Bảo tồn bản sắc VĂN HOÁ KHƠ-ME trong thời kì hội nhập nhìn từ Festival ĐUA GHE NGO SÓC TRĂNG lần I năm 2013

1. Festival đua ghe Ngo đồng bào Khơ-me Đồng bằng sông Cửu Long – Sóc Trăng lần I năm 2013

     Với 1.260.640 người năm 2009 1, đông nhất trong các tộc người nói ngôn ngữ Môn – Khơ-me ở nước ta 2, đồng bào Khơ-me ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là “đồng tộc, có nhiều nét tương tự về lịch sử và văn hoá” 3 với người Khơ-me ở Campuchia. Theo truyền thống, đồng bào sống tập trung trong phum sóc trên những giồng đất cao. Mỗi sóc có ít nhất một ngôi chùa Phật giáo Nam Tông (Theravàda), các vị sư sãi luôn là người thầy được cộng đồng tôn kính.

     Ðồng bào Khơ-me có nhiều phong tục tập quán và có nền văn hoá nghệ thuật độc đáo. Những chùa lớn thường trống, kèn, đàn, ghe Ngo,… Hàng năm người Khơ-me có nhiều ngày hội, ngày tết Dân tộc được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, đảm bảo an toàn và tiết kiệm. Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo được đặc biệt quan tâm đầu tư tổ chức nhằm tôn vinh, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hoá Khơ-me truyền thống, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch văn hoá vùng ĐBSCL.

     Hội đua ghe Ngo của đồng bào Khơ-me

     Đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu về Lễ Ok Om Bok và Hội đua ghe Ngo như “Nguồn gốc lễ hội đua ghe Ngo, thả đèn nước và cúng trăng” (Nhà sư Thạch Sô Tưm); “Tìm về nguồn gốc hình thành và phát triển lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khơ-me Sóc Trăng” (Sơn Lương); “Tìm hiểu lễ hội đua ghe Ngo của người Khơ-me Sóc Trăng” (Tiền Văn Triệu); “Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khơ-me Nam Bộ” (Sơn Phước Hoan chủ biên)… Tuy nhiên, do nhiều nguồn sử liệu tham khảo và phương pháp tiếp cận khác nhau nên việc xác định nguồn gốc của lễ hội này vẫn dừng lại ở nhiều giả thuyết. Trong bài viết này, tác giả xin nêu lên những đặc điểm cơ bản, đã có sự thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu nhằm phác hoạ hình ảnh một lễ hội dân gian đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa của đồng bào Khơ-me.

     Đua ghe Ngo là phần hội của lễ Ok Om Bok 4, được xem như là nghi thức tiễn thần nước, thần của mùa mưa sau vụ gieo trồng, chào mừng vụ mùa bội thu, là ngày hội thể thao, biểu tượng tinh thần đoàn kết giữa các phum sóc và giữa các dân tộc cùng chung sống.

     Ghe Ngo (Tuk Ngô) 5 là thuyền độc mộc làm bằng cây sao, hình dáng thon, thường dài 27m, nơi rộng nhất ở giữa ghe khoảng 1,2m, trong lòng ghe có nhiều thanh ngang làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi theo từng cặp song song. Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tuỳ theo từng vị trí người bơi. Ghe Ngo cong hai đầu, thân ghe được chạm trổ, sơn vẽ tinh xảo, hình ghe giống hình thần rắn Naga 6. Người Khơ-me tin rằng ghe Ngo là vật thiêng liêng, phải làm lễ cầu xin thần linh mới được hạ thuỷ. Trước cuộc đua là lễ “xuống ghe”, tập luyện bơi ghe, sáng trước ngày đua bà con làm lễ “xuất quân”. Sau khi cuộc đua kết thúc, đồng bào vào lễ cúng trăng và tiến hành lễ đút cốm dẹp truyền thống 7.

