BẢN SẮC và GIAO TIẾP VĂN HÓA DÂN TỘC (Qua khảo sát một số hệ giá trị văn hóa tộc người vùng Nam Bộ) (Phần 1)

ETHNIC IDENTITY and CULTURAL INTERCHANGE and ACCULTURATION
(From a survey of systems of ethnic cultural values in Southern area) (Part 1)

                                                               HUỲNH QUỐC THẮNG
(Phó giáo sư, tiến sĩ)

TÓM TẮT

     Cho đến nay nhìn chung người ta vẫn chưa thật sự có quan điểm nhất quán về vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, cho nên, đã có tình trạng không tránh khỏi lúng túng, nhầm lẫn… Bài viết này dựa vào cứ liệu khảo sát một số hệ giá trị văn hóa tộc người vùng Nam Bộ nhằm góp phần khẳng định rằng bản sắc không phải chỉ là sự thể hiện các sắc thái muôn màu muôn vẻ của quá khứ mà đó còn là sự thể hiện bản lĩnh mang dáng dấp của thời đại và là những “cái có thật” với những thành tố đang hiện tồn rất cụ thể… Trong đó, tuỳ thuộc vào đặc điểm trình độ phát triển của mỗi tộc người, mỗi bản sắc văn hóa trong mối quan hệ với các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc có thể tạo thành những “gam” màu với một mức độ, tính chất  không đồng nhất (khác) nhau, như : “GIAO TIẾP MỞ” so với “GIAO TIẾP ĐÓNG”, hoặc “TIẾP BIẾN MẠNH” so với “TIẾP BIẾN YẾU”…Và, tất cả sẽ tạo ra những hệ quả khác nhau…

x
x x

TOÀN VĂN:

     Nam Bộ bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long) không chỉ là “vùng đất mới” như nhiều người thường nói mà nơi đây thực sự vốn là vùng đất đã hình thành từ lâu đời. Đây từng là nơi sinh sống của các nhóm cư dân cổ đại thuộc các nền văn hóa khảo cổ Đồng Nai, Óc Eo hoặc thuộc các thời kỳ lịch sử của vương quốc Phù Nam, Chân Lạp với một số tộc người bản địa đến nay vẫn còn tồn tại như Khmer, Stiêng, Mạ v.v… trước khi người Việt, người Hoa, người Chăm và các tộc người khác cùng đến lập nghiệp tại vùng đất này. Quá trình cộng cư giữa các tộc người trong một không gian địa lý, hoàn cảnh lịch sử – xã hội riêng như vậy đã dẫn đến hiện tượng tất yếu về giao tiếp (giao lưu và tiếp biến) văn hóa (échange culturelle et acculturation), từ đó tạo nên những đặc trưng về sắc thái văn hóa vùng Nam Bộ, ở từng thời kỳ lịch sử nhất định, có những nét đặc thù so với các vùng miền khác. Đồng thời, bên cạnh những đặc trưng chung của văn hóa vùng, đối với mỗi tộc người, do có nguồn gốc khác nhau về văn hóa và lịch sử, không hẳn đã đánh mất mà ngược lại, vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình từng bước tạo nên một hệ giá trị văn hóa tộc người riêng biệt trong quá trình hòa nhập vào tiến trình phát triển chung của văn hóa, văn minh thời đại. Điều cần nhấn mạnh ở đây chính là mối quan hệ giữa một bên là bản sắc văn hóa dân tộc (tộc người) được bảo tồn, giữ gìn theo một mức độ, tính chất nhất định với một bên là giao tiếp văn hóa dân tộc  theo một cách thức, trình độ nào đó để tạo ra các hệ quả với những màu sắc đặc thù góp phần vào nét đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ như người ta vẫn đã và đang thấy…

x
x x

1.

