Bàn về mô hình vận động của triết lý giáo dục (1)

Tác giả bài viết: Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học  TRẦN NGỌC THÊM
(Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở quan niệm của tác giả về triết lý giáo dục (TLGD) và các mô hình vận động TLGD của Hồ Ngọc Đại và Vũ Cao Đàm, bài viết giới thiệu mô hình vận động TLGD tổng hợp được chúng tôi xây dựng trên cơ sở lý luận về loại hình văn hóa. Mô hình này có thể đọc theo nhiều chiều kích khác nhau nên cũng có thể được gọi là mô hình vận động TLGD đa chiều kích. Mô hình được kiểm chứng bằng việc phân tích các dữ liệu thực tế điển hình của các nền giáo dục phương Tây, Đông Bắc Á và Đông Nam Á, qua đó cho thấy năng lực giải thích của cách tiếp cận liên ngành triết học – văn hóa học – giáo dục học và tiềm năng, triển vọng của nó.

Từ khóa: Triết lý giáo dục, Mô hình vận động tổng hợp, Mô hình vận động đa chiều kích, Tiếp cận liên ngành.

ABSTRACT

     Based on the concept of educational philosophy proposed by the author and motivation models of learning by Ho Ngoc Dai and Vu Cao Dam, the paper introduces a general motivation model of learning accorded with theories of cultural types. This model can also be acknowledged a multi-dimensional one as can be observed from various dimensions. It also could be verifi ed by analyzing practical data typical for Western, Northeast and Southeast Asian educations. Thereby, not only the ability to interpret in the interdisciplinary approach of philosophy, culture and education, but its potentials and prospects shall also be proved.

Keywords: Educational Philosophy, General Motivation Model, Multi-dimensional Motivation model, Interdisciplinary Approach.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Trong khoảng 15 năm trở lại đây, ở Việt Nam khái niệm “triết lý giáo dục” được xã hội quan tâm một cách đặc biệt. Trong suốt thời gian dài, TLGD trở thành đề tài được tranh luận rất sôi nổi, từ giới học thuật đến công luận xã hội và cả trên diễn đàn Quốc hội với những ý kiến trái chiều. Dù theo quan điểm nào thì việc nghiên cứu TLGD cũng đều cần thiết. Đây là mảng đề tài nằm ở lĩnh vực giáp ranh giữa triết học với giáo dục học và liên quan đến nhiều ngành, trong đó trước hết phải kể đến văn hóa học.

     Trong một bài viết đã công bố (Trần Ngọc Thêm, 2020a: 2), chúng tôi đã tổng hợp sự tương đồng và khác biệt giữa TLGD và “triết học giáo dục” trong quan hệ với “tư tưởng giáo dục” và “thực tiễn giáo dục”. Đồng thời, chúng tôi đưa ra mô hình cấu trúc bên ngoài của TLGD mà theo đó TLGD chịu sự chi phối của 3 thành tố quan trọng nhất là Chính trị, Kinh tếVăn hóa; có quan hệ tương tác với 2 thành tố quan trọng khác là Khoa họcVăn minh; được hiện thực hóa bởi 4 (nhóm) thành tố là: Chính sáchTổ chức giáo dục; Văn hóa giáo dục; Nội dungPhương pháp giáo dục; Hạ tầng giáo dục (Hình 1).

Hình 1: Cấu trúc bên ngoài của triết lý giáo dục. Nguồn: Trần Ngọc Thêm, 2020a. 

      Từ đó, có thể định nghĩa: TLGD là tư tưởng chủ đạo tổng thể hoặc về một (số) khía cạnh của hoạt động giáo dục, được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc rút trích từ kết quả nghiên cứu, chịu sự chi phối của chính trị, kinh tế và văn hóa, tương tác với khoa học và văn minh, thể hiện dưới dạng tường minh ngắn gọn hay hàm ẩn dưới dạng ngôn từ hoặc vô ngôn, là cơ sở xác lập và chỉ đạo lý luận và thực hành. Trên cơ sở quan niệm đã xác lập về TLGD, ở một bài viết khác (Trần Ngọc Thêm, 2020b: 2), chúng tôi đề xuất phân biệt ba cách hiểu về TLGD: theo nghĩa hẹp (phổ biến ở Việt Nam), theo nghĩa rộng (phổ biến ở phương Tây) và theo nghĩa trung gian (phổ biến trên toàn thế giới) như trong Bảng 1.

