BẢO TỒN và PHÁT HUY ĐỜN CA TÀI TỬ trong định hướng PHÁT TRIỂN KINH TẾ _ XÃ HỘI

HUỲNH CÔNG TÍN
(TS, Trường Đại học KHXH &NV – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

1.

     UNESCO đã ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón nhận bằng đã diễn ra tối ngày 11/02/2014 tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Phát biểu trong buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Với tất cả tình cảm và trách nhiệm, chúng ta hãy ra sức bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo”. Bên cạnh niềm tự hào của người Việt Nam, người Nam Bộ nói riêng, thì nỗi lo là chúng ta sẽ bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống này “với tất cả tình cảm và trách nhiệm” như thế nào? Đó vẫn là câu hỏi khó làm đau đầu nhà quản lí, giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật ca cổ Nam Bộ. Tham luận này trình bày một số khó khăn hiện nay của hoạt động Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và một số đề nghị cá nhân cho việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, ít ra là trong công chúng Nam Bộ và không gian của vùng đất phương Nam.

2.

     Không thể bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử thuần tuý chỉ dựa trên niềm tự hào quá khứ. Cần phải thấy hết những khó khăn trong việc duy trì và đặc biệt là việc nhân rộng hoạt động Đờn ca tài tử trong tình hình hiện nay.

     2.1. Nhìn chung, “chơi nhạc tài tử” chưa có chiến lược truyền nghề (chỗ in đậm là để nhấn mạnh) rộng rãi, nên lượng người tham gia thực chất không lớn và cũng không đủ chuyên môn để thưởng thức, tham gia sâu vào hoạt động nghệ thuật. Xét về những trường lớp đào tạo chính quy loại hình nghệ thuật đất phương Nam, ngoài trường nghệ thuật sân khấu và các trường văn hoá – nghệ thuật các địa phương, mã ngành đào tạo này không thu hút được bao nhiêu thí sinh. Vả chăng, nếu có thì chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành nghệ thuật âm nhạc cũng không phải là lớn. Đơn cử, chỉ tiêu tuyển sinh năm học vừa qua 2012 – 2013(1) ở một học viện lớn như Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tổng thể chỉ là 150 chỉ tiêu cho hệ chính quy và 50 cho hệ vừa học vừa làm, thì số lượng đăng kí theo học ngành âm nhạc truyền thống sẽ rất ít hoặc không có. Hay như thông tin của Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh, TP Hồ Chí Minh thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 cũng chỉ 155 học viên(2), còn Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, cũng chỉ dừng lại ở mức 150 cho hệ đại học chính quy 4 năm và 120 cho hệ trung cấp 4, 6, 7 hay 9 năm(3). Mặt khác, các trường Cao đẳng, Trung cấp văn hoá, số lượng theo học ngành âm nhạc cổ truyền cũng không có là bao. Đơn cử trường Trung cấp Văn hoá – Nghệ thuật Cần Thơ, năm 2013 thông báo tuyển sinh, ngành biểu diễn cải lương với chỉ tiêu chính quy là 10 và vừa học vừa làm là 15, biểu diễn nhạc cụ truyền thống với chỉ tiêu chính quy là 5(4). Có thể nói, con số theo học ngành âm nhạc truyền thống là không đáng kể.

