Bảo tồn bền vững, phát triển vững chắc cho di sản văn hóa thế giới Huế
Tác giả bài viết: Kiến trúc sư PHÙNG PHU
(Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Di sản Huế với những đặc thù
Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm, chùa quán, cầu cống… Di sản di tích cố đô Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ hun đúc tạo thành, của những tài năng xuất chúng, những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.
Trong quá khứ vàng son, Huế đã tạo cho mình một nền văn hoá phong phú và đặc sắc vừa kế thừa truyền thống văn hoá Thăng Long vừa tiếp thu những yếu tố mới của miền Trung, miền Nam và bên ngoài để tạo nên một sắc thái riêng biệt của một vùng văn hóa, Văn hóa Phú Xuân – Huế. Nổi bật trong kho tàng di sản văn hoá tinh thần của Huế có sinh hoạt cung đình, lễ hội cung đình, âm nhạc và múa cung đình cùng các ngành nghề thủ công truyền thống vốn được hình thành và phát triển trong quá trình xây dựng kinh đô.
Chính vì lẽ đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới vào ngày 11/12/1993, và 10 năm sau, ngày 7 tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam lại được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Di sản Huế có những đặc thù riêng biệt về nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là tính chất cung đình, quý tộc và tinh tế ở cả di sản vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, tính đặc thù còn thể hiện ở phạm vi, quy mô, sự phân bố và sự gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên.
Quần thể di tích có quy mô rất lớn, phân bố rộng, loại hình đa dạng; thêm vào đó, kiến trúc Huế vốn là kiến trúc cảnh quan nên luôn luôn lấy thiên nhiên làm nền tảng và đạt đến đỉnh cao của sự hài hòa. Bởi vậy, Huế đã được ngợi ca là một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”. Đây là điểm thuận lợi cơ bản để thu hút và phát triển du lịch, nhưng cũng là khó khăn lớn cho công tác quản lý, bảo tồn, nhất là trong thời kỳ mở cửa và phát triển kinh tế thị trường hiện nay.
Quần thể di tích cố đô với nhiều công trình cung điện, đền miếu đã từng là môi trường diễn xướng của các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cung đình, hoặc là những nơi diễn ra các hoạt động lễ hội lễ nghi cũng như sinh hoạt văn hóa truyền thống và cung đình, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của xứ Huế. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, nhưng cũng là vấn đề lớn đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục hồi.
Từ những đặc thù đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế một cách bền vững đòi hỏi phải được đầu tư nghiên cứu và tiến hành một cách khoa học, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa.
Bảo tồn di sản Huế, từ công trình di tích đến giá trị tinh thần – Thành tựu đạt được trong giai đoạn 1993-2007.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, không chỉ các công trình này bị tàn phá và hư hỏng nặng nề mà những hoạt động của văn hóa tinh thần gắn liền với chúng cũng bị dần mai một. Nhiều người tham gia tiếp quản Cố đô Huế những ngày đầu giải phóng chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, đổ nát của di tích Huế những ngày đó đã không khỏi ngậm ngùi, bức xúc: Làm gì để cứu lấy những di tích lịch sử văn hóa đang đứng trước nguy cơ xóa sổ? Không chỉ thế, thời gian tiếp đó, di tích văn hóa Huế còn đứng trước những nguy cơ bị xâm phạm ngày càng lan rộng…
Với những nỗ lực lớn lao, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu vãn cấp thiết hệ thống di tích đang bị hủy hoại nghiêm trọng, đồng thời thiết lập các tổ chức chuyên môn để tiến hành quản lý, bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (được thành lập năm 1982) là cơ quan chuyên môn đ-ợc Bộ Văn hoá Thông tin, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giao trọng trách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của cả di sản vật thể và phi vật thể của Huế. Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực không ngừng của bản thân đơn vị, cùng với sự quan tâm của chính phủ và nhân dân trong cả nước và sự chia sẻ kịp thời của cộng đồng quốc tế, di tích Huế từ chỗ hoang tàn đổ nát, cây cỏ xâm thực mà theo UNESCO là ở trong tình trạng “cấp cứu”, nay đã trở nên vẻ vang và tràn đầy sinh lực; loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc Nhã nhạc Cung đình Huế, hay những lễ hội truyền thống và cung đình từ chỗ bị lãng quên mai một, nay đã được ghi danh và có cơ hội được bảo lưu phục hồi.