     Đua ghe Ngo đã có từ thế kỉ XIII, mang màu sắc của Phật giáo Nam Tông Khơ-me, đậm giá trị văn hoá nông nghiệp. Việc tổ chức đua ghe nhằm biểu dương lực lượng hùng mạnh và tinh thần thượng võ trên sông nước 8.

     Ok Om Bok: Lễ hội cúng Trăng, đút cốm dẹp truyền thống, được tổ chức thống nhất vào ngày 15/10 âm lịch tại khuôn viên chùa hoặc tại tư gia, để tưởng nhớ công ơn của mặt trăng vì người Khơ-me xem trăng là biểu tượng của thần nước, vị thần bảo hộ cho mùa màng tươi tốt.

     Festival đua ghe Ngo đồng bào Khơ-me ĐBSCL – Sóc Trăng lần I năm 2013

     Hàng năm, hội đua ghe Ngo được tổ chức đúng dịp vào dịp Rằm tháng Ca đấc (tháng 10 âm lịch) trên sông Maspero. Nhận thấy đây là một lễ hội văn hoá truyền thống tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, nhân văn sâu sắc, Thủ tướng đã chấp thuận cho phép tổ chức Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khơ-me ĐBSCL – Sóc Trăng lần thứ I năm 2013 (Festival) từ ngày 14-17/11/2013 (12-15/10 âm lịch). Festival là sự kiện kinh tế, văn hoá – xã hội – du lịch nhằm tạo ra sản phẩm văn hoá đặc trưng trực tiếp phục vụ phát triển du lịch, vừa gắn liền với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, vốn quý văn hoá độc đáo của địa phương; góp phần khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh; tôn vinh và nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hoá truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm xây dựng Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp 9 qua các hoạt động:

1. Liên hoan Kịch ngắn không chuyên: từ ngày 5-8/11/2013, tại Công viên 30/4.

2. Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê 10 Khơ-me Nam Bộ: từ ngày 11-16/11/2013 tại Trung tâm Văn hoá. Có 10 đoàn với gần 500 diễn viên, nghệ nhân tranh tài.

3. Hội thi trang phục 03 Dân tộc Kinh – Khơ-me – Hoa: với các hình thức trang phục sinh hoạt, trang phục lễ hội, trang phục tự chọn diễn ra mỗi buổi tối từ ngày 12-16/11/2013 tại Công viên 30/4.

4. Thể thao dân tộc: từ ngày 10-16/11/2013 tại Trung tâm Thể dục, Thể thao tỉnh với 4 loại hình: bóng đá, bóng chuyền, cờ ốc và bi sắt.

5. Triển lãm ảnh “Kí ức Sóc Trăng” giới thiệu về Sóc Trăng trong 100 năm qua, khai mạc ngày 14/11/2013, tại Trung tâm Văn hoá Hồ Nước Ngọt.

6. Hội chợ Thương mại và triển lãm: diễn ra từ ngày 14/11/2013 tại Hồ Nước Ngọt với 592 gian hàng.

7. Lễ khai mạc Festival với tên gọi Trăng và Lúa: lúc 20h30 ngày 15/11/2013.

8. Đua ghe Ngo: khai mạc lúc 12h ngày 16/11/2013 tại khán đài đua ghe Ngo. Có 62 ghe (13 ghe nữ) từ Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng cùng tranh tài.

9. Hội thi thả đèn nước 11: diễn ra vào đêm ngày 16/11/2013 trên sông Maspero.

10. Ca múa nhạc tổng hợp: vào đêm ngày 16/11/2013 tại Công trường 30/4 do Trung tâm Văn hoá tỉnh, đoàn nghệ thuật Chăm (Ninh Thuận) biểu diễn.

11. Lễ Bế mạc Festival: diễn ra vào lúc 18h ngày 17/11/22013 tại khán đài đua ghe Ngo. Ban Tổ chức tổng kết các hoạt động và trao thưởng.

