Chiến tranh và phận người trong văn xuôi phi hư cấu Việt Nam đương đại

NGUYỄN VĂN HÙNG*

     Chiến tranh luôn là đề tài lớn của văn học Việt Nam hiện đại, và thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả nhiều thế hệ. Sau Đổi mới (1986), văn học viết về chiến tranh đã đạt được nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng. Bên cạnh các tác phẩm thuộc thể loại hư cấu, sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn xuôi phi hư cấu trong những năm gần đây như làn gió mới mang lại hiệu ứng xã hội rộng rãi. Không ít tác phẩm nhận được đánh giá tích cực từ phía người sáng tác, người nghiên cứu, phê bình và đông đảo công chúng yêu văn chương. Không những vậy, nhiều tác phẩm tiêu biểu đã được vinh danh tại các giải thưởng văn học uy tín thường niên: Được sống và kể lại – Trần Luân Tín (Giải thưởng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, 2010), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 – Trần Mai Hạnh (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2014; Giải thưởng văn học Asean, 2015), Hồi ức lính – Vũ Công Chiến (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2017), Ở R – Chuyện kể sau 50 năm – Lê Văn Thảo (Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh 5 năm lần 2 (2012 – 2017); Giải B Sách hay – Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất 2018)… Bên cạnh đó, một số tác phẩm trở thành “hiện tượng xuất bản” với số lượng phát hành lớn, tái bản liên tục – một điều hiếm hoi với mảng sách viết về đề tài chiến tranh: Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ), Đừng kể tên tôi (Phan Thúy Hà)… Có thể nói rằng, văn xuôi phi hư cấu viết về chiến tranh đang thực sự lên ngôi và khẳng định được vị thế của mình trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Các tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả bởi chất hiện thực ngồn ngộn, tươi ròng, cái nhìn đa chiều, trực diện về quá khứ, và đằng sau đó là những hình thái diễn ngôn đa dạng về chiến tranh.

     Văn xuôi phi hư cấu – “chứng từ” của chiến tranh

     Văn xuôi phi hư cấu mở ra những góc nhìn đa dạng, nhiều chiều, với những trầm tư, chiêm nghiệm của chính người trong cuộc về chiến tranh. Những câu chuyện, sự kiện, những cuộc đời, số phận của một thời tưởng như trôi vào quên lãng, nay được “sống lại” một cách chân thực, sinh động, giàu sức ám gợi. Đa phần tác giả là những người lính đã từng tham chiến với nhiều tư cách khác nhau. Nhiều người trong số họ chưa từng cầm bút viết văn và cũng không có tham vọng trở thành nhà văn chuyên nghiệp, song những kí ức một thời luôn sống trong họ, thôi thúc họ kể lại. Bên cạnh những tác phẩm do chính người trong cuộc viết, văn xuôi phi hư cấu còn chứng kiến các tác giả chuyên và không chuyên tự nhận là “kẻ ngoại cuộc” sắm vai chứng nhân lắng nghe và kể lại những câu chuyện của thế hệ ông cha. Với những góc nhìn khác nhau, chiến tranh được soi rọi và giải minh bằng chính hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân. Mỗi tác phẩm trở thành chứng từ của chiến tranh, được bảo chứng bằng chính máu xương và nước mắt của đồng đội, của nhân dân.

     Kể lại những trải nghiệm máu thịt của mình, với các tác giả, trước hết đó là một đòi hỏi tự thân – một “mệnh lệnh của trái tim”, bởi người lính luôn tâm niệm được sống và trở về là một may mắn; không ai khác, chính họ phải là người nói về thế hệ mình một cách chân thực, khách quan nhất: “nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại Hồi ức lính này, để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó” (Vũ Công Chiến – Hồi ức lính). Tác phẩm của họ là tiếng nói được cất lên từ lương tâm và trách nhiệm của người lính trận mạc. Trong thẳm sâu trái tim và khối óc của những người còn sống, viết như trả một món nợ: “món nợ với những đồng đội, những người vào sinh ra tử, sát cánh bên nhau, những ân nhân muôn đời không quên. Họ đã hóa thành Đất. Đất nằm ngoài Tổ quốc thân yêu. Những người còn sống? Họ đi đâu? Về đâu? Phiêu dạt chân trời nào? Bao giờ tôi mới tìm được những ân nhân đáng kính của mình?” (Đoàn Tuấn – Mùa chinh chiến ấy). Những năm tháng không thể nào quên, cuộc đời chinh chiến dù ngắn dù dài cũng không thôi ám ảnh, trở thành một phần đời của họ. Từng khoảnh khắc trong cuộc sống, từng gương mặt đồng đội luôn nhắc nhớ, buộc họ phải cầm bút để kể: “Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về. Cuộc sống làm ăn xô cuốn, nhưng những gương mặt thân quen ấy nhiều đêm trở lại… Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này, dù tôi không phải nhà văn, nhà báo” (Trung Sỹ – Chuyện lính Tây Nam). Và rồi với độ lùi thời gian đủ dài, và những ngẫm suy đủ lớn, họ thao thiết cầm bút, phác họa nên chân dung tinh thần một thế hệ: “tôi muốn kể về một thời tuổi trẻ dẫu thiếu thốn và nhiều gian khó nhưng vẫn ứa đầy nhiệt huyết với lẽ sống thiêng liêng: tất cả vì Tổ quốc mình, vì dân tộc mình” (Nguyễn Ngọc Tiến – Lính Hà).

