Bảo tồn và phát triển MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG trong xây dựng nông thôn mới
1. Dẫn nhập
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước sự tác động của đô thị hoá, nông thôn Việt Nam trong đó có các vùng nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nguy cơ mất dần các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Sự biến đổi văn hoá này diễn ra hết sức phức tạp trên cả hai chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá nhằm giữ gìn những giá trị tốt đẹp nhất trong bản sắc văn hoá Việt, trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với quá trình xây dựng nông thôn mới trong thời kì hội nhập và phát triển ở nước ta nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng là một việc làm không chỉ có ý nghĩa về mặt lí luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Đây là một vấn để khá lí thú không chỉ đặt ra cho các nhà nghiên cứu văn hoá mà còn cho các nhà quản lí xã hội trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và mỗi vùng miền nói riêng.
Song hiểu như thế nào là môi trường văn hoá là điều mà các nhà nghiên cứu văn hoá còn có những ý kiến khác nhau. Vì vậy, việc cần có một cách hiểu cơ bản nhất về khái niệm môi trường văn hoá để làm căn cứ tìm hiểu và xác lập giá trị của nó nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá ấy trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL là một vấn đề cần sự quan tâm, lí giải từ các nhà nghiên cứu.
2. Đi tìm một cách hiểu về môi trường văn hoá
Những năm gần đây thuật ngữ môi trường văn hoá được sử dụng ở nước ta khá nhiều và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều ngành khoa học khác nhau, đặc biệt là văn hoá học. Cũng như khái niệm văn hoá, môi trường văn hoá là một khái niệm mở và có tính đa nghĩa. Tuỳ theo điểm nhìn của người nghiên cứu mà nó được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trong tác phẩm Cơ sở lí luận văn hoá Mác – Lê nin do A.I Ác môn đốp (Chủ biên), các tác giả cho rằng: “Môi trường văn hoá là một tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, nhờ đó các cá thể tác động lẫn nhau.
Chúng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và sáng tạo giá trị văn hoá, tới nhu cầu tinh thần, hứng thú và định hướng giá trị của họ.” (1) Đinh Xuân Dũng từ góc nhìn về mối quan hệ của việc xây dựng môi trường văn hoá với sự phát triển của nhân cách và phẩm giá con người thì cho rằng: “Môi trường văn hoá là giới hạn có thể xác định trong mối quan hệ biện chứng giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.” (2) Vì thế, nó tác động và ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách con người cũng như đời sống vật chất và tinh thần của một cộng đồng. Còn Nguyễn Hồng Hà, từ góc nhìn văn hoá đã xác quyết: “Môi trường văn hoá là tổng thể phức hợp các hiện tượng, các giá trị văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể, văn hoá tâm linh, biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội, con người và con người” (3). Và đó cũng là cách nhìn của Nguyễn Phương Lan khi cho rằng: “Môi trường văn hoá là kết quả của những ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân nó,… môi trường văn hoá, theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ không gian văn hoá, chất lượng hoạt động văn hoá của xã hội để tạo nên các giá trị văn hoá, cùng với hệ thống thiết chế văn hoá đảm bảo cho quá trình sáng tạo, phổ biến, tiếp nhận, đánh giá và thưởng thức các giá trị văn hoá của con người.” (4)
Trên cơ sở khảo sát những cách hiểu khác nhau về môi trường văn hoá, Mai Hải Oanh khi bàn về nội hàm của khái niệm môi trường văn hoá cho rằng: “Môi trường văn hoá là tổng hoà các loại điều kiện văn hoá tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể và tác động tới hoạt động của chủ thể. Yếu tố chủ yếu tạo thành môi trường văn hoá là giáo dục, khoa học, kinh tế, văn nghệ, đạo đức, tôn giáo, triết học, tâm lí dân tộc và tập tục truyền thống.” (5)
