Biến thể HÁN VIỆT trong TIẾNG VIỆT (Phần 1)*

ThS. BÙI THỊ DUYÊN HÀ
(Khoa Việt Nam học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGTP. Hồ Chí Minh)

1. Dẫn nhập

     Cách đọc Hán Việt là cách đọc chữ Hán của người Việt. Cách đọc này chính là sản phẩm của quá trình tiếp xúc giữa tiếng Hán và tiếng Việt vào cuối đời Đường – Ngũ Đại, đây được xem là giai đoạn quyết định sự hình thành nên cách đọc chữ Hán ở Việt Nam. Nhờ có cách đọc Hán Việt mà tất cả các chữ Hán đều có thể đọc bằng âm Hán Việt, giúp cho người Việt thuận lợi trong việc đọc mọi văn bản Hán. Và từ đó một số lượng từ Hán đã được nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt tạo nên lớp từ Hán Việt. Lớp từ này mang âm Hán Việt, được thể hiện bằng chữ quốc ngữ chứ không phải chữ Hán, điều này đã góp phần làm cho tiếng Việt trở nên phong phú và đa dạng nhưng cũng không kém phần phức tạp, bởi sự xuất hiện của lớp từ này dẫn đến sự xuất hiện các hiện tượng như đồng âm, gần âm, đồng nghĩa, gần nghĩa giữa từ thuần Việt và Hán Việt và ngay trong bản thân lớp từ Hán Việt cũng xảy ra hiện tượng này.

     Từ gốc Hán không phải được nhập vào tiếng Việt cùng một thời kỳ mà chúng được nhập vào trong những giai đoạn khác nhau với những mức độ khác nhau, bằng những con đường khác nhau, và chịu sự đồng hóa của tiếng Việt cũng ở mức độ khác nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho các từ gốc Hán thêm phần phức tạp. Xét về mặt ngữ âm, vì những lý do trên nên một chữ Hán khi nhập vào tiếng Việt chúng có thể mang nhiều vỏ ngữ âm trong tiếng Việt. 

     Ví dụ: Chữ Hán vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc Cổ Hán Việt (tiền Hán Việt):

Chữ Hán Âm cổ Hán Việt Âm Hán Việt
BuồngPhòng
PhàmBuồm
MùiVị
MùaVụ
CầuKiều
CânQuân
CậuCữu
ChàngLang
Câu

     Ví dụ: Chữ Hán vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc Hán Việt Việt hóa:

Chữ Hán Âm Hán ViệtÂm Hán Việt
Việt hóa
CậnGần
CanGan
BổnVốn
BảnVán
ĐaoDao
DạngDáng
KiếmGươm
Gửi
KínhGương

     Từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt theo từng giai đoạn khác nhau sẽ mang những âm đọc khác nhau, có thể nói đây là hiện tượng thường thấy không chỉ có riêng ở tiếng Việt. Nhưng có một điều khá đặc biệt là ngay trong cùng một lớp từ Hán Việt một chữ Hán được chú nhiều âm Hán Việt khác nhau, tạo nên biến thể Hán Việt song song tồn tại với âm Hán Việt gốc, và như vậy sẽ tạo thành những từ Hán Việt có cùng tự Hán. Sở dĩ xảy ra hiện tượng này là do trong quá trình từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt ngoài việc chịu tác động ngữ âm tiếng Việt chúng còn bị tác động của những lý do ngoài ngôn ngữ.

2. Biến thể Hán Việt và nguyên nhân hình thành

     Biến thể Hán Việt là các cách đọc Hán Việt khác cho cùng một chữ Hán hay nói cách khác một chữ Hán ngoài âm Hán Việt gốc chúng còn có những âm đã được đọc chệch đi và chúng cũng được xem là âm Hán Việt. Hệ quả là chúng hình thành nên những cặp từ có sự tương đồng về mặt ý nghĩa giữa yếu tố Hán Việt âm gốc với các biến thể ngữ âm của chúng, ví dụ như: tính- tánh, sinh- sanh, nhân- nhơn, trườngtràng, bảo- bửu…v.v. Điều này làm gia tăng tính phức tạp của từ Hán Việt. Nhưng không phải tự bản thân ngôn ngữ du nhập tự thay đổi khi tiếp xúc với ngôn ngữ khác mà nó chịu sự tác động của ngôn ngữ mà nó nhập vào, cụ thể trường hợp muốn nói đến là các biến thể Hán Việt. Việc hình thành nên các biến thể Hán Việt từ âm Hán Việt gốc có thể xuất phát từ hai nguyên nhân sau:

