Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nhánh Katuic vùng biên giới Việt – Lào
PRESERVE AND PROMOTE CULTURAL HERITAGES OF THE
KATUIC BRANCH IN THE VIETNAM – LAOS BORDER AREA
Tác giả bài viết: TRẦN TẤN VỊNH
(Trường Đại học Quảng Nam)
TÓM TẮT
Các dân tộc thuộc nhánh ngôn ngữ Katuic (còn gọi là nhánh Cơ Tu – Bru) gồm: Ta Ôi, Cơ Tu, Bru – Vân Kiều. Họ sinh sống chủ yếu ở dọc biên giới hai nước Việt Nam – Lào. Những dân tộc này còn bảo lưu được nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, trong đó có một số di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, giá trị di sản văn hóa chung của các dân tộc này đã và đang góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, tình thân giữa các dân tộc vùng biên giới và tình hữu nghị hai nước Việt – Lào.
Từ khóa: Di sản văn hóa; Nhánh ngôn ngữ Katuic; Cơ Tu; Ta Ôi; Bru – Vân Kiều.
ABSTRACT
The ethnic groups belonging to the Katuic language branch (also known as the Co Tu – Bru branch) include: Ta Oi, Co Tu, Bru – Van Kieu. They live mainly along the border between Vietnam and Laos. These ethnic groups also preserve many unique tangible and intangible cultural heritages, some of which have been included in the national intangible cultural heritage list. Up to now, the common cultural heritages of these ethnic groups have been contributing to improving the material and spiritual life of the community, friendship between ethnic groups in the border areas and Vietnam – Laos friendship.
Keywords: Cultural heritage; Katuic language branch; Co Tu; Ta Oi; Bru – Van Kieu.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Các dân tộc thuộc nhánh Katuic ở Việt Nam (Cơ Tu; Ta Ôi; Bru – Vân Kiều) còn lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền phong phú, góp phần làm phong phú nền văn hoá của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, các giá trị văn hóa này là công sáng tạo và lưu truyền của những đồng tộc cư trú ở cả hai nước ven biên giới Việt – Lào. Trong thời hiện đại, nhân dân các dân tộc này là những người tham gia tái tạo, hưởng thụ, trao truyền các giá trị văn hóa, mở ra các triển vọng mới trong hoạt động văn hóa, lễ hội và du lịch…
Bài viết chủ yếu bàn về phương hướng bảo tồn và phát triển những giá trị này.
2. Tổng quan nghiên cứu
Ở nước ngoài: Cho đến nay, nếu nói đến việc nghiên cứu về người Cơ Tu ở Việt Nam, trước hết phải kể đến công trình “Les chasseurs de sang” (Những người săn máu) của tác giả người Pháp, công bố năm 1938 trên số 20 của tạp chí Những người bạn Huế xưa (Bulletin des Amis du vieux Hue – BAVH). Tiếp theo là công trình “Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ Tu” (Nxb Thế giới, năm 2006) của GS.TS. Kaj Arhem, Th.S. Nikolas Torsten Arhem của Trường Đại học Tổng hợp Gothenburg Thụy Điển phối hợp với nhà dân tộc học Lưu Hùng thực hiện. Cuốn sách chứa đựng nguồn tư liệu quý và bổ ích về dân tộc Cơ Tu như làng bản và nhà cửa, nghề thủ công cổ truyền… Công trình nghiên cứu cũng là nguồn tư liệu hết sức quý giá khi nghiên cứu văn hóa, xã hội cổ truyền, những nét đặc trưng tộc người của dân tộc Cơ Tu.
Tác giả Nancy A. Costello cũng có nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, tập tục, truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân gian của người Cơ Tu ở Nam Lào như: “Katu – Vietnamese – English”; “Death and burial in Katu culture”; “Katu Folktales and society”; “Belief and practice in Katu agriculture”… Là một nhà ngôn ngữ học, trong các tác phẩm của mình, tác giả đề cập chủ yếu đến vấn đề ngôn ngữ, truyện cổ dân gian, tập tục tang ma, ghi lại lời kể của người Cơ Tu về cuộc sống, lễ nghi nông nghiệp.
Ở Việt Nam: Trong các tác phẩm “Văn hóa làng các dân tộc miền núi Quảng Nam”, “Ka Tu – Kẻ sống đầu ngọn nước” (Nguyễn Hữu Thông chủ biên), các nhà nghiên cứu đã đề cập đến nhiều hiện tượng văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Tu. Năm 2006, tác giả Đinh Hồng Hải công bố công trình “Nhà gươl của người Cơ Tu”. Đây là một chuyên khảo không chỉ nghiên cứu về kiến trúc nhà làng truyền thống (gươl), mà còn đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Công trình “Nghề dệt và trang phục cơ truyền của dân tộc Cơ tu tỉnh Quảng Nam” (Vịnh, 2010) có đề cập đến mối quan hệ giao lưu về nghề dệt giữa người Cơ Tu ở Lào và Cơ Tu ở Việt Nam. Trong công trình “Góp phần tìm hiểu Văn hoá dân gian dân tộc Ta Ôi, A Lưới, Thừa Thiên – Huế” (Hoàng & Sửu, 2003) các tác giả đưa ra những tư liệu thuyết phục khẳng định sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt – Lào. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã công bố hàng loạt tác phẩm về tiếng Cơ Tu, Ta Ôi, Bru-Vân Kiều như: Nguyễn Hữu Hoành (1995), “Tiếng Katu (cấu tạo từ)”, Nxb. Khoa học Xã hội; Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi (1998), “Tiếng Katu”, Nxb Khoa học Xã hội; Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi (2007), “Từ điển Cơtu – Việt, Việt – Cơtu”, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông (1985), “Tiếng Bru-Vân Kiều”, Nxb Khoa học Xã hội; Tạ Văn Thông Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi (2007), “Ngữ pháp tiếng Cơ tu”, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam – Viện Ngôn ngữ học…
3. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng cách tiếp cận địa – văn hóa, tiếp cận phương pháp nghiên cứu văn hóa vùng, không gian văn hóa, không gian văn hóa tộc người gắn với vùng lãnh thổ cộng đồng dân cư đó sinh sống. Đồng thời, sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học: Khảo sát, quan sát thực địa, điều tra nắm thực trạng đời sống văn hóa các dân tộc vùng biên giới Việt – Lào. Để có thể hệ thống và tổng hợp các nguồn thông tin tư liệu thu thập được, xin kết hợp sử dụng các phương pháp: so sánh, hệ thống.