     Trên địa bàn Nam Bộ, nét nổi rõ qua các sinh  hoạt văn hóa – kinh tế – xã hội người ta luôn thấy hiện lên nhiều màu sắc đặc thù mà phía sau đó là những khuôn mặt sinh động của các cộng đồng dân cư, dân tộc với lịch sử hình thành, đặc điểm văn hóa, đời sống kinh tế v.v…rất khác nhau. Bên cạnh những điểm chung gặp gỡ nhau trong quá trình giao  tiếp văn hóa…các cộng đồng ấy đồng thời lại có nhiều nét rất riêng, thậm chí có những khoảng cách khá xa nhau không chỉ về bản sắc văn hóa mà cả về trình độ, phương thức bảo tồn và phát huy các bản sắc ấy. Một dẫn chứng sinh động đó là các tộc người cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á trên vùng đất Nam Bộ. Bộ phận nhóm Môn – Khmer miền Đông Nam Bộ như Mạ, Stiêng, Mnông…mặc dù đã bảo lưu bản sắc văn hóa của mình một cách vững chắc với những nét rất riêng cho từng tộc người nhưng sự phát triển trong thế « biệt lập » làm cho các cộng đồng ấy tương tự các nhóm tộc người ở Trường Sơn – Tây Nguyên hầu như đến nay vẫn tiếp tục dừng lại ở trình độ xã hội nguyên thủy như một “bảo tàng sống” về văn hóa Đông Nam Á cổ còn sót lại, một thế giới văn hóa riêng  “phi Hoa, phi An, phi Hy – La ”!…Trong khi đó, cộng đồng người Khmer miền Tây Nam Bộ lại đã có sự phát triển rất khác:“người Khmer…đã có một lịch sử văn hóa, nhân chủng, tổ chưc xã hội và chữ viết Pali mang ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa An độ cũng như sức sáng tạo phong phú của bản thân dân tộc này. Từ thế giới quan Phật giáo tiểu thừa và từ tư duy lưỡng nguyên người Khmer đã tạo nên một truyền thống văn hóa cá biệt với những kiến trúc chùa nguy nga với các mô típ Rìa hu, tượng tròn, tượng bốn mặt, chim thần, rắn thần, với các dạng thức phù điêu mang cá tính và phong cách riêng” [1]. Từ tín ngưỡng, tôn giáo cho tới hôn nhân, gia đình, phương thức tổ chức đời sống xã hội…trên lát cắt đồng đại, nhìn tổng thể người Khmer dù trải qua bao biến thiên lịch sử vẫn luôn tồn tại, phát triển bằng các đặc trưng văn hóa riêng với tư cách là một cộng đồng dân tộc đầy bản sắc và khác hẳn so với các tộc người thuộc nhóm Môn – Khmer khác ở Việt Nam…

