Bước đầu NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU NHÓM TỪ chỉ TRANG PHỤC giữa TIẾNG VIỆT và TIẾNG ANH (Phần 2)
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG
(ThS, Viện Ngôn ngữ học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
4.1.2. Mô hình cấu trúc
Khảo sát cấu trúc nhóm từ chỉ các loại trang phục trong tiếng Anh nhận thấy những kiểu cấu trúc sau:
TT | Kiểu cấu trúc | Tỉ lệ % | Ví dụ |
1 | Cấu trúc danh từ (danh động từ) – danh từ | 22,3 | bathing costume (áo bơi, áo tắm), frock coat (áo choàng), leather coat (áo lông), wedding dress (áo cưới),… |
2 | Cấu trúc động từ – danh từ | 4,8 | bath-suit (áo tắm), swim-trunks (quần bơi), knitwear (quần áo đan), ski shoes (giày trượt tuyết), wash cloth (quần áo giặt),… |
3 | Cấu trúc tính từ – danh từ | 8,8 | Royal coat (áo hoàng bào, áo long bào), lined garment (áo kép), untidy clothes (áo xống),… |
4 | Cấu trúc giới từ – danh từ | 4 | overcoat (áo khoác), undervest (áo lót), undergarment (áo yếm), underwear (quần trong),… |
5 | Cấu trúc 2 thân từ kết hợp với nhau | 16,9 | topcoat (top + coat: áo bành tô), nightshirt (night + shirt: áo ngủ), tailcoat (tail + coat: áo đuôi tôm),… |
Như vậy: Mô hình cấu trúc nhóm từ chỉ trang phục trong tiếng Việt và tiếng Anh có sự đối lập căn bản. Trật từ cấu tạo từ là đặc trưng loại hình giữa hai ngôn ngữ Việt và Anh thể hiện những khác biệt căn bản này.
+ Tiếng Việt: yếu tố chỉ loại trang phục làm thành phần chính đứng trước, thành phần phụ giúp khu biệt định danh các loại trang phục đứng sau.
+ Tiếng Anh: yếu tố chỉ trang phục (coat, dress, jacket, clothes, trouser, hat,…), đứng sau làm thành phần chính, trong khi đó các yếu tố phụ đứng trước.
Sự tương đồng giữa nhóm từ chỉ các loại áo trong tiếng Việt và tiếng Anh về khía cạnh này có thể nhận thấy, cấu trúc định danh danh từ – danh từ của cả hai nhóm chiếm tỉ lệ khá cao.
Trong tiếng Anh, giới từ hoạt động tương đối mạnh nên mô hình cấu trúc có thêm cấu trúc giới từ – danh từ (chiếm 4%), tiếng Việt không có mô hình như vậy.
Tiếng Anh là ngôn ngữ biến hình, do vậy có những từ được cấu tạo bằng hai thân từ (topcoat, raincoat, tailcoat,…). Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nên không thể cấu tạo từ bằng phương thức này. Tiếng Việt sử dụng phương thức ghép để cấu tạo từ mới. Với những từ vay mượn chúng thường được ghép bằng cách giữ cách phát âm và thêm trước đó yếu tố chỉ trang phục (áo gi-lê, áo jắc-két, áo ki-mô-nô, mũ calô, mũ cát két,…).
Cấu trúc động từ – danh từ trong tiếng Anh chiếm tỉ lệ nhỏ (4,8%) ngược lại, trong tiếng Việt, cấu trúc từ chỉ trang phục + động từ chiếm tỉ lệ khá cao (15,9%).
4.1.3. Từ vay mượn
Tiếng Việt trải qua một thời gian dài tiếp xúc giao lưu văn hoá với các ngôn ngữ khác nên cũng có nhiều yếu tố vay mượn. Trong nhóm từ chỉ các loại trang phục được khảo sát có 65/328 từ vay mượn (chủ yếu từ tiếng Hán và tiếng Pháp). Những yếu tố này du nhập vào tiếng Việt trong thời gian dài và được người bản ngữ sử dụng. Có những từ được sử dụng đồng thời với những yếu tố có trong tiếng Việt như: áo may ô = áo ba lỗ, áo coọc-xê (áo xu-chiêng) = áo con, áo lót, quần soóc – quần đùi – quần cộc, dép xăng-đan = dép quai hậu, khăn mùi xoa = khăn tay,…
Những từ vay mượn trong tiếng Anh chủ yếu là những từ vay mượn từ những nước thuộc hệ ngôn ngữ Ấn – Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Mĩ,… như manteau (áo măng tô), Caftan (áo Cáp Tân – áo của đàn ông vùng Trung cận Đông), poncho (áo pôn-sô, áo của người Ét-ki-mô, leghom (mũ rơm Lếch-ho),…
Có một số từ vay mượn từ những ngôn ngữ khác hệ như: Kimono (áo ki-mô-nô – Nhật Bản), Ao dai (Việt Nam),…
Số lượng từ vay mượn của tiếng Anh chỉ là 5,4%. Điều này phải xét một quá trình lịch sử, tiếp xúc văn hoá lâu dài và đa dạng của tiếng Việt còn tiếng Anh là ngôn ngữ khá bảo lưu.
4.1.4. Hiện tượng biến thể âm
Hiện tượng biến thể âm ở cả hai nhóm từ chỉ trang phục của hai ngôn ngữ không lớn. Tiếng Việt chỉ có 05 hiện tượng (áo phông – áo pun – áo thun, áo chét – áo chẽn, quần xì – quần xilíp, khăn quàng – khăn choàng), tiếng Anh có 8 trường hợp (mackintosh – macintosh: áo mưa, foolscap/fool’s-cap: mũ anh hề, miter – mitre: mũ tế, bandanna/ bandana: khăn rằn, puggaree/ puggree: khăn quàng đầu,…
4.1.5. Hiện tượng đồng nghĩa
Hiện tượng đồng nghĩa của tiếng Anh chiếm tỉ lệ khá cao với 33 trường hợp trong khi đó tiếng Việt là 30 trường hợp. Khi đối chiếu Anh – Việt, một từ tiếng Anh có thể tương ứng với hai, ba từ tiếng Việt và ngược lại. Người dịch có thể lựa chọn những từ thích hợp với văn cảnh.
4.1.6. Nghĩa phái sinh
Nghĩa phái sinh của từ trang phục trong tiếng Việt mang ý chỉ phần vỏ bên ngoài của sự vật, động thực vật (áo gối, áo hạt, áo kén,…) và trong kết hợp “áo quan”. Điều này khá tương đồng với tiếng Anh. Nghĩa phái sinh của nhóm từ chỉ các loại “áo” trong tiếng Anh cũng chỉ phần bên ngoài của sự vật, động thực vật như coat (lớp sơn ngoài cùng), topcoat (lớp sơn bên ngoài), jacket (lông động vật), amour (phần vỏ của động vật giáp xác, phần vỏ của quả, hạt),…
Khi khảo sát, không nhận thấy trường hợp nghĩa phái sinh với những nhóm từ chỉ trang phục khác.
4.2. Đối chiếu về ngữ nghĩa
Nhóm từ chỉ các loại trang phục trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh được khảo sát đều là những từ để định danh các loại trang phục riêng biệt. Kết quả khảo sát như sau:
Đơn vị: %
Đặc trưng khảo sát | Tiếng Việt | Tiếng Anh |
Về dấu hiệu vị trí áo mặc trên người | 5,5 | 7,3 |
Về số lượng áo vải của trang phục | 0,9 | 0,8 |
Về chất liệu vải, cách thức tạo trang phục | 16,8 | 17,5 |
Về công dụng của các loại trang phục | 19,2 | 22,6 |
Về cách thức sử dụng | 6,1 | 10,7 |
Về người sử dụng (bao gồm các nhóm lứa tuổi) | 7,6 | 13,8 |
Về thời gian mặc | 5,8 | 14,1 |
Về kiểu dáng loại trang phục | 15,9 | 20,3 |
Về màu sắc | 2,1 | 1,1 |
Về tính chất (kích thước, tình trạng) | 8,2 | 13,3 |
Từ bảng đối chiếu trên ta nhận thấy những điểm tương đồng và khác biệt trong cách định danh trang phục giữa tiếng Việt và tiếng Anh như sau:
Tiếng Việt hay tiếng Anh thường lấy đặc trưng về công dụng, sau nữa, đặc trưng về chất liệu vải cũng được sử dụng để đặt tên trang phục. Đặc trưng về người sử dụng loại trang phục bao gồm yếu tố giới tính và lứa tuổi cũng được hai ngôn ngữ sử dụng.