12. Lễ cúng Trăng Ok Om Bok: lúc 18h30’ ngày 17/11/2013 tại Nhà Văn hoá Khơ-me.

     Nhằm có thêm cơ sở để đánh giá sự tác động của Festival đến đời sống của người dân, tác giả đã tiến hành khảo sát phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi trong những ngày Festival diễn ra. Nội dung bảng hỏi được xây dựng dựa trên lí thuyết chất lượng dịch vụ của Parasuraman và cộng sự, thang đo chuyển đổi từ thang đo SERVQUAL có tham vấn chuyên gia. Các tập biến quan sát gồm 20 phát biểu, trong đó 10 phát biểu được đo lường trên thang Likert 5 điểm (1 – hoàn toàn không đồng ý; 2 – không đồng ý; 3 – không ý kiến; 4 – đồng ý; 5 – hoàn toàn đồng ý). Các câu hỏi còn lại thuộc dạng trả lời đúng – sai hoặc chọn phương án phù hợp nhất. 400 bảng được phát ra tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khơ-me Nam Bộ; Hội chợ Thương mại và triển lãm; Lễ Khai mạc Festival; Đua ghe Ngo; Ca múa nhạc tổng hợp và Lễ Bế mạc Festival. Người được hỏi không phân biệt dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, dân địa phương hay khách du lịch. Kết quả thu lại 367 bảng, tiếp tục loại 23 bảng vì lỗi không trả lời hết các câu hỏi, thống kê dựa trên 344 bảng còn lại.

     Thống kê đánh giá của người dân về các hoạt động diễn ra tại Festival cho thấy khi đến Festival, điều mà người dân chú ý nhất là sự hấp dẫn của các chương trình. Có 73,83% người được hỏi cho rằng các hoạt động diễn ra ở Festival đa dạng, phong phú và đáp ứng được sự mong đợi của họ (27,03% chọn điểm 4; 46,80% chọn điểm 5). Tuy nhiên với câu hỏi “quý khách có thể tham dự tất cả các hoạt động ở Festival không” thì có đến 71,51% người được hỏi chọn câu trả lời là không. Với câu hỏi “Trong danh sách 12 hoạt động của Festival thì quý khách hài lòng nhất với hoạt động nào” kết quả các hoạt động nhận được sự hài lòng nhất là Đua ghe Ngo (86,05%); Hội chợ Thương mại và triển lãm (76,16%); Lễ Khai mạc Festival (66,86%). Với câu hỏi “Trong danh sách 12 hoạt động của Festival thì quý khách sẽ không tham dự hoạt động nào” thì kết quả xếp theo thứ tự Liên hoan Kịch ngắn không chuyên (49,13%); Lễ Bế mạc Festival (41,86%) và Thể thao dân tộc (36,34%). Chỗ ngồi, ATM, nhà vệ sinh (72,09%); Giao thông, kẹt xe (69,17%) và Rác thải (61,19%) là những vấn đề người tham dự Festival không hài lòng nhất.

___________
1. Tổng cục Thống kê, Kết quả toàn bộ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, 2010.

2. Sách Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2010, tr. 89.

3. Phan An, Đặc trưng tín ngưỡng – tôn giáo của người Khơ-me ở Nam Bộ, 2010.

4. Ok Om Bok: Lễ hội cúng Trăng, đút cốm dẹp truyền thống, được tổ chức thống nhất vào ngày 15/10 âm lịch tại khuôn viên chùa hoặc tại tư gia, để tưởng nhớ công ơn của mặt trăng vì người Khơ-me xem trăng là biểu tượng của thần nước, vị thần bảo hộ cho mùa màng tươi tốt.

5. Tuk Ngô: Tuk là ghe, Ngô là cong đọc trại thành Ngo; Sơn Lương, Quá trình hình thành và phát triển của ghe Ngo Sóc Trăng, 2010.

6. Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần có hình dạng rắn hổ mang, chúa tể của loài rắn, là vị thần nước mang lại sự sống cho người Khơ-me.

7. Tiền Văn Triệu, Tìm hiểu lễ hội đua ghe Ngo của người Khơ-me Sóc Trăng, 2010.

8. Sơn Phước Hoan (chủ biên), Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khơ-me Nam Bộ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 56.