     Tương tự như vậy, mặc dù do hoàn cảnh lịch sử và đặc điểm địa – văn hóa, văn hóa của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ tuy không phải hoàn toàn là một khối như nhau, nhưng nhìn chung với những cái riêng, cái bản sắc chung nhất trong văn hóa của họ trên các vùng, miền khác nhau của Việt Nam (hoặc rộng ra là ở Đông Nam Á) thì đó vẫn là một hiện tượng nổi bật! Xét về nguyên lý, người ta nói rằng văn hóa là “những giá trị liên tục” (les valeurs continues), có nghĩa rằng không một thành quả văn hóa nào chỉ là hiện tượng biệt lập, đơn lẽ, hay nói cách khác, sự phát triển văn hóa bất cứ ở đâu và thời nào cũng đều là kết quả, sản phẩm của nhiều tiến trình với nhiều chủ thể khác nhau. Ví dụ, sự đóng góp về văn hóa của dòng họ Mạc ở Hà Tiên chẳng hạn, trên thực tế, rõ ràng ngay từ nửa đầu thế kỷ 19, Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí đã nói khá đầy đủ và khái quát về Hà Tiên như là một phần trong đời sống văn hóa của vùng Gia Định (tức toàn bộ vùng Nam Bộ sau này), và dòng họ Mạc như là một bộ phận của cộng đồng người Hoa (Minh Hương) vốn đã hình thành khá đông ở nhiều nơi tại nhiều địa phương của Nam Bộ. Bên cạnh những nhóm người Khmer bản địa cư trú lâu đời rãi rác ở Đồng bằng sông Cửu Long, cộng đồng người Việt đã tụ cư ngày càng đông đảo trên khắp vùng Nam Bộ với tư cách như những chủ thể văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của toàn vùng. Sự  đóng góp về văn hóa của họ Mạc nói riêng, của cộng đồng người Hoa nói chung không phải chỉ bằng các hoạt động, các sản phẩm văn hóa do chính họ tạo ra mà còn qua các mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa để tạo nên những nét bản sắc bằng những vốn văn hóa đặc thù nào đó mang tính chất là “nội lực” có thực của văn hóa tộc người. Văn hóa Hoa với những thế mạnh của nó đặc biệt là về  truyền thống văn hóa kinh doanh trở thành là một bộ phận quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa địa phương cho vùng Nam Bộ, vùng đất ngày càng năng động với nền kinh tế thị trường phát triển thuộc loại nhanh, mạnh nhất nước.  Chúng ta cũng cần nhắc lại và nhấn mạnh rằng, Trấn Hà Tiên xưa gồm cả một tiểu vùng rộng lớn phía nam của Nam Bộ, tức vùng hạ Đồng bằng sông Cửu Long nay (bao gồm cả Cần Thơ đến tận Cà Mau), trong đó cộng đồng người Hoa nói riêng và vốn văn hóa Hoa nói chung tại đây có những nét đặc thù nhất định so với ba “trung tâm văn hóa Hoa” khác của Nam Bộ, đó là Biên Hòa – Đồng Nai, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh và Mỹ Tho – Tiền Giang. Điều đó khẳng định rằng, sự phát triển của văn hóa trong một giai đoạn nhất định tại một địa phương cụ thể chắc chắn có liên quan tới vai trò lịch sử của những chủ thể văn hóa, những cộng đồng tộc người nhất định. Thực tế đó có thể giúp chúng ta nâng cao hơn nữa nhận thức về các quy luật liên quan vai trò quyết định của con người trong lịch sử với tư cách là những chủ thể văn hóa đích thực. Tất nhiên ở đây chúng ta phải xác định lại một lần nữa về vai trò gốc rễ “bản địa” của bản sắc văn hóa.  Nếu trong quá trình phát triển trước kia, văn hóa Việt Nam đã từng tiếp nhận một số yếu tố của văn hóa Trung Hoa (thông qua hình thức tự nguyện và cả cưỡng bức), song người Việt không tiếp nhận nguyên xi các thành tố văn hóa đó (kể cả các yếu tố tiếp nhận từ các nền văn hóa khác) mà bao giờ cũng chủ động biến đổi các yếu tố tiếp nhận sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc. Trong thực tế lịch sử, có những lúc một bộ phận xã hội (đặc biệt là tầng lớp bên trên của chế độ phong kiến) có thể chịu sự tác động mạnh của văn hóa Trung Hoa (với tư cách là hình mẫu cao nhất về văn hóa đương thời) nhưng đến nay thì chắc chắn điều đó đã thay đổi. Yếu tố ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trong vốn văn hóa truyền thống Việt Nam  hàng ngàn năm trước đó bây giờ có thể có thêm điều kiện “cách tân” bằng mối quan hệ trực tiếp giữa người Việt ở Nam Bộ với bộ phận người Hoa hiện đại trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Đó chính là nét đặc thù tiêu biểu cho các ảnh hưởng văn hóa Hoa đối với văn hóa các tộc người khác, đặc biệt là người Việt sống trên đất Nam Bộ trực tiếp thông qua cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ và ngược lại, đó cũng là cơ sở giải thích về những tác động tạo ra nét riêng trong bản sắc văn hóa tộc người Hoa trên vùng đất này…

2.

     Cùng ảnh hưởng văn hóa Nam Á (trực tiếp là Ấn Độ) nhưng mang bản sắc không giống người Khmer, đồng thời vừa cùng có nội lực mạnh mẽ để bảo tồn văn hóa tộc người nhưng thân phận dân tộc lại rất khác so với người Hoa : Đó chính là cộng đồng người Chăm! Vương quốc Chăm pa với một nền văn hóa rực rỡ một thời mà đến nay dân tộc Chăm vẫn còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc không thể lẫn vào đâu được. Dân tộc này thuộc ngữ hệ Malayo – Polynésien (Mã Lai – Đa Đảo), tức cùng nhóm ngôn ngữ – tộc người với các dân tộc Êđê, Giarai, Churu và Raglai. Trong khi các nhóm Mã Lai – Đa Đảo như Raglai, Êđê…do bị “cô lập” ở miền rừng núi nên đến nay mặc dù bản sắc văn hóa tộc người vẫn được giữ gìn rất tốt nhưng sự phát triển cộng đồng nói chung rất thấp ở trình độ gần như vẫn còn ở thời nguyên thuỷ thì dân tộc Chăm đã đạt trình độ phát triển cao hơn rất nhiều : đã có nhà nước, tôn giáo và kinh tế – xã hội bắt đầu vươn ra tầm thế giới đương thời…Điều này tương tự gần như tình hình người Khmer và nhóm Môn – Khmer đã được đề cập ở phần trên. Tuy nhiên quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc trong quan hệ với bản sắc văn hóa dân tộc để tạo ra sự phát triển đặc biệt của tộc người Chăm vẫn có những nét riêng rất đáng chú ý. Do những biến động lịch sử – xã hội, hiện nay cộng đồng Chăm phân hóa thành hai nhóm địa phương (groupe ethnographique) rõ rệt :

+ Nhóm người Chăm miền Trung (chủ yếu ở Nam Trung Bộ) : Nét văn hóa tôn giáo đặc trưng là ảnh hưởng Bà La Môn (Ấn Độ giáo – Bà Chăm) và Hồi giáo cũ (Bà Ni) là chủ yếu.

+ Nhóm người Chăm Nam Bộ (tập trung chủ yếu ở tỉnh An Giang và TP. Hồ Chí Minh…) : Nét văn hóa tôn giáo đặc trưng là ảnh hưởng Hồi giáo mới (Islam) là chủ yếu.

     Trên tổng thể, trong 54 dân tộc thuộc cộng đồng quốc gia Việt Nam nói chung và trong cộng đồng các dân tộc ở đồng bằng Nam Bộ nói riêng, bên cạnh người Việt, Hoa, Khmer…, người Chăm có một vị trí khá đặc biệt đối với sự phát triển của toàn vùng. Người Chăm ở nơi đây là một “nhóm địa phương” (groupe ethnographique) vừa có những nét riêng về đời sống kinh tế – xã hội vừa mang những nét đặc trưng chung về văn hóa rất đáng lưu ý.  Một mặt tuy vẫn là người Chăm với những nếp văn hóa truyền thống không thể mất hẳn nhưng mặt khác họ đã không còn là người Chăm Bà La Môn như trước đây. Điều đáng chú ý hơn là mặc dù đã là người Chăm Hồi giáo với nhiều nét ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Islam Đông Nam Á (chủ yếu là Malaysia và Indonesia…) nhưng họ đã thoát ra khỏi nét “cực đoan” của thế giới Hồi giáo nói chung mà người ta vẫn thường thấy xưa nay…

      Cái gì đã tạo ra các đặc điểm văn hóa của người Chăm như nói trên ? Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Tuy nhiên ở đây một biểu hiện có vẻ phức tạp nhưng rất rõ nét liên quan đời sống văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Cụ thể hơn đó chính là sự thể hiện những ảnh hưởng, tác động của tôn giáo đối với tín ngưỡng, thực chất đó chính là những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đối với văn hóa bản địa thông qua lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm.