Phương pháp miêu tả được sử dụng để chỉ ra các đặc tính của các đối tượng trong cứ liệu khoa học.
Lý thuyết “Trung tâm văn hóa” được vận dụng để nghiên cứu sự ảnh hưởng văn hóa trong nội bộ tộc người giữa hai quốc gia. Theo đó, trung tâm văn hóa là vùng có sức hấp thu, lan tỏa văn hóa lớn, ảnh hưởng đến nhiều khu vực ngoại vi. Văn hóa ở trung tâm bao giờ cũng mang tính đặc trưng hơn văn hóa ở ngoài trung tâm và biến đổi mạnh hơn các vùng xa trung tâm. Tuy nhiên, nhiều hiện tượng văn hoá khi lan tỏa tới ngoại vi lại có thể bị “hoá thạch” và giữ lại các dạng thức nguyên thuỷ hơn so với trung tâm, tạo nên hiện tượng mà các nhà văn hóa học gọi là “hoá thạch ngoại biên của văn hoá” hay “hóa thạch ngoại vi”.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Khái quát về các dân tộc nhánh Katuic và mối quan hệ xuyên biên giới
Cơ Tu, Ta Ôi, Bru-Vân Kiều là những dân tộc thiểu số ở Việt Nam thuộc nhánh ngôn ngữ Katuic, chi Mon – Khmer của ngữ hệ Nam Á, phân bố ở phía Bắc dãy Trường Sơn, cư trú tập trung ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Trên lãnh thổ Lào, họ chủ yếu sống ở huyện Ka Lum và Thong Vai, tỉnh Sê Kông; huyện Lau Ngam, tỉnh Salavan và tỉnh Champaxắc, được gọi chung là Lào Thơng (người Lào ở vùng cao).
a. Dân tộc Cơ Tu: Cơ Tu là tên chính thức. Những cách đọc và ghi khác: Cơtu, Ca Tu, Ctu, Khatu, Ktu, Tou…
Dân số: 74.173 người (2019). Cư trú ở tỉnh: Quảng Nam (huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang); Thừa Thiên Huế (Nam Đông, A Lưới). Một bộ phận nhỏ sống ở các xã Hòa Phú, Hòa Bắc huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Tên các nhóm địa phương:
– Cơ Tu Dal (Cơ Tu vùng cao): Ở huyện Tây Giang và các xã vùng cao huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
– Cơ Tu Pơnal (Cơ Tu vùng trung): Cơ Tu Pơnal hiện ở các xã vùng giữa thuộc huyện Nam Giang như Zuôih, Chaval, Tàbhing…, tỉnh Quảng Nam.
– Cơ Tu Êp (Cơ Tu vùng thấp); Cơ Tu Êp hiện ở huyện Đông Giang và Hòa Vang, tỉnh Đà Nẵng; các huyện Nam Đông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người Cơ Tu đã có chữ viết theo hệ La Tinh.
b. Dân tộc Bru-Vân Kiều: Bru-Vân Kiều là tên chính thức. Những tên gọi, cách đọc và ghi khác: Bru, Brôu, Brũ…
Người Bru-Vân Kiều tự gọi mình là Bru. Trong tiếng Bru-Vân Kiều, từ bru này không tìm thấy nghĩa gốc. Nó dùng để gọi người Bru-Vân Kiều gộp chung với các dân tộc thiểu số (trong đó có Bru-Vân Kiều), không phải là người Kinh và người Lào. Có thể đây là một tên do các dân tộc láng giềng khác ở Trung – Hạ Lào và miền Trung của Việt Nam gọi, với nghĩa là “rừng, rú”, hàm ý đây là các dân tộc thiểu số – “những người ở rừng”.
Tên Bru-Vân Kiều là một liên danh, gồm Bru và Vân Kiều (tên một nhóm địa phương – nhóm Vân Kiều). Vân Kiều được giải thích là địa danh chỉ nơi có người cư trú đông; Từ Vân có thể có gốc là vil (“làng”) trong tiếng Bru-Vân Kiều.
