Báo Tiếng Dân (1927-1943) với vấn đề giáo dục Nho học
LE JOURNAL “TIENGDAN” (1927-1943) ET L’ECOLE TRADITIONNELLE
SOUS INFLUENCE CONFUCEENNE
Tác giả bài viết: Nghiên cứu sinh NGÔ THỊ THANH TÂM
(Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Trong bài viết này, chúng tôi thực hiện một phân tích về việc đánh giá lại giáo dục Nho học dựa trên căn cứ các bài viết của tờ báo Tiếng Dân (1927-1943) tại Trung Kỳ. Trong tương quan với nền giáo dục Pháp-Việt, giáo dục Nho học bộc lộ những ưu thế nhất định bao gồm ngôn ngữ và tư tưởng học thuật Nho giáo. Tiếp cận từ góc độ văn hóa, khái niệm vốn văn hóa cho phép nhìn nhận những giá trị của giáo dục Nho học như vốn văn hóa của một dân tộc dựa trên tầm nhìn về sự phát triển giáo dục nói chung, nhất là phát triển năng lực người học. Phương pháp phân tích tư liệu được sử dụng trong bài viết nhằm đi đến kết luân về nhưững giá trị khả dụng cho sự kế thừa truyền thống học tập Nho giáo như là tiền đề để tham gia vào mô hình giáo dục phương Tây, hướng đến hiện đại hóa văn hóa dân tộc.
Từ khóa: Giáo dục Nho học, vốn văn hóa, báo Tiếng Dân.
RÉSUMÉ
L’analyse de notre intervention va porter sur la réévaluation de l’école traditionnelle sous influence confucéenne, et ce sur la base des articles publiés dans le journal “TiêngDân” [“Voix du Peuple”] (1927-1943), édité dans la région du Centre du Vietnam durant la période coloniale. En vis-à-vis du système éducatif franco-vietnamien, l’école traditionnelle au Vietnam d’alors avait présenté néanmoins un certain nombre d’atouts dont, principalement, l’écriture [valorisant les caractères chinois] et la pensée confucéenne. De par une approche culturelle du sujet, le concept de “capital ou legs culturel” nous permet de mettre en relief les valeurs de l’école confucéenne, et ce en tant que “legs culturel national”, notamment dans la perspective du développement éducatif de manière générale, et de souligner en particulier l’intérêt pour la promotion des compétences chez les apprenants. Notre intervention privilégie en effet l’analyse de documents pouvant promouvoir les valeurs efficientes liées à la tradition de formation confucéenne, celle-ci estimée comme base initiale pour une approche du modèle éducatif à l’occidental, et ce au bénéfice de la réactualisation ou modernisation de la vie culturelle nationale.
Mots-clés: La formation confucéenne, legs culturel, journal Tiếng Dân.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Giáo dục là một phần không tách rời của văn hóa, nóthể hiện bản chất, sức mạnh văn hóa mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc, với quá trình lịch sử văn hóa riêng của mình, sẽ sản sinh ra những truyền thống giáo dục tương ứng. Theo quan điểm của Colin Brock, Witold Tulasiewicz (1985), bản sắc văn hóa là yếu tố then chốt trong việc định hình chính sách giáo dục. Đặc biệt, ở các quốc gia đang trong quá trình hiện đại hóa, nơi mà các thiết chế văn hóa đang ở trạng thái động thì việc xem xét và điều chỉnh giáo dục là một động thái cần thiết.
Giáo dục Nho học, theo cách hiểu của bài viết, là giáo dục theo truyền thống Nho học, dựa trên tư tưởng Nho giáo. Nhìn nhận và đánh giá giáo dục Nho học ở Việt Nam trong đối sánh với nền giáo dục Pháp- Việt giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, cũng là nhìn nhận lại lịch sử văn hóa dân tộc ở những điểm giao, những chặng biến đổi quan trọng; đánh giá lại vốn văn hóa dân tộc trong thách thức của cuộc tiếp xúc và tiếp biến văn hóa.
Đầu thế kỉ XX, hệ thống giáo dục Nho học đã hoàn toàn cáo chung với những kỳ thi cuối cùng: thi Hương ở Trung Kỳ (1918); thi Hội, thi Đình ở Huế (1919). Trước đó, Nho học và giáo dục Nho học đã được đưa ra bàn luận, phê phán bởi những người có tư tưởng cách tân như Nguyễn Trường Tộ; đỉnh điểm gây tiếng vang là Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) ở Hà Nội, phong trào Duy Tân (1905-1908) ở Trung Kỳ. Vậy một tờ báo ở Trung Kỳ (đến tận 1927 mới ra số đầu) thì sẽ góp gì vào việc nhìn nhận, đánh giá giáo dục Nho học? Đây là nhiệm vụ nghiên cứu trước hết của bài báo.
Sau giai đoạn đối đầu văn hóa, sau cả khoảng thời gian sôi nổi hô hào “bỏ cũ học mới”, đếnthập niên thứ ba, thứ tư của thế kỉ XX, giáo dục Nho học được ứng xử như một di sản trên tinh thần đối thoại văn hóa. Theo chiều hướng vận động chung, lịch sử văn hóa Việt Nam đã bước vào giai đoạn điều hòa tân – cựu. Việc vận dụng quan điểm lịch sử – cụ thể để nghiên cứu, trong trường hợp này, là yêu cầu cần thiết; theo đó, trong bài viết, chúng tôi chủ yếu vận dụng phương pháp phân tích tư liệu để tập trung hệ thống hóa quan điểm của tờ báo Tiếng Dân trong việc đánh giá giáo dục Nho học. Pierre Bourdieu xem vốn văn hóa là hệ thống các thành tố văn hóa có thể luân chuyển và tất yếu tạo ra những giá trị trong quá trình phát triển. Nghiên cứu của Pierre Bourdieu về xã hội hóa giáo dục đã tìm một cách lý giải văn hóa riêng cho những thành quả (đã có/dự kiến) của giáo dục. Khái niệm vốn văn hóa (Cultural Capital) của Pierre Bourdieu cho phép chúng ta phân tích nền giáo dục Nho học thành từng yếu tố mang tính chất “động năng” (chữ dùng của Itamar Evan Zohar) của quá trình đổi mới. Cũng trên tờ báo này, vấn đề học thuật Nho học được tiếp cận từ góc độ của văn hóa, mở ra nhiều vấn đề cần thảo luận.
