Bệ thờ Đồng Dương tác phẩm điêu khắc Lalitavistara của nghệ thuật Chămpa (Phần 2: Hoạt cảnh phù điêu phật giáng trần và đản sinh)
Tác giả bài viết: NGÔ VĂN DOANH
ĐỒNG DƯƠNG ALTAR-A LALITAVISTARA SCULPTURE OF CHAMPA ART
(Part II: Embossed scenes of the Buddha descending on earth and being born)
TÓM TẮT
Bệ thờ Đồng Dương là công trình nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, mặt đứng chạm những phù điêu mô tả về nội dung của văn bản Lalitavistara. Mặc dầu chịu nhiều hạn chế về số lượng và diện tích nhỏ (so với đền Borobudua ở Inđônêxia), các hình phù điêu ở Đồng Dương vẫn chạm khắc được đầy đủ những sự kiện chính trong cuộc đời đức Phật từ lúc Ngài giáng trần và sinh ra cho đến khi Ngài đắc đạo và chuyển Pháp luân. Trong bài này, tác giả phân tích hình chạm mặt phía Đông của đài thờ, đây là giai đoạn Phật Giáng trần và Đản sinh.
Từ khóa: Bệ thờ Đồng Dương, văn bản Lalitavistara, đạo quân Mara, nàng Gopa.
ABSTRACT
The Đồng Dương altar is a work of Buddhist sculpture whose vertical faces are decorated with embossed scenes describing the contents of the Lalitavistara writings. Despite limitations in quantity and surface area (compared to those in the Borobudua Temple in Indonesia), the embossed scenes in Đồng Dương are still able to portray fully the main events in the life of the Buddha, from his descending on earth and being born to his getting enlightened and turning the Wheel of Dharma (preaching). In this article, the author presents an analysis of the embossed scenes of the Buddha descending on earth and being born, which are found on the eastern face of the altar.
Keywords: Đồng Dương altar, Lalitavistara writings, Mara army, Miss Gopa.
x
x x
Trong sáu hình phù điêu đã được giải mã và được chấp nhận, thì, ba cảnh mà chúng tôi đã phân tích là những cảnh dễ nhận thấy hơn cả vì ở mỗi cảnh đều có những hình ảnh rất đặc thù cho từng sự kiện là cây Asoka, con ngựa Kanthaka và cảnh cắt tóc. Do không có được những hình ảnh đặc thù, nên các cảnh trí của ba hình phù điêu đã được giải mã còn lại chưa diễn đạt được một cách thuyết phục những nội dung mà mình thể hiện. Hơn thế nữa, cả ba hình phù điêu này đều nằm trong hai panô A và B liền nhau và nằm trọn vẹn trong nhóm điêu khắc ở nửa bên phải (nửa giáp với án thờ phía Tây) của mặt phía Nam của bệ thờ. Ba cảnh đã được giải mã và được chấp nhận đó là: 1. Những cô con gái của Mara ở ô vuông bên dưới của panô A; 2. Cuộc thi bắn cung giữa hoàng tử Siddhartha cùng những người cầu hôn nàng Gopa ở hàng trên cùng của panô B; và 3. Đạo quân Mara ở hàng dưới cùng của panô B. Thật đặc biệt và lý thú là, trong ba cảnh trí đã được giải mã và được chấp nhận trên, thì có đến hai cảnh nói về sự kiện Mara tấn công và quấy phá cuộc trầm tư dẫn đến sự giác ngộ và thành Phật của Bồ Tát. Hơn thế nữa, hai hình phù điêu này thể hiện khá rõ những nội dung cần thể hiện.
Theo chúng tôi, như các nhà nghiên cứu đã nhận xét, có thể đễ dàng chấp nhận cảnh thể hiện ba nữ chiến binh cầm giáo và một người phụ nữ đội mũ trụ, đưa cao một vật gì trong tay ở ô vuông bên dưới của panô A là sự mô tả những người con gái của Mara. Hơn thế nữa, văn bản Lalitavistara kể rõ rằng, lo sợ trước việc mình sẽ mất quyền lực nếu đức Bồ Tát giác ngộ thành Phật, Mara (vị chúa tể của cám dỗ, ác độc và chết chóc), tìm gặp ngay ba cô con gái xinh đẹp của mình là Rati (nghĩa là khát khao ái tình), Priti (nghĩa là niềm say mê của đàn ông) và Trishni (nghĩa là khoái lạc ái tình) để tìm cách đánh bại đức Phật tương lai đang ngồi trầm tư suy ngẫm dưới gốc cây Bồ Đề.