Dân số: 94.598 người (2019). Cư trú chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Trị (huyện Hướng Hóa); Quảng Bình (các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa). Ngoài ra, hiện có một số người Bru-Vân Kiều di cư vào sống ở huyện Krông Pách của tỉnh Đắk Lắk.
Tên các nhóm địa phương:
– Trì (hay Tri, Tia rì, Chà Ly, Trùi…); Măng Coong (hay Ma Coong, Mang Cong, Mường Kong); Khùa (hay Katok, Blu Băm) cư trú ở Quảng Bình
– Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị.
Theo các tài liệu dân tộc học, ngoài Việt Nam, người Bru-Vân Kiều còn cư trú ở Lào (tỉnh Khăm Muộn, Savannakhet, Salavan…); ở Thái Lan (ở miền Đông Bắc: Mường U, Mường Sa Man…). Người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam xưa kia vốn sinh tụ ở vùng Trung Lào. Do những biến động lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, người Bru-Vân Kiều vốn sinh tụ ở vùng Trung Lào (với tên gọi là Sộ) đã phải di cư đi các nơi, chủ yếu theo hướng Đông và Tây Bắc. Một bộ phận của dân tộc này đi về hướng Đông, điểm đến đầu tiên là miền Tây Quảng Trị của Việt Nam.
Người Bru-Vân Kiều đã có chữ viết theo hệ La Tinh.
c. Dân tộc Ta Ôi: Ta Ôi là tên chính thức. Những tên gọi, cách đọc và ghi khác: Tà Ôi, Ta-ôi, Ta-ôih, Ta Ôih, Taos, Ta- uôih, Ta-uôt, Taôih, Pa Cô-Ta Ôi…
Dân số: 52.356 người (2019). Cư trú ở các tỉnh: Thừa Thiên Huế (huyện A Lưới), Quảng Trị (huyện Hướng Hoá, Đakrông). Tại Lào, người Ta Ôi sống chủ yếu ở tỉnh Savannakhet.
Tên các nhóm địa phương:
– Ta Ôi (Ta-ôih): Ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
– Pa Cô (Pakóh): Ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
– Pa Hi (hay Ba Hi): Ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các nhóm Ta Ôi, Pa Cô và Pa Hi có những điểm khác biệt về văn hoá. Tuy nhiên, khi xác định thành phần tộc người của dân tộc này, tên một nhóm trong số đó đã được lấy để làm tên chung: Ta Ôi. Tên gọi Ta Ôi có thể được hiểu là chỉ vùng cư trú trước đây: cao nguyên Ta Ôi của Lào; Pa Cô (còn được ghi là Pakoh, Pa-Cô…) có nghĩa là “phía núi, vùng núi”; Pa Hi (hay Ba Hi) có nghĩa là “phía dưới, vùng thấp”. Người Ta Ôi đã có chữ viết theo hệ Latinh.
Trước đây người Ta Ôi sống quây quần thành từng làng (vil) riêng biệt, hiện nay ở nhiều làng họ đã sống xen kẽ với người các dân tộc khác, trong đó chủ yếu với người Kinh. Họ cũng thường xuyên đi lại sang Lào, vì có bà con họ hàng và quan hệ trao đổi buôn bán với nhiều người bên kia biên giới, trong đó chủ yếu với người các dân tộc thiểu số Lào.
4.2. Di sản văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic
4.2.1. Khái quát về văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic
– Đơn vị cư trú của người Cơ Tu thường được tổ chức thành các làng (veel, bhươl). Làng thường được bố trí ở những nơi cao ráo, tương đối bằng phẳng và gần nguồn nước. Mỗi làng thường chỉ có từ 10 đến 30 nóc nhà với khoảng vài trăm người. Các nhà được bố trí thành một hình tròn hoặc hình bầu dục. Giữa làng thường là vị trí của nhà gươl. Đây là công trình công cộng chung, là trung tâm sinh hoạt văn hóa – xã hội của một làng người Cơ Tu. Người Cơ Tu chuyên sống bằng trồng trọt trên rẫy. Chăn nuôi cũng phát triển chỉ sau trồng trọt. Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, người Cơ Tu rất phát triển việc săn bắn.
Về trang phục, đàn ông Cơ Tu đóng khố, cởi trần, choàng thêm một tấm chăn hoặc một áo vải nếu trong mùa rét, có đính hạt cườm hoặc có các vòng sắt đan lại với nhau. Phụ nữ mặc yếm để che ngực, váy ngắn đến đầu gối, mùa đông khoác thêm tấm chăn. Phụ nữ Cơ Tu rất chuộng đồ trang sức có màu sắc sặc sỡ.
Người Cơ Tu có chế độ một vợ một chồng, nhưng có quan hệ hôn nhân một chiều giữa hai dòng họ. Những tàn dư của hôn nhân nguyên thủy: vợ góa lấy anh hoặc em chồng quá cố hoặc người đàn ông góa vợ có thể lấy chị vợ hay em gái vợ làm vợ kế. Tục cướp vợ trước từng xuất hiện trong làng xã Cơ Tu nay đã không còn.
Về tang ma, đối với những người chết thông thường, người Cơ Tu được quàn trong nhà 1 đến 2 ngày với quan tài là khúc gỗ bổ đôi, khoét rỗng ở giữa. Ở nhiều nơi, người Cơ Tu dựng nhà mồ cho người chết. Chôn cất xong là bỏ mả ngay. Sau 5 – 10 năm, người ta làm lễ dồn mồ. Đối với những người chết trong dòng họ chôn chung vào một huyệt lớn. Với những người chết bất đắc kì tử thì không có lễ dồn mồ.