Bảng 1: Ba cách hiểu (ba loại) triết lý giáo dục

Nguồn: Trần Ngọc Thêm, 2020b.

     Theo đó, chúng tôi đưa ra quan niệm về mô hình cấu trúc 3 tầng 6 thành tố của TLGD theo nghĩa trung gian (Trần Ngọc Thêm, 2020b: 4). Tầng I là cấu trúc tối thiểu gồm 2 thành tố là Sứ mệnh và Mục tiêu giáo dục. Tầng II là cấu trúc cơ bản, có thêm 2 thành tố là Nguyên lý giáo dụcGiá trị cốt lõi của Văn hóa giáo dục. Tầng III là cấu trúc mở rộng, có thêm 2 thành tố là Yêu cầu về nội dung và Yêu cầu về phương pháp giáo dục (Hình 2). Như vậy, ứng với 4 thành tố này của TLGD sẽ có 4 TLGD thành phần

Hình 2: Cấu trúc 3 tầng 6 thành tố của triết lý giáo dục theo nghĩa trung gian

     Trong lịch sử tư tưởng giáo dục, những TLGD của các nhóm chủ thể xuất phát từ các loại hình văn hóa khác nhau, ở những không gian khác nhau, trong những giai đoạn thời gian khác nhau sẽ có sự vận động khác nhau. Bài viết tập trung bàn về mô hình vận động của TLGD trong những bối cảnh đa dạng khác nhau đó.

2. Một số mô hình vận động của triết lý giáo dục

     Trong số các tác giả đã thảo luận về TLGD, có hai tác giả bàn về mô hình vận động của TLGD là Hồ Ngọc Đại và Vũ Cao Đàm.

     Khái quát hóa trên quy mô lớn và tiếp cận từ triết học, Hồ Ngọc Đại (2019: 1-35) chỉ ra rằng, mỗi hình thái xã hội cơ bản có một phạm trù triết học và một TLGD tương ứng. Lịch sử nhân loại đến nay đã trải qua 3 hình thái xã hội cơ bản là phong kiến, tư sản và hiện đại, với 3 phạm trù triết học tương ứng là đẳng cấp, giai cấpcá nhân; tất yếu đòi hỏi 3 TLGD khác nhau tương ứng là triết lý phục tùng, triết lý đấu tranh và triết lý hợp tác. Triết lý mới xuất hiện sẽ phủ định (những) triết lý có trước về mặt triết học, nhưng không “xóa bỏ” chúng; chúng vẫn tồn tại trên bình diện lịch sử nhưng giữ một vai trò thứ yếu và lùi về phía sau (Bảng 2).

Bảng 2: Mô hình vận động của triết lý giáo dục qua ba hình thái xã hội

Hình thái xã hộiPhạm trù triết họcTriết lý giáo dục
Phong kiếnĐẳng cấpPhục tùng
Tư sảnGiai cấpĐấu tranh
Hiện đạiCá nhânHợp tác
Nguồn: Hồ Ngọc Đại, 2019.

     

     Tiếp cận từ mối quan hệ giữa giáo dục và khoa học, Vũ Cao Đàm (2016: 112-118, 126) đưa ra mô hình vận động của TLGD với 3 giai đoạn: Giáo dục đi sau khoa học (Giáo dục dạy những gì khoa học tích lũy được, trên thế giới giai đoạn này diễn ra từ khởi thủy đến thế kỷ XIX); Giáo dục đi ngang hàng với khoa học (Giáo dục và khoa học tương tác để cùng phát triển, trên thế giới giai đoạn này diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XX); và Giáo dục đi trước khoa học (Giáo dục dạy những gì mở đường cho khoa học phát triển; trên thế giới giai đoạn này diễn ra từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay). Ứng với mỗi giai đoạn này, Vũ Cao Đàm xác định 4 loại triết lý thành phần: Triết lý về mẫu người được đào tạo, Triết lý về nội dung đào tạo, Triết lý về phương pháp đào tạo và Triết lý về vai trò của quản lý vĩ mô. Để đơn giản hóa, Bảng 3 chỉ trình bày 2 triết lý thành phần là triết lý về mẫu người được đào tạo và triết lý về phương pháp đào tạo.

