Biểu tượng ả đào trong mẫu tranh Tố nữ
Tác giả bài viết: NGUYỄN HOÀNG ANH TUẤN
Bài viết lý giải ý nghĩa biểu tượng trong hình mẫu tranh Tố nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống và dòng tranh dân gian Đông Hồ. Từ đó chỉ rõ ý nghĩa tồn tại và khả năng cộng hưởng của nghệ thuật ca trù (hát ả đào) với thể loại cận hội họa (tranh dân gian) Việt Nam qua biểu tượng người ca nương – ả đào (đào nương)
Tranh Tứ bình – Tố nữ
Tranh Tứ bình – Tố nữ thuộc mẫu tranh Tứ quý của dòng tranh dân gian (tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống) ra đời từ xa xưa nhằm đáp ứng phong tục chơi tranh ngày Tết cổ truyền trong văn hóa Việt Nam. Trong các mẩu tranh Tứ bình, với các đề tài về hoa bốn mùa, các con vật… thì chỉ có mẫu tranh “Tố nữ” duy nhất chọn lựa hình tượng con người. Và đây cũng chính là hình mẫu tranh dân gian độc đáo biểu tượng về thanh âm hát ả đào (ca trù) và biểu tượng con người ả đào – một nhân cách của nghệ thuật ca trù [H.1; H.2].
Ả đào là ai?
Sự xuất hiện tên gọi “đào nương” hay “ả đào” xuất hiện trong nhiều dị bản của truyền thuyết tổ nghề ca trù, các giáo phường xưa vẫn thờ Mãn Đào Hoa công chúa – con gái Bạch Đinh(1) Xà Đại vương, bà là một ca nương có tư chất thông minh, có giọng hát hay và tinh thông âm luật, đã đặt ra lối hát ả đào để dạy đời [Doãn Kế Thiện sưu tầm (1943), dẫn theo Vũ Bằng 1971: 4]. Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề [1962: 36-41] thì đời nhà Lê, Đinh Lễ quê làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được Lý Thiết Quải và Lữ Đồng Tân cho một khúc gỗ dạy làm cây đàn. Nhờ đàn, Đinh Lễ đã chữa bệnh và cưới được Hoa nương – con quan châu Thường Xuân (Thanh Hóa). Lịch triều phong tặng Đinh Lễ là Thanh Xà Đại vương và Hoa nương là Mãn Đào Hoa công chúa. Cũng theo thuyết ấy, Nguyễn Đôn Phục [1923: 277] đã thừa nhận “hát ả đào phôi thai phát triển sớm lắm. Duy âm điệu thì tản mát ở dân gian, hoặc mỗi người chê ra mỗi khúc, hoặc mỗi xứ hát ra mỗi giọng, khi xưa chưa có thống nhất. Bà Mãn Đào Hoa công chúa là một thiên tài âm nhạc, tự mình chế ra khúc hát ở các nơi, đem tu bổ san thuật lại để dạy đời”.

Dựa theo truyền thuyết, Đại Việt sử ký toàn thư cưng ghi nhận về năm 1025 và Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ đều cho rằng thời Lý Thái Tổ, trong ban Nữ nhạc có người ca nhi tên Đào Thị giỏi nghề hát, thường được vua ban thưởng, người đời hâm mộ nên gọi các con hát là đào nương (ả đào). Công dư tiệp ký (1775) của Vũ Phương Đề, Lịch triều hiến chương loại chí (1819) của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí – tỉnh Hưng Yên (1882) của Quốc sử quán triều Nguyễn thì dựa trên sự tích vào thời điểm muộn hơn, cuối nhà Hồ (1400), một ca nhi họ Đào có công giết giặc được dân làng lập đền thờ, từ đó ca nhi được gọi là ả đào [Lý-Tùng Hiếu 2013: 13]. Thời Lê sơ (thế kỷ XV), nghệ thuật âm nhạc có một bước phát triển đột phá nhờ Âm luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông (1460- 1497), nhờ Nho học cực thịnh, vài nho sĩ đã tham gia sáng tác bài hát cho ả đào. Gia phả tiến sĩ Lê Đức Mao (1462-1529) đã ghi lại bài thơ Nôm Đại Nghị bát giáp thưởng đào giải văn (soạn trước năm 1500) mà sau này Nguyễn Xuân Diện [2007: 72] đã dịch và chú thích, đó là tư liệu sớm nhất được biết có hai chữ “ca trù”(2). Qua tư liệu văn bia (có ghi chữ “ca trù” từ thế kỷ XV và hình ảnh cây đàn đáy trên điêu khắc đình làng từ trước thế kỷ XVI), Nguyễn Xuân Diện kết luận: ở thế kỷ thứ XV, ca trù đã là một bộ môn khá hoàn chỉnh. Đến thế kỷ XVII-XVIII, tổ chức giáo phường đã hoàn bị, quản lý và mua bán quyền hát cửa đình [2007: 78].
Về sau, khoảng cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, ả đào thường được gọi là cô đầu. Từ “cô đầu” thì có người cho là “cô đào” bị nói chệch đi, chữ “ả” là chữ Nho có nghĩa là “cô”, ả đào có nghĩa là cô đào |Vũ Bằng 1971: 11]. Một số người hiểu từ “cô đầu” là một cái tên xấu vì lúc này có câu thành ngữ “Cô đầu, cô đít, cô đuôi” I Nguyễn Nghĩa Nguyên 2011: 19]. Nhưng, thành kiến của dân gian đôi khi không phản ánh đúng sự thật lịch sử. Ả đào có tên là “cô đầu” khi vào thời điểm này, các ả đào đã tích lũy được vốn liếng, kinh nghiệm, đủ sức thoát ly khỏi giáo phường, tự thân mở nhà hát (ca quán) ở thành thị để dạy hát và kinh doanh nghề hát. Nguyễn Đôn Phục [1923] và Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề [1994: 44] cho rằng chữ “đầu” ám chỉ tiền đầu mà theo tục lệ các học trò phải trích ra để phụng dưỡng người thầy dạy hát của mình. “Cô đầu” lại cũng thường được dùng để chỉ những cô ca sĩ có nhiều học trò. Cô đầu thoát thai từ ả đào. “Tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng, tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng bậc danh ca” [Vũ Bằng 1971: 3-5]. Vì thế, cái tên cô đầu không có ở trong giáo phường và cũng không phải là người xứ Nghệ (Bắc Trung bộ) đặt ra, mà do “nhập cảng” từ Bắc bộ vào [Nguyễn Nghĩa Nguyên 2011: 19].

Căn cứ vào tên người ca nương, người ta còn gọi nghệ thuật ca trù bằng những tên sau: hát ả đào, hát cô đầu, đào nương ca (nương nương ca)(3) căn cứ vào bốn không gian diễn xướng của đào nương: cung vua, đình làng(đền thần), dinh quan (tư gia), ca quán, và qua phương thức biểu diễn của họ, ca trù còn được gọi là hát nhà trò (hát cửa đình), hát nhà tơ (hát nhà ty, hát cửa quyền), hát thẻ (trù); ở Thanh Hóa còn gọi là hát ca công, hát gõ,…
Từ những đặc điểm vừa nêu, chúng tôi đi đến định nghĩa về ả đào và ca trù: Ca trù là một thể loại hát thính phòng xuất xứ từ hát thờ (tín ngưỡng dân gian) được bác học hóa thành hát chơi (giải trí cho tầng lớp trí thức), trong đó ả đào giữ vai chính bên cạnh kép4 đệm đàn đáy và quan viên5 cầm chầu thưởng thức. Ả đào là chức danh của một nữ nghệ nhân hát ca trù, còn được gọi là đào-nương hay cô đầu.