     Vậy những người tham gia chơi nhạc tài tử họ học từ đâu? Câu trả lời, đơn giản là họ “khoái” thì theo “học lóm” từ bạn bè (học một cách gián tiếp những điều nghe, thấy rồi làm theo, chớ không có người trực tiếp chỉ bảo), hoặc học theo kiểu cha truyền con nối. Và thực chất thì khả năng chuyên môn họ như thế nào? Chúng tôi đã tiếp xúc với một địa phương có câu lạc bộ đờn ca tài tử được đánh giá là có hạng ở địa phương quận Cái Răng, như phường Thường Thạnh, thì được biết các câu lạc bộ này xét về mặt chất lượng là không có. Tính chung địa phương có khoảng 7 câu lạc bộ trên danh nghĩa, nhưng xét về mặt chất lượng, hội đủ lực lượng bao gồm: sáng tác (soạn giả), thầy đờn, tài tử ca thì gom lại thành 1 câu lạc bộ cũng không được. Và nói chung, hoạt động để truyền bá cho thế hệ sau thì bằng không: không có người dạy và có mở dạy thì cũng không có người học (5). Còn vấn đề dạy và học, ý kiến của ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin tỉnh Tiền Giang, một trong những tỉnh ở ĐBSCL có phong trào Đờn ca tài tử mạnh như sau: “Cách đây khoảng 5 năm, khi nghệ nhân Minh Tô còn sống thì Trung tâm có phối hợp với nghệ nhân Minh Tô mở các lớp đờn ca tài tử tại trung tâm. Dù lớp ít học viên, nhưng vì lòng đam mê nghề nên nghệ nhân Minh Tô vẫn duy trì lớp đều đặn. Sau khi nghệ nhân Minh Tô mất, Trung tâm có phối hợp với các nghệ nhân khác mở lớp, nhưng không duy trì được do học viên ít, nghệ nhân không muốn dạy vì nguồn thu không đảm bảo.” (6)

     2.2. Nặng tính bao cấp và hội diễn phong trào nên hoạt động không diễn ra trên diện rộng và thường xuyên. Thường những người chơi nhạc tài tử gom lại chơi theo kiểu “khoái mà chơi”; nhưng đa phần, đời sống của họ quá khó khăn nên phần lớn thời gian họ phải lo chuyện mưu sinh. Đôi khi có hội diễn, một năm đôi lần, họ gom lại tập dượt với khoản tiền thù lao ít ỏi mà chính quyền địa phương cấp phát cho họ, quả không đủ để họ ăn uống, nói chi đến thù lao nghề nghiệp. Mặt khác, các câu lạc bộ hoạt động theo kiểu “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nông), thì làm sao phát huy và nâng cao tính chuyên nghiệp cho được, dù là nhạc tài tử. Nói chung, hoạt động hoà tấu trong câu lạc bộ không diễn ra thường xuyên và cũng không được thử thách thi diễn trên diện rộng thì khả năng nâng cao lí luận, nghiệp vụ cho các câu lạc bộ là không thể. Ngay cả việc duy trì sự ăn ý thường xuyên trong ca đờn cũng đã khó, nói chi đến sự phát triển, vươn lên. Ý kiến của nghệ nhân Lê Hoàng Chương tự Hồ Hải, một nghệ nhân đa năng: chuyên sáng tác, giỏi đờn, thạo ca, cho rằng: “Hiện nay, hầu hết các câu lạc bộ ít người biết sáng tác, nhất là những sáng tác hay có tính nghệ thuật, đậm chất văn chương; còn thầy đờn “nghe được” thì mải lo chạy đi làm ăn, kiếm “sô” (show). Đôi khi tập hợp lại, họ “ca bậy, ca bạ” một chút cho có, rồi chán nản nên kéo nhau đi nhậu…”(7)

    Sở dĩ có tình trạng trên là do các câu lạc bộ Đờn ca tài tử hiện nay không có kinh phí đủ cho hoạt động để có quy định ràng buộc trong tập luyện. Được biết hiện nay, các địa phương không có ngân sách hỗ trợ, hoặc nếu có hỗ trợ, ngành chức năng cũng chỉ chi cho các câu lạc bộ khoảng 5 trăm ngàn đồng/tháng như địa phương huyện Tân Phước (Tiền Giang). Về việc này, nghệ nhân Phan Thị Kim Phương, xã Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết: “Mấy năm trước, xã chỉ hỗ trợ cho câu lạc bộ 100.000 đồng/tháng, thậm chí lúc không có kinh phí, lãnh đạo xã còn “động viên” câu lạc bộ chỉ sinh hoạt 3 tháng/lần”. Hay như ý kiến của nghệ nhân Cao Văn Cừ, xã Phú Mĩ, huyện Phú Tân (An Giang): “Hàng tháng xã hỗ trợ cho câu lạc bộ 5 trăm ngàn đồng. Số tiền ấy chủ yếu để tổ chức ăn uống sau khi biểu diễn, còn các khoản xăng xe, trang phục, hoá trang,… thì các tài tử đều phải tự trang bị”.(8)