Hàng điêu khắc dưới cùng của panô B, mà, theo các nhà nghiên cứu là thể hiện đạo quân Mara, là cả một cảnh trí lớn và phức tạp. Theo mô tả và nhận xét của H.Parmentier, panô B ở dưới này dường như diễn tả cuộc xua đuổi và gồm hai phần: phần trên panô C (mặt chính diện của cầu thang phía Nam) thể hiện một người ngồi và dường như bị người đứng bên trên vật ngã xuống. Người này cầm ở tay trái một cái cọc hoặc một cây cung, và ở tay phải một vũ khí gì đó. Ngay ở góc là hình một con voi đã bị vỡ nát nhiều chỗ. Trên đầu con voi, có một người ngồi, ngửa người ra đằng sau, cánh tay đưa lên đầu. Tiếp đến là cảnh mười bảy chiến binh được thể hiện đầu chồng lên nhau từng đôi một, cầm những cái mộc dài và trang bị giáo. Theo chúng tôi, nếu đối chiếu với những ghi chép của Lalitavistara, thì không chỉ hàng dưới cùng này, mà cả hai hàng bên trên của panô B cũng có thể được xác định là những cảnh mô tả đạo quân của Mara.
Như chúng tôi đã trình bày ở bên trên, cho đến nay, hàng điêu khắc trên cùng của panô B vẫn được thừa nhận là thể hiện cảnh hoàng tử Siddhartha thi bắn cung cùng những người cầu hôn nàng Gopa. Thế nhưng, theo chúng tôi, chi tiết người cầm cây cung ở đây chưa thật nổi bật và chưa thật phù hợp với cảnh thi bắn cung mà văn bản hay bức phù điêu ở Borobudur mô tả. Lalitavistara kể rằng, đến mục thi bắn cung, hoàng tử dùng cây cung cổ xưa khổng lồ của ông mình đang được cất giữ trong đền thờ. Chàng giương cung, bắn mũi tên bay ra, xuyên qua bẩy cây to và nhiều mục tiêu khác. Trong khi đó, thì, như mô tả và cảm nhận của H.Parmentier, hàng phù điêu này dường như thể hiện những cảnh liên quan đến quân sự. Có thể nhận thấy hình một chiến binh cầm đứng một cái cung và năm người tù binh mà anh ta trông giữ đang đứng khoanh tay trước ngực. Phía sau người chiến bình là một đoàn tùy tùng ba người cầm các vật dụng, như lọng ô, ống nhổ và một vật gì không rõ, và hai người tù binh nữa đứng khoanh tay. Theo chúng tôi, cảnh “liên quan đến quân sự” này của panô B sẽ phù hợp hơn, nếu được gắn với chủ đề về đạo quân Mara. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, có một sự liên hệ giữa người chiến binh cầm đứng cây cung của panô với người cưỡi voi bắn cung ở ô vuông bên trên của panô A, mà như H.Parmentier phán đoán là thể hiện một vị vua trên bành voi giương cung bắn về phía tây (hướng về phía bức tường và án thờ phía sau) cùng ba người, một người ngồi trên lưng voi, hai người ló đầu ra ở phía sau và một người vung gươm đứng trước con voi. Với những phân tích và so sánh trên, chúng tôi cho rằng, cả người cầm cây cung ở panô B và người bắn cung ở panô A, rất có thể, đều là quỷ vương Mara. Còn lại, bức phù điêu cuối cùng của nhóm, tức hàng điêu khắc giữa của panô B mô tả một cảnh mà H.Parmentier cho là cảnh khải hoàn, gồm một nhân vật trung tâm đứng tay buông thõng cùng một người khác đứng khoanh tay ở đằng sau, một số tù binh(?) khoanh tay và trông như bị trói, theo chúng tôi cũng có thể là một, như cảnh về đạo quân của Mara.
