Bàn thêm về thờ cúng tổ tiên
A FURTHER DISCUSSION ON THE ANCESTOR – WORSHIP
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC LỮ
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Cho đến nay, ở Việt Nam, quan niệm về thờ cúng Tổ tiên vẫn chưa thống nhất. Một số ý kiến coi thờ cúng Tổ tiên là phong tục, truyền thống, luật tục. Một số ý kiến khác cho rằng, thờ cúng Tổ tiên là đạo ông bà, đạo nhà, đạo hiếu nghĩa. Trong khi đó, có những ý kiến lại coi thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng/tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo/tôn giáo bản địa. Bài viết này góp bàn thêm về thờ cúng Tổ tiên, một đề tài hiện vẫn còn nhiều tranh luận chưa có hồi kết ở Việt Nam.
Từ khóa: Thờ cúng Tổ tiên, tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, tôn giáo bản địa.
ABSTRACT
At present, in Vietnam there is not a common conception of ancestor – worship. Some people think that the worship of ancestor is a religion of forefathers or filial piety, but some others think that the ancestor – worship is a belief/ folk belief or a religion/ native religion. This article would like to discuss further the ancestor – worship that has been discussed in Vietnam.
Key words: Ancestor – worship, folk belief, religion, native religion.
x
x x
Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam dù đi đâu, ở đâu cũng luôn hướng về quê hương, xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mồ mả tổ tiên. Nơi đấy đã từng nuôi duỡng tình cảm gia đình, dòng tộc, xóm làng. Hình ảnh làng quê với cây đa, bến nước, ngôi đình chứa đựng biết bao kỷ niệm của những vùng quê êm ả. Dù cho quá trình đô thị hóa đang làm mất dần những lũy tre làng một thời, nhưng dễ gì đã phá hủy hết được văn hóa truyền thống mà ngàn đời ông cha ta đã dày công vun đắp, tôn tạo. Ngược lại, làn sóng “xâm lăng văn hóa” hiện nay càng kích thích thêm khả năng phục hồi tín ngưỡng truyền thống để tăng sức đề kháng cho văn hóa dân tộc, trong đó có thờ cúng Tổ tiên.
Sắp đến ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, dù già hay trẻ, ở Miền Bắc hay Miền Nam, dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số, đang sinh sống ở trong nước hay làm ăn ở nước ngoài,… đều hướng về vùng đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi. Câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” đã phản ánh nhu cầu tâm linh ấy.
Ở nước ta đã và đang dung dưỡng hệ thống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, đa dạng, nhưng tiêu biểu hơn cả vẫn là thờ cúng Tổ tiên. Hình thức này tồn tại ở các thành phần dân tộc, đan xen và thẩm thấu vào các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, trải dài nhiều thời kỳ lịch sử. Do đó, thờ cúng Tổ tiên là hiện tượng xã hội có tính phổ biến. Một thời gian không ngắn trước đây, thờ cúng Tổ tiên chưa được hiểu đầy đủ, nên ứng xử với hình thức tín ngưỡng này chưa thật thỏa đáng. Cho dù có thời kỳ lịch sử, ai đó đã từng thiếu tôn trọng, thậm chí phê phán và liệt thờ cúng Tổ tiên vào loại “mê tín”, thì cho đến đầu thế kỷ XXI, hầu hết người dân nước ta vẫn giữ phong tục thờ cúng Tổ tiên(1). Điều đó nói lên sức sống trường tồn của hình thức tín ngưỡng này trong lòng dân tộc.
Cùng với sự đổi mới tư duy về tôn giáo, gần đây, thờ cúng Tổ tiên cũng được xã hội nhìn nhận, đánh giá theo quan điểm mới. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ghi: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”(2).
Thờ cúng Tổ tiên đã xuất hiện từ xa xưa của lịch sử nhân loại, từng tồn tại ở nhiều châu lục và các quốc gia. Ở nước ta, hình thức tín ngưỡng này trở thành phổ biến. Cho đến nay, thờ cúng Tổ tiên vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều tộc người. Tuy vậy, đánh giá vai trò, ý nghĩa của hình thức tín ngưỡng này trong từng giai đoạn lịch sử và ở mỗi quốc gia lại không như nhau.
Ở Việt Nam, thờ cúng Tổ tiên là phong tục, truyền thống, luật tục, đạo ông bà, đạo hiếu nghĩa, tín ngưỡng hay tôn giáo,… vẫn đang là vấn đề cần thảo luận. Dưới đây là một số quan niệm khác nhau về thờ cúng Tổ tiên.