Dân tộc Cơ Tu có một nền văn học, nghệ thuật dân gian khá phong phú. Người Cơ Tu có một kho tàng truyện cổ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài ra, họ còn có nhiều làn điệu dân ca. Phổ biến nhất đối với người Cơ Tu là hát lý (bhơnooch). Người Cơ Tu có nhiều điệu múa dân gian nổi tiếng: múa tântung (múa đâm trâu), múa tađeng dà dạ (múa săn thú).
Người Cơ Tu cũng nổi tiếng với những bức vẽ, chạm khắc, những bức tượng ở nhà làng (gươl); những bức tượng thể hiện tâm trạng đặt quanh nhà mồ.
– Người Bru-Vân Kiều sống chủ yếu nhờ nông nghiệp trên rẫy và ruộng nước. Trước đây người họ sống quây quần thành từng làng (vil) riêng biệt. Nay ở nhiều làng họ đã sống xen kẽ với người các dân tộc khác, trong đó chủ yếu với người Kinh; thường xuyên đi lại sang Lào, vì có bà con họ hàng và quan hệ trao đổi buôn bán.
Các nhà trong làng thường được xếp đặt theo chiều dài của những đoạn sông hoặc con suối. Nhà sàn có hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ hoặc kiểu mái tròn. Chiều dài ngôi nhà có thể dài hay ngắn, tùy vào số lượng người trong gia đình. Trong một làng, cách bố trí nhà theo trật tự nhất định sao cho các cây đòn nóc giữa những nhà lân cận không được đâm vào nhau.
Trước đây người Bru-Vân Kiều rất phổ biến tục nhuộm răng đen. Riêng nhóm Khùa có tục nhuộm môi vào các ngày lễ, ngày hội. Nhóm Vân Kiều trước đây còn có tục cưa răng, xăm mặt khi nam nữ đến tuổi trưởng thành. Đàn ông cũng như đàn bà Bru-Vân Kiều xưa kia đều búi tóc. Phụ nữ thường đội khăn vuông trắng. Theo tục lệ hôn nhân, cô dâu khi về nhà chồng phải qua các nghi lễ: lễ rửa chân (pa tin), lễ ăn cơm chung với chồng (cha chọm) và lễ bắc bếp.
Người Bru-Vân Kiều thờ cúng tổ tiên. Sau khi chết vài ba năm, người ta làm lễ đưa linh hồn người chết vào một nhà thờ nhỏ (đông sok kumui). Ngoài đông sok kumui, mỗi gia đình người Bru-Vân Kiều có một bàn thờ riêng (t’nông chel) thờ cúng những người trong gia đình. Họ cũng có nghi lễ nông nghiệp với lễ thờ thần mặt trời (mặt măn đang), thờ sao hôm (măn tor) và ngày hội trỉa lúa. Trong tôn giáo của họ có nhiều dấu vết totem giáo: một số dòng họ có tục kiêng ăn thịt hoặc đụng chạm đế một số vật (sóc, mèo, củ nâu, bắp chuối…). Họ hay thờ cúng một số vật thiêng (thanh kiếm, mảnh bát…), thờ lửa và bếp lửa với nhiều kiêng kị liên quan đến lửa.
Người Bru-Vân Kiều có kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú. Số nhạc cụ đa dạng: trống, thanh la, chiêng núm, kèn (aman, tariên, khơlui, pi), đàn (achung, palưa). Trong kho truyện kể có những truyện nói về nguồn gốc loài người: Quả bầu, về quá trình di cư: Chiếc gáo vàn, phong tục tập quán: Vì sao có tục cưa răng… Những điệu dân ca rất đặc sắc: hát kể (chachâp), hát đối đáp (pơrjong).
– Trang phục truyền thống của người Ta Ôi chủ yếu là thổ cẩm với sản phẩm là những tấm dzèng do phụ nữ dệt. Người Ta Ôi mặc đơn giản, nhưng ưa trang sức, dùng nhiều màu đỏ.
Gia đình của người Ta Ôi giờ là chế độ phụ hệ. Tập quán người Ta Ôi cho phép cô gái có thể về ngay nhà chồng sau khi hai bên cha mẹ đã thỏa thuận về khoản lễ vật cưới.
Người Ta Ôi tin mọi vật đều có siêu linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối nước, cây cối cho đến lúa gạo, con người, con vật, người chết đều có yang, tức là “thần” hoặc “hồn”; có rất nhiều lễ cúng, liên quan đến sức khoẻ, tài sản, việc ngăn chặn dịch bệnh, việc làm rẫy… Những lễ lớn đều có đâm trâu tế thần và trở thành ngày hội trong làng.
Bộ nhạc cụ truyền thống của người Ta Ôi gồm dàn 6 kong (chiêng núm), 6tala (chiêng bằng) và một chagơr (trống lớn). Nhạc cụ hơi và nhạc cụ dây: cham preh (đàn 2 dây), ndro (có một dây, kéo bằng cần), sáo krjôl (có hai lỗ), a luôt (có sáu lỗ), ato hay talé (có bốn lỗ), kèn môi awơt, sáo areng. Các điệu múa dân gian: phon, rirăm, rayook.