Như vậy là, theo chúng tôi, nhóm các phù điêu bên phải cầu thang phía Nam tập trung mô tả sự kiện đạo quân và những cô con gái của Mara quấy phá cuộc trầm tư vĩ đại của đức Gautama dưới gốc cây Bồ Đề, một trong những chủ đề quan trọng về cuộc đời của Phật. Chủ đề hay sự kiện này đã được mô tả trong Lalitavistara và trên rất nhiều tác phẩm điêu khắc Phật giáo trên thế giới. Văn bản Lalitavistara kể rằng, sau khi gặp ba cô con gái xinh đẹp (về ba cô con gái, chúng tôi đã đề cập tới bên trên), để buộc đức Gautama từ bỏ lời nguyền ngồi trầm tư cho đến khi giác ngộ mới thôi, Mara đe dọa bằng bắn một mũi tên chết người vào Ngài. Thế nhưng, mũi tên không đâm được vào người Gautama. Hơn thế nữa, đức Gautama còn không hề bị ba cô gái xinh đẹp của Mara hấp dẫn và lung lạc. Tức giận và bất lực, Mara bèn huy động cả đạo quân khủng khiếp của mình đến quấy phá. Thế nhưng, tất cả mọi cố gắng của Mara đều thất bại.
Nếu đúng như trật tự đã được mô tả trong Lalitavistara, thì, trước khi đức Bồ Tát đến cây Bồ Đề ngồi trầm tư và bị Mara tấn công, đã diễn ra một số sự kiện quan trọng mà các tác phẩm điêu khắc Phật giáo trên thế giới thường mô tả khá chi tiết và sinh động. Đó là việc đức Bồ Tát thay đổi hoàn toàn cách tu tập. Lalitavistara kể rằng, sau những tu hành khổ hạnh không thành công, đức Bồ Tát quyết định không ăn chay ép xác nữa. Biết tin, những cô gái quê của một làng gần đó đã đem đồ ăn dâng lên Bồ Tát, và, cô Sujata, con gái vị trưởng làng, mời Bồ Tát về nhà mình. Tại nhà, cô gái cùng những người phụ nữ khác nấu nướng và đãi Bồ Tát một bữa ăn gia đình. Sau đấy, đức Bồ Tát nhận chiếc bát vàng đựng thức ăn mà cô gái Sujata dâng cho, rồi đi ra sông Nairanjana tắm gội. Tắm gội xong, trước khi đến gốc cây Bồ Đề ngồi trầm tư, Ngài ăn hết những thức ăn mà cô gái Sujata dâng cho trong chiếc bát vàng. Ở Borobudur, có tới bốn hình phù điêu mô tả những sự việc trên: 1. Những cô gái làng dâng thức ăn cho Bồ Tát; 2. Sujata dâng những thức ăn mà những người phụ nữ trong nhà tự nấu nướng lên mời Bồ Tát; 3. Bồ Tát nhận chiếc bát đựng thức ăn của Sujata; 4. Sau khi tắm gội, Bồ Tát ăn nốt những thức ăn trong bát và ném cái bát vàng xuống sông.
Theo phân tích của chúng tôi, toàn bộ những hình phù điêu thuộc nửa bên trái cầu thang phía Nam gồm ba hàng phù điêu của panô D và hai phù điêu trong hai ô vuông của panô E tập trung mô tả những cảnh trước khi đức Bồ Tát đến bên gốc cây Bồ Đề ngồi trầm tư. Theo mô tả và nhận xét của H.Parmentier, ở panô D, hàng trên cùng thể hiện cảnh nhận lễ phẩm do những người đàn bà dâng lên. Nhân vật chính đưa bàn tay phải đặt lên vật phẩm do một người đàn bà đang quỳ gối dâng lên. Đằng sau nhân vật nhận vật phẩm này là hai người đàn ông, một người mang ống nhổ và một người cầm vật gì đó. Nhóm ba người như vậy được thể hiện lặp lại ba lần nữa tiếp sau nhóm đầu. Ba người đàn bà khác phía sau người đàn bà dâng lễ dường như cũng tham gia vào cuộc dâng lễ phẩm. Theo chúng tôi, nếu đối chiếu với văn bản cũng như với hình phù điêu thể hiện cùng chủ đề ở Borobudur, thì có thể dễ dàng nhận thấy hàng phù điêu trên cùng này của panô D thể hiện cảnh những cô gái dâng đồ ăn lên cho Bồ Tát. Hai hàng phù điêu bên dưới của panô D cũng mô tả những cảnh đông người. Ở hàng phù điêu giữa, có hai hoặc ba cảnh kế tiếp nhau: Cảnh 1 gồm một nhân vật chính là đàn ông đứng nghiêng mình (thân người đã vỡ), một nô tỳ (?) cầm lọng che, sáu người quỳ; cảnh hai gồm một nhân vật chính trông như đàn ông ngồi trên một cái ghế thấp, một người khác quỳ trước mặt, những người hầu cầm quạt, ống nhổ… Còn ở hàng phù điêu dưới cùng, là hình ảnh những người phụ nữ trong những tư thế và công việc khác nhau. Với sự xuất hiện khá nhiều những nhân vật là phụ nữ bên cạnh nhân vật chính là một người đàn ông, chúng tôi nghĩ, hai hàng phù điêu ở giữa và ở dưới của panô D mô tả tiếp những cảnh Bồ Tát được cô con gái trưởng làng mời về nhà và được những người phụ nữ trong nhà tiếp đón.