2. Báo Tiếng Dân – tôn chỉ và mục đích giáo dục
Báo Tiếng Dân ra đời ngày 10-8-1927, tòa soạn báo Tiếng Dân chính thức được đặt tại Huế, đường Đông Ba (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng). Tuy sinh sau đẻ muộn trong làng báo, nhưng ở Trung Kỳ, Tiếng Dân là tờ báo bằng Quốc ngữ đầu tiên. Tờ báo tập hợp được phần lớn những nhà nho đã tham gia vào phong trào cải cách từ những năm 1905-1908 và cả những trí thức Tây học có lòng yêu nước nhiệt thành. Tờ báo có sự tham gia của phụ tá Đào Duy Anh (người say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc), Trần Đình Phiên (trị sự). Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự tham gia của quản đốc nhà in Tiếng Dân là Trần Hoành (Cửu Cai, bạn tù Côn Đảo), văn thư Nguyễn Xương Thái (từng giữ chức thư ký Sở Thương chính Đà Nẵng) … và đông đảo nhiều “cây bút” tài hoa trên khắp cả nước. Ngoài ra còn có một số tên tuổi khác thường xuất hiện: Phi Bằng (Lê Nhiếp), Ngô Đức Diễn (em ruột Ngô Đức Kế)… Tờ báo được điều hành bởi chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh Thúc Kháng.
Nói về Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), ông là một nhà nho, người được đào tạo theo Hán học từ nhỏ. Ôngđỗ đạt cao (tiến sĩ năm 1904) nhưng không ra làm quan (chúng tôi nhấn mạnh) mà tham gia phong trào Duy Tân, trở thành một người hoạt động tích cực cho công cuộc “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trịnh Văn Thảo gọi thế hệ trí thức cùng chí hướng với Huỳnh Thúc Kháng là “thế hệ trí thức của hai thế giới”, vật lộn “trong trận chiến giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại” (Trịnh Văn Thảo, 2013, tr.27). Là một nhà cựu học, Huỳnh Thúc Kháng lại “cả gan” (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng) thành lập công ty, điều hành một tờ báo. Quyết tâmlàm báo, làm văn hóa cũng là quyết tâm làm giáo dục và duy tân đất nước của chủ nhiệm tờ báo, bởi “…văn hóa tức là dấu tích làm tiêu biểu cho cục tấn hóa của loài người” và “văn hóa là ở trong sự học” (Tiếng Dân số 933, 1936). “Giáo dục là người thợ để vẽ ra bức tranh văn minh. Ảnh hưởng ra bề ngoài, cuộc trị an ở bề trong, nhiều hay ít, thịnh hay suy, nguyên nhân chính ở giáo dục vậy” (Tiếng Dân số 125-130, 1928). Quả vậy, những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam sống trong giai đoạn 1925-1939 nhận thức rất rõ ràng về mối liên hệ giữa giáo dục và hiện đại hóa (theo Do, Mimi. H. (2002; tr.9)). Phan Thi Minh Le Clairecũng đã nhấn mạnh quan điểm của chủ nhiệm báo về việc lấy giáo dục làm xuất phát điểm cho quá trình đổi mới: “Một nền giáo dục hiện đại sẽ tạo nên những thế hệ mới có thể nắm vững những tri thức mới dường như đang chiếm ưu thế ở phương Tây” (Bousquet, G. L., & Brocheux, P. (Eds.). (2002). tr.217).
Ở cương vị chủ bút tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đồng hóa cao với tờ báo vì ông là người soạn phần lớn những bài đăng với rất nhiều bút danh khác nhau. Nội dung giáo dục tổng quát của báo bao gồm nhiều lĩnh vực như văn học, lịch sử, nông nghiệp, thú y…Những bài xã thuyết bàn về giáo dục được xuất hiện khá đều đặn, quan trọng hơn, cách tiếp cận vấn đề bước đầu gắn với khoa học giáo dục phương Tây. Về tôn chỉ và mục đích giáo dục của tờ báo, lời phi lộ ghi rõ:
“Mục đích của bản báo là theo tâm lý chân chính của quốc dân mà phô bày trên tờ giấy, cốt giữ gìn cái nền đạo đức sẵn có của ông bà, mà dung hợp với học thuật tư tưởng mới, để mở mang đường trí thức, đường kinh tế trong nước, công lý là hướng đường đi, công lợi là nơi quy túc, […] đối với đồng bào xin làm vị thuốc đắng […] mong rằng theo trình độ dân mà thật lòng cải cách…” (Tiếng Dân số 1, 1927).
Động thái kiểm điểm giáo dục Nho học của báo Tiếng Dân không phải là việc làm mới mẻ và còn có phần chậm hơn so với những tờ báo khác ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Bên cạnh đó, cùng thời gian với Tiếng Dân (1927-1943), Phan Bội Châu viết «Khổng học đăng» từ năm 1929 đến 1936, đề cập đến những vấn đề liên quan đến đạo đức Nho giáo, mục đích làm sống lại những mặt tích cực của Nho giáo nói chung. Tác phẩm Nho giáo của Trần Trọng Kim in lần đầu vào những năm 30 của thế kỉ XX cũng ra đời trong bối cảnh đó với mong muốn “vẽ lấy cái bản đồ Nho giáo” “cố tả cho rõ cái chân tướng của Nho giáo, để họa may có bổ ích cho sự học của người mình…” (Trần Trọng Kim; 2017; tr.5) và hướng đến tính đắc dụng của Nho giáo trong công việc chính trị. Song điều đáng nói, Tiếng Dân là phát ngôn chính thức giữa kinh đô, nơi mà Nho học đã cắm rễ sâu bền đến tận những ngày cuối cùng của nền khoa cử. Mặt khác, Tiếng Dân, trong suốt mười sáu năm hoạt độngđã theo sát và liên tục cập nhật quá trình vận động của giáo dục. Quan điểm của tờ báo theo từng năm cũng “trưởng thành” hơn, thiết thực hơn ở khía cạnh khoa học giáo dục và văn hóa giáo dục.
