Cấu trúc Modul hóa nội dung môn hình họa

Tác giả bài viết: Thạc sĩ, Giảng viên chính  TRẦN THANH BÌNH
(Bộ môn Đồ họa)

     Hình họa là một trong những môn học cơ bản trong các trường mỹ thuật, có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng thể hiện đối tượng và hình thành nhận thức thẩm mỹ của người học. Có thể coi hình họa là cánh cửa đầu tiên để sinh viên trường Mỹ thuật bước chân vào thế giới hình tượng nghệ thuật, là quá trình người học nghiên cứu và khám phá vẻ đẹp của hình thể dưới góc độ tạo hình làm cơ sở cho các môn học khác của ngành mỹ thuật và hoạt động sáng tạo tác phẩm tạo hình sau này.

1) Hình họa là gì?

     Có khá nhiều định nghĩa về hình họa (A: Drawing; P: Dessin). Tùy thuộc vào quan niệm nghệ thuật mà người ta đưa ra các định nghĩa khác nhau về hình họa và theo thời gian, nó cũng có sự thay đổi:

     – Sách Larousse 1948: Hình họa (P: Dessin) là sự biểu thị bằng bút chì, bút sắt hoặc cọ vẽ (pinceau), những vật, đồ vật, hình tượng, phong cảnh, v.v…

      – Từ điển Oxford Universal định nghĩa drawing là “Sự miêu tả (sự phác họa, hình phác họa, hình mô tả, hình vẽ…) bằng bút chì, bút sắt hay màu sáp”, và để làm rõ nghĩa hơn đã bổ sung “sự mô tả (sự phác họa, hình phác họa, hình mô tả, hình vẽ) khác với hội họa”.

     – Từ điển Encyclopedia of World Art (Bách khoa về nghệ thuật thế giới) thì cho rằng: “Từ drawing có nghĩa là sự miêu tả bằng hình ảnh ghi lại, có thể là đơn giản hoặc phức tạp trên một mặt phẳng tạo thành nền tranh”.

     – Từ điển Mỹ thuật (Lê Thanh Lộc, NXB VHTT, 1998) giải thích từ academy figure (P: dessin d’académie) là hình khỏa thân, bức họa hoặc vẽ nét thường lớn bằng nửa mẫu thật) một người mẫu khỏa thân với mục đích tập luyện.

     – Từ điển Thuật ngữ mĩ thuật phổ thông do Đặng Thị Bích Ngân (chủ biên) định nghĩa hình họa: “Hình vẽ người hoặc vật tương đối kĩ và chính xác được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật vẽ khác nhau như chì đen, than, sơn dầu, màu bột”.

     – Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học xuất bản năm 1997: “Hình họa là thể loại hội họa, vẽ một vật có thực trước mắt, phân biệt với tranh”.

     Có thể dựa vào những nét chung nhất giữa các định nghĩa để đưa ra một khái niệm về hình họa: Hình họa là một môn học cơ bản của mỹ thuật nhằm nghiên cứu hình thể và các biểu hiện khác của thế giới tự nhiên thông qua sự mô tả, thể hiện bằng đường nét, hình mảng, màu sắc và sắc độ đậm nhạt một cách chân thực và khoa học làm cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật tạo hình.

2) Các hình thức vẽ hình họa chung nhất

     Hình họa có nhiều cách vẽ khác nhau với những yêu cầu riêng cho mỗi hình thức vẽ mặc dù đều cùng chung một mục đích là nghiên cứu và thể hiện đối tượng.

     Sách thuật ngữ Mỹ thuật (Pháp – Việt; Việt – Pháp) của Viện ngôn ngữ học, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam đưa ra khá nhiều từ chỉ sự khác nhau trong phương pháp vẽ hình họa: Dessin d’ académie: Hình nghiên cứu khỏa thân (theo mẫu sống)

     Dessin d’après nature: Hình vẽ theo tự nhiên

     Dessin de mémoire: Hình vẽ theo trí nhớ

     Dessin au trait: Hình vẽ nét

     Étude: Hình nghiên cứu

     a) Hình họa nghiên cứu (A: study drawing; P: dessin d’étude):

     Hình họa nghiên cứu là một trong những hình thức vẽ hình họa cao nhất và quan trọng nhất của môn Hình họa. Hình họa nghiên cứu đòi hỏi người vẽ phải thể hiện thật chuẩn xác về cấu trúc cơ thể, tỷ lệ, hình khối của hệ thống cơ xương và các biểu hiện của nó trên cơ thể người qua các tư thế khác nhau. Từ điển mỹ thuật phổ thông do Đặng Thị Bích Ngân chủ biên mô tả khá chi tiết về hình họa nghiên cứu như sau: “Bài hình họa nghiên cứu phải diễn tả tất cả các chi tiết, trước hết là những chi tiết lớn, quan trọng, đồng thời thể hiện chính xác được các độ sáng tối, đậm nhạt. Có thể diễn tả đầy đủ các bộ phận, các chi tiết, nhưng không được bật ra ngoài, không gây cảm giác vụn vặt, lủng củng, xấu xí. Người vẽ hình họa nghiên cứu phải luôn luôn nắm vững những đường hướng lớn, những tương quan lớn về tỷ lệ cũng như về đậm nhạt, diễn tả được tinh thần, đặc điểm của mẫu. Chất liệu thường dùng trong hình họa nghiên cứu là than, chì, màu bột, sơn dầu…”.

     Nhiều người thường gọi hình họa nghiên cứu là hình họa hàn lâm (Academy). Sở dĩ có cách gọi như vậy vì tính chất căn bản và yêu cầu rất cao một bài vẽ hình họa nghiên cứu. Hình vẽ phải đúng tỷ lệ, cấu trúc, thế dáng vững vàng, mềm mại, tự nhiên; Diễn tả khối, ánh sáng phải có hệ thống, sắc độ trong trẻo, v,v… nói chung, mọi chi tiết phải chính xác, chuẩn mực và chân thực đúng như thực tế mà ta quan sát được. Tất nhiên không có nghĩa hình họa nghiên cứu là sự sao chép máy móc và vô hồn mà là sự miêu tả mang tính khoa học về hình họa thông qua ngôn ngữ tạo hình bằng cảm xúc thẩm mỹ của người vẽ.

     Mục đích của hình họa nghiên cứu là rèn luyện khả năng quan sát, nắm bắt đối tượng và miêu tả, thể hiện một cách hiệu quả và chân thực nhất những biểu hiện về cấu trúc cơ thể, hình khối, tỷ lệ, tư thế và các trục chuyển động trên cơ thể người trong các tư thế khác nhau bằng hệ thống các đường nét và sắc độ đậm nhạt, sáng tối và màu sắc.

     b) Hình họa nét (A: line drawing; P: dessin au trait):

     Hình họa nét là hình thức vẽ hình họa bằng nét (bút chì, bút sắt, bút lông…) không dùng các sắc độ đậm nhạt để tả khối mà dùng các nét gạch, chấmđể tạo ra đậm nhạt, sáng tối, gợi khối. Hình họa nét nhằm rèn luyện người vẽ khả năng nắm bắt hình và dáng của người mẫu thông qua các nét vẽ mang tính chắt lọc, khái quát nhưng đầy tính biểu cảm của từng người vẽ. Đây cũng là quá trình từng bước hình thành nhận thức thẩm mỹ và kỹ năng vẽ hình của từng cá nhân để hỗ trợ cho việc vẽ ký họa sau này của người học.

     Đặc điểm của hình họa nét là chú trọng đường viền công tua (A: outline; P: contour) và thời gian vẽ tương đối nhanh. Trong một buổi vẽ, người vẽ có thể thay đổi nhiều vị trí để nắm bắt các dáng khác nhau của mẫu.

     c) Hình họa theo trí nhớ (A: memory drawing ; P: Dessin de mémoire):

     Hình họa theo trí nhớ là hình thức vẽ lại bằng trí nhớ về hình dáng cơ thể người mẫu sau khi đã quan sát trước đó. Yêu cầu của vẽ hình họa theo trí nhớ là sự ghi nhớ và thể hiện một cách hiệu quả những nét cơ bản đặc trưng nhất về đối tượng. Hình họa theo trí nhớ có nhiệm vụ củng cố kỹ năng vẽ hình và kiến thức về giải phẫu thông qua trí nhớ nhằm rèn luyện khả năng ghi nhớ, nắm bắt được những nét cốt lõi về đối tượng của người vẽ.

     d) Hình họa vẽ nhanh (A: to sketch; P: faire des croquis):

     Hình họa vẽ nhanh là một hình thức vẽ hình họa dưới dạng ký họa nhanh và ký họa sâu (thâm diễn). Họa sĩ Quang Việt cho rằng nghĩa của từ ký họa (croquis) là “hình họa nhanh”. Ngoài ra, tên một số cuốn sách của nước ngoài cũng cho thấy có những cách vẽ hình họa khác nhau như :

     – The Art of Responsive Drawing (Nathan Goldstein)

     – Dynamic Figure Drawing (Burne Hogarth)

     – Figure Drawing For All Ist Worth (Andrew Loomis)

     – Figure Drawing Without A Model (Ron Tiner)

     – Drawing Realistic Textures in Pencil (J.D. Hillberry)

     – Introduction to Basic Drawing (William F. Powell)

     – Live Model Drawing

     – Conceptual Drawing,…

     Như vậy, có thể thấy mỗi tên gọi của hình họa là một cách vẽ khác nhau với các mức độ yêu cầu và phương pháp cũng khác nhau. Điều đó sẽ liên quan đến cấu trúc nội dung và hình thức giảng dạy môn hình họa trong các trường mỹ thuật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các hình thức vẽ hình họa khác nhau nêu trên chưa thật tách bạch trong chương trình giảng dạy môn hình họa của các trường mỹ thuật nên có ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động dạy và học môn hình họa.

3) Đề xuất cấu trúc Modul hóa nội dung chương trình môn hình họa:

     Lâu nay, chúng ta cũng đã chia môn Hình họa thành các học phần gọi là hình họa 1 hay 2,3,4,5,6,7,8. tương ứng mỗi học phần là 5 ĐVHT (đơn vị học trình). Tuy nhiên, cách chia này mới chỉ giải quyết được quy định về khối lượng của môn học (số ĐVHT) và một phần về nội dung của mỗi học phần nhưng chưa thật triệt để. Theo tôi, cần phải cấu trúc lại nội dung chương trình môn Hình họa theo hướng Modul hóa. Mỗi Modul là một khối kiến thức với những kỹ năng yêu cầu sinh viên phải đạt được thể hiện bằng các ký hiệu mã hóa.

     Tham khảo Khung chương trình ngành Mỹ thuật (Khoa Hội họa/Đồ họa/Điêu khắc) của trường Đại học Chiang Mai, Thai- land, môn Hình họa (Drawing) được mã hóa như sau: 101111 CART 111 Drawing I 3 Credits (1/1 – 2/4) 101112 CART 112 Drawing II 3 Credits (1/1 – 2/4) 101213 CART 213 Drawing III 3 Credits (1/1 – 2/4) 101214 CART 214 Drawing IV 3 Credits (1/1 – 2/4)

     Trong đó, các chữ số trong ngoặc đơn cột bên phải gồm hai nhóm chữ số: Nhóm chữ số thứ nhất được hiểu gồm 1 tín chỉ cho 1 giờ lý thuyết; Nhóm chữ số thứ hai có nghĩa là 2 tín chỉ cho 4 giờ thực hành).

     Nội dung các học phần được mô tả tóm tắt như sau:

     Hình họa I: Các nguyên tắc vẽ đường nét và cách phát triển nó. Nghiên cứu các phương pháp và kỹ thuật vẽ đường nét.

     Hình họa II: Nghiên cứu các hình dáng khác nhau, vật thể, nền, sắc thái, ánh sáng và bóng, khoảng cách, kích thước, phương hướng, kích cỡ, tỷ lệ, phạm vi, động thái, tính cân đối. Thực hành vẽ.

     Hình họa III: Thực hành vẽ chân dung các tĩnh vật, hình dáng người, động vật và phong cảnh với các kỹ thuật khác nhau.

     Hình họa IV: Phác họa. Vẽ với những ý tưởng. Vẽ biểu thị môi trường nghệ thuật và sự biểu cảm cá nhân từ những chủ đề được chọn lọc.

     Các học phần này trừ ngành Nghệ thuật Thái (Thai Art) chỉ học 1 học phần Drawing I trong học kỳ 2, còn lại cả ba ngành Hội họa, Điêu khắc và Đồ họa đều học như nhau trong các học kỳ II, III, IV và V. Tuy nhiên, đọc kỹ nội dung tóm tắt học phần sẽ thấy mỗi học phần (Drawing) chứa đựng những nội dung khác nhau, yêu cầu khác nhau và mục tiêu cũng khác nhau theo hướng càng về sau càng khó dần, đòi hỏi tính sáng tạo ngày càng cao.

     Vì vậy, theo tôi có thể xây dựng lại cấu trúc môn Hình họa. Toàn bộ chương trình môn Hình họa nên quy vào 3 khối kiến thức, mỗi khối kiến thức này bao gồm 1 hoặc 2 Modul hàm chứa các nội dung khác nhau được bố trí theo nguyên tắc xoáy trôn ốc, từ thấp lên cao dần, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó dần:

     a) Khối kiến thức hình họa cơ bản:

     Khối kiến thức này được coi là kiến thức hình họa cơ bản chung cho tất cả các ngành Mỹ thuật, không phân biệt chuyên ngành. Chất liệu nghiên cứu chính của khối kiến thức này là chì đen trên giấy.

     Nội dung phần này nên được cấu trúc thành 2 Modul:

     Modul 1: Vẽ các khối cơ bản.

     Modul 2: Vẽ mẫu tượng thạch cao.

     Mục tiêu của Modul 1 là cung cấp những kiến thức vẽ hình họa cơ bản cho sinh viên. Rèn luyện các phương pháp dựng hình, đánh bóng, thể hiện các khối cơ bản theo các nguyên tắc chung nhất của hình họa.

     Mục tiêu của Modul 2 nhằm giúp sinh viên từng bước làm quen với tỷ lệ cấu trúc cơ thể người thông qua các mẫu tượng thạch cao (sọ đầu người, tượng lột da, tượng phác mảng, tượng chân dung, tượng bán thân, toàn thân (nam, nữ, tây, ta).

     b) Khối kiến thức hình họa nghiên cứu:

     Khối kiến thức này bao hàm các hình thức vẽ hình họa nghiên cứu thiên nhiên (cảnh vật, đồ vật) và trọng tâm là nghiên cứu cơ thể mẫu người thật. Chất liệu nghiên cứu của phần này gồm chì (đen trắng và chì màu), than, sơn dầu và mực nho, màu nước.

     Nội dung phần này được cấu trúc thành 2 Modul:

     Modul 1: Hình họa trực họa (phong cảnh, đồ vật, động vật,…).

     Modul 2: Hình họa nghiên cứu (nghiên cứu cơ thể mẫu người). ,…).

     Mục tiêu của Modul 1 là rèn luyện kỹ năng vẽ nhanh cho sinh viên thông qua các hình thức vẽ trực họa (hình họa nét, hình họa vẽ nhanh) và cũng là cách để sinh viên làm quen với các chất liệu mực nho, màu nước, sơn dầu.

     Mục tiêu của Modul 2 là rèn luyện khả năng vẽ sâu, vẽ kỹ của sinh viên thông qua vẽ nghiên cứu các mẫu người thật ở các lứa tuổi, giới tính (già trẻ, nam nữ) trong các tư thế (đứng, ngồi, nằm,…) và không gian (trong nhà, ngoài trời) khác nhau. Phương pháp vẽ hình họa nghiên cứu mang tính hàn lâm là yêu cầu chính của Modul này. Ngoài ra, một số hình thức vẽ hình họa khác như hình họa theo trí nhớ, hình họa nét cũng được chú trọng. Tùy theo mỗi ngành/ chuyên ngành để cấu trúc chất liệu nào là chính yếu cho phù hợp. (VD: ngành Hội họa có thể vẽ chất liệu Sơn dầu nhiều hơn nếu là chuyên khoa Sơn dầu, hoặc vẽ màu nước nhiều hơn nếu là chuyên khoa Lụa,…).

     c) Khối kiến thức hình họa nâng cao:

     Mục đích của phần hình họa nâng cao là phát huy tính sáng tạo của sinh viên sau khi đã hoàn thành các học phần hình họa cơ bản và hình họa nghiên cứu. Nội dung phần này có thể cấu trúc thành 2 Modul:

     Modul 1: Hình họa vẽ người nâng cao

     Modul 2: Hình họa vẽ tự do mang tính ý niệm

     Mục tiêu của Modul 1 là giúp sinh viên thông qua sự vận dụng kiến thức hình họa cơ bản và hình họa nghiên cứu đã học trước đó thể hiện hình dáng người theo cách riêng của mình mà không hoàn toàn lệ thuộc vào các yêu cầu về tỷ lệ, hình khối, không gian một cách nguyên tắc cứng nhắc. Mục tiêu này có tác dụng giúp sinh viên “thoát dần” khỏi phương pháp vẽ hình họa một cách gò bó để hướng tới sự tư do trong thể hiện đối tượng theo cách cảm nhận riêng của từng sinh viên. Mục tiêu của Modul 2 là phát huy khả năng tưởng tượng, sáng tạo của sinh viên để thể hiện những ý tưởng, hình vẽ mang tính mới lạ, độc đáo có tính nghệ thuật cao nhằm làm cơ sở cho giai đoạn sáng tác tác phẩm ở các học phần sáng tác chuyên khoa chất liệu.

     Tùy thuộc vào mỗi ngành/chuyên ngành để xây dựng cấu trúc và nội dung chương trình cho phù hợp. Nội dung phần này hàm chứa các hình thức hình họa nâng cao mang tính tiếp cận với sự tìm tòi, sáng tạo trong vẽ hình họa trên cơ sở chú trọng những yêu cầu riêng về hình họa theo từng ngành/chuyên ngành (Sơn dầu, Lụa, Sơn mài, Đồ họa, Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, v,v…) và nên khuyến khích sinh viên vẽ hình họa theo hướng đề cao tính sáng tạo cá nhân với nhiều cách thể hiện mới về hình theo thị hiếu thẩm mỹ riêng. Hoặc cũng có thể là những “đồ án” hình họa không gian, “bố cục” hình họa (nét).

     Thiết nghĩ, những nội dung trên đây rất cần được nhận được ý kiến trao đổi thêm của các nhà giáo trong các trường mỹ thuật nhằm tìm ra một tiếng nói chung trong việc xây dựng nội dung chương trình và tổ chức giảng dạy môn Hình họa ở trường đại học Nghệ thuật Huế nói riêng và các trường đại học Mỹ thuật nói chung ngày càng có chất lượng cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Bullentin Chiang Mai University, Chiang Mai, 2001-2002.

     2. Đặng Bích Ngân (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, NXB Giáo dục, 2007.

     3. Lê Thanh Lộc, Từ điển Mỹ thuật, NXB VHTT, Hà Nội, 1998.

     4. Thuật ngữ Mỹ thuật (Pháp – Việt; Việt – Pháp), Viện ngôn ngữ học, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970.

     5. Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, 1997. (tr.169, 426).

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02.2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cấu trúc Modul hóa nội dung môn hình họa (Tác giả: ThS. GVC. Trần Thanh Bình)