     Bên cạnh những tác phẩm được viết bởi người trong cuộc, còn có một cuộc chiến khác được khúc xạ qua ngòi bút của “kẻ ngoại cuộc”: Về từ hành tinh ký ức (Võ Diệu Thanh), Đừng kể tên tôi (Phan Thúy Hà), Sen hồng trong bão tápChuyện năm 1968 (Trầm Hương) … Đây là thế hệ được sinh ra sau chiến tranh, dù không trực tiếp cầm súng đối diện với sinh tử, song những hệ lụy từ quá khứ vẫn như hiện hữu xung quanh và không thôi ám ảnh họ. Họ đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, lắng nghe nhiều câu chuyện, để rồi chợt nhận ra, dù là “kẻ ngoại cuộc” song họ “không thể trốn khỏi những cuộc chiến”. Những âm thanh gọi về từ “hành tinh ký ức” luôn gợi nhắc họ trách nhiệm của thế hệ hôm nay với “những di chỉ của cha ông”, dù muốn dù không chính họ phải sẻ chia, gánh vác: “Mấy mươi năm qua, tôi ôm những miền ký ức của ai? Không phải của tôi, mà sao nặng nề quá đỗi. Nó thường đáo lại trong tôi qua cơn ác mộng, ví như một cuộc tử hình, một cuộc đối đầu trực diện và xả súng vào nhau. Như chính tôi là người làm nên những đau đớn đó” (Võ Diệu Thanh – Về từ hành tinh ký ức). Khi nhìn về quá khứ của dân tộc, được sống trong bầu không khí tự do, hòa bình, những con người dù chưa một lần đối chiến, họ thấu hiểu hơn ai hết những món nợ và phần trách nhiệm trước mỗi hi sinh, mất mát của thế hệ trước: “tôi mắc nợ dòng sông, mắc nợ cánh đồng, mắc nợ những cánh rừng, mắc nợ mùa nước nổi… Những nơi ấy vẫn còn biết bao nhân chứng chiến tranh với những phần đời nổi nênh, sóng gió, đói khổ, với bầu tâm sự trĩu nặng, những chiến tích, uẩn khúc, hy sinh đang chờ đợi tôi” (Trầm Hương – Sen hồng trong bão táp).

     Các tác phẩm dù được kể lại dưới dạng hồi kí, tự truyện, truyện kí, hay tiểu thuyết tư liệu, kí sự báo chí của người trong cuộc hay “kẻ ngoại cuộc” đều khiến người ta tin và xúc động bởi chính những trải nghiệm máu xương, những xúc cảm chân thực, và trên tất cả là ý thức trách nhiệm và tinh thần nhân văn của con người hôm nay khi nhìn về quá khứ, một quá khứ không thể khước từ, không thể lảng tránh, không thể nào quên. Với lối viết mộc mạc, tự nhiên, giọng điệu chân thành, da diết, các tác giả đã tái hiện những giai đoạn lịch sử khốc liệt và hào hùng, cay đắng và vinh quang, ẩn sâu là số phận những con người bình dị và phi thường, đau thương và bi tráng. Không tô hồng hay bôi đen, không màu mè kiểu cách hay u ám đơn điệu, câu chuyện về chiến tranh được kể lại trung thực đến đáy, bởi tất cả được đặt cọc bằng máu xương của chính họ và đồng đội, của nhân dân và Tổ quốc họ.

