Trường hương Gia Định – dấu ấn sâu đậm trong giáo dục của triều Nguyễn ở đất Phương Nam

Tác giả bài viết: NGUYỄN KHẮC THUẦN
(Trưởng Khoa Việt Nam học – Đại học Bình Dương)

     Hiếu học là một trong những truyền thống chung, vốn có từ rất lâu đời của người Việt nhưng những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp này ở mỗi thời và mỗi nơi bao giờ cũng hàm chứa những sắc thái riêng rất rõ rệt. Thực tiễn sinh động của nền giáo dục Nho học ở đất Gia Định xưa cũng đủ để chứng tỏ điều này.

     Nho giáo vốn đã theo chân các Nho sĩ đến với lực lượng người Việt ở đất Gia Định từ rất sớm, nhưng, có một thời khá lâu dài, người Việt ở đất Gia Định học Nho giáo để biết phép đối nhân xử thế, học làm người chứ không phải học làm quan. Và, chính mục đích học tập ấy đã khiến cho nội dung học tập cũng khác hẳn. Bấy giờ, lối học cử nghiệp chẳng được ai theo. Cũng bấy giờ, không phải chỉ kinh điển của Nho giáo mà bất cứ sách vở nào có thể khai thác để ứng dụng vào việc xây dựng và củng cố nền gia giáo đều được dân Gia Định xưa nồng nhiệt tiếp nhận. Gia Định là quê hương của không ít nhân tài, khiến cho cả những bậc đại túc Nho nổi tiếng khắt khe nhất như Bảng Nhãn Lê Quý Đôn (1726 – 1784) cũng phải khen ngợi1. Nhưng, không một nhân tài nào của Gia Định trước thế kỷ XIX lại xuất thân từ khoa bảng cả. Phải đợi đến đầu thế kỷ XIX, hơn một chục năm sau khi nhà Nguyễn được dựng lên, Gia Định mới bắt đầu chịu sự tác động để rồi nhanh chóng hội nhập vào chế độ giáo dục và thi cử Nho học chung của cả nước. Sự kiện lớn có ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt quan trọng này chính là sự ra đời và hoạt động của trường Hương Gia Định – một trong những trường thi Hương quan trọng nhất của nước nhà. Chính sử nhà Nguyễn cho hay, mãi đến năm Đinh Mão (1807), tức là năm năm sau khi lên ngôi, Gia Long mới xuống chiếu cho phép mở khoa thi Hương đầu tiên của triều đại mình. Nhưng, ở khoa thi Hương đầu tiên này, trong thực tế, chỉ có sĩ tử ở khu vực lãnh thổ xứ Đàng Ngoài cũ dự thi2. Thêm sáu năm sau nữa, tức là vào năm Quý Dậu (1813), sĩ tử ở khu vực xứ Đàng Trong cũ mới bắt đầu dự thi. Năm này, có hai trường thi Hương mới được thành lập, đó là trường Quảng Đức và trường Gia Định. Trường Quảng Đức kể từ năm Kỷ Mão (1819) thì đổi gọi là trường Trực Lệ và đến năm Ất Dậu (1825) lại đổi gọi là trường Thừa Thiên. Đây là một trong những trường lớn, quy tụ sĩ tử của rất nhiều địa phương, trong đó có không ít sĩ tử của đất Gia Định1. Cũng như trường Quảng Đức, trường Gia Định ra đời trên cơ sở tờ chiếu chỉ của Gia Long ban bố vào tháng 5 năm Nhâm Thân (1812), và chính thức hoạt động từ tháng 7 năm Quý Dậu (1813). Sĩ tử các địa phương Bình Thuận2, Biên Hòa3, Phiên An4, Định Tường5, Vĩnh Thanh6 và Hà Tiên7 cùng dự thi ở trường này8.