Như thường lệ, hai hình phù điêu của panô E thể hiện những cảnh với sự xuất hiện của ít nhân vật. Trong ô vuông phía trên, nhân vật chính là một người đàn ông ngồi chống chân trên một cái ghế có hình trang trí và được che trên đầu bằng một cái ô có ba mũi nhọn, còn những nhân vật phụ khác đều là phụ nữ và được thể hiện nhỏ hơn. Trong số các phụ nữ này, có một người quỳ trước mặt người đàn ông. Có thể không khó để nhận thấy, cảnh mà panô E thể hiện có những chi tiết chủ yếu, như có hình người đàn ông ngồi trên một chiếc bệ và một số hình người phụ nữ ngồi chắp tay ở phía trước, giống với bức phù điêu của Borobudur thể hiện cảnh Bồ Tát ăn bữa cuối cùng trước khi đi đến cây Bồ Đề. Do vậy, chúng tôi cho rằng, hình phù điêu này của chiếc bệ Đồng Dương thể hiện cùng một cảnh trí như của Borobudur. Xét trong mối tương quan chung, thì, về mặt hình thức, có thể dễ dàng nhận thấy sự gắn kết giữa hình ảnh bốn người phụ nữ đứng và ngồi trong ô vuông bên dưới của panô E với chủ đề thể hiện chung của 4/5 hình điêu khắc đã được xác định. Tuy khó xác định cụ thể là cảnh trí gì, nhưng, có thể đoán đây là cảnh những người phụ nữ quê cùng cô gái Sujata tham gia vào những công việc đón tiếp và chăm sóc đức Bồ Tát.
Như vậy, cũng như ở mặt phía Bắc, hai nhóm điêu khắc mặt phía Nam của bệ thờ cũng tập trung mô tả hai sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Phật Thích Ca. Thế nhưng, nếu hai sự kiện được mô tả ở mặt phía Bắc là hai sự kiện cuối của phần đời trước khi bước vào con đường tu hành của Bồ Tát là lấy vợ và xuất gia; thì hai sự kiện của mặt Nam, mà chúng tôi vừa phân tích ở trên, lại là hai sự kiện sau cùng của cuộc đời tu hành Ngài là thay đổi cách tu hành và chiến thắng đạo quân Mara.
Một trong số các hình chạm khắc trên bệ Đồng Dương đã được xác định và không gây ra một nghi ngờ nào cả là cảnh được thể hiện trong ô vuông bên dưới của panô J (bên trái lan can trái của cầu thang) trên mặt chính phía Đông của bệ thờ. Panô J có hai cảnh trong hai ô vuông: cảnh J bên trên thể hiện một người đàn ông ngồi trầm tư chống tay trên một cái ghế và một người đàn bà quỳ, khoanh tay ở phía trước. Phía sau, có thể là ba người hầu của hai người ngồi và quỳ. Cảnh bên dưới thể hiện một người phụ nữ đang đứng dưới gốc cây hái lộc cùng với ba nữ tỳ theo hầu, người nữ tỳ đứng cuối cầm ô che. Đúng là, nếu so sánh với nội dung của văn bản, cũng như những hình điêu khắc đã được biết đến ở Borobudur và ở các di tích Phật giáo khác, thì cảnh Phật Đản sinh của Đồng Dương đơn giản cả về số lượng các nhân vật, lẫn về cấu trúc. Ở cảnh Phật Đản sinh của Đồng Dương, như các nhà nghiên cứu đã nhận xét, không chỉ không có hình Phật sơ sinh và các vị thần Indra và Brahma, mà hình của nhân vật chính lại đứng lệch hẳn sang một bên. Thế nhưng, chỉ hình ảnh cái cây với người phụ nữ đưa một tay lên cầm vào cành cây (hay “hái lộc”) thôi đã đủ gợi đến cảnh hoàng hậu Maya sinh hạ đức Phật tương lai ở vườn Lumbini rồi.