Bảng 3: Mô hình vận động của triết lý giáo dục trong quan hệ với khoa học

Ba giai đoạn

Quan hệ giữa giáo dục
và khoa học

Triết lý giáo dục

Mẫu người được đào tạo

Phương pháp
đào tạo

Giai đoạn 1 (từ khởi thủy đến thế kỷ XIX)

Giáo dục đi sau khoa học

Kinh viện, từ chương

Phương pháp đọc chép

Giai đoạn 2 (nửa đầu thế kỷ XX)

Giáo dục đi ngang hàng với khoa học

Thành thạo kỹ năng

Phương pháp dạy mẫu

Giai đoạn 3 (từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay)

Giáo dục đi trước khoa học

Sáng tạo

Huấn luyện phương pháp

 

Nguồn: Vũ Cao Đàm, 2016.

     So sánh hai mô hình vận động TLGD của Hồ Ngọc Đại và Vũ Cao Đàm, có thể thấy điểm tương đồng là cả hai đều bàn về sự vận động của TLGD theo thời gian. Điểm khác biệt là mô hình của Hồ Ngọc Đại quan tâm nhiều hơn đến sứ mệnh của giáo dục, chỉ ra trách nhiệm phục vụ xã hội của giáo dục. Còn mô hình của Vũ Cao Đàm chú trọng đến mục tiêu của giáo dục, chỉ ra “mẫu người” mà giáo dục cần đào tạo cùng những hệ lụy tương ứng.

3. Mô hình vận động triết lý giáo dục tổng hợp/đa chiều kích

     Phối hợp các góc nhìn triết học – giáo dục học – văn hóa học, mô hình vận động TLGD tổng hợp được xây dựng trên lý luận về loại hình văn hóa do chúng tôi đề xuất và phát triển ở các công trình xuất bản trong 20 năm, từ năm 1996 đến 2016 (Xem: Trần Ngọc Thêm, 1996: 34-58; 2013: 85-90; 2016: 69-86).

     Theo đó, mọi kiểu loại văn hóa – từ văn hóa của một dân tộc/tộc người (nền văn hóa) đến văn hóa của một vùng miền (ví dụ: miền Bắc, miền Trung, miền Nam…), văn hóa của một tổ chức (ví dụ: công ty, cơ quan, trường học…), văn hóa của một dạng thức (ví dụ: văn hóa chính trị, văn hóa giáo dục, văn hóa kinh tế…), v.v… – đều có thể quy về 1 trong 3 loại hình: loại hình văn hóa trọng âm (thiên về âm tính), loại hình văn hóa trọng dương (thiên về dương tính), và loại hình văn hóa trung gian (mang những đặc trưng của cả hai loại hình trọng âm và trọng dương).

     Ứng với 3 loại hình văn hóa này, có 3 kiểu TLGD với các triết lý thành phần về sứ mệnh, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục khác nhau được trình bày ở Bảng 4 (để đơn giản hóa, trong bảng không trình bày triết lý thành phần của 2 thành tố Nguyên lýVăn hóa giáo dục).

Bảng 4: Mô hình vận động tổng hợp của triết lý giáo dục

     Một cách toàn diện hơn, mô hình vận động TLGD tổng hợp có thể được trình bày trên nền tảng quá trình vận động qua 3 bậc học (phổ thông, đại học và sau đại học); ứng với 3 loại hình văn hóa (thiên về âm tính, mang tính trung gian và thiên về dương tính). Mô hình vận động TLGD tổng hợp này có thể đọc theo nhiều chiều kích khác nhau nên gọi là mô hình vận động TLGD đa chiều kích (Hình 3).

     Theo chiều kích sứ mệnh: có 3 triết lý thành phần là xây dựng xã hội ổn định, xã hội định hướng phát triển và xã hội phát triển.