Theo ghi chép của Cao Xuân Dục9 thì trong khoa thi đầu tiên này của trường Hương Gia Định, quan Hữu Tham Tri Lễ Bộ là Lê Quýnh làm Đề Diệu, quan Cai Bạ Ngô Lương Uyển làm Giám Thí, quan Hàn Lâm Viện Khoan Hòa Bá10 làm giám Khảo. Địa điểm của trường thi Hương Gia Định xưa, tuy trước sau có xê dịch chút ít nhưng đại để là tương ứng với khu vực khuôn viên Nhà Văn Hóa Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Từ năm 1813 đến năm 1864, trường Gia Định đã tổ chức được tất cả 20 khoa thi, lấy đỗ tổng cộng 269 người. Cụ thể như sau:

Thứ tựNăm tổ chức thiSố người đỗThứ tựNăm tổ chức thiSố người
đỗ
0118130811184216
0218191212184315
0318211613184618
0418251514184720
0518281615184820
0618311016184917
0718350917185213
0818371118185513
0918400619185809
1018411520186410

     Trong 20 khoa thi nói trên, khoa cuối cùng (1864) được tổ chức tại An Giang1 bởi vì năm 1859, thực dân Pháp bắt đầu tấn công vào Gia Định và từ năm 1862 thì ba tỉnh miền Đông (gồm Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) của Nam kỳ Lục Tỉnh đã bị thực dân Pháp chiếm. Như vậy, trường Hương Gia Định chỉ hoạt động từ giữa thời Gia Long đến đầu đời Tự Đức. Chiết tính như sau :

Thứ tựĐời Hoàng Đế trị vìSố khoa thiSố người đỗ đạt
01Gia Long0220
02Minh Mạng0783
03Thiệu Trị0584
04Tự Đức0682
Tổng cộng20269

     Tất nhiên, số đỗ đạt ở đây chỉ mới tính Hương Cống (cũng tức là Hương Tiến, Hiếu Liêm hay Cống Sĩ – học vị này từ năm 1829 thì đổi là Cử Nhân), chưa kể những người đỗ Sinh Đồ (học vị này từ năm 1829 thì đổi là Tú Tài). Và cũng tất nhiên, số đỗ đạt này chỉ mới là của riêng trường Gia Định, chưa kể những người vốn sinh trưởng và học tập chủ yếu ở đất Gia Định nhưng lại xin dự thi ở những trường Hương khác như Bình Định hay Thừa Thiên.

     Nửa thế kỷ, tổ chức 20 khoa thi, lấy 269 người đỗ, đó quả thật là những con số rất đáng kể. Và, chính những con số rất đáng kể này tự nó đã nói lên rằng: người Gia Định xưa, những người là con em của các thế hệ vốn dĩ chỉ muốn học để cho biết, khi cần, họ vẫn đủ sức học để thử tài với sĩ tử trong khắp thiên hạ bốn phương.

     Trong số 269 người đỗ Cử Nhân nói trên có 20 thủ khoa và 20 á khoa, được người đương thời ngưỡng mộ và được sử sách trân trọng ghi tên. Xin được liệt kê danh sách 20 thủ khoa (TK) và 20 á khoa (AK).

     Trong số 20 thủ khoa và 20 á khoa của trường Gia Định như đã thống kê ở trên, có năm người về sau rất nổi tiếng. Đó là Trương Hảo Hiệp2 – người có công chuẩn bị đắc lực nhất cho sự ra đời của Bạch Mai thi xã – một thi xã lớn và có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với văn mạch phương Nam, được thành lập vào giữa thế kỷ XIX. Đó là Phan Thanh Giản1 – vị có công khai sáng mạch đại khoa Nho học đầu tiên cho vùng Gia Định. Đó là Bùi Hữu Nghĩa2 – một trong những con rồng vàng3 của Lục Tỉnh. Đó là Nguyễn Thông4 và Nguyễn Hữu Huân5, những trí thức Nho học giàu lòng yêu nước và sục sôi ý chí chong thực dân Pháp xâm lăng, những người quả cảm cầm lấy vũ khí và chiến đấu ngoan cường cho độc lập dân tộc.

     Có người tuy không là thủ khoa hay á khoa nhưng lại có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với xã hội. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta cũng có thể nói rằng họ chính là những người phát ngôn của phong trào yêu nước và chống pháp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh trong nửa sau của thế kỷ XIX. Tiếng nói và ngòi bút của họ thực sự là vũ khí cực kỳ lợi hại. Chúng ta có thể kể đến những tên tuổi lừng lẫy nh- Huỳnh Mẫn Đạt6 hay Phan Văn Trị7. Sau khi đỗ tại trường Gia Định, Nho sĩ Lục Tỉnh làm gì ? Lần theo ghi chép tản mạn của những trang thư tịch cổ, chúng tôi sơ bộ thống kê như sau :

     – Trước hết, hầu như ai cũng hồ hởi lai kinh ứng thí, tuy nhiên, số người có cơ may đỗ đại khoa không nhiều. Đất Gia Định xưa có tất cả năm người đỗ từ Phó bảng đến Tiến sĩ, nhưng trong số đó chỉ duy nhất có Phan Thanh Giản là đỗ Cử nhân ở trường Hương Gia Định, số còn lại đều đỗ ở trường Hương Thừa Thiên.