Nếu đối chiếu với nội dung văn bản Lalitavistara cũng như các phù điêu của Borobudur, thì, theo chúng tôi, hình phù điêu thể hiện một người đàn ông ngồi chống tay trên một cái ghế và một người đàn khoanh tay ngồi quỳ ở phía trước trong ô vuông bên trên của panô J có thể là một trong hai cảnh sau: 1. Đức vua đặt tên cho người con trai của mình là Siddhartha; 2. Gautami, em gái của hoàng hậu Maya, trở thành bảo mẫu của hoàng tử. Chúng tôi cho rằng, nội dung thứ hai, tức sự việc bà Gautami trở thành bảo mẫu của hoàng tử, hợp hơn với cảnh trí ở ô vuông bên trên. Ở Borobudur, hai cảnh trên xuất hiện ngay kế bên cảnh đức Phật Đản sinh.
Còn theo trật tự diễn tiến các sự kiện về cuộc đời đức Phật mà văn bản Lalitavistara ghi lại, thì những cảnh trí phía trước ở lan can phía Bắc của cầu thang chính phía Đông phải gắn với những sự việc trước khi đức Phật Đản sinh ở vườn Lumbini. Theo như văn bản cũng như những hình phù điêu ở Borobudur, thì, sau khi mơ thấy voi trắng nhập vào mình, Hoàng hậu Maya cho báo với nhà vua là Bà muốn nhà vua đến vườn cây Asoka để Bà nói về giấc mơ huyền diệu của mình. Ở Borobudur, có ba hình phù điêu liên tiếp mô tả ba cảnh: 1. Hoàng hậu cho người thông báo là Bà muốn gặp nhà vua tại vườn cây Asoka; 2. Nhà vua vi hành đến vườn cây Asoka; 3. Hoàng hậu nói cho nhà vua nghe về giấc mơ. Đối chiếu với văn bản và các hình phù điêu của Borobudur, chúng tôi cho rằng ba hàng phù điêu của lan can phía Bắc của cầu thang phía Đông cũng mô tả ba cảnh trên. Hàng điêu khắc dưới cùng thể hiện nhà vua với bàn tay phải giơ lên cao đứng dưới hai chiếc lọng ô do hai người nữ tỳ cầm giữ cùng những người hầu khác đứng hai bên là cảnh nhà vua nhận được thông báo. Hàng điêu khắc ở giữa, như mô tả của H.Parmentier, thể hiện một cuộc du hành của nhà vua, rõ ràng là cảnh nhà vua Suddohana trên đường đến vườn cây Asoka. Cả hai cảnh bên dưới này được thể hiện gắn liền với hình con voi lớn phía trước: toàn bộ thân hình con voi chiếm gần nửa phía trước của hàng điêu khắc dưới; còn những người cưỡi voi thì lại là của hàng bên trên. Không biết có sự trùng hợp gì không, mà trong cảnh du hành của nhà vua ở Borobudur, hình con voi cũng rất lớn và chiếm đến hơn một phần ba bề mặt hình phù điêu. Còn hàng phù điêu độc lập (không có gắn kết gì về mặt tạo hình với hàng phù điêu bên dưới) trên cùng thể hiện những người đàn ông và đàn bà ngồi, trong đó, hai nhân vật chính là một một người đàn ông và một người đàn bà đang trò chuyện, theo chúng tôi, chính là cảnh Hoàng hậu Maya kể cho nhà vua Suddohana về giấc mơ của mình.
Như vậy là, theo chúng tôi, nhóm phù điêu nửa phía Bắc hay nửa bên trái mặt phía Đông của chiếc bệ thể hiện những sự kiện chính về sự ra đời của đức Phật. Về một trong những sự kiện vĩ đại nhất này trong cuộc đời Đức Phật, Lalitavistara kể rằng, sau khi nằm mơ thấy voi trắng nhập vào mình, Hoàng hậu Maya quyết định đến rừng cây Asoka. Sau khi đến nơi, hoàng hậu cho người đi báo là muốn gặp đức vua tại khu vườn để kể cho ngài nghe về giấc mơ. Lập tức, vua Suddohana lên đường đến rừng cây Asoka. Tại đây, hoàng hậu kể lại giấc mơ của mình cho nhà vua nghe và muốn nhà vua mời các nhà thông thái đến để đoán lành dữ ra sao. Những sự việc trên được thể hiện trên ba hàng phù điêu của lan can. Còn hai ô vuông phù điêu kế bên thì, như chúng tôi đã phân tích, minh họa sự kiện quan trọng cuối cùng tw wrong chuỗi những sự kiện về Phật Đản sinh. Về sự kiện này, Lalitavistara kể tiếp, gần đến ngày sinh, Hoàng hậu Maya xin nhà vua cho mình được sinh con trong khu vườn Lumbini. Nhà vua đồng ý và hoàng hậu được đưa đến Lumbini. Tới nơi, Hoàng hậu Maya đi thẳng đến cây Asoka. Cây Asoka ngả một cành xuống cho hoàng hậu vịn tay vào. Và, đức Phật tương lai đã thoát ra từ nách phải người mẹ. Khi Phật vừa ra đời, hai vị thần Indra và Brahma hóa thành hai vị Bàlamôn đến chúc mừng nhà vua. Nhà vua đặt tên cho hoàng tử là Siddhartha. Sau khi sinh hoàng tử được bảy ngày thì hoàng hậu mất, và, bà Gautami, em gái của hoàng hậu, được trao quyền làm bảo mẫu cho người con trai của chị mình.
