Biểu tượng trong lễ hội Rija Praong của người Chăm ở Nam Trung Bộ

SYMBOLS IN THE RIJA PRAONG FESTIVAL AMONG CHAM PEOPLE IN SOUTH CENTRAL VIETNAM

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  TỪ THỊ PHI ĐIỆP
(Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ)

TÓM TẮT

     Rija Praong là lễ hội múa lớn nằm trong hệ thống lễ hội dân gian của người Chăm do tộc họ tổ chức, có ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaysia. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong hệ thống lễ nghi tín ngưỡng của người Chăm mang tính ma thuật, nghiêng về phương thức trình diễn, múa hát, kịch nghệ nhằm để chữa bệnh, cầu cúng tổ tiên và vị thần linh phù hộ độ trì dân chúng. Nhiều biểu tượng nghi lễ, diễn xướng xuất hiện trong lễ hội này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc của lễ hội và sự gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của họ đến thần linh, gia đình, tộc họ, thông qua đó hiểu được những giá trị của văn hóa Chăm trong sự giao lưu tiếp biến với văn hóa bên ngoài. Bài viết trình bày một số biểu tượng và ý nghĩa của nó trong lễ hội Rija Praong của người Chăm vùng Nam Trung Bộ.

Từ khóa: biểu tượng, âm nhạc, múa, người Chăm, Rija Praong.

ABSTRACT

     Rija Praong is a big dancing festival in the set of folk festivals held by Cham families, due to the influence of Islamic culture from Malaysia. It is one of the important religious rites of Cham people, imbued with the witchcraft practice and inclined to the folk dancing, singing and dramatic performance for the purpose of curing sick people, making worship to the ancestors and the deities, and asking for blessing. Many ritual symbols and performing activities carried out in the festival provide us with further understanding of the origin of the festival as well as the aspirations and desires that Cham people would like to pray for and whereby we can realize the folk cultural values of Cham people in the acculturation and exchange with the external cultures. The paper focuses on describing some symbols and their meanings in the Rija Praong festival of Cham people in South Central Vietnam.

Keywords: symbol, music, dance, Cham people, Rija Praong.

x
x x

1. Một vài quan niệm về biểu tượng

     Về mặt thuật ngữ, biểu tượng (symbol trong tiếng Anh) là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolus trong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp). Theo Từ điển biểu tượng (Dictionary of Symbols) của C. G. Liungman thì “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó”. Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta có thể chia làm hai nghĩa chính là biểu hình (visible sign) và biểu ý (idea). Ở giai đoạn ban đầu có lẽ ngôn ngữ biểu tượng thường mang tính đơn giản và ước lệ. Về sau, do sự phát triển của xã hội loài người, ngôn ngữ biểu tượng ngày càng được mở rộng đến mọi thành tố văn hóa và mọi mặt đời sống của con người. Bên cạnh đó, ý nghĩa của các biểu tượng cũng ngày càng rộng lớn hơn, trừu tượng hơn và tính chất biểu đạt cũng không còn ranh giới giữa biểu hình và biểu ý như giai đoạn đầu mà thường là sự kết hợp của cả hai [1].

     Biểu tượng là cách dùng hình này để tỏ nghĩa nọ, là mượn một cái gì đó để tượng trưng cho một cái gì khác. Trên tinh thần đó, có người coi biểu tượng là một cái gì, ngoài ý nghĩa vốn có của nó, còn hàm chứa một ý nghĩa khác, tức ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng.

     Biểu tượng là một sản phẩm đặc biệt trong đời sống của con người. Khi chưa có biểu tượng, con người chỉ sống với thực tại nhưng khi đã hình thành hệ thống biểu tượng (tức là hệ thống của những sự vật,hiện tượng được gán cho các ý nghĩa) thì con người sống đồng thời với hai thế giới: thế giới thực tại và thế giới của các biểu tượng. Thật đúng như các tác giả của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã nói: “Chúng ta không chỉ sống trong một thế giới biểu tượng, mà còn một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta” [2].

     Nhân học biểu tượng còn được biết đến với một cái tên khác là nhân học diễn giải (interpretive anthropology) một bộ môn khoa học nơi các nhà khoa học ủng hộ việc giải thích văn hoá thông qua ý nghĩa của các biểu tượng. Quan niệm của các nhà nhân học theo trường phái này là tiếp cận các “quan điểm bản địa” (native point of view) để tìm hiểu tính chất trừu tượng và đa nghĩa của các biểu tượng. Tại đây các biểu tượng được sáng tạo và sử dụng trong cộng đồng và trong quá trình giao tiếp của xã hội loài người. Mỗi biểu tượng đặc trưng thường đại diện cho một ý nghĩa văn hóa riêng nhưng sự cộng hưởng của chúng lại chính là sự định dạng của đời sống văn hóa thông qua tính “động” đặc thù của văn hóa.

     Quan điểm của Victor Turner và Clifford Geertz về thuyết nhân học biểu tượng như sau: “Biểu tượng là đơn vị nhỏ nhất của nghi lễ, cái giữ lại những thuộc tính cụ thể của hành vi nghi lễ, nó đơn vị cơ bản của một cấu trúc cụ thể trong bối cảnh nghi lễ”. “Nghi lễ là hành vi được quy định có tính chất nghi thức dành cho những dịp, không liên quan đến các công việc có tính chất kỹ thuật hàng ngày, mà có quan hệ với các niềm tin vào đấng tối cao hay các sức mạnh thần bí” [3].

     Ông quan tâm tới sự vận hành của biểu tượng trong việc duy trì xã hội. Biểu tượng vận hành trong tiến trình xã hội, khi gộp lại với nhau theo một sắp xếp nào đó trong một bối cảnh (đặc biệt là trong nghi lễ), sẽ tạo nên một sự chuyển đổi xã hội căn bản.

     Diễn giải về biểu tượng có thể được rút ra từ ba cấp độ: 1) hình dạng bên ngoài và đặc tính có thể quan sát, 2) diễn giải của chuyên gia và thường dân trong xã hội, 3) suy luận từ bối cảnh cụ thể của nhà nghiên cứu.

     Clifford Geertz xem văn hóa là một tập hợp có tổ chức các hệ thống biểu tượng. Văn hoá không phải là một mô hình trong đầu con người mà nằm trong biểu tượng và hành động tập thể. Biểu tượng là phương tiện chuyển tải ý nghĩa. Ông không quan tâm tới việc biểu tượng thể hiện chức năng văn hoá ra sao, mà xem xét biểu tượng ảnh hưởng đến cách con người nghĩ về thế giới của họ như thế nào.

     Lý thuyết biểu tượng và diễn giải của Victor Turner, Clifford Geertz giúp bài viết phân tích và giải thích ý nghĩa những biểu tượng xuất hiện trong diễn trình nghi lễ trong lễ hội Rija Praong của người Chăm. Trong lễ hội này, các biểu tượng luôn đi thành cặp đôi như thầy Maduen gắn với bà Raja, thầy Maduen gắn với trống baranưng, Ciét atau và hai chiếc thuyền… Đây cũng là những cặp biểu tượng mang yếu tố nhị nguyên trong cấu trúc lễ. Những cặp biểu tượng này phản ánh cốt lõi nội dung và ý nghĩa của lễ. Đó là tục tôn thờ tổ tiên, tôn thờ các vị thần Chăm và Mã Lai, cầu mong con người thoát khỏi bệnh tật, sức khỏe dồi dào, sinh sôi nảy nở, bình an.

2. Các hình thức biểu tượng chi phối hoạt động trong Lễ hội Rija Praong

     Lễ Rija Praong là một tín ngưỡng dân gian của người Chăm mang tính ma thuật, nghiêng về phương thức trình diễn, múa hát, kịch nghệ nhằm để chữa bệnh, cầu cúng tổ tiên và vị thần linh phù hộ độ trì dân chúng. Đây là lễ nghi lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội múa của người Chăm. Theo Hải Liên, lễ Rija Praong là lễ Trả nợ lời hứa. Khi gia tộc làm ăn sa sút, dịch bệnh xảy ra cho người và gia súc, tai họa đến với cháu con, lúc ấy người tộc trưởng van vái bền trên phù hộ cho gia tộc yên vui, làm ăn tấn tới, gia súc đầy đàn… Họ hứa sẽ tổ chức một lễ Rija Praong để tạ ơn trên. Lời hứa đã nói thì phải thực hiện, cho dù gia tộc ấy có nghèo khổ đến đâu hoặc người hứa có thể đã chết, nhưng cả gia tộc phải thực hiện, có khi sau đó năm hoặc mười năm. Như vậy, việc thực hiện lời hứa để trả nợ cho bề trên phù hộ là mục đích và nguyên do sinh ra lễ Rija Praong [4].

     Trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, người Chăm dùng những hình ảnh, vật dụng, đạo cụ, tranh vẽ… để tượng trưng cho từng sự việc mà thông qua đó họ muốn gửi gắm những tâm tự, nguyện vọng đến thần linh, gia đình, tộc họ.

     2.1. Biểu tượng trong nghi lễ

     Khai trầu lễ

     Khai trầu lễ làm bằng gỗ có đế cao khoảng 20cm, bên trên có cái mâm bằng phẳng đường kính khoảng 30cm. Trên khai trầu này người Chăm đan trầu thành ba tầng cao khoảng 40cm. Đây là vật lễ chính, đặt trang trọng ở chính giữa bàn tổ của nhà lễ. Khai trầu là nơi trú ngụ của các vị thần và cũng là biểu tượng cho linh hồn của các vị thần được thờ cúng trong lễ Rija Praong. Thon Hala có 3 tầng tượng trưng cho cái tháp – tượng trưng cho Pô Bành Kìnà và cũng là tượng trưng cho thân thể con người (gồm đầu mình và tay chân) [5].

     Tranh trang trí paning

     Nhà lễ có một tranh trang trí duy nhất gọi là paning. Tranh này được các nghệ nhân Chăm vẽ trân vải, mô tả hình ảnh trần gian và thiên đường theo từng mẫu chuyện và sức tưởng tượng của người xưa. Một paning thường được vẽ nhiều hình khác nhau như hình rồng bay, voi, ngựa, nhà vua, kiệu, binh lính, dân thường. Bên cạnh đó còn có những hình vẽ mô tả những lễ vật dâng cúng như mâm trầu, chuối, xôi, con dê… hoặc vẽ những nhạc cụ như trống ghinăng. baranưng, kèn saranai… Đặc biệt tranh còn vẽ những hình người đánh trống nhảy múa và cuối cùng là hình ảnh quan lại tham dự, thưởng thức lễ Rija Praong.

     Nội dung của tranh trang trí paning thường có 3 phần: 1) Phần trên nói về Cõi trên (các thần linh); 2) Phần giữa nói về Quý tộc; 3) Phần dưới nói về Dân gian. Có khi vẽ 12 con giáp, có khi vẽ các vị thần, mượn hình ảnh các vị thần trong trường ca Ramayana, cũng có ảnh hưởng của Trung Quốc, vẽ mái nhà có 3 cửa (tôn giáo Bàlamôn… vẽ xe trâu, cảnh đi lễ, thích gì vẽ nấy nhưng không xa rời những nội dung trên. Sau này họ vẽ thêm các huyền thoại (từ trường ca Arya, Ramayana…) nhưng vẫn bảo đảm 3 nội dung trên. Mỗi tộc họ có thể vẽ khác nhau, làng này vẽ khác làng kia, vùng này vẽ khác vùng kia [6].

     Có thể nói, những hình vẽ trên paning thể hiện cấu trúc xã hội người Chăm – một xã hội có giai cấp và chuyên làm nghề nông, đi biển, làm rừng…

     Ciét Atau/Ciét Praok

     Ciét Atau – là một loại giỏ đan bằng tre, hình hộp vuông có nắp đậy dùng để đựng trang phục và vật lễ của tổ tiên. Trong Ciét Atau thường có ít nhất ba bộ trang phục, trong đó một bộ áo đỏ váy trắng, khăn chụp (thay mão) dùng để múa mừng vua chúa, một bộ áo váy nữ màu trắng có khăn của nữ, dùng để múa mừng Patri và một bộ áo váy nam, khăn nam dùng để múa mừng Patra. Vật lễ này chỉ duy nhất được bà Raja sử dụng, mặc trong những dịp cúng lễ của tộc họ, đặc biệt trong lễ Rija Praong để thờ cúng linh hồn của hai vị thần Patri và Patra có nguốn gốc người Mã Lai. Còn Ciét Praok được dùng để đựng trang phục lễ của người trong họ chết thiêng, linh hồn bất tử có khả năng phù hộ độ trì con cháu. Từ đó tộc họ tôn lên thành vị thần của tộc họ. Cả hai Ciét Atau và Ciét Praok thường được người Chăm thờ đôi với nhau, được xem là biểu tượng của linh hồn tổ tiên.

     2.2. Biểu tượng trong âm nhạc

     Trống kinăng với hình dáng thuôn dài, đường kính đầu nhỏ 15cm – 20cm, đường kính đầu to khoảng 25cm – 30cm, chiều dài khoảng 70cm – 80cm, khi sử dụng thường để chéo nhau, rất giống đôi chân của một người ngồi vắt chéo. Tang trống là một thân gỗ khoét rỗng giữa, phía ngoài chằng dây mây tạo nét thẩm mỹ và tránh khỏi vỡ.

     Từ khi bắt đầu vào rừng đi tìm những khúc gỗ thích hợp là phải có lễ cúng. Những khúc gỗ đã tìm thấy phải được giữ nguyên, khoét rỗng ruột và phơi cho đến khi thật khô tránh sự biến dạng do tác động của thời tiết, da bịt vào mặt trống cũng phải tính và chọn rất kỹ, đến những dây mây để ràng kéo mặt trống khi căng khi chùng như lên dây theo ý muốn cũng phải vào rừng chọn thận trọng, khi bắt đầu làm trống phải coi ngày giờ tốt làm lễ cúng mới tiến hành. Trống ghinăng bao giờ cũng gọi là đôi trống bởi vì nó có hai chiếc, một chiếc âm một chiếc dương; hoặc một chiếc cái một chiếc đực; hoặc một chiếc trống một chiếc mái. Bản thân mỗi chiếc trống có đầu âm là đầu dùng tay vỗ và đầu dương là dùng dùi đánh, dùi trống cũng phải dùng loại gỗ tốt vừa có độ dai mềm và phải chắc. Tính năng của trống ghinăng, một chiếc giữ nhịp chính theo quy định của mỗi bài bản đã có sẵn, một chiếc vừa điểm những nhịp phụ, gây ấn tượng rộng ràng độc đáo. Những người có trình độ đánh trống giỏi thường là điều khiển dàn nhạc hoặc là người đứng đầu dàn nhạc Theo tập quán tín ngưỡng, muốn học trống phải cúng một con gà, một chai rượu, một nải chuối. Khi tập đánh trống, không được tập trong nhà mà phải đưa nhau ra ngoài vườn hoặc khi rừng xa nhà.

     Trống baranưng là loại trống tròn bịt da một mặt, đường kính khoảng 0,45m. Mặt trống bịt da dê, thân trống bằng gỗ, xung quanh thân trống có đục 12 lỗ, mỗi lỗ được giữ chặt bằng mỗi con nem và có quấn dây mây xung quanh. Đây là bộ phận tăng giảm âm thanh và nốt nhạc của trống. Trống này được người Chăm xem là biểu tượng cho lống ngực (tim, phổi, ngũ tạng), là biểu hiện cái tâm con người. Trống baranưng là nhạc cụ, được xem là vật tổ của thầy Maduen, vỗ trống trong tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát vào ngực và vỗ hai tay vào trống.

     Mặt trống Baranưng vẽ hình 8 lá (giống lá bồ đề) tượng trưng cho 8 hướng, ở giữa có biểu tượng âm dương tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Ngoài ra phần dưới của Baranưng có 12 cái chốt gọi là chốt tăng tượng trưng cho 12 con giáp [7].

     Kèn saranai là chiếc kèn làm bằng hai mảnh tre mỏng ghép lại, dài chừng 40cm – 45cm, thân kèn dài chừng 20cm, khoét 7 lỗ bấm nhỏ. Loa kèn dài tới 10cm – 12cm, đường kính 4cm – 4,5cm, làm bằng sừng hoặc ngà. Âm thanh của kèn Saranai khỏe, vang, đanh, đôi khi có tiếng rè. Kèn saranai có 5 nốt âm thanh tương đương với 5 nốt nhạc đồ fa sol la rê và cũng là tượng trưng cho 5 ngũ quan của con người.

      Người Chăm thường dùng một hình ảnh ví von để để giải thích về cấu trúc dàn nhạc truyền thống của mình như sau:

(1) Cặp trống kinăng được coi là đôi chân (vì hình dáng giống đôi chân, vị trí thường để trên mặt đất, theo chiều đứng).

(2) Chiếc trống baranưng được coi là chiếc bụng (vì hình dáng tròn, dẹt), vị trí thường đeo trước bụng).

(3) Kèn saranai được coi là cái miệng. Người Chăm thường triết lý về âm nhạc của mình như sau: đôi chân phải chắc (ý nói tiết tấu phải rành mạch, rõ ràng, chắc chắn), cái bụng phải tốt (ý nói những tiết tấu bổ sung của baranưng phải phong phú, phù hợp với tiết tấu của kinăng, âm sắc phải chuẩn xác), thì cái miệng mới nói được những lời hay (ý nói kèn saranai mới phát huy được hết khả năng diễn tấu). Như vậy, thông qua một cách ví von dân gian, người Chăm đã ý thức được vai trò quan trọng của tiết tấu trong âm nhạc truyền thống Chăm.

     Ceng (Chiêng) là loại nhạc cụ gõ bằng đồng có đường kính 0,3m. Chiêng có 2 loại: chiêng mặt bằng và chiêng có núm. Chiêng thường dùng dùi gỗ ở đầu dùi quấn vải mềm để gõ, sử dụng trong các lễ hội Chăm như lễ múa Rija, tế lễ thần linh Puis, payak, ngoài ra còn được sử dụng trong đám tang. Bên cạnh chiêng còn có Mã la nhưng nhạc cụ này do người Raglai biểu diễn nhân ngày hội cúng lễ ở đền tháp…” [8].

     2.3. Biểu tượng trong múa

     Quạt là đạo cụ múa có mặt trong nhiều điệu múa dân gian, được làm bằng giấy hoặc bằng vải, trang trí kim sa hoặc chất bắt sáng, có nơi thêm tua ở đầu quạt với các sắc màu hồng, xanh, trắng rất đẹp. Cũng là múa quạt, nhưng các điệu múa lại rất nhiều như biyen – múa công; kamang – múa gà lôi; Tiong – múa chim nhồng; marai – múa chim trĩ… Các động tác múa đa dạng, mô phỏng các động tác của loài chim, có khi là những cánh chim công (biyen) xòe ra làm đẹp cho đời; những con bướm giữa mùa hè bay lượn; con gà tây (tiong) trong vườn nhà reo lên khi đón khách. Quạt còn có thể tượng trưng cho sự cao sang quý phái (chalija), quạt có thể diễn tả hoàng tử giàu sang (patra). Không chỉ vậy, quạt còn là vật linh thiêng đặt trên bàn thờ thần để cúng cầu mong những điều tốt đẹp cho dân tộc. Quạt trên tay bà Raja đầy bí ẩn, người con trai đạp lửa đầy sức mạnh đánh đuổi tà ma quỷ quái. Quạt liên kết xoay vòng nối tiếp nhau biểu hiện vũ trụ nơi con người đang sống, hay làn sóng nhấp nhô thay nhau vỗ vào bờ…

     Khăn là đạo cụ quan trọng trong điệu múa khăn, được người Chăm chính tay dệt, chiều dài khoảng 1,8m – 2m, chiều ngang khoảng 0,4m – 0,6m có viền hai đầu bằng sợi rua trắng. Khăn này chính là chiếc khăn đội đầu thường ngày của phụ nữ Chăm. Chiếc khăn cũng biểu hiện tiếng nói tâm tình của các cô gái Chăm, nó như những cánh hoa tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, tinh khiết, đáng yêu của các cô gái. Chính vì ý nghĩa đó nên chiếc khăn luôn luôn có màu trắng. Khi biểu diễn, người nghệ sĩ cầm khăn, dùng cổ tay hất khăn lên, lúc khoan thai, nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, dứt khoát theo nhịp của nhạc.