Trong quá trình hình thành và phát triển, các dân tộc thuộc nhánh Katuic ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên đã tạo ra kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo, thể hiện bản sắc riêng. Về văn hóa vật thể, nổi bật nhất là các loại hình kiến trúc nhà ở, nhà cộng đồng truyền thống, nhà mồ, kho lúa và các công cụ sản xuất, vật dụng, đồ dùng sinh hoạt. Trong đó, nhà làng truyền thống (gươl) là di sản văn hóa vật thể tiêu biểu nhất của người Cơ Tu. Nhà cộng đồng truyền thống được cư dân miền núi xem như một ngôi trường học, ở đó diễn ra sự trao truyền, dạy và học những kinh nghiệm về sản xuất, sinh hoạt, ứng xử giao tiếp với con người, với tự nhiên… Nhà cộng đồng truyền thống không chỉ mang biểu tượng của vẻ đẹp kiến trúc, mà còn là biểu tượng của sự nâng đỡ, tương tác, kết nối với nhau, thể hiện rõ tinh thần cố kết cộng đồng.
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Katuic cũng rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hình như lễ hội, nghệ thuật diễn xướng dân gian, văn học truyền miệng, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công truyền thống… Trong các loại hình di sản, di sản nghề thủ công đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của cư dân miền núi. Đây là nghề có sự phân công lao động theo giới tính rất rõ rệt. Đàn ông thì đan lát, phụ nữ thì thêu dệt, may vá. Nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ, khéo tay, người ta đã làm ra những vật dụng, phục vụ cuộc sống như gùi, nong nia, dần sàng, công cụ đánh bắt và tạo ra vải vóc để làm trang phục, đảm bảo nhu cầu ăn mặc và thể hiện bản sắc dân tộc. Nhờ bảo lưu, giữ gìn nghề dệt, nên người Cơ Tu, Ta Ôi sở hữu bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh với nhiều loại hình như váy, áo, khố, tấm choàng, mũ, dây buộc tóc và thắt ngực, yếm… được trang trí hoa văn, màu sắc khá nổi bật so với các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Sản phẩm dệt của đồng bào chẳng những có giá trị vật chất, là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú. Một số thôn bản của dân tộc Cơ Tu ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế hình thành các nhóm thợ dệt thổ cẩm.
Các dân tộc thuộc nhánh Katuic ở Việt Nam và Lào đều có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Dân tộc Cơ Tu, Ta Ôi, Pa Cô, Bru-Vân Kiều còn bảo lưu nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời người, như nghi lễ cưới xin, tang ma; lễ nghi nông nghiệp như lễ ăn mừng lúa mới; lễ hội cộng đồng như mừng nhà gươl mới, lễ kết nghĩa ăn thề… Trong lễ hội cộng đồng, đáng chú ý là lễ kết nghĩa giữa hai làng. Đây là lễ hội truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng làng với nhau. Các lễ hội lớn đều qui tụ các loại hình diễn xướng dân gian như múa điệu Tân tungda’dă xung quanh cây nêu trước khi tiến hành đâm trâu. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ của các tinh hoa văn hoá, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan toả trở lại cộng đồng.
Các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nói trên đã tạo ra sức sống, sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa tộc người của các dân tộc. Cho đến nay, một số loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào thuộc ngành Katuic đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Nghề dệt thổ cẩm (của người Ta Ôi và người Cơ Tu), Vũ điệu Tân tung da’dă, Nghệ thuật nói lí – hát lí (của dân tộc Cơ Tu). Nhiều nghệ nhân các dân tộc thiểu số trong tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế như Bhriu Pố, Ker Tic… được vinh danh, công nhận là Nghệ nhân ưu tú.
4.2.2. Văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic và mối quan hệ xuyên biên giới
Điều đáng lưu ý là các dân tộc Cơ Tu, Ta Ôi, Vân Kiều ở các tỉnh miền Trung Việt Nam có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với những người đồng tộc đang sinh sống tại nước bạn Lào. Đặc biệt, một số di sản văn hóa phi vật thể như ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc Cơ Tu, Ta Ôi ở Việt Nam có sự ảnh hưởng, tiếp thu trực tiếp từ người đồng tộc ở bên Lào. Dấu ấn văn hóa Lào cũng tương đối rõ nét trong văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Trường Sơn. Trong quá khứ, các dân tộc phía Tây các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam đã có quan hệ sâu sắc với người Lào. Người Lào cũng vượt núi sang tận Đông Trường Sơn để trao đổi, buôn bán lâm thổ sản, vải vóc, nhạc cụ như cồng chiêng. Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại “con đường muối”, “con đường vải vóc” từ đồng bằng lên vùng núi cao và xuyên qua Lào. Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và vùng Hạ Lào. Nó được xem như một thứ tài sản quý, một báu vật thiêng liêng. Người Lào là một tộc người chế tác cồng chiêng rất giỏi. Trong quá khứ xa xôi, người Mnông, Êđê, Gia Rai thường mua những bộ cồng chiêng của người Lào, đồng bào thường gọi là Ching Lao, để sử dụng. Do đó, người Lào cũng góp công sức cho các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên lưu giữ, sáng tạo loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc, đó là âm nhạc cồng chiêng, âm điệu trống chiêng, những vũ điệu dân gian say đắm, hình thành nên Không gian văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa truyền khẩu của nhân loại.