     2.3. Hoạt động đờn ca tài tử hiện nay không phát huy được hiệu quả kinh tế để kích thích phong trào chuyên nghiệp lẫn bán chuyên nghiệp phát triển. Nhìn chung, hoạt động nghệ thuật không có sàn diễn để thường xuyên rèn luyện chuyên môn và có kinh phí tự nuôi sống mình mà chỉ để phục vụ cho sự vui chơi hoặc chờ lúc hội diễn thì khó có cơ hội duy trì sự liên kết bền vững, cùng sự thăng tiến trong nghệ thuật. Cái khó này, theo giới chuyên môn, nó xuất phát từ 2 nguyên nhân: một là, bản thân các câu lạc bộ chưa có được các bài bản diễn hay, đủ để thu hút lượng công chúng tối thiểu đến nghe họ biểu diễn, hoặc khá hơn vui lòng chi một ít tiền để góp phần trả thù lao cho người biểu diễn; hai là, các ngành chức năng có liên quan cũng chưa có phương cách giúp họ có sân chơi để phô diễn tài năng thường xuyên và có được thu nhập ổn định, dù là ở mức tối thiểu, để họ yên tâm mà theo đuổi hoạt động nghệ thuật. Nghệ nhân ghi ta phím lõm Tam Bền, Đặng Văn Bền, có vẻ thất vọng khi nói về hoạt động của các câu lạc bộ Đờn ca tài tử địa phương. Anh cho rằng, hoạt động đờn ca tài tử không có hướng đi, không có thực lực và cũng chẳng có mấy lãnh đạo chính quyền địa phương, giới chuyên gia văn hoá quan tâm tìm hướng đi, tạo thực lực tiếp họ.

     Tại trung tâm thành phố Cần Thơ hiện nay, thật tình cũng không có một tụ điểm biểu diễn Đờn ca tài tử thường xuyên để giới thiệu bạn bè, du khách, nếu họ muốn đến nghe, dù phải trả tiền. Điểm lại, ngoài nhà hàng nổi Ninh Kiều trên sông Cần Thơ, hằng đêm có biểu diễn cả nhạc tân lẫn nhạc cổ, chủ yếu là ca cổ. Còn ở Trung tâm văn hoá thành phố Cần Thơ, định kì 1-2 tháng mới có biểu diễn Đờn ca tài tử của câu lạc bộ Tri Âm, Tây Đô hoặc một câu lạc bộ nào đó được mời; nhưng thường các buổi biểu diễn này mang tính chất phục vụ phong trào (miễn phí là chính) và không “thường nhật” nên số lượng công chúng không đông, quá ít ỏi, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Lẽ ra, hoạt động Đờn ca tài tử ở ĐBSCL phải có tính “thương hiệu” như hoạt động “ca Huế trên sông Hương” mà bất cứ ai đến Huế, dù đến một lần hay nhiều lần cũng mong muốn được thưởng thức mỗi khi có dịp ra Huế.

     2.4. Chưa dung hoà được chất bình dân và tính bác học trong đờn ca tài tử nên không thu hút được công chúng ham thích rộng rãi. Như chúng ta biết, nhạc tài tử vốn xuất phát từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình có tính bác học; nhưng trong quá trình Nam tiến, loại nhạc này đã được bình dân hoá, nhằm phục vụ cho người bình dân, cho người dân Nam Bộ hát ca khuây khoả, sau những giờ lao động. Trên đại thể có 20 bài bản Tổ, gồm: tứ Oán, bảy Hạ, ba Nam, sáu Bắc. Cụ thể, Oán có các bài: Tứ Đại, Giang Nam cửu khúc, Phụng Cầu, Phụng Hoàng Lai Nghi (4); Hạ có các bài: Ngũ Đối hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Tiểu Khúc, Vạn Giá, Xàng Xê, Ngũ Đối thượng (7); Nam có các bài: Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ cung (3); Bắc có các bài: Lưu Thuỷ, Phú Lục, Bình Bản Chấn, Xuân Tình, Tây Thi, Cổ Bản (6). Riêng Oán còn có các bài phụ, như: Văn Thiên Tường, Bình Sa Lạc Nhạn, Chinh Phụ, Trường Tương Tư. Trên đại thể là như vậy, nhưng trong thực tế chơi hay biểu diễn, không có câu lạc bộ nào “xài” hết 20 bài bản Tổ, thậm chí trong một bài, có khi họ bỏ bớt lớp này, lướt qua lớp nọ, với lí do quá dài, hoặc trùng lắp, hay trong chủ quan người chơi cho rằng không hay, hoặc cũng không chơi nổi. Về phía khán giả, họ cũng không hiểu nhiều về nhạc tài tử, nhầm lẫn ca cổ với nhạc tài tử nên nếu có biểu diễn hết, khán giả lại nhàm chán, không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe cho hết các câu, các lớp.