Khi quần thể các công trình kiến trúc Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, thì khía cạnh phi vật thể, hay phần hồn của nó, trong đó có Nhã nhạc, Múa, Tuồng, lễ hội cung đình, cũng đã được quan tâm bảo tồn để di sản văn hoá Huế được thực sự hồi sinh. Ngay sau khi Quần thể di tích Huế được công nhận là di sản Thế giới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm BTDT CĐ Huế xây dựng dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010 và đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt trong quyết định 105/Ttg ngày 12/02/1996, trong đó nhấn mạnh mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế là một trong ba mục tiêu chính của Dự án và được chỉ rõ: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cung đình bao gồm: nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình, lễ hội cung đình. Đảng bộ tỉnh cũng đã định hướng rõ trong Nghị quyết số 06-NQ/TV, ngày 20/1/1998 và Nghị quyết số 04-NQ-TU ngày 30/7/2001 rằng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế là một trong 3 mục tiêu chính của công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế, cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy giá trị.
Nắm rõ chủ trương chỉ đạo chung này của chính phủ cũng như sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn của Cục Di sản Văn hóa, trong suốt quá trình gìn giữ, phát huy, khẳng định giá trị DSVH Huế trên trường quốc tế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công cuộc trùng tu di sản và nghiên cứu khoa học. Kết quả của công tác trùng tu, bảo tồn trong những năm qua đã được đánh giá rất cao. Tại kỳ họp lần thứ IX năm 1997, Nhóm công tác Huế – UNESCO đã tuyên bố công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn phát triển bền vững. Mới đây, trong kỳ họp thứ 28 năm 2004 tại Tô Châu, Trung Quốc, UNESCO cũng đã có thông điệp chúc mừng những thành quả xuất sắc của Thừa Thiên Huế trong công tác bảo tồn di tích cố đô Huế, đã góp phần cho công cuộc bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.
Qua hơn 10 năm, kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Trung tâm đã tổ chức thực hiện việc tu bổ các công trình có giá trị tiêu biểu, quy mô lớn với nguồn kinh phí trên 330 tỉ đồng như: bảo quản, tu bổ gồm: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Hoàng Thành – Tử Cấm Thành), Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, (lăng Khải Định), Chùa Thiên Mụ, hạ tầng khu vực Cung An Định, phục hồi nội thất Cung An Định, các cổng Kinh Thành, sân quần vợt Vua Bảo Đại… đã góp phần chỉnh trang đô thị, làm nổi bật những giá trị văn hoá lịch sử của Cố đô Huế. Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực: Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn – Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn đã được tu bổ, tôn tạo: sân vườn Hưng Miếu, Cung Diên Thọ, Cung An Định, bổ sung hệ thống cây cảnh ở một số điểm di tích, thu hẹp không gian hoang phế, từng bước trả lại các giá trị vốn có của Cố đô, mang lại sinh khí cho di tích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trung tâm cũng có sự đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn trùng tu di tích và phát huy giá trị di sản: đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được hơn 20 ấn phẩm có giá trị tiêu biểu như: Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ, ( từ tập 1- 6 với hơn 5.000 trang); Khoa cử và các nhà khoa bảng thời Nguyễn, Thần kinh nhị thập cảnh – Thơ vua Thiệu Trị, Về hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn của vua Thiệu Trị, Di sản văn hóa Hán Nôm Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Kỷ yếu hội thảo nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh, Di sản Văn hóa Huế Nghiên cứu và Bảo tồn; Bản đồ hệ thống thuỷ đạo Kinh Thành Huế; Kỷ yếu Hội thảo Thuỷ đạo Kinh Thành; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (tập 1-6) …
Trung tâm cũng chú ý đến công tác giao lưu và hợp tác quốc tế nhằm thu hút sự quan tâm và tài trợ của cộng đồng quốc tế đối với di sản Huế. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập và phát triển. Trung tâm đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác – đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ; thông qua đố tiếp nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học (trị giá khoảng gần 6 triệu đô la Mỹ), trong đó có những chương trình hợp tác lớn thu hút sự quan tâm của d- luận: bảo tồn trùng tu Ngọ Môn do chính phủ Nhật Bản tài trợ, Thế Miếu do chính phủ Ba Lan tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên Điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda – Nhật Bản, Dự án bảo tồn Nhã nhạc do chính phủ Nhật Bản tài trợ ủy thác qua UNESCO, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở Cung An Định… Trung tâm cũng phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức, và cũng tham gia nhiều Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế để chia xẻ các kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn. Tổ chức thành công hàng chục Hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực tại Huế.