Những chủ nhân của “đất nước triệu voi” trong quá khứ cũng đã từng trao đổi, cung cấp voi và truyền nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng cho một số dân tộc như Ta Ôi, Bru-Vân Kiều… Trước đây, người Ta Ôi sinh sống ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên – Huế thường hay mang bạc nén đi qua Lào đổi/mua voi về nuôi. Mục đích nuôi voi là để chở đồ đạc trong những chuyến xuôi ngược khi trao đổi hàng hóa. Vùng Ta Ôi trước đây có những chủ hộ có voi như Vỗ (ông) La Lâu, Vỗ Bích, Vỗ Khôn, Vỗ Kliéc, Quỳnh (bố/cha) Abar. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân xã Hồng Thủy, huyện A Lưới đã cống hiến cho cách mạng 4 con voi thồ hàng và vũ khí ra trận. Sau này, xã Hồng Thủy được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong thời kháng chiến chống Mỹ, voi ở các bản làng dân tộc thiểu số vùng Hạ Lào thường được huy động đến vùng Đông Trường Sơn để phục vụ vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường và hỗ trợ sức người trong những hoạt động hậu cần thời chiến.
Người Cơ Tu sinh sống ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) có mối quan hệ gắn bó thân thiết với người Cơ Tu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và người Ta Ôi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế). Do việc sắp xếp, phân chia địa giới hành chính giữa hai nước, một số cư dân, làng bản đồng bào dân tộc giáp biên có sự thay đổi nơi cư trú. Một số làng người Cơ Tu sinh sống bên Lào chuyển sang định cư ở Việt Nam, họ đã “mang” theo nhiều sắc thái độc đáo của văn hóa truyền thống tộc người. Trước đây, khi nghề trồng bông dệt vải còn thịnh hành, người Cơ Tu, người Ta Ôi ở miền núi Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế rất thích gieo trồng giống bông vải của người Lào, bà con gọi là Kpay Lao. Người Cơ Tu bên Lào rất sành sỏi trong việc chế biến thuốc nhuộm vải, nhất là các màu nóng (đỏ, vàng, da cam…). Dân tộc Cơ Tu và dân tộc Ta Ôi phía Đông Trường Sơn (Việt Nam) thường ít khi chế biến màu đỏ lấy từ nguyên liệu thiên nhiên như các màu khác, mà thường trao đổi với người Lào để lấy thứ thuốc đỏ được chế biến sẵn về nhuộm vải, đồng bào gọi là mực poong. Họ thường đổi gà, gạo, chiếu để lấy hộp phẩm màu đỏ này. Nhờ giống cây bông vải thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng miền núi cao và thuốc nhuộm của người Cơ Tu – Lào, mà người Cơ Tu, Ta Ôi sinh sống ở Việt Nam có thêm “chất liệu” để giữ gìn, phát triển nghề thủ công, trang phục truyền thống. Và trên thực tế, người Cơ Tu là một trong những tộc người còn bảo lưu được nghề dệt và trang phục nhiều nhất, đậm nét nhất so với các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên, Việt Nam. Người Cơ Tu bên nước bạn Lào cũng đi trước trong việc chăm chút sắc đẹp theo tập tục cổ truyền. Ngày xưa, ở làng có được chiếc khố cườm chì (halùng hoặc alùng) để mặc là niềm tự hào của nhiều người. Dưới lòng sông Antrôl bên Lào là nơi mà đồng bào khai thác quặng chì, mang về chế tác thành hạt cườm chì để dệt và trang trí hoa văn trên khố, váy, áo. Kỹ thuật chế tác và dệt hoa văn bằng cườm chì của các tộc người bên Lào đã được truyền lại cho người Ta Ôi, Cơ Tu ở Việt Nam. Cườm chì thường được kết vào vải rất dày, nhất là trên ngực áo, đuôi khố. Có người giải thích hiện tượng này rằng, ngoài việc tăng giá trị sản phẩm còn thêm chức năng khác như là chiếc “áo giáp” của các chiến binh Cơ Tu, giúp họ tránh bị sát thương khi chiến đấu. Ngoài việc học cách chế cườm chì và dệt vải bằng cườm chì từ bên Lào, người Cơ Tu, Ta Ôi và một số dân tộc khác ở vùng Trường Sơn Việt Nam cũng mua bán, trao đổi với các bộ tộc Lào để được sở hữu những chiếc áo, chiếc khố có hoa văn cườm chì. Trên thực tế, hầu như đồ vải có hoa văn chì dành cho các nhà khá giả, những người quyền thế, những bậc cao niên – đó là những người được kính trọng trong xã hội cổ truyền. Hiện nay, những tấm thổ cẩm có hoa văn cườm chì của đồng bào Cơ Tu tiếp thu từ bên Lào là hiện vật dân tộc học quý hiếm, có giá trị, được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ… Ngoài ra, nhiều món trang sức mang đậm dấu ấn tộc người của người Cơ Tu, Ta Ôi, Bru-Vân Kiều ở Việt Nam như những vòng đá ngọc đeo cổ, khuyên bạc đeo tai, vòng đồng đeo tay… có thể có nguồn gốc từ Lào.
5. Thảo luận
5.1. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong đời sống các dân tộc nhánh Katuicvà quan hệ hữu nghị Việt – Lào?