     Mặt khác, hiện cũng đang tồn tại “mâu thuẫn” trong thi diễn Đờn ca tài tử. Có nghệ nhân câu lạc bộ cho rằng, nếu diễn đúng bài bản, ban giám khảo khen, chấm điểm cao, nhưng khán giả thì chê, bỏ về không muốn xem; còn trình bày có “cải biên, sáng tạo” thì ban giám khảo nhận định sai, không đúng bài bản, chấm thấp; nhưng công chúng thì “mê mẩn”. Vậy, vấn đề này giải quyết ra sao, nếu có. Đờn ca tài tử đã đi vào cuộc sống của người Nam Bộ, dù có người không học nhiều ở nhà trường, nhưng hiểu biết của họ về đờn ca tài tử không hẳn là kém. Vì thế, không thể xem thường khả năng thưởng thức của công chúng, trong âm nhạc lại là sở thích số đông. Trao đổi vấn đề này, nhiều nghệ nhân cho rằng: “Cái chính là chưa có một quy chuẩn khoa học nào làm cơ sở thống nhất giữa giới khoa học chuyên môn nói chung, ban giám khảo nói riêng, với giới nghệ sĩ, nhân dân trực tiếp chơi nhạc tài tử. Mặt khác, một vài câu lạc bộ chơi các bài oán phụ, như Văn Thiên Tường, Bình Sa lạc Nhạn, Trường Tương Tư,… thì ban tổ chức lại không chấm; vì cho rằng, Viện Âm nhạc chưa chứng nhận.”(9). Lại có vấn đề, do có tính chất “du dương, lãng mạn” nên không công nhận thì liệu có đúng?

    Có thể còn những khó khăn khác nữa, nhưng trong khuôn khổ tham luận chỉ xin điểm qua một số nội dung cơ bản trên.

3.

     Về giải pháp, ai cũng muốn là cần có một kế hoạch tổng hợp cho việc phát triển bền vững hoạt động câu lạc bộ Đờn ca tài tử, vì không thể bảo tồn như kiểu lưu giữ hiện vật trong viện bảo tàng, mà phải bảo tồn trên cơ sở phát huy, phát triển. Từ những nội dung, bất cập vừa nêu, xin trình bày một số giải pháp phối hợp như sau:

     3.1. Cần có chương trình bồi dưỡng nhân lực thường xuyên, ngắn hạn đôi ba buổi, dài hạn nhiều tháng, cả năm. Trước hết, để nâng cao nhận thức công chúng trong thưởng thức; sau là để đào tạo đội ngũ, nhất là đội ngũ soạn giả, thầy đờn. Đây là yếu tố quyết định cho hoạt động Đờn ca tài tử lớn mạnh. Đào tạo 2 đội ngũ này phải dài hơi.

     Về soạn giả, các trường đại học phía Nam nên thêm vào chương trình đào tạo ngành Ngữ văn, Văn hoá, Viết văn, học phần bắt buộc nếu được, còn không cũng tự chọn để giúp đội ngũ sáng tác có nền tảng khoa học văn chương, ngôn ngữ, văn hoá, khoa học xã hội và nhân văn nói chung, biết sáng tác bài bản ca cổ. Mặt khác, có những lớp bồi dưỡng đội ngũ đang sáng tác hiểu biết thêm về khoa học văn chương, ngôn ngữ, văn hoá để nâng cao nghệ thuật ca từ, thẩm mĩ văn chương, tri thức văn hoá, lịch sử cho sáng tác phẩm.

