Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội ở nước ta – Thực trạng và giải pháp

Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ THỊ THANH YẾN
(Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT

     Từ khái quát về vai trò lễ hội, tác giả cho rằng, hình thái này là một phạm trù văn hóa in đậm bản sắc dân tộc. Qua một số lễ hội cụ thể đã từng nổi tiếng trong quá khứ, tác giả chỉ ra một số điều bất cập của lễ hội hiện nay cần phải tập trung giải quyết: Nâng cao nhận thức, tránh lệch lạc cho các tổ chức và người chịu trách nhiệm; quản lý chặt chẽ hoạt động của lễ hội; phân loại lễ hội; xác định tính độc đáo của lễ hội, không kịch bản hóa lễ hội một cách chủ quan; ủng hộ tính tích cực của lễ hội nhưng phải tinh – giản – kiệm – lạc.

Từ khóa: lễ hội; bảo tồn; phát huy giá trị.

ABSTRACT

     From overviewing the role of traditional festivals, the author argues that the elements are rich cultural identity objects. Taking some popular traditional festivals, the author shows some limitations of the festivals such as its massiveness, heavy commercialisation, lost of identity, and need to solve some following issues: raising awareness for organisers and responsible persons; strictly managing the activities of the festivals; festival classification; identifying the unique of festivals and avoiding rigidly stage arrangement for festivals; supporting the activeness of festivals in accordance with economy, simple, and happy aspects.

Key words: Traditional Festival; Safeguarding; Promotion.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi lễ hội đều hướng tới một nhân vật (hoặc một tập thể nhân vật) được coi là linh thiêng, cần được tôn kính, ghi ơn và phải được các đời sau tưởng nhớ, cúng giỗ chân thành… Đó là các anh hùng dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm; là các danh nhân văn hóa; là những người có công lao to lớn đối với việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương; là những người có công truyền nghề, có công chống thiên tai, khai phá đất hoang, lập làng ấp mới; là những người sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn, là những người giàu lòng nhân ái trong hoạt động cứu trợ đồng bào,…

     Lễ hội chính là thái độ thể hiện lòng biết ơn và sự ngưỡng vọng, tôn vinh của người đời sau đối với công lao và đức độ của các đối tượng đáng kính mà họ tôn thờ. Do vậy, lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, là một trong những môi trường giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc rất tốt cho lớp trẻ, là một nhu cầu tinh thần chính đáng của mọi người, cần được trân trọng. Một đất nước có nhiều lễ hội như nước ta chứng tỏ người Việt đã có một bề dày văn hóa phong phú và lâu đời, tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn người có công, điều đó rất đáng tự hào.

     Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Cuộc sống của con người Việt Nam không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà trong chu kỳ một năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, lo âu, để rồi “xuân thu nhị kỳ”, “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, cuộc sống nơi thôn quê vốn tĩnh lặng ấy vang dậy tiếng trống chiêng, người người nô nức về nơi đình, chùa mở hội. Nơi đó, con người nhập thân vào văn hóa, văn hóa làm biến đổi con người, một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội chính là nơi để các làn điệu dân ca, như: Quan họ, hát Xoan…; các điệu múa xênh tiền, con đĩ đánh bồng, múa rồng, múa sư tử…; các hình thức sân khấu hát chèo, hát bội, rối nước, cải lương…; các trò diễn, trò chơi đánh cờ người, chọi gà, đánh đu, đấu vật, bơi chải, đánh phết… được trình diễn một cách trọn vẹn.

     Tuy nhiên, trong thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như tấm lòng thành kính và các giá trị văn hóa thiêng liêng đã ít nhiều bị suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Lễ hội có thể ví là một cái nôi của văn hóa, là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội trong điều kiện đất nước bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề cấp thiết mà xã hội ta cần phải chú trọng.