Như vậy, dù đứng ở góc nhìn nào, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng môi trường văn hoá là một thành tố quan trọng gắn bó mật thiết với môi trường sống của con người. Và theo chúng tôi, môi trường văn hoá là một giá trị trong bản mệnh của cuộc sống, chi phối mọi hoạt động của con người trên cả hai bình diện cơ bản của văn hoá đó là văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần nhưng thiên về yếu tố văn hoá tinh thần. Môi trường văn hoá, vì thế, không chỉ là sản phẩm do con người tạo nên mà còn là một nhân tố trọng yếu tác động đến việc hình thành nhân cách văn hoá của con người, giúp con người tự điều chỉnh hành vi văn hoá của mình nhằm hướng đến các giá trị chân thiện mĩ. Từ hệ quy chiếu này, việc xác lập tiêu chí của vấn đề bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá ở ĐBSCL trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng là một đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn để xây dựng một hệ giá trị văn hoá mới phù hợp với môi trường văn hoá nông thôn trong thời kì công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
3. Định hướng tiêu chí bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá ở ĐBSCL trong xây dựng nông thôn mới
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực nam của đất nước còn được gọi là miền Tây Nam Bộ. Đây là vùng có tiềm lực kinh tế về nhiều mặt mà rõ nhất là kinh tế nông nghiệp. Không những thế, miền Tây Nam Bộ còn là vùng đồng bằng có khả năng phát triển về lĩnh vực du lịch văn hoá đặc biệt là du lịch sinh thái với một hệ thống sinh học vô cùng đa dạng và phong phú. Chính vì vậy, ngày 16/4/2009, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 492/ QĐ – TTg phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đây là một trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ sản đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thuỷ sản của cả nước. Với vị trí chiến lược này, ĐBSCL cũng là một trong những vùng trọng yếu của phong trào xây dựng nông thôn mới mà chính phủ quan tâm chỉ đạo với mục tiêu chủ yếu là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lí, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (6). Mục tiêu này đã cho thấy việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có tầm chiến lược của sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Vì thế, trên cơ sở mục tiêu chung, chính phủ đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2015 phải có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới) và năm 2020 là 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Như vậy, công cuộc xây dựng nông thôn mới là một cú hích quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn ĐBSCL nói riêng theo hướng hiện đại hoá. Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ của việc xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là: tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn, giữ gìn và phát huy nét văn hoá bản sắc của nông thôn Việt Nam.
Thực hiện đường lối của Đảng, trong thời gian qua việc xây dựng nông thôn mới của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đã thu được những thành tựu đáng kể trên nhiều phương diện của đời sống xã hội trong đó có việc xây dựng môi trường văn hoá mà tiêu biểu ở các địa phương như: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau,… Những thành tựu này đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chính vì vậy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ưowng 5 khoá VIII có thể nói các địa phương ở ĐBSCL đã cơ bản thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu để vươn lên sánh vai cùng với các vùng miền trong cả nước. Cụ thể: “năm 2012, toàn vùng đã có 87,02% hộ được công nhận gia đình văn hoá và 95,5% cơ quan, doanh nghiệp có đời sống văn hoá tốt” (7). Việc xây dựng môi trường văn hoá cũng được quan tâm thể hiện ở sự đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá phục vụ cho đời sống tinh thần của nhân dân không chỉ ở đô thị mà ở cả nông thôn. Vì vậy, trong những năm qua cùng với việc phát triển các mục tiêu kinh tế xã hội, các tỉnh thành ở ĐBSCL “cũng đã đầu tư trên 1.600 tỉ đồng xây dựng các khu vui chơi giải trí gắn với việc phát triển văn hoá du lịch như Hậu Giang đầu tư 189 tỉ đồng xây dựng Công viên Xà No, Công viên Hoà Bình Hồ Sen, Khu liên hợp thể thao, Nhà thi đấu đa năng, Thư viện, Cụm tượng đài chiến thắng 75, Công viên chiến