     Về thầy đờn, đào tạo họ biết chơi từ một đến nhiều nhạc cụ cổ truyền, vững lí thuyết âm nhạc, thạo ngón đờn. Các trường âm nhạc, văn hoá, nghệ thuật, có thể xin mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh và linh hoạt trong việc mời giảng viên đờn. Đòi hỏi thầy đờn có bằng tiến sĩ, học hàm giáo sư thì e là khó. Mặt khác, cần tận dụng thầy đờn để mở lớp ở địa phương, vì dạy đờn thì khó hơn luyện ca: “học ca ba tháng thì học đờn ít ra phải ba năm”. Trừ những lớp đào tạo, các lớp bồi dưỡng tất nhiên không nên mở quá dài, mà có thời hạn tương đối 3 hoặc 6 tháng. Kinh phí cho việc mở lớp, bước đầu địa phương, ban ngành chức năng nên chi hỗ trợ để đảm bảo thù lao người dạy. Còn tuỳ điều kiện, tuỳ nơi, tuỳ cấp học mà thu học phí người học thích hợp. Về thầy đờn của địa phương, cũng cần mở lớp nâng cao và mời chuyên gia giỏi hỗ trợ họ thêm kĩ năng chơi đờn, lí luận âm nhạc.

     Về tài tử ca, người học chỉ cần vài tháng là có thể ca được cơ bản, rồi dần học nâng cao thêm. Tất nhiên ca vọng cổ thì dễ và cũng được nhiều người ham thích, lại có thể dễ “kiếm tiền” hơn ca các bài bản Tổ của nhạc tài tử, nên nhiều người không muốn học ca tài tử. Phát biểu về ca tài tử, hai nghệ sĩ Trường Út(10) và Võ Thị Kim Xuyến(11), cùng cho biết: “Người học ca những bài bản tài tử, đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức hơn học ca cổ mà cũng không dễ có đất diễn. Bởi đó, có người chỉ học ca được vài câu ca cổ, có thể đi ca cho các quán ca cổ và kiếm tiền được.” Những trường hợp có ngoại hình, chất giọng tốt thì giúp họ có thêm “nghề phụ” là ca hát nhạc cổ, tài tử. Có thể mở lớp ngoại khoá, trong Trường phổ thông Trung học, nhất là ở Nam Bộ, để giúp học sinh đam mê ca hát sớm có điều kiện tiếp nhận và ca được cổ nhạc, nhạc tài tử. Đoàn Thanh niên ở các trường đại học, cao đẳng phía Nam nên tranh thủ vận động sự hỗ trợ để mở các lớp dạy ca tài tử cho học sinh, sinh viên ham thích, thay vì chỉ chú trọng mở những lớp khiêu vũ, ca tân nhạc. Nhà trường trung học, đại học hai cấp ở miền Tây, nếu được nên dành ít quỹ phúc lợi chi phí cho hoạt động này để bồi dưỡng thầy dạy mà không thu học phí của học sinh, sinh viên.

     3.2. Cần có phần hỗ trợ tối thiểu ban đầu cho các câu lạc bộ đã được chọn, thẩm định đến cấp xã, phường, từ nguồn ngân sách, hoặc mời gọi các cơ quan báo đài, công ti hỗ trợ giới thiệu, giúp chi phí hoạt động, phương tiện nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng và chút ít tiền thu lao tập luyện trước khi đưa vào hoạt động doanh thu. Thành lập một câu lạc bộ mà phương tiện đàn không đủ, âm thanh “rột rẹt” nhếch nhác; còn các nghệ nhân bỏ thời gian lao động kiếm sống, ăn cơm nhà, phương tiện riêng đi tập luyện vì phong trào thì một thời gian ngắn có thể được, chớ lâu dài sao kham nổi? Một ít kinh phí mà xã hội dành cho câu lạc bộ là không đủ, nhưng thể hiện sự quan tâm, tránh lâu dài gây cho họ một tâm lí tự ti, mặc cảm vì thấy xã hội coi thường, chính quyền không quan tâm. Thật ra, nhiều lúc chúng ta quá “hào phóng” đóng góp thường xuyên cho những sô diễn đình đám với thù lao ngất ngưởng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà quên mất việc “chăm chút” nguồn cung (những tài năng tương lai) cho hoạt động chuyên nghiệp là hoạt động cơ sở. Muốn có trái phải chăm sóc cây. Hơn nữa, phải thấy rằng, việc chăm lo cho hoạt động đờn ca tài tử là góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc, của người dân Nam Bộ; đồng thời, trực tiếp bảo tồn Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại mà UNESCO đã công nhận và cũng là gián tiếp phát huy, cổ vũ cho sự nghiệp văn hoá quần chúng.