     – Lần lượt trước sau cao thấp tuy có khác nhau, nhưng sau khi đỗ tại trường Hương Gia Định, tuyệt đại đa số Nho sĩ Gia Định đều được bổ làm quan và họ đã tham gia vào guồng máy nhà nước của triều Nguyễn một cách rất tự nhiên và nhiều người trong số họ đã được triều đình tin cậy trao phó các chức vụ rất quan trọng. Để dễ theo dõi, chúng tôi xin lập bảng liệt kê riêng những người làm quan, từng được thăng từ hàng Thượng thư trở xuống đến hàng Tri phủ như sau:

Thứ tựChức vụ hoặc chức hàm tương đươngSố người
01Thượng Thư và tương đương04
02Thị Lang04
03Tổng Đốc04
04Tham Tri04
05Ngự Sử08
06Thiêm Sự01
07Bố Chánh14
08An Phủ Sứ02
09Án Sát19
10Tuần Phủ08
11Phủ Doãn01
12Phủ Thừa04
13Tri Phủ21
Cộng chung94

     Với thời mà ai cũng nuôi lý tưởng đi học để được làm quan thì tất nhiên, những con số thống kê người làm quan có ý nghĩa rất quan trọng. Lúc bấy giờ, Nho sĩ Gia Định có tới 94 người giữ các chức vụ lớn trong tổng số 269 người đỗ đạt, đó thực sự là một tỷ lệ rất cao và chính tỷ lệ rất cao ấy tự nó đã góp phần khẳng định năng lực chấp chính của đội ngũ Nho sĩ Nam Kỳ Lục Tỉnh.

     – Số người còn lại được trao các chức vụ như Biện lý, Hộ đốc, Tri huyện, Huấn đạo, Giáo thụ… Và ngoài ra, tuy không nhiều nhưng trong thực tế cũng có những người không chịu làm quan. Tên tuổi đại diện cho số này, được đời biết đến nhiều nhất chính là Phan Văn Trị.

     – Cũng trong số còn lại, cá biệt cũng có người tham gia hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực kinh tế mà độc đáo hơn cả có lẽ là Thủ Khoa Nguyễn Tánh Thiện1 . Ông là chuyên gia về đúc tiền.

     – Sau khoa thi năm Giáp Tý (1864) tổ chức tại An Giang, trường Gia Định đóng cửa và đó là trường thi Hương chấm dứt hoạt động sớm nhất ở nước ta. Từ đây, chế độ giáo dục và thi cử Nho học tàn lụi ngày một nhanh và thay vào đó là nền giáo dục và thi cử tân học được truyền bá từ Pháp tới. Bạch Mai thi xã – thi xã chủ yếu là của những người đỗ đạt ở trường Hương Gia Định – vừa mới hình thành cũng cùng chung số phận. Những cây bút chủ lực của Bạch Mai thi xã đã hiên ngang đứng về phía phong trào yêu nước và chống Pháp, họ đã mau chóng biến văn học thành một mặt trận, góp phần đắc lực vào sự nghiệp cứu nước đương thời.

     Trên bầu trời xa xăm, có những vì sao thực sự đã mất từ lâu nhưng ánh sáng của nó thì vẫn còn lấp lánh mãi đến tận ngày hôm nay. Lịch sử văn hóa dân tộc cũng vậy. Đã hơn 130 năm trôi qua nếu kể từ khoa thi cuối cùng, nhưng dư âm tốt đẹp của trường Gia Định thì chừng như vẫn còn nguyên vẹn đó thôi. Đó chính là dấu ấn sâu đậm của nhà Nguyễn trong giáo dục ở đất Phương Nam.

___________
1 Xin vui lòng tham khảo thêm: Lê Quý Đông tuyển tập, tập 2 và tập 3 (Phủ biên tạp lục) cùng tập 4 và tập 5 (Kiến văn tiểu lục). Bản dịch, hiệu đính và chú giải của Nguyễn Khắc Thuần. Nxb. Giáo Dục. 2007, 2008.