9. http://www.festival.soctrang.gov.vn/Nhật kí Festival/Thông cáo – Báo chí.

10. Là kịch hát truyền thống của người dân tộc Khơ-me diễn tả tình yêu quê hương đất nước, nét thân tình của các dân tộc.

11. Thả đèn nước (Lôiprotip) là hoạt động không thể thiếu của Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo.

2. Kinh nghiệm rút ra cho bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá Khơ-me nói riêng trong thời kì hội nhập từ Festival đua ghe Ngo lần I

     Một là: Nhận thức rõ ràng và đầy đủ về chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trong đó có bản sắc văn hoá Khơ-me.

     Bản sắc văn hoá dân tộc là những giá trị căn bản nhất, cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất và bản chất nhất phản ánh diện mạo, cốt cách, phẩm chất và bản lĩnh của dân tộc. Nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh từng dạy “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng” 1. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc và bộ phận không thể tách rời là bản sắc văn hoá Khơ-me thể hiện rõ trong Chỉ thị số 68- CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư (khoá VI) “về công tác ở vùng đồng bào Khơ-me”; Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 16/7/1998 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”… đã tạo sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc có nhiều thay đổi, đồng bào Khơ-me ngày càng giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

     Bước vào thời kì hội nhập sâu rộng, việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trong đó có văn hoá Khơ-me đang là vấn đề cấp thiết, vấn đề này chỉ được thực hiện thành công khi các Cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở mỗi địa phương có nhận thức thực sự đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng cũng như ý nghĩa chính trị sâu sắc của công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc vì từ nhận thức đúng mới có hành động đúng và thiết thực tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc động viên nhân dân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này.

     Hai là: Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc phải gắn liền với phát triển du lịch văn hoá nhằm cải thiện và nâng cao cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.

     Năm 2009, nước ta có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (88,36%), 332 lễ hội lịch sử (4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%) 2. Từ năm 2000 đến nay, nhiều Festival văn hoá nối tiếp nhau ra đời, đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là thách thức lớn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc mở rộng giao lưu văn hoá và phát triển du lịch nhất là du lịch văn hoá là loại hình du lịch “bao gồm hoạt động của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, về lễ hội và các sự kiện văn hoá khác nhau…” 3  và “ảnh hưởng tích cực bằng việc đóng góp vào việc duy tu, bảo tồn. Loại hình này trên thực tế đã minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vì những lợi ích văn hoá – kinh tế – xã hội” 4. Tổ chức Festival Đua ghe Ngo nhằm giới thiệu đất nước, con người, văn hoá Sóc Trăng, các giá trị di sản văn hoá từ nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực dân gian, truyền thống, gắn liền quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp văn hoá lâu đời là khởi sự cho một sản phẩm văn hoá du lịch, một thương hiệu mới ghi dấu quá trình xây dựng và phát triển của Sóc Trăng và của vùng ĐBSCL.

     Để chuẩn bị cho việc tổ chức Festival, từ năm 2005, Sóc Trăng đã khẩn trương kiến thiết hạ tầng các khu văn hoá du lịch, khu vui chơi, giải trí quan trọng, hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống. Ước tính hàng chục ngàn lượt khách tham dự Festival đã đem lại nguồn thu lớn, tính riêng Hội chợ Thương mại và triển lãm với 592 gian hàng diễn ra từ ngày 14 – 17/11/2013 tại Hồ Nước Ngọt đã thu hút hơn 350 ngàn lượt khách tham quan mua sắm, riêng ngày đêm 16/11 trước khi đua ghe Ngo có hơn 200 ngàn lượt, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

     Ba là: Phát huy tác dụng của hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến trong công tác bảo tồn di sản văn hoá.