     Theo chiều kích mục tiêu: có 3 triết lý thành phần là đào tạo người thừa hành, người tư duy và người sáng tạo. Vai trò người dạy tương ứng cho 3 trường hợp vừa nêu là người truyền thụ, người hướng dẫn và người khai mở. Thực hiện nguyên lý học suốt đời thì sau khi trò ra trường, thầy sẽ là người ẩn danh, tùy nơi tùy lúc, thầy có thể là bất kỳ ai.

     Theo chiều kích nội dung giáo dục: có 3 triết lý thành phần là dạy/học tri thức – kỹ năng, dạy/học phương pháp tư duy, và dạy/học phương pháp sáng tạo. Theo chiều kích phương pháp giáo dục: có 3 triết lý thành phần là: Thầy trung tâm, truyền thụ tri thức; Trò trung tâm, tái tạo tri thức; và Trò trung tâm, sáng tạo tri thức.

     Theo chiều kích bậc học: Bậc giáo dục phổ thông chủ yếu có nhiệm vụ truyền thụ các tri thức, kỹ năng nhằm đào tạo người thừa hành. Bậc giáo dục đại học chủ yếu có nhiệm vụ hướng dẫn phương pháp tư duy nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc trung, vừa thừa hành vừa sáng tạo để xây dựng xã hội định hướng phát triển. Bậc giáo dục sau đại học chủ yếu có nhiệm vụ khai mở phương pháp sáng tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao – những người sáng tạo để xây dựng một xã hội phát triển.

     Theo chiều kích không gian: Các nền văn hóa thiên về âm tính của cư dân trồng lúa nước Đông Nam Á có khuynh hướng giáo dục nhằm xây dựng xã hội ổn định. Các nền văn hóa trung gian trọng thế tục ở Đông Bắc Á có khuynh hướng giáo dục nhằm xây dựng xã hội định hướng phát triển. Các nền văn hóa thiên về dương tính của cư dân gốc du mục phương Tây có khuynh hướng giáo dục nhằm xây dựng xã hội năng động, phát triển.

    Theo chiều kích thời gian: Nền giáo dục thời trung đại thực hiện sứ mệnh xây dựng xã hội ổn định với mục tiêu đào tạo người thừa hành (công cụ). Nền giáo dục thời cận đại thực hiện sứ mệnh xây dựng xã hội định hướng phát triển với mục tiêu đào tạo người tư duy. Nền giáo dục thời hiện đại thực hiện sứ mệnh xây dựng xã hội phát triển với mục tiêu đào tạo người sáng tạo.

     Theo chiều kích loại hình: Loại hình văn hóa âm tính coi trọng hàng đầu sứ mệnh giáo dục xây dựng một xã hội ổn định, do vậy mục tiêu giáo dục chủ yếu là đào tạo người thừa hành, dù theo cách nào thì người thầy thực chất cũng là người truyền thụ tri thức – kỹ năng, bậc phổ thông đảm nhận tốt nhất chức năng này. Loại hình văn hóa trung gian chủ trương xây dựng xã hội định hướng phát triển, mục tiêu giáo dục là đào tạo người tư duy, người thầy trở thành người hướng dẫn phương pháp tư duy, bậc đại học chủ yếu đảm nhận chức năng này. Loại hình văn hóa dương tính chủ trương xây dựng xã hội phát triển, mục tiêu giáo dục là đào tạo người sáng tạo, người thầy trở thành người hướng dẫn phương pháp sáng tạo, bậc sau đại học chủ yếu đảm nhận chức năng này.

4. Thực tế giáo dục nhìn từ mô hình vận động triết lý giáo dục đa chiều kích

     Mô hình vận động TLGD đa chiều kích tích hợp được nhiều mối tương quan giữa các thông số liên quan đến hoạt động giáo dục và sự vận hành của TLGD, nhờ vậy nó có thể được sử dụng để lý giải những thành công và hạn chế của các nền giáo dục.