3. Giáo dục Nho học nhìn từ mục tiêu đào tạo con người và yêu cầu phổ cập giáo dục
Về mục tiêu đào tạo, trong quan niệm ban đầu về giáo dục, cả phương Đông lẫn phương Tây đều lấy con người làm đối tượng và nhằm phát triển ba phương diện trí tuệ, tình cảm, thể chất. Tuy vậy, giáo dục ở xứ Đông Dương có nhiều điểm hạn chế bởi tính chất công cụ của chính sách cai trị và khai thác thuộc địa. Mục đích quan trọng nhất của chính quyền thuộc địa khi thiết lập nền giáo dục mới thay thế giáo dục Nho giáo là đào tạo các viên chức trong các lĩnh vực hành chính, giáo dục, y tế và xây dựng; thứ đến là truyền bá tư tưởng Pháp, tạo ra tầng lớp thanh niên có lòng biết ơn với sự khai hóa của Pháp và trung thành với Pháp; cuối cùng là mục đích mị dân, để cho xứ thuộc địa tin vào sự văn minh và tiến bộ của Pháp.Trong tương quan đó, triết lý hay mục đích giáo dục của Nho học bộc lộ nhiều ưu thế.
Giáo dục theo quan điểm của Nho giáo nhằm đào tạo ra những con người lý tưởng vừa hoàn thiện cả về đạo đức, nhân cách cũng như tri thức, lối sống. Đức dục được đề cao trong Nho học nhằm giáo hóa con người những nguyên lý đạo đức cơ bản, rèn luyện bản tính của con người, thiết lập mối quan hệ giữa người với người trong gia đình và xã hội. “Vậy cái sự giáo dục là phải làm thế nào cho đứa trẻ ngày sau nó thành người lương thiện, biết liêm sỉ, biết trọng điều lành, điều phải” (Tiếng Dân số 37, 1927). Huỳnh Thúc Kháng quả quyết: “Nếu đứng về mặt thực nghiệm xã hội học, thời trong vấn đề giáo dục, phải lấy “xã hội tính” (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) làm chuẩn mực” (Tiếng Dân số 125- 130, 1928). Trong bối cảnh khủng hoảng hệ giá trị, luân thường đạo đức Nho giáo bị một số người đánh đồng với tư tưởng cổ hủ, lạc hậu nên càng bị rẻ rúng. Điều mà Tiếng Dân trăn trở là:
“…Nề nếp nhân cách cũ ngày xưa thì một ngày một tiêu mất, mà cơ sở nhân cách mới ngày nay thì chưa tạo thành. Người mình ở trong cái không khí mới cũ dở dang đó, không khác gì mây theo luồng nước, nước chảy xuôi dòng, những điều hay tốt ở ngoài thì không vớ được chút gì mà bao nhiêu những vật quý báu trong nhà của ông cha ngày xưa thì quét sạch sành sanh mà còn chưa lấy làm vừa ý” (Tiếng Dân số 221 và 222, năm 1929).
Một giá trị tích cực của Nho giáo đối với giáo dục là đòi hỏi người làm giáo dục phải luôn làm gương trước người học về nhân cách đạo đức. Các bậc tiền bối Nho gia đều cho rằng đây là điều kiện tiên quyếtđối với nhiệm vụ dẫn dắt, trao truyền tri thức cho người học. Đứng trước đòi hỏi về một nền giáo dục tiến bộ của người Việt, tờ báo giúp độc giả tiếp nhận những khái niệm giáo dục Nho giáo trong tinh thần mới (chúng tôi nhấn mạnh). Chẳng hạn “tu thân” không nên chỉ chuyên chú về đạo đức mà chú ý cả năng lực. “Nhân cách” cũng không dừng lại ở cấp độ cá nhân mà mở rộng ở cấp độ dân tộc. Ý thức dân tộc là nét mới trong nội hàm khái niệm “Nhân”, “Đức” của Nho giáo. “Nhân cách đối với cá nhân trọng yếu như thế mà đối với quốc gia xã hội, quan hệ cũng không phải là nhỏ. Quốc gia xã hội không phải vật gì, tức là nhóm nhiều người lại mà hợp thành một cái đoàn thể lớn; đã nhóm người thì tư cách của cá nhân nhập chung lại mà thành ra tư cách đoàn thể. Tư cách cá nhân có vững vàng đúng đắn mà tư cách đoàn thể mới được mạnh được bền; Tư cách cá nhân mà đồi bại đê hèn thì tư cách của đoàn thể phải sa sút, mà có ngày phải tiêu diệt không thể tự tồn được” (Tiếng Dân số 221 và 222, 1929). Theo Huỳnh Thúc Kháng nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt và đẳng cấp của những nước giàu mạnh văn minh với những nước siêu diệt tiêu vong chính là ở “nhân cách riêng của dân tộc”. Vận mệnh dân tộc “ưu thắng hay liệt bại” (chữ dùng của Huỳnh Thúc Kháng) là bởi mối quan hệ giữa dân tộc và cá nhân. Có nhân cách cá nhân thì mới nói đến đoàn thể xã hội nhân quần: “Có tự chữa được mình mới mong cứu người được. Mà võ khí chữa mình tức là cái nhân cách. […] Những điều gì mà trau dồi đức tánh, đào luyện tinh thần làm cho nhân cách tiến lên thì gắng sức mà làm (sự này không ai ngăn mình, chỉ mình tự ngăn lấy) còn những điều giả dối gian tham, hại nhân ích kỷ, làm cho nhân cách đê hèn thì nhất thiết trừ khử”. (Tiếng Dân số 221 và 222, 1929). Là một người trung thành với chủ nghĩa đạo đức Nho giáo, Huỳnh Thúc Kháng đặt yêu cầu cao về đạo đức quốc dân vì nó quan hệ mật thiết với trình độ phát triển quốc gia. “…Muốn biết trình độ dân tộc một nước cao thấp thế nào, chỉ xem nhân cách của dân tộc nước ấy sang hèn tốt xấu thế nào thì đủ rõ” (Tiếng Dân số 221 và 222, 1929). Tờ báo trăn trở với tình trạng thanh niên mới ra đời dễ bị cám dỗ của vật chất và thú vui, hoặc vừa thóat khỏi sự kiềm chế của phụ huynh liền sa vào chỗ trụy lạc, rồi túng mà liều làm những chuyện thương luân bại đức.