Cùng với người đồng tộc sinh sống ở Việt Nam và Lào, các dân tộc thuộc nhánh Katuic còn bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, tiêu biểu như kiến trúc nhà làng (gươl), nghệ thuật điêu khắc gỗ, trang phục trang sức, lễ hội cổ truyền, ẩm thực truyền thống, tri thức bản địa, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trong đó nổi bật là các điệu múa dân gian, diễn tấu trống chiêng… Những giá trị di sản đó được kết tinh lâu đời, mang sắc thái đặc trưng của tiểu vùng văn hóa Trường Sơn. Trong quá khứ, bằng sự giao lưu tự phát, buôn bán, trao đổi thông qua “con đường muối”, “con đường thổ cẩm”, các dân tộc vùng biên giữa hai nước đã kết nối, liên lạc với nhau. Các dân tộc dọc đường biên giữa hai nước có sự tương tác, hỗ trợ nhau ở một số lĩnh vực, nhưng với qui mô nhỏ hẹp, tự phát, chủ yếu giữa tộc họ, bà con thân thuộc với nhau, giữa làng nọ với làng kia trong nội bộ một nhóm địa phương, bộ tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa giữa các nước trong khối ASEAN đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó giao lưu văn hóa giữa Việt Nam
– Lào trở nên sâu sắc vì truyền thống hữu nghị, quan hệ lâu đời giữa hai nước. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác kết nghĩa, giao lưu văn hóa, có thể thấy rõ qua trường hợp các tỉnh miền Trung và Nam Lào, được xem như mô hình nổi trội trong hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại, kết nghĩa giữa các tỉnh, vùng trong cả nước. Mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có thế mạnh, tiềm năng về di sản, vốn văn hóa, nếu các hoạt động giao lưu văn hóa khu vực diễn ra thường xuyên và có chiều sâu hơn, sẽ đánh thức và làm thăng hoa các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc.
5.2. Giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic là gì?
Các tộc người ở Lào bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà làng, kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức, tập tục, nếp sống… ở dạng nguyên sơ hơn ở Việt Nam.
Đối với các địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, nơi có sự phân bố các dân tộc thuộc nhánh Katuic ở Việt Nam, cần có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Hoạt động giao lưu văn hóa là một trong những nội dung cần ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động hữu nghị, kết nghĩa giữa các tỉnh, các huyện có chung đường biên giới. Các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới Việt – Lào không những tiếp giáp nhau ngọn núi, cánh rừng, đầu nguồn của các con suối, dòng sông, mà còn có chung những di sản quý báu làm nên bản sắc của quốc gia, dân tộc. Các loại hình di sản của đồng bào rất đa dạng, phong phú như lễ hội cổ truyền, nghệ thuật diễn xướng dân gian, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, văn học truyền miệng, nghề thủ công, trang phục truyền thống dân tộc…
Hiện nay, có 3 di sản là Múa Tân tung da dá, nói lý hát lý của dân tộc Cơ Tu, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu và Ta Ôi đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong các di sản nêu trên, rất cần ưu tiên hỗ trợ loại hình di sản làng nghề đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người, hiện đang có nguy cơ mai một, thất truyền, đó là nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu và dân tộc Ta Ôi. Trong đó ưu tiên đầu tư trọng điểm, hỗ trợ một số làng dệt ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) giữ gìn, phát triển nghề theo phương thức truyền thống: trồng bông, chế biến sợi, nhuộm màu, dệt vải. Bảo lưu, tìm lại giống bông vải có nguồn gốc từ bên Lào, kỹ thuật chế tác và dệt hoa văn cườm chì, chế thuốc nhuộm của người Lào mà các dân tộc vùng Trường Sơn Việt Nam đã tiếp thu được nhưng hiện đã thất truyền… Cần quan tâm phục hồi, giữ gìn những bí quyết nghề dệt truyền thống, đặc biệt là kỹ thuật dệt ikat (nhuộm bao sợi) độc đáo và đặc sắc mà người Cơ Tu làng Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) học hỏi từ người đồng tộc bên Lào. Với kỹ thuật, bí quyết này, người thợ dệt tạo nên một sản phẩm có “hoa văn gợn sóng” nguyên sơ, mộc mạc ẩn hiện trên nền vải chàm. Hiện nay, cả vùng Trường Sơn – Tây Nguyên không có mấy người nắm giữ bí quyết này, ngoài một vài thợ dệt ở làng Công Dồn. Bên cạnh đó, cần sưu tầm, giữ gìn và phát huy các loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thuộc ngành Cơtuic, giúp đỡ, hỗ trợ bà con các dân tộc duy trì nghề dệt thổ cẩm, qua đó bảo tồn và phát huy trang phục của các nhóm dân tộc, hỗ trợ việc cung cấp trang phục truyền thống cho học sinh dân tộc ở các trường nội trú, trường phổ thông, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm thổ cẩm, hỗ trợ bà con dân tộc miền núi phát triển du lịch cộng đồng. Được biết, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án “Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam”. Đề án này sẽ là cơ hội để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Đối với loại hình di sản nghệ thuật diễn xướng dân gian như dân ca, dân vũ, âm nhạc cồng chiêng… cần có sự hỗ trợ, tác động nhiều mặt để các loại hình nghệ thuật này phát triển sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng. Đây là những di sản thuộc dạng tinh hoa hàng đầu trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thuộc nhánh Katuic. Do đó, cần tạo môi trường diễn xướng, truyền dạy, kế thừa cho thế hệ trẻ. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho các thôn, thị trấn, trường học, đơn vị hình thành nhóm, câu lạc bộ diễn tấu, sưu tầm nhạc cụ dân tộc, dạy đánh chiêng, trống, dạy múa, hát lý, nói lý, hát dân ca, dàn dựng các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc tham gia hội diễn, giao lưu văn hóa ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực. Cần có hướng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức hội thảo khoa học, tham vấn của các chuyên gia, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Sê Kông, Champaxắc, Xalavan, Cục Di sản văn hóa Lào và Cục Di sản Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận vũ điệu Tân tung da dá của người Cơ Tu ở Lào và Cơ Tu ở Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cần tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, giữa các tỉnh kết nghĩa có đường biên giới chung. Nội dung, chương trình giao lưu văn hóa được xây dựng một cách bài bản, có sự tham gia của nhiều địa phương, nhiều dân tộc, tuyển chọn nhiều loại hình di sản, chú trọng bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của các dân tộc.Định kỳ, một năm hoặc hai năm, các tỉnh kết nghĩa nên có chương trình hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh các tỉnh, thành phố chủ động có các hoạt động giao lưu riêng, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai nước Việt – Lào cần phối hợp với các tỉnh có chung đường biên giới đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng biên ở quy mô cấp quốc gia hoặc khu vực. Với quy mô như vậy, mới huy động nhiều nguồn lực, tái hiện bức tranh văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền ở hai quốc gia, tạo động lực để các nghệ nhân, diễn viên tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.Hoạt động giao lưu văn hóa các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào năm 2019 tại huyện A Lưới, do tỉnh Thừa Thiên – Huế đăng cai là một ví dụ về sự thành công, hiệu quả của việc tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Lào. Nét đặc sắc văn hóa các dân tộc nhánh Katuic ở vùng biên giới Việt – Lào được tái hiện một cách sinh động trong khuôn khổ, chương trình ngày hội. Đó là hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu những hình ảnh, hiện vật đặc trưng, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, trình diễn các điệu múa, bài dân ca, giới thiệu các trích đoạn lễ hội, thi trình diễn trang phục truyền thống…
Trong những năm gần đây, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được quan tâm nhờ tăng cường sự giao lưu, gặp gỡ giữa hai nước Việt – Lào, các tỉnh kết nghĩa giữa hai quốc gia như Sê Kông – Quảng Nam… Một số sự kiện văn hóa lớn như Festival ở cố đô Huế, Festival Di sản Quảng Nam cũng đã có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, diễn viên các bộ tộc Lào như Đoàn Văn công quốc gia Lào, Đoàn nghệ thuật dân gian Chămpasăc, Đoàn nghệ thuật cố đô Luang Prabang. Lưu học sinh Lào theo học tại các Trường Đại học Quảng Nam, các trường đại học, cao đẳng ở Huế cũng thường tham gia các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống vào dịp Tết truyền thống của Lào.
Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa cấp địa phương, vùng, liên vùng giữa hai quốc gia là nhân tố tích cực, là chính sách “hợp lòng dân” để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic nói riêng, cộng đồng các bộ tộc Lào và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
6. Kết luận
Có thể khẳng định, dấu ấn giao lưu văn hóa giữa các dân tộc nhánh Katuic vùng biên giới Việt – Lào diễn ra lâu đời và sâu đậm. Những giá trị văn hóa truyền thống chung của các dân tộc này không những làm phong phú văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn làm đẹp cho “Đất nước Triệu Voi”.
Do tác động của cuộc sống hiện đại, nhiều di sản văn hóa quý báu của các dân tộc thuộc nhánh Katuic đang bị mai một. Cần có kế hoạch bảo tồn và phát triển những giá trị này. Cần có sự kiểm kê, đánh giá, nghiên cứu các di sản để bổ sung, phục hồi những di sản giá trị còn tồn tại bên Lào, nhưng đã mất hoặc bị thất truyền ở các bản làng của cư dân đồng tộc bên phía Việt Nam. Trước hết, cần sưu tầm những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về văn hóa truyền thống của các dân tộc bên nước bạn Lào, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, để quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa đặc trưng của các tộc người đang sinh sống ở hai nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hoàng, T., & Sửu, N. T. (2003). Góp phần tìm hiểu Văn hoá dân gian dân tộc Tà Ôi, A Lưới, Thừa Thiên – Huế. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
Nancy, C., & Sulavan, K. (1994). Belief and practice in Katu agriculture. Ministry of Information and Culture – Institute of Research on Lao Culture. Vientian.
Pichon, L. (1938). Les chasseurs de sang. Bulletin Des Amis Du Vieux Hue, (No.4).
Thiệu, N.D (2019). Các tộc người ở Đông Nam Á. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vịnh, T. T. (2009). Người Cơ Tu ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Thông tấn.
Vịnh, T. T. (2010). Nghề dệt và trang phục dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam. Hà Nội: Nxb. Dân trí.
Nguồn: Văn hóa truyền thống và phát triển,
Journal of ethnic minorities research, Volume 9, Issue 3
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc nhánh Katuic vùng biên giới Việt – Lào (Tác giả: Trần Tấn Vịnh) |