Các DI TÍCH CHĂM trong lưu vực sông TRÀ KHÚC- QUẢNG NGÃI
LÊ HỒNG KHÁNH
Nhìn vào thực trạng các di tích văn hóa Chăm ở Quảng Ngãi, không mấy khó khăn để khẳng định là hầu hết các di tích này đã bị xóa sổ trên mặt đất, trong đó có những di tích rất có giá trị như tháp chánh lộ, tháp khánh vân, tháp núi bút. Các di tích còn ở dạng có thể nhận biết như thành cổ Châu Sa, thành Bàn Cờ đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng mặc dù đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
x
x x
Sông Trà Khúc và một hệ thống trao đổi ven sông
Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đak Tơ rôn (Kon Tum) hợp lưu từ 4 con sông nhỏ (sông Tang, sông Xà Lò, sông H’re, sông R’hin) nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Đại Cổ Lũy. Ở hạ lưu, sông Trà Khúc còn thông với sông Vệ (một con sông lớn khác ở phía nam sông Trà Khúc) qua một dòng sông nhỏ.
Theo tính toán của các nhà thủy văn, hệ thống sông Trà Khúc có tổng độ dài trên 200km, lưu vực trên 3.250km2, gấp 1,5 tổng lưu vực của các sông Trà Bồng, sông Vệ, Trà Câu (cùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi). Vì vậy, sông Trà Khúc có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải phần lớn lượng nước mưa ra biển cũng như cung cấp nước cho vùng đồng bằng tập trung đông dân cư. Từ địa điểm Ngã Ba Nước (thuộc xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà – tả ngạn; xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa – hữu ngạn), dòng sông ổn định dòng chảy và được định danh là Trà Khúc. Có người cho rằng âm “Trà” có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chăm (Trà/Chà) còn “Khúc” là biểu thị những khúc quanh đổi hướng liên tục của dòng sông từ nguồn ra bể (Trà giang cửu khúc hồi hoàn – thơ Cao bá Quát).
Sông Trà Khúc không chỉ gắn bó với đời sống và sản xuất nông nghiệp của cư dân 2 bên bờ sông mà còn là đường giao thông sông nước giữa vùng cửa biển, đồng bằng với thượng nguồn, giữa cư dân vùng đồng bằng sông Vệ với cư dân vùng đồng bằng sông Trà Khúc và rộng hơn là mối giao lưu đường biển giữa đất liền với đảo Lý Sơn (cách bờ biển khoảng 18 hải lý về phía đông bắc); xa hơn nữa là giữa Quảng Ngãi với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như với các vùng, miền trong nước và Đông Nam Á thông qua cửa Đại Cổ Lũy.
Phù điêu Brahma (thế kỷ XI) tìm thấy ở Chánh Lộ (Tp. Quảng Ngãi)
Có thể giả định rằng, từ thời Chăm hoặc tiền Chăm, sông Trà Khúc đã là trục chính của một “Mạng lưới trao đổi ven sông” (riverine exchange network)(1) và là trục kết nối các không gian sinh thái của khu vực theo mô hình của B.Bronson. Theo đó, vùng cửa sông và tiệm cận là nơi hình thành của các cảng thị và trung tâm buôn bán, hay có thể được xem như là điểm “kết nối biển với lục địa” mà rất dễ nhận thấy là trường hợp cảng Thi Nại ở vùng cửa sông Côn (Bình Định), hay Đại Chiêm hải khẩu ở vùng cửa sông Thu Bồn (Quảng Nam). Tọa lạc tại vùng cửa sông, ven biển, hay hiểu rộng hơn là nằm trong một “không gian cận duyên”, các trung tâm buôn bán và trao đổi tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển vận của các mạng lưới giao thương nội địa, đồng thời kết nối các mạng lưới này với các mạng lưới giao thương hải đảo và quốc tế. Sự hiện diện của thành Cổ Lũy ở vùng ven biển có thể được hiểu như là một cứ điểm bảo vệ, nhằm đảm bảo cho các hoạt động trao đổi buôn bán tại vùng cửa sông Trà Khúc diễn ra thông suốt và liên tục. Cũng có thể giả thiết rằng sự tồn tại và phát triển của các trung tâm buôn bán ở vùng cửa sông Trà Khúc và cửa biển Sa Kỳ, về phía bắc, có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của các cộng đồng cư dân trên đảo Lý Sơn, nơi mà các kết quả khai quật khảo cổ học, tư liệu gia phả học, sử học và cả văn hóa dân gian đủ để có thể khẳng định về sự tồn tại của những cộng đồng cư dân Chăm cổ trên hòn đảo này, cũng như mối liên hệ của họ với đất liền. Phải chăng Lý Sơn là “tiền cảng” (thuật ngữ được sử dụng bởi giáo sư Trần Quốc Vượng) của Sa Kỳ và Đại Cổ Lũy, như Cù Lao Chàm trong mối liên hệ với Đại Chiêm hải khẩu và Hội An sau này?
Ngược về phía tây, sâu hơn vào phía lục địa, là cảnh quan đặc trưng của một “không gian đồng bằng” với sự trù phú của đồng ruộng, sự tập trung của các cộng đồng cư dân. Cũng chính tại nơi đây người ta tìm thấy sự hiện diện của các trung tâm chính trị, các công trình đền tháp và các trung tâm thủ công nghiệp. Với bệ đỡ là sự dồi dào về mặt nông sản, “không gian đồng bằng” đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển của các cộng đồng cư dân và cũng là nền tảng dẫn đến sự xuất hiện của các công trình kiến trúc, đền tháp. Đây có thể là lý do giải thích sự xuất hiện của các đền tháp, thành cổ dọc theo 2 bờ sông Trà Khúc: Tháp Chánh Lộ, thành Châu Sa, tháp Khánh Vân, tháp Gò Phố…
Sự biến mất của hầu hết các đền, tháp, thành của người Chăm trên đất Quảng Ngãi
Từ khi người Việt đặt chân lên vùng đất Quảng Ngãi, chúng ta hầu như không tìm thấy bất cứ một ghi chép nào cho phép xác định sự tồn tại rõ hình, rõ dạng về các công trình văn hóa vật thể của người Chăm trên mặt đất, trừ thành cổ Châu Sa, mà ngay sau khi người Chăm mất quyền quản lý, người Việt đã sử dụng làm nơi đóng lỵ sở của bộ máy cai quản vùng đất mới. Dư địa chí (do Nguyễn Trãi biên soạn)- khi ghi chép về vùng đất “Nam giới” có nhắc đến một “tòa tháp tiên nữ” trong truyền thuyết trên đỉnh núi Xương Rồng (Long Cốt Sơn), nay thuộc địa phận huyện Đức Phổ.
Sự tồn tại với mật độ khá cao các đền tháp Chăm ở Quảng Nam và Bình Định (phía bắc và phía nam Quảng Ngãi), trong bối cảnh dải đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông có lịch sử khá gắn bó, ít nhất là từ đầu thế kỷ XV về sau, đã khiến cho việc đi tìm lý do của sự lụi tàn, hoặc thưa thớt các đền tháp Chăm ở vùng đất vốn được gọi là Cổ Lũy động trở nên rất khó khăn. Cho dù ghi chép của các nhà sử học, tướng lĩnh cũng như các truyền thuyết trong dân gian cho thấy cuộc đối đầu giữa người Chăm và người Việt trên đất Quảng Ngãi diễn ra ác liệt và đẫm máu hơn nhiều so với Quảng Nam và Bình Định. Điều này (cuộc can qua Chăm Việt) có thể là một trong những lý do dẫn đến sự hư hại, đổ nát của các đền tháp Chăm, song rất khó có thể cho rằng đó là lý do duy nhất hoặc lý do chủ yếu dẫn đến thực trạng lịch sử như trên.
Cũng có ý kiến cho rằng, vùng đồng bằng lưu vực sông Trà Khúc không màu mỡ, trù phú như đồng bằng lưu vực sông Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Côn (Bình Định) và vì thế “mạng lưới ven sông Trà Khúc” không thể cạnh tranh với các mạng lưới ven sông láng giềng ở phía bắc và phía nam. Không thể bác bỏ một cách đơn giản giả thiết này, nhưng những gì chúng ta có thể quan sát được vào thời gian về sau, khi người Việt đã định cư lâu dài trên đất Quảng Ngãi, cho thấy vùng đồng bằng dù không rộng lớn ở đây không chỉ đủ tạo ra nguồn lương thực nuôi sống cư dân tại chỗ, mà còn làm ra những sản phẩm độc đáo từ các giống cây trồng bản địa như đường phổi, đường phèn (từ cây mía), tơ tằm (từ cây dâu), mạch nha (từ cây lúa) để trở thành sản phẩm hàng hóa buôn bán, trao đổi với các nơi khác. Trong khi chúng ta chưa ghi nhận sự vượt trội nào về kỹ thuật canh tác của cư dân Chăm vùng đồng bằng sông Thu Bồn (phía bắc) và đồng bằng sông Côn (phía nam) so với cư dân sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng, Trà Câu, thì với các điều kiện tự nhiên khá tương đồng khó có thể dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về trình độ sản xuất nông nghiệp giữa các vùng này vào thời kỳ tồn tại của vương quốc Chăm.
Có hai vấn đề mà lâu nay giới nghiên cứu hầu như không nhắc đến nhiều, đó là: Địa hình hiểm trở với nhiều núi cao dựng đứng, thung lũng, rừng già ở miền núi phía tây Quảng Ngãi, chia cắt vùng trung du- đồng bằng ở phía đông với vùng cao nguyên rộng lớn phía tây (Tây Nguyên), khiến việc giao lưu, giao thương giữa 2 vùng trở nên rất khó khăn, và điều này là có sự khác biệt ở từng mức độ so với vùng phía tây Phú Yên, tây Bình Định, tây Quảng Nam.
Sự hiện diện của tộc người Hre trên địa bàn núi rừng phía tây Quảng Ngãi. Đây là một tộc người có những khác biệt khá rõ so với các tộc người Thượng cư trú ở miền Tây các tỉnh duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên. Chẳng hạn như, trong khi các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên có hoạt động kinh tế chính là hái lượm, làm nương rẫy và săn bắt, khai thác nguồn tài nguyên từ rừng, thì người Hre lại là những bậc thầy trong việc canh tác lúa nước, cày bừa 2 trâu, làm đập bổi để đưa nước vào ruộng. Họ cũng là những người sống định canh, định cư khác với lối sống du canh, du cư của các tộc người thiểu số khác, kể cả người Cor (Cùa) và người Xê Đăng (Cà Dong) láng giềng.
Hai vấn đề nêu trên gợi cho chúng ta điều gì? Phải chăng vào thời điểm tồn tại của vương quốc Chăm, người Hre ở miền Thượng đã có thể tổ chức thành một lãnh địa tự trị, đủ hùng mạnh để cạnh tranh với một mandala ở vùng thấp, mà cư dân và các giao điểm thương mại châu tuần quanh vùng hạ lưu sông Trà Khúc và cửa Đại Cổ Lũy. Ở đây, chúng tôi xin được lưu ý là các dấu vết đền tháp Chăm ở Quảng Ngãi mà chúng ta còn nhận thấy được trên mặt đất hiện nay, nơi xa nhất về phía tây là tháp An Tập (thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa), chỉ cách bờ biển chừng 20 km theo đường chim bay.
Một lưu ý khác, nhắc rằng sử Việt cho biết rất rõ, từ khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, giữa người Việt (nhóm cư dân thay thế người Chăm ở vùng trung du- đồng bằng) và người Hre (miền Thượng) đã liên tục xảy ra những cuộc đối đầu nghiêm trọng, nhiều khi ảnh hưởng đáng kể đến xu thế hình thành một quốc gia thống nhất trong cuộc hành trình Nam tiến(2). Không thể lấy một thực trạng lịch sử xảy ra về sau, thậm chí đã lâu về sau, để giải thích những gì xảy ra trước đó, thế nhưng trong rất nhiều trường hợp mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện lịch sử trở thành một chuỗi sự kiện có thể cho phép người ta nhìn vào một thời điểm nhất định, hay nói cách khác là nhìn vào một mắc xích trong chuỗi sự kiện đó, có thể hình dung ít nhiều về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc dự cảm đôi điều sẽ diễn ra trong tương lai.
Sự xuất hiện rồi lại biến mất của hầu hết các đền, tháp, thành của người Chăm trên đất Quảng Ngãi, việc phát hiện nghĩa địa tàu đắm cổ ở Bình Châu cùng với hình dung về một dòng sông cổ qua vết tích còn lưu lại đó đây đã gợi cho giới nghiên cứu và những người ham thích phiêu lưu ngược dòng thời gian có được cơ hội hành hương về nơi ký ức xa xăm, thuở dòng sông Trà Khúc còn lặng lẽ trôi trong hoang vu lau lách: Bên này, gió thầm thì trên đỉnh núi Thiên Ấn trầm mặc nghĩ suy; còn bên kia, ngọn Thiên Bút gởi vào nền trời xanh một dòng tiên tri bí ẩn để ngàn năm sau nhân thế còn trằn trọc ưu tư. Ưu tư đến cả khi “ngọn bút trời” trút đến chữ cuối cùng vào bao la vũ trụ, để nhập thân vào mây trắng ngàn năm…
Chú thích:
1. Mô hình “Mạng lưới trao đổi ven sông/ riverine exchange network” là một thuật ngữ được sử dụng đầu tiên bởi giáo sư B.Bronson để nghiên cứu về hệ thống kinh tế và trao đổi giao thương của các cộng đồng cư dân dọc theo các dòng sông ở Đông Nam Á cổ xưa. Mô hình này đã được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng để tìm hiểu lịch sử của các vương quốc cổ ven biển ở Đông Nam Á – Srivijaya, Chăm và thế giới Malay hải đảo. Nhà nghiên cứu trẻ Đỗ Trường Giang là người đề xuất hướng nghiên cứu này đối với sông Trà Khúc, trong những cuộc trao đổi trực tiếp và một bài viết gởi riêng cho chúng tôi.
2. Sự đối đầu dai dẵng và quyết liệt này đã dẫn đến việc xây đắp Tĩnh Man Trường lũy (Lũy Bình Man) và đặt các đồn, bảo vắt ngang vùng núi phía tây Quảng Ngãi, khởi đầu từ thời Trấn Quận công Bùi Tá Hán (TK XVI) và hoàn thành bởi Tả quân Lê Văn Duyệt (TK XIX). Nhân đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Tĩnh Man Trường lũy do người Việt xây dựng và nhằm mục đích ngăn chặn người Hre, lấy đà mở rộng quyền cai quản về phía Tây. Ý kiến của chúng tôi không cùng chiều với luận điểm cho rằng người Việt và người Hre đã “hợp tác xây dựng” Trường Lũy và rằng người Việt đã “học kỹ thuật xếp đá từ người Hre”, của TS Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học Việt Nam) và TS. Andrew Hardy (Nguyên Trưởng đại diện EFEO tại Hà Nội).
Xem thêm: Lê Hồng Khánh, “Trường Lũy nghi hoặc ký” (2 kỳ), tạp chí Cẩm Thành số 64 và 65.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Pháp:
1. Maspéro G, Le Royaume de Champa, Paris and Brussels: Oest, 1928.
2. Parmentier, H. Inventaire descriptif des monumentscams de l’Annam EFEO 1909-1918, Paris.
3. Stern Ph, Lart du Champa (ancien Annam) et son évolution, Toulouse, 1942.
Tiếng Việt:
4. Cao Chư, Cổ Lũy trong luồng văn hóa biển Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2012.
5. Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Chămpa: Sự thật và Huyền thoại, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1994.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam nhất thống chí, tập hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962.
7. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, (in lần thứ VII) – Tân Việt – Sài Gòn, 1964.
8. Nhiều tác giả (UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo), Địa chí Quảng Ngãi, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2008.
9. Tư liệu điền dã lưu tại tủ sách gia đình của Kỹ sư Võ Nguyên Phong, BS. Nguyễn Duy Long và tác giả.
Trích dẫn: Tạp chí Xưa Nay, số 479, (1-2017), trang 68-71
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)