thắng, Khu du lịch sinh thái vườn tràm Vị Thuỷ,… Tỉnh Kiên Giang xây Công viên văn hoá 400 tỉ đồng, Khu du lịch Phú Quốc. Ngoài ra, các tỉnh khác trong vùng như Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang,… cũng xây dựng nhiều công trình văn hoá và phát triển đúng định hướng của Đảng trong việc phát triển văn hoá gắn với kinh tế. Nhiều di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hoá, trong đó có gần 100 di tích cấp quốc gia và hàng trăm di tích cấp tỉnh đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” (8). Nhiều khu du lịch ở các tỉnh thành trong vùng trở thành những địa chỉ du lịch gắn với các giá trị lịch sử, văn hoá hoặc du lịch sinh thái miệt vườn gắn với phong tục tập quán, với môi trường sông nước, vốn là một đặc sản văn hoá nông thôn của vùng ĐBSCL đã trở thành một thế mạnh có sức hấp dẫn, những điểm đến lí tưởng mời gọi du khách. Chính điều này đã khẳng định sự vượt trội của môi trường văn hoá ở nông thôn của các tỉnh ĐBSCL trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nói trên, môi trường văn hoá ở các tỉnh ĐBSCL trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng còn có một số mặt hạn chế như: “sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá còn tương đối lớn,… môi trường văn hoá truyền thống, môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm và huỷ hoại nghiêm trọng. Văn hoá phát triển chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Chưa tạo ra được liên kết vùng về văn hoá, lễ hội,… Tư duy văn hoá chậm đổi mới so với tư duy kinh tế; một số Đảng bộ và chính quyền địa phương chưa coi trọng phát triển văn hoá. Các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học, công nghệ,… còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường văn hoá thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc. Các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập các sản phẩm độc hại đang làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại. Đặc biệt, là bạo lực (gia đình, học đường, khu phố,…) đang diễn ra và có chiều hướng lan rộng, các tiêu cực xã hội khác đang len lỏi vào vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong vùng ĐBSCL” (9). Và những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh ĐBSCL, một vùng đất mà việc giao lưu và tiếp biến văn hoá luôn phát triển theo hướng mở. Vì thế, việc xây dựng một hệ giá trị văn hoá chuẩn làm tiêu chí cho việc bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá ở nông thôn ĐBSCL là một vấn đề không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về thực tiễn như mục tiêu đã nêu trong quyết định phê duyệt chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020 của Chính phủ, đó là: “Hướng mọi hoạt động văn hoá vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình, lối sống văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hoá trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hoá và xây dựng môi trường văn hoá với vấn để hình thành nhân cách” (10).
Từ mục tiêu này, ta thấy môi trường văn hoá ở ĐBSCL trong quá trình xây dựng nông thôn mới không thể tách rời môi trường sống của con người ở đây. Đó là môi trường tự nhiên với một địa hình có ba đặc điểm nổi bật: là “vùng đồng bằng phù sa ngọt lớn nhất nước, có độ cao trung bình thấp nhất nước, có tính sông nước đậm đặc” (11). Với đặc điểm về địa lí như thế, nên nông thôn miền Tây Nam Bộ “có ba đặc trưng cơ bản: Tính hoà hợp cao với tự nhiên; tính cộng đồng thấp (trong khi tính dân chủ cao); và tính mở. Cả ba đặc trưng ấy đều chịu sự chi phối của một đặc điểm chung mang tính bao trùm là điều kiện tự nhiên quá ưu đãi, trong khi mật độ dân cư thì thưa thớt trong suốt một thời gian dài, tính cạnh tranh của cư dân trong cuộc sống rất thấp” (12). Xuất phát từ một vùng địa – văn hoá như thế nên môi trường văn hoá ở đây là môi trường luôn luôn mở để giao lưu và tiếp biến văn hoá của các vùng miền, các dân tộc trong và ngoài nước, của phương Đông và của cả phương Tây. Vì thế, đây cũng là một vùng đất đa văn hoá, luôn biến đổi theo tinh thần dung hợp để thích nghi và tồn tại,… Lịch sử phát triển hàng trăm năm của vùng đất miền Tây cùng với sự tồn sinh của nó đã là một minh chứng hùng hồn cho đặc điểm của vùng văn hoá đa dạng và phong phú này. Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vùng đất này tự nó sẽ hình thành một môi trường văn hoá với những đặc trưng mang tính khu biệt với các vùng văn hoá khác trong cả nước kể cả vùng văn hoá Đông Nam Bộ. Bởi thế, đã có ý kiến của một số nhà khoa học đề xuất xem “Tây Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hoá” (13) để từ đó cần khu biệt rõ “Tính cách văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong quan hệ với các hệ thống tính cách văn hoá vùng / miền Việt Nam” (14) không nên xếp chung vào vùng văn hoá Nam Bộ như xưa nay vẫn quan niệm. Vì vậy, việc định hướng tiêu chí xác lập môi trường văn hoá ở ĐBSCL để bảo tồn và phát triển trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo chúng tôi cần mang những đặc điểm của vùng văn hoá Tây Nam Bộ trong mối quan hệ có tính khu biệt với văn hoá của các vùng miền trong cả nước và cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Thứ nhất, Cần bảo đảm những tiêu chí cơ bản của việc xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước do chính phủ ban hành để xây dựng một bộ mặt nông thôn hiện đại nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến những đặc trưng của vùng văn hoá Tây Nam Bộ từ góc nhìn địa – văn hoá để từ đó xác lập những tiêu chí về môi trường văn hoá trong quá trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với những đặc trưng của vùng đất này.
Thứ hai, Bên cạnh việc hiện đại hoá nông thôn theo những tiêu chí của việc xây dựng môi trường văn hoá nông thôn mới cần lưu ý đến vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của nông thôn làng xã ngày xưa mang đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ cũng như quan tâm đến đặc trưng văn hoá của từng tộc người, từng địa phương,… thông qua các cộng đồng làng xã. Cụ thể:
Song song với việc xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn hiện đại trên bộ cũng cần chú ý đến việc bảo tồn và phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ vốn là một đặc trưng của vùng văn hoá sông nước. Và cùng với hệ thống giao thông đường thuỷ đã mặc nhiên hình thành một hình thức buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền đó là các chợ nổi trên sông nước miền Tây. Đây cũng là một “đặc sản” thể hiện bản sắc văn hoá của cư dân Tây Nam Bộ góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá dân tộc mà không phải trên thế giới nơi nào cũng có. Vì vậy, việc bảo tồn bằng mọi giá các chợ nổi, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn bảo tồn tính bản nguyên của môi trường văn hoá Tây Nam Bộ – một điều mà nếu chúng ta không ý thức giữ gìn và phát huy thì chắc chắn sẽ mai một dần và có thể mất đi trước xu hướng đô thị hoá và toàn cầu hoá hôm nay.
Việc xoá bỏ cầu khỉ thay bằng cầu xi măng cốt thép là cần thiết để có một môi trường văn hoá nông thôn hiện đại nhưng cũng cần bảo tồn hiện trạng một số cầu khỉ với nhiều dáng vẻ và kiến trúc khác nhau, bởi đây là một điểm nhấn văn hoá độc đáo phục vụ cho việc phát triển du lịch mang đặc trưng văn hoá của vùng sông nước miền Tây và cũng là biểu tượng văn hoá thể hiện bản sắc văn hoá của vùng ĐBSCL. Chúng ta thử hình dung, nếu các nhà nghiên cứu văn hoá cũng như du khách đến ĐBSCL mà không còn nhìn thấy chiếc cầu khỉ nào bắc qua các kênh rạch kết nối các xóm ấp với nhau, thì làm sao hiểu được vẻ đẹp của môi trường văn hoá sông nước miền Tây và thấu cảm được sự chênh vênh của số phận những lưu dân qua câu ca dao đầy ám gợi:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
Mặt khác, bên cạnh việc xây dựng những thiết chế văn hoá theo tiêu chí xây dựng môi trường văn hoá của quá trình xây dựng nông thôn mới như nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí, các di tích lịch sử cách mạng,… mang tính hiện đại cũng cần bảo tồn và phát triển các thiết chế văn hoá truyền thống ở nông thôn làng xã từ xưa như: Đình làng, miếu mạo, chùa chiền, nhà thờ họ, nơi thờ tự của các tôn giáo, tín ngưỡng,… vốn đã gắn bó lâu đời với đời sống văn hoá tâm linh của các cư dân trong những ngày đầu mở cõi. Và phải xem đây là những bảo tàng sống của bản sắc văn hoá Việt Nam cần được bảo tồn.