Trở lại vấn đề nhân cách người mình thế nào, Huỳnh Thúc Kháng đặt nước ta trong bối cảnh văn hóa Á Đông, “thời đại nào thì có nhân vật ứng dụng ở thời đại ấy, anh hùng, chí sĩ, liệt nữ nghĩa dân, không đời nào không có…” (Tiếng Dân số 221 và 222, 1929). Tiếng Dân nhấn mạnh chính tinh hoa của nền học vấn Nho học đã tạo dựng nền văn hiến Việt Nam. Nhiều bài viết trên Tiếng Dân khẳng định vai trò của giáo dục gia đình- yếu tố ít/không được chú trọng trong nền giáo dục Pháp-Việt. Ưu thế của giáo dục gia đình trong việc rèn luyện phẩm chất người học và tạo lập kỷ cương, ổn định xã hội là điều không thể phủ nhận. Phần lời người dịch ở tác phẩm “Gia đình giáo dục”, Huỳnh Thúc Kháng viết “Gia đình giáo dục là một cái phương phép dạy con cháu nên người, gia đình tức là trường học, con em tức là học trò mà phụ huynh chính là ông thầy giáo” (Huỳnh Thúc Kháng, 1937). Pierre Bourdier cho rằng dựa trên nền tảng giáo dục, nền tảng gia đình và các loại hình học tập khác, vốn văn hóa được hình thành (Bùi Minh Hào, 2016). Nền giáo dục gia đình được vận hành vừa bằng gia phong, gia quy vừa bằng tình thân. Sự tham gia hiệu quả của gia đình Nho giáo vào quá trình giáo dục cá nhân là một trưng văn hóa Á Đông. Giáo dục truyền thống ở Việt Nam không dồn hết nhiệm vụ đào tạo cho cơ chế giáo dục chính thức mà chia sẻ với những cơ chế không chính thức (nhưng không kém phần quan trọng) trong mối quan hệ tổng hòa với các bên liên quan gồm gia đình, làng xã (thầy đồ)… Giáo dục đạo đức quốc dân đóng vai trò quan trọng trong hiện đại hóa. Trước làn sóng các học thuyếtmới như tự do, bình đẳng, bác ái…, Tiếng Dân đã chuẩn bị cho độc giả của mình tinh thần tiếp nhận tư tưởng mới bằng động thái củng cố nền đạo đức truyền thống.
Truyền thống Nho học luôn đề cao người quân tử, nhưng khái niệm người quân tử theo Huỳnh Thúc Kháng có thêm khía cạnh mới là ý thức về quê hương, nguồn cội. Huỳnh Thúc Kháng cho rằng “nhà học giả phải có một cái quê hương”. Ông so sánh quê hương như nền móng để dựng nhà, khoảng đất để vun trồng, nhờ vậy mà “cái học mới có thể quy túc” khỏi bị cái nạn hoa kia không trái, lúa nọ không bông” (Tiếng Dân số 171, 1929) và “Trọng nòi, thương giống …là chủ nghĩa đạo đức của nền quốc gia giáo dục” (Tiếng Dân số 125 -139, 1928). Huỳnh Thúc Kháng quy chiếu về ý thức cội nguồn, nền tảng dân tộc của mỗi cá nhân. Nền tảng văn hóa Nho giáo cũng ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi ngườivề sự lệ thuộc/trách nhiệm của mình đối với nơi họ thuộc về. Khi mỗi cá nhân trả lời được câu hỏi họ là ai, họ thuộc về đâu thì căn tính văn hóa đó sẽ chi phối đời sống và hành động của họ. Ý thức quốc gia dân tộc, tinh thần tự lực tự cường là giá trị cần thiết mà mỗi người Việt cần có nhất là trong giai đoạn “hỗn hiệp Á Âu” này. Tiếp thu văn hóa văn minh nước khác là việc cần thiết nhưng phải có điểm tựa là tinh thần phụng sự dân tộc.
“Chính sách giáo dục Pháp- Việt chỉ chú trọng chiều ngang chứ không chú trọng chiều dọc (Nguyễn Công Lý, 2011, tr.252). Chính quyền thuộc địa có chú trọng đến giáo dục nhưng mục đích mở trường là để đào tạo nhân viên giúp việc chứ không phổ cập giáo dục toàn dân nên thực chất là đây là chính sách hạn chế giáo dục. Về quy mô đào tạo, tuy thực dân Pháp có chú ý mở rộng hệ thống giáo dục nhưng “chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở những thành phố, thị xã, thị trấn phục vụ cho chính con em người Pháp và đội ngũ quan lại người Việt thân Pháp” (Ngô Minh Oanh, 2001, tr.22). Chính quyền thuộc địa mở hạn chế một số trường chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học để đảm bảo nhu cầu nhân sự cho công việc nhà nước thuộc địa. Ở bậc tiểu học, trẻ em cũng bị hạn chế đến trường bởi những quy định về hành chính không đáng có.
Thấy được điểm bất cập đó của giáo dục Pháp- Việt, Tiếng Dân không ngừng nhắc nhở độc giả về quan niệm bình đẳng trong giáo dục, tư tưởng căn bản của Nho giáo. Nho giáo quan niệm người học ở mọi lứa tuổi đều nên được đón nhận bằng tinh thần bình đẳng triệt để:
“Theo tập quán lưu truyền ở phương Đông từ mấy ngàn năm đã thành cái tâm lý chung của dân tộc, với lối học mới ngày nay cũng như học cũ ngày xưa – hễ làm phụ huynh mà trong nhà có con từ 7-8 tuổi đến 12-13 tuổi, nhận là các tuổi đi học, dầu con con nhà nghèo, có bát cơm đắp đổi qua ngày thì hạng trẻ con ấy, dầu thế nào cũng cho chúng nó đi tập đòi đôi chữ – chưa nói sau này như thế nào – vì thế nên dân tộc An Nam có tiếng là “dân tộc ham học” (Tiếng Dân số 1264, 1933).
Báo chí những năm 30 này hướng dư luận vào những nghi vấn xung quanh “sự chân thành của Pháp trong việc giáo dục người Việt Nam” (Do, Mimi. H. 2002; tr.9). Tiếng Dân làm một thao tác so sánh nhỏ giữa “tâm lý chung về tánh ham học của người mình” với điều kiện cho trẻ vào trường đầy nhiêu khê của hệ thống trường Pháp- Việt để chỉ ra chính quyền thuộc địa không thực tâm muốn “mở mang học giới” như họ vẫn hô hào. Từ đó, tờ báo nhiệt tình nêu đòi hỏi phải có quy định về phổ cập giáo dục hay thi hành giáo dục cưỡng bức:
“Sự học phổ thông nay là nền sơ học, tiểu học đang cần phải mở rộng thêm. Xin chánh phủ toàn quốc quy định rõ, ai đến thành đinh (18 tuổi) ít ra phải có văn bằng Bản xứ sơ học yếu lược, người nào đi học không nổi thì hội đồng hương chức trong làng ấy phải tự trù nghĩ cách bảo trợ và quan lại địa phương nên trù phương khuyến khích… (Tiếng Dân 1264, 1933).