     Những góc nhìn đa chiều về chiến tranh và phận người

     Khởi nguồn của việc cầm bút tưởng chừng như đơn giản – kể lại trung thực những điều đã thấy, đã nghe, đã làm, song mỗi tác phẩm lại nặng trĩu những cảm xúc, trầm tư của người trong cuộc. Ở cự li gần, nhìn từ dưới lên, từ trong ra của một – người – lính – bình – thường, họ hiểu hơn ai hết “chiến tranh không phải trò đùa”. Khi họ được/bị đặt vào những hoàn cảnh bất bình thường, hằng ngày đối diện với sinh tử, bệnh tật, đói rét, chúng ta mới thấy hết “điều kỳ diệu và bí ẩn” trong mỗi người lính. Không cần hư cấu hay tưởng tượng, bản thân sự thật đã chứa đựng sức mạnh và hấp dẫn của riêng nó.

     Nếu như trước 1975, hiện thực chiến tranh chủ yếu được soi rọi bằng cái nhìn sử thi, hào hùng và cảm hứng lạc quan, lãng mạn; đến nay, mặc dù cái nhìn và cảm hứng ấy vẫn được bảo lưu trong những trang viết, song đã bắt đầu xuất hiện cái nhìn đa chiều, trần trụi hơn ở nhiều góc độ: bi tráng, khốc liệt; đời tư, thế sự, nhân văn; văn hóa, tâm linh. Dù đó là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trên chính mảnh đất quê hương; hay là cuộc chiến thực thi nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn; nhưng tất cả đều có điểm chung ở sự khốc liệt, bi tráng, hào hùng. Sống và chiến đấu trong những thời điểm cam go nhất của lịch sử; họ luôn có mặt ở những điểm “nóng” của cuộc chiến. Đó là Mặt trận Quảng Trị máu lửa (Được sống và kể lại – Trần Luân Tín, Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính – Nguyễn Quang Vinh, Khúc tráng ca Thành Cổ – Đình Phan), chiến trường Tây Nguyên ác liệt, chiến trường Nam Lào khắc nghiệt (Hồi ức lính – Vũ Công Chiến, Rừng khộp mùa thay lá – Nguyễn Vũ Điền), hay chiến trường Biên giới Tây Nam hẻo lánh, hiểm nguy (Lính Hà – Nguyễn Ngọc Tiến, Chuyện lính Tây Nam – Trung Sỹ, Mùa chinh chiến ấyMùa linh cảm – Đoàn Tuấn)…

     Gương mặt chiến tranh hiện lên hào hùng nhưng không kém phần khắc nghiệt: những cuộc hành quân gian nan dài hàng ngàn cây số với đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu; những trận đánh ác liệt một mất một còn với kẻ thù tàn bạo, hung hãn nơi vùng hiểm địa, trong khe đá hang sâu, giữa núi cao sông dài; có những chiến thắng oanh liệt và cả những thất bại đau đớn. Không chỉ đối mặt với sự bao vây, tập kích, sự chống trả quyết liệt, liều lĩnh của kẻ địch; những người lính còn phải thấp thỏm lo âu bởi sự hiểm độc của núi rừng, nơi mỗi tấc đất, lùm cây, mỗi con sông, ngọn núi, mỗi sinh vật, từng cơn giông, bão lũ, nắng hạn đều âm thầm đe dọa đến sinh mạng các chiến binh. Ở đó sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong nháy mắt, thoáng qua, đơn giản; nơi mỗi vùng đất được giải phóng, từng giây phút bình yên của người dân đều phải trả bằng xương máu của người lính. Có sự hi sinh anh dũng, đẹp đẽ, rạng ngời, nhưng cũng có cái chết tức tưởi, uất nghẹn, phi lí. Chiến tranh là vậy, và các tác giả đã không né tránh mảng hiện thực gai góc, trần trụi, nghiệt ngã đến tận cùng ấy. Ở đó “cái sống và cái chết tranh chấp nhau từng giây một” (Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính), “Đời lính thế đấy. Nay sống mai chết. Chẳng biết thế nào. Như chiếc lá bên đường. Chiến tranh qua đi. Tiện tay bứt một cái. Vứt đi. Thế là xong. Đời lính đấy. Chưa đi hết cuộc chiến đã đi qua một kiếp người” (Mùa chinh chiến ấy).

     Khuôn mặt chiến tranh, từng thời có thể khác nhau, nhưng số phận người lính với nỗi đau thể xác và chấn thương tinh thần, thì thời nào cũng vậy. Từ điểm nhìn nhân văn hiện đại, vừa hoài niệm vừa suy tư, vừa tự hào vừa xót đắng, các tác giả đã phác họa nên chân dung tinh thần của một thế hệ với nhiều sắc độ: vẻ hào sảng, bi tráng; nét trữ tình, lãng mạn; chất hồn hậu, bình dị; sự trẻ trung, hóm hỉnh. Họ không chỉ mang trong mình những phẩm chất lớn lao của người lính thời đại Hồ Chí Minh: can trường, mưu trí trên chiến trường; bất khuất, gan dạ trước sự bạo tàn của kẻ thù; mà còn hội tụ những vẻ đẹp tâm hồn tự bao đời của người Việt: yêu quê hương, gia đình; sống trách nhiệm, giàu lòng trắc ẩn; nhiều nghị lực và khát khao hòa bình.

     Trong những năm tháng khốc liệt ấy, vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của người chiến sĩ được thắp sáng trong tình đồng chí, tình quân dân mặn nồng, sâu đậm. Bên đồng đội, họ tồn tại, sát cánh cùng nhau trên chiến trường; nhường cho nhau từng ngụm nước hiếm hoi, từng miếng ăn ít ỏi; chia sẻ với nhau những ấm lạnh của cuộc đời riêng, những kỉ niệm khó quên nơi quê nhà, và những tình cảm thầm kín, thành thật, cháy bỏng của một thời trai trẻ. Ở mỗi vùng đất xa xôi, lạ lẫm, người chiến binh đã hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, trải nghiệm và ngẫm suy từ những câu chuyện bình dị, đời thường; chắt lọc nhiều bài học vô giá về đời người và số phận, phẩm hạnh và lòng kiên trì, về khao khát hòa bình và sự hồi sinh của sự sống, nỗi đau và tình người vượt qua…

     Cuộc sống nơi trận mạc đã rèn luyện cho người lính những phẩm chất tuyệt vời, và cũng là nơi thắp sáng vẻ đẹp tâm hồn cao thượng. Và chính trong thử thách nghiệt ngã này, số phận và nhân tính của người lính được các nhà văn thể hiện chân thực đến nghẹn lòng: “Trần trụi sự thật. Trần trụi bản năng và mọi khía cạnh con người. Tất cả được phơi bày hết, phơi bày đến tận cùng cái tốt và cái xấu; dũng cảm và hèn nhát; nhân đạo và nhẫn tâm; cao cả và thấp hèn; có lý và phi lý” (Quảng Trị 1972 – Hồi ức của một người lính). Những trạng huống tâm lý được phơi trải, những cung bậc cảm xúc được trưng ra, những yêu thương, đau đớn, lầm lạc của một kiếp người được sẻ chia. Trước muôn trùng hiểm nguy của sinh – tử, những người lính cũng có những giây phút yếu lòng, sợ hãi, trống rỗng; giữa ngọn lửa hừng hực sức trai, họ không thể thoát khỏi tiếng gọi nguyên sơ của vô thức, bản năng, dục vọng. Những người lính trẻ không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ phía kẻ thù, mà còn đối diện với thách thức về phẩm chất, đạo đức, nhân tính. Hình tượng người lính được Đoàn Tuấn, Trung Sỹ, Nguyễn Quang Vinh, Vũ Công Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Vũ Điền… soi rọi dưới góc nhìn đa chiều: ánh sáng và khuất lấp, anh hùng và hèn nhát, ý thức và vô thức, hiện thực và tâm linh, khát vọng và dục vọng, yêu thương và thù hận, cống hiến và tự mãn, cao thượng và ích kỷ. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, “một trong thập loại chúng sinh” giữa thời tao loạn; và cần hơn bao giờ hết sự sẻ chia, bao dung. Dù phải đối diện với những thử thách khốc liệt từ bên ngoài và bên trong, nhưng người lính đã can trường vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, chiến thắng hoàn cảnh, bản thân, quyết tâm chiến đấu để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

     Chiến tranh không chỉ được soi rọi từ góc nhìn lính chiến, mà còn được tái hiện qua gương mặt phụ nữ, trẻ em và thường dân nhỏ bé. Những nhân vật tưởng như ở “bên lề” cuộc chiến nay trở thành trung tâm tự sự về chiến tranh. Gương mặt chiến tranh nhờ vậy có màu sắc riêng, không gian riêng, ngôn ngữ riêng và cảm xúc riêng. Dường như mỗi người đều có “cuộc chiến của riêng mình”. Trong Chuyện năm 1968Sen hồng trong bão tápVề từ hành tinh kí ứcĐừng kể tên tôi, Trầm Hương, Võ Diệu Thanh và Phan Thúy Hà với tư cách là chứng nhân đã lắng nghe, truyền tải những câu chuyện phi thường của những số phận bình thường, những mảnh đời bất hạnh, vô tội trong cơn cuồng nộ của lịch sử. Với trách nhiệm của thế hệ hôm nay với quá khứ vĩ đại và đau thương của dân tộc, các tác giả đã “thay mặt” cha ông mình kể lại câu chuyện của họ – và có thể là câu chuyện của bất kì ai được sinh ra trên đất nước có chiến tranh. Những câu chuyện chân thực được kể bởi các chứng nhân từng trải nghiệm qua biến cố đã hé mở nhiều “góc khuất” của chiến tranh và phận người. Biến cố Mậu Thân 1968 (Chuyện năm 1968 – Trầm Hương), thảm họa diệt chủng ở Ba Chúc, An Giang (Về từ hành tinh ký ức – Võ Diệu Thanh) không chỉ tác động đến những người lính mà còn gõ cửa từng ngôi nhà bình yên, đẩy người phụ nữ và trẻ nhỏ vào cuộc chiến hiểm ác. Nơi ấy có người mẹ ôm trên tay đứa con chưa đầy hai tuổi dẫn đoàn quân bước vào trận chiến đấu sinh tử; có người vợ chưa kịp ăn cùng chồng trái táo cắt đôi đã nuốt vội nước mắt tiễn chồng vào trận đánh mà cái chết hiện hữu ngay trước mắt. Năm ấy có cả những bà mẹ lấy thân mình để che giấu bộ đội dưới hầm sâu; hay chỉ sau một đêm, có quá nhiều người vợ góa chồng; họ nén tiếng nấc nghẹn trong lòng, góp sức mình bằng nhiều cách khác nhau dẫu biết rằng phía sau là nhà tù, cái chết, và những năm tháng cô đơn dài dằng dặc của kiếp người (Chuyện năm 1968). Năm ấy có người mẹ đau đớn bóp nghẹt sự sống của con mình để cứu sinh mạng hàng chục người xung quanh; có ngôi làng chỉ trong phút chốc không còn sự sống; có những đứa trẻ chưa kịp sống đã phải chết một cách phi lý (Về từ hành tinh ký ức)…

     Những người phụ nữ trong chiến tranh được ví như những đóa sen giữa đời thường, những cánh hoa ngược dòng (Sen hồng trong bão táp – Trầm Hương). Dù ở trong bất cứ tình cảnh ngặt nghèo nào, họ không những giữ được sự kiên trung, bất khuất trước sức mạnh hủy diệt của kẻ thù; mà còn khiến chúng phải cúi đầu, khâm phục trước vẻ đẹp bao dung, nhân hậu vị tha của người phụ nữ Việt Nam. Nghị lực phi thường trong chiến tranh, hay cuộc chiến không khoan nhượng bảo vệ công lý, nhân phẩm sau khi hòa bình lập lại của những người phụ nữ Việt khiến thế hệ trẻ kinh ngạc, ngưỡng mộ. Họ được ví như những ngọn lửa của ý chí, khát vọng, sức sống không bao giờ tắt dù trong bất cứ nghịch cảnh nào (Trần Tố Nga – Đường trần – Ngọn lửa không bao giờ tắt).

     Với thể loại phi hư cấu, các tác giả đã trở thành người thư ký trung thành của thời đại, nói về thế hệ mình – tiếng nói được cất lên từ lương tâm người lính, từ ý thức trách nhiệm của Một Con Người với Tổ quốc, quê hương, với đồng đội – những người còn sống, những người đã khuất, với thế hệ hôm nay và mai sau. Mỗi tác phẩm vang lên như một khúc tráng ca để các thế hệ tự hào, kiêu hãnh về những năm tháng đã sống, chiến đấu và hi sinh một phần tuổi thanh xuân. Nó còn là một khúc nguyện cầu an ủi, xoa dịu, hóa giải cho những thiệt thòi, mất mát, đau thương của các linh hồn đã khuất. Câu chuyện chân thật của người lính về chính mình và đồng đội đã truyền được cảm xúc cho người nghe; và chắc chắn sẽ còn sống lâu dài trong tâm khảm những người đã từng hay chưa từng bước qua cuộc chiến.

Nguồn: Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307, tháng 4 năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)