Ngoài các dự án bảo tồn tu bổ di tích, Trung tâm còn triển khai đồng thời những dự án nghiên cứu phục dựng hàng chục bài bản Nhã nhạc, Múa, Tuồng Cung đình, chương trình nghiên cứu khoa học về các bộ sưu tập cổ vật, trưng bày hiện vật; tổ chức nghiên cứu, biên soạn, xây dựng kịch bản nhiều lễ hội cung đình, tổ chức thành công các lễ tế Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, Huyền thoại sông Hương… góp phần thành công trong các kỳ Festival 2006, 2008, và gây dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế và trong nước. Kết quả của những công trình nghiên cứu này được áp dụng ngay trong thực tiễn để làm di tích đ-ợc bảo tồn trùng tu trở nên sống động hơn.
Nguồn thu từ phát huy giá trị di tích hàng năm ngày càng tăng, chứng tỏ sức hút của di sản Huế đối với cộng đồng trong và ngoài nước, cụ thể là:
– Năm 2005: Tổng lượng khách là: 1.312.026 (trong đó khách quốc tế là: 55.294 lượt). Tổng doanh thu từ vé tham quan và dịch vụ đạt: 49.022.385.000đ.
– Năm 2006: Lượng khách là: 1.445.907 (trong đó khách quốc tế là: 630.535 lượt). Tổng doanh thu đạt: 60.461.638.000đ.
– Năm 2007: Lượng khách là: 1.658.333 (trong đó khách quốc tế là: 853.827 lượt). Tổng doanh thu đạt: 76.097.563.000đ.
– Tính đến 30/6/2008: Lượng khách là: 943.572 (trong đó khách quốc tế là: 471.090 lượt). Tổng doanh thu đạt: 43.229.689.000đ.
Chính nguồn thu ổn định này đã góp phần thiết thực cho công tác quản lý và bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu di sản Huế trong giai đoạn vừa qua.
Một điểm đáng chú ý trong công tác bảo tồn trùng tu tôn tạo di tích Huế là, khi thực hiện công tác bảo tồn và tu bổ các di tích, Trung tâm cũng luôn chú trọng đến vấn đề nghiên cứu về lịch sử hình thành cũng như công năng sử dụng nguyên thủy của mỗi di tích. Mục tiêu hướng tới của mỗi dự án bảo tồn trùng tu là không chỉ bảo lưu phục hồi dáng vẻ của công trình di tích mà còn phải phục hồi công năng và tái sử dụng thích nghi di tích để các di tích thực sự sống và được phát huy giá trị chứ không phải chỉ khô cứng lạnh lẽo cho du khách ngắm nhìn.