Trong điều kiện giáo dục nhà trường (giáo dục Pháp- Việt) không đủ đáp ứng yêu cầu phổ cập, người học cần ý thức về việc tự trang bị kiến thức, tự hoàn thiện bản thân. Tinh thần tự học, tự rèn luyện của Nho sĩ lại được Huỳnh Thúc Kháng nhắc nhớ, ủng hộ và đề cao. Muốn tự học, người học cần có tư duy phán đoán và tư tưởng tự do, không bị câu thúc. Tư tưởng sùng cổ, mặc cảm “mượn chữ học nhờ”, tư duy theo lối mòn… được tờ báo đem ra bàn luận đến nơi đến chốn. Một “tư tưởng tự do” sẽ khiến cho động cơ của người học được xác định lại, đúng với thực tế và có ích với việc phát triển năng lực. Đó là những gì Tiếng Dân không ngừng nhắn nhủ.
4. Giáo dục Nho học nhìn từ ý thức dung hợp Đông Tây
Từ những bất cập của nền giáo dục Pháp-Việt, nội dung giáo dục Nho học bước đầu được đem ra xem xét nhằm hướng đến xây dựng một nền học thuật mới trên tinh thần dung hợp Đông – Tây. Tiếng Dân không phủ nhận những nhược điểm của giáo dục Nho học nhưchế độ khoa cử và văn chương sáo rỗng; nhưng tiến thêm một bước, Tiếng Dân đưa ra giải pháp để khắc phục khuyết điểm đó trong nền giáo dục mới. Thấy rõ lối học “tầm chương trích cú” của Hán học ngày trước, người học chỉ lo trau chuốt câu chữ, “… nói liêm sĩ, nói nhân nghĩa, toàn là lời nói suông trên mặt giấy mà đến khi nhúng tay vào việc, thì lắm kẻ trổ ra ngón tham gian tà đạo trái với sự học…” (Tiếng Dân số 1114, 1937), Huỳnh Thúc Kháng nhận chân những giá trị cần có của nền giáo dục mới. Người học cần được trang bị đầy đủ và không thiên lệch “tri thức, kỹ năng và nhân cách” (Tiếng Dân số 872, 1936). Đây là quan điểm tiến bộ, tiệm cận khoa học giáo dục hiện đại của thế kỉ XX.
Theo Pierre Bourdieu ở trạng thái khách quan (objectified state), “vốn văn hóa nằm trong hệ thống các yếu tố văn hóa ở dạng hiện hữu khách quan ngoài chủ thể văn hóa, là những hình thức vật chất của vốn văn hóa như sách vở, công cụ, nhà cửa, trang thiết bị, máy móc…” (Bourdieu, 1986, tr.244, dẫn theo Bùi Minh Hào 2016). Theo đó, với tư cách là một loại vốn văn hóa, chữ Hán có khả năng tái tạo giá trị… Chữ Hán vốn là ngôn ngữ chính thức của nền Hán học. Đến những năm 30, 40 của thế kỉ XX, chữ Hán được xem là một yếu tố văn hóa mang tính chất công cụ từ thiết chế giáo dục cũ (Nho học) chuyển giao sang thiết chế giáo dục mới (Pháp -Việt). Tiếng Dân dành một dung lượng lớn các bài báo để khẳng định tính khả dụng của chữ Hán trong nền giáo dục Pháp-Việt. Xóa bỏ hoàn toàn chữ Hán đồng nghĩa với khước từ di sản văn học – văn hóa chữ Hán bao đời. Nếu để chính quyền thuộc địa thành công với chủ trương loại trừ di sản văn hóa Hán thì dân tộc ta ắt phải trả giá đắt, cái giá của việc quay lưng với bản sắc văn hóa dân tộc. Thiết kế chương trình của nền giáo dục Pháp- Việt, phản ánh quyền lực và nhu cầu đào tạo của chính quyền thuộc địa; dĩ nhiên không có chỗ cho mối quan tâm về nền văn hóa bản địa cả về ngôn ngữ và các giá trị xã hội. Chỗ trống đó chỉ có thể được bổ khuyết bởi di sản giáo dục Nho học mà chữ Hán là phương tiện trung gian.
Trên Tiếng Dân, nhiều bài bàn về chữ Hán trong mối liên hệ với tình hình giáo dục mới như “Quốc ngữ với chữ Hán có đứt cái dây quan hệ được không?” (Tiếng Dân số 514, 1932); “Quốc văn ta đã lìa hẳn chữ Hán được chưa? (Tiếng Dân số 629, 1933); “Cái mạt kiếp trong làng văn chữ Hán” (Tiếng Dân 520-521, 1932). Chữ Hán quan hệ chặt chẽ với quốc văn vì “một thứ văn hóa in sâu trong não người mình đã mấy trăm đời, […] không có cái gì là không có tinh thần Hán học chạm khắc vào đó, dầu là ở trong có nhiều điều không tốt” (Tiếng Dân số 637 và 638). Nền khoa cử chấm dứt, nhưng di sản văn hóa Hán không thể/ không nên cắt đứt theo kiểu cự tuyệt như thế. Tiếng Dân xác định nhiệm vụ của chữ Hán trong việc chuyển tải giá trị văn hóa của nền Hán học. Nhận thức mang tính chiến lược này đến từ một tờ báo mang sứ mệnh văn hóa. Quả vậy, nhiều thế hệ trí thức đầu thế kỉ XX đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu văn hóa – giáo dục dựa trên vốn chữ Hán. Không kể thế hệ những nho sĩ thông thạo chữ Hán như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, từ thế hệ những người sinh những năm 80, 90 thế kỉ 19 sang đến thế hệ những người sinh ra và lớn lên trong khoảng hai mươi lăm năm đầu thế kỉ 20, dù ít viết chữ Hán nhưng đã sử dụng chữ Hán như là một công cụ nghiên cứu học thuật hiệu quả. Có thể kể đến những tên tuổi như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố… Tiếng Dân dõi theo từng diễn biến về số phận của chữ Hán trong nền giáo dục Pháp-Việt và phân tích thấu đáo. Năm 1941, Trường Đại học Đông Dương mở lại lớp Hán học và đăng tin:
“Trường Đại học Đông Dương trước kia vẫn có lớp dạy về khoa Hán văn, mới bỏ đi độ 3-4 năm nay. Nay theo bản thông báo của Nha học chính Đông Dương thì bắt đầu từ thứ sáu ngày 3 Janniver 1941, trường đại học sẽ mở lại lớp dạy Hán văn, mỗi tuần lễ dạy hai buổi vào ngày thứ tư và và thứ sáu bắt đầu từ 13 giờ 30, ai muốn học phải đến ghi tên tại văn phòng trường đại học” (Phải chăng cái triệu chứng bạn Tây học đã bắt đầu quay về Khổng giáo?)
