Bối cảnh hình thành và những nguyên lý nền tảng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ (Phần 1)

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  TRƯƠNG VĂN CHUNG*

TÓM TẮT

     Xuất hiện trong không gian văn hóa vùng Nam bộ, Phật giáo Khất sĩ (PGKS) như một nhân tố mới trong dòng chảy Phật giáo ở Nam bộ, Việt Nam và nhanh chóng được sự hưởng ứng, tin tưởng của một bộ phận người dân Nam bộ. Xuất hiện vào thời kỳ lịch sử với nhiều biến động xã hội và đời sống tôn giáo đương đại đang bị phân mảnh, chia rẽ sâu sắc ở Nam bộ, PGKS chủ trương thật hành theo giáo lý y bát chơn truyền, nối tiếp chính pháp của Phật tổ. Đây là cố gắng phục dựng và bảo tồn những giá trị của Phật giáo, đồng thời hướng tới sự đoàn kết mọi tôn giáo trong một xã hội bình đẳng, đại đồng. Bằng các lý thuyết của tôn giáo học, bài viết này có mục đích làm rõ bối cảnh ra đời, tường giải những phạm trù, nguyên lý nền tảng của PGKS như cơ sở lý luận cho việc tiếp tục nghiên cứu các chiều kích lịch sử, xã hội học, tâm lý học, nhân học, ngôn ngữ, kiến trúc và những vấn đề hiện đại của PGKS.

Từ khóa: Khất sĩ, nối truyền chính pháp, Chơn lý, võ trụ, trung đạo; y bát chơn truyền.

x
x x

1. Bối cảnh xuất hiện của Phật giáo Khất sĩ

     Mọi tôn giáo dù nội sinh hay ngoại nhập cũng đều phải hiện tồn và lan tỏa trên một vùng đất với một nền văn hóa trong một không gian và thời gian cụ thể. Tôn giáo không chỉ phản ánh đời sống tinh thần của cư dân, mà còn là bộ phận trong hệ thống xã hội. Phật giáo Khất sĩ cũng là một trong số các tôn giáo như vậy, xuất hiện vào những năm cuối của nửa đầu thế kỷ XX, PGKS đã trở thành một phần trong đời sống tôn giáo Nam bộ. Tìm hiểu bối cảnh, những phạm trù, nguyên lý nền tảng của PGKS không thể không xem xét đến vùng đất Nam bộ, nơi đã ảnh hưởng, tác động và nuôi dưỡng sự xuất hiện, lan tỏa, phát triển của PGKS.

     Bối cảnh xuất hiện của PGKS là hoàn cảnh địa lý, môi trường sinh thái, lịch sử, văn hóa, truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo cùng những điều kiện kinh tế – chính trị và thiết chế xã hội. Tất cả những nhân tố này tương tác, đan quyện vào nhau như một “ma trận” văn hóa – xã hội, trở thành nguồn gốc xã hội, nguồn gốc nhận thức và tâm lý của PGKS.

     1.1. Nhân tố kinh tế – chính trị – văn hóa

     Trở lại những thập niên đầu của thế kỷ XX, chúng ta có thể thấy tác động lớn đến đời sống cư dân vùng Nam bộ là chính sách kinh tế – chính trị của thực dân Pháp đối với Nam bộ sau chiến tranh thế giới lần thứ I. Pháp tuy là phái thắng trận, nhưng phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế-tài chính. Chiến tranh đã phá hủy nhiều nhà máy, đường sá, cầu cống, làng mạc của Pháp. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị đình trệ, thương mại giảm sút, nước Pháp trở thành con nợ lớn của Mỹ. Để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục nền kinh tế, chính phủ Pháp một mặt ra sức khôi phục kinh tế trong nước, một mặt tăng cường đầu tư, khai thác thuộc địa, trước hết và chủ yếu tại Đông Dương.

     Về thời gian, đợt khai thác thuộc địa lần 2 của thực dân Pháp kéo dài trong khoảng 10 năm. Tốc độ và quy mô đầu tư của thực dân Pháp trong đợt khai thác thuộc địa lần 2 ồ ạt và rộng hơn nhiều lần so với đợt khai thác lần I. Ở Nam bộ, thực dân pháp (TDP) chú trọng đầu tư khai thác nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là TDP ra sức cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền, nông trại.

     Đến 1930, tổng số đất nông nghiệp mà TDP chiếm đoạt lên đến 1,2 triệu ha. Hầu hết đồn điền đều chủ yếu trồng lúa và 1 số loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su… Tại các đồn điền trồng lúa, phương thức canh tác và bóc lột của địa chủ Pháp-Việt vẫn chủ yếu theo kiểu phong kiến. Diện tích đồn điền cao su mở rộng không ngừng: năm 1919, diện tích là 15.850 ha; 1925 là 18.000 ha; 1930 là 78.620 ha. Nhiều đồn điền chè, cà phê cũng được xây dựng nhiều hơn và mở rộng diện tích lớn hơn. Nhất là thời gian sau 1924 đến 1930, TDP có khoảng 10.000 ha cà phê, 3.000 ha chè. Ngoài ra còn có hàng nghìn hecta trồng mía, bông, hồ tiêu.1

     Chính sách khai thác thuộc địa của TDP đã đẩy hầu hết người nông dân Nam bộ bị mất ruộng đất, phải đi làm công, làm thuê chịu sự bóc lột thậm tệ, thuế khóa lại nặng nề đã đẩy họ rơi vào cảnh cùng khổ, gia đình nghèo đói, bị áp bức, đối xử bất công v.v… Đây là những nhân tố buộc người nông dân không thể tiếp tục sống như cũ, họ muốn phản kháng, muốn thay đổi cuộc sống. Song họ bất lực và không lối thoát, nên xuất hiện nhu cầu nương tựa vào một sức mạnh, một sự kỳ diệu nào đó để thay đổi cuộc sống hiện tại. Đây là mảnh đất mầu mỡ để các tôn giáo nội sinh xuất hiện như Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn (1915), Phật giáo Hòa Hảo (1939), đạo Cao Đài (1926), PGKS, (1944), đạo Dừa (1948) v.v…

     Chính sách cai trị của TDP ở Nam bộ nhằm mục đích can thiệp trực tiếp vào tổ chức quyền lực từ các cấp làng, xã. Từ năm 1904, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện quá trình “cải lương hương chính” với ý đồ đưa tầng lớp tân học lên cầm quyền thay tầng lớp cựu học. Chủ trương chung của thực dân Pháp là tiếp tục sử dụng giai cấp địa chủ và tay sai người Việt vào việc cai trị, các thành phần này ở trong bộ máy cai trị chỉ là những kẻ có chức nhưng không có quyền hành gì đáng kể. Song là guồng máy tay sai đắc lực ở các cấp dưới, chủ yếu thừa hành mệnh lệnh của cấp trên. Ngoài bộ phận tay sai cũ được duy trì và cải tạo để sử dụng, về căn bản, các chính sách cải lương hương chính chấp nhận các cơ chế cổ truyền của làng, xã Việt Nam, nhưng nó cố gắng nắm lấy bộ phận đứng đầu làng, xã, hương, thôn.

     Dù có những khó khăn và phản ứng từ các làng xã, nhưng kết quả của quá trình cải lương hương chính là thực dân Pháp đã có một số thành công trong việc can thiệp vào các làng xã thông qua việc “viên chức hóa” các chức dịch, kỳ hào, kiểm soát về nhân sự, tài chính, đưa các thành phần chức việc này gắn bó với chế độ thực dân, trung thành, tận tụy với chính quyền.

     Chính sách chính trị của thực dân Pháp ở Nam bộ trong những năm sau thế chiến I là ve vãn, tranh thủ và lôi kéo một bộ phận nhỏ trong giới thượng lưu Việt Nam, bao gồm một số nhà tư sản, địa chủ và trí thức. Lực lượng này, vì quyền lợi cá nhân đã đứng về phía bọn xâm lược, câu kết với chính quyền thực dân Pháp áp bức bóc lột nhân dân ta. Với các tầng lớp trên như những người hữu sản, giàu có, quyền lợi ít nhiều gắn liền với chính quyền thực dân, được chúng dành cho những đặc quyền đặc lợi cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Với quần chúng nhân dân lao động, thực dân Pháp chủ trương tăng cường bóc lột, đàn áp và đẩy họ vào vòng tăm tối của chế độ ngu dân, do vậy, đại đa số các tầng lớp nhân dân luôn đứng về trận tuyến đối lập với toàn bộ chế độ thực dân, địa chủ phong kiến và tay sai của TDP.

     Với chính sách “cải lương hương chính” kết hợp chính sách thuế khóa ngày càng nặng nề, khắc nghiệt và chia rẽ dân tộc phân hóa các tầng lớp xã hội thực dân pháp đã tạo ra sự mâu thuẫn đối lập sâu sắc giữa tầng lớp giàu có với đại đa số quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người nông dân nghèo khổ ở Nam bộ. Tuy nhiên, có 2 sự kiện rất quan trọng mà chúng tôi cho rằng có tác động mạnh đến sự ra đời, đường hướng hoạt động, tu hành của PGKS, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

     Ngày 3 tháng 2 năm 1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đảng Cộng sản Đông Dương (Bắc kỳ), An Nam Cộng sản đảng (Nam kỳ), Đông Dương Cộng sản liên đoàn đã thống nhất lại để thành lập một đảng chung: Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, mở ra một thời đại mới trong lịch sử toàn dân tộc Việt Nam. Nhìn từ đời sống tôn giáo Nam bộ có thể thấy sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tác động mạnh ở những tính chất sau đây.

     Tư tưởng vô sản và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đã làm thay đổi tầm nhìn, xu hướng và chủ trương hoạt động của tôn giáo. Trước hết về tầm nhìn, xu hướng các tổ chức tôn giáo, đều thấy được con đường tất yếu của xã hội Việt Nam lúc đó là phải giải phóng dân tộc, có độc lập, tự do dân tộc mới có tự do tôn giáo. Do vậy mà sự gắn bó, đồng hành giữa tôn giáo và dân tộc là tất yếu. Đó là tính chất của số tôn giáo xuất hiện trong thời gian này ở Nam bộ là “cứu thế”, “cứu đời” (Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật giáo Nam tông của người Việt v.v…).

     Phật giáo Nam bộ lúc này làm đậm đặc hơn chủ trương “đạo pháp – dân tộc”, “cứu đạo – cứu đời”. Nhiều Tăng Ni đã “dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người thì lấy nơi thờ tự trở thành căn cứ cách mạng hoặc che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, như chùa Long Thạnh, Giác Lâm, Pháp Hoa, Từ Vân, Phổ Quang v.v… người tham gia phong trào cách mạng, đấu tranh vì hòa bình, tự do, người “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” dấn thân vào cuộc chiến đấu với kẻ thù như sư Thiện Chiếu, Ni sư Huỳnh Liên, tổ sư Nguyễn Văn An v.v… tác động thứ hai là các tôn giáo Việt Nam có tâm thế trở về cội nguồn truyền thống và bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc.

     Các tôn giáo truyền thống và mới xuất hiện trong khoảng thời gian này ở Nam bộ đều chú trọng đến đạo đức trong gia đình, chuẩn mực trong các quan hệ xã hội, đề cao chân, thiện, mỹ và các giá trị truyền thống của tổ tiên.

     Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào đêm 22 rạng 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Đây là cuộc khởi nghĩa đạt quy mô rộng và có ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng nhân dân ở các tỉnh Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định).

     Tuy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công vì lúc đó chưa có được những điều kiện khách quan và chủ quan đầy đủ, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ chính là cuộc tổng diễn tập mang tầm vóc quốc gia sau Xô Viết Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng 1936 – 1939. Nó làm thức tỉnh lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giành độc lập của nhân dân ở tất cả các tỉnh, thành Nam bộ lúc đó. Giá trị lớn lao của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chứng minh rằng lực lượng cách mạng chủ lực là giai cấp nông dân, người lao động, đó là quần chúng cách mạng, những người đã thể hiện tinh thần anh dũng quật khởi, lòng căm thù sâu sắc thực dân, đế quốc.

     Khởi nghĩa Nam Kỳ cũng như tấm chắn đối với đời sống tôn giáo Nam bộ, giúp các tôn giáo có cái nhìn thực tế, đời thường hơn. PGKS cũng không thể đứng bên ngoài vòng xoáy các sự kiện chính trị chấn động như vậy, không thể không chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện chính trị liên tục theo xu hướng đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc.

     Về văn hóa, có thể nói giai đoạn 1919-1930 được xem như giai đoạn giao thời, chuyển tiếp của lịch sử văn hóa dân tộc. Cùng với chính sách kinh tế – chính trị, thực dân Pháp ra sức sử dụng vũ khí văn hóa nô dịch để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa, ra sức tuyên truyền chính sách hợp tác Pháp-Việt. Chính quyền Pháp ưu tiên xuất bản các sách báo phổ biến tư tưởng Âu châu, cho Phạm Quỳnh ra “Nam Phong tạp chí” thay “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh; cho lập “Hội Khai Trí Tiến Đức” tập hợp những người thuộc các tầng lớp trên trong xã hội lúc đó. Trên tờ Nam Phong tạp chí và các báo chí thực dân, một số học giả Việt Nam thân Pháp ra sức viết bài tán dương chủ trương chính sách văn hóa của thực dân Pháp nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.

     Tuy nhiên, về thực chất, đời sống văn hóa xã hội trong giai đoạn này dường như có sự giao thoa, đan xen và tồn tại đồng thời giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai, giữa nền văn hóa nô dịch của các nhà tư bản thực dân và một nền văn hóa mới đang nảy sinh và dần dần phát triển trong lòng xã hội thuộc địa Việt Nam.

     Với các trào lưu tư tưởng mới, các thành tựu khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật từ phương Tây thông qua các sách báo nước ngoài đã ồ ạt tràn vào trong nước, thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ tiếp xúc giữa 2 nền văn hóa Á – Âu, Đông – Tây ở Việt Nam. Việc in ấn, xuất bản và giới thiệu các công trình về khoa học tự nhiên, triết học, luật học của các học giả phương Tây đã góp phần làm thay đổi phương pháp tư duy, nghiên cứu trong một số trí thức Việt Nam tân học, hình thành phương pháp tư duy duy lý, tồn tại bên cạnh lối tư duy duy cảm của người Nam bộ.

     Trong giai đoạn này, văn hóa tinh thần cư dân Nam bộ đã có những biến đổi mới, đó là xu hướng trở về với văn hóa truyền thống, phản ứng lại văn hóa ngoại lai. Phong trào nói thơ Nam bộ phát triển rộng khắp, cùng các soạn giả âm nhạc, nghệ thuật kiểu “bổn cũ soạn lại” được người nông dân hưởng ứng nồng nhiệt. Hình thức nói thơ Nam bộ đã trở thành một phương pháp truyền bá giáo lý hiệu quả của các tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài v.v…

     1.2 Nhân tố tín ngưỡng, tôn giáo

     Nhân tố tín ngưỡng, tôn giáo ở Nam bộ có ảnh hưởng lớn đến xu hướng, tính chất của PGKS. Các hình thức tín ngưỡng ở Nam bộ trong các cộng đồng tộc người cho tới thế kỷ XIX là rất đa dạng với những sắc thái riêng. Đó là tín ngưỡng đa thần trong các cộng đồng người thiểu số bản địa (như người Stiêng, người Choro, người Mạ ở Đông Nam bộ). Phong tục thờ tổ tiên, thờ các vị thần trong tự nhiên, lễ hội… tạo ra một môi trường tâm linh bao trùm khắp vùng Nam bộ dưới các hình thức biểu tượng, miếu thờ, đền thờ, nghi lễ và lễ hội cộng đồng (lễ hiến sinh, nghi lễ vòng đời, các nghi lễ nông nghiệp v.v…). Các nhà tôn giáo học thường cho rằng sự xuất hiện của một tôn giáo nào đó thường có sự vay mượn và dung hợp ít nhiều các yếu tố của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống.2 Tìm hiểu giáo lý, nghi lễ và sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng tộc người chúng tôi đều thấy những yếu tố tín ngưỡng luôn hiện diện trong đời sống tôn giáo nội sinh những năm đầu thế kỷ XX ở Nam bộ.

     Các tôn giáo đã hiện tồn ở Nam bộ trước khi có sự xuất hiện của PGKS là Phật giáo Bắc tông3 đi cùng với công cuộc khẩn hoang, khai phá vùng đất Nam bộ của công đồng người Việt và Phật giáo Nam tông của tộc người Khmer di cư4 bao gồm Đạo giáo và hình thức tam giáo dung hợp của cộng đồng người Hoa; Islam giáo trong cộng đồng người Chăm và các tôn giáo nội sinh trong cộng đồng người Việt từ thế kỷ XIX như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo của các ông đạo. Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài tuy là cùng thời song cũng xác định được vị trí và tầm ảnh hưởng đối với tinh thần xã hội Nam bộ trước khi PGKS xuất hiện.

     Cũng phải kể đến Công giáo đã thành công trong việc truyền bá và hình thành các cộng đồng tín đồ ở khắp các tỉnh thành Nam bộ, Trung Bộ với các giáo phận: Sài Gòn, Quy Nhơn, Huế và một phần của giáo phận Nam Vang (Campuchia), tổng cộng là 12 giáo phận. Năm 1925, Tòa thánh Vatican lập Tòa khâm sứ ở Đông Dương, đặt tại Phủ Cam (Huế). Thời kỳ này, các giáo xứ được thực dân Pháp cấp cho nhiều ưu đãi. Các cộng đồng Công giáo trở thành “cộng đồng tự trị” được miễn thuế. Theo thống kê, tính đến đầu năm 1945, tầng lớp địa chủ phong kiến Việt Nam, địa chủ thực dân Pháp, địa chủ Công giáo chiếm không tới 5% dân số, nhưng chiếm hữu tới 70% ruộng đất.5 Một nhà nghiên cứu phương Tây từng nhận xét: “Dưới chế độ thực dân Pháp, từ năm 1860 cho đến lúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ, Thiên Chúa giáo được khuyến khích còn Phật giáo thì không cho phát triển.6

     Chúng tôi cho rằng đây là một mâu thuẫn trong đời sống tôn giáo ở Nam bộ, gây sự chia rẽ, xích mích trong mối quan hệ tôn giáo giữa Công giáo và phần còn lại. Khoảng năm 1940, Bác sỹ thú y Lê Văn Giảng (Hòa thượng Hộ Tông) sau khi đắc pháp tại chùa Unalom, Campuchia, đã cùng một số bạn bè thân hữu thành lập Tổ đình Bửu Quang tại Gò Dưa, Thủ Đức với tên gọi Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) nay gọi là Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt, để phân biệt với Phật giáo Nam tông của người Khmer Nam bộ.7

     Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt, có tính chất, đặc trưng và vai trò riêng trong đời sống tôn giáo Nam bộ. Song nhìn từ bối cảnh xã hội, sự xuất hiện của Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Việt chính là sự phản ứng chống lại chính sách thiên vị, bất bình đẳng về tôn giáo của thực dân pháp, góp phần đáp ứng nhu cầu một bộ phận quần chúng nhân dân và làm phong phú hơn đời sống văn hóa tâm linh vùng Nam bộ.

     Trong đời sống tôn giáo Nam bộ thời kỳ này, một nhân tố có ảnh hưởng, tác động đến sự xuất hiện của đến PGKS là phong trào chấn hưng Phật giáo khởi xướng vào những năm 30 của thế kỷ XX ở Nam bộ.8 Đây là phong trào có sức lan tỏa, nở rộ khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam và có ảnh hưởng to lớn không chỉ trong đời sống tôn giáo, mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực văn hóa – xã hội. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam bộ tuy diễn ra trong thời gian ngắn, song sôi nổi, bùng phát. Hội “Nam Kỳ nghiên cứu học Phật” ra đời tháng 8 năm 1931, Hội Phật học Nam Việt thành lập năm 1950 tại Sài Gòn, Hội “Phật học Kiêm Tế”, hội “Lưỡng xuyên Phật học” ở vùng sông Tiền, sông Hậu v.v… Tất cả đều có mục đích cải cách và chấn hưng Phật giáo với những nội dung bao quát nhiều lĩnh vực của Phật giáo như về giáo lý, giới luật, tổ chức giáo hội.

     Mục tiêu lớn mà phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm tới là “dân tộc – đạo pháp” thực chất là khẳng định rõ hơn xu hướng nhập thế, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp. Phong trào chấn hưng Phật giáo cũng đã thành lập nhiều trường Phật học, tổ chức và đào tạo nhiều tăng ni sư có trình độ, có phẩm hạnh, thành lập các tạp chí Phật học: Từ bi âm, (1932- Sài Gòn), Bát-nhã âm (1937- Long Cố, Bà Rịa), tạp chí Tiến hóa (1937 – Rạch Giá), Phật học tùng thư (HT. Thiện Chiếu) đều bằng tiếng Việt nhằm hoằng dương Phật pháp và phổ biến giáo lý rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

      Tuy chưa thực hiện được mong muốn thống nhất các hệ phái Phật giáo, song phong trào chấn hưng Phật giáo đã tạo ra bước chuyển về chất cả về xu hướng, con đường phát triển và Việt hóa hoàn toàn Phật giáo cùng đội ngũ tăng, ni tâm huyết với đạo và dấn thân cùng đất nước, dân tộc.

     Phong trào chấn hưng Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự xuất hiện của PGKS cả về đường hướng, giáo lý, tu tập và một môi trường sinh thái tâm linh tôn giáo Nam bộ. Có thể nói bối cảnh lịch sử nửa đầu thế kỷ XX ở Nam bộ có quá nhiều biến động về chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa, tôn giáo, tạo thành bước chuyển lớn trong đời sống xã hội nói chung và tôn giáo nói riêng. Những biến động này chính là nguồn gốc xã hội, nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc tâm lý đối với sự ra đời, lan tỏa, phát triển của PGKS.

     Tính chất đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong phú về văn hóa tâm linh ở Nam bộ là một ảnh hưởng vừa thuận lợi, song cũng vừa là trở ngại đến sự xuất hiện, phát triển của PGKS. Trong một vùng đất có nhiều tôn giáo cùng tồn tại như vậy, PGKS phải có xu hướng tâm linh và giáo lý nào để có thể truyền bá, phổ biến, lôi cuốn, hấp dẫn quần chúng nhân dân, việc thành lập tổ chức và cộng đồng tín đồ độc lập, có khả năng tồn tại để chia sẻ niềm tin với các tôn giáo cùng thời liệu có thành công không? PGKS có thể lan tỏa, phát triển được trên vùng đất Nam bộ không, trước sức ép cạnh tranh, thậm chí là va chạm xung đột với các tôn giáo đương thời?

     Giải quyết được những vấn đề trên phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, tài năng và đức độ của người sáng lập đạo, đề xuất hướng tâm linh mới và sáng tạo hệ thống giáo lý mới. Tổ sư Minh Đăng Quang chính là người đã làm được nhiều hơn thế để giải quyết những khó khăn, trở ngại của sự xuất hiện, lan tỏa, phát triển của PGKS vùng Nam bộ.

2. Người sáng lập, lịch sử hình thành, phát triển

     Tổ sư Minh Đăng Quang, tên khai sinh là Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1023 (26 tháng 9 năm Quý Hợi) tại làng phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long (nay là Ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình). Sinh ra trong một gia đình theo truyền thống Nho giáo, là con út, mẹ lại mất ngay từ khi còn quá nhỏ, ông được người cô, bà nội và sau này là mẹ kế nuôi dưỡng, song ông được dạy dỗ và học hành cho đến khi trưởng thành.

     Có tư chất thông minh, ham học hỏi, ngay từ nhỏ ông đã quan tâm nhiều đến các vấn đề về lịch sử, con người, vùng đất Nam bộ, đặc biệt là kinh sách Phật học và có xu hướng thoát ly gia đình, tầm sư học đạo. Năm 7 tuổi, ông vào học ở trường Tống Phước Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt). Năm 13 tuổi, ông tốt nghiệp sơ học của Pháp (nay là bằng cấp tiểu học). Năm 15 tuổi, ông sang tỉnh Kampot, Campuchia để tu tập, hành đạo. Ông tu tập, học đạo ở xã Tuk meas,9 thọ giáo với Lục tà Keo (Sư ông Keo).

     Theo các tài liệu lịch sử Phật giáo Campuchia, Lục tà Keo là người tu hành nhưng lại có vợ con và làm chủ trại khai thác đá vôi.10 Các tài liệu nói nhiều về thuật bùa chú, phép thuật của con người mang hai dòng máu Hoa – Khmer và đã hoàn tục.11 Có lẽ vì tâm thế khác nhau nên khi ở Tuk meas, ông chỉ làm công việc ngoài Phật sự, không học tập được nhiều, nên năm 1941 ông về lại Việt Nam.

     Năm 1943, ông lập gia đình và có một người con gái, song như một định mệnh, cả hai người thân thương nhất của ông đều mất chỉ trong hai năm sau đó, đau buồn và bất lực trước sinh tử, càng nung nấu ý chí tu hành vốn đã sục sôi trước đó ở ông. Đây có thể nói là giai đoạn chuẩn bị nhân duyên đầy đủ cho việc xuất hiện của PGKS. Năm 1946, khi tổ sư thọ giới Sa di, phát nguyện hành trì, nối truyền Thích Ca chánh pháp, với pháp danh Minh Đăng Quang, lịch sử PGKS bắt đầu từ đó. Ngay khi sáng lập đạo, ngài đã bắt đầu thu nhận đề tử, thành lập tăng đoàn, tổ chức các đoàn du tăng Khất sĩ theo mô hình, tính chất du tăng thời đức Phật.

