Chế độ đãi ngộ của Nhà Nước dành cho THẦY GIÁO TRƯỜNG QUỐC TỬ GIÁM (Từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX)

     Quốc Tử Giám được vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) xây dựng vào năm 1076. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc và Lê – Trịnh, Quốc Tử Giám luôn giữ vai trò là trung tâm giáo dục Nho học của quốc gia Đại Việt tại Kinh thành Thăng Long. Đến năm 1803 cùng với việc định đô ở Huế, triều đình Nguyễn đã lập trường Quốc Tử Giám ở đây với tên gọi ban đầu là Quốc Học Đường. Trong suốt thời gian hoạt động, trường Giám đã có vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp một đội ngũ trí thức Nho học (có học vị) cho chế độ quân chủ trung ương tập quyền.

     Để thực hiện được chức năng giáo dục quan trọng đó, các triều đại quân chủ Việt Nam rất có ý thức trong việc tuyển chọn một đội ngũ thầy giáo Học quan vừa có tâm, vừa uyên thâm về trình độ để giảng dạy trong trường Quốc Tử Giám. Vậy đội ngũ thầy giáo trường Giám bao gồm những thành phần nào, nhà nước đã thực hiện chế độ đãi ngộ như thế nào đối với họ? Trong phạm vi bài viết này sẽ góp phần làm rõ điều đó.

1. Hệ thống chức Học quan trường Quốc Tử Giám

     Quốc Tử Giám ra đời trên cơ sở hệ tư tưởng Nho giáo ngày càng được củng cố trong đời sống xã hội Việt Nam, nền giáo dục Nho học dần dần được phổ biến rộng rãi tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi năm Thần Vũ thứ 2 (1070), vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu ngay tại kinh thành Thăng Long, vừa làm nơi thờ cúng thánh hiền, vừa là nơi học tập cho Thái tử. Sáu năm sau, năm 1076 triều Lý cho xây dựng trường Giám tại địa điểm thôn Minh Giám huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội).

     Vào năm 1803, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho dựng trường Quốc học ở Kinh đô Phú Xuân (Huế), thuộc “địa phận xã An Ninh về phía Tây ngoài Kinh thành” 1, cách khu Văn Miếu khoảng 300m về phía đông, với tên gọi là Quốc Học Đường. Năm 1821, vua Minh Mệnh (1820-1840) mới bắt đầu cho dựng trường Quốc Tử Giám, tên trường Quốc Tử Giám ở thời Nguyễn chính thức xuất hiện từ đây.

__________
1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Thuận Hoá – Huế, 2006, tr. 75.

     Dưới thời quân chủ, những người tham gia giảng dạy tại trường Quốc Tử Giám thường được sử sách gọi là Học quan, Học chính, Giáo quan (thời Nguyễn gọi là Giám thần), trong bài viết này gọi chung là Học quan. Hệ thống Học quan này bao gồm nhiều chức quan, giữ vị trí, vai trò khác nhau trong trường Quốc học, do đó, ở mỗi triều đại sẽ có những quy định riêng trong tiêu chí tuyển chọn cả về phẩm trật và đức hạnh.

     Thời Lý, sách chính sử cho biết vào năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho chọn quan viên văn chức biết chữ bổ vào Quốc Tử Giám để hầu vua và Thái tử học, mà chưa có tên chức quan cụ thể. Theo ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư mãi đến năm Thiệu Long 15 (1272), vua Trần Thánh Tông mới xuống chiếu “Tìm người tài giỏi, đạo đức thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám1. Như vậy, phải đến thời Trần nhà nước mới cho đặt chức Tư nghiệp làm người đứng đầu Quốc Tử Giám, tiêu chuẩn lựa chọn để bổ chức Tư nghiệp đòi hỏi phải là các bậc đại thần của triều đình hội đủ cả hai yếu tố tài cao và đức trọng, tiêu chí này vẫn được các triều đại quân chủ về sau kế tục. Trong 7 năm tồn tại (1400 -1407), nhà Hồ tiếp tục xếp đặt chức Tư nghiệp trông coi trường Giám khi vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã cho Nguyễn Phi Khanh (1355 -1428) người xã Nhị Khê, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội) đảm nhiệm chức vụ này. Để giúp việc cho quan Tư nghiệp, nhà Trần còn cho đặt chức Trợ giáo Quốc Tử Giám. Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục vào năm 1392, Hồ Quý Ly cho soạn cuốn sách Minh Đạo, có Quốc Tử Trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thơ phản bác liền bị đi đày châu gần.

     Sang thời Lê sơ, việc học tập và giáo dục Nho học được mở rộng phát triển với quy mô lớn và đạt tới đỉnh cao, do đó việc tuyển chọn thầy giáo trường Quốc Tử Giám được quy định với những tiêu chuẩn rõ ràng, hệ thống các chức Học quan tại ngôi trường này được tổ chức khá hoàn chỉnh. Mục Quan chức chí của Lịch triều Hiến chương loại chí cho biết: thời Lê tại Quốc Tử Giám đã có các chức quan Tế tửu, Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sĩ, Trợ giáo và Giáo thụ. Đến năm 1467, tại trường Giám bắt đầu đặt chức Ngũ kinh Bác sĩ (sau đổi thành Ngũ kinh Giáo thụ Ngũ kinh học chính). Đây là chức Học quan chuyên nghiên cứu về 5 bộ sách kinh điển của Nho gia (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu). Cũng trong năm này, nhà nước đã cấp bản in sách Ngũ kinh cho Quốc Tử Giám. Đến thời Lê Trung hưng (1592 -1788), hệ thống chức Học quan tại trường Giám được đặt thêm khá nhiều, tiêu chí lựa chọn khá nhất quán với triều đại trước đó. Tổng số biên chế các viên quan tại trường Giám dưới thời Lê là 15 người, trong đó hai chức quan đứng đầu trường Giám là Tế tửu (Tòng Tứ phẩm) đặt 1 viên và Tư nghiệp (Tòng Ngũ phẩm) đặt 1 viên; chức Giáo thụ năm kinh, Giáo thụ (chánh Bát phẩm), Học chính mỗi loại 1 viên, Giám bạ, Trợ giáo, Điển bạ (Tòng bát phẩm) mỗi chức 1 viên 2,… Dưới thời Nguyễn, khi trường Quốc học mới thành lập (1803), triều đình Gia Long mới chỉ đặt 1 viên Đốc học (Chánh Tứ phẩm) và 1 viên Phó đốc học (Tòng Tứ phẩm) vừa lo việc điều hành, vừa phụ trách việc giảng dạy. Đến năm Minh Mệnh 2 (1821), Quốc Học Đường đổi tên thành Quốc Tử Giám, cùng với việc xây dựng cơ sở trường học nhằm làm cho Quốc Tử Giám trở thành trung tâm giáo dục Nho học của cả nước, triều đình đã cho bỏ chức Đốc học, đồng thời đặt lại chức Tế tửu Tư nghiệp làm chức quan cao nhất của trường. Năm sau (1822), vua Minh Mệnh cho đặt 3 viên Học chính (Tòng Lục phẩm) chuyên phụ trách việc giảng tập cho các Tôn sinh, song vào năm 1827, việc giảng tập cho Tôn sinh được giao cho quan Tế tửu, Tư nghiệp đảm trách nên rút xuống còn 2 người. Cũng trong năm này, triều đình cho đặt thêm 2 viên Giám thừa (Chánh Thất phẩm), 2 viên Điển bạ (Tòng Thất phẩm), 2 viên Điển tịch (Tòng Cửu phẩm) và 10 Vị nhập lưu thư lại (năm 1850, vua Tự Đức rút bớt số quan này xuống còn mỗi chức một người, chỉ còn 6 Vị nhập lưu thư lại) vừa là chức quan giảng dạy, vừa tham gia phụ giúp Tế tửu, Tư nghiệp trong quản lí trường Quốc Tử Giám.

__________
1. Đại Việt sử kí toàn thư (Bản khắc năm Chính Hoà 18 -1697), tập 1, NXB Khoa học – Xã hội, 2004, tr. 39.

2. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Lê triều quan chế (tài liệu tham khảo), Viện Sử học và NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1977, tr. 66 – 67.

     Hệ thống các chức quan này, trong đó đặc biệt là hai chức quan Tế tửu Tư nghiệp có nhiệm vụ rất quan trọng là: “… phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn luyện sĩ tử, phải chiếu chỉ truyền năm trước, hằng tháng theo đúng kì cho tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước1. Như vậy, những người đứng đầu Quốc Tử Giám có hai nhiệm vụ cơ bản: trông coi Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, các vị Á Thánh, Tiên hiền Tiên nho và rèn tập sĩ tử, đào tạo nhân tài cho đất nước. Việc đào tạo nhân tài đó dựa trên quan niệm: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp2.

     Không những vậy, Học quan trường Giám còn có trách nhiệm lựa chọn, bảo cử những Giám sinh xuất sắc để triều đình xét duyệt bổ ra làm quan như chỉ dụ sau đây của vua Minh Mệnh năm 1825: “Quốc Tử Giám là nơi chứa nhân tài, gần đây đặt sinh viên cho ăn lương hậu, bồi dưỡng gây dựng cũng đã chu đáo lắm; các Giám sinh Toạ giám trước sau, đến nay thấm nhuần ân trạch giáo hoá, cũng đều đã có thành tài. Vậy hạ lệnh Tế tửu, Tư nghiệp lấy công bằng kén chọn 30 người học vấn rộng văn chương hay có thể dùng được mà tâu lên3.

      Như vậy, dù trường Quốc học được đặt ở Kinh đô Thăng Long hay ở Huế, các triều đại quân chủ Việt Nam rất coi trọng vấn đề tuyển chọn và xếp đặt các chức Học quan tham gia quản lí, giảng dạy, trong đó Tế tửu, Tư nghiệp là hai chức quan đứng đầu trường Giám. Ở mỗi một triều đại, tuy số lượng các chức Học quan ở trường Giám có sự thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, song đều khá thống nhất trong việc phải lựa chọn những người uyên thâm về học vấn, đức độ về phẩm hạnh để nắm giữ những chức vụ quan trọng này.

___________
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, NXB Giáo dục, 2007, tr. 586.

2. Trích bài kí đề danh Tiến sĩ năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 -1442, do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 đời Lê Thánh Tông, dẫn từ: Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, NXB Khoa học – Xã hội, Hà Nội, 1978, tr. 65.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, tr. 397.

2. Chế độ đãi ngộ của nhà nước

     Các triều đại quân chủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề khuyến khích giáo dục Nho học phát triển, vì thế nhà nước đã thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ khác nhau từ chu cấp chi phí cho trường học thông qua thực hiện chế độ “học điền”, đến ban cấp bổng lộc, ân điển cho người dạy và người học. Riêng với giáo quan trường Giám, nhà nước đặc biệt dành nhiều sự quan tâm hơn, cụ thể là:

     Cấp lương

     Dưới thời Lý, các quan trong ngoài kinh thành đều không được cấp bổng, bất thần nhà vua mới thưởng cho các quan trong kinh thành, còn các quan ngoài thì giao cho dân một miền để đặt người thuộc viên thu thuế ruộng đất ao hồ đánh vào dân cày, dân cá mà lấy lợi 1. Đến đời vua Trần Thái Tông năm Thiên Ứng Chính Bình 5 (1236), mới định lệ cấp bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, tuy nhiên quy chế như thế nào thì chưa rõ. Đến năm Hồng Đức 4 (1473), vua Lê Thánh Tông định rõ quy chế bổng lộc cho các quan trong ngoài, tiền bổng có khác nhau. Tiếp đó vào năm 1479, triều đình ban cấp ruộng cho các quan viên, gọi là ruộng thế nghiệp 2, do đó hàng tháng các quan viên được triều đình cấp lương bao gồm cả tiền và ruộng. Theo Quan chế thời Hồng Đức thì quan Tế tửu có lương cả năm là 44 quan (mỗi tháng là 3 quan 6 tiền, 40 đồng), được cấp 4 mẫu đất thế nghiệp, 15 mẫu ruộng vua ban, 10 mẫu ruộng tế; quan Tư nghiệp lương cả năm là 36 quan (1 tháng là 3 quan); chức quan Ngũ kinh giáo thụ được 21 quan tiền cả năm (gồm 1 quan 7 tiền 30 đồng mỗi tháng) 3. Đến năm 1721, triều đình Lê -Trịnh cho thực hiện chế độ ban ân tứ dân huệ, tiền gạo và người theo hầu để trả lương cho các quan với mức độ ít nhiều khác nhau. Theo Quan chế đời Bảo Thái: “quan Tế tửu được dân lộc 1 xã, chuẩn định tiền gián 150 quan, người theo hầu 15 người; quan Tư nghiệp được dân lộc 1 xã, chuẩn định tiền gián 100 quan, người theo hầu 10” 4.  Đối với các Học quan có hàm từ “Lục phẩm trở xuống đến hàm Cửu phẩm thì cho lĩnh 60 quan tiền quý, kém 1 phẩm thì giảm 10 quan, đều cho 8 người theo hầu” 5.

     Triều đình Nguyễn trả lương cho Học quan trường Giám bằng tiền, gạo và một số tiền xuân phục nhiều ít có khác nhau. Năm 1804, vua Gia Long quy định mức lương hàng tháng của quan Đốc học trường Giám là 6 quan tiền, 6 phương gạo; quan Phó Đốc học được nhận 5 quan tiền, 5 phương gạo 6. Trải qua các đời vua Nguyễn về sau, lệ định về lương bổng cho các Học quan trường Giám có sự xê dịch ít nhiều, có thể thấy rõ sự thay đổi này qua số liệu thống kê sau đây:

     –  Quan hàm Chánh Tứ phẩm (Tế tửu): theo lệ định thời Gia Long, bổng cả năm thì tiền 60 quan, 60 phương gạo, tiền xuân phục 10 quan. Năm Minh Mệnh 20 (1839): tiền lương cả năm là 80 quan (tức nhiều hơn trước 20 quan), gạo 60 phương, tiền áo xuân phục 14 quan. Năm Tự Đức 8 (1855) tăng cấp ân bổng lên 40 quan, gạo và tiền xuân phục không đổi.

     –  Quan hàm Tòng Tứ phẩm (Tư nghiệp): theo lệ định Gia Long, bổng cả năm 50 quan, gạo 50 phương, tiền xuân phục 10 quan. Theo chước định về bổng năm Minh Mệnh 20, bổng cả năm 60 quan, gạo 50 phương, nhiều hơn trước 10 quan tiền, gạo như trước, tiền xuân phục không đổi. Theo tăng cấp ân bổng năm Tự Đức 8 (1855) bổng 50 quan tiền, gạo 45 phương, giảm so với lệ Minh Mệnh 10 quan tiền và 5 phương gạo.

__________
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, sđd, tr. 642.

2. Theo chú thích của Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú trong mục Quan chức chí thì: Ruộng thế nghiệp là ruộng đất cấp cho vương hầu và các quan to, đời mình và đời con cháu được hưởng.

3, 4. Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí – Lệ ban ân tuất cho các quan”, tập 1, sđd, tr. 645 – 648.

5. Phan Huy Chí, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, sđd, tr. 648.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr. 594.

     –  Quan Tòng Lục phẩm (Học chính): lệ định Gia Long, tiền lương bổng cả năm là 22 quan, gạo 22 phương, tiền xuân phục 6 quan; đến năm Minh Mệnh 20, tiền lương cả năm là 25 quan, gạo 22 phương và tiền xuân phục là 6 quan, nhiều hơn trước 3 quan tiền. Theo tăng cấp ân bổng năm Tự Đức 8 (1855) bổng 18 quan tiền.

     –  Quan Chánh, Tòng Thất phẩm (Giám thừa, Điển bạ): lệ định thời Gia Long, tiền là 20 quan, gạo 20 phương, tiền xuân phục 5 quan. Theo chước định về bổng năm Minh Mệnh 20, bổng cả năm tiền 22 quan, gạo 20 phương, tiền xuân phục 5 quan, nhiều hơn trước 2 quan tiền, gạo và tiền xuân phục giữ nguyên. Theo tăng cấp ân bổng năm Tự Đức 8 (1855) bổng còn 16 quan tiền.

     –  Quan hàm Tòng Cửu phẩm (Điển tịch): lệ định Gia Long: tiền 16 quan, gạo 16 phương, tiền xuân phục 4 quan; lệ định Minh Mệnh (1839): tiền 18 quan, gạo 16 phương, tiền xuân phục 4 quan, nhiều hơn trước 2 quan tiền, gạo và tiền xuân phục giữ nguyên. Lệ tăng cấp ân bổng năm Tự Đức 1855, bổng chỉ còn 12 quan tiền 1.

     Ngoài được hưởng lương hàng tháng vào những dịp lễ lớn của đất nước như nhà vua đăng quang, lễ tế giao, lễ mừng năm mới,… Học quan trường Giám cũng được các vua Nguyễn ban ân chuẩn thưởng thêm một, hai tháng lương tuỳ theo phẩm trật và từng đời vua. Chẳng hạn vào năm 1848, khi vua Tự Đức mới lên ngôi đã ban hành ân điển 25 điều, trong đó có ân điển “Quan viên trong Kinh, ngoài các tỉnh từ Thất phẩm Cửu phẩm, ai chưa dự gia cấp và khai phục thì được hưởng 2 tháng tiền lương2.

     Cấp bổng lộc

     Không chỉ được triều đình trả lương, các Học quan trường Giám còn được nhà nước ban cho một số bổng lộc khác như được cấp ruộng đất, ao vườn để ở, hoặc miễn thuế ruộng tư nhằm động viên họ thực hiện tốt chức trách của mình. Theo Lệ cấp vườn đất năm Hồng Đức 4 (1473), quan Tứ phẩm có đất ở 6 sào, lục thất phẩm đất ở 5 sào, Bát Cửu phẩm đất ở 4 sào. Theo quy định năm Bảo Thái 4 (1723), triều đình Lê – Trịnh giảm xuống, theo đó Tứ phẩm được 5 sào, Ngũ phẩm được 3 sào, Lục Thất phẩm 2 sào; Bát Cửu phẩm 1 sào 3. Trong khi đương nhiệm, họ còn được ban tặng mũ áo, hoặc khi gia đình có việc như cha mẹ ốm đau, có tang cha mẹ họ cũng được nghỉ phép theo thời hạn nhất định, trong đó triều đình đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn vào năm 1845 vua Thiệu Trị đã ra hẳn sắc dụ đề nghị nếu các quan có hàm Tứ phẩm trở lên có: “cha mẹ già ở xa thì các quan địa phương phải có trách nhiệm thăm hỏi, khi ốm đau phải mời thầy thuốc đến cứu chữa, khi chết phải có tư báo”. Trong trường hợp có tang cha mẹ, quan Tế tửu được triều đình cho về quê trị việc tang trong 3 tháng, quan Tư nghiệp được 2 tháng, các giáo quan khác có hàm từ Lục Thất phẩm trở xuống được 1 tháng 4.

__________
1. Thống kê từ: Quốc Sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 3, quyển 14, NXB Giáo dục, 2004, tr. 139 -141.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr. 31.

3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, sđd, tr. 651.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 804 -805.

     Dưới thời quân chủ, theo quy định của nhà nước các quan viên đến độ tuổi từ 60 đến 70 thì được về trí sĩ (về hưu). Khi về trí sĩ họ được triều đình ghi công trạng, ban tặng vật chất hoặc tinh thần như ban biển ngạch khen ngợi, tặng thơ phú, mở yến tiệc tiễn về quê, được ban một phần bổng lộc, được ấn ấm cho con cháu và tuỳ vào phẩm trật lớn nhỏ mà có quy định khác biệt hoặc trở lại triều đình nghe chính sự 1. Thậm chí nhà nước còn tặng thưởng cho họ tiền hoặc hiện vật vào dịp làm lễ thượng thọ để động viên họ lúc tuổi già. Chẳng hạn, theo sắc dụ của vua Tự Đức 5 (1852) thì: thọ quan đã về hưu hạng 70 tuổi hàm Tứ phẩm (Tế tửu, Tư nghiệp) đến Lục phẩm (Học chính) được 1 tấm lụa, 2 tấm vải; hạng 80 tuổi: quan Tứ phẩm đến Lục phẩm được mỗi thứ 2 tấm; từ Thất phẩm (Giám thừa, Điển bạ) đến Cửu phẩm (Điển tịch): lụa 1 tấm, vải 2 tấm; hạng 100 tuổi: quan Tứ phẩm đến Lục phẩm: lụa 3 tấm, vải 4 tấm; quan từ Thất phẩm đến Cửu phẩm: lụa, vải mỗi thứ 3 tấm 2.

     Khi họ mất, nhà nước cũng ban cho một số tiền “tự sự” (tiền thờ cúng) như các bậc quan khác, mức độ nhiều ít khác nhau tuỳ theo phẩm trật. Theo quy định năm Vĩnh Khánh 4 (1732) đời chúa Trịnh Giang (1729 – 1740) thì: quan Tế tửu được 180 quan tiền gián; Tư nghiệp: 140 quan tiền gián 3. Thời Nguyễn, theo định lệ năm Gia Long 9 (1810), tiền tuất cho quan Tứ phẩm (Tế tửu) là 30 quan, tòng Tứ phẩm (Tư nghiệp) 28 quan; Tòng Lục phẩm (Học chính) 18 quan, Thất phẩm (Giám thừa) 15 quan; Tòng Thất phẩm (Điển bạ) 12 quan; quan Cửu phẩm (Điển tịch) 5 quan. Đặc biệt những vị quan Tế tửu, Tư nghiệp tài năng, đức độ không những khi sống được trọng dụng mà khi chết còn được nhà nước truy phong, truy tặng danh hiệu, chức tước, lập đền thờ. Dưới triều vua Lê, chúa Trịnh, năm 1758, Nguyễn Nghiễm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, quá nửa cuộc đời của ông gắn liền với công cuộc đánh đông dẹp bắc, trong cuộc hành quân Nam tiến năm 1775, ông bị ốm và qua đời. Khi mất, vì chức tước phẩm hàm của ông đã tột hạng trong bậc nhân thần, không còn tước nào cao hơn để gia tặng nên triều đình đã ban cho cụ tên thuỵ Trung Cần, phong Trung đẳng phúc thần, tôn hiệu “Huân du độ hiến đại vương” hàng năm sai quan Bộ Lễ đến làm lễ quốc tế tại tư dinh làng Tiên Điền (Hà Tĩnh) 4.

     Không chỉ nhận được các ân điển từ triều đình quân chủ, Học quan trường Giám còn phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tiền bạc lại cho triều đình thông qua Lệ tạ ơn Lệ thăng chức.

  __________
1. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: khi Phạm Công Trứ xin về hưu, ông được chúa Trịnh viết hai câu đối thêu vào lá cờ khen ngợi ông, trong đó có câu:
Thượng thư ấn chưởng lục, thuỳ thân tấn hốt, cửa miếu điện an
Thiên hạ đạt ôn tam, vĩ tích gia ngôn, triều đình chuyên vọng.
Nghĩa là: Làm thượng thư giữ sáu ấn, rủ đai cầm hốt, chín miếu được yên;
Gồm cả ba thứ tôn quý của thiên hạ (Tước, Tuổi, Đức), công to nói hay, triều đình tôn trọng.
Ông về hưu có thơ lưu giản, các triều thần gồm có hơn 50 người ở các phủ Bộ, Tư, Khoa, Đạo đều hoạ lại và đều viết vào lụa, lại đặt rượu tiễn chân ở bờ sông (tức giang đình).

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr. 251.

3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí, lệ ban ân tuất cho các quan”, tập 1, sđd, tr. 666.

4. Tham khảo: Ngô Đức Thọ, Tìm hiểu tiểu sử sự nghiệp của Đại tư đồ nguyên Tế tửu, nguyên Tri Quốc Tử Giám Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Nghiên cứu Hán Nôm, số 5, 2010.

   Lệ tạ ơn nghĩa là khi các quan viên được bổ chức quan phải trích ra số tiền theo quy định dâng lên vua để cảm tạ nhà vua. Chẳng hạn vào năm Vĩnh Trị 5 (1680), triều đình Lê – Trịnh quy định: nếu quan Giáo thụ nhậm chức mỗi viên tạ 3 quan tiền quý; Điển bạ, Học chính, Giám bạ mỗi viên tạ 2 quan tiền quý; Tư nghiệp 4 quan tiền quý 1.

     Khi được thăng chức, các quan phải trích ra số tiền nhất định theo phẩm trật dâng lên tạ ơn nhà vua, nhà chúa gọi là Lệ thăng chức (còn gọi Lễ Thượng tiến). Theo quy định năm Vĩnh Thịnh 16 (1720) thì quan Tế tửu phải dâng vua 7 quan tiền quý, 1 vò rượu; quan Tư nghiệp dâng 6 quan tiền quý, 1 vò rượu; nếu dâng tạ ơn chúa thì Tòng Tứ phẩm (Tế tửu) dâng 5 lạng bạc, 15 quan tiền quý, 1 vò rượu; Tòng Ngũ phẩm (Tư nghiệp) dâng 4 lạng bạc, 12 quan tiền, 1 vò rượu; quan Chánh, Tòng Lục phẩm dâng tiến 3 lạng bạc, 9 quan tiền, 1 vò rượu; Tòng Thất phẩm dâng 2 lạng bạc, 6 quan tiền, 1 vò rượu; Chánh Bát đến Cửu phẩm dâng 1 lạng bạc, 3 quan tiền, 1 vò rượu 2.

     Truy phong ấm thụ

     Các triều đại quân chủ Việt Nam còn ban nhiều ân điển cho con cháu các Học quan trường Quốc học như miễn sưu dịch (thông qua lệ tập ấm, nhiêu ấm), phong thưởng chức tước (ấm bổ) hoặc được bổ vào trường Giám học. Chẳng hạn, theo quy định của nhà nước năm 1677 thì: “Hàng quan văn: Đại học sĩ và Tế tửu thì 5 đời con cháu đều được làm hạng quan viên tử tôn. Các quan chức Học sĩ, Thị giảng, Tư nghiệp, Thị thư, Hiệu thư thì 4 đời con cháu đều được làm hạng quan viên tử tôn” 3, thời Nguyễn vẫn tiếp tục thực hiện chính sách này. Theo lệ ấm bổ năm Tự Đức 2 (1849) quan chánh Tứ phẩm (Tế tửu) được ấm bổ một con vào Chánh Bát phẩm thư lại ở 6 bộ, Tòng Tứ phẩm (Tư nghiệp) được bổ 1 con vào Hàn lâm viện Điển bạ 4. Không chỉ được miễn lao dịch, phong tặng chức tước, các nhà nước cũng rất ưu ái khi đặc cách cho con của các Học quan được sung vào học tại trường Quốc Tử Giám. Đặc biệt từ năm Thiệu Trị 3 (1843) trở đi, nhà Nguyễn đặt lệ cho tất cả các con của Tế tửu và 1 con của quan Tư nghiệp đủ 15 tuổi trở lên không phân biệt vị Học quan ấy còn sống hay đã chết đều được xét duyệt vào trường Giám và được cấp lương bổng cho ăn học.

_________
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, sđd, tr. 653 – 654.

2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục “Quan chức chí”, tập 1, sđd, tr. 654 – 655.

3. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỉ, tập 1, NXB Khoa học – Xã hội, 1995, tr. 65.

4. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 2, NXB Thuận Hoá, 2005, tr. 355.

     3. Như vậy, các triều đại quân chủ Việt Nam từ thời Lý, Trần, Hồ, nhất là từ thời Lê sơ, Mạc, Lê -Trịnh và Nguyễn đều đã thực hiện nhiều chế độ đãi ngộ khác nhau dành cho Học quan trường Quốc Tử Giám, từ cấp tiền lương, truy phong ấm thụ đến miễn lao dịch cho con cháu v.v. Trong các chế độ đãi ngộ này, mỗi một triều đại sẽ có những quy định riêng về mức độ số lượng, song tất cả những việc làm đó đã thể hiện tư tưởng “tôn sư trọng đạo”, đề cao sự nghiệp giáo dục của nhà nước đối với những người giữ trong mình trọng trách trồng người, đào tạo nhân tài cho đất nước. Qua đó, thể hiện rất rõ chính sách đề cao sự nghiệp giáo dục Nho học, coi trọng hiền tài và tuyển chọn nhân tài thông qua giáo dục khoa cử của các triều đại quân chủ xưa.

    Những chế độ đãi ngộ trên đây đã có ý nghĩa quan trọng đối với thầy giáo trường Quốc Tử Giám trong việc cổ vũ, khích lệ, động viên họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù mục đích của việc đi học ở nước ta dưới thời quân chủ là để thi đỗ rồi ra làm quan, song những thành quả mà các thầy giáo trường Quốc Tử Giám đã tôi luyện trong suốt hơn 800 năm qua không chỉ là một đội ngũ quan chức đông đảo có công đào tạo bao thế hệ học trò tài năng mà còn là những người thầy đức độ, có nhân cách lớn, mà tên tuổi của họ còn lưu lại trong sử sách, là tấm gương sáng đến tận ngày nay như Chu Văn An (1292 – 1370), Thân Nhân Trung (1419 – 1499), Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Quý Đức (1684 -1720), Lê Quý Đôn (1726 -1784), Phạm Gia Chuyên (1791 – ?), Phạm Quý Thích thời Nguyễn, v.v.

TRỊNH THỊ HÀ 1

__________
1. ThS, Viện Sử học.