Từ tựa bài viết, Tiếng Dân bày tỏ ngay mối nghi ngờ về động thái của chính quyền thuộc địa, song cũng ghi nhận đây là cơ hộiđể người Việthọc chữ Hán một cách chính quy. Việc thêm vào một đôi giờ học chữ Hán mỗi tuần do người Việt dạy là một động thái tuy nhỏ nhưng thật cần thiết cho vận mệnh văn hóa dân tộc. Động thái này đến từcơ chế giáo dục chính quy (giáo dục Pháp- Việt). Có thể thấy đây là những dấu hiệu thỏa hiệp của chính quyền thuộc địa để giải quyết những “căng thẳng nảy sinh do nền giáo dục Pháp- Việt không đáp ứng đúng nhu cầu văn hóa” (chữ dùng của Colin Brock, 1985). Song nhìn từ quá trình tiếp xúc văn hóa, đó là kết quả của cuộc “đối thoại văn hóa” mà ở đó có sự tham gia của nhiều cá nhân tích cực (trí thức duy tân), của cơ chế truyền thông (trong đó có báo chí).
Phân biệt chữ Hán cũ và chữ Hán mới là cách mà Tiếng Dân chọn làm để độc giả thấy được chức năng mới của chữ Hán:
“Sau cuộc Nhật Bản Duy Tân, trong học giới người Tàu bắt chước người Nhật phiên dịch sách Tây phương thì chữ Hán trổ ra vô số là chữ mới, mà chữ mới ấy lần lượt theo con đường lịch sử- địa lý và văn hóa dang dính trên ngàn năm nay mà truyền sang xứ ta. Những chữ lao động, xã hội, đoàn thể… kể trên đều là chữ Hán mới mà không phải chữ Hán cũ xưa. Những từ vựng đó hữu ích và không thể thay thế được thì ta cứ dùng, chớ nói “chữ Hán vô dụng vô nghĩa” (Tiếng Dân số 1676, 1942).
Tiếng Dân không ngừng củng cố sự cần thiết phải bổ sung vốn hiểu biết chữ Hán: “Ai đã tự xưng là văn sĩ, là học giả, có chí về đường văn chương, trứ thuật cùng khảo cứu sách vở nọ kia thì phải học cho thông chữ Hán” (Tiếng Dân số 514, 1932). Tìm cách học chữ Hán sao cho “giản tiện” và “mau thông” là lưu ý mà tờ báo nhấn mạnh. Chữ Hán (hay chữ Nho) ngày trước ta vẫn gọi để phân biệt với chữ Nôm, nay được gọi là chữ ta để phân biệt với chữ Tây. Với những độc giả là nhà cựu học, chữ Hán và luân lý Khổng giáo có tác dụng nhận diện người phương Đông…. Khi đọc báo, bên cạnh những chuyện bên Âu Mĩ, khoa học cơ khí gì gì… “Hốt nhiên nghe đọc một câu thành ngữ chữ Hán hay là câu Đường thi vậy, câu Minh Tâm gì, thì cái não tôi tự nhiên cảm xúc, không khác gì ở nơi đất khách quê người mà bỗng gặp người bạn quen, vui sướng vô cùng”. Từ đó tờ báo góp phần tác động vào quá trình hoạch định chính sách văn hóa của dân tộc, bổ khuyết vào chương trình giáo dục Pháp-Việt. Người Việt cần trang bị một vốn chữ Hán căn bản để cảm nhận được, đánh giá được di sản văn hóa cha ông.
Tờ báo cũng ý thức cao về chức năng của chữ Hán trong việc làm giàu vốn liếng tiếng Việt thông qua con đường dịch thuật, tiến tới phát huy hiệu năng của tiếng Việt, của chữ Quốc ngữ. Sự phổ biến của Tân thư mang lại một loạt các danh từ mới về các lĩnh vực chuyên môn khoa học, kinh tế, triết học…. Để đưa những danh từ mới trong Tân thư đến với đại đa số dân chúng, cần phải có lực lượng những người tinh thông cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ làm động tác chuyển từ chữ Hán sang tiếng Hán Việt viết theo Quốc ngữ. Báo Tiếng Dân và nhiều tờ báo khác là kênh phổ biến những danh từ mới này. Vậy, chữ Hán, như các sĩ phu nhận định, có điểm lợi thế so với Pháp ngữ trong việc nhận thức, truyền đạt và phổ biến các khái niệm mới. Chính những người tinh thông chữ Hán đóng vai trò trung gian trong việc tiếp thu từ vựng mới, tư tưởng mới từ Tân thư. Song song với việc liên tục giới thiệu những học thuyết mới, những thành tựu khoa học kỹ thuật mới của văn minh phương Tây, Huỳnh Thúc Kháng vẫn ưu ái dành những trang báo Tiếng Dân cho việc khảo cứu, dịch thuật Nho học. Tác phẩm “Gia đình giáo dục” (nguyên tác Hán văn của tác giả Trung Quốc – Qua Bằng Vân) được Huỳnh Thúc Kháng dịch và cho đăng nhiều kỳ trên Tiếng Dân là một trường hợp như thế. Việc khảo cứu và dịch thuật Nho học trên Tiếng Dân khá phong phú. Lực lượng tham gia dịch thuật chính là những nhà cựu học (có tiếp thu tân học). Với tinh thần làm việc khoa học, họ đã đóng góp công sức giáo dục của mình theo một phương cách mới, một diện mạo mới.