Nếu đúng theo trật tự như đã diễn ra ở hai mặt bên, thì, theo suy nghĩ của chúng tôi, nhóm phù điêu bên phải của mặt phía Đông của bệ thờ Đồng Dương hẳn là mô tả những cảnh trí xảy ra trước sự kiện Phật Đản sinh. Và, sự kiện vĩ đại trước Đản sinh và cũng là sự kiện đầu tiên trong cuộc đời đức Phật Thích Ca mà Lalitavistara mô tả là cuộc Giáng trần vĩ đại. Những câu chuyện của Lalitavistara kể rằng, trước khi xuống trần gian, đức Phật sống trên bầu trời Tusita. Thế rồi, đến một ngày, cả thế giới vang lên âm thanh của tám mươi tư ngàn chiếc trống và của lời cầu xin Ngài hạ giới giáng sinh xuống trần gian để cứu vớt chúng sinh khỏi vòng sinh tử. Sau khi bàn bạc với các thần, đức Phật quyết định chọn hoàng hậu Maya để nhập vào dưới hình dạng con voi trắng sáu ngà. Sau đấy, ngồi trên chiếc ngai hào quang chói lọi được các chư thần hộ tống vây quanh, đức Phật hạ giới xuống trần gian. Và, để đức Phật khỏi bị bẩn trong mười tháng “người mẹ” mang thai, các thần đã làm một bảo điện trong lòng hoàng hậu Maya để Ngài trụ sứ.
Trong số những hình chạm khắc ở phía bên phải mặt phía Đông này, thì hai hình ngoài cùng panô F mô tả những cảnh trí có nội dung khá rõ ràng. Panô F hay ô vuông bên trên mô tả một nhân vật ngồi trên một cái ghế, buông thõng chân xuống, bàn tay trái đặt lên gối trái, bàn tay phải nâng một cái vò gì đó. Đầu của nhân vật đã vỡ, còn kiểu quần áo dường như biểu thị đây là người đàn ông. Người này ngồi trong một cái ô khám hay vầng hào quang, hai bên, thấy có hai người. Hai người khác ở bên trên trông như đang bay và đang đưa cao những bông hoa. Theo chúng tôi, hình phù điêu này mô tả cảnh Giáng trần với hình ảnh đức Phật ngồi trên chiếc ngai hào quang chói lọi cùng các chư thần hộ tống vây quanh. Còn trong panô F’ ở dưới có bốn hình người nhỏ ngồi, ba người đứng và một con ngựa. Một người cầm cái ống nhổ ở tay phải đưa lên và nhìn con ngựa, một người khác đưa tay trái quàng lấy cổ ngựa, còn bàn tay phải thì nắm lấy bờm, người thứ ba ở đằng sau. Bốn hình người ngồi trông như đàn bà, đầu không đội mũ trụ. Theo nhận xét của chúng tôi, có thể nhận thấy nhân vật hay hình tượng chính ở bức phù điêu bên dưới này chính là con ngựa. Vậy, liệu có khả năng, đây chính là con ngựa Kanthaka trung thành và tận tụy của hoàng tử Siddhartha?. Trong kinh Lalitavistara, có kể rằng, khi Phật Giáng sinh, thì tại trần thế, cũng sinh ra năm trăm người hầu và năm trăm con ngựa để phục vụ Ngài. Trong số những người hầu và ngựa đó, người hầu tốt nhất là Chandaka và con ngựa tốt nhất là Kanthaka. Còn trong nghệ thuật Phật giáo, ví dụ như trong số những tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Gandhara, có hình phù điêu (hiện ở Bảo tàng Quốc gia Karachi, Pakistan) thể hiện cảnh Kanthaka được sinh ra. Trong hình phù điêu Gandhara này, con ngựa mẹ đang được những người phụ nữ vuốt ve chăm sóc, còn con ngựa con thì đang bú mẹ. Từ những đối chiếu và so sánh trên, chúng tôi cho rằng, hình ảnh con ngựa ở ô phù điêu hình vuông bên dưới của panô F’ có nhiều khả năng là hình ảnh con ngựa mẹ chuẩn bị cho ra đời chú ngựa con Kanthaka.