Hình 3: Mô hình vận động triết lý giáo dục đa chiều kích

Bảng 5: So sánh hiệu quả giáo dục của một số quốc gia1

    Đến nay, xét theo đóng góp cho xã hội thì các nền giáo dục hiệu quả nhất nằm ở  phương Tây là khu vực thuộc loại hình văn hóa thiên về dương tính, có sứ mệnh giáo dục xây dựng xã hội phát triển, với mục tiêu đào tạo người sáng tạo. Lấy Mỹ và Anh làm đại diện, có thể thấy các số liệu về GDP bình quân đầu người, xếp hạng đại học (về số trường và thứ hạng của trường cao nhất) (do Tổ chức xếp hạng QS – Quacquarelli Symonds World University Rankings – của Anh thực hiện) và tổng số giải Nobel của hai quốc gia này (cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác) đều thuộc loại dẫn đầu thế giới (Bảng 5).

     Khu vực có nền giáo dục hiệu quả cao tiếp theo là Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian, có sứ mệnh giáo dục xây dựng xã hội định hướng phát triển, mục tiêu là đào tạo người tư duy. Lấy Nhật Bản và Trung Quốc làm đại diện, có thể thấy các số liệu về GDP bình quân, xếp hạng đại học và số giải Nobel cũng đều ở mức cao. Khu vực có nền giáo dục thuộc loại kém hiệu quả hơn cả (xét về đóng góp cho sự phát triển của xã hội) là Đông Nam Á thuộc loại hình văn hóa thiên về âm tính, lựa chọn sứ mệnh giáo dục xây dựng xã hội ổn định, mục tiêu giáo dục cho đến nay trên thực chất phần lớn vẫn chưa thoát ra khỏi TLGD đào tạo người thừa hành. Lấy Thái Lan và Việt Nam làm đại diện, có thể thấy các số liệu về GDP bình quân và xếp hạng đại học ở mức thấp và rất thấp (giải Nobel cho đến nay vẫn chưa có).

     Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam có nghịch lý lớn là trong khi kém hiệu quả về đóng góp cho sự phát triển mọi mặt của đất nước thì lại có thành tích rất ấn tượng trong các kỳ thi quốc tế PISA (The Programme for International Student Assessment). So sánh đầu vào là GDP quốc gia với đầu ra là kết quả thi PISA, các nhà nghiên cứu giáo dục của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao nền giáo dục của Việ t Nam và Trung Quốc: Điểm trung bình của Việt Nam và Trung Quốc đều vượt các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); Học sinh Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm có thành tích học tập cao nhất ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (World Bank, 2018: 7-8).

     Thực ra, giáo dục Việt Nam và Trung Quốc tuy giống nhau trên bề mặt nhưng có khác biệt lớn ở bề sâu: Mặc dù cùng có kết quả thi PISA cao như nhau, nhưng Việt Nam còn có khoảng cách xa so với Trung Quốc về GDP bình quân đầu người, xếp hạng đại học và số giải Nobel. Như vậy, kết quả thi PISA của Trung Quốc cao một cách hợp lý, còn kết quả thi PISA của Việt Nam cao một cách bất thường.

     Cơ sở của sự khác biệt giữa hai nền giáo dục, cũng là cơ sở tạo nên thành tích cao một cách bất thường trong kết quả thi PISA của Việt Nam nằm ở loại hình văn hóa: Việt Nam thuộc loại hình văn hóa âm tính trong khi Trung Quốc thuộc loại hình văn hóa trung gian. Loại hình văn hóa âm tính do ưa ổn định nên có tầm nhìn ngắn và năng lực đối phó cao, mặt khác do tính cộng đồng làng xã cao nên mắc bệnh thành tích nặng (Trần Ngọc Thêm, 2016: 354- 360, 325-328). Trong cuộc khảo sát định lượng do chúng tôi thực hiện (trong khuôn khổ Đề tài đã nêu) năm 2020 về quan niệm giáo dục của người Việt với 3.070 người tham gia, “Bệnh thành tích, hình thức, hư danh” được 74,5% người tham gia xác nhận, đứng ở vị trí thứ hai trong số các nhược điểm của giáo dục Việ t Nam hiện nay, là cội nguồn của một nền giáo dục coi trọng ứng thí và thành tích cao trong thi cử. “Bệnh nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” được 75,2% xác nhận là nhược điểm đứng đầu trong số các nhược điểm của giáo dục Việt Nam hiện nay, là nguồn gốc của việc “học giỏi mà vẫn nghèo”.