     2.1 Sự tác động của quy luật tiếng Việt

     Vào cuối đời Đường chữ Hán vào Việt Nam với tư cách một một sinh ngữ. Sinh ngữ này có hệ thống ngữ âm xa lạ với người Việt. Do đó trong quá trình học chữ Hán người Việt cũng đã làm quen được và tiếp thu được một cách gần đúng. Nhưng dưới tác động của quy luật ngữ âm tiếng Việt thì âm đọc chữ Hán nào gần với hệ thống ngữ âm tiếng Việt thì được giữ lại, còn những âm nào xa lạ thì bị thay đổi để phù hợp với hệ thống ngữ âm bản ngữ. Theo nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn thì cũng phải từ đầu thế kỷ XI trở đi cách đọc Hán Việt mới tách hẳn ra thành một lối độc độc lập với cách đọc Trung Nguyên, và tồn tại độc lập với tư cách là một hệ thống đọc riêng biệt của người Việt1.

     2.2  Âm Hán Việt bị phương ngữ hóa

     Sau khi cách đọc Hán Việt tách hẳn và khác xa với cách đọc Trung Nguyên thì một lần nữa dưới sự tác động của phương ngữ Việt, thói quen sử dụng từ ngữ của người Việt cũng là một trong những nguyên nhân làm sản sinh ra các biến thể Hán Việt. Dẫn chứng như: trong tiếng Việt phụ âm uốn lưỡi “tr” thường có xu hướng bị đọc hoặc bị viết thành “ch”. Chính điều này đã ảnh hưởng đến nghĩa của không ít từ. Dẫn chứng từ linh trưởng bị viết thành linh chưởng2. Linh trưởng 靈長 được định nghĩa là một loài động vật bậc cao gần với người, có bộ não phát triển, biết leo trèo, tay dài, bàn tay bàn chân có thể cầm nắm được v.v. Linh trưởng là từ gốc Hán, được mượn qua âm Hán Việt, trong đó linh nghĩa là linh hoạt, lanh lẹ…, còn trưởng có nghĩa là cả, trên, đứng đầu. Trường hợp Vô hình trung (无形中)- vô hình chung cũng tương tự. Phụ âm cuối “n” có xu hướng bị đọc thành phụ âm “ng” trong phương ngữ Nam Bộ, có lẽ đây là lý do mà người ta đọc lai căn thành lai căng, lai căn là từ kết hợp giữa yếu tố thuần Việt và yếu tố Hán Việt, trong đó lai ở đây là động từ có nghĩa là lai tạo, lai giống (cho giao phối con đực và con cái thuộc giống khác… ), căn có nghĩa là gốc, lai căn có nghĩa là yếu tố gốc đã bị pha trộn nhiều yếu tố khác. Nhưng không hiểu sao trong rất nhiều từ điển chỉ có từ lai căng mà không có lai căn. Đơn cử trong từ điển của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê làm chủ biên giải thích như sau: lai căng là tính từ, có nghĩa là có pha tạp nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai sống sượng, trở nên lố lăng, không có thấy chú thích lai căn. Trường hợp lãng mạn- lãng mạng có lẽ cũng tương tự. Trong phương ngữ Nam Bộ thì một số nguyên âm bị đọc chệch đi so với âm gốc như: bảnbổn, chính- chánh, sinh- sanh, đan- đơn, nhân- nhơn, chân- chơn, phúc- phước…..