Theo mô tả và nhận xét của H.Parmentier, hàng phù điêu trên cùng trong ba hàng phù điêu của mặt lan can phía Nam của cầu thang chính phía Đông (panô G), dường như diễn tả cuộc du hành của một vị hoàng hậu (không thấy hình vì đã mất) ngồi trên chiếc kiệu do bốn người khiêng; phía trước và phía sau là hình những người phụ nữ đi theo. Panô G’ (hàng phù điêu lan can phía dưới) thể hiện cuộc du hành của nhà vua: nhà vua ở giữa, ngồi, gần như là xếp bằng tròn trên lưng ngựa; ba người hầu cận phía sau (một người đứng khoanh tay, sau lưng có cái phất trần, một người cầm chiếc bình ở tay trái đưa lên ngang đầu và một người cầm quạt); ở phía trước, cạnh đầu con ngựa, là một người hầu cầm phất trần và hai người như đang đi ngược chiều nhau. Panô G’’ (hàng phù điêu lan can dưới cùng), cũng cùng cảnh như G’, hoặc là cảnh đón tiếp: nhà vua ngồi xếp bằng trên ngựa và đặt bàn tay lên đầu ngựa; đằng sau, hai nô tỳ đi theo (một người cầm ống nhổ, một người gập tay trước ngực); phía trước, có ba người, trong đó có một người cầm đuốc và một người cầm quạt. Đúng là, với những hình ảnh và nhân vật được thể hiện như trên, thì thật khó để xác định nội dung cho ba hàng phù điêu của panô G. Thế nhưng, như nhận xét của H.Parmentier, hai mảng phù điêu ở hai bên cầu thang chính phía Đông của bệ thờ có những chi tiết được thể hiện gần như đối xứng nhau. Trước hết, đó là, ở mỗi mặt trước của cầu thang chính phía Đông, đều có hình một con voi đứng. Trên đầu và trên lưng voi, có những hình người nhỏ kết vào với các hình người ở hàng phù điêu thứ hai của các mặt ngoài của hai lan can (tức hai panô G và I). Còn khi mô tả hàng phù điêu I’ (hàng phù điêu giữa lan can phía Bắc của cầu thang phía Đông), H.Parmentier nhận thấy cảnh thể hiện một cuộc du hành của một vị vua này lặp lại gần như đúng hệt cảnh đối xứng G’. Ngoài ra, cũng qua mô tả của H.Parmentier, còn có thể nhận thấy có sự lặp lại của hai nhân vật chính là nhà vua và hoàng hậu ở hai hàng phù điêu còn lại của hai mặt lan can này: hoàng hậu ở hàng trên cùng (hoàng hậu ngồi kiệu ở panô G và hoàng hậu ngồi cùng nhà vua ở panô I) và nhà vua ở hàng dưới cùng (nhà vua ngồi trên ngựa ở panô G’’ và nhà vua đứng dưới chiếc ô ở panô I’’). Từ những chi tiết trên, chúng tôi cho rằng, cả hai dãy phù điêu ở hai mặt lan can ngoài của cầu thang chính phía Đông này đều thể hiện những cảnh liên quan đến nhà vua Suddhodana và hoàng hậu Maya.
Đối chiếu với văn bản kinh sách cũng như với các hình điêu khắc thể hiện nội dung của Lalitavistara, chúng tôi nhận thấy, cả đức vua Suddhodana và hoàng hậu Maya đều xuất hiện trong những cảnh trí thuộc hai thời điểm quan trọng là: khi đức Phật Giáng trần và khi đức Phật nhập vào người hoàng hậu Maya. Từ những so sánh trên, chúng tôi cho rằng, ba hàng phù điêu của panô G là những cảnh đức vua và hoàng hậu trong thời khắc đức Phật Giáng trần. Trong khi đó, những hàng phù điêu ở lan can cầu thang phía Đông bên kia, như chúng tôi đã xác định, là những cảnh thể hiện đức vua và hoàng hậu sau khi hoàng hậu mơ thấy đức Phật nhập vào người mình. Ở Borobudur, có tới hai bức phù điêu lớn thể hiện vua Suddhodana và hoàng hậu Maya trong thời điểm đức Phật Giáng trần. Không còn nghi ngờ gì nữa, như hai mặt phía Bắc và phía Nam, những hình phù điêu ở mặt chính phía Đông của bệ thờ tập trung mô tả một trong những giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời đức Phật: giai đoạn Phật Giáng trần và Đản sinh. Sự kiện đầu được thể hiện ở nhóm các phù điêu bên phải cầu thang (hai panô G và F); còn sự kiện sau thì ở nhóm các phù điêu bên trái cầu thang (hai panô I và J).
