những điều kiện để báo chí Thành phố phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú, kịp thời, chính xác của công chúng. Thông qua giao lưu quốc tế, báo chí Thành phố sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện, góp phần vào sự phát triển của đất nước và xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của nhân loại.
Tóm lại, những thành tựu về kinh tế-xã hội mà Thành phố đạt được trong những năm 2006-2016 không chỉ chứng minh đường lối, chủ trương của Đảng bộ Thành phố đề ra là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu khách quan của địa phương; mà còn là cơ sở quan trọng để tham chiếu vào đối tượng sẽ khảo sát dưới đây là báo chí Thành phố trong giai đoạn này. Không thể có nền báo chí phát triển đa dạng phong phú trong khi đời sống kinh tế vật chất của người dân nghèo đói, thiếu thốn. Chưa xét đến nội dung và chất lượng cũng như ý nghĩa xã hội của vấn đề thông tin mà về điều kiện vật chất, khi khá nhiều người dân mang theo mình điện thoại hay các thiết bị đi động có trị giá không hề nhỏ (giá khoảng từ 10 triệu đồng trở lên) với những tiện ích, tính năng rất gần với kỹ năng nghề báo thì đã tác động trực tiếp đến điều kiện hành nghề báo một cách sâu sắc, trước đây chưa có!
Những thành tựu về kinh tế xã hội đã tác động đa chiều đến nền báo chí Thành phố, là mảnh đất màu mỡ để báo chí ngày càng phát triển, nhưng cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn, phức tạp hơn. Với đời sống được nâng cao, người dân Thành phố ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để đi tới sự hưởng thụ nhu cầu văn hóa và đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa chất lượng thông tin, cũng như những giá trị về hình thức của văn hóa, văn học, nghệ thuật, giải trí,… Tất cả những nhân tố đó đòi hỏi các cơ quan báo chí Thành phố nói chung và những người làm báo nói riêng luôn có sự đổi mới, cải tiến và bắt kịp với thị hiếu của xã hội. Cũng như mỗi cá nhân nhà báo phải rèn luyện cho bản thân một phong cách làm báo chuyên nghiệp cho phù hợp với hiện thực đời sống.
Chính sự hiện đại, tiến bộ của ngành báo chí và những người làm báo cùng với sự phát triển, tương tác của một nền kinh tế hiện đại sẽ là tiền đề để xuất hiện nên những tập đoàn báo chí lớn. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đã trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung, Thành phố nói riêng. Đồng thời, nó còn thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các nước, trong đó có sự giao lưu, học tập để phát triển báo chí Thành phố.
3.2. Kết cấu dân cư và đặc tính văn hóa
Thành phố bước vào thập niên đầu của thế kỉ XXI với nhiều sự thay đổi trong kết cấu dân cư xã hội. Nhân tố ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự thay đổi đó là quá trình đô thị hóa đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ từ những thập niên trước. Thành phố là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất và quy mô lớn nhất cả nước. Việc khẳng định Thành phố là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, Thành phố là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khá cao, năm 2015 tăng 7,72% (Ủy ban Nhân dân, 2016). Kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu lao động gia tăng, là động lực để thu hút lượng lao động nhập cư từ các địa phương khác. Hơn nữa, Thành phố còn là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, năm 2015 khu vực công nghiệp chiếm tỉ trọng 39,6% trong GDP toàn thành phố (Ủy ban Nhân dân, 2016). Đây là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng và hiệu quả kinh tế của khu công nghiệp, khu chế xuất. Một yếu tố khác dẫn đến việc lượng người nhập cư đến Thành phố tăng còn là do Thành phố cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về nhà ở cho người thu nhập thấp, như chỉ thị số 07/2003/CTUB ngày 23/4/2003 nhằm hỗ trợ cho người thu nhập thấp có điều kiện vay vốn để tạo lập nhà ở, xây dựng các khu tái định cư ở các quận ven và quận mới để giãn dân từ nội thành ra. Tất cả những yếu tố đó là tác nhân kích thích làm gia tăng số người nhập cư đến Thành phố trong những năm qua. Và điều này cũng góp phần lý giải vì sao quá trình đô thị hóa ở địa phương lại diễn ra ngày một mạnh mẽ.
Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, lượng người nhập cư đến Thành phố ngày một đông khiến cho Thành phố là nơi có sự đa dạng văn hóa cao nhất cả nước. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến năm 2009 ở Thành phố đã có đầy đủ tất cả 54 dân tộc Việt Nam cùng sinh sống. Mọi cư dân ở đây đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước, kể cả những người nước ngoài. Tất cả các dân tộc sinh sống ở đây đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc riêng cho Thành phố mà không nơi nào có được. Họ mang đến nơi đây những sự khác biệt về tôn giáo, dân tộc, phong tục tập quán, văn hóa, lối sống, nhưng tất cả đều được tiếp biến, hòa quện vào nhau để cùng hướng đến xây dựng một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Là một trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, nên ngoài lực lượng công nhân, nông dân, tiểu thương, Thành phố còn là nơi thu hút một lực lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo từ các địa phương khác đến để định cư, phát triển nghề nghiệp. Theo thống kê năm 2015, lực lượng lao động của Thành phố chỉ chiếm 9% lao động cả nước, nhưng số lượng có trình độ đại học, cao đẳng chiếm đến 21,2% tổng số lao động trình độ cao của cả nước. Trí thức của Thành phố hiện chiếm khoảng 1/5 số trí thức của cả nước, trong đó có trên 15.000 người làm khoa học, hàng nghìn người có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sĩ.
Kết cấu dân số giai đoạn này đang đặt ra cho báo chí Thành phố những yêu cầu ngày càng mới và cao hơn so với trước đây. Đây là điều kiện tốt cho báo chí phát triển, nhưng đồng thời cũng tạo những khó khăn, phức tạp và thách thức lớn. Bởi lẽ, đội ngũ trí thức Thành phố với những phẩm chất năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách luôn đòi hỏi cao về chất lượng thông tin từ báo chí. Đồng thời, họ còn là những công chúng báo chí luôn tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, phản biện những vấn đề của đất nước được báo chí phản ánh, tạo không khí công khai dân chủ, minh bạch thông tin hai chiều góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Đời sống vật chất ngày càng nâng cao làm cho đời sống văn hóa tinh thần và bộ mặt xã hội Thành phố mỗi lúc phát triển theo hướng văn minh và hiện đại. Lối sống văn hóa của cư dân đô thị Thành phố đã được định hình từ những thập niên trước đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Chi phí cho các dịch vụ về ăn uống, đi lại giảm đi, trong khi mức chi cho giáo dục và các hoạt động văn hóa thể thao, giải trí tăng lên. Bên cạnh đó, những điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và trình độ dân trí, kết cấu dân cư, thiết chế văn hóa của Thành phố ngày càng được nâng cao. Tất cả những nhân tố này trở thành “bệ đỡ” tạo đà thúc đẩy nền báo chí Thành phố phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế là nơi khai sinh của nền báo chí Việt Nam.
Theo các nghiên cứu gần đây, thời điểm năm 2006 đã xuất hiện rất nhiều các mạng xã hội với những tiện ích nổi trội không chỉ đối với người sử dụng mà còn có tác động rất mạnh mẽ đến quy trình, công nghệ, phương pháp và kỹ thuật làm báo truyền thống. Đó là sự xuất hiện thông dụng của mạng Blog, Yahoo… khiến các cá nhân đều có thể coi như tạo được diễn đàn của riêng mình để kết nối, trao đổi truyền tin. Điều này khiến cho chính trong năm này, các cơ quan báo chí cả nước nói chung và tại TPHCM nói riêng phải chạy đua, thay vì như trước chỉ có thêm báo online song song với tờ báo in giấy, thì nay phải đối diện với thách thức thực sự (không chỉ còn là nguy cơ dự báo như trước) có thêm các hình thức mới nhằm đáp ứng được nhu cầu thông tin của xã hội. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các hình thức báo in giấy truyền thống của các cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM vốn đã hình thành từ trước cho đến thời điểm này, còn thêm sự cạnh tranh của các mạng xã hội được thiết lập từ năm 2006, với hàng loạt các tên tuổi xét trên bình diện báo chí thế giới. Đến thời điểm năm 2016, trong 10 năm đã có độ lùi ở thời điểm này, những tiến bộ và sử dụng tiện ích của mạng xã hội, thói quen sử dụng thiết bị di động ngày càng hiện đại cập nhật thông tin từng giờ từng phút, nhất là khi đã có hàng chục triệu người coi mạng xã hội Facebook là phương tiện không thể thiếu, lại có thể dùng miễn phí trên mạng toàn cầu Viber thì có thể nói như một nhà nghiên cứu: mỗi người đều có thể là nhà báo, có quyền phát ngôn và chia sẻ cũng như nhận được tương tác với hàng triệu người.
Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, thói quen đọc, nghe, xem của con người cũng thay đổi với sự xuất hiện của những chiếc smartphone, iphone, ipad cầm tay, thay cho những tờ báo, những chiếc radio, những chiếc ti vi truyền thống. Thực tế cho thấy, nếu một tòa soạn chỉ có báo in, truyền hình hay báo mạng vẫn chưa đủ, mà cần có các phiên bản cho máy tính bảng, điện thoại di động theo thiết kế chuyển đổi linh hoạt. Đây là xu hướng mới của báo chí hiện nay. Với đặc thù nhỏ gọn, tích hợp nhiều trình duyệt khác nhau, phiên bản dành cho smartphone (điện thoại thông minh) đã trở thành loại hình báo chí phát triển với tốc độ chóng mặt. Vì thế, đọc báo trên điện thoại thông minh đang dần trở thành thói quen của phần lớn công chúng báo chí Thành phố.
Trước những hệ thống mạng mở, ra đời ngày càng nhiều, cho phép người dùng chia sẻ thông tin và dễ dàng tiếp cận, các hình thức chuyển tải thông tin chính thống sẽ trở nên lạc hậu, chậm tiếp cận với thông tin hơn. Độ trễ về thời gian và tuổi thọ thông tin ngắn ngủi là sức ép để không ít các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử và trang tin điện tử sử dụng bừa bãi những nguồn tin không chính thống dẫn đến sự sai phạm và gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh và nên coi như yếu tố truyền thống, một trong những đặc điểm văn hóa nổi bật của người dân Thành phố là thói quen mua báo và đọc báo vẫn duy trì. Họ coi báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu trong nhu cầu văn hóa. Mặc dù đã bước sang kỷ nguyên công nghệ hóa, song vẫn còn gặp trên đường phố những công nhân viên chức, người đạp xích lô, người hớt tóc ven đường vừa uống cà phê vừa đọc báo trên điện thoại thay vì cầm tờ báo giấy như trước. Thói quen đọc báo của cư dân Thành phố trở thành nếp sinh hoạt đời thường ngay cả đối với những người lao động bình dân. Từ năm 2016 ngược về trước, thói quen mua báo và đọc báo của cư dân Thành phố đã tạo tính đa dạng và cạnh tranh khốc liệt, thúc đẩy sự phát triển cho thị trường báo chí Thành phố những năm qua.
Cho đến bây giờ, người đọc báo báo giấy dù đã ít đi rất nhiều so với trước, nhưng vẫn đang hiện diện trong đời sống như một minh chứng cho sức sống của một giá trị văn hóa. Còn rất nhiều người dân Thành phố vẫn giữ cho mình thói quen cầm một tờ báo mới in và thưởng thức thông tin, cũng như những cảm giác riêng có rất đặc biệt mà báo mạng không thể có. Đó là cảm giác được “sống chậm”, được nghiền ngẫm và suy tưởng để nhìn chính mình rõ hơn. Thêm vào đó, với một số người đọc, trước những thông tin ào ạt và thiếu chọn lọc, cũng như độ chính xác (một mặt trái của ưu điểm “nhanh”) trên những trang báo mạng, thì một tờ báo giấy có uy tín sẽ là lựa chọn hàng đầu của công chúng báo chí. Thay vì chạy theo thông tin thời sự như báo mạng, những tờ báo giấy có thể chọn cách phân tích chuyên sâu những vấn đề thời sự, lý giải ngọn nguồn những vấn đề công chúng báo chí quan tâm, đó là điều kiện để một số báo chí duy trì lượng độc giả tương đối ổn định của mình.
Ngoài khía cạnh là kênh cung cấp các chương trình văn hóa, giải trí, cung cấp tin tức, thời sự, nâng cao hiểu biết, các phương tiện truyền thông đại chúng còn là chỗ dựa cho người dân Thành phố. Chính vì thế hầu hết các tờ báo đều mở diễn đàn để công chúng tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và thành phố. Điều này còn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực đô thị như TPHCM với các sự kiện xã hội diễn ra hết sức sôi động đến mức khiến người dân mỗi ngày không đọc báo sẽ trở nên lạc hậu (Trần Hữu Quang, 2006, tr.34).
Mặc dù trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, trước sự cạnh tranh khốc liệt của phát thanh, truyền hình và báo mạng điện tử; nhưng báo giấy là loại hình truyền thông đại chúng mang tính truyền thống và thói quen đọc báo in giấy vẫn là nét sinh hoạt trong nếp sống của người dân Thành phố. Nếu như năm 2000, TPHCM có 31 đơn vị báo in thì đến tháng 6/2010, thành phố có 39 cơ quan báo in giấy gồm 18 báo và 21 tạp chí. Điều đó chứng tỏ, đến thời điểm khảo sát, báo in giấy tại Thành phố vẫn được sự đón nhận của công chúng báo chí.
