CẬU BÉ ĐẦU TRỌC và cái lông đuôi voi

Ê đầu trọc! ê đầu trọc! Cậu bé có cái đầu trọc cứ lẳng lặng mỗi khi đi qua con hẽm của cái xóm ổ chuột để đến trường. Rồi lại mỗi chiều đi về nhà cũng phải qua cái con hẽm lầy lội đó để nghe bọn trẻ réo lên thành khúc nhạc dạo “cái đầu trọc lóc bình vôi”.

Một hôm cậu bé nói với mẹ nó “Con không đi qua con hẽm đó nữa!”. Mẹ cậu căn dặn “Không qua con hẽm đó làm sao đến trường! Con cứ lẳng lặng mà đi, đừng nói gì cả!” – Nhưng “tụi nó lấy đá chọi vào đầu con”.

Bà mẹ cậu cho tay rà soát quanh đầu rồi lấy ra một chai dầu gió xoa lên chỗ trầy xước “Chỗ này có đau không?” – “Có! Mẹ ạ!” – “Có trúng cái mụn nhọt không!” – “Có! Mẹ ạ!”.

Câu chuyện về cái đầu trọc của cậu bé bắt nguồn từ đó. Nhưng vào chiều một hôm nọ, câu chuyện lại mở nguồn ở chỗ khác- chỗ có một đoàn Voi từ miệt núi rừng chiến khu D kéo nhau đi ngang khu xóm nhà lá rách nát ven con đường cái quan.

Tiếng lục lạc, tiếng rao bán dầu cù là “mát xu” nghe lơ lớ như tiếng người dân tộc ở vùng biên giới. Lúc ấy, có tiếng người reo lên “Đoàn Voi đến rồi bà con ơi!”.

Bà mẹ cậu bé nhìn dáo dác rồi chạy đi tìm thằng con trong khi đoàn Voi đã dừng lại. “Dầu cù là mát xu đây! Chánh hiệu con voi đây!” –“ Ông nài ơi! Ông cho thằng con tôi chui qua bụng ông Voi nghe ông!” – “Được lắm! Bà bế nó chui qua cho lấy hên”. Bà mẹ nhanh nhẩu bế xốc thằng bé rồi khom mình chui qua bụng ông Voi to như cái bồ lúa rồi lẩm bẩm “Cha nó chết! Xin ông nuôi nó, cho nó ráng học thành người”. Ông nài chờ cho bà mẹ chui qua rồi chui lại một lần nữa cho cái hên nó to hơn rồi ông nói lầm bầm tiếng gì đó như ra lệnh cho ông Voi há mồm. Xong ông bế xốc thằng bé lên cho ông Voi ngậm vào người nó để làm phép. Ông Voi trông kinh như cái xe nhà binh chở bọn lính tây da đen mặt gạch thường qua lại trên con đường cái quan này. Thằng bé nhắm mắt lại, chân tay run rẩy, mặc dù cái vòi Voi ngoắc lên trời để lộ cái mồm há hốc trông tươi tỉnh lạ!”. Bà mẹ yên lặng, lấy ra một đồng xu trả công. Ông nài nhận lấy và trao cho bà một cái lọ dầu, “bà xoa vào đầu thằng bé chỗ cái mụn nhọt cho  bay hết nhé!”. Xong ông bước ra sau ông Voi, bức một cái lông đuôi rồi lấy tờ giấy nhỏ gói vào đưa cho mẹ nó “bà để dưới gối cho ông Voi phù hộ cho nó khỏe mạnh,  ăn học thành tài”.

Không bao lâu sau, bà chạy loạn vào vùng đất Gia Định, học nghề đan rua ở một cửa tiệm Sạt-ne do ông Tây chỉ dạy. Rồi bà lành nghề và nhận lảnh những tấm nắp bàn để đan ngày đêm hầu đổi lấy tiền công cho thằng con ăn học. Nhưng từ khi ngọn đèn dầu không còn đủ ánh sáng cho thằng con bày biện bài vở khi được lên lớp, cậu bèn xin mẹ cho ra ngã tư đầu đường để dùng ngọn đèn điện.

 

Vào những đêm khuya vắng ấy, cậu bé bắt đầu trông thấy tận mắt những cuộc đời, những bóng dáng, những âm thanh, những hình ảnh… Nơi đây là ông lính mã tà đi tuần đêm, nơi kia văng vẳng tiếng còi tu huýt rượt đuổi bóng đêm, hòa lẫn tiếng xe ngựa, tiếng rao hàng, rồi cả những tiếng chuông nhà thờ vang lên trong cơn ngủ gật để đánh thức thằng bé dậy cho kịp lúc gà gáy sáng.

Rồi lớn lên thêm, thằng bé đã thoát ly bà mẹ để nó bước vào Đại học của vùng đất Sài Gòn. Nơi đây, cậu sống qua nhiều nơi tăm tối, lầy lội, đầy chuột, bọ… từ vùng ngã năm chuồng chó, ngã ba Chú ía đến kho 4, kho 11 Khánh hội. Rồi qua những vùng Bến tắm ngựa, khu lò heo cũ Bà Chiểu cho đến ngã tư quốc tế khu Đề Thám – Bùi Viện, nơi dân anh chị giang hồ tứ chiếng vãng lai sinh sống bằng nghề dao búa, đá cá lăng dưa vùng cầu ông Lãnh hay dân ngã ba Tôn Đản Khánh hội, kể cả khu dân Cổng Bà Sếp hay ngã ba Ông Tạ, cũng mon men tới chia phần quyền uy đen tối. Lúc này, cậu bé cũng đã lớn khôn rồi!. Cậu bé đầu trọc lúc ấy, tóc đã mọc đầy trông chôm bôm như quạ đánh, theo kiểu hippi tự hào theo triết lý hiện sinh của Giăng Pôn Sạt. Nhưng cậu ta lại ham hay trà trộn vào những đêm không ngủ để đờn ca xướng hát những bản nhạc phản chiến hay những bản lấy “tiếng hát át tiếng bom”. Song có lúc cậu bé lại hay la cà vào những đoàn người biểu tình để ăn dùi cui, lựu đạn cay hoặc chui rút vào cái cư xá Minh Mạnghang ổ của bọn sinh viên, học sinh chuyên biểu tình “gây rối” chế độ. Những lúc ấy bà mẹ không biết thằng con mình ở đâu! Cứ thình thoảng thấy có người đến gặp mẹ nó và hẹn cho gặp nó ở đâu đó, một khu chợ dân sinh hay xóm lao động nghèo, một mái chùa hay khu nhà thờ vào buổi cầu kinh hay một bãi rác ô uế. “Đây rồi! Nó đây rồi! Thằng con bất hiếu!”.“Mới ngày nào bà còn bồng bế mày, dìu dắt mày, nay mày đã đủ lông cánh rồi ư!”. Nó đã quên bà mẹ đã từng đau khổ rồi ư! Bà vừa thấy mặt nó thì nước mắt đã chảy ra, nhưng bà cũng nhanh tay móc ra một ổ bánh mì to nhét đầy thịt cá để dụ nó ngồi lâu bên cạnh để bà thò tay xoa vào đầu nó. “Mẹ thay cái áo cũ cho con để đem về giặt”,”Cái áo mới mẹ đem theo đây”. Nhưng bất chợt có tiếng còi xe cảnh sát tuần tiểu vang lên đâu đó trên đường phố, thằng con đã vọt mất với cái thun ba lỗ còn dính vào người mà không để lại một lời từ giả.

Bà nhìn dáo dác như cố tìm cho ra cái hình bóng còn sót lại của nó. Nhưng bà còn may mắn! Bà ụp cái áo bảy ngày chưa giặt của nó vào mặt như thưởng thức nỗi nhớ nhung. Cái mùi bụi đời trong chốn phồn hoa đô thị này! Nhưng một hôm may mắn lại còn trở lại với bà từ một tờ giấy vụn với 1 dòng chữ nguệch ngoạc hẹn bà đi thăm nuôi ở nhà giam. Bà gặp lại nó qua cái hàng rào kẽm gai, bà thò tay vào sờ cái đầu bị hớt theo kiểu “đờ mi cua”. Bà lầm bầm “Cho hết híppi, cho nhà tù nó giáo hóa!”. Còn nó chẳng để tâm gì đến bà mà lại ngó qua một bên để theo dõi mấy mẹ khác đang chùi nước mắt trông như còn đau khổ hơn mẹ nó. Bà trao cho thằng con mấy ổ bánh mì, một nải chuối bảo nó đem vào trại giam chia cho anh em. Thật ra, bà không hiểu gì cả vì đồ thăm nuôi phải nộp cho anh em đại ca xăm mình bằng cái hòm có ba cây nhang ăn hết cả cái lưng với câu thơ tình tứ bên trên như bố cục của bức tranh cổ điển hoàn chỉnh “ người anh hùng coi cái chết như cọng rơm”. Bổng bà mỉm cười trong lúc thằng con ăn vội quả chuối “Bây giờ thì mày đã có nơi tạm trú ổn định rồi con ạ!”.

x x x

Cái cậu bé đầu trọc năm xưa ấy là con của cha cậu gốc dân Hà Nam Ninh – vùng đất động chiêm trũng, bần cố nông đã trải qua thời gian dài vượt qua nhiều nỗi bất hạnh. Nhưng nay, cậu đã trở thành một ông Hiệu trưởng Đại học Tư thục của miền Nam – nơi có cái cổng trường cao vòi vọi trông như hai bộ chân Bạch tượng (voi trắng) mà các cô cậu sinh viên mỗi ngày phải chui qua đó. Chui qua đó như chui qua bụng voi mà ngày nào cậu bé cũng đã từng được chui qua một lần vào buổi chiều trời chạng vạng năm xưa trước khi khép lại một ngày chiến tranh tàn khốc để chờ đón một đêm bố ráp bão bùng mà mẹ cậu thường xuyên thì thầm bên tai với hình ảnh cha cậu – một chiến sĩ Việt minh trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đã sớm hy sinh khi vừa bước chân vào vùng đất Biên Hòa -Đồng Nai.

           Những buổi chiều sau này khi đất nước đã được hòa bình, ông Hiệu trưởng ấy đã không sót một buổi nào sau khi tan trường đã vội về với bà mẹ mình như có tiếng réo gọi thiêng liêng từ đâu đó – để cùng dùng cơm với bà, nghe bà kể chuyện về cuộc đời mình cho mãi đến tối mới chia tay để về với gia đình. Có lần, ai đó rủ rê ông hãy “thư giãn đi!”, “cứ lao vào công việc để ai hưởng thú vui của cuộc đời, hãy nghe tiếng nhạc hiện đại đang réo gọi!”. Lúc ấy ông xin trả lời rằng là tiếng nhạc xập xình xua đuổi tiếng bom, tiếng súng! Quý hóa thật! nhưng còn tiếng thở của mẹ tôi – nghe như tiếng róc rách của trái tim thoi thóp! Ai nghe? Chỉ khi nào tiếng thở ấy tắt đi để cho tôi được chọn lựa một loại âm thanh nào đó cho cuộc đời còn lại.

Đến bây giờ ông mới thật sự được yên lòng để tự mình chọn lựa vì bà đã bỏ ông ra đi mãi mãi đem theo một khối ký ức đầy những bất trắc đau thương qua hai thời kỳ chinh chiến để nuôi thằng con bất hiếu với giấc mơ ngược đời của nó để trở thành “Con ngựa thồ trong làng Đại học”.

Và cái âm thanh mà ông chọn lựa sẽ đến. Có thể đó là sự im lặng của cơn bão tố vì con ngựa thồ phải trút gánh nặng xuống bên vệ đường để nghỉ ngơi ngắm nhìn chân dung của sự thăng trầm trên trống đống vinh quang và tủi nhục trong nụ cười và nước mắt, trong những tòa lâu đài và những ngôi mộ bên đường!!!

Nguyễn Mạnh Hùng