Với tất cả những nội dung được thể hiện, một lần nữa, có thể khẳng định rằng, các hình phù điêu của bệ thờ Đồng Dương đã mô tả một cách khái quát, đầy đủ và cô đúc những thời điểm và những sự kiện cơ bản nhất trong cuộc đời đức Phật Thích Ca mà văn bản Phật giáo Lalitavistara đã ghi lại. Ba mặt của bệ thờ mô tả ba giai đoạn đầu cuộc đời đức Phật: mặt Đông mô tả Phật Giáng trần và Đản sinh; mặt Bắc – Phật lấy vợ và xuất gia; mặt Nam – Phật tu hành và chiến thắng Mara. Theo chúng tôi, với hình ảnh bức tượng đức Phật ngồi trên ngai rắn Naga (theo phục dựng qua những hiện vật còn thấy được của H.Parmentier), có thể nhận thấy, các bức tượng ở án thờ dường như thay thế và nhấn mạnh cho mặt phía Tây của bệ thờ, mặt được dành cho việc thể hiện giai đoạn thứ tư trong cuộc đời đức Phật là Phật đắc đạo và chuyển Pháp luân. Như vậy là, bệ thờ Đồng Dương là công trình nghệ thuật điêu khắc Phật giáo thứ hai (công trình kia là ngôi tháp Phật giáo Borobudur ở Inđônêsia) trong khu vực Đông Nam Á mang trong mình những hình phù điêu mô tả những nội dung của văn bản Lalitavistara. Vì là được thể hiện xung quanh một bệ thờ không lớn (mỗi mặt dài khoảng 3 mét và cao chưa đến 1 mét), chứ không phải trên bức tường dài cả vài trăm mét chạy quanh bốn mặt hồi lang thứ nhất của ngôi tháp Borobudur, nên các hình phù điêu của Đồng Dương không chỉ nhỏ hơn rất nhiều lần (không ít bức phù điêu ở Borobudur có chiều dài gần bằng chiều dài mỗi mặt của bệ Đồng Dương) và có số lượng cũng ít hơn rất nhiều (30/120) so với của Borobudur. Ngoài ra, vì là bệ thờ trong một đền thờ, nên, ở Đồng Dương, các mảng nội dung được xếp và bố cục gọn vào ba mặt bệ và mặt chính của án thờ, chứ không thể diễn kể một cách liên tục thành một vòng khép kín như ở Borobudur. Mặc dầu chịu nhiều hạn chế về số lượng và diện tích, các hình phù điêu ở Đồng Dương vẫn mô tả được đầy đủ những sự kiện chính trong cuộc đời đức Phật từ lúc Ngài Giáng trần và sinh ra cho đến khi Ngài đắc đạo và chuyển Pháp luân, như đã được ghi trong Lalitavistara. Có lẽ, theo chúng tôi, bệ thờ Đồng Dương là tác phẩm điêu khắc đá, tuy không lớn, nhưng là duy nhất trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo, chỉ tập trung mô tả cuộc đời đức Phật theo văn bản Lalitavistara. Do đó, khác với Borobudur, bệ thờ Đồng Dương là cả tác phẩm Lalitavistara độc lập bằng điêu khắc. Và, vì vậy, rất có thể, theo chúng tôi, bệ Đồng Dương cũng là tác phẩm điêu khắc Lalitavistara độc nhất vô nhị trong nghệ thuật Phật giáo thế giới.
Nguồn: Nghiên cứu Mỹ thuật, số 03 (03), tháng 9/2014, ISSN 1859-4697
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Bệ thờ Đồng Dương tác phẩm điêu khắc Lalitavistara của nghệ thuật Chămpa (Phần 2: Hoạt cảnh phù điêu phật giáng trần và đản sinh) – Tác giả: Ngô Văn Doanh |