1. Quan niệm thờ cúng Tổ tiên là phong tục, truyền thống, luật tục
Luật tục là một hình thức của tri thức bản địa, được hình thành trong lịch sử lâu dài qua kinh nghiệm ứng xử với môi trường và xã hội, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, truyền từ đời này qua đời khác bằng trí nhớ, qua thực hành sản xuất và hoạt động xã hội. Những giá trị của nó hướng đến xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người và với thiên nhiên. Những chuẩn mực ấy đã và sẽ được cả cộng đồng thừa nhận và thực hiện, nhờ đó tạo ra sự thống nhất và cân bằng trong mỗi cộng đồng. Luật tục như hình thức phát triển của phong tục, tục lệ và là những hình thức sơ khai của luật pháp.
Truyền thống (tiếng Latinh là “Traditio”) là hành vi lưu truyền, chuyển sang cho người khác, trao lại cho nhiều thế hệ. Các khái niệm nêu trên đều có quan hệ với nhau. Một số người cho rằng, thờ cúng Tổ tiên là phong tục, truyền thống và luật tục.
Theo Phan Kế Bính, mỗi nước có phong tục riêng. Phong tục ấy ban đầu thuộc một vài người rồi bắt chước nhau thành thói quen, dần dần tiêm nhiễm thành tục (3). Trong tác phẩm Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính khẳng định, việc thờ cúng Tổ tiên và các bậc thần linh là rất quan trọng. Toan Ánh cũng đồng quan điểm với Phan Kế Bính khi coi thờ cúng Tổ tiên là một tập tục truyền thống mang giá trị đạo đức, thể hiện lòng thành kính của con cháu: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, ấy cũng là một việc nghĩa của người. Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”(4).
Như vậy, Phan Kế Bính và Toan Ánh đều khẳng định, thờ cúng Tổ tiên là một phong tục. Trong Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, coi thờ cúng Tổ tiên là một truyền thống khi ghi: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng Tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân”. Còn GS. Hà Đình Cầu cho rằng: “Việc thờ cúng Tổ tiên không phải là một tôn giáo, mà là một luật tục”(5).
2. Quan niệm thờ cúng Tổ tiên là đạo ông bà, đạo nhà, đạo hiếu nghĩa
Ở Miền Nam nước ta, thờ cúng Tổ tiên được nhiều người gọi chung với cái tên là đạo Ông Bà: “Ở đạo Ông Bà, người trưởng tộc là người lo việc cúng tế” (6), còn Nguyễn Đình Chiểu gọi là đạo nhà: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.
Ở Miền Bắc nước ta, nhiều người gọi thờ cúng Tổ tiên hay là đạo thờ Tổ tiên(7). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, “đạo” ở đây không có nghĩa là một tôn giáo, như Công giáo, Phật giáo, Islam giáo,… mà là đạo lý làm người. Trong tác phẩm Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh giải thích lý do gọi thờ cúng Tổ tiên là đạo thờ cúng Tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu là đạo Mẫu: “Khái niệm đạo ở đây, theo ý nghĩa là “con đường”, “cách thức” đưa con người đạt tới niềm tin vào cái thiêng liêng, siêu nhiên. Như vậy, đạo theo nghĩa rộng nó có thể bao gồm cả một số hình thức tín ngưỡng và tôn giáo, còn đạo theo nghĩa hẹp hơn là chỉ một số hình thức tín ngưỡng phát triển có xu hướng trở thành tôn giáo sơ khai hay là tôn giáo dân gian”(8).
3. Quan niệm thờ cúng Tổ tiên là tôn giáo
Trong khi một số ý kiến coi thờ cúng Tổ tiên là phong tục, luật tục, truyền thống, đạo lý làm người, thì một số ý kiến khác lại cho rằng, đây là một tôn giáo. Chẳng hạn, nhà dân tộc học nổi tiếng người Nga X. A. Tocarev khẳng định: “Sự thờ cúng Tổ tiên là một hình thức tôn giáo, từ lâu đã được thừa nhận trong khoa học. Vì thế không cần phải chứng minh sự tồn tại của nó với tư cách là một hình thức tôn giáo riêng biệt”(9). Theo quan điểm trên của X. A. Tocarev, thờ cúng Tổ tiên là một loại hình tôn giáo nguyên thủy mang tính sơ khai.
GS. Đặng Nghiêm Vạn cho rằng, thờ cúng Tổ tiên ở Việt Nam nằm trong hệ thống tôn giáo dân tộc (10). Ông khẳng định, đó là một tôn giáo chính thống của người Việt Nam, tuy nó “không có tổ chức chặt chẽ, nhưng dường như toàn bộ cộng đồng quan niệm tiến hành các lễ thức giống nhau và là tâm linh chủ yếu của cộng đồng là lực hút các yếu tố ngoại sinh hay là những yếu tố gia nhập vào các tôn giáo khác”(11).