2 Quốc Sử Quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục (Chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XIV).

1 Ví dụ như Phó Bảng Đinh Văn Minh, Tiến Sĩ Phan Hiển Đạo, Tiến Sĩ Nguyễn Chánh Phó Bảng Nguyễn Trọng Tĩnh trước đó đều dự thi Hương và đỗ đạt ở đây.

2 Bình Thuận ở đây là tên của một dinh cũ. Dinh này nay đại để tương ứng với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và một phần của Lâm Đồng.

3 Biên Hòa ở đây là tên của một trong năm dinh thuộc Gia Định xưa. Dinh này nay đại để tương ứng với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước.

4 Phiên An hay Phan An ở đây là tên của một trong năm dinh thuộc Gia Định xưa. Dinh này nay đại để tương ứng với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và một phần của Long An.

5 Định Tường ở đây là tên của một trong năm dinh thuộc Gia Định xưa.Dinh này nay đại để tương ứng với các tỉnh Tiền Giang, một phần của Long An và Đồng Tháp.

6 Vĩnh Thanh ở đây là tên của một trong năm dinh thuộc Gia Định xưa. Dinh này nay đại để tương ứng với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và An Giang.

7 Hà Tiên ở đây là tên của một trong năm dinh thuộc Gia Định xưa. Dinh này nay đại để tương ứng với các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

8 Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Chính biên – Đệ nhất kỷ – Quyển 47).

9 Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục (Quyển 4).

10 Hiện nay chúng tôi vẫn chưa rõ họ và tên của nhân vật này.

1 An Giang trước đó vốn chủ yếu thuộc dinh Vĩnh Thanh, từ năm 1831, triều đình Minh Mạng lập ra đơn vị tỉnh thì An Giang là một trong sáu tỉnh của Nam Kỳ. Tỉnh An Giang xưa, nay đại để tương ứng với đất đai của các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và An Giang.

2 Trương Hảo Hiệp người làng Tân Khánh, huyện Tân Long (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

1 An Giang trước đó vốn chủ yếu thuộc dinh Vĩnh Thanh, từ năm 1831, triều đình Minh Mạng lập ra đơn vị tỉnh thì An Giang là một trong sáu tỉnh của Nam Kỳ. Tỉnh An Giang x-a, nay đại để tương ứng với đất đai của các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và An Giang.

2 Trương Hảo Hiệp người làng Tân Khánh, huyện Tân Long (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

1 Phan Thanh Giản người làng An Thạnh, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), đỗ Cử Nhân năm 1825, đỗ Tiến Sĩ năm 1826. Ông là một trong những đại thần của nhà Nguyễn.

2 Bùi Hữu Nghĩa (tức Thủ Khoa Nghĩa) người làng Bình Thủy,huyện Vĩnh Định (nay thuộc thành phố Cần Thơ), đỗ Cứ Nhân năm 1835.

3 Ca dao Gia Định có hai câu hàm ý khẳng định điều này :

Đồng Nai có cặp rồng vàng,
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan tuẫn thần.
Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

4 Nguyễn Thông (cũng tức là Nguyễn Thới Thông) người làng Bình Thanh, huyện Tân Thạnh (nay thuộc địa phận tỉnh Long An).

5 Nguyễn Hữu Huân (tức Thủ Khoa Huân) người làng Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

6 Huỳnh Mẫn Đạt người làng Tân Hội, huyện Tân Long (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) nhưng sau chuyển đến định cư tại Kiên Giang. Ông đỗ Cử Nhân khoa Tân Mão (1831).

7 Phan Văn Trị người làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An (nay thuộc tỉnh Bến Tre), Ông đỗ Cử Nhân khoa Kỷ Dậu (1849). Về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật này, xin vui lòng tham khảo Nguyễn Khắc Thuần – Nguyễn Quảng Tuân PHAN VĂN TRỊ – Cuộc Đời Và Tác Phẩm. Nxb. Tp.HCM. 1985. Sách đã được tái bản nhiều lần.

1 Nguyễn Tánh Thiện người làng Đồng Sơn, huyện Tân Hòa (nay thuộc tỉnh Long An). Ông đỗ Thủ Khoa trong khoa thi năm 1855.

Download file (PDF): Trường hương Gia Định – dấu ấn sâu đậm trong giáo dục của triều Nguyễn ở đất Phương Nam (Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần)