CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 – THỰC TIỄN và THÁCH THỨC đặt ra đối với CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC và ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRẺ

PHẠM NGỌC TRANG
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

ABSTRACT

     The Fourth Industrial Revolution brings many opportunities for Vietnam to accelerate industrialization and modernization. However, we are facing many challenges in socio-economic development in general and the education in particular. To take the advantages of this trend, the education of Vietnam must change comprehensively and fundamentally. Moreover, this revolution requires young lectures to change their mind and methods of teaching to train high quality human resources, meeting requirements of labour market in current period.

Keywords: The fourth Industrial Revolution, education, innovation, challenges.

x
x x

1. Mở đầu

     Cho đến nay, thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN). Cuộc CMCN đầu tiên xuất phát từ thế kỉ XVIII khi người ta biết dùng hơi nước và máy móc để thay cho sức người, sau đó đến lượt điện – dây chuyền sản xuất và các mô hình sản xuất quy mô lớn ra đời tạo nên cuộc cách mạng thứ 2. Khi máy tính ra đời vào những năm 1970, bắt đầu cho một loạt thay đổi về cách người ta xử lí thông tin và tự động hóa bằng robot, cuộc cánh mạng thứ 3 được xướng tên. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có cuộc CMCN 4.0, hay còn gọi là Industry 4.0.

     Sự thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng này mang lại đã tạo ra nhiều thay đổi về cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực ấy không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm mà còn cần có khả năng giải quyết nhanh các vấn đề thực tiễn và tư duy sáng tạo. Muốn bắt kịp xu hướng này, ngành GD-ĐT cần phải có những thay đổi toàn diện để phù hợp với xu thế mới vì cuộc cách mạng này đang đặt ra những thực tiễn, thách thức đối với các trường đại học (ĐH) và đội ngũ giảng viên trẻ.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Khái lược về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra

     Theo Gartner, CMCN 4.0 (hay CMCN lần thứ tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. Industrie 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kĩ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

     Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về CMCN 4.0 như sau: CMCN đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.Bây giờ, cuộcCMCN lần thứ 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lí, kĩ thuật số và sinh học.

     Theo ông, tốc độ đột phá của CMCN 4.0 hiện “không có tiền lệ lịch sử”. Khi so sánh với các cuộc CMCN trước đây thì cuộc CMCN4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang “phá vỡ” hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lí và quản trị.

     Hay nói cách khác, cuộc CMCN 4.0 mô tả về một môi trường mà máy tính, tự động hóa và con người nói chung sẽ cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Robot, máy móc sẽ được kết nối vào hệ thống máy tính. Các hệ thống này sử dụng thuật toán “machine learning” để học hỏi và điều khiển máy móc, cần rất ít hoặc thậm chí là không cần sự can thiệp nào từ con người. Đây là lí do mà nhiều người gọi cuộc CMCN 4.0 như là một “nhà máy thông minh”. Để có đủ dữ liệu phục vụ cho cuộc cách mạng này, máy móc phải “cống hiến” dữ liệu ngược lại về hệ thống trung tâm cũng như thu thập dữ liệu từ các nguồn bên ngoài thì quyết định được máy đưa ra mới chính xác. Như vậy, CMCN lần thứ 4 mang đến cơ hội và cũng đầy thách thức với nhân loại. Cuộc cách mạng này có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Quá trình tự động hóa diễn ra sẽ dẫn đến thay thế con người trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nếu người lao động không thích ứng nhanh, bắp kịp vớisự thay đổi của quá trình sản xuất thì sẽ dẫn tới hiện tượng bị dư thừa lao động hay thất nghiệp. Theo dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện và tham gia của robot vào sản xuất thay thế con người, số lượng lao động sẽ giảm đi so với hiện nay, do đó sẽ xuất hiện một số lực lượng lao động phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Đặc biệt, xu thế này không những đe dọa việc làm của người lao động có trình độ thấp mà ngay cả lao động có trình độ cao cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như họ không được trang bị những kĩ năng mới – kĩ năng sáng tạo cho nền kinh tế trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0.

     Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi căn bản, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc ĐH, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, mẫu giáo.

     2.2. Thời cơ và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với các trường đại học trong giai đoạn hiện nay

     CMCN 4.0 đã đặt giáo dục ĐH trước nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng này, bản thân các trường ĐH có thể chưa dự đoán hết được những kĩ năng mà thị trường lao động cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường ĐH chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kĩ năng và phương pháp. Vớisự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học cả tư duy những kiến thức, kĩ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống chưa thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền giáo dục ĐH của Việt Nam đã và đang còn bộc lộ nhiều hạn chế.

     Trong những năm gần đây, cải cách giáo dục tốn nhiều công sức nhưng chưa mang lại kết quả, hoạt động đào tạo tự phát, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là thiếu sự tương tác giữa Nhà nước và thị trường. Thị trường chưa thực sự trở thành căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách cũng như định hướng đào tạo và chưa trở thành căn cứ để đánh giá tuyển chọn và sử dụng. Tình trạng dư thừa lao động diễn ra phổ biến, gây lãng phí lớn.

     Sự kết nối giữa các trường ĐH và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam còn yếu. Thiếu thể chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho liên kết, mở rộng quyền tự chủ cho một số lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phối hợp đào tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy Nhà nước đã có chính sách khuyến khích giảng viên, sinh viên đăng tải các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế đối với các trường đào tạo khoa học cơ bản nhưng đối với các trường kĩ thuật và công nghệ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu ứng dụng với các hình thức thích hợp. Nghiên cứu chuyển giao, phối hợp nghiên cứu gắn với những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp còn ở mức khiêm tốn.

     Cơ cấu các ngành đào tạo về cơ bản tự phát, chưa có định hướng rõ nét, xu hướng học để bảo đảm cuộc sống hiện tại, chưa chú ý đúng mức đến tiềm năng, kì vọng cá nhân, xu hướng phát triển của thời đại và yêu cầu của đất nước. Nhiều sinh viên giỏi về khoa học tự nhiên nhưng lựa chọn các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, ngoại thương,…

     Tuy nhiên, nếu thực sự biết nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng này mang lại sẽ thu hẹp hay gia tăng đáng kể chất lượng đào tạo của các trường, điều này phụ thuộc vào chính sách hợp lí của Nhà nước và của từng trường ĐH. Bản thân các trường ĐH phải có sự chuẩn bị tốt và thích nghi với giai đoạn mới này bởi bản thân các trường ĐH không thể dự đoán được kĩ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

     Trong cuộc CMCN 4.0, có 4 nhân tố quan trọng tương tác lẫn nhau trong mỗi ĐH: nhân lực, đào tạo, nghiên cứu và quá trình tự thay đổi. Đặc biệt, quá trình tự thay đổi diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau, như đổi mới về tư duy quản lí, đánh giá đúng giá trị của đổi mới và sáng tạo, triết lí về đào tạo, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin và phòng thí nghiệm tiên tiến.

     Điều quan trọng nhất mà các trường ĐH cần phải làm trong giai đoạn này là xây dựng chương trình ĐH theo định hướng 4.0. Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tương lai phục vụ cho cuộc CMCN 4.0, các trường ĐH ở Việt Nam cần từng bước xây dựng chương trình đào tạo trong đó xem xét các yếu tố như: định hướng ngành nghề và những kĩ năng mở rộng liên quan; đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy; bổ sung kiến thức, kĩ năng cho lực lượng giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp đa quốc gia để thực hiện quá trình chuyển giao công nghệ, đào tạo, nghiên cứu, phát triển ứng dụng một cách thực tiễn.

     Thậm chí, giáo dục định hướng CMCN 4.0 còn đặt ra cho các trường ĐH trong quá trình giảng dạy phải tạo kiến thức nền tảng cho sinh viên, còn những “phần mềm” khác, người học phải tự học suốt đời để theo kịp thực tế. Các trường cần phải thiết kế chương trình linh động hơn, kiến thức cập nhật hơn, hướng tới phát triển các kĩ năng phù hợp với CMCN 4.0, phát triển tư duy hệ thống và liên ngành. Điều này có lẽ không chỉ đặt ra ở cấp ĐH mà cần phải bắt đầu từ các cấp học dưới bởi những kĩ năng, kiến thức nâng cao cần có quá trình tích lũy và xây dựng từ những nền tảng cơ bản nhất.

     Bên cạnh đó, công nghệ đang từng bước giúp cá nhân hóa việc đào tạo thay vì giảng dạymột chương trình chung như hiện nay. Chẳng hạn, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp xác định rõ các điểm mạnh, yếu của từng người để đưa ra chương trình đào tạo riêng cho phù hợp. Cho nên, các trường ĐH cần đẩy mạnh kênh truyền thông để sinh viên, nghiên cứu sinh chủ động nắm bắt cơ hội, lựa chọn chương trình học phù hợp vị trí đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc theo công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường ĐH sẽ đối mặt yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới trong tương lai.

     Song song với việc xây dựng chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng 4.0, đổi mới mô hình trường ĐH là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra. Đồng thời, quá trình đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp là cần thiết để chia các nguồnlực chung.

     2.3. Vai trò và thời cơ đặt ra đối với đội ngũ giảng viên trẻ tại các trường đại học trong giai đoạn hiện nay

     Trong CMCN 4.0, đội ngũ giảng viên phải là người chủ động, hào hứng đón nhận như một cơ hội, đồng thời coi đây là thách thức phải vượt qua. Người thầy phải xác định vấn đề cần quan tâm đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là đối tượng người học bây giờ khác xa so với giai đoạn trước. Nếu trước đây học để tham gia một vài lĩnh vực thì ngày nay, người học quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực. Chính sự khôn ngoan này giúp họ tồn tại và thích ứng trong xã hội thay đổi. Do vậy, phải có cách tiếp cận khác, không giống cách cũ. Giảng viên phải quan tâm đến từng người bởi nhu cầu của mỗi người học là rất khác nhau. Nhiệm vụ chính của giảng viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để họ có cơ hội học tập theo phương pháp tích cực và sáng tạo. Người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, chuyển sang chức năng hướng dẫn người học, lấy người học làm trung tâm trong quá trình giảng dạy.

     Trong thời đại công nghệ số, chỉ bằng cái nhấp chuột, con người hoàn toàn có thể truy cập thông tin và nguồn lực bất tận từ khắp mọi nơi. Việc dạy và học lúc này đang chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ. Trong cuộc CMCN 4.0, giá trị của giảng viên không chỉ là truyền đạt tri thức mà còn hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên biết tự định hướng trong học tập, đồng thời họ phải giúp sinh viên điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin. Giảng viên phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp, có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.

     Để đáp ứng nhu cầu đó, giảng viên phải trở lại 3 chức năng rất quan trọng: chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục. Sự hòa quyện giữa trình độ trí tuệ của nhà khoa học với nhà giáo ở bậc ĐH là nền tảng để người giảng viên trụ vững trong tương lai.

     Đối với giảng viên sư phạm, năng lực và phẩm chất của họ còn phải dựa trên nền tảng nhà giáo, đó là sự kết nối giữa năng lực nhà sư phạm và nhà khoa học (ở phổ thông – người giáo viên giỏi, ở ĐH – tầm chuyên gia). Đã là nhà giáo, một trong những điều quan trọng là phải luôn có ý tưởng mới, đóng vai trò là người chỉ dẫn, khai sáng và thúc đẩy, tìm tòi và tạo điều kiện, chức năng nhà giáo “sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” lại càng thể hiện rõ hơn trong thời điểm hiện nay.

     2.4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các trường đại học cho đội ngũ giảng viên trẻ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

     – Về cơ chế chính sách và hoạt động đào tạo, cần tăng cường tính tự chủ trong hoạt động đào tạo, quản trị của nhà trường, trong quá trình tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nhằm tạo ra sự linh hoạt với sự thay đổi của khoa học công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động. Chương trình đào tạo được xây dựng phải đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề nghiệp được đào tạo và có sự liên thông giữa các nghề. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong dạy học và quản lí đào tạo, hình thành các mạng lưới liên kết nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước để tiếp cận với những hoạt động dạy học tiên tiến, hiện đại, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục ĐH Việt Nam.

     – Quản lí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí giáo dục ĐH, đổi mới cơ chế tiếp nhận và xử lí thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu, trung tâm quản lí, điều hành tổng thể về giáo dục ĐH, đầu tư các thiết bị, hệ thống thông tin quản lí, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lí dạy và học. Xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến, khuyến khích các cơ sở hình thành phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng…

     – Nâng cao năng lực, chất lượng giảng viên: Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, các trường ĐH phải nhanh chóng đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, phương thức đánh giá kết quả đầu ra của sinh viên, bồi dưỡng giảng viên theo hướng thực học, thực nghiệm và định hướng vào công nghệ. Cần đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, giáo dục tiên tiến, áp dụng đào tạo online, kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, giảng viên trong hệ thống nối mạng thống nhất trong toàn quốc và trên toàn cầu. Chỉ có như vậy mới có thể tiếp tục đổi mới giải pháp chiến lược quốc gia cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy. Các trường ĐH phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học tiên tiến, kiện toàn công tác quản lí nhà giáo, nhà trường; nâng cao đãi ngộ với giảng viên có trình độ, am hiểu ứng dụng công nghệ.

     – Phát triển đào tạo ở các doanh nghiệp: CMCN 4.0 sẽ tác động tới tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và con người. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục ĐH cần phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên có thể sử dụng hiệu quả thiết bị và công nghệ để phục vụ công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo và thực tập tại doanh nghiệp.

     – Tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các cơ sở đào tạo ĐH có uy tín trên thế giới và trong khu vực, tôn vinh nghề dạy học đi đôi với đề cao đổi mới vai trò người thầy. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách,tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài có sẵn cho đào tạo đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao năng lực nghề dạy học trong kỉ nguyên số hóa.

3. Kết luận

     Trên cơ sở phân tích những nội dung trên, có thể thấy rõ một điều rằng, trong bối cảnh khoa học, công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay, việc đổi mới tư duy, phương pháp dạy học để tạo ra nguồn lao động có chất lượng cao đang ngày càngtrở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc thay đổi đó phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, đó là những người làm giáo dục, trong đó có cả các trường ĐH và đội ngũ giảng viên trẻ.Bởi lẽ, trong cuộc CMCN 4.0 này, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh. Trong tương lai, người dân có thể gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm bởi những lĩnh vực thủ công giờ đây máy móc đều có thể tác động đến, thậm chí làm tốt hơn. Điều này đòi hỏi con người cần phải không ngừng trau dồi bản thân, khiến mình đứng ở vị trí cao hơn, có thể điều khiển được máy móc một cách thông minh và hợp lí thì mới không bị đào thải giữa rất nhiều công nghệ tiên tiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chu Ngọc Anh (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, http://www.tapchicongsan.org.vn.

[2] Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2017).Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo trực tuyến trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0”. NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

[3] Nguyễn Thị Vân (2017). Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 399, tr 3-7.

[4] Nguyễn Văn Bình (chủ biên) – Nguyễn Ngọc Anh – Phạm Lan Anh (2017). Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

[5] Đặng Quốc Bảo – Lê Thị Phương Hồng (2017). Xây dựng xã hội học tập trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạp chí Giáo dục, số 412, tr 1-3.

[6] Phan Chí Thành (2018). Cách mạng công nghiệp 4.0 – xu thế phát triển của giáo dục trực tuyến. Tạp chí Giáo dục, số 421, tr 43-46; 19.

[7] Nguyễn Thị Thanh Tùng – Ngô Văn Tuần (2018). Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Giáo dục, số 426, tr 1-4.

Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 2 tháng 5/2018, tr 90-93

Ban Tu Thư (https://thanhdiavietnamhoc.com)