     3.3. Địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động pháp lí giúp các câu lạc bộ đã được chọn, thẩm định để họ có đất diễn, tự kiếm thêm thu nhập phát triển nghề. Vì trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, không có nguồn ngân sách nào chu cấp nổi cho các câu lạc bộ lâu dài được. Nên đưa các câu lạc bộ vào hoạt động thường xuyên ở các khu du lịch, nhà hàng, vừa tăng lượng khách, doanh thu cho các hoạt động kinh doanh nơi này, vừa giúp các câu lạc bộ có đất diễn để kiếm thu nhập và nghệ sĩ phát triển được nghề. Các khu du lịch, nhà hàng nên có cái nhìn, như hoạt động hai bên cùng có lợi, hay ít ra là gián tiếp hỗ trợ cho sự bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử, di sản văn hoá nhân loại mà có sự hỗ trợ tạo đất diễn; đừng cho rằng mình có cơ sở, đã có thương hiệu, mà ép các câu lạc bộ phải chi trả hoặc chia sẻ tiền thuê địa điểm hoạt động. Nhìn chung, chúng ta làm du lịch mà thiếu sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động, giữa các địa phương; chỉ mải tâm lí “nhà ai nấy lo”, thậm chí còn tranh thủ “chém, chặt” lẫn nhau thì quả khó để tiến lên được.

     3.4. Đặc biệt, nên xem xét thực hiện hoạt động du lịch đờn ca tài tử trên sông nước Cần Thơ kết hợp với Đờn ca tài tử, theo kiểu du thuyền trên sông Hương như Huế đã làm. Các tỉnh ở ĐBSCL cũng đều có sông chính chia hai thành phố, kiểu như sông Cần Thơ, nên có thể áp dụng mô hình biểu diễn đờn ca tài tử trên sông. Hiện nay, các tỉnh miền Tây đều có nhiều ghe, thuyền lớn, nhỏ phục vụ đưa khách du lịch trong, ngoài nước tham quan chợ nổi, vườn trái cây, khu nghỉ dưỡng. Vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu thêm mô hình khuyến khích đầu tư, nối kết 2 ghe thuyền, để tạo “nhà diễn nổi”, lưu động cho câu lạc bộ và khách tham quan muốn nghe và xem biểu diễn nhạc tài tử trên sông nước, nhất là về đêm (ghe thuyền và nhà diễn nên thiết kế kiểu Nam Bộ, không nên mô phỏng rập khuôn kiểu thuyền rồng, sơn son thếp vàng như thuyền bè trên sông Hương, Huế). Làm được mô hình này, mô hình nhà nổi chơi đờn ca tài tử, sẽ tạo thêm “điểm nhấn” cho hoạt động du lịch ĐBSCL: sông rạch + nhà nổi + đờn ca tài tử. Lúc đầu chỉ cần vài nhà diễn, mỗi đêm có khoảng hai, ba xuất diễn vừa đáp ứng nhu cầu của du khách muốn thưởng ngoạn tính đặc thù của hoạt động nhạc tài tử trên sông nước miền Tây, lại cũng đáp ứng được nhu cầu kinh doanh du lịch ghe, thuyền và đồng thời, tạo ra thu nhập cho hoạt động Đờn ca tài tử của các câu lạc bộ. Khởi nghiệp, chưa có doanh thu nhiều và lớn, chính quyền địa phương nên hỗ trợ cho hoạt động lớn mạnh bằng cách không tính thuế, cho vay ưu đãi, tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Khi đã có thương hiệu như hoạt động ở Huế, thì áp dụng quy tắc kinh doanh như các hoạt động kinh doanh khác, hoặc có gia giảm cho tính đặc thù của hoạt động nghệ thuật thì cũng nên.