     Cũng trong cuộc khảo sát này, trả lời câu hỏi của chúng tôi “Vì sao Việ t Nam học giỏi mà vẫn nghèo?”, có 69,3% số người được hỏi cho là: “Do Việt Nam coi trọng việc giành kết quả cao và tập trung nỗ lực cho mục tiêu này”, và 68% cho là “Do giáo dục Việt Nam xa rời thực tế; ‘học’ không đi đôi với ‘hành’, thiếu gắn kết với sản xuất” – cả hai đều là những biểu hiện của bệnh đối phó trong giáo dục, vì giáo dục hướng vào mục tiêu trước mắt là để thi cử và có thành tích cao, chứ không hướng tới tầm nhìn xa – để có đủ phẩm chất và năng lực làm việc một cách hiệu quả.

     Mặt mạnh của giáo dục phương Tây (thuộc loại hình văn hóa dương tính) là đào tạo được những con người sáng tạo, mà giáo dục sáng tạo chỉ có thể hình thành trong môi trường của một xã hội coi trọng dân chủ, tự do và đề cao bản lĩnh cá nhân. Thế nhưng mặt mạnh nào cũng có “gót chân Asin” của nó: khi gặp những tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19, người ta lại thấy bộc lộ rõ một bức tranh ngược lại. Khu vực có loại hình văn hóa hướng đến phát triển với nền giáo dục thành công trong việc đào tạo người sáng tạo hàng đầu là phương Tây cũng chính là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 (chỉ có những người được giáo dục để sáng tạo, ưa tự do, coi trọng bản lĩnh cá nhân mới phản kháng “ngang ngược” theo kiểu không chịu đeo khẩu trang, cố tình tập trung đông người, tổ chức tiệc Covid để thi và trao giải cho ai lây nhiễm trước…). Trong khi đó, khu vực có loại hình văn hóa âm tính, hướng đến ổn định với nền giáo dục thành công trong việc đào tạo người thừa hành hơn là người sáng tạo như Đông Nam Á lại là khu vực ít bị tổn thất vì đại dịch Covid-19 hơn cả.

5. Tạm kết

     Ở trên đã trình bày mô hình vận động TLGD tổng hợp/đa chiều kích và thực tế giáo dục nhìn từ mô hình vận động TLGD đa chiều kích. Mô hình này cho thấy năng lực giải thích của cách tiếp cận liên ngành triết học – văn hóa học – giáo dục học và tiềm năng – triển vọng của nó 

_________
1. Bài viết nằm trong khuôn khổ Đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại”, mã số KHGD/16-20.ĐT.011, do GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì, tài trợ bởi Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020.

1. Trần Ngọc Thêm lập bảng theo số liệu của: Ngân hàng Thế giới (List of countries by GDP (nominal) per capita),
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(nominal)_per_capita); QS
World University Rankings 2018
(https://www.topuniversities.com/university-rankings/worlduniversity-rankings/2018) và List of Nobel laureates by country, không tính giải Nobel Hòa bình
(https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Nobel_laureates_
by_country).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Ngọc Đại (2019), Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội.

2. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Trần Ngọc Thêm (2013), Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Trần Ngọc Thêm (2016), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Trần Ngọc Thêm (2020a), “Tính hệ thống của triết lý giáo dục: Các mối quan hệ bên ngoài và các loại triết lý giáo dục”, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 30, tr. 1-5.

6. Trần Ngọc Thêm (2020b), “Tính hệ thống của triết lý giáo dục qua các mối quan hệ bên trong của nó”, Tạp chí Giáo dục, số 479, tr. 1-7.

7. Vũ Cao Đàm (2016), Nghịch lý và Lối thoát. Bàn về Triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

8. World Bank (2018), Tăng trưởng thông minh hơn: học tập và phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương, Báo cáo tổng quan (Vietnamese), World Bank Group, Washington, D.C.

Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 12, năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bàn về mô hình vận động của triết lý giáo dục (Tác giả: GS.TSKH Trần Ngọc Thêm)