Với định hướng bảo tồn như vậy, nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội và nâng cao nhận thức về lịch sử và mỹ thuật như: Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc Cung đình phục vụ công chúng và du khách), Quảng trường Ngọ Môn – Kỳ Đài đã phục vụ tốt các lễ hội Festival cũng như cầu truyền hình trong các dịp lễ, Tết, đồng thời là không gian văn hóa hàng ngày của cộng đồng địa phương để tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh như thả diều, thể dục thể thao… Lăng Khải Định và Cung Diên Thọ với hệ thống trưng bày còn là nơi thể hiện lại hình bóng những hoạt động sinh hoạt văn hóa Cung đình xưa, hoặc Thế Miếu sau khi được trùng tu không chỉ là nơi cúng tế của hoàng tộc mà còn tái diễn những lễ nghi nhằm tôn vinh ghi nhớ công đức tổ tiên. Đặc biệt không gian khu vực Đại Nội được sử dụng để tổ chức Đêm Hoàng Cung hàng năm nhằm giới thiệu cho cộng đồng địa phương và du khách những hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cung đình Huế. Một số công trình sau khi được tu bổ còn có một góc trưng bày giới thiệu về hoạt động bảo tồn trùng tu, các công nghệ và vật liệu truyền thống đã được nghiên cứu áp dụng để công chúng hiểu được giá trị chân xác của di tích và những ngành nghề truyền thống đặc trưng của vùng miền.
Sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế phải hướng đến mục đích phát triển bền vững. Bảo tồn và phát huy di sản không đứng ngoài nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội và cũng là luận cứ cho một xã hội phát triển bền vững. Đó là đường lối, là phương châm hành động xuyên suốt của hoạt động bảo tồn tại cố đô.
Trong thời gian tới những dự án bảo tồn khác cũng hướng theo tiêu chí như vậy để phát huy thực sự hiệu quả chức năng nguyên thủy cũng như tái thích nghi sử dụng công trình như việc tu bổ phục hồi Đàn Nam Giao – Trai Cung (sẽ là nơi tái dựng một phần lễ tế Nam Giao – một điểm nhấn của Festival Huế và trưng bày những hình ảnh và hiện vật liên quan đến sinh hoạt lễ nghi cung đình Triều Nguyễn), Hổ Quyền – Voi Ré (có sự kết hợp tái dựng hình ảnh đấu trường giữa voi và hổ qua hình ảnh laser và 3D), Cung An Định (nơi thực hiện các nghi lễ ngoại giao tiếp đón các đoàn quan khách quan trọng đến thăm Huế, hoặc tổ chức trưng bày triển lãm nghệ thuật), Văn Thánh (nơi tái dựng một số hoạt động của Lễ Truyền Lô tôn vinh tinh thần hiếu học), Võ Thánh (tổ chức hoạt động thể thao truyền thống, tôn vinh tinh thần thượng võ truyền thống của Việt Nam), dự án phục chế thuyền Ngự phục vụ lễ hội Festival Huế và cũng góp phần nghiên cứu phục hồi nghề đóng thuyền truyền thống, dự án bảo tồn phục dựng nhà rường Huế nhằm nghiên cứu tìm hiểu công nghệ cổ truyền dựng nhà truyền thống của khu vực Huế và biến các nhà rường được phục dựng thành bảo tàng dân gian khu vực Huế…
Ngoài ra các dự án khác sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh công tác trùng tu, tôn tạo: Cung Trường Sanh và cơ sở hạ tầng lăng Gia Long. Tiến hành trùng tu, phục hồi các công trình mới: hệ thống hành lang Tử Cấm Thành, Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương, lầu Tứ phương vô sự, Cơ mật Viện, hồ Tịnh Tâm; Một số công trình trọng yếu tại các khu vực di tích: lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, điện Long An (Bảo tàng CVCĐ Huế), mặt Nam Thượng thành và các cửa còn lại của Kinh Thành. Tiếp tục triển khai đăng ký nguồn ODA không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản cho dự án phục nguyên Điện Cần Chánh và Đại Cung môn trong giai đoạn 2012 – 2015.
Trong giai đoạn tới (208 – 2010) Trung tâm sẽ tập trung kinh phí trên 500 tỷ đồng để thực hiện tốt các chương trình về trùng tu, bảo tồn di tích theo dự án đã được phê duyệt.