Tồn tại ở trạng thái thể hiện (embodied state), “vốn văn hóa” theo Pierre Boudieu, “là các yếu tố văn hóa được thể hiện qua chủ thể của nó, tức là con người, là những yếu tố tồn tại hiện hữu và lâu dài trong tâm trí và cơ thể của con người chủ thể văn hóa” (Bùi Minh Hào, 2016). Nhân cách của nho sĩ, lòng hiếu học, là một trong những trạng thái biểu hiện của vốn văn hóa Nho học. Nền Nho học trong quá khứ đã đào tạo ra những bậc hiền tài, tinh hoa của nền học vấn Nho học, gánh vác sứ mạng bồi thực nguyên khí quốc gia. Người học trong thời đại mới khi tham gia vào hệ thống giáo dục Pháp-Việt, đã vô thức sở hữu “vốn liếng” quá khứ. Thứ vốn ấy đã chuyển thành tiềm lực của người học. Nhìn từ góc độ bản sắc hay căn tính (identity), Tiếng Dân khai thác giáo dục Nho học trên cơ sở những giá trịđịnh danh người Á Đông, định danh người Việt. Sức hấp dẫn và ý nghĩa của những bài báo viết về giáo dục trên Tiếng Dân chủ yếu là ở quan điểm tiếp cận bản sắc văn hóa dân tộc hay căn tính dân tộc. Khi mới bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, một bộ phận người Việt vội vã “đổi cũ học mới” nhưng hành xử của họ từ cách đi đứng, chào hỏi, ý thức tôn ti trật tự đã được “nội tâm hóa” thành một kiểu “định danh” người Việt, người Á Đông. Cách mà người Việt tri nhận (cognitive) cái gì là đúng, cái gì là sai, cách tư duy phần lớn có nguồn gốc từ thế giới quan Nho giáo, kết quả của giáo dục Nho học. Báo chí những năm 30, 40 thế kỉ XX, trong đó có Tiếng Dân, gợi nhắc lại những giá trị Nho giáo ở dạng trầm tích (khái niệm “trầm tích hóa truyền thống” của Peter. L. Berger và Thomas Luckmann), dùng nó để đặt mọi thứ vào đúng chỗ của nó, đưa người Việt trở về với căn tính dân tộc của mình. Nhân cách và lối ứng xử Nho sĩ – một nét cốt cách Á Đông – trở thành tiềm lực/ “mỏ neo” vững chắc để người học “đem chỗ học cao thâm mà truyền bá làm nên công nghiệp vĩ đại, mở mặt mở mày cho đất nước, bổ ích cho
đồng bào” (Tiếng Dân số 853, 11.12.1935). Đơn cử trường hợp ông Phạm Duy Khiêm mà
báo Tiếng Dân khen ngợi:
“[…] Ông Khiêm, Tây học đỗ cao hơn người như thế, mà thái độ hòa nhã, cách người khiêm tốn, không có cái lối phù hiêu lòe người như phần đông bạn Tây học khác. Ông lại tỏ ý yêu mến nước nhà, không vì cớ Tây học mà quên miền xứ sở như ông gì đó trở khinh rẻ giống An Nam mà muốn làm dân La Mã” (Tiếng Dân số 853, 11.12.1935). Tiếng Dân bàn luận, chắt lọc và dung hòa tư tưởng Nho giáo trong tinh thần mới. Thế giới quan Nho giáo được tái sinh như là cội nguồn của năng lực mới đối với người học. Điều này biểu hiện rõ ở những nhà nho duy tân- những người suốt đời theo đuổi những chuẩn mực đạo đức và chủ nghĩa nhân văn. Thế giới quan đó cho phép người theo học Nho giáo coi trọng luân lý xã hội, coi trọng vấn đề nhân sinh. Peter. L. Berger và Thomas Luckmann cho rằng “vấn đề bảo tồn các giá trị Nho giáo đã được nội tâm hóa trong đời sống thường nhật, khác về bản chất so với bảo tồn trong tình huống khủng hoảng” (Peter. L. Berger và Thomas Luckmann, 2016, tr.218). Quả vậy, những giá trị tư tưởng Nho giáo được đặt vào tình huống đầy thử thách, trong sự phân biệt “Ta” và “Tây”, “mình” và “người”. Chính quyền thuộc địa càng muốn “tiêu diệt tinh thần đạo Nho, và uy thế to lớn của nhà nho trong dân chúng” (Cao Huy Thuần,2014, tr.314) thì những thế hệ trí thức duy tân càng nhận thấy cần phải giữ gìn và biến tinh thần Nho giáo thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, phát triển nó ở tầm cao hơn. Lấy ví dụ, tâm lý sùng cổ trong nền giáo dục Nho học vốn đã tồn tại hàng trăm năm, không dễ gì mất đi ngay được. Tiếng Dân nhìn nhận nó ở khía cạnh tích cực trong học thuật, cụ thể là tinh thần kế thừa kiến thức của người đi trước: “Góp lặt, tóm hợp tư tưởng của kẻ khác, nhất là của hiền triết […] mà phát huy mở mang ra có thống hệ, có lai lịch, như tằm ăn dâu nhả tơ, ong hút hoa, gây mật” và nhờ đó tránh được căn bệnh “ăn không tư tưởng của người” mà ngày nay gọi là đạo văn. Từ những việc tương tự như vậy, ý thức học thuật Nho giáo đánh thức lòng tự tôn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của người họctrong công cuộc đổi mới.
Báo Tiếng Dân là một trường hợp thực hành cụ thể tinh thần giáo dục dựa trên truyền thống Nho học, nếu coi báo chí như là một hình thức giáo dục xã hội. “Tiếng Dân tỏ rõ sự ưa thích đối với các vần đề về văn học và giáo dục: gần như số nào cũng đều có những bài văn học hay lịch sử, thơ, truyện mang tính giáo huấn” (chúng tôi nhấn mạnh). Nguyễn Thế Anh (2002) cho rằng “quan điểm chính trị và văn hóa của tờ báo phần lớn chịu ảnh hưởng của căn bản Nho giáo” (Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, 2010, tr.1768) và “Huỳnh Thúc Kháng và tờ Tiếng Dân là một trường hợp trường tồn của tinh thần Nho giáo ở Việt Nam vào thế kỉ XX” (Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, 2010, tr.1765).