     Ngày 29/10/2013, Ban Tổ chức có buổi họp báo đầu tiên, sau đó Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, thường xuyên cập nhật thông tin trên website www.festival.soctrang.gov.vn. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh mở chuyên mục “Tiến tới Festival”, phát sóng định kì mỗi tuần 4 tiểu mục và 1 chuyên mục. Báo Sóc Trăng mở chuyên mục tuyên truyền, thông tin Festival từ ngày 01/6 – 30/9/2013,… Bên cạnh đó, công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho lễ khai mạc, lễ bế mạc, hội chợ triển lãm, khu đua ghe Ngo cũng được khẩn trương thực hiện, hàng ngàn băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh được trang trí sinh động, trực quan. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của lễ hội, nếu không có những thông tin, tuyên truyền, quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tờ gấp, tập sách giới thiệu, các băng, đĩa hình ảnh,… thì không dễ gì du khách biết đến các khu, điểm, cơ sở, sự kiện của địa phương cũng như với các dịch vụ kèm theo.

___________
1. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 173.

2. http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/Preview/PrintPreview_En.aspx?co_id=30111&cn_id=447280.

3. Theo Tổ chức Du lịch thế giới – UNWTO.

4. Theo Hội đồng quốc tế các di chỉ và di tích – ICOMOS.

3. Một số kiến nghị với công tác bảo tồn bản sắc văn hoá Dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá Khơ-me nói riêng

     –  Tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kì hội nhập quốc tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân.

     –  Triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống và sâu sắc văn hoá và tư duy dân tộc của đồng bào. Rà soát tổng thể và toàn diện các lễ hội, từ đó xây dựng kịch bản, đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường văn hoá, tâm linh, di tích.

     –  Các cấp, các ngành cần nghiên cứu, phối hợp ban hành mô hình tổ chức, quản lí các sự kiện văn hoá, lễ hội; chuẩn hoá chức năng, nhiệm vụ của ban quản lí các khu di tích, ban tổ chức các lễ hội; quy định rõ ràng trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn văn hoá dân tộc.

     –  Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về các sự kiện văn hoá nhằm phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế thông qua du lịch.

     –  Tiếp tục có những chính sách thiết thực hỗ trợ đồng bào thoát nghèo bền vững.

4. Kết luận

     Trên nền Hội đua ghe Ngo truyền thống tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, xã hội, nhân văn sâu sắc, việc tổ chức Festival Đua ghe Ngo không những bảo tồn di sản, giới thiệu sản phẩm văn hoá đáng tự hào của địa phương mà còn góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hoá sâu sắc, đáp ứng xu thế liên kết, liên vùng, xã hội hoá cao theo tinh thần “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại” 1 vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kì hội nhập quốc tế.

__________
1. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2011-2020), http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidung chienluocphattrienkinhtexahoi.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Phan An, Đặc trưng tín ngưỡng – tôn giáo của người Khơ-me ở Nam Bộ, 2010.

2. Phan An – Nguyễn Xuân Nghĩa, Các Dân tộc ít người Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980.

3. Báo cáo sơ kết thực hiện nghị quyết 05-NQTU của Tỉnh Uỷ Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào Dân tộc Khơ-me.

4. Nguyễn Mạnh Cường vài nét về người Khơ-me Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, 2002.

5. Sơn Phước Hoan, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khơ-me Nam Bộ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 3, 1996.

7. http://www.chinhphu.vn.

8. http://www.cinet.gov.vn.

9. http://www.festival.soctrang.gov.vn.

10. Kế hoạch số 05/KH-BTC ngày 05/9/2013 của Ban Tổ chức Festival v/v Tổ chức Festival Đua ghe Ngo.

11. Hồng Ngọc, Văn hoá lễ hội ở đâu?, 2011.

12. Tiền Văn Triệu, Tìm hiểu lễ hội đua ghe Ngo của người Khơ-me Sóc Trăng, 2010.

NGUYỄN QUANG TRUNG 1

___________
1. Trường Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ TP Hồ Chí Minh. 

Ảnh minhn họa (Ban tu thư sưu tầm) – Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn.