Cảm nhận về màu vàng trong hội họa

Tác giả bài viết: Thạc sĩ TÔ TRẦN BÍCH THÚY
(Khoa Sư phạm Mỹ thuật)

     Trong nghệ thuật hội họa, màu sắc là một trong những yếu tố tạo hình quan trọng nhất, góp phần biểu đạt giá trị nội dung và hình thức của một tác phẩm, màu sắc có tác động rất lớn đến tâm hồn của mỗi chúng ta, gợi cho chúng ta sự liên tưởng, những cảm xúc vui, buồn, lắng đọng hay ào ạt … Thông qua ngôn ngữ của hội họa màu sắc có vai trò tượng trưng cho những ý tưởng và thể hiện những cảm xúc của người nghệ sĩ đối thoại với trái tim mỗi người một cách mạnh mẽ và trực tiếp. Đôi khi một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao, chỉ vì phong cách thể hiện màu sắc của tác phẩm đó, giá trị biểu đạt của màu sắc trong hội họa thật là lớn lao.

     Mỗi một sắc màu mang những chức năng biểu đạt ý nghĩa nội dung của tác phẩm một cách phong phú và đa dạng. Trong sự đa dạng của màu sắc trong hội họa, màu vàng đã khơi gợi nên những cung bậc tình cảm khác nhau như: nỗi cô đơn, niềm hạnh phúc, sự khát khao mong ước, ký ức, hoài niệm …

     Nghệ thuật tạo hình là một loại hình nghệ thuật của thị giác đặc trưng của sự biểu hiện không gian trên mặt phẳng và được diễn đạt bằng màu sắc, đường nét, hình thể, người nghệ sĩ phải biết tư duy sáng tạo làm thế nào để trên mặt phẳng hữu hạn đó, có thể thể hiện được cái vô hạn của tình cảm, tâm hồn, trí tuệ. Theo Leonardo Da Vinci – bậc thầy danh họa thế giới: “Họa sĩ phải vẽ thế nào cho sự vật hiện ra trong tranh nổi lên đầy đặn về mọi mặt và như sống thật trên mặt phẳng đó. Việc dùng sức mạnh của màu sắc để tượng trưng cho ý tưởng mang lại những hiệu quả thẩm mỹ vô cùng phong phú. Trong đó màu vàng là một trong ba màu cơ bản qua sự tương tác tạo ra hàng chục ngàn màu khác, ở một số tác phẩm màu vàng thường có mặt tại vị trí trọng tâm, thông qua việc tái hiện hình tượng bằng sự sáng tạo của người nghệ sĩ, diễn tả diện mạo các sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan, thể hiện được cái đẹp, bộc lộ được ý tưởng và cá tính sáng tạo, tạo nên sức sống mới trong mỗi tác phẩm hội họa.

     Màu sắc là một món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta. Không đơn giản chỉ là làm đẹp thêm cho cuộc sống mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau.

     Màu vàng của hoa cúc trong mùa xuân thì an lành, hạnh phúc vô cùng, có câu hát: “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc“, rất gợi hình, màu vàng của mùa quýt chín trong vườn mang cảm giác yên bình. Sắc vàng của mùa Thu thì lãng đãng, tĩnh lặng nhưng đẹp đến nao lòng … Màu vàng còn bao hàm ý nghĩa của những điều kỳ diệu trong đời sống tâm linh của con người. Theo ý niệm Phật giáo: Màu vàng mang một ý nghĩa cao quý, hào quang của Đức Phật từ bi luôn tỏa sáng “Ánh đạo vàng“, hướng chúng sinh thoát khỏi tham – sân – si, để đạt đến ánh sáng của cái Chân, cái Thiện. Những hạt mưa vàng mà Thần Dớt hóa thành, để ân ái với nàng Danae trong thần thoại Hy Lạp mang một ý nghĩa nhân văn, hiện thân của sự đam mê, khát vọng đời thường của con người. Từ những biểu hiện trong tự nhiên và những ý niệm triết học của màu vàng đã được các nghệ sĩ vận dụng và miêu tả trong các tác phẩm nghệ thuật dưới những góc nhìn khác nhau với nhiều nội dung tư tưởng sâu sắc.

     Nói đến sắc vàng trong hội họa, không ai không nghĩ đến “Mùa Thu vàng” của I.I. Levital (1860-1900), họa sĩ phong cảnh của nước Nga tươi đẹp. “Mùa Thu vàng” là tác phẩm mang tính khái quát cao độ và là sự cô đặc mọi tình cảm và ấn tượng của ông về thiên nhiên, đất nước, con người. Trong bức tranh này, với gam vàng làm chủ đạo, bầu trời trong xanh thoảng vài gợn mây, một dòng sông trong vắt uốn khúc quanh co lượn mình bên bãi bờ xa vắng, một vài cành cây yếu ớt rụng hết lá vươn mình lên trời cao, một khoảng không gian trống vắng nhưng đầy xao động với không khí mùa thu trong sáng, gần gũi và đượm buồn. Levital không đặc tả những chiếc lá vàng nhưng trong tranh, ông sắc vàng khô của khóm lá, sắc vàng úa của những ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh, sắc vàng óng ả của mùa thu như bao trùm cả không gian mênh mông, làm lay động tâm hồn con người. Chúng ta như nghe được tiếng lá rơi xào xạc, tiếng rơi nhè nhẹ làm xúc động lòng người. Thời gian không bao giờ trở lại, đã để lại sự tiếc nuối dĩ vãng, sắc vàng trong tác phẩm này đã mang lại nguồn cảm năng mạnh mẽ, như một tứ thơ ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu.

     Tín hiệu và sắc thái của màu vàng mang chức năng níu giữ cảm xúc của con người một cách thuần khiết, biểu hiện cái đẹp trong sự bình dị của thiên nhiên. Tranh phong cảnh của Levital ít có hình bóng con người, nhưng tất cả đều nói lên số phận và tâm trạng con người, màu vàng trong tranh ông như khúc giao hưởng đồng điệu với nỗi buồn man mác và sự cô đơn mà mỗi người chúng ta đã có lần cảm thấy trong đời.

     Tác phẩm “Chiều vàng“ của họa sĩ Dương Bích Liên mô tả về vẻ đẹp của thời khắc hoàng hôn với sự hòa quyện giữa đất trời và cây cối. Khi hoàng hôn buông xuống, những tia nắng cuối ngày còn đọng lại trong không gian như sẫm lại, trầm mặc hơn, gợi cho ta cảm giác cô tịch, không gian như im ắng hơn, ta có thể lắng nghe tiếng gọi nhau của gió và của những chiếc lá xào xạc trong hoàng hôn. Cách xây dựng bố cục của bức tranh rất đơn giản, len lỏi giữa những thân cây màu nâu sẫm là những mảng màu vàng óng dưới nhiều tông độ khác nhau tạo ra nét lung linh huyền ảo của ánh nắng chiều bàng bạc, với kỹ thuật dát vàng tinh tế cùng với cảm xúc dạt dào của tâm hồn người nghệ sĩ. Họa sĩ Dương Bích Liên đã khắc họa nên khung cảnh buổi chiều thật sâu lắng, qua các lớp bạc được phủ màu cánh gián tạo ra các lớp không gian, nhiều tầng của ánh nắng, sự triển khai nhịp nhàng của sắc vàng có tiếng vang mạnh mẽ ở lớp màu vàng cuối cùng mà theo nghiên cứu cho thấy ông đã sử dụng thủ pháp dát những mảng vàng nguyên chất để tạo nên sự rung động của những vạt nắng. Màu vàng trong tác phẩm “Chiều vàng“ của họa sĩ Dương Bích Liên làm rung cảm lòng người dưới vẻ đẹp đằm thắm của hoàng hôn, đánh thức tâm hồn bằng sự dịu dàng, ngọt ngào, khiến cho trái tim bỗng nhiên thổn thức, nhịp đập rộn ràng một niềm yêu, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu những vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng. Nghệ thuật của Dương Bích Liên mang tính triết lý, tượng trưng với gam màu vàng lộng lẫy, sâu lắng.

     Trong một tác phẩm hội họa để tạo ra hài hòa màu sắc không phải là một công việc dễ dàng. Khi vận dụng các yếu tố tạo hài hòa màu sắc không nên vận dụng riêng lẻ, phiến diện mà phải phối hợp vận dụng đồng thời và tinh tế. Trong một bức tranh thì màu sắc không những có vai trò nội dung mà còn có nhiệm vụ nêu được vẻ đẹp biểu cảm. Giá trị và ý nghĩa của một màu được quy định ở tính chất nội dung và sức biểu hiện phù hợp với chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

     Các nhà khoa học, khi nghiên cứu về màu sắc đã tìm ra những nguyên lý khi chúng tương tác với nhau tại những vị trí khác nhau sẽ tạo những hiệu ứng thị giác về màu sắc vô cùng phong phú, mỗi nấc tư duy về màu sắc mở ra một góc độ nhìn thế giới. Mỗi cách nghĩ sẽ nảy sinh ra một cách nhìn, cách cảm và cách diễn đạt khác nhau như Horace từng nói: “Mỗi bức tranh là một bài thơ không lời“. Cũng từ gam màu vàng nhưng có người diễn đạt thiên về tả tức là vẽ như ta thấy, có người diễn đạt thiên về gợi tức là vẽ như ta cảm thấy. Có người thích vượt lên trên cả hai trường hợp trên: vừa thấy, vừa cảm thấy, lại vừa hiểu. Cũng có người lại quan niệm: dù thấy, cảm thấy hay hiểu cũng không quan trọng nữa mà điều chính yếu nó phải nâng người ta lên, nó khơi gợi trong người ta một tiềm năng nào đấy.

     Màu vàng có ý nghĩa vô cùng phong phú, trong hầu hết các tác phẩm hội họa ta đều thấy sự hiện diện của nó, với chức năng là một trong những giai sắc chính tạo nên một chỉnh thể về màu sắc cho tác phẩm, họa sĩ thường sử dụng màu vàng để biểu hiện một ý tưởng nào đó vừa tạo sức hút của thị giác. Trong sự tương tác với các gam màu khác, màu vàng luôn góp phần tạo cảm xúc trực tiếp và bao hàm ý nghĩa nhất định cho tác phẩm. Màu vàng có thể biểu đạt tất cả những tâm tư tình cảm và tồn tại trong từng tác phẩm với những vẻ đẹp khác nhau, khi thì tạo nên sự tĩnh lặng, yên ả của không gian, khi thì trầm buồn ảm đạm hiu hắt, lúc thì tràn đầy đam mê, khát khao hạnh phúc, lúc thì cô liêu, quạnh quẽ, đôi khi dấy những cơn bão lòng dữ dội, bằng những sắc thái chói lọi tạo nên sự chuyển động mạnh mẽ, rồi trở về với trạng thái tĩnh bằng những hoài niệm về những gì đã qua … Có thể khẳng định rằng những cảm quan từ những chất liệu cuộc sống chính là cội nguồn, là yếu tố chính tạo nên sự rung cảm của người nghệ sĩ khi thể hiện giai điệu về màu sắc nói chung và sắc vàng nói riêng trong các tác phẩm của mình, tùy theo sắc độ, cường độ mà sắc vàng thiết lập nên không gian của tranh. Với sự biểu đạt đa dạng, như nét lung linh của nắng, kỳ ảo của buổi sớm bình minh, sự ấm áp, ngọt ngào trên những cánh đồng trải rộng, sự hoài vọng về một niềm hạnh phúc … Sắc vàng đã nêu được giá trị thẩm mỹ với sự biểu đạt vô cùng phong phú trong các tác phẩm hội họa.

     Phải nói rằng, không hề có những nguyên tắc chính xác nào để đạt được những hiệu quả trong mối quan hệ màu sắc, mỗi họa sĩ có thể sử dụng bảng màu của mình để thể hiện giá trị nội dung tư tưởng tác phẩm. Tuy nhiên, trong muôn vàn sắc màu của thế giới hội họa, màu vàng dễ dàng lay động tâm thức và tình cảm của con người như chính biểu hiện tự thân của nó trong tự nhiên và nghệ thuật./.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cảm nhận về màu vàng trong hội họa (Tác giả: ThS. Tô Trần Bích Thúy)