Một điều cần nhấn mạnh nữa, nếu như chúng ta thấy báo chí Thành phố làm được những điều vẻ vang, vinh dự và những gương mặt báo chí đóng đinh tên tuổi của mình ở những tờ báo đình đám nhất của hơn 30 năm là còn bởi họ đã có một công chúng báo chí sôi nổi, tích cực. Đó là những bạn đọc trung thành, sáng suốt nhạy bén, chỉ cho những tờ báo yêu thích những điều mình cần phải làm. Chính người dân Thành phố, với những đặc tính đã phân tích, đã góp phần làm nên phong cách riêng biệt và thành tựu mà báo chí hiếm nơi nào có được.
4. Kết luận
Như vậy, với những chủ trương, hướng đi đúng đắn và cách làm năng động, sáng tạo, trong những năm 2006-2016 Thành phố đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, trở thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Những thành tựu đạt được trong tăng trưởng kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, nâng cao mức hưởng thụ của người dân Thành phố trên các phương diện về văn hóa, giải trí. Điều đó mang đến những thời cơ, thuận lợi và cả khó khăn, thách thức cho nền báo chí Thành phố nói chung và đội ngũ những người làm báo nói riêng. Báo chí Thành phố cần phải khẳng định và đề cao hơn nữa bản chất cốt lõi nghề nghiệp: đó là sự đưa tin chính xác, trung thực. Tính chính xác, khách quan, trung thực, nhạy bén trong quá trình chuyển tải thông tin đến những công chúng báo chí không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là lẽ sống của người làm báo và các cơ quan báo chí TPHCM.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội như hiện nay, cách thức tiếp cận thông tin báo chí của người dân Thành phố đã có sự thay đổi so với những thập niên trước. Bên cạnh những công chúng báo chí vẫn giữ sự trung thành của mình với tờ báo giấy, đã xuất hiện thói quen đọc báo trên những thiết bị di động. Với các phương tiện di động thông minh, con người hưởng thụ thông tin ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bằng nhiều giác quan của mình. Đó là một thực tế mà các cơ quan báo chí phải nhìn nhận và đối mặt. Đây cũng là thách thức chung của báo in trên cả nước, không chỉ riêng TPHCM. Điều quan trọng là phải luôn đặt công chúng là ưu tiên số một, cho dù làm báo trên nền tảng hay bất cứ phương thức nào. Đó cũng là phương thức duy nhất để báo giấy luôn có vị
trí trong lòng công chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Thị Trường Giang (2014). Báo mạng điện tử những vấn đề cơ bản. NXB. Chính trị Quốc gia.
[2] Nguyễn Thị Trường Giang (2018). Xu hướng phát triển của báo chí trong kỷ nguyên kĩ thuật số.
http://nguoilambao.vn/xu-huong-phat-trien-cua-bao-chi-trong-ky-nguyen-ky-thuat-so-nwf6967.html
[3] Học viện Cán bộ TPHCM (2017). Môn học về Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp TPHCM.
[4] Dương Hồng Lâm (2017). Để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững. Báo Nhân dân.
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/de-tp-ho-chi-minh-phat-trien-nhanh-ben-vung-308530.
[5] Dương Kiều Linh (2017). Báo chí thành phố Hồ Chí Minh trong 20 năm đầu đổi mới (1986-2006). NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị Quốc gia.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X. NXB Chính trị Quốc gia.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị Quốc gia.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII. NXB Chính trị Quốc gia.
[10] Trần Hữu Quang (2006). Xã hội học báo chí. NXB Trẻ.
[11] Thành ủy TPHCM (2015). Những vấn đề chủ yếu của Văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020. NXB Tổng hợp TPHCM.
[12] Thành ủy TPHCM (2010). Báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015. Thành ủy TPHCM.
[13] Tạ Ngọc Tấn (2002). Báo chí và một số vấn đề khoa học thực tiễn. NXB. Chính trị Quốc gia.
[14] Ủy ban Nhân dân TPHCM (2015). Báo cáo ết quả thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội, ngân sách năm (20 -20 ), phương hướng, m c tiêu, nhiệm v , giải pháp năm (20 6-2020), ngày 12/08/2015. Ủy ban Nhân dân TPHCM.
[15] Ủy ban Nhân dân TPHCM (2016). Báo cáo 06/BC-UBND về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội, ngân sách, quốc phòng an ninh năm 20 , m c tiêu, nhiệm v , giải pháp năm 20 6, ngày 08/01/2016. Ủy ban Nhân dân TPHCM.
[16] Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (2008). Đô thị hóa ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh từ góc nhìn lịch sử văn hóa. NXB Tổng hợp TPHCM.
Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 3(52)-2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Ảnh hưởng của kinh tế, dân cư và văn hóa đến hoạt động của báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tác giả: Dương Kiều Linh, Lê Thị Bích Nga) |