Sở hữu số lượng người đọc – người học của cả Trung Kỳ, Tiếng Dân đều đặn nhắc đến những nhân vật trong thực tiễn văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh đến sự nghiệp và hành xử văn hóa của loạt nhân vật này như một cách khẳng định tinh hoa của giáo dục Nho học. Nguyễn Lộ Trạch được nhắc đến rất nhiều lần trên Tiếng Dân: “Một ít dật sự ông Nguyễn Lộ Trạch” (Tiếng Dân số 453, 1932), “Điều tiên kiến của một nhà học giả nước ta – nhân chuyện Nhật Trung xung đột mà nhớ đến câu nói trong một bài đại luận trước đây 40 năm” (Tiếng Dân số 492, 1932); “Phê bình hai bài Thời vụ sách trong bản Quỳ ưu lục của ông Nguyễn Lộ Trạch” (Tiếng Dân số 491- 492, 1932). Điều đáng chú ý ởloạt nhân vật này là họ vừa có tinh thần học phong Nho sĩ vừa biết tiếp cận kiến thức, nội dung giáo dục phương Tây, phương pháp giáo dục phương Tây. Họ là lực lượng nòng cốt của thế hệ trí thức mới (chữ dùng của Trịnh Văn Thảo). Tờ Tiếng Dân đã triệt để sử dụng phương pháp “nêu gương”, phương pháp giáo dục truyền thống của Nho gia, khi yêu cầu người học luôn biếtchọn cái hay của người này mà học, xét cái sai của người kia mà tự sửa mình. Bên cạnh đó, Tiếng Dân cũng đăng bài của độc giả như một kênh đối thoại để hiểu những mong đợi của độc giả dành cho tờ báo và rồi không ngừng tự điều chỉnh để hoàn thiện tờ báo. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp của tờ báo song điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là ý thức học hỏi của chủ nhiệm báotừ chính độc giả của mình. Đây cũng là một biểu hiện của học phong mới trên tinh thần Nho học: “học không định thầy, chủ điều lành làm thầy” (Tiếng Dân số 1114, 1937).
5. Kết luận
Động thái của Tiếng Dân về giáo dục Nho học phản ánh một đặc điểm có tính tất yếu của quá trình tiếp xúc, tiếp biến văn hóa. Kế thừa di sản văn hóa giáo dục Nho học vào yêu cầu đổi mớigiáo dục giúp cho người dạy và nhất là người học (chương trình PhápViệt nói riêng và cả hình thức giáo dục không chính thống nói chung) tâm thế học tập cần thiết. Nhiều giá trị trong nền giáo dục Nho giáo có thể/nên được biến thành một loại tài sản vô hình và phát huy tiềm lực như một loại vốn với điều kiện người học phải thủ đắc và chuyển hóa “công năng” của nó trong thiết chế giáo dục mới. Đánh giá giáo dục Nho học trong tương quan với giáo dục Pháp- Việt cũng là một cách để soi chiếu, phản biện liên tục nhằm trả lời cho những câu hỏi về bản chất của giáo dục Pháp- Việt và tìm kiếm một nền giáo dục tiến bộ cho dân tộc Việt Nam.
Huỳnh Thúc Kháng, với phương tiện truyền thông là báo chí, đã là “loa phát ngôn” cho thế hệ ông, thế hệ của những tri thức kịp thời thức tỉnh và đổi mới từ tư duy đến hành động. Tiếng Dân không tìm về những giá trị xưa cũ một cách mù quáng mà xem xét nó trên tinh thần khoa học, trên tinh thần chọn lọc “vốn văn hóa” để có thể tái tạo giá trị xã hội. Từ kinh nghiệm của Tiếng Dân, có thể thấy, đối với loại hình giáo dục nói riêng, đối với một hiện tượng văn hóa nói chung, cần có quan điểm lịch sử – cụ thể, đặc biệt là tinh thần kế thừa có chọn lọc nhằm tái tạo những giá trị truyền thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bousquet, G. L., & Brocheux, P. (Eds.) (2002). Viet Nam exposé: French scholarship on twentieth-century Vietnamese society. University of Michigan Press.
2. Bùi Minh Hào (2016). Khái niệm vốn văn hóa của Pierre Bourdieu.
3.
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/llvhh-nhung-van-dechung/2940-bui-minh-hao-khai-niem-von-van-hoa-cua-pierre-bourdieu.html, truy
cập ngày 15/8/2020.
4. Cao Huy Thuần (2014). Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914). NXB. Hồng Đức.
5. Colin Brock, Witold Tulasiewicz (1985). Cultural Identity and Educational Policy. St. Martin’s Press, London.
6. Do, Mimi. H. (2002). The Search for Modernity: Literature and Vietnamese Nationalism, 1900-1939. (Doctoral dissertation, University of Hawaii at Manoa).
7. Ngô Minh Oanh (2011). Sự du nhập giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam thời thuộc Pháp (1861-1945). Tạp chí Khoa học, (28), 13.
8. Nguyễn Công Lý (2011). Giáo dục – Khoa cử và Quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc, NXB Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
9. Peter. L. Berger và Thomas Luckmann (2016). Sự kiến tạo xã hội về thực tại – khảo luận về xã hội học nhận thức, NXB Tri Thức, Hà Nội.
10. Trần Trọng Kim (2000). Nho giáo. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
11. Trịnh Văn Thảo (2013). Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954). NXB Thế giới, Hà Nội.
12. Wong, T., & Fernandini, C. (2010). Traditional cultural expressions: Preservation and innovation. Intellectual Property and Human Development: Current Trends and Future Scenarios.
13. Các tư liệu trên báo Tiếng Dân trong bài viết này đều trích từ Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, do Chương Thâu & Phạm Ngô Minh sưu tầm và biên soạn năm 2010, NXB Đà Nẵng.
14. Một điều cốt yếu về việc giáo dục trẻ con, Tiếng Dân số 37, 14.12.1927
15. Lại bàn việc nước, Tiếng Dân số 125-130, từ 27.10 đến 14.11.1928
16. Nhà học giả phải có một cái quê hương, Tiếng Dân số 171, 17.4.1929
17. Nhân cách, Tiếng Dân số 221-222, 1929
18. Hán học ở trong xã hội ta ngày nay, Tiếng Dân số 375 và 376,1931
19. Quốc ngữ với chữ Hán có đứt cái dây liên hệ được không? Tiếng Dân số 514, 1932.
20. Phong triều truyền bá học Quốc ngữ với điều kiện trẻ em vào trường, Tiếng Dân số 1264, 4.10.1933
21. Mối cảm tưởng sau khi Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm về nước, Tiếng Dân số 853, 11.12.1935
22. Xu thế sư phạm giáo dục xứ văn minh trên thế giới, Tiếng Dân số 869-872, 1936
23. Chân tướng văn hóa Phương Đông, Tiếng Dân 933, 11.7.1936
24. Điều nguy hiểm trong học giới ta là học mà không biết chọn, Tiếng Dân số 1114, 28.9.1937
25. Môn học cổ điển Á Đông sẽ sống lại chăng? Tiếng Dân số 1676, 20.5.1942
26. Tác phẩm Gia đình giáo dục, Tiếng Dân từ số 221 đến 267. Sau đó, in thành sách năm 1930 và tái bản năm 1931, 1933, 1937.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle, nhà xuất bản Đại học Huế, 2021
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Báo Tiếng Dân (1927-1943) với vấn đề giáo dục Nho học (Tác giả: NCS. Ngô Thị Thanh Tâm) |