Văn hóa ả đào đã đóng góp tư liệu văn hóa cho “cận hội họa” (tranh dân gian) trong xu hướng nghệ thuật thể hiện hình tượng con người Việt Nam thời xưa. Tư liệu đó chính là hình mẫu ả đào. Để biểu đạt hình mẫu ả đào, dòng tranh dân gian: Đông Hồ và Hàng Trông đã tiên phong theo xu hướng “thoát Trung” – với biểu tượng Tứ bình – Tố nữ. Ba dấu hiệu căn cứ để khẳng định bốn cô gái trong tranh Tố nữ chính là “cái biểu đạt” (biểu tượng) của hình mẫu ả đào: (1) Nhạc cụ (sênh phách), (2) cốt cách trang nhã, đài các qua nét vẽ và qua ngôn ngữ thơ của bốn bài thơ chử Hán đi kèm; và (3) niên đại của kiểu tranh này ra đời vào thời Lê – “thời đại ả đào” dựa trên một huyền tích tình yêu đầy kì bí trong tích chuyện Bích Câu kỳ ngộ, được lưu truyền từ thời vua Lê Thánh Tông: Có một thư sinh họ Trần, tên Tú Uyên, đã mua một bức tranh Tố nữ, về treo trong nhà. Hàng ngày, chàng mê mẩn ngắm nhìn người đẹp trong tranh. Trong lòng chàng tự hỏi, người đẹp ở đâu vậy, sao lại làm chàng xao xuyến khôn nguôi. Nàng là con cái nhà ai, sao lại xinh đẹp, dịu dàng đến vậy, làm ta ngẩn ngơ và lai láng những hồn thơ. Nàng có thể về với ta. Hát cho ta nghe. Múa cho ta xem và kể chuyện hằng đêm. Tú Uyên như mất hồn mỗi khi ngắm nhìn người đẹp và mơ mộng đủ điều. Thế rồi, đến mỗi bữa ăn, chàng đều bày thêm bát đũa cho người đẹp trong tranh và vừa ăn, vừa trò chuyện cùng nàng. Tú Uyên xem cô gái đẹp trong tranh như người vợ hiền trong nhà, đi đâu cũng nhắn nhủ, và làm gì cũng hỏi han. Tình cảm chân thành và tha thiết của Tú Uyên đã làm động lòng người đẹp trong tranh. Cô gái đã hiện về, từ trong tranh bước ra, đó là Giáng Kiều. Cô lau dọn, quét nhà, thổi cơm cho chàng trai. Một mối tình thật si mê cảm hóa lòng người, đã đánh động đến ngay cả người đẹp ngỡ như vô hồn trong tranh… Câu chuyện cổ tích về tình yêu này đã được nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ viết lại và sáng tạo thêm, trong nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau. Cách đây hơn 60 năm, nhà văn Tô Hoài đã từng viết một kịch bản “Tú Uyên – Giáng Kiều”, và được nhà viết chèo Trần Huyền Trân chuyển thể, cho đoàn chèo Kim Lan dàn dựng. Theo nhiều sử liệu ghi lại về tích cổ Bích Câu kỳ ngộ, chính là câu chuyện li kì, thần bí xảy ra ở trên đất Thăng Long. Hiện nay, ở phố Cát Linh, gần Văn Miếu còn có miếu thờ “Bích Câu đạo quán”, nghe nói xưa đó là nền nhà cũ của chàng nho sĩ Tú Uyên. Và hàng chục năm qua, cũng trên nền ngôi nhà của “Bích Câu đạo quán”, đào nương – NSƯT Bạch Vân đã lấy làm nơi truyền dạy và sinh hoạt cứa CLB ca trù Hà Nội. Hàng đêm, câu chuyện của Tú Uyên và Giáng Kiều lại được nhắc đến như một áng thơ bất tử, trong dòng văn học lãng mạn nhất của nước ta. Và còn câu chuyện của Phạm Thái – một nhà thơ nổi tiếng thời Lê, quê ở Bắc Ninh, cũng có liên quan tới tranh Tố nữ, đã tạo nên một vụ án tình hận lạ lùng. Ấy là khi nhà thơ Phạm Thái, đã được cha của một người bạn ra đề vịnh thơ. Ngắm tranh Tố nữ, rồi uống rượu làm thơ. Sau 10 chén rượu phải hoàn thành bài thơ về người đẹp trong tranh. Bài thơ gốc chữ Hán được Phạm Thái chậm rãi đọc để cho mọi người ngẫm thấy chất nhạc và những hình ảnh miêu tả vẻ đẹp kiêu sa của người con gái trong tranh [Vương Tâm 2013]. Một bài thơ rất hay, rất đặc biệt của một thi sĩ say, Phạm Thái, tức Chiêu Lỳ Thiền Sư. Tráng sĩ Phạm Thái khoác tăng bào để mưu khôi phục nhà Lê, lại trót yêu người đẹp Trương Quỳnh Như, viết tặng nàng bài Đề mỹ nữ đồ: “ Thanh xuân tỏa liễu lãnh tiêu phòng; /Cẩm trục đình châm ngại điểm trang./ Thanh dạng độ liên phi phất lục; /Đạm hi tàn cúc thất sơ hoàng. /Tình si dị tố liêm biên nguyệt; /Mộng xúc tằng liêu trướng đỉnh sương. /Tranh khúc cưỡng khiêu sầu mỗi bạn; /Oanh ca nhật vĩnh các tiêu hương’’.