      Hai biểu hiện tôn giáo Bà La Môn và Hồi giáo ở người Chăm có thể coi là các yếu tố “ngoại sinh” trong quá trình lịch sử lâu dài có đến hàng thiên niên kỷ của dân tộc Chăm. Người Chăm đã thành công trong quá trình “bản địa hóa”: giai đoạn đầu là quá trình hội nhập, tiếp nhận tôn giáo Bà La Môn vào đời sống tín ngưỡng của họ. Khi ấy đã xảy ra quá trình tiếp biến tôn giáo Bà La Môn đến từ Ấn Độ thành tôn giáo Bà La Môn theo kiểu của người Chăm. Song quá trình “bản địa hóa” đã diễn ra thực sự nổi bật ở giai đoạn tiếp theo với sự du nhập của Hồi giáo. Người Chăm đã biến cải Hồi giáo thành đạo “Bani” phù hợp với tín ngưỡng vốn có của họ. Có thể coi đây là “mô hình” giao lưu văn hóa (échange culturels) tiêu biểu về quá trình hội nhập hoặc tích hợp (intégration culturelle) và tiếp biến văn hóa (acculturation) mạnh mẽ của người Chăm. Đối với sự du nhập tôn giáo Bà La Môn, kể cả sau này là Hồi giáo Islam, quá trình “bản địa hóa” của người Chăm đã diễn ra với nhiều quy mô và người ta cũng có thể nhìn nhận nó với nhiều cấp độ khác nhau. Ở tầm vĩ mô chúng ta có thể mở rộng sự  liên hệ trong bối cảnh chung về lịch sử – xã hội các dân tộc ở Đông Nam A, một khu vực lịch sử – văn hóa có nhiều điểm tương đồng đặc biệt; hoặc, ở tầm vi mô có thể so sánh với các xã hội truyền thống ở Tây Nguyên, nhất là một số tộc người cùng nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynésien như đã nói; hoặc, so sánh với nhóm Chăm Hroi là bộ phận không bị ảnh hưởng của tôn giáo với tiến trình phát triển tộc người có nhiều điểm đáng chú ý (so với cộng đồng người Chăm nói chung)…Đặc biệt đối với sự du nhập của Hồi giáo, nếu coi nhóm người Chăm theo tôn giáo Bà Ni là “Bà La Môn giáo + Hồi giáo” thì đó là quá trình pha trộn hay là sự “sống chung” của các tôn giáo khác nhau, nếu cộng thêm yếu tố tín ngưỡng dân gian vào Bà La Môn giáo thì hình như tình hình vẫn không khác hơn, vì tín ngưỡng và tôn giáo không phải là hai cực đối lập để có thể tác động bài trừ lẫn nhau. Nhưng đến Hồi giáo mới (Islam) thì tình hình lại rất khác: bởi vì tôn giáo thâm nhập và ảnh hưởng vào người Chăm không chỉ trên lĩnh vực tín ngưỡng, mà còn ảnh hưởng đối với nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, kể cả phong tục tập quán, lối sống, v.v… cho nên anh hưởng đó về phương diện xã hội có ý nghĩa rất lớn. Ví dụ, chính nó (văn hóa tôn giáo, nhất là Hồi giáo mới Islam) đã tách người Chăm thành ba cộng đồng khác nhau, với nếp sống và bản sắc văn hóa riêng, sự ảnh hưởng đó thậm chí đến mức đã tạo ra sự đối lập giữa “tôn giáo hóa” và “bản địa hóa” (thực chất đây là sự mâu thuẩn giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong tiến trình lịch sử “văn hóa hóa” của văn hóa người Chăm); hoặc, đưa đến tình hình một bộ phận người Chăm đã bị “bứng” ra khỏi cội rễ văn hóa truyền thống như có một số nhà nghiên cứu đã từng nhấn mạnh v.v…Nói cách khác, tôn giáo Bà La Môn và Hồi giáo (Bà Ni) tồn tại ở người Chăm Nam Trung Bộ dưới dạng thức sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng truyền thống gắn với quá trình lịch sử của người Chăm (đã như là một yếu tố “nội sinh”), khác với loại hình sinh hoạt tôn giáo chính thống như tôn giáo Islam đã và đang thâm nhập vào người Chăm ở Nam Bộ kể từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay (còn như là một yếu tố “ngoại sinh). Việc phân biệt giữa hai loại hình và sự tác động khác nhau giữa hai tôn giáo này (tương tự như việc cần phải tìm hiểu sâu hơn về sự du nhập, từng tồn tại và mất đi của Phật giáo Chăm pa trước kia) là hết sức cần thiết để có đối sách thích hợp trong tình hình hiện nay, giữa một bên là sự nghiệp bảo tồn di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và một bên là chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, rộng ra là các giải pháp chủ động các mối quan hệ giao tiếp văn hóa dân tộc trong tiến trình lịch sử…

__________
[1] ĐINH VĂN LIÊN : Giao lưu văn hóa của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long ; Trong : Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Kỷ yếu); Viện Văn hóa (Bộ VHTT); 1984; tr. 80.

Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập

Còn tiếp:

Mời xem: BẢN SẮC và GIAO TIẾP VĂN HÓA DÂN TỘC (Qua khảo sát một số hệ giá trị văn hóa tộc người vùng Nam Bộ) (Phần 2)