Cùng quan điểm này có một số nhà nghiên cứu người Pháp đầu thế kỷ XX như Gô-xe-lanh, L. Cadière. Gô-xe-lanh nhận xét: “Thờ cúng Tổ tiên là tôn giáo thân thiết nhất với người Việt”(12). Còn L. Cadière cho rằng, thờ cúng thần linh, trong đó có thờ cúng Tổ tiên, là đặc sắc nhất trong hệ thống tôn giáo người Việt: “Người An Nam thờ cúng quỷ thần. Quỷ thần ở đây phải được hiểu là vong linh tiên tổ mà mỗi gia đình đều thờ kính; là vong hồn của những nhân vật xa xưa, ít nhất có thật, nổi tiếng dưới nhiều danh nghĩa, mà hoàng đế hay tín ngưỡng bình dân đã đặt lên bàn thờ và thờ cúng riêng tư hoặc công khai và chính thức… Tôn giáo này được biểu hiện qua công trình và dấu ấn khắp nơi: trong nhà, ngoài lộ, tận chốn sơn lâm cùng cốc và mọi lúc cả đêm lẫn ngày”(13).
Một số ý kiến khẳng định, thờ cúng Tổ tiên là một tôn giáo bản địa (14), thậm chí là quốc đạo của Việt Nam(15).
Đồng tình với quan điểm thờ cúng Tổ tiên là một tôn giáo bản địa, nhưng một số ý kiến còn phân vân: “(thờ cúng Tổ tiên) gần như một thứ tôn giáo”(16); hoặc tỏ ra thận trọng: “Đạo gốc ở nước ta có vẻ là thờ cúng Tổ tiên, về mặt tôn giáo học thì còn phải tranh luận, nhưng về thực tiễn thì rất rõ nét”(17), và: “Có thể nói khía cạnh đạo đức trong việc thờ cúng (Tổ tiên)… là chủ yếu và nếu coi đó là đạo thì đó chính là đạo gốc, đạo nền của người Việt Nam”(18).
4. Quan niệm thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng
GS. Phan Đại Doãn quan niệm thờ cúng Tổ tiên là một tín ngưỡng gắn liền với sự củng cố quan hệ họ hàng, gia đình. Không ít người cho rằng, thờ cúng Tổ tiên không phải là tôn giáo, mà là một loại hình tín ngưỡng hay tín ngưỡng dân gian. Chúng tôi tán thành với quan điểm này(19). Tất nhiên, có người không đồng ý khi gán loại hình này với từ “dân gian”, bởi đã không có tín ngưỡng “bác học” thì làm sao có tín ngưỡng dân gian. Huyền Giang lý giải: “Từ xa xưa thờ cúng Tổ tiên rõ ràng là một tín ngưỡng sâu sắc của người Việt… Nhưng từ đó chưa thể nói rằng, thờ cúng Tổ tiên là một thứ tôn giáo của người Việt. Thoạt nhìn, có thể coi đó là tôn giáo, vì hầu hết các nhà đều có bàn thờ, đều làm những nghi thức thờ cúng trang trọng và thành kính, nghĩa là có những dấu hiệu của tôn giáo. Nhưng đó chưa phải là tôn giáo hiểu theo nghĩa chặt chẽ của khái niệm này. Thờ cúng Tổ tiên không có những giáo lý thống nhất, cũng không có giáo hội với những phép tắc nghiêm ngặt như thường thấy các tôn giáo xưa và nay”(20).
Có người cho rằng, thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng bản địa. Tín ngưỡng này thấm sâu trong cộng đồng người Việt, đến nay vẫn được duy trì và còn có xu hướng phát triển. Trong cuốn Văn hóa phong tục, Hoàng Quốc Hải khẳng định, thờ cúng Tổ tiên ở nước ta chỉ là một tín ngưỡng mang tính đạo lý, chứ không phải là một tôn giáo.
Từ lâu, Hồ Chí Minh đã đưa ra một ý kiến rất đáng lưu tâm: “Người An Nam không có linh mục, không có tôn giáo theo cách nghĩ của Châu Âu. Việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội. Chúng tôi không có những người tư tế nào. Những người già trong gia đình hay các già bản thực hiện các nghi lễ tưởng niệm”(21). Ở đây, Bác Hồ không nói rõ “việc cúng bái tổ tiên hoàn toàn là một hiện tượng xã hội”, “những người già trong gia đình hay các già bản thực hiện các nghi lễ tưởng niệm” là tôn giáo hay tín ngưỡng. Nhưng Người đã chỉ rõ, việc hiểu tôn giáo ở Việt Nam là khác biệt với cách hiểu của người Phương Tây.
Như vậy, thờ cúng Tổ tiên là phong tục, truyền thống, luật tục, đạo ông bà, đạo hiếu nghĩa, tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn đang tiếp tục là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Tuy nhiên, dựa vào khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo, chúng tôi đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng, thờ cúng Tổ tiên là một dạng của tín ngưỡng dân gian. Bởi lẽ, thờ cúng Tổ tiên được hình thành trên cơ sở niềm tin của con người vào sự tồn tại của linh hồn người chết và ảnh hưởng của lực lượng này đối với cuộc sống của họ. Mặt khác, không thể xem thờ cúng Tổ tiên là một tôn giáo nếu dựa vào các tiêu chí đã xác định tôn giáo cụ thể. Thờ cúng Tổ tiên không có giáo chủ và đội ngũ chức sắc được đào tạo hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt tín đồ; không có hệ thống tổ chức để hình thành giáo hội, không có hệ thống giáo lý, tín điều một cách đúng tầm của một tôn giáo hiện đại; không phải tuân thủ giáo luật, nghi lễ một cách chặt chẽ. Nghĩa là, thờ cúng Tổ tiên không có giáo chủ, giáo lý, giáo luật và giáo hội theo nghĩa đầy đủ của một tôn giáo. Nếu hiểu tôn giáo theo nghĩa rộng, thờ cúng Tổ tiên cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu để xếp vào loại gì. Nhưng hiện tại, theo quan niệm tương đối phổ biến, thờ cúng Tổ tiên được coi như một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc của người Việt./.
Chú thích:
1. Hội đồng Lý luận Trung ương (2004), Lẽ phải của chúng ta, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 351.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 49.
3. Phan Kế Bính (1992), Việt Nam phong tục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 9.
4. Toan Ánh (2000), Phong tục Việt Nam: Thờ cúng Tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc: 4.
5. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam: thờ cúng Tổ tiên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 5.
6. Hà Văn Tăng – Trương Thìn (chủ biên, 1999), Tín ngưỡng và mê tín, Nxb. Thanh niên: 164.
7. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 21.
8. Ngô Đức Thịnh chủ biên (chủ biên, 2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, sách đã dẫn: 17.
9. X. A. Tocarev (Lê Thế Thép dịch, 1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 32.
10. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 315.
11. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam…, sách đã dẫn: 29.
12. Tạp chí Cộng sản, số 15, tháng 8/1999.
13. Đỗ Trinh Huệ (biên khảo, 2000), Văn hóa tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 162.
14. Xem: Ngô Đức Thịnh chủ biên (2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Xem: Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Nguyễn Đổng Chi (1978), “Sự tồn tại quan hệ thân tộc trong làng xã Việt Nam”, trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội: 193.
17. Tạp chí Cộng sản, số 15, tháng 8/1999.
18. Trần Bạch Đằng (1999), “Vấn đề tôn giáo: tư tưởng và chính sách xã hội”, trong Tín ngưỡng và mê tín, Nxb. Thanh niên: 32 – 33
19. Xem: Nguyễn Đức Lữ (chủ biên, 2004), Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
20. Hà Văn Tăng – Trương Thìn (chủ biên, 1999), Tín ngưỡng và mê tín, sách đã dẫn: 149 – 150.
21. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995: 35.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Toan Ánh (1991), Phong tục Việt Nam: Thờ cúng Tổ tiên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Toan Ánh (2000), Phong tục Việt Nam: Thờ cúng Tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc.
3. Phan Kế Bính (1992), Việt Nam phong tục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
6. Hội đồng Lý luậnTrung ương (2004), Lẽ phải của chúng ta, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Đỗ Trinh Huệ (biên khả, 2000), Văn hóa tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
8. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên, 2004), Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
9. Tạp chí Cộng sản, số 15, tháng 8/1999.
10. Hà Văn Tăng – Trương Thìn (chủ biên, 1999), Tín ngưỡng và mê tín, Nxb. Thanh niên.
11. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2001), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. X. A. Tocarev (Lê Thế Thép dịch, 1994), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
13. Đặng Nghiêm Vạn (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, Số 12 – 2013, 108-114
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bàn thêm về thờ cúng tổ tiên (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Đức Lữ) |