     Một số trường hợp âm Hán Việt gốc và biến thể Hán Việt tồn tại phổ biến trong tiếng Việt có nguyên âm bị đọc chệch đi như sau:

     + Trường hợp nguyên âm “u” đọc thành “o”/ “ô” như: du- do (由), nhu- nho (儒), phùphò (扶), thụ- thọ (收), vũ- võ (武), thố-thỏ (兔)…

     + Trường hợp nguyên âm “i” đọc thành “ơ” như thi – thơ (诗), thì thời (时)…

     + Trường hợp nguyên âm “ê” đọc thành “i” như: bệnh- bịnh (病), lệnh- lịnh (令), nghênh- nghinh (迎)…

     + Trường hợp nguyên âm “i” đọc thành “a” như: tính- tánh (性), chính- chánh (正), chính- chánh (政), sinh –sanh (生), lĩnh- lãnh (领)…

     + Trường hợp nguyên âm “a” đọc thành “ô” như: bản- bổn (本), phả- phổ (谱)…

     + Trường hợp nguyên âm“u” đọc thành “o” như: tòng- tùng (从), trọng- trùng (重)…

     + Trường hợp nguyên âm “â” đọc thành “iê” như: tấn- tiến (进), tẩy- tiển (洗), lân- liên (怜 )…

     + Trường hợp nguyên âm “a” đọc thành “ươ” như: dụ: đang- đương (当), tràng- trường (场,肠), đàng- đường (堂),lạng- lượng(两), lang→lương (良), trang-trương (张)…

     + Trường hợp nguyên âm “u” đọc thành “ươ” như: phúc- phước (福),phụng- phượng (凤)…

     + Trường hợp phần vần “an” “ân” đọc thành “ơn” như: san- sơn (山), nhân- nhơn (仁), đan- đơn (丹), đàn- đờn (壇) hán- hớn (汉),chân- chơn (真), ân – ơn (恩), nhãn-nhỡn (眼)…

     Ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn một nguyên nhân khác, đó là nguyên nhân ngoài ngôn ngữ – nguyên nhân xã hội.

      2.3 Tục kỵ húy của người Việt

     Qúa trình du nhập của từ Hán thông qua cách đọc Hán Việt, ngoài chịu sự tác động quy luật tiếng Việt, âm đọc Hán Việt của chúng cũng bị “đọc chệch” đi so Hán Việt gốc xuất phát từ tục kiêng húy của người Việt, có nghĩa là kiêng, tránh gọi tên vua chúa hoặc họ hàng thân thích của vua, người có thế lực…v.v. Vấn đề này được tác giả Lê Xuân Thại3 đề cập và nêu một vài trường hợp sau:

     + Bình →bằng do kiêng húy tên Nguyễn Quang Bình tức Nguyễn Huệ.

     + Hoàng→huỳnh, do kiêng húy tên Nguyễn Hoàng.

     + Nghĩa→ngãi do kiêng húy tên Hoằng Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái.

     + Vũ→võ, do kiêng tên thụy (tên đặt cho người quá cố) của Nguyễn Phúc Khoát là Hiểu Vũ.

     + Nhậm→nhiệm, do kiêng tên tự của Tự Đức là Hồng Nhậm.

     Kiêng húy chỉ diễn ra trong một thời kỳ lịch sử hoặc trong một vùng lãnh thỗ nhất định, làm nảy sinh hiện tượng biến đổi từ bằng cách đọc chệch hoặc đọc trại so với âm gốc, góp phần làm cho vốn từ tiếng Việt trở nên phong phú hơn.

     2.4 Do viết nhầm chữ

     Có thể kể đến nguyên nhân khác dẫn đến việc một số chữ Hán có cách đọc Hán Việt khác nhau, đó là “đọc do nhầm chữ”, không hiểu được nghĩa của từ đang xét. Có thể lý giải điều này do xuất phát từ việc hai chữ có mặt chữ Hán gần giống nhau, có những nét khác nhau nhưng sự khác nhau này để ý kỹ thì mới nhận ra được hoặc có thể do hai chữ Hán có phát âm trong tiếng Hán giống nhau hoặc gần giống và có nghĩa gần nhau mà cũng làm nảy sinh ra vấn đề nhầm chữ. Dẫn chứng như:

     – Tác giả An Chi trong quyển Chuyện Đông chuyện Tây đã giải thích lại nghĩa một số từ mà chúng tôi nghĩ có thể xếp chúng vào trường hợp này, chẳng hạn như: trường hợp mạn tính- mãn tính. Hiện nay, hầu như trên sách báo chỉ tồn tại từ mãn tính, hầu như không ai nói mạn tính cả, nếu có chăng là chỉ ở từ điển thuật ngữ Y học như viêm xoang mạn. Nhưng mạn tính mới là cách nói chính xác, đây là từ gốc Hán, từ này trong tiếng Hán là“慢性, chữ“慢”có âm Hán Việt là mạn không phải mãn. Nếu viết là mãn tính thì nghĩa không phù hợp vì mãn trong tiếng Hán là chữ 满 nghĩa là đầy đủ, tròn, xong, v.v…như mãn hạn, mãn nguyệt, mãn nhãn. Hay trường hợp của phản ảnh – phản ánh, từ phản ảnh có hình thức gốc là phản ánh (反映) có nghĩa là phản chiếu trở lại. Nhưng có lẽ vì hai chữ này có chú âm trong tiếng Hán đều là ying hoặc cũng có thể xuất phát từ tư duy của người Việt phản ảnh có nghĩa là phản chiếu hình ảnh nên chữ ánh 映 đã bị đánh đồng với chữ ảnh 影 nên phản ánh mới thành phản ảnh chăng?.

     – Còn một trường hợp có thể thấy khá rõ đó là trường hợp hai từ cao hoàn – dịch hoàn. Lâu nay, người Việt Nam vẫn gọi cái hột của giống đực được gọi là dịch hoàn nhưng đây lại là cách nói sai do nhầm tự Hán dạng, chữ cao (睾) và dịch (睪) có tự dạng rất giống nhau, chúng chỉ khác nhau ở dấu phẩy trên đầu mà thôi. Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đều ghi rõ cao hoàn (睾丸) là ngoại thân, nghĩa là hòn dái. Trong từ điển tiếng Hán chỉ có từ cao hoàn (睾丸) với nghĩa trên chứ không có từ dịch hoàn (睪丸). Khán bệnh- khám bệnh có lẽ cũng là một trường hợp tương tự. Đến nay trong tiếng Hán hiện vẫn chỉ tồn tại từ 看病 với nghĩa là xem bệnh, cách chú âm Hán Việt tương ứng là khán bệnh. Nhưng không hiểu sao trong tiếng Việt lại chú âm thành khám bệnh. Theo tôi, nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề âm đọc trong tiếng Hán của hai chữ khám (勘) và khán (看), trong tiếng Hán chữ 勘 được đọc là kān, còn chữ 看 có âm đọc là kàn, hai chữ này chỉ khác nhau về thanh điệu: một chữ mang thanh 1 (âm bình), một chữ mang thanh 4 (khứ thanh), nhưng thật ra hai thanh này trong tiếng Hán đọc rất gần nhau. Xét về nghĩa, khám (勘 ) theo Lại Cao Nguyên chú thích trong sổ tay từ Hán Việt ở trang 156, nó có nghĩa là xem xét, kiểm tra thực địa ví dụ như: khám nhà, khám nghiệm, khám phá, còn tự điển Thiều Chửu thì khám có hai nghĩa: so sánh, định lại, tra hỏi tù tội. Chữ “khán” trong cả hai từ điển này đều có nghĩa là xem.

___________
1 Nguyễn Tài Cẩn (1979), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học Xã hội, tr.311.

2 Thu Thu, Linh chưởng hay Linh trưởng, T/c Ngôn ngữ, số 10, 2011, tr. 80.

3 Lê Xuân Thại (2005), Từ Hán Việt và việc dạy từ Hán Việt trong sách giáo khoa ngữ văn Trung học, Nxb Giáo dục, tr. 16, 17.

Nguồn: * Bài viết được đăng trong Kỷ yếu hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt, 62-74, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2012.
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)

     Mời xem tiếp:

     Biến thể HÁN VIỆT trong TIẾNG VIỆT (Phần 2)*