3. Kết luận

     Lễ hội Chăm là một bức tranh văn hóa dân gian sống động, đầy màu sắc, trong đó diễn xướng dân gian là một nét văn hóa nghệ thuật liên quan đến phong tục, đời sống tín ngưỡng, có nhiều phần nghiêng về phương thức trình diễn. Trong đó, Rija Praong được xem là một lễ hội diễn xướng dân gian tổng hợp với đầy đủ yếu tố trình diễn như văn chương, sự tích, trò chuyện (tuồng); nghệ thuật ca múa nhạc; và sân khấu như là đền tháp, nhà lễ… Nghệ thuật biểu diễn ấy không chỉ dừng lại bằng những động tác tượng trưng, trong một một khung cảnh ước lệ, mà nó là một nghệ thuật biểu diễn dân gian vừa mang tính ước lệ, vừa mang tính cụ thể, sinh động. Lễ hội Rija Praong có nhiều yếu tố hợp thành, trong đó biểu tượng đóng vai trò quan trọng thể hiện các cam kết tôn giáo, sự phô diễn của nghi lễ, sự tham gia vào các cuộc tranh tài, hoặc sự thể hiện những kỹ năng đặc biệt như đánh trống, thổi kèn, múa hát và kể truyện… Các biểu tượng trong lễ hội Rija Praong chính là công cụ biểu hiện văn hóa của họ thông qua nhân sinh quan và thế giới quan. Việc tìm hiểu các biểu tượng trong lễ hội này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì đã diễn ra trong đời sống của người Chăm và đó chính là những nét văn hóa đặc sắc mà người Chăm còn lưu truyền đến ngày nay.

     Chú thích:

     1. Đinh Hồng Hải (2010), Nghiên cứu văn hóa bằng phương pháp luận Nhân học biểu tượng, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, http://qlkh.hcmussh.edu.vn (truy cập 11/12/2013)

     2. Mai Văn Hai – Mai Kiệm (2011), Xã hội học văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.149.

     3. Victor Turner (2006), “Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu”, trong Những vấn đề nhân học tôn giáo – Nxb Đà Nẵng, Tạp chí Xưa & Nay, tr.242.

     4. Hải Liên (1999), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian của tộc người Chăm ở Ninh Thuận, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, tr.110.

     5. Trần Phương Nguyên – Từ Thị Phi Điệp (2014), Tài liệu điền dã tại Ninh Thuận, phỏng vấn sâu Maduen Thiên Sanh Thềm, ngày 16/8/2014, tại làng Hữu Đức.

     6. Trần Phương Nguyên – Từ Thị Phi Điệp (2014), Tài liệu điền dã tại Ninh Thuận, phỏng vấn sâu Đàng Năng Thọ, 19/8/2014, tại làng Bàu Trúc.

     7. Trần Phương Nguyên – Từ Thị Phi Điệp (2014), Tài liệu điền dã tại Ninh Thuận, phỏng vấn sâu Maduen Thiên Sanh Thềm, 16/8/2014, tại làng Hữu Đức.

     8. Sakaya (2003), Lễ hội của người Chăm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.189.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Lê Ngọc Canh, Tô Đông Hải (1995), Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

     2. Đinh Hồng Hải (2010), Nghiên cứu văn hóa bằng phương pháp luận Nhân học biểu tượng, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, http://qlkh.hcmussh.edu.vn (truy cập 11/12/2013).

     3. Mai Văn Hai, Mai Kiệm (2011), Xã hội học văn hóa – Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

     4. Hải Liên (1999), Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian của tộc người Chăm ở Ninh Thuận, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

     5. Trương Văn Món (2012), Mối quan hệ giữa văn hóa Chăm và văn hóa Mã Lai thông qua lễ Rija Praong và Mak Yong, Luận án Tiến sĩ Lịch sử – TP.HCM: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

     6. Trần Phương Nguyên, Từ Thị Phi Điệp (2014), Tài liệu điền dã tại Ninh Thuận.

     7. Victor W. Tuner (2006), “Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu”, trong Những vấn đề nhân học tôn giáo – Nxb Đà Nẵng, Tạp chí Xưa & Nay.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số 32(57), tháng 9/2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Biểu tượng trong lễ hội Rija Praong của người Chăm ở Nam Trung Bộ (Tác giả: ThS. Từ Thị Phi Điệp)