Trong khi tiếng Anh chú trọng về đặc trưng cách thức mặc hơn tiếng Việt thì tiếng Việt chú ý hơn tới đặc trưng về các kiểu dáng của loại trang phục.
Cả tiếng Việt hay tiếng Anh đều ít sử dụng những đặc trưng về vị trí trang phục mặc trên người, số đơn vị vải trên một loại trang phục, thời gian mặc và đặc điểm chỉ màu sắc trang phục.
5. Tạm kết
Điểm tương đồng lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là cách định danh các loại trang phục của hai ngôn ngữ thường được dựa trên đặc trưng về công dụng, chất liệu vải, người sử dụng hay cách thức sử dụng loại trang phục đó. Người bản ngữ của cả hai ngôn ngữ cũng ít chú ý tới các đặc trưng về màu sắc, thời gian sử dụng hay tính chất kích cỡ của các loại trang phục. Điều này cũng phù hợp với tư duy nhận thức chung về những sự vật. Điểm khác biệt lớn nhất đó là mô hình cấu trúc cấu tạo từ chỉ các loại trang phục. Mô hình tiếng Việt là “Từ chỉ trang phục + X” trong khi mô hình tiếng Anh là “X + coat/ dress/garment….”, (X là thành phần phụ để khu biệt nhằm gọi tên các loại trang phục khác nhau). Do đặc điểm mang tính loại hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập và tiếng Anh là ngôn ngữ biến hình nên phương thức cấu tạo từ mới trong hai ngôn ngữ khác nhau. Từ chỉ trang phục của tiếng Việt mang tính phân tích tính trong khi từ chỉ trang phục trong tiếng Anh vừa mang tính phân tích tính vừa mang tính tổng hợp tính.
Khi đối chiếu nhóm từ chỉ trang phục trong tiếng Việt và tiếng Anh, một từ tiếng Việt có thể dịch ra hai hay ba từ tiếng Anh và ngược lại. Điều này chứng tỏ sự phân đoạn thực tại ở từ trong nhóm này là tương đương nhau, dẫn tới sự thuận lợi trong chuyển dịch những yếu tố này theo hai chiều. Tuy nhiên cần phải chú ý tới ngữ cảnh để lựa chọn từ thích hợp nhất.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Vĩnh Bá – Nguyễn Văn Hồng, Từ điển Anh – Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
2. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng – từ ghép – đoản ngữ), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
3. Nguyễn Văn Chiến, Ngôn ngữ học đối chiếu và đối chiếu các ngôn ngữ Đông Nam Á, NXB Đại học Sư phạm, 1992.
4. Mai Ngọc Chừ – Vũ Đức Nghiệu – Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.
5. Phạm Thị Hồng, Những từ chỉ y phục của người Nga và người Việt dưới góc độ đối chiếu, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, 2008.
6. Phạm Thị Hồng, Tìm hiểu cách định danh từ chỉ trang phục đối chiếu tiếng Việt và tiếng Nga, Khoa học công nghệ.
7. Quang Hùng – Ngọc Ánh, Từ điển Anh – Việt Việt – Anh, NXB Thống kê, Hà Nội, 2008.
8. Quang Minh, Từ vựng theo chủ điểm Anh – Hán – Việt, NXB ĐH Sư phạm, 2006.
9. Hoàng Phê, Phân tích ngữ nghĩa, Ngôn ngữ, số 2, 1975.
10. Lê Quang Thiêm, Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
11. Vương Toàn, Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
12. Nguyễn Đức Tồn, Tìm hiểu đặc trưng văn hoá – dân tộc trong ngôn ngữ và tư duy của người Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Xem lại: Bước đầu NGHIÊN CỨU ĐỐI CHIẾU NHÓM TỪ chỉ TRANG PHỤC giữa TIẾNG VIỆT và TIẾNG ANH (Phần 1)