     Trong khoảng thời gian ngắn (1946-1956), hình ảnh của vị sư “tam y nhất bát”, không nhà cửa, không tài sản, chậm rãi từng bước chân đi khắp các nẻo đường, từ xóm ấp nọ, sang huyện tỉnh kia, chỉ với một mục đích duy nhất: “Hóa độ chúng sinh” với lời lẽ giản dị, đễ hiểu, các bài thuyết pháp của ngài đã lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân lao động, nhiều người trở thành đệ tử. Trong thời gian này, PGKS đã trở thành một hiện tượng mới trong đời sống tôn giáo Nam bộ, có hàng ngàn tín đồ quy y thọ giới với 20 Tịnh xá được thành lập, nhiều giáo đoàn du tăng, hành đạo khắp vùng, nhiều đại đệ tử giỏi kế tục đạo nghiệp như Giác Tánh, Giác Chánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An v.v… nhiều Ni trưởng đạo hạnh như Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên v.v…12

     Với tấm gương hành đạo của Tổ sư cùng giáo lý cách tân, sự tích hợp tư tưởng, giá trị cốt lõi của các trường phái Phật giáo và dáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân lao động, PGKS lan tỏa nhanh chóng, trở thành một hiện tượng độc đáo trong đời sống tôn giáo Nam bộ. Sau gần 80 năm Tổ sư vắng bóng, PGKS đã phát triển vượt bậc, có 7 giáo đoàn Tăng, Ni, hơn 3.200 Tăng sĩ, trên 500 ngôi Tịnh xá13 hiện diện ở hầu hết các tỉnh thành Nam bộ và là thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các vị tôn túc của hệ phái PGKS có uy tín được suy tôn vào các vị trí lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

_________
*. Nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM từ 2007-2016, hiện là thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.

1. Lâm Quang Huyên. Những biến đổi của giai cấp nông dân và quan hệ Địa chủ – Tá điền ở Nam bộ thời cận đại. Kỷ yếu hội thảo quốc tế (lần III) p. 24.

2. Ivan Strenski. 2006. Thinking about Religion- An historical Introduction to Theories of religion. Blackwell publishing. P163 – 168.

3. Ngô Văn Lệ. 2017. Vùng đất Nam bộ. Tập VII (Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa). Tr. 73 – 75 .

4. Ngô Văn Lệ. 2017. Vùng đất Nam bộ. Tập VII (Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa), tr. 77.

5. Lâm Quang Huyên. Những biến đổi của giai cấp nông dân và quan hệ Địa chủ – Tá điền ở Nam bộ thời cận đại. Kỷ yếu hội thảo quốc tế (lần III).

6. Jerrold Schecter. 1967. The New Face of Buddha. John Weatherhill. Tokyo , Japan, p.169.

7. Hà Xuân Liêm. 2002. Sơ lược về vài nét đặc trưng của Phật giáo Nam bộ. (in trong kỷ yếu hội thảo khoa học: “300 năm Phật giáo Sài Gòn – Gia Định, Tp. Hồ Chí Minh”. NXBThành phố Hồ Chí Minh, tr. 30 – 35.

8. Người đầu tiên vận động chấn hưng Phật giáo là Hòa thượng Khánh Hòa tại chùa Long Hoa, tiểu Cần tỉnh trà Vinh năm 1923.

9. Tuk meas là 1 trong 15 xã của huyện Bantea meas thuộc tỉnh Kampot, miền nam Campuchia.

10. Yumio Sakurai and Takako Kitagawa. 1994. Ha Tien or Banteay Meas in the Time of the Fall of Ayutthaya (in: Japan to Arabia: Ayutthaya’s maritime Relations with Asia.) p. 154 -159.

11. Hành Vân. 2016. Cần có một tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang (trong Hệ phái Khất sĩ. Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. NXB Hồng Đức, tr. 87 – 106.

12. Lê Đàn (2016). Tổ sư Minh Đăng Quang nối truyền Thích Ca, chính pháp (trong: Hệ phái Khất sĩ, quá trình hình thành, phát triển và hội nhập. NXB Hồng Đức) tr. 53.

Nguồn: Các hệ phái phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ,
Nxb: Hồng Đức, Chủ biên: Thích Nhật Từ, năm 2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

     Còn tiếp. Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp:

Bối cảnh hình thành và những nguyên lý nền tảng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ (Phần 2) — đang cập nhật–