Cách dạy và học chữ Hán của người Việt xưa dưới góc nhìn của phương pháp giảng dạy hiện đại

Tác giả bài viết: HOÀNG THỊ THU THỦY

TÓM TẮT

     Từng là hệ thống văn tự mượn dùng, vào giai đoạn đầu, chữ Hán đóng vai trò như hệ thống văn tự ngoại ngữ, ai cũng biết thế giới đánh giá chữ Hán là một trong những thứ chữ khó học, khó nắm bắt nhất. Vậy ngày xưa người Việt Nam ta học chữ Hán như thế nào, hệ thống sách giáo khoa dạy chữ Hán được biên soạn thế nào cho phù hợp với trình độ, độ tuổi của người học. Người viết thiết nghĩ, hẳn phải có một hệ thống sách vở dạy chữ Hán hoàn chỉnh, có thứ tự lớp lang theo trình độ và độ tuổi người học thì Việt Nam mới có thể đào tạo ra vô vàn những danh sĩ nổi tiếng uyên bác, có thể sánh ngang với các nước trong khu vực sử dụng chữ Hán (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…), mà sử sách vẫn thường nhắc đến các cuộc đối thơ, khẩu thí giữa các sứ giả nước ta với láng giềng. Vậy nên, bài viết này muốn từ góc độ giảng dạy ngoại ngữ hiện đại để nhìn nhận cách học chữ Hán của người Việt xưa, nhằm ôn cố tri tân, giữ gìn những truyền thống cha ông xưa mà vẫn hiện đại, hữu dụng.

Từ khóa: chữ Hán, phương pháp học chữ Hán, sách giáo khoa dạy chữ Hán.

ABSTRACT

     Borrowing from foreign countries, Chinese characters were initially used as a system of foreign languages in the sense that there has not been definite evidences to prove that the Vietnamese people had their own writing system existed before importing the Chinese characters. In common sense, Chinese writing language has been considered as one of the most difficult characters to learn and memorize. This raises a question: How did Vietnamese people effectively learned Chinese characters in the past? How did the system of teaching Chinese textbooks compiled in accordance with learners at different level and age? The author claims that there might be a complete system of textbooks teaching Chinese characters, clasified relying to the level and age of different learners, through which, many Vietnamese famous celebrities were succefully trained in comparison with other countries in the region using Chinese characters (Chinese, Korean, Japanese, etc.). Historical materials often refers to the competition of poems and speeches between Vietnamese people and neighbors. Therefore, this article aims to research the perspectives of the Chinese characters learning system of ancient Vietnamese in order to suggest some solution to the improvement of teaching modern foreign language for Vietnamese youth, to preserve the old father’s traditions in the modern society.

Keywords: Chinese characters, Chinese Character Teaching Method, Chinese Character Textbook etc.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Trải qua hơn 2000 năm thăng trầm lịch sử, bao phen nước ta đổi chữ thay triều, nhưng gần như chữ Hán đã chiếm một địa vị không thể thay thế trong cuộc sống người Việt Nam xưa. Trong tư duy người học hiện đại hiện nay, đa phần đều lên án cách học của người xưa là “học vẹt”, lối học thuộc lòng sách vở… Thậm chí đã từng có thời gian chữ Hán của Việt Nam “bị liên lụy”, do cách học chữ Hán cứng nhắc, không phát triển được tư duy người học. Nhưng nếu xem xét một cách khách quan, tổng quát về phương pháp học cũng như hệ thống giáo trình chữ Hán của người xưa có lẽ chúng ta có thêm minh chứng về truyền thống học hành của người Việt: hiếu học, thông minh, và lôgic, trong phạm vi nào đó còn đi trước thời đại trong phương pháp giáo dục sớm, và giáo dục gia đình.

2. Phương pháp học chữ Hán của người Việt xưa

     2.1. Chiết tự

     Ngày nay Việt Nam không còn sử dụng chữ Hán như một hệ thống văn tự quốc gia, đa phần người Việt không thường xuyên sử dụng chữ Hán, nhưng người Việt vẫn yêu chữ Hán, trân trọng con chữ, hằng năm xếp hàng “thỉnh” chữ về nhà. So với các nước đồng văn khác, người Việt nâng niu chữ Hán, tôn thờ đến mức gọi là “chữ thánh hiền”, là thứ chữ chỉ dùng để tải đạo, để ghi chép sử sách.. Vậy có phải người Việt phải đi học hay mời thầy về dạy mới biết chữ nghĩa?

     Trong các câu chuyện kể dân gian cho trẻ em Việt Nam, không thiếu những giai thoại đố chữ như: Trạng Nguyễn Hiền “Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy?” (chữ “字” và “子”), “Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này!” (chữ “于” và “丁”). Lại có giai thoại cậu bé Lê Quý Đôn trêu người, bên bờ sông, trần truồng dang rộng tay chân đố người hỏi đường là cái chữ chi? (chữ “太”) … Tất cả những giai thoại vui này nghe thì tưởng ấy chỉ là những câu chuyện trẻ con, hay dân gian trào phúng những kẻ ở giai cấp thống trị ngu dốt, hợm hĩnh, ngạo mạn, và đề cao trí tuệ người xưa, nhưng đối với trẻ em Việt Nam xưa, thông qua các các câu chuyện truyền miệng đã bước đầu làm quen với vài con chữ đơn giản, các chữ Hán xuất hiện trong giai thoại vừa gây hưng phấn, hấp dẫn trí tò mò của trẻ, lại giúp trẻ khắc sâu những nét chữ Hán đầu đời.

     Học chữ Hán qua giai thoại chuyện kể hay ca dao văn vần đều dùng phương pháp “chiết tự”, phương pháp này vốn là một phương thức bói toán xem chữ ngày xưa1, nhưng về sau “chiết tự” trở thành phương pháp học chữ Hán phổ biến của người Việt, tách nét những chữ Hán phức tạp thành các chữ Hán, nét bút đơn giản, cơ bản hơn để người học nắm bắt dễ dàng cấu tạo của chữ Hán đó.

     Ví dụ:

Chim chích mà đậu cành tre,

Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.

     Đức “德” chúng ta hay biết được tách ra thành “Chim chích mà đậu cành tre”(彳), và các chữ ‘nhất’(一), ‘thập’(十),‘tứ’(四), ‘tâm’(心).

     Chữ lập (立) đập chữ viết (曰), chữ viết đập chữ thập (十). (Chữ chương 章).

     Theo thống kê của Nguyễn Thị Hường (2002), tỷ lệ chữ được chiết tự về mặt hình thể 60% (44/73 chữ), chiết tự về mặt ý nghĩa chiếm 38% (28/73 chữ). Chỉ có 2% còn lại là số chữ được chiết tự về mặt âm đọc (3,77-82). Tuy tác giả không ghi rõ cơ sở dữ liệu của 73 chữ Hán này nhưng với trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi, biết được khoảng gần trăm chữ cộng thêm vô số các chữ bộ phận được tách ra giải thích kèm, một chữ Hán chiết tự được từ 2-5 bộ thủ hay chữ Hán kèm theo đã tạo nên một vốn từ khá lớn, như chữ Đức (德) gồm 1 bộ thủ và 4 chữ Hán khác cấu thành (ví dụ bên trên) thì khi đến tuổi đi học, trong tiềm thức trẻ đã có số vốn ngoài 300 chữ Hán là phương pháp chiết tự đã có hiệu quả to lớn trong dạy ngoại ngữ.

     2.2. Vần hóa bài học chữ Hán

     Trong cuộc sống hàng ngày của người Việt có thói quen trích dẫn ca dao, tục ngữ, vè, đối… trong hoạt động giao tiếp hàng ngày.

Cô kia đội nón chờ ai?

Chớ lất chú chệt mà hoài mất công. (chữ “安”)

 

Nhất diện lưỡng mi

Nhất sấu nhất phi

Nhất niên nhất nguyệt

Nhất nhật tam kỳ. (chữ “八”)

     Dạng ca dao tục ngữ dạy chữ Hán này hiện nay vẫn được các bạn trẻ hiện đại ngâm nga, điều đó chứng tỏ tính ứng dụng của nó vẫn còn, hoàn toàn không lỗi thời. Đối với trẻ nhỏ qua 3, 5 tuổi, khả năng học nói đã tốt và có một vốn từ kha khá lại sẽ thích thú với các dạng đố chữ có vần như thế này, dễ thuộc, khi vui đùa đố chữ nhau cũng thành một trò chơi hấp dẫn. Chưa cần biết viết nhưng trẻ sẽ thông qua các câu văn có vần mà nắm bắt nét chữ, tạo bước đệm cho trẻ khi đến tuổi cắp sách đến trường.

     Tuy đây là phương thức học vẹt, trẻ chỉ ngâm nga đọc vô thức khi chơi đùa, nhưng ở thời đại đó với độ tuổi đó các học này được đánh giá là có hiệu quả. Khi đến tuổi đến trường trẻ bắt đầu được làm quen với sách chữ Hán vỡ lòng “Nhất thiên tự”(一千字), “Tam thiên tự”(三千字) tên sách cũng chính là nội dung của sách, gồm số lượng 1000 chữ và 3000 chữ Hán thông dụng:

     Ví dụ: bài đọc đầu tiên trong quyển Tam thiên tự

天𡗶 地坦 举拮 存噲 子𡥵 孙𡥙 六𦒹

三𠀧 家茄 国渃 先𠓀 後𢖖

     Dịch nghĩa: Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiên trước hậu sau…

     Vẫn cách biên soạn theo lối văn vần, bao gồm một chữ Hán đi kèm một chữ Nôm giải nghĩa, qua các lần tái bản sau, sách được chú thêm phần chữ quốc ngữ cho phù hợp thời đại. Phương pháp vần hóa các cặp chữ Hán Nôm phù hợp cho trẻ trước quen với việc học chữ Hán do vẫn như cách chơi trò đố chữ khi bé, nhưng đã được nâng lên ở mức độ cao hơn, các chữ phức tạp hơn, nhiều nét hơn. Các nhà nho Việt Nam xưa nổi tiếng nghiêm khắc, đạo mạo ít lời, nhưng thật sự đã luôn đứng từ góc độ người học để biên soạn sách giáo khoa sao cho phù hợp trình độ đối tượng học, khác gì với khẩu hiệu “lấy người học làm trung tâm” của giảng dạy hiện đại?

     Ở đây cũng cần nhắc đến vấn đề chữ Nôm được sáng tạo dựa trên cấu tạo cơ bản của chữ Hán, nghĩa là phải biết chữ Hán trước rồi mới có thể học chữ Nôm. Do đó, trẻ nhỏ từ các câu chuyện dân gian, các câu vè vần hay đọc trước làm quen chữ Hán, tích lũy dần kiến thức để sau đi học được dạy thêm về nét chữ dân tộc mình, ấy cũng là tính hợp lý trong cách phân chia nội dung giảng dạy cho phù hợp từng đối tượng học của người Việt xưa.

     2.3. Phương pháp lặp lại, thực hành

     Trong giảng dạy và học ngoại ngữ, một trong những cách học từ vựng phổ biến nhất, tuy hơi khô cứng nhưng với người đã có trình độ trung bình, có vốn từ cơ bản thì việc mở rộng vốn từ và nâng độ khó lớp từ mới được chú trọng hơn cả. Nếu ở lớp vỡ lòng, phương pháp học chữ Hán chú trọng nhiều vào việc tạo hứng thú cho trẻ thì ở mức độ cao hơn, người học được học bằng những giáo trình biên soạn theo lối tự từ điển, một số lượng lớn từ vựng được lặp đi lặp lại trong các bài học, kể cả cấu trúc câu, như cấu trúc câu “A là B” xuất hiện hơn 4000 lần trong quyển giáo trình chữ Hán “Nhật dụng thường đàm” (日用常谈) của Phạm Đình Hổ, chữ “thiên” (天) xuất hiện 42 lần trong toàn bộ giáo trình2, chữ “quan” (官) xuất hiện 22 lần trong toàn bộ giáo trình3.

     Ngoài phương pháp lặp lại nhiều lần nhằm giúp người học khắc sâu hơn từ vựng mới thì, các nhà biên soạn còn tránh gây nhàm chán cho người học nên dùng lặp lại trên cơ sở mở rộng vốn từ và phần giải thích chữ Nôm chú thêm chữ Hán, như chữ “thiên” (天) đã nhắc ở trên, chữ này còn xuất hiện trong các từ vựng như:

天神, 各神天界 (thiên thần, các thần thiên giới),

Nhật dụng thường đàm (日用常谈), tr.5, cột 2.

徐道行禪師, 羅翁聖徐本囯李時人證道

在山西鎮佛跡山天福寺偌號厨柴後身爲李

神宗又後身爲黎神宗 (Dịch âm Hán Việt: Từ Đạo Hạnh Thiền Sư, là ông Thánh Từ bản quốc Lí thời nhân, chứng đạo tại Sơn Tây trấn, Phật Tích sơn, Thiên Phúc tự, nhạ hiệu Chùa Thầy, hậu thân vi Lí Thần Tông, hựu hậu thân vi Lê Thần Tông. Dịch nghĩa: người thời Lí, đắc đạo ở chùa Thiên Phúc còn có hiệu là Chùa Thầy tại núi Phật Tích trấn Sơn Tây, có hậu thân là Lí Thần Tông, lại thêm hậu thân là Lê Thần Tông), Nhật dụng thường đàm (日用常谈), tr.32, cột 3.

3. Hệ thống giáo trình dạy chữ Hán của người Việt xưa

     3.1. Sách do người Việt biên soạn

     Do đến nay, vì nhiều nguyên nhân như chiến tranh, loạn lạc, khí hậu, và kể cả không còn sử dụng chữ Hán Nôm mà sách vở điển tịch cổ của Việt Nam hiện còn bảo tồn rất ít, niên đại cũng không quá cổ xưa, quyển Chỉ âm ngọc nam giải nghĩa (指南玉音解义) đoán có từ thế kỷ 14, 15 được xem là cổ nhất hiện nay. Các sách giáo khoa, sách vỡ lòng dạy chữ Hán không nhiều, tính luôn cả dạng sách đa dụng vừa dạy chữ Hán vừa kiêm tự – từ điển, bách khoa thư như Nhật dụng thường đàm (日用常谈) cũng chỉ được khoảng hơn chục cuốn: Nhất thiên tự (千字文), Tam thiên tự (三千字), Ngũ thiên tự (五千字), Càn khôn tam thiên tự (乾坤三千字), Ấu học Hán tự tân thư (幼学汉字新书) …

     Các sách chuyên dạy chữ Hán của Việt Nam không nhiều, khi học trò đã có trình độ nhất định thì chữ Hán sẽ được học kèm theo kiến thức khác như: Huấn mông tập khúc hội yếu (训蒙集曲会要) dạy về đạo đức lối sống; Ấu học đối liễn tập (幼学对联集) (A.2241, MF.1985) chủ yếu là sách chữ Hán và cách gieo vần cho trẻ nhỏ; Ấu học văn thức (幼学文式) (A.1144) là sách dạy cách chọn chữ, viết chính tả; Sơ học chỉ nam (初学指南) (A.1634, MF.2325) là sách dạy chữ Hán, dạy kỷ luật, đạo đức Nho giáo4… Dạng thức biên soạn như vậy cũng thể hiện rõ tư duy của người xưa đối với việc học chữ Hán, trong các bài tựa của những sách trên đều nói rõ mục đích biên soạn là cho học trò học chữ Hán. Như trong bài tựa Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ: “因举日用常談授之門人衍譯訓詁積以成編收以遺之或能粗知所問”5 (Dịch âm Hán Việt: Nhân cử nhật dụng thường đàm thụ chi môn nhân diễn thích huấn hỗ tích dĩ thành biên thu dĩ di chi hoặc năng thô tri sở vấn. Dịch nghĩa: Nhân đó bèn đem những từ hay nói thường ngày trao cho môn nhân, phiên dịch, huấn hỗ, tích mãi thành sách. Thu thập lại để truyền cho mai sau, hoặc có ai biết được cái học vấn của mình). Sách được biên soạn theo hình thức từ điển, nội dung theo lối bách khoa thư, đề cập đến mọi khía cạnh, lĩnh vực có sử dụng chữ Hán của người Việt xưa. Phổ biến nhất có lẽ là Tam thiên tự và những sách bổ sung, hiệu chỉnh của nó (Tam thiên tự, Tam thiên tự giải âm, Tam thiên tự giải âm quốc ngữ…), do sách được biên soạn có số lượng từ vừa phải (3000 chữ), từ vựng mang tính thông dụng, đời sống, hình thức biên soạn theo lối văn vần, đọc lên thuận miệng dễ nhớ, ấy chính là những ưu điểm nổi bật của sách. Tuy nhiên, do sách biên soạn theo lối văn vần, đôi lúc giải thích nghĩa Nôm hơi khiên cưỡng, như:

     Tam thiên tự chữ 3 dòng 3 trang 2 “ngưu trâu, mã ngựa” … chữ 9 dòng 3 trang 2 “khuyển chó, dương dê” “Ngưu”, nghĩa chính là ‘bò’, mà ‘thủy ngưu’ mới chính xác là trâu, hoặc “Dương” nghĩa chính là ‘cừu’, mà ‘sơn dương’ mới chính xác là ‘dê’ như trong tiếng Việt, hoặc nghĩa được chọn cũng nương theo vần, nhưng về mặt chữ Hán thì không vấn đề gì.

     3.2. Sử dụng sách giáo khoa của Trung Quốc

     Như trong phần trước có đề cập thì chữ Hán ở Việt Nam có đời sống riêng, có hướng phát triển riêng nhưng các nhà Nho vẫn luôn cập nhật tình hình của Trung Quốc. Nếu có điều kiện các nhà Nho Việt Nam luôn mong có thể đến gần hơn tri thức phương Bắc, học chữ Hán cũng là vì mục đích tiếp cận với chuẩn mực Nho gia. Theo trang www.cohanvan.com thống kê, 10 quyển Hán văn kinh điển thường được các nhà Nho Việt xưa sử dụng trong việc dạy học chữ Hán gồm: Tam tự kinh, Thiên tự văn, Bách gia tính, Thần đồng thi, Ấu học quỳnh lâm, Chu tử cách ngôn, Minh đạo gia huấn, Nhị thập tứ hiếu, Hiếu kinh, Minh tâm bửu giám.

     Trong thời đại phong kiến Nho học thịnh hành, việc các sách giáo khoa dạy chữ Hán thông qua các bài học đạo đức, luân lý để tạo nền tảng và xây dựng lối sống chuẩn mực cho học trò trở thành điểm nhấn trong lý luận giáo dục thời bấy giờ. Tuy chú trọng Nho học, khoa cử tiến thân, nhưng giáo dục Việt Nam xưa không quy định chặt chẽ hệ thống giáo trình. Việc dùng giáo trình gì, sách gì, theo độ tuổi nào đa phần phụ thuộc vào thầy dạy, mà các thầy đồ Việt Nam lại xem kinh điển Nho gia (Trung Quốc) là khuôn vàng thước ngọc để noi theo.

     Như đã nói ở trên, nền giáo dục phong kiến Việt Nam chú trọng kinh văn, học chữ Hán không ngoài mục đích hỗ trợ việc đọc sách vở điển tịch, thế nên các sách vỡ lòng sử dụng của Trung Quốc cũng đều dùng các sách kinh điển dạy luân lý, lịch sử hay khuyên răn học hành tạo cơ sở, động lực cho người học sau này.

     3.3. Hệ thống sách giáo khoa dạy chữ Hán của Việt Nam

     Cho đến hiện nay, dạy chữ Hán được hiểu như cung cấp cho người học công cụ để tiếp nhận tri thức Nho giáo, nhưng đứng ở góc độ giảng dạy ngoại ngữ, người viết đã làm một khảo sát nhỏ các sách giáo khoa dạy chữ Hán cổ hiện tồn tại các thư viện ở Việt Nam thì rõ ràng việc học và dạy chữ Hán vẫn luôn được sắp xếp theo một trình tự nhất định, từ đơn giản đến phức tạp, từ từ đơn đến từ ghép.

     Đầu tiên trẻ nhỏ sẽ được làm quen với các chữ Hán cơ bản thông qua các trò chơi, câu đố, lớn thêm tí nữa trẻ sẽ ê a thuộc lòng các chữ Hán khó hơn theo lối văn có vần điệu. Chỉ đến khi chính thức vào lớp, theo thầy, người học lúc này đã có vốn chữ Hán kha khá, có thể học tiếp những chữ mới, từ mới thông qua các kiến thức khác.

     Khi đã lớn hẳn, thì chữ Hán vẫn luôn là môn học bắt buộc, nhưng lại được thể hiện thành các nhóm từ có liên kết, hoặc có trường nghĩa chung mà người xưa gọi là môn loại. Môn loại là các nhóm từ được căn cứ theo một đặc điểm chung, hoặc có đặc tính tương đồng sẽ được tập trung lại thành một loại, như Nhật dụng thường đàm được phân 32 môn loại: Thiên văn, Luân tự, Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo, Thân thể, Thất ốc, Tác dụng, Thực phẩm, Quả thưởng, Khí dụng (cơ khí), Công dụng, Du hí (trò chơi), Tật bệnh, Cầm thú, Trùng loại (sâu bọ, côn trùng) …

     Gần đây, giới nghiên cứu giáo dục học thịnh hành khái niệm Integration, tích hợp là chương trình nhằm giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập7, các môn ngoại ngữ không chỉ là môn học, mà các loại ngoại ngữ được tiếp xúc qua các môn học khác để bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng. Vào thời phong kiến, tuy khái niệm không chính xác như vậy, nhưng rõ ràng, cách dạy chữ Hán của người xưa thông qua việc biên soạn sách giáo khoa chữ Hán có hình thức như tự điển bách khoa thư, hay học chữ Hán thông qua các môn học Nho gia lý luận cũng có ý nghĩa tương đương.

4. Phân chia nội dung giảng dạy theo trình độ và độ tuổi người học

     Theo bộ Trung Hoa đại từ điển của Từ Nguyệt Cật, xuất bản năm 1915 đã thống kê, tổng số chữ Hán hiện có khoảng hơn 48.000, bao gồm các loại chữ Giáp cốt văn, Kim văn, chữ phồn thể, giản thể … Do tính chất địa lý, và các yếu tố lịch sử, chính trị … mà Việt Nam cho đến trước năm 1975 tuy vẫn luôn phát triển theo hướng riêng, nhưng vẫn luôn cập nhật theo xu hướng phát triển của chữ Hán Trung Quốc. Số lượng chữ Hán Nôm cũng được nâng lên theo trình độ của người học 1000 chữ (Thiên tự văn), 3000 chữ (Tam thiên tự), 5000 chữ cho cấp bậc thanh thiếu niên cần chuẩn bị nhiều kiến thức khác để tham gia các cuộc thi Hương, thi Đình (Ngũ thiên tự, Nhật dụng thường đàm) …

     Dạy từ chữ đến từ, trẻ nhỏ hoặc người mới học thường sẽ được hướng dẫn đọc các sách biên soạn theo chữ, từ đơn, như: Nhất thiên tự, Tam thiên tự.. Nhưng ở Tam thiên tự, các từ đơn được xếp theo cặp có liên quan về mặt ý nghĩa, hoặc phản nghĩa: “牛Ngưutrâu, 马ngựa; 巨cựcựa, 牙nharăng; 无chăng (không),有hữu” nhằm cho mở rộng vốn từ hơn cho người học.

     Trong quyển Ấu học Hán tự tân thư do Dương Lâm, Đoàn Triển biên soạn đã biên soạn từ từ đơn sang từ ghép 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, hoặc cụm sử dụng từ trong bài học:

Bảng 1. Trích từ vựng trong quyển Ấu học Hán tự tân thư

Chữ HánÂm đọc Hán ViệtNghĩaChữ HánÂm đọc Hán ViệtNghĩa
必,则Tất, tắcắt, thì梅必酸Mai tất toanMơ ắt
chua
桂必辛Quế tắc tânQuế ắt cay其,所Kỳ sởĐó, chỗ
随其时Tùy kỳ thờiTùy thời đó随其景Tùy kỳ cảnhTùy cảnh
đó
天地英气Thiên địa anh khíAnh khí trời đất终而为人Chung nhi vi nhânTụ lại ở
người
人笑吾学愚Nhân tiếu ngô học nguNgười cười ta học dốt雪耻莫
如学
Tuyết sỉ mạc như họcRửa nhục
chẳng bằng học
言界欺、
行界淫、
心宜正、
志宜坚、
事宜谨……
容界傲、
才界贪、
意宜诚、
患宜防、
Ngôn giới khi, dung giới ngạo, hành giới dâm, tài giới tham. Tâm nghi chính, ý nghi thành, chí nghi kiên, hoạn nghi phòng, sự nghi
cẩn.
Cấm nói dối, mặt ngạo, hành vi cấm dâm, giàu cấm than. Tâm phải ngay thẳng, ý phải thành thực, chí phải vững vàng, họa phải phòng, việc phải cẩn trọng.

 

    Ngữ pháp Hán cổ không phân theo cấu trúc Chủ – Vị như ngôn ngữ hiện đại, mà ý nghĩa ngữ pháp chủ yếu phụ thuộc vào các hư từ8, trong các sách dạy chữ Hán của Việt Nam xưa chú trọng giảng thực từ, còn hư từ chủ yếu được dạy kèm thông qua các bài học. Thực từ theo chủ điểm hay môn loại cũng được đưa vào từ đơn giản đến phức tạp, trong Nhật dụng thường đàm, môn loại đầu tiên được đưa vào học là Thiên văn. Nếu theo tư duy của trẻ em hiện đại thì bài học đầu đời phải là những chủ đề gần gũi với trẻ, thế nhưng vào thời phong kiến theo lôgic tư tưởng phương Đông thì Thiên – Địa – Nhân là khái niệm triết học cơ bản nhất9. Do đó bài học được xem là cơ bản và đầu tiên của các sách dạy chữ Hán không phải là bố mẹ, chào hỏi mà phải là Thiên văn, thiên trời, địa đất,… là như thế.

     Thường các bài thực từ được chia theo chủ điểm, chủ đề hoặc môn loại thì hư từ trong Ấu học Hán tự tân thư cũng được đưa dần vào bài học khi người học đã đạt được trình độ chữ Hán nhất định. Ban đầu hư từ được đưa vào các bài học có nội dung gần gũi, trong các cụm từ cố định, ngắn chưa sử dụng thêm dấu câu, dần dần độ khó của hư từ cũng tăng lên, đến cuối cùng dạy phương pháp đọc hiểu một câu dài mà không có dấu ngắt câu như văn hiện đại: “凡训蒙须讲究详训诂明句读为学者必有初小学终至四书” (Dịch âm Hán Việt: Phàm huấn mông tu giảng cứu tường huấn minh cú độc vi học giả tất hữu sơ tiểu học chung chí Tứ thư. Dịch nghĩa: hễ dạy trẻ nhỏ cần giảng giải, tỏ tường ngữ nghĩa, rõ ràng câu cú; còn kẻ học giả tất phải học từ chỗ ban đầu, hết sách Tiểu học rồi đến Tứ thư.) Người viết thiết nghĩ, hẳn phải có một hệ thống sách vở dạy chữ Hán hoàn chỉnh, có thứ tự lớp lang theo trình độ và độ tuổi người học thì Việt Nam mới có thể đào tạo ra vô vàn những danh sĩ nổi tiếng uyên bác, có thể sánh ngang với các nước trong khu vực sử dụng chữ Hán (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…), mà sử sách vẫn thường nhắc đến các cuộc đối thơ, khẩu thí giữa các sứ giả nước ta với láng giềng. Do đó, việc nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống giáo trình chữ Hán xưa của người Việt ta không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chữ Hán là thứ chữ dân tộc đang cần được mọi người quan tâm đúng mức, mà còn qua đó có thể từ những phân bố bài học, bài dạy của người xưa để rút ra những ưu điểm trong biên soạn giáo trình chữ Hán hiện đại.

5. Kết luận

     Tóm lại, theo quan điểm dạy và học hiện đại nếu cứ cho rằng ngày xưa ông cha chúng ta vẫn dạy và học theo kiểu học nhồi, học vẹt, nội dung nặng về “nhập môn thủ luận lý, cựu học trọng từ chương” thì qua bài phân tích này, chúng tôi hy vọng người đọc sẽ có cái nhìn mới đối với phương pháp và nội dung dạy học của Việt Nam xưa tuy chưa thật bài bản nhưng vẫn đủ tính khoa học, hệ thống và hợp lý. Các sách vở, thư tịch Hán Nôm hiện tồn không còn nhiều để củng cố hơn các ý kiến bài viết ở mức độ xưa hơn (thế kỷ 13 trở về trước), sâu hơn. Nhưng qua những tấm gương danh nhân Việt Nam để lại, chúng ta có thể khẳng định các cách dạy-học xưa rõ ràng có hiệu quả to lớn, cũng như qua bài phân tích theo góc độ giảng dạy hiện đại các cách dạy-học này đã được nghiên cứu, cải tiến để chúng ta có thể “ôn cố tri tân”, giữ và học điều hay của người xưa, bỏ qua những nội dung cứng nhắc, sáo rỗng nhằm tiến đến việc gìn giữ một nền văn hóa chữ Hán của Việt Nam./.

     Chú thích:

     1.
Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt tân tự điển, Sài Gòn, NXB. Khai Trí, 1975
<https://hvdic.thivien.net/hv/chi%E1%BA%BFt>.

     2.
http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Nhat-dung-thuong-dam-Dictionary/NDTDlookup?uiLang=vn, thống kê chữ Thiên trong Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ.

     3.
http://www.nomfoundation.org/nom-tools/Nhat-dung-thuong-dam-Dictionary/NDTDlookup?uiLang=vn , thống kê chữ Quan trong Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ.

      4. Các sách này đều hiện được bảo tồn trong các thư viện tại Việt Nam hoặc nước ngoài, có cung cấp số thư mục đi kèm trong ngoặc.

     5. Phạm Đình Hổ, Nhật dụng thường đàm, tr.2 (sách hiện tồn trong Thư viện quốc gia Việt Nam, có số thư mục R.1726)

     6. Theo bản dịch của Trần Trọng Dương, Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ, NXB Văn học, 2016, tr.284.

     7.
http://daubao.com/chuong-trinh-giao-duc-pho-thongmoi-dinh-huong-day-hoc-tich-hop-o-bac-trunghoc-co-so/giao-duc/2066256.html

     8. Hư từ là những từ không mang ý nghĩa từ vựng, mà chỉ có nghĩa về mặt ngữ pháp, thực hiện chức năng ngữ pháp trong câu, trong ngữ pháp Hán cổ có các hư từ thông dụng như: chi (之), hồ (乎), giả (者), dã (也) … thực hiện chức năng ngữ pháp như: liên từ, giới từ …

     9. Theo Kinh Dịch cũng như lời bàn của Chu Hy sau này, trong mỗi quẻ đơn Bát quái đều có ba vạch biểu hiện Tam Tài (ba cõi), sau phát triển thành các quẻ kép 6 hào (hai hào trên là Thiên, hai hào giữa là Nhân, hai hào dưới là Địa). Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên). Đổng Trọng Thư, thuyết “Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể” và “Thiên Nhân tương dữ” nói về tính thống nhất và mối liên hệ khăng khít của vũ trụ: “Trời, Đất và Người là nguồn gốc của vạn vật. Trời sinh ra vạn vật, Đất nuôi chúng, Người hoàn thành chúng.” (Thiên Địa Nhân, vạn vật chi bản dã. Thiên sinh chi, Địa dưỡng chi, Nhân thành chi).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Bùi Đình Mỹ (1996), “Sách dạy – học chữ Hán một di sản tư tưởng lớn đối với sự nghiệp vĩ đại nâng cao dân trí hiện nay”, Tạp chí Hán nôm, số 2, 3-15.

     Dương Lâm, Đoàn Triển, Ấu học Hán tự tân thư, lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, VHv.1485.

     Đoàn Trung Còn hiệu đính (1969), Tam thiên tự, NXB Trí-Đức Tòng-Thơ (Sài Gòn) .

     Nguyễn Thị Hường (2002), “Chiết tự – một phương pháp nhớ chữ Hán độc đáo”, Tạp chí Hán Nôm, số 5/54, 77-82.

     Phạm Đình Hổ, Nhật dụng thường đàm, lưu giữ tại Thư viện quốc gia, R.1726.

     Thế Anh (1999), “Những cuốn sách giáo khoa truyền thống của Trung Quốc dành cho lứa tuổi vỡ lòng”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1999, tr.89-93.

     Vũ Văn Kính, Khổng Đức biên soạn (2008), Ngũ thiên tự, NXB Văn hóa Thông tin.

     Phạm Văn Khoái (1999), Về truyền thống biên soạn sách dạy chữ Hán ở Việt Nam thế kỷ XVII-XIX, Phạm Đại Doãn chủ biên, Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.237-251.

Nguồn: Khoa học Ngoại ngữ Quân sự, Số 20 (7/2019)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cách dạy và học chữ Hán của người Việt xưa dưới góc nhìn của phương pháp giảng dạy hiện đại (Tác giả: Hoàng Thị Thu Thủy)