Dịch: Đề tranh mỹ nữ: “Hương tiêu gác vắng nhặt ca oanh; / Bận mối sầu khêu cưỡng khúc tranh. /Sương đỉnh trướng treo từng giục mộng;/ Nguyệt bên rèm tỏ dễ si tình./Vàng thưa thớt cúc tàn hơi đượm;/ Lục phất phơ sen đọ dáng thanh./ Trang điểm ngại chăm dừng trục gấm;/ Phòng tiêu lạnh lẽo khóa xuân xanh”.
Có thể nói, ả đào từ đời thực đi vào tranh dân gian rồi được biểu tượng hóa như một hình mẫu trong tranh Tố nữ. Bốn hình tượng thiếu nữ đều được khắc họa bằng chuẩn mực “nhân mỹ học cổ điển”: mắt phượng mày ngài, cổ cao ba ngấn, tóc đuôi gà, áo dài và lối tượng trưng “siêu thực” qua các nhạc cụ và chiều cao ngoại hình. Đây chính là điểm mấu chốt của lối vẽ mượn hình gửi ý của các nghệ nhân xưa. Bốn cô có chiều cao không bằng nhau: Cô cầm quạt thấp nhất, đến cô cầm sênh tiền, rồi đến cô thổi sáo và cô gẩy đàn là cao nhất. Ứng với bốn đạo cụ: tiếng đàn cho âm sắc cao nhất, tiếp đến là tiếng sáo, rồi đến tiếng lách cách của sênh, sau cùng là tiếng phất gió nhẹ nhất của quạt. Họ lấy chiều cao số học để biểu lộ các cung bậc cao thấp của âm thanh. Một vẻ đẹp siêu thực ẩn bên trong ý tưởng của biểu tượng Tứ bình (tương tự biểu tượng Tứ quý – bốn giá trị văn hóa) là ca ngợi vẻ đẹp âm thanh [Đinh Quỳnh Hoa 2016]. Vẻ đẹp âm thanh ở đây không gì ngoài nghệ thuật ca trù dân gian với những nhạc cụ vừa nêu và bốn kiểu cá tính ả đào: vẻ đài các (biểu trưng là cô cầm quạt), vẻ sốc vác (biểu trưng là cô đánh sênh phách), vẻ thắm thiết (biểu trưng là cô thổi sáo) và vẻ lẳng lơ (biểu trưng là cô gẩy đàn). Biểu tượng Tố nữ trong tranh Tứ bình nhằm đáp ứng nhu cầu phong tục chơi tranh ngày Tết, biểu hiện tính cách chất phác của người nông dân (qua mẫu tranh Đông Hồ) [Lương Đức Thiệp 1971: 212] và tính cách đài các, tao nhã của người thành thị (qua mẫu tranh Hàng Trống, với khổ lớn hơn phù hợp với nhà cao cửa rộng ở đô thị). Qua biểu tượng này, ả đào đã gián tiếp đi vào hội họa dân gian, phóng chiếu cái ấn tượng văn hóa về người phụ nữ Việt Nam thời xưa, giữ vai trò trung gian tạo ra cuộc đối thoại nghệ thuật giữa hội họa dân gian và văn học viết, trong hai thời đại khác biệt: Điển hình là ấn tượng của Hồ Xuân Hương khi làm thơ Đề tranh Tố nữ (Hàng Trống): “Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình / Chị cũng xinh mà em cũng xinh/ Đôi lứa như in tờ giấy trắng/ Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh /… Còn thú vui kia sao chẳng vẽ / Trách người thợ vẽ khéo vô tình”. Khi tiếp nhận một hình mẫu ả đào trong tranh Tố nữ, Hồ Xuân Hương đã lên tiếng đồng cảm về “nhân vật giống mình” nhưng nữ sĩ thấy hơi tiếc là cô Tố nữ trong tranh chưa biểu đạt được cái khao khát yêu đương của một tâm tình ả đào (thú vui kia sao chẳng vẽ…). Còn ấn tượng của Chế Lan Viên về tranh Tố nữ làng Hồ: “…Bức tranh làng Hồ, cô tố nữ dáng quê hương” (Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi, 1967) là kiểu liên tưởng từ hình tượng cá thể (cô Tố nữ, cô Kiều…) đến hình mẫu lý tưởng (dáng quê hương, đời dân tộc…). Có thể nói hình mẫu ả đào đã tác động định hướng lối liên tưởng đó.