Thứ ba, Phải quan tâm đến những đặc trưng văn hoá của nông thôn làng xã như: tính tự trị, tính cộng đồng, hình thức tổ chức làng xã, gia đình, dòng họ, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, các lễ hội, các làng nghề truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian,… được hình thành trong quá trình định cư theo cộng đồng (làng, xã) từ lâu đời, cũng như ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Cụ thể:
Bên cạnh việc xây dựng những tiêu chí của môi trường văn hoá nông thôn mới phù hợp với cuộc sống hiện đại cũng cần phải bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán vốn là những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của nông thôn làng xã ngày xưa đã tạo nên những đức tính tốt đẹp trong nhân cách văn hoá của người nông dân mà đang có nguy cơ mất dần trước những tác động của đời sống hiện đại trong quá trình toàn cầu hoá và đô thị hoá.
Bên cạnh việc hình thành những sinh hoạt văn hoá văn nghệ, lễ hội mang tính hiện đại theo yêu cầu của việc xây dựng môi trường văn hoá của nông thôn mới cũng cần phải bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các tộc người, các sinh hoạt văn hoá văn nghệ cổ truyền vốn là thế mạnh của văn hoá Tây Nam Bộ như sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, các làn điệu dân ca mang điệu hồn văn hoá phương Nam,… để làm thế nào tạo lập một môi trường văn hoá hiện đại mà vẫn truyền thống và truyền thống mà vẫn hiện đại.
Thứ tư, Phải quan tâm đến sự biến đổi văn hoá đang diễn ra ở nông thôn ĐBSCL hiện nay. Đó là một nông thôn đang chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Trong xu hướng toàn cầu hoá, với những tác động của khoa học kĩ thuật và công nghệ hiện đại mà rõ nhất là internet, môi trường văn hoá ở nông thôn trong cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng luôn biến đổi và đã hình thành một diện mạo mới, tính chất mới mà nếu không có sự định hướng đúng đắn thì bộ mặt văn hoá của nông thôn sẽ biến dạng và không còn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống nữa. Và đây chính là điều cần cảnh báo trong quá trình xây dựng môi trường văn hoá ở nông thôn mới không chỉ với các địa phương ở ĐBSCL mà còn với tất cả các vùng miền trên cả nước. Có làm được những điều này thì chúng ta mới có cơ may bảo tồn và phát triển được bản sắc văn hoá Việt nói chung và văn hoá ĐBSCL nói riêng trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng như quá trình toàn cầu hoá hiện nay.
4. Kết luận
Bản sắc văn hoá ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc bao giờ cũng được đo bằng sự khác biệt, sự độc đáo trong bản sắc văn hoá của nó. Một nền văn hoá không có bản sắc riêng là nền văn hoá chết. Vì vậy, một dân tộc không lưu giữ cho mình những kí ức văn hoá với những bản sắc riêng thì sự tồn sinh của dân tộc đó sẽ bị đe doạ nếu không muốn nói là sẽ đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Đối với vùng văn hoá miền Tây Nam Bộ điều ấy lại càng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi tính mở, tính đa văn hoá và tính biến đổi liên tục của vùng văn hoá này như đã nói ở trên. Thế nên, việc xác lập môi trường văn hoá trên cơ sở vừa tiếp nhận những giá trị văn hoá hiện đại trong tiêu chí của việc xây dựng nông thôn mới vừa bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống là một định hướng quan trọng và cần thiết của việc xây dựng môi trường văn hoá trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL trong hiện tại và tương lai. Có làm được như thế thì “các giá trị văn hoá mới thấm sâu vào mọi mặt đời sống,…” như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định.