4.

     Kết luận: Chúng ta không thể bảo tồn và phát huy di sản theo kiểu bao cấp lâu dài, toàn diện từ A đến Z, vì nước ta nghèo, địa phương còn nhiều khó khăn. Nhưng cũng không thể bảo tồn và phát huy theo kiểu cứ tự hào quá khứ, đề cao danh hiệu; mà không có kế hoạch chăm lo sự phát triển đờn ca tài tử theo đà phát triển của kinh tế – xã hội. Như vậy, chúng ta chỉ có thể bảo tồn trên cơ sở phát huy. Để phát huy được thì chính quyền địa phương phải tạo điều kiện ban đầu, giúp những cái cần giúp. Để họ “tự lực” thì cần hỗ trợ họ đi vào hoạt động kinh doanh. Câu lạc bộ đờn ca tài tử có thể tháo gỡ khó khăn nếu họ có đất diễn là các khu du lịch, nhà hàng. Đặc biệt, hướng ca nhạc tài tử trên những nhà diễn nổi, kiểu nhà bè trên sông nước, theo mô hình “ca nhạc Huế trên sông Hương”, có thể là một hướng mở khả thi. Mô hình này, hi vọng không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn thu hút được du khách nước ngoài, muốn thưởng thức di sản văn hoá nhân loại tại không gian chủ thể của nó. Tách không gian sông nước Nam Bộ, Đờn ca tài tử cũng mất đi ít nhiều tính “tài tử” của nó vậy.

Chú thích:

1. http://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&ItemID=557&CatID=9&SubID=5.

2. http://trangvangdaotao.edu.vn/truong-dai-hoc-san-khau-dien-anh-TP Hồ Chí Minh.html.

3. http://www.hcmcons.vn/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=

34&Itemid=54&lang=vi.

4. http://vhntcantho.edu.vn/index.php/gioi-thieu/Co-cau-to-chuc/.

5. Ý kiến của nghệ nhân đờn sến 3 dây Minh Đức (Trần Văn Đức).

6. http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1002&cap=3&id=18754.

7. Ý kiến của nghệ nhân Lê Hoàng Chương, tự Hồ Hải.

8. http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?idcha=1002&cap=3&id=18754.

9. Ý kiến của nghệ nhân Lê Hoàng Chương, tự Hồ Hải.

10. Tài tử ca, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tây Đô, thành phố Cần Thơ.

11. Tài tử ca, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Tri âm, thành phố Cần Thơ.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Sách:

1. Hà Văn Cầu, Phong cách và thi pháp trong nghệ thuật cải lương, NXB Sân Khấu, Hà Nội, 1994.

2. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.

3. Minh Lời, Bài bản sân khấu cải lương và tài tử Nam Bộ, Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Bến Tre, 2001.

4. Nguyễn Thị Minh Ngọc – Đỗ Hương, Sân khấu cải lương ở TP Hồ Chí Minh, 100 câu hỏi đáp, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2007.

5. Đặc Nhẫn – Ngọc Thới, Nội dung tính chất bài bản cải lương, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1974.

6. Vương Hồng Sển, Hồi kí 50 năm mê hát, 50 năm cải lương, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007.

7. Sĩ Tiến, Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, NXB TP Hồ Chí Minh, 1984.

8. Huỳnh Công Tín, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012.

9. Nguyễn Lê Tuyên – Nguyễn Đức Hiệp, Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương, NXB Văn hóa Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2013.

Một số trang Web:

1. http://www.cailuongvietnam.com.

2. http://www.vnam.edu.vn.

3. http://trangvangdaotao.edu.vn.

4. http://vhnt.org.vn.

5. http://www.hcmcons.vn.

6. http://vhnthcm.edu.vn.

7. http://vhntcantho.edu.vn.

8. http://www.tiengiang.gov.vn.

9. http://www.sankhaudienanhhcm.edu.vn.