Trung tâm đang triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn và Phát huy di sản Nhã nhạc – Nhạc cung đình Việt Nam d-ới sự bảo trợ của UNESCO, Cục Di sản Văn hóa và UBQG UNESCO Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2008. Đây là dự án đầu tiên về văn hoá phi vật thể do Quỹ ủy thác Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO cho Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế mang lại ý nghĩa rất sâu sắc cả về khía cạnh văn hoá, cả về mặt khoa học và cả về hiệu quả xã hội. Hiệu quả của dự án đem lại là rất lớn : Tạo ra những kỹ năng và phương pháp nghiên cứu bảo tồn và phát huy Nhã nhạc với việc đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nghiên cứu; tạo cơ sở khoa học phục hồi chỉnh lý các tác phẩm có giá trị thông qua các đợt phỏng vấn nghệ nhân, nghiên cứu điền dã và tư liệu hóa; Lập danh sách các nghệ nhân và người am hiểu về bí kíp Nhã nhạc; Chọn lựa, đào tạo đội ngũ nhạc công đảm bảo cho một chiến lược lâu dài thông qua chương trình đào tạo hai năm cho 20 nhạc công trẻ; Tạo nên những sản phẩm văn hoá độc đáo, góp phần nâng cao hưởng thụ văn hoá của công chúng.
Với việc bảo tồn tôn tạo đi đôi với việc phục hồi chức năng tái sử dụng thích nghi để phát huy giá trị di tích đã làm di tích cố đô Huế dần dần được hồi sinh không chỉ về hình thức mà cả về nội dung. Người dân Huế và du khách giờ đây không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan di tích mà còn được thưởng thức những hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tham gia các lễ hội truyền thống và xem những triển lãm trưng bày về kết quả nghiên cứu lịch sử để hiểu biết và nhận thức sâu sắc hơn giá trị của di sản. Chính các loại hình này đã thực sự truyền cho di tích có thêm sức sống mạnh mẽ hơn.
Điểm nhấn quan trọng của các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di tích cố đô nêu trên và tôn vinh ở mức độ cao hơn giá trị di sản văn hóa Huế chính là Festival Văn hóa Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Nhã nhạc, tuồng và múa Cung đình) và tái dựng những lễ hội hoạt động văn hóa truyền thống và cung đình đặc trưng của Huế (Lễ tế Nam Giao, Lễ Truyền Lô, Đêm Hoàng Cung) ngay tại không gian của những công trình, những cụm di tích đã được bảo tồn trùng tu, góp phần làm tái hiện lại vẻ đẹp đặc trưng của di sản văn hóa Cố đô. Những hoạt động văn hóa như vậy đã thực sự thu hút sự quan tâm và tham gia của công chúng cũng như du khách trong và ngoài nước .
Kết luận
Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống động, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
Bảo tồn tổng thể và toàn vẹn Di sản văn hoá Cố đô Huế là bảo tồn một bộ phận quan trọng của tài sản văn hoá của dân tộc, đồng thời góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hoá nhân loại. Vì vậy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời còn phải tuân thủ một cách tự giác các công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hoá nhân loại mà Chính phủ ta đã công nhận.
Với việc quan tâm đúng đắn đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị riêng rẽ và mối quan hệ tổng hòa giữa di sản vật chất và di sản tinh thần cùng với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên của môi trường sinh thái như hiện nay trong sự phát triển kinh tế-xã hội và đặc biệt là nâng cao giá trị du lịch văn hóa một tầm cao mới, Di sản cố đô Huế đã, đang và sẽ tiếp tục có được một sức sống mới, một sự phát triển bền vững, có một sự cuốn hút và quan tâm đặc biệt của cộng đồng địa phương và quốc tế.
Download file (PDF): Bảo tồn bền vững, phát triển vững chắc cho di sản văn hóa thế giới Huế (Tác giả: Kiến trúc sư Phùng Phu) |