Biểu tượng ả đào trong tranh Tố nữ đã đi vào văn hóa Việt Nam như thế, trở thành một biểu tượng văn hóa cổ truyền/ di sản văn hóa của dân tộc, điển hình là sự kiện năm 1961, chính phủ Việt Nam DCCH đã cho phát hành bộ tem tranh tố nữ [H.3]. Tuy nhiên, ý nghĩa “phức hợp” – nhiều tầng lớp nghĩa của mẫu tranh tố nữ và sự liên tưởng về biểu tượng ả đào thì cho tới nay không phải ai cũng nhận ra. Nhận thức được ý nghĩa và ý niệm sâu sắc đó ta sẽ hiểu vai trò văn hóa của một nghệ thuật – ca trù, của một tập thể nghệ nhân – ả đào trong lịch sử, là vai trò hình mẫu và vai trò trung gian tạo ra sự cộng hưởng giữa các thành tố văn hóa Việt Nam: nghệ thuật dân gian với văn học viết, hội họa truyền thống với sản phẩm văn hóa – tem thư mang thông điệp quảng bá văn hóa của ngành bưu chính Việt Nam.
Chú thích:
1. Các nhà nghiên cứu cho biết các nơi có ả đào thì thường liên quan đến họ Đinh, nhưng chưa có lời giải đáp [Vũ Ngọc Khánh 1997: 16-24],
2. Trong bài thơ này, chữ “ca trù” xuất hiện hai lần: “Thọ bôi kể chục, ca trù điểm trăm; Mừng nay tiệc ca trù thị yến”.
3. Hai khái niệm này có trong các thư tịch, Ôn Như Nguyễn Vãn Ngọc đã sử dụng để làm tiêu đề cho tác phẩm của mình – Đào nương ca (1932).
4. Kép là một nam nghệ nhân giữ vai trò nhạc công gảy đàn đáy bên cạnh ả đào. Cách gọi “đào” và “kép” là thuật ngữ đặc thù của cấu trúc văn hóa ca trù.
5. Theo tập quán dân gian thì đi hát ca trù là sinh hoạt của bậc phong lưu công tử như con của các quan phủ, huyện mà tục lệ xưa thường gọi là quan viên tử được đặc ân miễn tạp dịch trong làng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Quỳnh Hoa, 2016, Đôi điều về bộ tranh Tố nữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, http://www. baotanglichsu. vn/…
2. Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề 1962, Việt Nam ca trù biên khảo, Văn Hóa, Sài Gòn.
3. Lương Đức Thiệp 1971: Xã hội Việt Nam, Hoa Tiên, Sài Gòn.
4. Lý Tùng Hiếu 2013, “Ca trù xưa và nay”, Tạp chí Xưa&Nay, số 427 (5-2013),tr. 18-21.
5. Nguyễn Đôn Phục 1923, “Khảo luận về cuộc hát ả đào”, Tạp chí Nam Phong, số 70, 4-1923, tr.277-289.
6. Nguyễn Nghĩa Nguyên 2011: Hát nhà trò, nhà tơ ở xứ Nghệ, VHTT, Hà Nội.
7. Nguyễn Xuân Diện 2007: Lịch sử và nghệ thuật ca trù, khảo sát nguồn tư liệu tại Viện nghiên cứu Hán – Nôm, Nxb. Thế Giới, Hà Nội.
8. Vũ Bằng 1971: “Hát ả đào – lịch sử ra sao? ông tổ là người nào? Mà ả đào, cô đầu và nhà tơ có khác nhau không?”, Tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 138, tr.3-15.
9. Vương Tâm, 2013, “Bộ tranh Tết – Tố nữ”, http:// com. vn/Entertainment/ Bo-tranh-Tet-To-nu-Chỉ-cung- xinh-m a-em-cung-xinh/21329. dep.
Nguồn: Tạp chí Xưa Nau, số 480, tháng 2, 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Biểu tượng ả đào trong mẫu tranh Tố nữ (Tác giả: Nguyễn Hoàng Anh Tuấn) |