2. Thực trạng vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội ở nước ta

     Thực trạng việc tổ chức, quản lý, bảo tồn các lễ hội của nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, tồn tại. Có một điều cần quan tâm, là hằng năm, các lễ hội lớn, như: chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), đền Hùng (Phú Thọ), Bà Đen (Tây Ninh), đền Trần và phủ Giầy (Nam Định), chùa Bà (Bình Dương), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… thường thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương dự lễ, nhưng chắc cũng không nhiều người hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội mà họ tham gia. Đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao, đó là nguyên nhân khiến lễ hội đền Trần chưa năm nào thoát khỏi cảnh du khách ùn ùn kéo đến xin ấn, thậm chí “cướp ấn” vì lầm tưởng có ấn này sẽ được thăng quan, tiến chức. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến quan niệm lệch lạc, đã dự lễ hội là phải quyên tiền công đức, bằng không sẽ mắc tội với thánh thần. Khi người dự hội sẵn sàng rút tiền để “mua chuộc thần linh”, thì kẻ vụ lợi càng có cơ hội kiếm chác. Điều này lý giải tại sao khi tới lễ hội đền Bà Chúa Kho, có thể thấy quanh khu vực đền xuất hiện thêm rất nhiều nơi thờ tự mới, chủ yếu là để “hút” tiền công đức. Tại chùa Hà (Hà Nội) cũng vậy, bên khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh là la liệt chậu nhôm, mâm nhôm hứng tiền “giọt dầu” từ người đi lễ.

     Cùng với quan niệm, ứng xử lệch lạc trong lễ hội có nguồn gốc từ việc hiểu sai hay hiểu chưa đúng về ý nghĩa lễ hội, còn phải kể tới nhiều biểu hiện phi văn hóa khác, như chen lấn, xô đẩy, khấn hộ, đốt vàng mã tràn lan…, cùng hàng loạt tệ nạn “ăn theo”, như cờ bạc, trộm cắp, chặt chém, xả rác bừa bãi… Đây là hệ quả tất yếu từ việc nhận thức và ứng xử với lễ hội còn bất cập, của cả người quản lý và người dự hội, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về người tổ chức, quản lý. Vì trên thực tế, lễ hội khó có thể phát huy được bản sắc nguyên gốc khi ngay bản thân người tổ chức còn chưa (không) nắm vững ý nghĩa và giá trị đích thực của lễ hội.

     Bên cạnh đó, sự đua nhau tổ chức lễ hội, sự học tập, tiếp thu thiếu chọn lọc của những thôn, làng, xã tại nhiều địa phương ở nước ta càng làm cho nhiều lễ hội còn nặng hình thức, phô trương và coi nhẹ nội dung giáo dục văn hóa. Xu hướng thương mại hóa hoạt động lễ hội bộc lộ ra quá rõ và quá nhiều. Từ nội dung đến hình thức của khá nhiều lễ hội đã bị biến dạng so với nguồn gốc ban đầu, bị pha tạp, lai căng, thậm chí cố bắt chước nước ngoài. Theo thống kê, nước ta hiện có gần 8.000 lễ hội. Song, thực tế cho thấy, không nhiều lễ hội còn giữ được bản sắc riêng. Đi hội chùa Hương cũng na ná như đi hội Bà Chúa Kho, đi hội Yên Tử cũng từa tựa đi hội cố đô Hoa Lư… Không khó để nhận ra, các lễ hội đang tăng mạnh về lượng, nhưng có chiều hướng giảm về chất.

     Với cách tổ chức lễ hội tràn lan, nhạt nhòa bản sắc, mang tính chất thương mại thì chúng ta đang làm dung tục hóa, tầm thường hóa hoạt động lễ hội vốn rất tốt đẹp và cao quý của quá khứ. Vô tình hay cố ý, chúng ta đang làm mất đi một giá trị văn hóa truyền thống mà lịch sử để lại cho hậu thế. Cách tổ chức quản lý thiếu chặt chẽ của một số cơ quan quản lý trực tiếp khiến các tệ nạn cờ bạc, cá độ, lợi dụng các chiêu thức vui chơi có thưởng để trục lợi diễn ra ở nhiều nơi, gây mất trật tự mỹ quan không gian văn hóa. Những thực trạng như trên thật đáng báo động và cần lắm sự quan tâm của các cấp và người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội – một tài nguyên du lịch đặc sắc của Việt Nam.