Phải chăng đây cũng là một trong những định hướng cơ bản để xác lập hệ giá trị của việc bảo tồn và phát triển môi trường văn hoá trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung trong thời kì công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước nhằm giữ vững “dòng sinh mệnh văn hoá” dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá của thời kì hội nhập và phát triển.
Chú thích:
(1) A.I Ác môn đốp (Chủ biên), Cơ sở lí luận văn hoá Mác – Lê nin, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1981, tr. 75.
(2) Đinh Xuân Dũng, Xây dựng môi trường văn hoá – một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Hà Nội, 2004, tr. 23.
(3) Nguyễn Hồng Hà, Môi trường văn hoá với việc xây dựng lối sống con người Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 20.
(4) Nguyễn Phương Lan, Môi trường văn hoá với việc xây dựng nhân cách và lối sống, Văn hoá nghệ thuật số 329, tháng 11-2011, tr. 9.
(5) Mai Hải Oanh, Bàn về môi trường văn hoá, VHNT số 334/ tháng 4/2012, tr. 7, 8.
(6) Quyết định phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”.
(7), (8), (9) Võ Thanh Hùng, Mối quan hệ giữa kinh tế trong văn hoá và văn hoá trong kinh tế qua thực hiện nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (trường hợp ĐBSCL), Kỉ yếu Hội thảo khoa học, “Mối quan hệ kinh tế trong văn hoá và văn hoá trong kinh tế qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII” (Đại học Văn hoá TP Hồ Chí Minh tổ chức); NXB Lao động, Hà Nội, 2013, tr.216, 218.
(10) Quyết định số 581/QĐ – TTg ngày 06/05 /2009 về phê duyệt chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020.
(11), (12) Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2013, tr. 69-70, tr. 180.
(13) Đinh Thị Dung, Tây Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hoá và các tiểu vùng của nó; (14) Trần Ngọc Thêm, Tính cách văn hoá vùng Tây Nam Bộ trong quan hệ với các hệ thống tính cách văn hoá vùng / miền Việt Nam, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học “Văn hoá phi vật thể người Việt Tây Nam Bộ”, VHNT và Khoa Văn hoá học, Trường ĐHKH và NV – ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức tháng 12/ 2010.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Hội Nhà văn, 2000.
2. Nguyễn Công Bình – Lê Xuân Diệm – Mạc Đường, Văn hoá và cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.
3. Đinh Xuân Dũng (chủ biên), Xây dựng môi trường văn hoá: một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Hà Nội, 2004.
4. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005.
5. Nguyễn Văn Đường, Lược khảo phong tục miền Nam, Tiểu luận cao học, Đại học Văn khoa Sài Gòn, 1973.
6. Nguyễn Hồng Hà, Môi trường văn hoá với việc xây dựng lối sống con người Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2005.
7. Gerald C. Hickey (với sự cộng tác của Bùi Quang Đa), Nghiên cứu một cộng đồng thôn xã Việt Nam – Xã hội học, (Võ Hồng Phúc dịch), Phái đoàn Cố vấn Đại học đường, tiểu bang Michigan tại Việt Nam, Sài Gòn, 1960.
8. John kleinen, Làng Việt, đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, NXB Lao động, Hà Nội, 2013.
9. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985.
10. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh 2013.
TRẦN HOÀI ANH 1
_________
1. TS, Trường Đại học Văn hoá TP Hồ Chí Minh.