3. Về giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội ở nước ta

     Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay, việc kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc là cần thiết, song, ở nhiều nơi lại thiếu chọn lọc, thiếu tính phê phán và có xu hướng làm méo mó đi. Do đó, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của lễ hội tiếp tục là một vấn đề cấp bách, nhằm bảo đảm cho lễ hội ngày càng thực sự là nhu cầu đời sống xã hội, sáng tạo và làm phong phú hơn những mô hình mới phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

     Để công tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng hiệu quả, bảo đảm trật tự, tiết kiệm, phát huy tốt các giá trị văn hóa, góp phần khai thác tiềm năng kinh tế – văn hóa du lịch, đồng thời khơi dậy và tạo ra những tiềm năng kinh tế mới, chúng tôi nhận thấy, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

     Thứ nhất, tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội; chú trọng tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo và uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, làm cho việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, thực sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

     Thứ hai, cần tính toán, cân nhắc, có kế hoạch chi tiết, cụ thể về mở lễ hội. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có các bước thể nghiệm để định hình các nghi lễ và các hoạt động hội, đặc biệt là các loại hình “lễ hội mới”. Chính quyền địa phương các cấp cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ, các hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động này, không để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa và mục đích tốt đẹp của lễ hội. Khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội; khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư, tôn tạo các di tích và tham gia hoạt động tổ chức lễ hội lớn để hướng đồng bào về với nguồn cội, tổ tiên. Sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích, phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích và hoạt động lễ hội.

     Thứ ba, tiến hành rà soát, phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi/diễn dân gian truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa mới, tổ dân phố văn hóa, bảo vệ công trình di tích lịch sử – văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Quan tâm lồng ghép việc đón nhận danh hiệu làng văn hóa mới, tổ dân phố, làng nghề, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu… với việc tổ chức lễ hội để vừa tiết kiệm, vừa có ý nghĩa sâu sắc.

     Thứ tư, đặc biệt coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội, tránh làm đồng oạt dẫn đến sự nhàm chán. Phải bằng mọi cách khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống văn hóa của mỗi vùng, miền, khu vực. Cụ thể: Đối với lễ hội dân gian: không trần tục hóa, làm cho lễ hội mất đi bản chất và giá trị vốn có của nó. Không áp đặt lễ hội theo kịch bản, theo ý chí chủ quan; kịch bản hóa lễ hội là đi ngược lại với bản chất của lễ hội truyền thống;

     Đối với lễ hội có quy mô lớn: khi xây dựng kịch bản phục vụ lễ hội phải chú trọng đến những giá trị lịch sử, những sự kiện chính trị và bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Vì vậy, chủ đề của lễ hội phải mang tính tư tưởng sâu sắc, nội dung nghệ thuật phù hợp, cô đọng và súc tích, hình thức thể hiện sinh động, tránh phô trương lãng phí, gây phản cảm. Các chương trình phục vụ lễ hội cần có nội dung phù hợp.

     Thứ năm, chú trọng bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống và làm phong phú hơn các giá trị mới trong lễ hội là một vấn đề có ý nghĩa lâu dài. Khuyến khích những sáng tạo mới trên nền truyền thống để luôn luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa của thời đại, từ hiện đại làm vững bền hơn truyền thống, làm cho lễ hội thêm sức sống mới, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Nhưng, tập trung là: thứ nhất phải tinh: nội dung phải phù hợp với đặc điểm của địa phương, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo…; thứ hai phải giản: tổ chức phải gọn, nhẹ, an toàn và chu đáo; thứ ba phải kiệm: tiết kiệm thời gian, sức người, sức của và tiền bạc, tránh phô trương hình thức, lãng phí; và, thứ tư phải lạc: vui tươi, lành mạnh, thiết thực và bổ ích.

4. Kết luận

     Lễ hội có một giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, bởi nó mang đậm những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Chính vì thế, cần phải trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội như một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Với thực trạng như đã nêu trên, mỗi người chúng ta cần phải có những việc làm, những đóng góp thiết thực để việc tổ chức lễ hội ngày một văn minh hơn, tốt đẹp hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đinh Gia Khánh (2000), “Lễ hội dân gian và sự phản ánh những truyền thống của dân tộc”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2.

2- Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

3- Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb. Văn hóa Thông tin, H. (Ngày nhận bài: 21/6/2016; ngày phản biện đánh giá: 14/7/2016; ngày duyệt đăng bài: 05/08/2016).

Nguồn: Di sản văn hóa, số 3 (56), 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội ở nước ta – Thực trạng và giải pháp
(Tác giả: ThS. Lê Thị Thanh Yến)